Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền

TUYÊN NGÔN

QUỐC TẾ NHÂN QUYỀN

Xét rằng: Nền tảng của tự do, công lý, và hòa bình trên thế giới phải được đặt trên sự nhìn nhận rằng: Mọi thành viên của đại gia đình nhân loại lúc sinh ra đều có nhân phẩm và các quyền lợi bình đẳng bất khả nhượng.

Xét rằng: Hành vi xem thường và chà đạp nhân quyền đã dẫn đến những hành động man rợ, xúc phạm đến lương tâm nhân loại. Sự kêu gọi thiết lập một thế giới trong đó tất cả mọi người phải được hưởng quyền tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, quyền được giải thoát khỏi sự sợ hãi và nghèo khó phải được tuyên cáo như là ước vọng cao nhất của tất cả mọi người.

Xét rằng: Ngoại trừ trường hợp bị bắt buộc sử dụng phương thức bạo loạn như một lối thoát cuối cùng để chống lại sự độc tài và áp bức, nhân quyền phải được triệt để bảo vệ bởi luật pháp.

Xét rằng: Như Hiến Chương Liên Hiệp Quốc đã đề cập, tất cả mọi dân tộc trong cộng đồng Liên Hiệp Quốc đã tái xác nhận niềm tin vào tất cả mọi nhân quyền căn bản, nhân phẩm và giá trị nhân vị, quyền nam nữ bình quyền, và cũng đã quyết định cổ xúy cho các tiến bộ xã hội và cải tiến mức nhân sinh trong bối cảnh ngày càng tự do hơn.

Xét rằng: Các quốc gia Hội Viên đã tuyên thệ hợp tác với Liên Hiệp Quốc, nhằm cổ xúy việc tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do căn bản.

Xét rằng: Để thực hiện đầy đủ cam kết này, việc quảng bá cho mọi người thông hiểu về các quyền con người và các quyền tự do này phải được xem là có tầm vóc quan trọng nhất.

Vì những lẽ đó, nay Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc tuyên cáo Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền này, như là mẫu mực chung cho tất cả mọi dân tộc. Và tất cả mọi quốc gia phải hoàn thành, nhằm mục đích giúp cho tất cả mọi cá nhân và mọi cơ quan tổ chức của xã hội, luôn luôn theo sát tinh thần Bản Tuyên Ngôn, nỗ lực hướng dẫn, giáo dục, cổ xúy tôn trọng các quyền tự do này. Ngoài ra, với những phương thức tiến bộ, trong phạm vi quốc gia cũng như quốc tế, phải bảo đảm được mọi người thừa nhận và tuân hành Bản Tuyên Ngôn một cách có hiệu lực, không những giữa các dân tộc của các nước hội viên với nhau, nhưng còn giữa những dân tộc sống trên các phần đất thuộc thẩm quyền họ cai quản.

Điều 1:

Mọi người sinh ra đều được tự do và bình đẳng về nhân phẩm cũng như quyền lợi. Mọi người đều được phú bẩm về lý trí và lương tâm. Những hành vi giao dịch giữa người này và người khác phải được đặt trên tinh thần huynh đệ.

Điều 2:

Mọi người đều thụ đắc tất cả các quyền và các quyền tự do đặt định trong Bản Tuyên Ngôn này. Không có sự phân biệt về bất cứ lý do gì, như chủng tộc, màu da, phái tính, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến; hay tư tưởng, quốc tịch; hay nguồn gốc xã hội, tài sản, tình trạng sinh nở; hay trạng huống gì khác. Đằng khác, cũng không được có sự phân biệt nào, căn cứ trên quy chế chính trị, tài phán hay quốc tế, của xứ sở hay lãnh thổ mà một người thống thuộc. Cho dù lãnh thổ này là một lãnh thổ độc lập, bảo hộ, không tự cai trị được hay ở trong tình trạng hạn chế về chủ quyền.

Điều 3:

Mọi người đều có quyền sống, quyền tự do, và an ninh thân thể.

Điều 4:

Không ai bị cưỡng bức làm nô lệ hay tôi đòi. Chế độ nô lệ và buôn bán nô lệ dưới mọi hình thức đều bị cấm tuyệt.

Điều 5:

Không một người nào phải chịu cực hình, tra tấn; hay bất kỳ hình thức đối xử hoặc trừng phạt bất nhân; hay có tính cách lăng nhục.

Điều 6:

Ở bất cứ nơi nào, mỗi người đều có quyền được công nhận như một thế nhân trước pháp luật.

Điều 7:

Tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và phải được bảo vệ một cách bình đẳng, không kỳ thị phân biệt. Tất cả đều được quyền bảo vệ ngang nhau, chống lại mọi kỳ thị vi phạm Bản Tuyên Ngôn này cũng như chống lại mọi khiêu khích dẫn đến kỳ thị như vậy.

Điều 8:

Mọi người đều có quyền được bồi thường thỏa đáng trước các tòa án quốc gia đầy đủ thẩm quyền, về các hành vi vi phạm các quyền căn bản do Hiến Pháp và Luật Pháp quy định.

Điều 9:

Không một ai bị bắt bớ, lưu đày một cách độc đoán.

