TIỂU SỬ
TỔ VĨNH NGHIÊM
(1840-1936)
Thiền Gia Pháp Chủ Giáo Hội Tăng Già Bắc Việt
oOo
Ngài thế danh là Nguyễn Thanh Đàm(1) pháp hiệu là Thanh Hanh, sinh năm 1840 tại làng Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội) trong một gia đình thi lễ. Năm lên bảy tuổi, Ngài được gia đình cho theo học chữ Nho. Nhờ có sẵn thiên tư, lại được cha rèn thầy dạy, nên việc học của Ngài tiến bộ nhanh chóng. Tuy nhiên, Ngài lại không thích đời trần tục mà lại có ý muốn xuất gia.
Mặc dầu được cha mẹ thương yêu, nặng tình cốt nhục cố ngăn cản, Ngài vẫn một lòng xin song thân cho phép đi tìm cuộc sống thanh thoát nơi thiền gia. Cuối cùng Ngài được toại nguyện. Lên mười tuổi (1850), Ngài đến làm lễ xuất gia với vị Hòa Thượng họ Nguyễn ở chùa Hòe Nhai – Hà Nội.
Năm lên 18 tuổi (1858), Ngài được về chùa Vĩnh Nghiêm, tỉnh Bắc Giang tiếp tục tu học dưới sự chỉ dẫn của Hòa Thượng Tâm Viên.
Năm 20 tuổi (1860), Ngài thọ Cụ-túc giới tại Đại Giới Đàn chùa Vĩnh Nghiêm. Sau đó Ngài vẫn tiếp tục ở lại chùa tu hành nghiên cứu giáo lý. Ngài tu học rất tinh tấn và trở thành một nhân vật rường cột của Tổ đình này.
Năm 30 tuổi (1870), nghĩa lý đã làu, đạo thiền đã thấu, Ngài được nghiệp sư cử vào tỉnh Ninh Bình giảng dạy Phật Pháp cho Tăng Ni, khi ở chùa Phượng Ban, lúc tới chùa Hoàng Kim, lại về chùa Phúc Tỉnh v.v… Đến chỗ nào, Ngài cũng chỉ thiết tha một niềm: lấy việc hoằng dương Chánh Pháp, giáo hóa Tăng Ni làm phận sự. Ngài luôn tâm niệm làm mọi việc lợi lạc cho tín đồ là sứ mệnh của người xuất gia. Ròng rã ba mươi năm Ngài làm Pháp Sư, đem đạo dạy đời. Trong thì Tăng Ni, ngoài thì thập phương Thiện Tín, ai cũng được thấm nhuần mưa pháp. Nhờ vậy mà đệ tử của Ngài nhiều người thành bậc đạo hạnh thuần nhã, tín căn kiên cố.
Năm Canh Tý (1900), Ngài 60 tuổi, sư huynh của Ngài là Hòa Thượng Thanh Tuyền viên tịch. Ngài trở về Tổ đình Vĩnh Nghiêm và được sơn môn suy cử vào ngôi kế đăng. Từ đó Tăng chúng và tín đồ thường gọi Ngài là Tổ Vĩnh Nghiêm.
