Xin đừng buôn bán nhục thân Chư Thánh Tử Đạo Phật Giáo

Mùa Phật Đản PL.2557 năm nay, bên cạnh những hoạt động đón mừng đại lễ, Tăng Ni, Phật Tử mọi Giáo Hội, Hệ Phái khắp mọi nơi trên thế giới còn tủi buồn (chứ không phải “hân hoan” như một số poster và thư, thiệp mời dự lễ – ý người viết) tổ chức các sự kiện “Kỷ Niệm 50 Năm Pháp Nạn Phật Giáo Việt Nam”.

Người viết bài này, mới đọc được trên trang giaohoiphatgiaovietnam.vn và nhiều trang báo mạng khác một bản mẫu “LỜI TƯỞNG NIỆM BỒ TÁT THÍCH QUẢNG ĐỨC nhân kỷ niệm lần thứ 50 Bồ Tát vị pháp thiêu thân” đặt dưới tiêu đề: GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM – HỘI ĐỒNG TRỊ SỰ – chắc là để cho các đơn vị Phật Giáo cơ sở, các chùa chiền, tự viện đọc trong Lễ Tưởng Niệm 50 năm Bồ Tát Quảng Đức vị pháp thiêu thân – trong đó có đoạn:

“… Thật vậy, cách đây 50 năm, cũng vào thời điểm này, giữa Thành phố Sài Gòn, thủ đô của chế độ Ngô Đình Diệm, Phật giáo Miền Nam đã dấy lên những phong trào đòi độc lập tự do dân chủ. Nhất là phong trào đòi tự do tín ngưỡng, bình đẳng giữa các Tôn giáo của Phật giáo đồ Việt Nam. Trong khí thế bừng bừng quyết tử để Đạo pháp được trường tồn, thì xuất hiện một nhục thân Bồ Tát, đó là Bồ Tát Thích Quảng Đức, với tinh thần vô ngã vị tha, trọn một đời lập chí siêu phàm, suốt một kiếp hiện thân Đại Sĩ …”

(Trích y nguyên văn, không sửa chữ nào kể cả lỗi và dấu chính tả).

Một vài website khác có những bài viết mô tả Pháp Nạn 1963 của Phật Giáo với những cuộc tuần hành khí thế hùng dũng, kiên cường; những khẩu hiệu sắt máu, nẩy lửa; những yêu sách mạnh mẽ, kiên quyết… gán vào đó những mục tiêu chính trị tốt đẹp, hay ho bằng loại ngôn ngữ trau chuốt, gọt giũa khá kỷ lưỡng với mục đích lên án, mạt sát, nguyền rủa chế độ đương thời, nghe qua rất hợp lý và đặc biệt là dễ gây cảm tưởng anh hùng cho nhưng ai có tâm lý tự hào mình là tín đồ một tôn giáo đã từng chịu bao bất công gian ác nhưng cuối cùng đã anh dũng, bất khuất vùng lên lật đổ ách bạo tàn, giành thắng lợi vẽ vang! Chỉ có điều, tất cả những gì kể trên lại là… những điều Phật Giáo không hề nói với nhà đương cuộc lúc bấy giờ; những điều Phật Giáo không hề làm trong cuộc vận động gian khổ ấy; những việc không hề có trong biên niên sử Pháp Nạn Phật Giáo Việt Nam!!!

Theo ngu ý của kẻ viết bài này, đúng là trong những thập niên 60, 70 của thế kỷ XX, Phật Giáo Việt Nam – mà tổ chức đại diện tiền nhiệm là Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam và kế thừa sau đó là Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất – đã có nhiều cuộc vận động (chứ không phải tranh đấu, vì không đúng tinh thần Phật Giáo – ý người viết) cho hòa bình, tự do, dân chủ, tự quyết và nhân quyền của dân tộc Việt Nam. Nhưng cần xác định rõ: Cuộc vận động của Phật Giáo Việt Nam trong Pháp Nạn 1963, và nhất là sự hy sinh của Bồ Tát Quảng Đức cũng như chư liệt vị Thánh Tăng tử đạo và Phật Tử các ngành, các giới Phật Giáo tự nguyện thiêu thân; bị sát hại, bức tử, thủ tiêu… thuần túy là chỉ để vận động, đòi hỏi cho quyền tự do tín ngưỡng (của Phật Giáo và các tôn giáo khác) bị xâm phạm bởi chính sách kỳ thị, bất bình đẳng tôn giáo của nhà đương cuộc!