Điều 10:

Mọi người đều có ngang nhau quyền được phân xử công khai và công bằng trước một tòa án độc lập không thiên vị, để được phán quyết về các quyền lợi và nhiệm vụ của mình hay về những tội phạm mà mình bị cáo buộc.

Điều 11:

(1) Mỗi khi bị cáo giác về hình tội, mọi người được xem là vô tội cho đến khi pháp luật chứng minh là có tội, trong một phiên tòa công khai, và tòa án này phải cung ứng tất cả mọi bảo đảm cần thiết cho quyền biện hộ của đương sự.

(2) Không ai có thể bị quy cho bất cứ một hình tội nào dựa trên một hành vi hay một việc bỏ sót không làm, mà tạo nên một hình tội trong phạm vi luật pháp quốc nội hay luật pháp quốc tế, vào thời điểm hành vi đó được thực hiện. Cũng thế, không được áp đặt một hình phạt nào nặng hơn hình phạt đang được áp dụng vào thời điểm hành vi hình phạt xảy ra.

Điều 12:

Không một ai bị xâm phạm một cách độc đoán về đời sống riêng tư, gia đình, nhà ở hay thư tín, cũng như bị công kích danh dự hay tiếng tăm của mình. Mọi người đều có quyền được luật pháp bảo vệ trước những vi phạm và công kích loại này.

Điều 13:

(1) Mọi người có quyền tự do di chuyển và cư trú trong phạm vi biên giới của quốc gia.

(2) Mọi người đều có quyền rời bỏ lãnh thổ bất kỳ nước nào, kể cả nước của mình, và trở về lại.

Điều 14:

(1) Bất cứ ai, vì lý do bách hại, đều có quyền được tị nạn và hưởng sự trú ẩn tại các quốc gia khác.

(2) Quyền này không được viện đến trong trường hợp bị săn đuổi thật sự do các hình phạm ngoài lý do chính trị, hay do những hành vi trái với những mục tiêu và nguyên tắc của Liên Hiệp Quốc.

Điều 15:

(1) Mọi người đều có quyền có quốc tịch.

(2) Không một ai bị tước bỏ quốc tịch hay bị từ chối quyền thay đổi quốc tịch một cách độc đoán.

Điều 16:

(1) Nam và Nữ thuộc tuổi trưởng thành không bị hạn chế về lý do chủng tộc, quốc tịch hay tôn giáo, có quyền kết hôn và lập gia đình. Nam nữ đều có quyền bình đẳng lúc kết ước hôn nhân, trong đời sống vợ chồng và lúc giải ước hôn nhân.

(2) Hôn nhân phải do ý chí tự do và sự ưng thuận hoàn toàn của cả đôi bên phối ngẫu.

(3) Gia đình phải được xem là một đơn vị nhóm tự nhiên và căn bản của xã hội và có quyền được xã hội bảo vệ.

Điều 17:

(1) Mọi người đều có quyền sở hữu tài sản cho riêng mình cũng như kết hợp với những người khác.

(2) Không ai có thể bị tước đoạt tài sản của mình một cách độc đoán.

Điều 18:

Mọi người đều có quyền về tự do tư tưởng, ý thức và tôn giáo. Quyền này bao gồm cả quyền tự do thay đổi tôn giáo hay tín ngưỡng, cũng như quyền tự do một mình hay liên hợp với những người khác, ở nơi công cộng hay trong chỗ tư nhân, biểu dương tôn giáo hay tín ngưỡng của mình bằng cách dạy dỗ, hành lễ, thờ phượng, và tuân giữ giáo pháp.

Điều 19:

Mọi người đều có quyền tự do suy nghĩ và phát biểu tư tưởng. Quyền nay bao gồm quyền tự do lưu trữ ý kiến của mình mà không sợ bị can thiệp; quyền tìm kiếm, thu nhận, và phân phát tin tức và ý kiến qua mọi phương tiện truyền thông bất kể các biên giới quốc gia.

Điều 20:

(1) Mọi người đều có quyền tự do hội họp và lập hội một cách hòa bình.

(2) Không một ai có thể bị cưỡng bách thống thuộc vào một hội đoàn nào.

Điều 21:

(1) Mọi người đều có quyền tham gia vào việc điều hành xứ sở của mình một cách trực tiếp hay qua các đại biểu được tuyển chọn một cách hoàn toàn tự do.

(2) Mọi người đều có ngang nhau quyền được các cơ sở dịch vụ công ích của xứ sở mình phục vụ.

(3) Ý chí của nhân dân phải là cơ sở quyền lực chính quyền. Ý chí này phải được thể hiện qua các cuộc bầu cử định kỳ và nghiêm chỉnh, qua thủ tục phổ thông và bình đẳng đầu phiếu, với hình thức phiếu kín hay các hình thức tự do đầu phiếu tương đương.

Điều 22:

Vì là thành viên của xã hội, mỗi người đều có quyền an ninh xã hội qua các cố gắng của quốc gia và hợp tác quốc tế. Và phù hợp với tổ chức và tài nguyên của mỗi nước, mọi người đều phải được hưởng sự thực hiện các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa không thể thiếu đối với nhân phẩm và sự phát triển tự do của nhân vị.