Trong cương vị đứng đầu một ngôi Tổ đình lớn vào bậc nhất miền Bắc, công việc điều hành đa đoan, Ngài vẫn không sao nhãng việc hoằng dương Chánh Pháp, đào tạo Tăng tài, bồi dưỡng lớp kế thừa. Ngài thường xuyên lui tới trường Viễn Đông Bác Cổ ở Hà Nội, tìm tòi tam tạng kinh điển Đại Thừa, rồi xin phép Ban Giám Đốc cho đồ chúng đem bút giấy vào sao chép về, cho khắc ván ấn hành nhiều bản. Bước đi tiên phong của Ngài đã gây nên phong trào các sơn môn lớn trên đất Bắc đua nhau sao chép và in ấn kinh sách, giúp Tăng Ni và Cư Sĩ có tài liệu tham cứu. Nhờ đó mà các thiền môn có được những bộ kinh quý hiếm như kinh Hoa Nghiêm Sớ Tấu, kinh Đại Bát Nhã, kinh Đại Bảo Tích, kinh Duy Ma Cật, kinh Trường A Hàm, luật Tứ Phần Tu Trì, luật Trừng Trị Tục Khắc và các bộ luận về môn Duy Thức với bộ Phụ Giáo Biên v.v… Các bộ kinh, luật, luận ấy được khắc ván và in, đều có mang lời tựa và lời bạt của Ngài. Ngày nay chúng ta đọc lại những bài ấy sẽ thấy sức học của Ngài rất uyên thâm, sự hiểu biết sâu sắc, lòng vị chúng của Ngài rất thống thiết.
Ngài luôn quan tâm đến việc chấn hưng Phật Giáo, quy tụ các sơn môn về một mối. Hoạt động của Ngài và Tăng hữu cho mục đích cao cả đó đã vang dội tận miền Nam nên năm 1929, Hòa Thượng Khánh Hòa đã cử Thiền Sư Thiện Chiếu ra Bắc gặp các sơn môn để bàn việc thành lập Việt Nam Phật Giáo Tổng Hội nhưng vì cơ duyên chưa thuận, việc không thành. Sau đó miền Nam, rồi miền Trung lần lượt thành lập các Hội Phật Giáo. Miền Bắc đến ngày 5-12-1934, Bắc Kỳ Phật Giáo Hội mới chính thức được thành lập. Hội đã thỉnh cầu Ngài làm Thiền Gia Pháp Chủ. Tuy tuổi Ngài lúc đó đã 94, sức khỏe đã giảm sút nhiều nhưng vì ước nguyện mấy chục năm nay của Ngài đã thành sự thật, nên Ngài vẫn vui vẻ nhận lãnh nhiệm vụ nặng nề ấy. Trong lễ suy tôn tổ chức rất long trọng tại chùa Quán Sứ(2) Ngài đã kêu gọi Tăng sĩ theo nguyên tắc Lục Hòa của Phật dạy mà bỏ hết dị biệt của tông nọ phái kia để dốc lòng chấn hưng Phật Giáo.
Tuy vậy, sự bất đồng ý kiến của một số sơn môn với Bắc Kỳ Phật Giáo Hội vẫn xuất hiện. Đó là việc hai chùa Linh Quang (Bà Đá) và Hồng Phúc cho phát hành tờ Tiếng Chuông Sớm vào giữa năm 1935, lúc đó tờ Đuốc Tuệ, cơ quan ngôn luận của Hội Bắc Kỳ Phật Giáo chưa xuất hiện. Sự bất đồng ý kiến kéo dài từ giữa cho đến cuối năm 1935, nặng nề nhất là việc hai Tổ đình Linh Quang và Hồng Phúc phối hợp với các chùa chi nhánh tại Hà Nội và các tỉnh để tổ chức Bắc Kỳ Phật Giáo Cổ Sơn Môn. Trước tình trạng đó Hòa Thượng Thanh Hanh đã tìm mọi cách hòa giải, Ngài thường xuyên lui tới các Tổ đình trên để đả thông và thuyết phục. Nhờ vậy mà sự bất đồng ý kiến trước đó dần dần nhường chỗ cho sự cộng tác. Đầu tháng Chạp năm 1935, tờ Đuốc Tuệ ra mắt độc giả, báo Tiếng Chuông Sớm liền viết bài chào mừng và đăng những bài có tinh thần hòa giải và cởi mở.
