Tinh thần Nhập Pháp Giới trong Kinh Hoa Nghiêm (Tu học bậc Lực GĐPT)

0

 

 

TINH THẦN NHẬP PHÁP GIỚI TRONG KINH HOA NGHIÊM

(Phẩm Nhập Pháp Giới – nói về việc đồng tử Thiện Tài cầu học với 53 vị Thiện Tri Thức)

Bài giảng của Thượng Tọa Thích Nhuận Châu
dành cho Huynh Trưởng học viên bậc Lực năm thứ V

I. DẪN NHẬP:

Khởi đi từ Bồ-đề tâm, Thiện Tài Đồng Tử quyết chí cầu học. Phát khởi chí nguyện Đại Thừa, lại mong thực hiện cụ thể chí nguyện ấy, Thiện Tài bèn thưa với Bồ-tát Văn-thù rằng: “Như cõi đất không hề dao động khi mang gánh nặng bằng sức mạnh đại bi; như kho tàng trí tuệ nuôi dưỡng thế gian, con nguyện bước lên cỗ xe tối thượng như vậy.”

Bối cảnh gần giống như Kinh Kim Cang, Tu-bồ-đề hỏi Phật cách hàng phục tâm để thành tựu chánh đẳng chánh giác. Ở đây Bồ-tát Văn-thù quay lại với dáng điệu trầm hùng của con voi chúa, nói rằng: “Lành thay! Lành thay! Ngươi đã phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác, lại còn mong gần gũi các Thiện Tri Thức để học hỏi Bồ-tát hạnh.”

Đây cũng là cung cách hùng dũng của con sư tử đang vươn mình, cung cách uy mãnh của chí nguyện Đại Thừa. Từ đó, chúng ta thấy thời gian sống của mỗi bản thân chỉ có ý nghĩa khi chúng ta biết dấn thân, dõng mãnh, đem tình yêu thương xua tan bóng đêm. Muốn vậy, Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử phải tu học để thể hiện hành vi thực tiễn của chí nguyện đó. Cần nhận thức rõ sứ mệnh của người Huynh Trưởng là tu học và đảm nhiệm việc giáo dục. Để làm tròn sứ mệnh này, Huynh Trưởng nên theo bước chân cầu học của Thiện Tài. Đó chính là tiến trình nhập Pháp Giới.

Pháp giới là gì? Đó là chân tâm, là cảnh giới vô sai biệt, bao hàm mọi cảnh giới của thánh và phàm, của vũ trụ và vạn tượng (đặc tính này bao gồm LÝ – SỰ – THỂ – TƯỚNG – DỤNG – NHÂN – QUẢ của pháp giới). Như hoa sen trong kinh Pháp Hoa là ẩn dụ, Hoa Nghiêm là ẩn dụ của pháp giới (dù đã đi khắp vũ trụ vẫn chưa tận cùng được pháp giới, vì vũ trụ chỉ là hạt bụi trong pháp giới). Pháp giới rộng lớn, bao trùm khắp vũ trụ, không có gì ra ngoài pháp giới. Bóng dáng pháp giới tức chân tâm ta thì gần kề và hiển hiện khắp nơi nhưng ta không thấy được. Vì sao? Vì chưa thấy pháp giới có nghĩa là chưa nhập Pháp Giới. Để thấy, phải rõ 3 yếu tố THỂ-TƯỚNG-DỤNG. Giác ngộ 3 yếu tố là chìa khóa để nhập Pháp Giới (giải thoát – tự tại vô ngại).

Đến với các em, với sứ mệnh giáo dục, Huynh Trưởng sẽ mở rộng tấm lòng. Sự tu tập là NHÂN để nhập pháp giới, để thành tựu mọi công hạnh của Bồ-tát đạo. Huynh Trưởng thấy rõ 3 yếu tố trên thì hành hoạt của mình không còn bị chướng ngại nữa.