Điều 23:

(1) Mọi người đều có quyền có công ăn việc làm, quyền tự do chọn việc làm, quyền được hưởng các điều kiện làm việc chính đáng và thuận lợi đối với công việc, và quyền được bảo vệ đối phó với thất nghiệp.

(2) Mọi người, không vì lý do kỳ thị nào, đều có quyền được hưởng công sá bình đẳng như nhau, nếu cùng làm một công việc như nhau.

(3) Mọi người có làm việc đều có quyền được tưởng thưởng công bằng và thích hợp, khả dĩ bảo đảm cho bản thân và gia đình mình một cuộc sống xứng đáng với nhân phẩm, cũng như được trợ giúp nếu cần qua các phương thức bảo vệ xã hội khác nữa.

(4) Mọi người đều có quyền thành lập và tham gia vào các nghiệp đoàn, để bảo vệ quyền lợi của mình.

Điều 24:

Mọi người đều có quyền nghĩ ngơi và tiêu khiển, kể cả giới định số giờ làm việc một cách hợp lý và các ngày nghĩ lễ định kỳ có trả lương.

Điều 25:

(1) Mọi người đều có quyền được hưởng một mức sống phù hợp với sức khỏe và sự no ấm cho bản thân và gia đình bao gồm: thực phẩm, quần áo, nhà ở, y tế và các dịch vụ xã hội cần thiết; quyền an sinh trong lúc thất nghiệp, đau ốm, tình trạng bất khiển dụng, góa bụa, tuổi già hay các tình huống thiếu thốn khác do các hoàn cảnh ngoài khả năng kiểm soát của mình.

(2) Sản phụ và trẻ con có quyền được chăm sóc và trợ giúp đặc biệt. Tất cả mọi trẻ con, sinh có hôn thú hay không, đều được xã hội bảo vệ một cách bình đẳng như nhau.

Điều 26:

(1) Mọi người đều có quyền được giáo dục. Giáo dục phải được miễn phí ít nhất là ở các bậc tiểu học và căn bản. Giáo dục tiểu học phải là một nền giáo dục cưỡng bách. Giáo dục kỹ thuật và chuyên nghiệp phải tổ chức thường xuyên, và giáo dục cao cấp phải được mở rộng bình đẳng cho mọi người trên căn bản tài năng xứng đáng.

(2) Giáo dục phải được điều hướng để phát triển đầy đủ nhân cách và củng cố sự tôn trọng nhân quyền và các quyền tự do căn bản. Giáo dục phải nhằm cổ xúy sự cảm thông, lòng khoan dung và tình hữu nghị giữa mọi quốc gia, mọi nhóm chủng tộc hoặc tôn giáo và hỗ trợ việc phát triển các sinh hoạt của Liên Hiệp Quốc nhằm duy trì hòa bình.

(3) Cha mẹ có quyền ưu tiên chọn lựa thể loại giáo dục dành cho con cái mình.

Điều 27:

(1) Mọi người đều có quyền tự do tham gia sinh hoạt văn hóa cộng đồng, thưởng lãm các bộ môn nghệ thuật và cùng chia xẻ các tiến bộ khoa học cũng như các lợi ích của khoa học.

(2) Mọi người đều có quyền được bảo vệ về tác quyền trên bình diện tinh thần cũng như quyền lợi vật chất đối với các tác phẩm khoa học, văn chương, hay nghệ thuật.

Điều 28:

Mọi người đều có quyền đòi hỏi được sống trong một trật tự xã hội và trật tự quốc tế, trong đó các quyền và các tự do được đề cập trong Bản Tuyên Ngôn này có thể được thể hiện đầy đủ.

Điều 29:

(1) Mọi người đều có nhiệm vụ đối với cộng đồng nào mà chỉ trong đó mới thực hiện được việc phát triển toàn vẹn và tự do nhân cách của mình.

(2) Trong việc hành xử nhân quyền và các quyền tự do, mọi người chỉ phải chịu những hạn chế do luật định, và những hạn chế này chỉ nhằm mục tiêu bảo đảm sự thừa nhận và tôn trọng nhân quyền và quyền tự do của những người khác, cũng như nhằm thỏa mãn những đòi hỏi chính đáng về luân lý, trật tự công cộng và nền an sinh chung trong một xã hội dân chủ.

(3) Trong bất cứ trường hợp nào, nhân quyền và những quyền tự do này cũng không được hành xử trái với những mục tiêu và nguyên tắc của Liên Hiệp Quốc.

Điều 30:

Không một điều nào trong Bản Tuyên Ngôn này được diễn giải như là hàm ý cho phép một quốc gia, một nhóm, hay một cá nhân nào được quyền viện dẫn bất cứ lý do gì vào bất kỳ một sinh hoạt hay thực hiện bất kỳ một hành động nào nhằm hủy diệt các nhân quyền và quyền tự do đã được chuẩn định nơi đây.

Liên Hiệp Quốc, ngày 10 tháng 12 năm 1948

– HẾT –

Xem thêm:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.