225 Câu trích dẫn giáo huấn của Đức Đạt-lai Lạt-ma – Bài 1

225 câu trích dẫn
GIÁO HUẤN CỦA ĐỨC ĐẠT-LAI LẠT-MA
[ Dalai Lama – ཏཱ་ ལའི་ བླ་ མ་ – 達 賴 喇 嘛 ]

HOANG PHONG chuyển ngữ

oOo

Các câu trích dẫn giáo huấn của Đức Đạt-lai Lạt-ma dưới đây được ghi lại từ một tư liệu trên trang mạng tiếng Pháp Evolution-101 (https://www.evolution-101.com/citations-du-dalai-Lama). Các câu này được xếp theo các chủ đề:

  1. Tình thương yêu.
  2. Tiền bạc.
  3. Hạnh phúc.
  4. Lòng tốt.
  5. Sự đổi thay.
  6. Sự giận dữ và xung đột.
  7. Lòng từ bi.
  8. Các thể dạng tâm thần.
  9. Nhân loại.
  10. Sự u mê.
  11. Thế giới nội tâm.
  12. Hòa bình.
  13. Sự liên hệ giữa con người.
  14. Tôn giáo.
  15. Trí tuệ.
  16. Tự biến cải chính mình.
  17. Khổ đau.
  18. Tâm linh.
  19. Sự sống.
  20. Bạo lực.
  21. Các câu trích dẫn khác của Đức Đạt-lai Lạt-ma.
Đức Dalai Lama.

Bài 1

(Câu 1 đến câu 19)
oOo

1. Các câu trích dẫn của Đức Đạt-lai Lạt-ma về tình thương yêu.

Câu 1

Người ta có thể không cần đến tôn giáo, nhưng không thể thiếu tình thương và lòng từ bi.

Câu 2

Hãy tặng những người mà mình yêu quý đôi cánh để bay bổng, cội rễ để trở về nguồn, và lý trí để dừng lại.

Câu 3

Nuôi dưỡng các cảm tính thương yêu không những sẽ làm gia tăng sức mạnh cho cơ thể, mà cả sự thăng bằng cho xúc cảm.

Câu 4

Chỉ có thể làm tắt được ngọn lửa của hận thù bằng tình thương yêu, và nếu ngọn lửa không tắt thì đấy có nghĩa là tình thương yêu chưa đủ mạnh.

Câu 5

Bạn không nên quên là sự giao du tốt đẹp nhất là sự giao du trong đó tình thương yêu mà người này dành cho người kia vượt cao hơn nhu cầu mà bạn chờ đợi nơi người kia.

Câu 6

Thật hết sức chủ yếu phải dành cho sự đổi thay một vị trí quan trọng trong sự giao du với kẻ khác. Đó là sự chuyển tiếp thay cho những khúc quanh cần thiết giúp cho tình thương đích thật trưởng thành và nẩy nở.

Câu 7

Nếu muốn giúp mình biết yêu thương một người nào đó, thì điều hết sức quan trọng là phải biết tự đặt mình vào vị trí của kẻ ấy để suy nghĩ về cách mà mình sẽ phải làm thay cho kẻ ấy.

Câu 8

Bạn sẽ có thể tạo cho mình một cung cách hành xử đúng đắn với các kẻ khác bằng sự khả ái, tình thương yêu và sự kính trọng dựa vào sự ý thức sâu xa về tính cách nhất thể giữa tất cả mọi con người.

Câu 9

Thiếu tình thương chúng ta không thể sống còn. Con người là những chúng sinh sống tập thể. Cảm thấy mình được quan tâm bởi kẻ khác, chính là căn bản của cuộc sống tập thể trong xã hội.
(Trích trong quyển Le Petit livre de la sagesse du Dalai -Lama / Quyển sách nhỏ về trí tuệ của Đức Đạt-lai Lạt-ma, tr. 60, tác giả Bernard Baudouin, NXB Presses du Chatelet, 2002 sách gồm chung 365 câu trích dẫn).

Câu 10

Với các kinh nghiệm hạn hẹp của cá nhân tôi, tôi khám phá ra một điều là sự trong sáng nội tâm ở cấp bậc cao nhất của nó, phát sinh từ sự tỏa rộng của tình thương yêu và lòng từ bi. Nếu càng quan tâm đến hạnh phúc của kẻ khác thì các cảm tính an vui bên trong chính mình cũng sẽ càng trở nên sâu đậm hơn.