 

II. Tóm tắt ý nghĩa bài học tự thân từ phẩm Nhập Pháp Giới

A/ Bốn điều Huynh Trưởng trang nghiêm tự thân theo tinh thần Hoa Nghiêm:

1) Pháp giới Hoa Nghiêm là thế giới của hàng Bồ-tát, không có mặt tham ái – chấp thủ, là thế giới trí tuệ và tình thương, thế giới của ánh sáng. Vì vậy học kinh Hoa Nghiêm là phải chuyển hóa tâm thức mình theo ánh sáng đó mới có thể hiểu được ngôn ngữ của Phật Giáo (không phát Bồ-đề tâm, không có tình thương, không cùng ngôn ngữ nhà Phật sẽ không thể hiểu ngôn ngữ của pháp giới này).

2) Trong thể tánh của pháp giới, không có chủ thể và đối tượng, không có ta hay chúng tôi, vì ta cũng chính là chúng tôi; một là tất cả và tất cả là một; một sát-na cũng là thiên thu bất tận, vì một hạt cát cũng là tam thiên đại thiên thế giới (không ích kỷ là vô ngã).

3) Trong thể tánh pháp giới, ở đâu cũng có Phật: “Phật, chúng sanh tánh thường rỗng lặng”, như lưới trời Đế Thích phản chiếu ánh sáng, làm hiện bày ra vô số Phật và Bồ-tát. Có thể hiểu là khi chúng ta mở được con mắt từ bi và trí tuệ ra thì một lúc nào đó, ở một nơi nào đó, ta có thể cũng có khả năng cứu khổ những người chung quanh ta bằng tình thương nơi chính mình.

4) Thể nhập pháp giới Hoa Nghiêm tức là vào một thế giới phi hiện tượng, phi thời gian, không quá khứ, không vị lai, chỉ có hiện tại (thực tại hiện tiền là cảnh giới tối cao của Thiền).

Trang nghiêm được 4 điều trên, chính là Bồ-tát đi vào cuộc đời như một người bình thường, làm ăn chăm chỉ, không khoa trương, không tô vẽ Hoa Nghiêm mà âm thầm thẩm thấu trọn vẹn trong mình.

B. Thiện Tài tham học 53 Thiện Tri Thức:

B.1) Bối cảnh ban đầu, gặp Bồ-tát Văn-thù:

Bồ-tát Văn-thù biểu tượng cho đại trí, và với Bồ-đề tâm, Ngài bắt đầu con đường du hóa của mình, ngài dừng lại nơi cửa Đông, an trú nơi đạo tràng trang nghiêm trong rừng. Nơi đó có một ngôi cổ tháp lớn. Đây là nơi trước kia Chư Phật giảng pháp. Trong số những thanh niên đến nghe pháp, Văn-thù chú ý đến một con người có phong cách rất đặc biệt, đó là Thiện Tài. Thiện Tài khi còn trong thai mẹ thì trong nhà hiện ra nhiều thứ châu báu, vàng bạc, pha lê, lưu ly, mã não… Điều đó có nghĩa là Thiện Tài trong thai tạng đã có tác dụng làm ngôi nhà ngời sáng. Do nhân duyên đó nên khi Thiện Tài vừa sanh, cha mẹ mời các thầy tướng số đến, cùng đặt tên cho cậu bé là Thiện Tài. Thiện Tài trong nhiều đời kiếp đã từng cúng dường Chư Phật, trồng sáu căn lành, đức tin rộng lớn. Thiện Tài cũng thường hay gần gũi các vị Thiện Tri Thức, thường thực hành Bồ-tát đạo. Như vậy Thiện Tài nhờ có những căn lành rộng lớn mới được Bồ-tát Văn-thù tìm đến khai ngộ. Từ đó, Huynh Trưởng chúng ta cần hiểu là do gieo nhân tu học nên Huynh Trưởng thường được nghe pháp, vì thế phải tinh cần hơn.

