50 năm chinh phục vũ trụ của loài khỉ

 

Tại khu vực Huntsville, tiểu bang Alabana, Hoa Kỳ, có một phần mộ khác thường. Thay vì đặt hoa giống các ngôi mộ khác, người dân ở đây thường đặt chuối. Trên mộ có dòng chữ: “Cô Baker – khỉ sóc – động vật đầu tiên đặt chân lên vũ trụ và sống sót trở về, 28/5/1959”.

50 năm trước, khỉ sóc Baker và Able – giống khỉ nâu, cùng thực hiện chuyến bay lịch sử vào vũ trụ bằng tên lửa đạn đạo Jupiter. Cả hai được đưa lên độ cao 580km và trải nghiệm 9 phút trong tình trạng không trọng lượng và quay trở lại mặt đất an toàn.

Sau đó 2 năm, con người mới chính thức đặt chân lên vũ trụ (năm 1961, Yuri Gagarin đại diện nhân loại bước ngắm nhìn trái đất từ ngoài không gian). Tên tuổi của hai chú khỉ này đã trở nên nổi tiếng trên thế giới, chúng xuất hiện nhiều trên tạp chí Life, tham gia các buổi họp báo…

Sinh vật đầu tiên sống sót trở về

Chris Dubbs, đồng tác giả của cuốn sách Animals in Space: From Research Rockets to the Space Shuttle (Động vật trên vũ trụ: Từ tên lửa nghiên cứu tới tàu con thoi) cho biết, Able và Baker không phải là những sinh vật sống đầu tiên quay trở lại Trái Đất từ vũ trụ, bên ngoài còn tồn tại rất nhiều bí ẩn.

Baker được đặt trong một “khoang chứa” nhỏ bé.

Năm 1947, Mỹ đã “cử” ruồi giấm lên “thám thính” vũ trụ và đây được coi là những sinh vật đầu tiên bay ra khỏi không gian. Lần đầu tiên Mỹ có ý định đưa khỉ vào vũ trụ là năm 1948. Tuy nhiên trải qua hơn một thập kỷ, tất cả các cuộc thử nghiệm với khỉ đều thất bại với hết lý do này đến lý do khác.

Trong một trường hợp là do tên lửa bị nổ, trường hợp khác là do “phi hành gia khỉ” chết vì dù không mở. Trên thực tế, có một lần loài vật này quay trở về nhà an toàn nhưng phương tiện đưa chúng lên đã không đạt đủ độ cao để tới không gian vũ trụ.

Trong khi đó, Liên Xô cũ (Liên Bang Xô Viết) từng thử nghiệm với loài chó và đã thành công. Loài vật đầu tiên thực sự di chuyển quanh quỹ đạo Trái Đất là chú chó Laika trên tàu Sputnik II năm 1957, mặc dù Laika đã không thể sống sót đến cuối của cuộc hành trình. “Người Mỹ ý thức được điều này và cuộc chạy đua vũ trụ được thể hiện rõ từ sau khi Able và Baker “đặt chân lên không gian”, Dubbs nói.

Hai “phi hành gia” nhỏ bé

Able thuộc giống khỉ nâu nhỏ bé trong khi Baker còn có hình dáng khiêm tốn hơn. Tên lửa mang theo hai “phi hành gia” nhỏ bé này cất cánh từ thành phố Cape Canaveral, tiểu bang Florida, Hoa Kỳ và đi một quãng 2.800km trong 16 phút, đạt độ cao 580km so với mực nước biển.

Able được các thủy thủ vớt lên sau khi hạ cánh xuống biển.

Joseph Guion, chỉ huy tàu USS Kiowa, chiếc tàu đã đưa hai chú khỉ vào đất liền sau khi hạ cánh, cho biết: “Tôi cùng thủy thủ đoàn tưởng chúng bị chìm, nhưng sau đó một phần của đầu tên lửa nhô lên khỏi mặt nước và chúng đã thoát được ra ngoài hoàn hảo, không gặp khó khăn hay thương tổn gì”.

Guion cho hay, ông đã rất ngạc nhiên khi nhìn thấy khoang chứa Baker nhỏ bé đến mức nào. “Nó chỉ bằng một cái bình nước nhỏ. Baker là một con khỉ rất dễ gần, giống như một con búp bê. Trong khi Able thì ngược lại, bạn khó có thể lại gần nó”, Guion nói.

100 lá thư mỗi ngày

Able đã chết một vài ngày sau đó trong một cuộc kiểm tra y tế. Thi thể của Able hiện vẫn được trưng bày tại Bảo Tàng Vũ Trụ Và Hàng Không Quốc Gia Smithsonian. Còn Baker sống tới 25 năm sau tại Trung Tâm Tên Lửa Và Vũ Trụ Hoa Kỳ ở Huntsville, Alabama.

“Baker nhận được 100 đến 150 lá thư mỗi ngày từ bọn trẻ. “Cô” ấy là nhân vật nổi tiếng trong lịch sử khám phá vũ trụ của Mỹ. Bọn trẻ đã đọc về Baker trong sách giáo khoa và rất muốn làm quen với cô”, Ed Buckbee, cựu Giám Đốc Trung Tâm cho biết.

Những chú khỉ tiên phong lên vũ trụ đã không bị lãng quên, có tới hơn 300 người đã tham dự đám tang của Baker khi “cô” qua đời do bị tổn thương ở thận năm 1984. “Trên phần mộ của Baker tại lối vào của Trung Tâm, bạn sẽ thường xuyên nhìn thấy mọi người đặt chuối ở đây để tưởng nhớ “cô” thay vì đặt hoa như những ngôi mộ khác”, Buckbee nói.

Nguồn: Báo Đất Việt (NPR)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.