Sau bao năm tận tụy phục vụ Đạo Pháp, đào tạo Tăng tài, góp sức cho phong trào Chấn Hưng Phật Giáo, hòa giải những ý kiến dị biệt, đưa các sơn môn miền Bắc về chung một mái nhà Phật Giáo, công đức của Ngài vô cùng to lớn. Đã đến lúc Ngài có thể trút bỏ thân tứ đại để trở về cõi Tây Phương Cực Lạc; ngày mùng 8 tháng 12 năm Bính Tý (1936), Ngài viên tịch tại chùa Vĩnh Nghiêm, hưởng thọ 96 tuổi đời, 86 tuổi đạo.
Ý nguyện hòa hợp Tăng-già, thạnh hưng Phật đạo để làm mẫu mực cho đời và hy vọng giải thoát chúng sanh của Ngài vẫn còn mãi mãi…
— oOo —
CHÚ THÍCH:
(1) Theo Nguyễn Lang trong Việt Nam Phật Giáo Sử Luận tập III (trang 149), Hòa Thượng Thanh Hanh thế danh là Nguyễn Thanh Đàm, nhưng theo tài liệu viết về Tổ Thuyền Gia Pháp Chủ (do Đại Đức Thích Gia Quang ở Phân Viện Nghiên Cứu Phật Học Hà Nội cung cấp) thì ghi rằng Ngài họ Bùi.
(2) Có sự khác biệt về thời gian tổ chức buổi lễ giữa một số tài liệu viết trước và sau này. Xin xem chi tiết buổi lễ này trong bài đọc thêm (nguyên văn) bên dưới.
BÀI ĐỌC THÊM:
Lễ suy tôn Sư Tổ Vĩnh Nghiêm lên ngôi vị
Thiền Gia Pháp Chủ Hội Phật Giáo Bắc Kỳ
(Theo NINH THỊ SINH – Tạp chí Nghiên Cứu Phật Học, số 1 năm 2016)
Vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, dưới ảnh hưởng của phong trào Chấn Hưng Phật Giáo trên thế giới, từ Sri Lanka, Ấn Độ đến Trung Quốc, ở nước ta cũng xuất hiện cuộc vận động chấn hưng Phật Giáo, đưa đến sự ra đời của các tổ chức Phật Giáo trên lãnh thổ cả ba miền, tiêu biểu là Hội Nghiên Cứu Phật Học Nam Kỳ (1931), Hội Phật Học An-Nam (1932) và Hội Phật Giáo Bắc Kỳ (1934). Các tổ chức Phật Giáo này đều chủ trương gạt bỏ những yếu tố mê tín dị đoan trong sinh hoạt tôn giáo, thực hiện tế độ chúng sinh thông qua các việc giảng pháp, dịch kinh sách Phật Giáo từ Hán ngữ ra quốc ngữ, xuất bản báo chí Phật Giáo, mở trường Phật học, chú trọng cứu tế xã hội, v.v…
Hội Phật Giáo Bắc Kỳ ra đời ngày 6/11/1934 theo quyết định số 4283 của Thống Sứ Bắc Kỳ, muộn hơn so với hai Hội Phật Học ở Trung Kỳ và Nam Kỳ nhưng lại phát triển nhanh chóng. Chỉ hơn một năm sau khi ra đời, các Chi Hội của tổ chức Phật Giáo này được thành lập khắp nơi trên địa bàn. Hội Phật Giáo Bắc Kỳ được thành lập là tâm huyết của các vị Tăng sĩ trẻ lúc bấy giờ cùng với các nhà trí thức, các cư sĩ mộ đạo liên kết với một số nhân vật chính quyền có thế lực được người Pháp tin cậy.
Phong trào Chấn Hưng Phật Giáo được đề cập trong một số cuốn sách viết về lịch sử Phật Giáo Việt Nam. Trong số các tác phẩm đó, trước hết phải kể tới cuốn sách Việt Nam Phật Giáo Sử Lược của Thích Mật Thể. Trong tác phẩm này, phong trào Chấn Hưng Phật Giáo được trình bày ngắn gọn trong ba trang của chương X với tựa đề “Phật Giáo hiện đại”. Nội dung chấn hưng Phật Giáo được nói tới thông qua việc điểm qua một số thành tựu và hạn chế của phong trào nói chung, các tổ chức Phật Giáo ở ba kỳ nói riêng.