Câu 11

Chúng ta hãy suy nghĩ xem tình thương mến tự nhiên giữ một vai trò quan trọng đến mức độ nào trong cuộc sống của chúng ta từ khi mới lọt lòng. Thiếu tình thương đó chúng ta nào có còn sống đến ngày nay. Hãy nhìn lại xem mình sẽ cảm thấy an vui đến mức độ nào khi được bao bọc bởi tình thương của những kẻ chung quanh, và cả những lúc mà mình bộc lộ tình thương của mình đối với kẻ khác. Ngược lại, mình sẽ cảm thấy đớn đau như thế nào mỗi khi sự giận dữ và hận thù tràn ngập mình.

2. Các câu trích dẫn của Đức Đạt-lai Lạt-ma về tiền bạc

Câu 12

Người ta không thể nào sống mà không có tiền, thế nhưng không phải vì vậy mà đặt đồng tiền lên trên tất cả.

Câu 13

Quả khó cho tôi hiểu được con người. Suốt đời tiêu hao sức khỏe để kiếm đồng tiền, sau đó thì lại phải dùng đồng tiền để phục hồi sức khỏe.

Câu 14

Chúng ta cố tìm mọi cách mang lại cho mình an bình và hạnh phúc bằng đồng tiền và quyền lực, thế nhưng tất cả các thứ ấy chỉ là những gì thuộc bên ngoài chúng ta. Trong khi đó sự an bình đích thật và sự trong sáng chỉ có thể phát sinh từ bên trong chính mình (sự an bình và trong sáng trong nội tâm không thể mua được bằng đồng tiền).

Câu 15

Cuộc khủng hoảng [kinh tế] bất ngờ ngày nay phải chăng là một bài học giúp chúng ta hiểu rằng nên bắt đầu suy nghĩ về các giá trị khác hơn của con người, không nên chỉ biết nhìn vào đồng tiền.

Câu 16

Khi bạn giúp đỡ một người nào đó thì không nên chỉ biết tìm cách giải quyết các vấn đề cấp bách của họ. Chẳng hạn như đem tiền biếu họ, mà còn phải tạo cho họ các phương tiện giúp họ giải quyết các khó khăn của họ.

Câu 17

Chúng ta không cần phải có thật nhiều tiền, cũng không cần phải đạt được thật nhiều thành công và danh vọng. Chúng ta cũng không cần phải có một thân thể hoàn hảo hay một người bạn đường lý tưởng. Ngay trong lúc này chúng ta đã có sẵn một tâm thức, và tâm thức tự một mình nó cũng đủ để thay thế cho tất cả những gì mà chúng ta nghĩ rằng phải cần đến để mang lại cho mình hạnh phúc.

Câu 18

Điều khiến tôi ngạc nhiên nhất đối với người Tây Phương là họ phung phí sức khỏe để kiếm tiền, và sau đó thì dùng đồng tiền kiếm được để phục hồi sức khỏe cho mình. Cố gắng lo cho tương lai, họ quên mất là phải sống trong hiện tại. Chính vì thế nên họ không sống trong hiện tại, và cũng chẳng sống trong tương lai. Họ sống như không bao giờ phải chết, và chết như chưa bao giờ được sống.

Câu 19

Người ta hoàn toàn sai lầm khi cho rằng hạnh phúc là cách chiếm giữ những gì tốt đẹp nhất bất chấp những sự thiệt thòi gây ra cho kẻ khác. Thiếu lòng vị tha sẽ tạo ra mọi sự nghi kỵ và xáo trộn gia đình, đưa đến tình trạng cô đơn. Khi nào hiểu được sự bám víu và chiếm giữ của cải vật chất sẽ làm gia tăng lòng ích kỷ của mình thì khi đó chúng ta tất sẽ phải hiểu rằng không nên hướng ra bên ngoài quá đáng.
(Trích trong quyển Mon autobiographie spirituelle / Tự thuật về cuộc đời tu tập của tôi, NXB Poche, 2010).

Bures-Sur-Yvette, 17.08.2021
HOANG PHONG chuyển ngữ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.