Bồ-tát Văn-thù khai ngộ cho Thiện Tài, dạy Thiện Tài phát Bồ-đề tâm để nhận ra được những khổ đau sinh tử trầm luân của trần thế mà không bị đắm nhiễm. Huynh Trưởng hãy hình dung từng bước đi của Thiện Tài có mình và đàn em của mình sau này để không thối thất Bồ-đề tâm. Được Văn-thù khai mở Bồ-đề tâm, Thiện Tài cảm thấy một cuộc đời mới bắt đầu, cuộc đời của một hữu tình vừa giác ngộ, muốn lập Bồ-tát nguyện, học Bồ-tát đạo, tu Bồ-tát hạnh. Phải chăng các anh chị Huynh Trưởng cũng có những lúc cảm nhận như vậy? Tạ từ tôn sư, Thiện Tài một mình dong ruổi đường xa, dấn thân vào chốn núi rừng u tịch, bắt đầu tiến trình nhập pháp giới qua con đường Bồ-tát đạo.

Văn-thù đã chỉ đường cho Thiện Tài đi về phương Nam, đến núi Diệu Phong, tìm Đức Vân Tỷ-khưu đang tu Bồ-tát hạnh. Như Thiện Tài, các anh chị của Áo Lam chúng ta cách đây 70 năm cũng bắt đầu như vậy.

B.2) Cầu học với Đức Vân Tỷ-khưu:

Thiện Tài theo lời dạy của Bồ-tát Văn-thù, đến núi Diệu Phong tìm Đức Vân Tỷ-khưu nhưng tìm hoài không gặp. Không nãn chí, Thiện Tài đi quanh núi 7 ngày. Sau đó Thiện Tài mới thấy một vị Tăng đang chậm rãi đi kinh hành ở đỉnh núi, toát ra đức hạnh uy nghi như ngọn núi cao mà ngài đang sống.

Văn-thù dạy Thiện Tài tìm Đức Vân Tỷ-khưu, nhắc nhở người sơ tâm khi học đạo cần tìm người đức hạnh để nương theo. Đức hạnh là điều quan trọng nhất, và trong đạo Phật, thường người xuất gia mới có đủ đức hạnh như vậy. Thế nên, sự hành hoạt, giáo dục của Gia Đình Phật Tử không bao giờ rời khỏi Bản Thệ Tăng-già, không rời khỏi đức độ, nguyện lực của Chúng Trung Tôn. Học đạo trước tiên phải nương tựa người có phước đức và giới hạnh.

Tỷ-khưu Đức Vân cho Thiện Tài biết là sở đắc của ông chỉ có chừng này, còn Bồ-tát đạo thì vô lượng, nên Thiện Tài cần tiếp tục cầu học với Hải Vân Tỷ-khưu.

B.3) Cầu học với Hải Vân Tỷ-khưu:

Đi tiếp về phương Nam, Thiện Tài đến nước Hải Môn, gặp Tỷ-khưu Hải Vân học được trí tuệ sau khi đã hoàn tất việc học đạo đức ở giai đoạn đầu. Kinh ghi Hải Vân Tỷ-khưu nhờ quan sát biển cả mà tu, đạt đến “trí tuệ như hải”.

Quán sát biển rộng bao la và sâu thẳm, tâm Hải Vân Tỷ-khưu rộng lớn, dung chứa được muôn loài. Từ loài nhỏ nhất đến loài lớn nhất, hình dáng sinh hoạt tuy khác, nhưng đều dung hòa sống yên ổn trong lòng Tỷ-khưu Hải Vân. Đức Phật đã từng dạy trong tâm người cũng có của báu, nếu biết khai thác sẽ đạt được giác ngộ. Học cách quan sát biển mênh mông, tâm chúng ta sẽ rộng theo. Biển chưa nhiều của quý và tâm chúng ta nếu biết dung chứa thì sẽ biết cứu giúp nhiều người.

Tỷ-khưu Hải Vân cho biết Ngài đứng ở bờ sinh tử, thấy cuộc sống nhân sinh nhiều dạng như vậy nên muốn hành đạo thì phải vào cuộc đời để thể nghiệm pháp tu. Ngài khuyên Thiện Tài nên đi tìm Thiện Trụ Tỷ-khưu để ứng dụng những điều đã học vào cuộc đời.