Sang đến cuốn sách Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam do Nguyễn Tài Thư chủ biên, người đọc hình dung cụ thể hơn và chi tiết hơn về phong trào Chấn Hưng Phật Giáo ở nước ta trong chương XVII cuốn sách này với tựa đề “Phong trào Chấn Hưng Phật Giáo trong các thập kỷ đầu thế kỷ XX”. Ở chương này, nội dung chấn hưng Phật Giáo được trình bày cụ thể hơn trên các phương diện như bối cảnh lịch sử, diễn biến, ý nghĩa, nội dung tư tưởng của phong trào. Tuy nhiên, các tác giả mới chỉ trình bày phong trào chung trong cả nước mà chưa đi sâu vào từng vùng miền.
Bộ sách Việt Nam Phật Giáo Sử Luận của Nguyễn Lang ghi nhận một bước tiến trong nghiên cứu phong trào Chấn Hưng Phật Giáo ở Việt Nam so với các công trình trước đó. Ngoài tình hình chung trong cả nước, tác giả bước đầu nghiên cứu phong trào Chấn Hưng Phật Giáo ở Nam Kỳ, Trung Kỳ và Bắc Kỳ. Trong đó, Nguyễn Lang dành chương XXIX của tập III với tựa đề “Công cuộc chấn hưng Phật Giáo ở Bắc Kỳ” trình bày về phong trào này ở miền Bắc. Dựa trên những nguồn sử liệu có giá trị trên các tờ báo Đuốc Tuệ và Tiếng Chuông Sớm, tác giả đề cập tới chấn hưng Phật Giáo ở Bắc Kỳ thông qua một số sự kiện và nhân vật tiêu biểu như: cuộc họp Đại Hội Đồng ngày 18/11/1934, Thiền Sư Thanh Hanh, các Cư Sĩ Thiều Chửu – Nguyễn Hữu Kha, Đồ Nam Tử – Nguyễn Trọng Thuật, Ưu Thiên – Bùi Kỳ, v.v… Tuy nhiên, một vài sự kiện, niên biểu và cách gọi tên của tác giả chưa chính xác.
Dưới góc độ triết học và tư tưởng, chấn hưng Phật Giáo là đối tượng nghiên cứu của bài viết “Phong trào Chấn Hưng Phật Giáo và các vấn đề tư tưởng triết học mà phong trào ấy đã nêu lên ở nước ta trong thời kỳ lịch sử giữa hai cuộc chiến tranh thế giới” của Trần Văn Giàu đăng trên tạp chí Nghiên Cứu Lịch Sử, hai số 139 và 140 năm 1971; tác phẩm Phong Trào Chấn Hưng Phật Giáo Ở Miền Bắc (1924-1954) của Lê Tâm Đắc xuất bản năm 2012 tại Hà Nội.
Ngoài các công trình kể trên, một tác phẩm khác rất có giá trị khi nghiên cứu về phong trào Chấn Hưng Phật Giáo ở Bắc Kỳ là cuốn hồi ký Thành Lập Hội Phật Giáo Việt Nam của Thích Trí Hải, xuất bản năm 2004 tại Hà Nội. Với tư cách là một nhân vật tham dự phong trào Chấn Hưng Phật Giáo ở Bắc Kỳ ngay từ những ngày đầu, tác giả ghi lại nhiều thông tin có giá trị mà không dễ tìm thấy ở các nguồn tư liệu khác. Tuy nhiên, vì là hồi ký, ghi chép các nhân vật và sự kiện sau hơn 30 năm kể từ ngày Hội Phật Giáo Bắc Kỳ được thành lập, nên tác phẩm cũng không tránh khỏi một số nhầm lẫn.