Điển hình và khởi nguyên trong sự vụ này là yêu cầu nhà đương cuộc thu hồi vĩnh viễn công điện triệt hạ Phật Giáo kỳ (công điện 9195.TTP); nhận trách nhiệm và bồi thường cho gia đình các nạn nhân vụ sát hại bất hợp pháp tại Đài Phát Thanh Huế đêm lễ Phật Đản; hủy bỏ hoặc thay đổi các điều khoản của Dụ Số 10, quy định Phật Giáo và các tôn giáo khác như là các tổ chức Hiệp Hội quần chúng đơn lẻ và có thể bị giải tán bất cứ lúc nào mà không cần biết vì lý do gì (trừ Thiên Chúa Giáo, Gia Tô & Hoa Kiều Lý Sự Hội).

Sau đó, khi cuộc vận động ngày càng bị đàn áp khốc liệt và các yêu cầu cũng như những thỏa thuận song phương (giữa Phật Giáo và Chính Phủ) – trong bản Thông Cáo Chung, nhưng sau đó bị nhà đương cuộc phản bội, không thực thi – thì những đòi hỏi cũng chỉ thuần túy về một chính sách công bằng, tự do tín ngưỡng, bình đẳng tôn giáo. Từ đầu Pháp Nạn đến khi Pháp Nạn được giải trừ bởi cuộc chính biến cách mạng 1.11.1963 của Quân Đội Việt Nam Cọng Hòa, các yêu cầu tối thiểu của Phật Giáo thông qua Tổng Hội Phật Giáo, Văn Phòng 5 Cấp Trị Sự Phật Giáo trước đó hay các tuyên ngôn, tuyên cáo, giác thư của Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo về sau cũng không nằm ngoài 5 nguyện vọng ban đầu ghi trong Bản Tuyên Ngôn ngày 10.5.1963; các cuộc biểu tình, tuyệt thực, tự thiêu không đi ra ngoài đường lối Bất Bạo Động trước sau như một, được hàng giáo phẩm lãnh đạo Phật Giáo đề ra từ đầu và luôn được chư tôn đức Tăng Ni cùng đồng bào Phật Tử tuân hành nghiêm cẩn.

Thế nên, kỷ niệm 50 năm Pháp Nạn Phật Giáo Việt Nam, 50 năm Bồ Tát Quảng Đức và Chư Thánh Tử Đạo vị pháp thiêu thân – vị pháp vong thân, chúng ta hãy chỉ chí tâm thành kính tưởng niệm tấm gương hy sinh cao cả sáng ngời của quý Ngài cho đạo pháp và dân tộc; ôn lại quá khứ bi thương mà noi gương thánh thiện và dõng mãnh của Chư anh linh Thánh tử vì đạo; đề cao, ca ngợi tinh thần trung kiên, bất thối chuyển của Tăng Ni, Thiện tín Phật Giáo Đồ can trường bảo tồn chánh pháp trước bạo cường… Nhưng là ai đi nữa thì cũng xin hãy đừng bẻ cong mục tiêu cuộc vận động thuần túy tôn giáo qua một hướng nào khác; đừng mưu toan âm thầm xuyên tạc sự thật tinh thần ôn hòa bất bạo động tuyệt vời của Phật Giáo Đồ thành những hành vi bạo động vũ trang; đừng cố tình xen lẫn chính trị vào để biến tinh thần cuộc Pháp Nạn bi thảm nhưng trong sáng, hào hùng của Phật Giáo Việt Nam thành cuộc đấu tranh chính trị nhằm phục vụ một mục đích, ý đồ nào đó dù là do vô tình, nhẹ dạ, cả tin hay vì có dã tâm, hữu ý!

Xin đừng buôn bán nhục thân và tinh anh Chư Thánh Tử Đạo Phật Giáo Việt Nam, đừng tráo đổi hồn thiêng Tăng Ni, Tín đồ Phật Giáo đã vì đạo hy sinh trong cơn Pháp Nạn, vì đó là tư duy tội lỗi, là thái độ vô liêm sĩ, là hành vi bất chánh!

Kỷ niệm 50 năm Pháp Nạn Phật Giáo Việt Nam (1963-2013)
QUANG MAI

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.