Với hai vị Tỷ-khưu đức hạnh và trí tuệ nhưng rất khiêm tốn, chỉ tiếp đường cho Thiện Tài đi tìm học tiếp; thật là một bài học đáng trân trọng. Từ việc học tập gương đức hạnh, Thiện Tài tiếp tục học kinh luật để phát triển tri thức và phải tìm cách vận dụng vào cuộc đời. Huynh Trưởng chúng ta thọ giới, học pháp thì phải tìm phương cách chuyển tải tri thức và pháp tu đến cho đàn em.

B.4) Cầu học với Thiện Trụ Tỷ-khưu:

Đi tiếp về phương Nam, Thiện Tài đến núi Lăng-già thì gặp Tỷ-khưu Thiện Trụ đang đi kinh hành trong hư không. Lăng-già (Laṅkāvatāra-sūtra) là bộ kinh dạy về pháp Tổng Trì, tức đại định để đạt tâm Không. Đi kinh hành trên hư không tức là an trú trong pháp Không. Tâm Tỷ-khưu Thiện Trụ hoàn toàn thanh thản, không chấp trước, không vướng mắc bất cứ điều gì. Vì khéo an trụ như vậy nên mới có tên là Thiện Trụ. Ở đây, Thiện Tài được dạy pháp hành an trú trong định. Thiện Trụ tuy ngồi một chỗ nhưng tác động tỏa rộng, ảnh hưởng lợi lạc muôn loài. Tất cả hàm linh đều nhận sự giáo hóa của Ngài. Chư Thiên, Dạ-xoa, Càn-thát-bà… đều đến học và cúng dường Ngài. Huynh Trưởng chúng ta học được điều gì? Đối với người không chấp trước thì sống trong ngũ trược vẫn chẳng khác gì Niết-bàn.

TÓM TẮT 3 BƯỚC ĐẦU: Thiện Tài gặp 3 vị Tỷ-khưu tiêu biểu cho 3 hạnh mẫu mực của hàng xuất gia là Giới-Huệ-Định. Rèn luyện 3 pháp hành này rồi mới có đủ tư cách dấn thân vào đời, thực hiện sứ mệnh giáo dục độ sanh. Hàng Huynh Trưởng chúng ta muốn thể nhập Bồ-tát đạo, dấn thân để giáo dục Đoàn Sinh, trước hết phải nương tựa giới đức của Bản Thệ Tăng-già, tu học Phật Pháp, phát Bồ-đề tâm, lập Bồ-tát nguyện mới mong thành tựu ước nguyện.

Tranh miêu tả Thiện Tài Đồng Tử cùng tu học với Bồ-tát Di-lặc.
Theo kinh Hoa Nghiêm, Bồ-tát Di-lặc khảy tay 3 lần để mở Tỳ-lô-giá-na lâu các.
(Nepal, thế kỷ XI-XII).

 

Đến đây, Thiện Tài được giới thiệu đến tham học với vị thứ tư là Thiện Tri Thức Di-già (Mega).

B.5) Cầu học với Di-già:

Tâm Thiện Tài giờ đây đã ổn định. Được giới thiệu, Thiện Tài không ngần ngại theo lời khuyên của Thiện Trụ Tỷ-khưu đến một tụ lạc là “chợ trời”, tìm gặp Di-già để học cách hành đạo của Bồ-tát ở ngay giữa lòng đời.

Di-già buôn bán ở chợ, nơi lòng người buôn bán hơn thua, đố kỵ… đủ loại người. Trên bước đường tu, nếu không học gương Thiện Trụ (khéo léo an trụ, ứng xử an nhẫn) thì những thứ xấu ác trên đời sẽ làm ta phát sinh phiền não và thối thất tâm Bồ-đề. Học tinh thần Thiện Tài, Huynh Trưởng chúng ta cần nhẫn nhục, tiếp xúc với đời trong tinh thần hạ mình cầu học để hành đạo.