Bên cạnh công trình của các nhà nghiên cứu trong nước, phong trào Chấn Hưng Phật Giáo ở nước ta cũng được đề cập trong tác phẩm của một số nhà nghiên cứu ở nước ngoài. Trong phần “L’engagement politique du bouddhisme au sud du Vietnam dans les années soixante” của tác phẩm Parcours d’un historien du Vietnam, xuất bản năm 2008, nghiên cứu về sự tham dự chính trị của Phật Giáo ở miền Nam Việt Nam trong thập niên 60 của thế kỷ XX, Nguyễn Thế Anh đã quan tâm tới chấn hưng Phật Giáo như một tiền đề của phong trào Phật Giáo những năm 1963-1966 ở địa bàn này. Trịnh Văn Thảo trong tác phẩm Vietnam du confucianisme au communism, tái bản năm 2007, đề cập tới phong trào Chấn Hưng Phật Giáo ở Việt Nam trong bối cảnh chung của cuộc đấu tranh của các nhà trí thức và các nhà tôn giáo làm khuấy động xã hội thời bấy giờ.
Trên cơ sở kế thừa nghiên cứu của những người đi trước, bổ sung thêm nguồn tài liệu mà chúng tôi mới khai thác được ở Trung Tâm Lưu Trữ Quốc Gia I (Hà Nội, Việt Nam) và kho lưu trữ hải ngoại (Aix-en-Provence, Pháp), bài viết này trình bày rõ hơn một sự kiện quan trọng mở đầu cho công cuộc chấn hưng Phật Giáo ở Bắc Kỳ, đó là lễ suy tôn Sư Tổ Vĩnh Nghiêm lên ngôi vị Thiền Gia Pháp Chủ.
Phật Giáo Việt Nam nói chung, Phật Giáo Bắc Kỳ nói riêng, dưới thời Pháp thuộc được ghi nhận là thời kỳ suy đồi và mạt pháp. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới thực trạng này, trong đó trước hết phải kể tới sự xuống cấp về đạo hạnh trong hàng ngũ Tăng-già, sự chia rẽ trong các sơn môn. Thời bấy giờ, ở Bắc Kỳ có chừng bốn trăm sơn môn; mỗi sơn môn có quy củ riêng, việc sơn môn nào thì sơn môn ấy biết. Nhận thức được mấu chốt của vấn đề, các vị nhiệt tâm chấn hưng Phật Giáo ở Bắc Kỳ thấy rằng, muốn vãn hồi tinh thần Phật Giáo, muốn duy trì thế đạo nhân tâm, trước tiên phải lo chỉnh đốn Tăng-già cho kỷ cương và trật tự. Điều này thể hiện ngay trong Điều Lệ xin phép lập Hội gửi tới Thống Sứ Bắc Kỳ, đề cập đến việc thành lập Ban Chứng Minh Đạo Sư. Ban này gồm các vị cao tăng thạc đức có vai trò “chỉ dẫn cho Hội về sự nghiên cứu đạo Phật”. Tiếp đó, trong Bản Quy Tắc riêng (được Đại Hội Đồng ngày 28/11/1934 chuẩn y) ghi rõ: “Ban Đạo Sư bầu lấy một vị Trưởng Ban hiệu là Thuyền Gia Pháp Chủ; bốn viên Cố Vấn để hợp tác với Ban Trị Sự của Hội, một Ban Thư Ký, một Ban Duy Na,… để giúp công việc Ban Đạo Sư”. Giảng kinh, thuyết pháp chẳng phải là việc dễ, không phải vị Tăng nào cũng có thể làm nổi, nhất là người đứng đầu Ban ấy phải là vị “cao đạo, từ bi, được Tăng Ni kính phục tài đức”. Xem xét trong các sơn môn toàn xứ Bắc Kỳ lúc bấy giờ chỉ có Sư Tổ Vĩnh Nghiêm, vì thế, Hội chủ trương thỉnh Sư Tổ Vĩnh Nghiêm giúp cho Ban ấy.
