TVGĐPT – Nhiều năm rồi, không năm nào là không có người đòi bỏ nghỉ Tết, đòi bỏ Tết Nguyên Đán – cái tết truyền thống cổ truyền dân tộc. Năm nay (Ất Tỵ 2025) vẫn thế, vẫn còn những “tai to mặt bự” người Việt (hay người Việt vong bản?) tiếp tục đưa ra “đề xuất”: BỎ TẾT TA; BỎ TẾT ÂM LỊCH.
Hãy khoan luận bàn về “bỏ tết” hay “không bỏ Tết”; mời bạn đọc trước hãy bỏ… vài phút đầu năm mới, đọc lại dưới đây nguyên văn một bài viết của Ký giả Phan Khôi đăng trên báo Phụ Nữ Thời Đàm số 22, xuất bản tại Hà Nội ngày 11-2-1934, có tựa là “Cái Tết Nguyên Đán dù vô vị nhưng chưa bỏ được”, để xem những Nhân sĩ Cách mạng thời bấy giờ có quan điểm cách tân văn hóa như thế nào.
Ông Phan Khôi là một nhà báo nổi tiếng vì sự trực ngôn, trước năm 1945 được gán biệt danh là “Ngự sử văn đàn”. Ông từng tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục và Văn Thân; đã làm việc cho nhiều tờ báo, tạp chí từ Bắc chí Nam như Đăng Cổ Tùng Báo, Nam Phong, Lục Tỉnh Tân Văn, Thực Nghiệp Dân Báo, Hữu Thanh, Thần Chung, Phụ Nữ Tân Văn, Phụ Nữ Thời Đàm, Tràng An, Sông Hương, Nhân Văn… Ông cũng là Chủ bút của tờ Phụ Nữ Thời Đàm. Sau số đăng bài này, ông Nguyễn Triệu Luật thay ông Phan Khôi làm Chủ bút nhưng tờ báo cũng chỉ ra được thêm 4 số, tới số 26 (ngày 6-6-1934) thì bị đình bản.

Cái Tết Nguyên Đán dù vô vị nhưng chưa bỏ được
Tác giả: PHAN KHÔI
(Phụ Nữ Thời Đàm số 22 – ngày 11-2-1934, Hà Nội).
Quả đất cứ quay lấy mình mỗi ngày một vòng mãi mãi, từ trước chẳng biết lúc nào là thuỷ… vô thuỷ, đến sau chẳng biết lúc nào là chung… vô chung.
Cái thời gian man mác ấy cũng như cái không gian man mác. Loài người đối với nó, cả hai đều là bất khả tư nghị.
Tuy vậy, nói đến sự cần dùng thì loài người đối với cả hai đều có sự cần dùng. Tục ngữ có câu: “Sống lai lai lang láng…”, nhưng dù lai lai lang láng thế nào đi nữa cũng chẳng ai sống ra ngoài không gian và thời gian được.
Nhân có sự cần dùng của sự sống ấy người ta mới phải tìm cách chia không gian và thời gian ra từng quãng để làm giới hạn, tiện cho sự ghi nhớ của mình. Về thời gian, nhân đó có năm có tháng.
Năm là gì? Tháng là gì? Chẳng gì lạ cả: chỉ là những cái “mốc” của thời gian.
Trên đường cái quan từ Hà Nội vào Huế chẳng hạn, từng chặng, người ta thường dựng những cái mốc bằng đá trắng, mỗi nghìn thước một cái lớn, mỗi trăm thước một cái nhỏ, theo số thước mà ghi chữ, để cho người đi đường biết chừng, thì cái năm cái tháng cũng vậy: về khoảng thời gian dằng dặc, năm tức là cái mốc lớn, tháng tức là cái mốc nhỏ.
Đi đường cái quan, cần phải có những cái mốc đá trắng làm giới hạn cho không gian, thì “đi đường đời” cũng cần phải có những cái mốc từng năm từng tháng để làm giới hạn cho thời gian.
Một sự nhân bởi sự cần mà đặt ra. Một sự rất thường.
Có ai nhịn cười được nếu thấy một người đi đường cái quan cứ tới chỗ một cây số thì nghỉ lại mà đốt pháo cúng mừng và hỉ hạ trong ba ngày rồi mới lại đi chăng? Cái cử chỉ điên cuồng ấy, đời không thể có được, nếu có, chúng ta cười vỡ bụng ra cũng nên.
Thế thì ba trăm sáu chục ngày, quả đất xoay giáp mặt trời một vòng, người ta dựng ngay ở đó một cái mốc, kêu là một năm, việc gì mình đi tới đó lại đốt pháo cúng mừng, ăn chơi hỉ hạ?
Nói nội chừng mấy mà nghe, đủ thấy cái việc làm ấy là vô nghĩa. Tết Nguyên-đán là vô vị.
Nó, sự ăn Tết Nguyên-đán, chỉ là cái thói sót của dân bán khai, chứ chẳng phải sự nên có của xã hội văn minh.
Người Việt Nam ta hiện nay đã có phần nhiều hiểu thấu lẽ ấy rồi. Tuy vậy, sự ăn Tết, ngay bây giờ, quyết chưa có thể bỏ đi được. Bởi có mấy cớ:
[………………..](1)
Người ta làm lụng khó nhọc quanh năm, phải có những ngày nghỉ ngơi thong thả. Phần nhiều dân ta ở nhà quê làm việc luôn luôn, không nghỉ chủ nhật, thì cũng nên thừa những ngày Tết để mà nghỉ.
Nói đến sự ăn uống của bần dân ta thì thật là tối khổ: nhiều kẻ hằng năm chẳng thấy đến lát thịt. Ngày Tết, không nhiều thì ít cũng đủ cho họ ăn lấy có.
Ngày Tết cũng lại là ngày giúp cho cuộc kinh tế bản xứ nữa. Nói một khoản lợn, nếu chẳng có ngày Tết thì lợn của người ta nuôi ra, chẳng biết làm gì cho hết; cho đến các vật khác cũng vậy. Thật, dân ta phải nhờ cái Tết để tiêu thọ vật sản và lưu thông tài hóa.
[…………………](2)
Duy có đốt pháo, đốt vàng mã, làm những việc xa xỉ quá thì mới có hại; bằng không, thì ăn Tết rất có ích lợi về đường kinh tế bản xứ, chẳng có gì mà kêu gào đòi bỏ Tết.
P.K.
(1), (2): Hai đoạn này trong bản báo in cũ được chấm lửng (…) một dòng, có lẽ là đã bị kiểm duyệt (như thời bấy giờ và sau đó gọi là “kiểm duyệt, đục bỏ”) trước khi báo được lên khuôn.
QUANG MAI sưu lục
(Tài liệu cũ từ Wikisource)