Thiện Tài quan sát thấy Di-già buôn bán giữa chợ nhưng không giống bất cứ người buôn bán nào ở trên đời. Xin học với Di-già, quan sát ông, Thiện Tài thấy ông buôn bán, giao dịch đã lâu mà phẩm chất người Phật Tử vẫn còn trọn vẹn. Nội tâm ông hoàn toàn thanh tịnh. Với tâm cung kính, Thiện Tài hỏi Di-già làm cách nào được như vậy. Di-già cho biết nhờ vào chợ ông mới đạt được pháp Tổng Trì Đà-la-ni (dhāraṇī). Có sự phản ảnh tốt xấu, động tịnh trong chợ giúp ông phát hiện ra pháp Tổng Trì. Với thành tựu này, Di-già nhìn cuộc đời, hiểu được người, biết được họ muốn gì và cả cách hành xử của họ nữa. Gặp người ương ngạnh, ông dùng lời êm dịu. Ở chợ đầy tham sân, ông luyện tâm thuần từ. Va chạm với cuộc đời khắc nghiệt ông tu được pháp ái ngữ. Di-già đã truyền dạy cho Thiện Tài pháp tu Đà-la-ni (dhāraṇī). Ông lấy hải ngạn chiên đàn, một loài hương quý dâng cúng Thiện Tài, có nghĩa là khi nhập Pháp Giới, tất cả đều biến thành Phật quốc.

Điều này cho chúng ta một kinh nghiệm cần biết là khi tu hành thanh tịnh, tự rèn luyện thành người cao cả, trí tuệ rộng lớn, không nhiễm trước thì khi bước vào đời, chẳng những không ai hại mà còn gặp người tạo nhân duyên tốt hơn cho mình tu học. Ở chợ chạm với thực tế, là chỗ tranh giành, dối trá, lường gạt, gây gổ… tất cả những cái xấu ác này đập vô mắt, vô tâm, Di-già lấy đó làm đối tượng để hành Bồ-tát đạo. Huynh Trưởng mình cũng có biết bao nhiêu Đoàn Sinh với bao tâm tánh khác nhau, Huynh Trưởng cần kiên nhẫn và chắt lọc phương thức thích hợp tiếp nhận, tác động, để giáo dục đạt hiệu quả.

B.6) Cầu học với Trưởng giả Giải Thoát:

Thiện Tài tiếp tục đi về phương Nam, đến tụ lạc Trúc Lâm, nơi Trưởng giả Giải Thoát sinh sống. Ông có một sự nghiệp rất lớn, rất giàu có nhưng dù không hề quan tâm đến mà tài sản vẫn không bị mất mát. Thiện Tài gặp và thấy được ở Trưởng giả Giải Thoát 3 đức tính: trí tuệ, phước đức và lòng tốt. Ông âm thầm sống với 3 nội tài đó, không biểu hiện ra bên ngoài, không giống như người đời. Điều này gợi cho Huynh Trưởng chúng ta nên nhìn người qua phước đức, trí tuệ và tấm lòng bao dung của họ. Đó chính là phẩm chất của người tu Bồ-tát đạo.

Thiện Tài học được pháp hành đạo của Giải Thoát trưởng giả trong thiền định. Ông khuyên Thiện Tài nên đến cầu học với Hải Tràng Tỷ-khưu.

B.7) Cầu học với Tỷ-khưu Hải Tràng:

Thiện Tài đến lúc Tỷ-khưu Hải Tràng đang nhập định. Thiên Tài kiên trì chờ trong 7 ngày nhưng càng chờ, Tỷ-khưu Hải Tràng càng nhập định lâu hơn. Thiện Tài âm thầm quan sát, học hỏi đến 6 tháng thì tâm chợt tỏ ngộ. Thiền Đại Thừa nhắm vào việc quan trọng là tiếp tâm (tâm truyền tâm). Tỷ-khưu Hải Tràng đã giúp Thiện Tài bừng sáng tâm. Truyền pháp bằng cách tiếp tâm này cũng là cách mà Bồ-đề-đạt-ma (Bodhidharma) thể hiện qua 9 năm ngồi quay mặt vào tường (cửu niên diện bích), nên có sức thu hút Huệ Khả cao đến mức ông đứng ngoài trời băng giá mà không biết lạnh, tuyết ngập đến đầu gối cũng không hay biết.