Sư Tổ Vĩnh Nghiêm, pháp hiệu là Thanh Hanh, sinh năm 1840 tại làng Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông; xuất gia từ năm mười tuổi, theo học một vị Hòa Thượng ở chùa Hòe Nhai, Hà Nội. Đến năm mười tám tuổi, ông theo học Sư Tổ chùa Vĩnh Nghiêm. Dốc lòng ham mến Phật Giáo từ nhỏ, tính tình thuần khiết, giới hạnh tinh nghiêm nên học lực của ông tinh tiến khác thường, kinh điển đều làu thông, khế ngộ hết giáo lý Phật Giáo. Năm ba mươi tuổi, ông được Sư Tổ chùa Vĩnh Nghiêm cử đi dạy học ở chùa Bích Động (Ninh Bình), tiếp đó lần lượt ở các tự viện trên địa bàn này như chùa Phượng Ban, chùa Hoàng Kim, chùa Phúc Chỉnh. Khi Sư Tổ Vĩnh Nghiêm qua đời, sơn môn rước ông về chùa Vĩnh Nghiêm kế thế trụ trì.
Ngày 23/12/1934 (tức ngày 17.11.1934 Âm lịch), Hội Phật Giáo Bắc Kỳ làm lễ vía Đức Phật A Di Đà, đón Sư Tổ Vĩnh Nghiêm từ chùa Đức La (Bắc Giang) về chùa Quán Sứ (Hà Nội) chứng kiến hội nghị bầu Ban Chứng Minh Đạo Sư. Buổi lễ có sự tham dự của hơn 300 vị cao tăng khắp các sơn môn trên toàn miền Bắc và hàng ngàn hội viên. Bốn giờ sáng ngày 23/12, đại diện Hội Phật Giáo Bắc Kỳ đi ô-tô lên chùa Vĩnh Nghiêm để đón Sư Tổ về. Khoảng 9g30, ba chiếc ô-tô đón Sư Tổ về đến Hà Nội, đỗ ở cửa chùa Hòe Nhai. “Sư Tổ đã 94 tuổi, người gầy hom hem, thực là tiên phong đạo cốt. Người bận áo vải nâu, giày lộn mũi”. Nghỉ ngơi chừng 15 phút ở chùa Hòe Nhai, Sư Tổ được rước về chùa Quán Sứ. Đám rước được tổ chức giản dị nhưng long trọng. Sư Tổ ngồi trên chiếc xe, hai bên xe có hai đạo đồng bận lối kim đồng ngọc nữ bưng hai lọ hoa đi hầu. Trong đám rước, đáng chú ý nhất là nhóm đạo đồng đưa từ chùa Cổ Lễ lên, cầm phướn vừa đi vừa niệm Phật. Đám rước qua phố Hàng Than, Sở Cẩm Hàng Đậu, phố Hàng Cót, phố Hàng Da, phố Richaud, về chùa Quán Sứ. Tại chùa Quán Sứ, các hội viên đứng chật cả sân chùa và vườn chùa. Trong chùa, đèn nến sáng trưng, khói nhang nghi ngút. Các ông Nguyễn Năng Quốc, Nguyễn Văn Ngọc, Lê Dư và nhân viên Ban Trị Sự ra tận cửa ngoài nghênh tiếp Sư Tổ. Sau khi Sư Tổ được đỡ ngồi vào trong cái đình trước chùa Quán Sứ, Chánh Hội Trưởng Nguyễn Năng Quốc đọc một bài diễn văn chào mừng Sư Tổ và bày tỏ mục đích chấn hưng Phật Giáo của Hội Phật Giáo Bắc Kỳ, kêu