TVGĐPT – Ngày hội thưởng trăng ở Nhật được diễn ra đến 2 lần trong một năm (có thay đổi hàng năm theo âm lịch): Một lần vào ngày trăng tròn giữa mùa thu là ZYUYOGA, gắn với phong tục cổ truyền “Otsuki-mi” (có nghĩa là ngắm trăng vào ngày rằm giữa mùa thu), một lần nữa là hội ZYUSANYA vào ngày 13 tháng 10.
oOo
Hầu như ở tất cả các đất nước có lễ, hội Trung Thu, người ta đều lấy dịp này để tôn vinh mặt trăng, thì người Nhật cũng vậy, từ thời Heian, Otsuki-mi đã ra đời và được tổ chức vô cùng long trọng. Người Nhật cho rằng trăng trong khoảng thời gian tháng tám âm lịch là đẹp nhất, tròn nhất trong một năm (中秋の明月 – chushu no meigetsu). Phong tục này được du nhập từ Trung Hoa vào khoảng thế kỷ X. Và theo tục lệ cổ truyền, ai đã tham gia vào lễ hội lần thứ nhất thì sẽ phải có mặt ở ngày hội thứ hai, nếu không sẽ gặp xui xẻo.
Nguồn gốc ngày hội Zyuyoga:
Otsuki-mi, (お月見) còn được gọi là tsukimi (月见), dịch theo nghĩa đen là ngắm trăng (Tsuki là trăng; Mi là ngắm, nhìn). Otsuki-mi có nguồn gốc từ Trung Hoa, được du nhập vào Nhật Bản từ thời Heian. Từ năm 862 đến năm 1683, lịch Nhật Bản đã xếp ngày otsuki-mi vào ngày 13 âm lịch hàng tháng. Nhưng đến năm 1683, thì trăng lại rơi vào ngày đầu tiên của tháng, rồi sau đó là ngày 15 của tháng. Lúc bấy giờ, trong khi ở một số nơi, như ở Edo (chính là Tokyo thời trước), dân chúng tổ chức Otsuki-mi vào ngày 15 thì có một số vùng vẫn tiếp tục tổ chức vào ngày 13, một số vùng lại tổ chức vào ngày 17. Tình trạng này xảy ra vào nhiều năm cho đến thời Meiji (Minh Trị Thiên Hoàng) mới chấm dứt.
Những ngày hay những nơi mà điều kiện không thể xem được trăng trong ngày Otsuki-mi, người Nhật gọi là mugetsu (无 月 – không có mặt trăng) hay ugetsu (雨 月 – mưa vào ngày có trăng), tuy vậy lễ hội Otsuki-mi vẫn được tổ chức bình thường.
Những tập tục truyền thống trong ngày hội Zyuyoga:
- Trang trí mâm cổ ngắm trăng
Mâm cỗ ngắm trăng theo tập tục của người Nhật luôn ngập tràn màu sắc với các loại bánh truyền thống, dưa hấu, hạt dẻ và đủ các loại hoa quả được bày biện đẹp mắt.
Theo cổ lệ, để chuẩn bị cho đêm Zyuyoga, mọi gia đình đều dùng cỏ susuki (có người gọi là cỏ bông bạc, cỏ mèo…) để cắm thay hoa trong nhà. Cỏ susuki gắn liền với mặt trăng, có lẽ do các truyện tích Nhật quan niệm trên mặt trăng có nhiều hoặc chỉ có cỏ susuki?
Vào dịp này, người Nhật thường bày tsukimi-dango (団子 – một loại bánh dầy hình tròn màu trắng tượng trưng cho mặt trăng) theo hình tam giác bên cạnh bình cỏ susuki, có thể thêm một số loại hoa quả khác, trên một bệ đứng hoặc bàn gổ, đặt ở ngoài hiên nhà hoặc gần bên cửa sổ, chỗ có thể nhìn thấy trăng rõ nhất, để vừa ăn vừa ngắm trăng.
Ngoài hai món chủ yếu nhất là cỏ susuki và bánh tsukimi-dango, những gia đình Nhật nặng truyền thống cổ còn bày biện thêm hạt dẻ, khoai môn edamame… Trang trí hạt dẻ, khoai môn xuất xứ từ các truyền thuyết: Imomeigetsu (thu hoạch khoai tây mặt trăng); Mamemeigetsu (thu hoạch đậu mặt trăng); hoặc Kurimeigetsu (thu hoạch hạt dẻ mặt trăng).