Thiện Tài học được gì qua Tỷ-khưu Hải Tràng?

Kinh ghi rằng, Thiện Tài thấy:

– Dưới 2 bàn chân của Hải Tràng có vô số Trưởng Giả, Cư Sĩ.

– Từ đầu gối của Hải Tràng xuất hiện trăm ngàn ức Sát-đế-lợi, Bà-la-môn, biểu tượng cho giới quý tộc và trí thức kính phục sự hiểu biết của Tỷ-khưu Hải Tràng đến độ quỳ gối, chắp tay, cúi đầu công nhận ông là bậc thầy. Huynh Trưởng nếu biết tu tập, thực hiện sứ mệnh giáo dục cũng sẽ được xã hội công nhận, trân trọng như vậy.

– Hai bên vai Hải Tràng có vô số A-tu-la Vương và Dược-xoa Vương xuất hiện. Đó là 2 thế lực mạnh bảo hộ. Trên bước đường tu, chúng ta hiền nhưng thường có người mạnh bảo vệ, ta hay gọi là Hộ Pháp Long Thiên.

– Trên mặt Hải Tràng vô số Trời Đế Thích, Phạm Thiên xuất hiện (theo Ấn Giáo, Phạm Thiên sinh ra muôn loài). Tất cả đều cung kính hướng về Hải Tràng.

– Từ 2 mắt, Nhật Luân Vương xuất hiện chiếu khắp mười phương thế giới, tiêu biểu cho ánh sáng mặt trời soi sáng muôn nơi.

– Trên đỉnh đầu Hải Tràng xuất hiện vô số Bồ-tát, Như Lai.

Hải Tràng thiền định, không nói, không làm nhưng mọi việc đều thành tựu tốt đẹp vì đã được ông thực hiện trong thiền định, tạo thành lực tác động trong yên lặng, đó mới là điều quan trọng của sự tu tập.

Từ gương Hải Tràng, Huynh Trưởng chúng ta phải tinh tấn dành thời gian cho việc công phu hằng ngày, thực tập việc hành trì pháp môn. Đối với Thiện Tài thì trong yên lặng thấy được Hải Tràng đang chi phối cả vũ trụ pháp giới. Thiện Tài không học ngôn ngữ văn tự nhưng đã học được tác động sâu xa của thiền định với Trưởng giả Giải Thoát và ứng dụng pháp này để học tuệ giác với Hải Tràng Tỷ-khưu.

Truyền pháp môn Bát-nhã-ba-la-mật cho Thiện Tài xong, Hải Tràng khuyên Thiện Tài đi tiếp về phương Nam để học Bồ-tát đạo với Ưu-bà-di Hưu-xã ở vườn Phổ Trang Nghiêm, xứ Hải Triều.

B.8) Cầu học với Ưu-bà-di Hưu-xã:

Đây là một sự kiện lớn, một thay đổi về mặt tư tưởng được Đức Phật nêu ra trong kinh Hoa Nghiêm và cũng là yếu tố cần thiết để NHẬP PHÁP GIỚI – như Long Nữ trong kinh Pháp Hoa, Thắng-man trong kinh cùng tên và Hưu-xã trong Kinh Hoa Nghiêm, khẳng định khả năng thành Phật của người nữ.

Ý tưởng này trái với tinh thần Phật Giáo Nguyên Thủy, nhưng kinh Hoa Nghiêm lại coi như tiêu biểu. Con người là quyết định. Ai giỏi, tốt thì chúng ta học. Không mang thành kiến, tự ái, vì không học sẽ tối tăm suốt đời. Đó là tinh thần cầu tiến mà kinh Hoa Nghiêm đưa ra. Tương tự, trong kinh Pháp Hoa, Xá-lợi-phất nói người nữ có 5 chướng ngại, không thể thành Phật. Đức Phật đã xóa bỏ hoàn toàn sự cố chấp ấy bằng cách đưa ra hình ảnh Long Nữ thành Phật tức khắc. Với Hưu-xã trong kinh Hoa Nghiêm, tất nhiên có mối liên hệ mật thiết giữa kinh Pháp Hoa và kinh Hoa Nghiêm; Pháp Hoa nhờ Hoa Nghiêm làm sáng hơn.