gọi sự đoàn kết của cả bên tăng lẫn bên tục để thực hiện cho được mục đích chấn hưng của Hội: “Tăng với tục đồng tâm hiệp lực, cố sức mở rộng đạo Phật ra, làm thành một tôn giáo có trật tự, có học vấn, khiến cho sự tín ngưỡng của nhân chúng được sở cứ vào chỗ chắc chắn vững vàng”. Sau khi Chánh Hội Trưởng đọc xong, Sư Tổ cảm tạ các vị trong Hội và để cho vị Tăng Cang chùa Phúc Chỉnh thay mặt đọc bài đáp từ. Trong bài đáp từ của mình, Sư Tổ Vĩnh Nghiêm ra lời kêu gọi “bỏ hết mọi sự hiềm khích của tông nọ phái kia, một lòng sùng bái Đức Phật chí tôn, ra công bảo trợ Hội Phật Giáo làm được hoàn toàn mọi việc, để Phật lý ngày một xương minh, cho quần sinh được vui vẻ nương nhờ dưới bóng Bồ-đề mà thoát khỏi vòng trầm luân khổ ải”, cùng nhau làm cho tiền đồ của cuộc chấn hưng mau được thành tựu. Sang buổi chiều, Hội Phật Giáo Bắc Kỳ họp Hội Đồng bầu Cố Vấn và Ban Chứng Minh Đạo Sư. Tại cuộc họp này, các vị Tăng Ni thỉnh Sư Tổ Vĩnh Nghiêm làm Trưởng Ban Chứng Minh Đạo Sư, cử 4 vị Tăng làm Cố Vấn chính thức trong Ban Quản Trị và 4 vị dự khuyết.
Ngày 23/12/1934, với sự tề tựu của các vị cao tăng thạc đức các sơn môn trong toàn xứ Bắc Kỳ dưới mái chùa Quán Sứ, đông đảo hội viên Hội Phật Giáo Bắc Kỳ đã thể hiện sự đoàn kết trong công cuộc chấn hưng Phật Giáo ở đất Bắc và “lấy làm mừng cho cái tiền đồ của cuộc chấn hưng Phật Giáo mà quý Hội theo đuổi từ đây”. Theo ghi nhận của báo chí đương thời, ngày 23/12/1934 thực sự là “một ngày đại hội cộng đồng của Phật Giáo” đánh dấu chính thức “sự phát khởi phong trào vận động chấn hưng Phật Giáo ở đất Bắc”.
Tiếp đó, trong cuộc họp ngày 24/12/1934 của Ban Quản Trị và Ban Chứng Minh Đạo Sư, cộng đồng đã duyệt y Bản Quy Tắc của Ban Đạo Sư. “Bản quy tắc này do các sư cụ trong xứ Bắc Kỳ hội họp ở chùa Quán Sứ, Hà Nội thảo nên. Trong quy tắc, các vị Tăng chúng suy tôn Sư Tổ Vĩnh Nghiêm làm Thiền Gia Pháp Chủ”.
Đến ngày 11 và 12/1/1936, Hội Phật Giáo Bắc Kỳ tổ chức lễ suy tôn Thiền Sư Thanh Hanh lên ngôi vị Thiền Gia Pháp Chủ. Thực ra, lúc đầu Hội xin phép Thống Sứ Bắc Kỳ tổ chức lễ suy tôn vào ngày 10/12/1936. Nhưng do ngày đó đức vua vừa băng hà, nên Hội lùi sang hai ngày 11 và 12/1/1936, tức là hai ngày 17 và 18/12/1935 Âm lịch.