- Rước đèn đêm trăng:
Trẻ em Nhật Bản rước đèn cá chép trong các hội thưởng trăng. Đứa trẻ nào cũng có đèn cá chép kể từ khi lọt lòng mẹ vì cá chép tượng trưng cho lòng can đảm, nhất là đối với các bé trai. Truyền thuyết cho rằng cá chép là hiện thân của võ sĩ Samurai vì nó dám lội ngược dòng thác nước.
- Thưởng trăng, uống rượu, làm thơ
Như trên đã nói, người Nhật tổ chức Otsuki–mi ở những nơi có thể nhìn thấy trăng rõ nhất, ăn những món cổ truyền được cho là biểu tượng gắn liền với mặt trăng. Buổi tối, họ thường ngồi ngắm trăng (otsukimi) hoặc đi chơi ngoài trời, ca hát, sáng tác và thưởng thức thơ haiku – một thể thơ cổ truyền của người Nhật – ăn bánh tsukimi-dango, sushi, hạt dẻ, uống rượu sake…
Vào thời Heian, các quý tộc Nhật thường thưởng ngoạn trăng bằng cách đi thuyền trên sông, vừa ngắm ánh trăng huyền ảo trên trời, ngắm vẻ đẹp của trăng sóng sánh trên sông, vừa ăn tsukimi–dango, vừa uống rượu sake và làm thơ. Chủ đề Otsukimi mùa thu là một chủ đề thường thấy trên thơ haiku và thơ tanka.
Các món ăn, uống truyền thống trong dịp Zyuyoga:
Ngoài món bánh tsukimi–dangora không thể thiếu, trong những ngày này, người Nhật còn rất trân trọng món bánh bao (thường nặn hình thỏ trắng), bởi đây là món ăn ưa thích của thỏ ngọc. Khác người Việt chúng ta với truyền thuyết có cây đa, chú Cuội, chị Hằng trên mặt trăng, người Nhật cho rằng trên mặt trăng có thỏ ngọc sinh sống. Do vậy khi ngắm trăng thường tưởng tượng như đang thấy hình một chú thỏ đang giã bột làm bánh tsukimi-dango hoặc đang ăn bánh bao.
Tsukimi-dango còn được các bà nội trợ một số địa phương biến thể thành những món ăn đặc sắc dành riêng cho ngày Otsuki-mi nữa.Ví dụ: Họ lấy mì soba hoặc udon cho vào bát, thêm nori và trứng lên trên rồi cho nước nấu vào. Vậy là có món tsukimi tsukimi soba hoặc là tsukimi tsukimi udon. Các nhà hàng nổi tiếng ở Nhật, luôn có các món ăn đặc biệt cho lễ Otsuki-mi trong thực đơn.
Còn thứ bánh trung thu nổi tiếng trong dịp này thì sao? Ở Nhật Bản, bánh trung thu – tiếng Nhật phát âm như “geppei” – được bán quanh năm, chủ yếu trong những khu người Hoa sinh sống. Chỉ có điều, không giống Trung Hoa, bánh trung thu Nhật Bản dường như chưa bao giờ chứa đựng nhân trứng muối bên trong. Thật ra, đa số người Nhật cũng không biết rằng có loại bánh trung thu như thế…
Như vậy, tuy cho rằng lễ hội Zyuyoga và phong tục Otsuki-mi có nguồn gốc từ Trung Hoa, nhưng ở đất nước mặt trời mọc của Thái Dương Thần Nữ nó đã trở thành một phong tục, tập quán; một nét văn hóa; một lịch sử; một truyền thống rất riêng và rất đặc sắc của người Nhật, không lẫn lộn với bất kỳ quốc gia nào khác.
Để kết thúc bài sưu khảo nhỏ này, các bạn hãy cùng tôi nhìn 2 tấm hình của người Nhật dưới đây để giải tỏa nổi thắc mắc lý thú về những vệt đen như nhau trên mặt trăng mà chúng ta thì hình dung ra chú Cuội ngồi gốc cây đa trên Cung Quảng của chị Hằng, còn người Nhật lại quan niệm là chú Ngọc Thố (thỏ ngọc) đang thong dong ngồi “chén” bánh bao hoặc đang tất tả giã bột làm bánh tsukimi-dango này nhé!
Mùa Trung Thu Việt Nam 2012
QUANG MAI sưu tầm – biên tập.