Hưu-xã có nghĩa là dẹp bỏ ý niệm gò ép. Gò ép người, câu thúc cảnh đều bất lợi vì tư tưởng gò ép, câu thúc sẽ nảy sinh tư tưởng bung ra, phản ứng lại.

Hưu-xã cho biết ai nhìn thấy bà thì dù đau khổ thế nào thì phiền não cũng sẽ tan biến và trở thành quyến thuộc, và từ đó đến khi thành Phật, họ không bao giờ thối thất tâm Bồ-đề.

Hưu-xã nói trong kiếp quá khứ, từ thời Phật Nhiên Đăng, bà đã phát tâm Bồ-đề, xuất gia làm Tỷ-khưu, làm tất cả việc công đức trong pháp giới. Hưu-xã cho biết từ khi phát tâm Bồ-đề, trải qua vô lượng kiếp quá khứ, bà đã thờ kính cúng dường, tịnh tu phạm hạnh, thọ trì pháp với ba mươi sáu ức hằng hà sa Phật. Nghĩa là bà đã thành tựu viên mãn hạnh Bồ-tát, đạt quả vị Vô Thượng Đẳng Giác rồi. Vì thế, tuy bên ngoài mang thân nữ nhưng bên trong đã thành tựu Phật thân. Tinh thần Hoa Nghiêm dạy rằng không có hiện hữu nào của chúng sanh mà không phải là Phật.

B.9) Cầu học với Tỳ-mục-cù-sa, một vị Tiên nhân tu hành theo tôn chỉ ngoài đạo Phật:

Đến đây khởi đầu cho giai đoạn Thiện Tài tiếp cận với những người có tư tưởng khác. Trước khi nhập đạo, tâm còn phân biệt giữa ta theo đạo này, người theo đạo khác; hiểu lầm ngoại đạo nên mới bị họ gây chướng ngại. Nay vào pháp giới phải am tường các hệ tư tưởng khác. Thiện Tài đi tìm Thiện Tri Thức, khao khát chân lý. Nhân cách tốt đẹp này đã tác động đến Tiên nhân Tỳ-mục-cù-sa, ông mới thương kính và trao truyền sở đắc bằng cách xoa đảnh và nắm tay Thiện Tài.

Thiện Tài thấy hoàn toàn đổi khác, thấy các thế giới Phật hiện ra và được nghe pháp âm Chư Phật. Sự tác động này khiến Thiện Tài nhận ra Tỳ-mục-cù-sa là người đắc đạo. Thiện Tài học được với ông pháp Bồ-tát Vô Thắng Tràng Giải Thoát, nghĩa là tự tại giải thoát trong mọi tình huống. Tuy sinh hoạt với ngoại đạo nhưng Thiện Tài có căn cơ Bồ đề tâm, sử dụng được Phật đạo nên thù thắng hơn ngoại đạo.

Từ cốt lõi Phật đạo, mượn hình thức Tiên đạo để từng bước chuyển tâm họ theo Phật đạo. Thầy Tổ chúng ta đã từng vận dụng ý này để truyền bá đạo Phật.

Trong khuôn khổ của khóa tu ngắn ngày, không còn thời gian để nói hết bước đường của Thiện Tài đã học được từ các Thiện Tri Thức qua các bước cầu đạo tiếp theo của Thiện Tài. Xin hẹn anh chị em một dịp khác khi đầy đủ duyên lành. Kính chúc các anh chị em chân cứng đá mềm, ứng dụng được những gì mình đã nghe, đã học vào sứ mệnh giáo dục cao đẹp của chúng ta./.

Thượng Tọa NHUẬN CHÂU giảng ngày 14/10/2017
Bản ghi chép của Huynh Trưởng DIỆU QUANG

Share.

Leave A Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.