Ngay từ ngày 11/1/1936, không khí trong chùa Quán Sứ đã trở nên nhộn nhịp, khác hẳn ngày thường. Hàng vạn hội viên tấp nập kéo về dự lễ. Buổi lễ tuy giản dị nhưng trang nghiêm và long trọng, với sự chứng kiến của Thống Sứ Bắc Kỳ Tholance, quan Võ Hiển Hoàng Trọng Phu, quan Đổng Lý Phủ Thống Sứ Douguet, Thống Sứ Hàm Tissot, Giám Đốc Trường Viễn Đông Bác Cổ Coedès, Hội Trưởng Hội Phật Học An Nam Nguyễn Khoa Tân nguyên Thượng Thư Bộ Hộ, các vị trong Ban Đạo Sư cùng “một ngàn Tăng Ni ở khắp Bắc Kỳ và hàng mấy ngàn Thiện Nam, Tín Nữ tới dự”. Buổi lễ suy tôn thu hút sự chú ý của báo giới đương thời. Báo L’Annam Nouveau số ra ngày 16/1/1936 đưa tin về lễ suy tôn Thiền Gia Pháp Chủ.
Đúng 9 giờ 30 sáng, sau khi các vị đại biểu có mặt đông đủ, lễ suy tôn chính thức bắt đầu. Sư Tổ Vĩnh Nghiêm xuất hiện với dáng vẻ tiên phong đạo cốt “da mồi tóc bạc, thân gầy mắt lõm, đeo cặp kính đồi mồi, mình bận chiếc áo rộng điều, đầu đội mũ ni”. Sau bài diễn văn của Hội Trưởng Nguyễn Năng Quốc; bài chúc mừng của các vị đại biểu; bài đáp từ của Sư Tổ; là phần chính của lễ suy tôn. Hai vị hội viên Hội Phật Giáo Bắc Kỳ bưng hai cái khay, một cái để chiếc mũ hoa sen nạm vàng, một cái để ấn Thiền Gia Pháp Chủ từ trên Phật điện xuống đặt ở cái bàn trước mặt Sư Tổ Vĩnh Nghiêm. Một vị Tăng sĩ từ trên Tam Bảo đi xuống kính cẩn cầm mũ đội cho Sư Tổ Vĩnh Nghiêm và phụng giao ấn tín. Sau đó, một bài tán bằng chữ Hán được đọc để chúc mừng Thiền Gia Pháp Chủ. Lễ suy tôn cáo thành, Thống Sứ Bắc Kỳ Tholance đến bắt tay và nói mấy câu chúc mừng Sư Tổ Vĩnh Nghiêm. Đến 12 giờ, Hội Phật Giáo Bắc Kỳ mời quan khách ăn trưa tại chùa Quán Sứ. Hơn 400 mâm cỗ chay được chuẩn bị để thiết khách. Nhân dịp này, Hội phát Kinh Thiện Sinh do Ban Khảo Cứu mới dịch ra quốc ngữ cho thiện tín thập phương.
Lễ suy tôn Thiền Gia Pháp Chủ là “một lễ rất trọng thể từ xưa đến nay mới có một ở trong Phật Giáo giới nước ta vậy”. Đối với Hội Phật Giáo Bắc Kỳ, việc lựa chọn hai chữ “Pháp Chủ” mà suy tôn Sư Tổ Vĩnh Nghiêm cho thấy mục đích rất chính đáng và ý nghĩa sâu xa. Suy tôn một vị Thiền Gia Pháp Chủ, với áo mũ cùng ấn tín, thể hiện mong muốn củng cố kỷ cương trật tự trong Phật Giáo Bắc Kỳ, quy tụ Tăng Sĩ và Cư Sĩ dưới một sự lãnh đạo thống nhất, “chính giáo thu về một mối”. Hơn nữa, buổi lễ cũng là dịp để củng cố mối liên lạc giữa các Phật Tử trong ngôi nhà chung Phật Giáo Bắc Kỳ. Đối với bên ngoài, buổi lễ là “khởi điểm cho mối tình liên lạc của tín đồ Phật Giáo hai kỳ”. Với những ý nghĩa như trên, ngày 12/1/1936 “thực là ngày rực rỡ vẻ vang cho Phật Giáo ở Bắc Kỳ”./.