Bậc Chánh Thiện: Cuộc vận động Phật Giáo 1963

I.- DẪN NHẬP:

Năm 1951, Gia Đình Phật Hóa Phổ dưới sự bảo trợ của Tổng Trị Sự Phật Giáo Trung Phần, mở Đại Hội Huynh Trưởng toàn quốc tại chùa Từ Đàm và thống nhất trên toàn quốc một danh xưng mới là tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam. Sự kiện lịch sử này đã khích lệ giới Tăng Già và Cư Sĩ thuộc 6 Hội Phật Giáo trên cả nước đi đến quyết định mở Đại Hội thống nhất, cũng tổ chức tại chùa Từ Đàm, đó là 6 Hội:

– Tăng Già Bắc Việt.
– Tăng Già Trung Việt.
– Tăng Già Nam Việt.
– Phật Học Nam Kỳ.
– Phật Học Trung Kỳ.
– Phật Học Bắc Việt.

Gia Đình Phật Tử Thừa Thiên cắm trại hổ trợ Đại Hội, Huynh Trưởng Lê Cao Phan sáng tác bài ca “Phật Giáo Việt Nam” để chúc mừng Đại Hội. Sau một tuần làm việc, Đại Hội thành công tốt đẹp. Tổng Hội Phật Giáo ra đời và nhất trí suy cử Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết làm Hội Chủ.

Với danh nghĩa này Hòa Thượng đã lãnh đạo Giáo Hội thống nhất, dẫn dắt cuộc tranh đấu bất bạo động bảo vệ chánh pháp, xây dựng một cơ chế xã hội có tầm vóc lịch sử được toàn dân biết đến và ngoại quốc thán phục.

II.- PHÁP NẠN:

1.- Nguyên nhân:

Đầu năm 1963, tờ Hong Kong Tiger Standard đưa tin: Ông Ngô Đình Diệm đọc một bài diễn văn nói về sự lớn mạnh của Thiên Chúa Giáo tại Việt Nam và ông đã nhấn mạnh “Phật Giáo Việt Nam đã tự hủy diệt lần mòn và đến nay không còn một dấu hiệu gì chứng tỏ đó là một tôn giáo đang còn sinh họat”. Tờ báo phân tích và kết luận ông Ngô Đình Thục muốn dâng công lên Vatican để được phong Hồng Y Giáo Chủ. Tham vọng của ông Ngô Đình Thục là biến Thiên Chúa Giáo thành quốc giáo tại Việt Nam và do ông làm Giáo Chủ. Do vậy chính quyền Ngô Đình Diệm vẫn duy trì đạo Dụ số 10, coi các tôn giáo như là một Hiệp Hội, ngoại trừ Thiên Chúa Giáo; và có thể giải tán bất cứ lúc nào.

Ngày 6.5.1963 (ngày 13.4 Quý Mão), từ Văn Phòng Phủ Tổng Thống gởi một công điện ra Huế chỉ thị cấm treo cờ Phật Giáo. Sáng ngày 7.5.1963, Hòa Thượng Hội Chủ cùng quý thầy Mật Nguyện, Trí Quang, Mật Hiển, Thiện Siêu tới gặp nhà cầm quyền và đánh điện vào Sài Gòn phản đối nhưng vô hiệu. Đến 2 giờ chiều, nhân viên công lực đi khắp thành phố Huế triệt hạ cờ Phật Giáo.

Trong cuộc rước Phật  ngày rằm tháng tư từ Diệu Đế về Từ Đàm, Phật Tử đã trương biểu ngữ đòi bình đẳng tôn giáo, nhưng thầy Trí Quang và Mật Hiển ra lệnh tịch thu. Phật Giáo tranh đấu trong im lặng, không ồn ào và bất bạo động. Tối hôm đó Đài Phát Thanh Huế không tường thuật buổi lễ Phật Đản như chương trình đã loan báo trước. Phật Tử kéo về Đài Phát Thanh mỗi lúc một đông để nghe đài tường thuật lại buổi lễ. Trong khi đó chính quyền điều động các lực lượng công an, cảnh sát, quân đội đưa xe tăng, thiết giáp bao vây đồng bào Phật Tử.

Tỉnh Trưởng Nguyễn Văn Đằng đến thì bị Phật Tử phản đối, xe vòi rồng bắt đầu xịt nước rồi súng nổ vào rừng người hổn loạn. Kết quả 14 Phật Tử bị thương, 8 Phật Tử thiệt mạng. Phật Tử bao vây các cơ quan. Quân đội và các lực lượng võ trang sẵn sàng bắn xả. Tỉnh Trưởng kêu gọi thầy Trí Quang khuyên Phật Giáo Đồ bình tĩnh.

Ngày 10.5.1963 Tăng Ni Phật Tử ra tuyên ngôn xác định lập trường tranh thủ đến cùng để đạt nguyện vọng, cụ thể qua 5 điểm:

1) Chủ trương và hành động bất bạo động nhưng cương quyết không run sợ trước bạo lực.

2) Không lật đổ chính phủ mà chỉ đòi hỏi cải thiện chính sách và nhắm vào mục đích công bằng xã hội.

3) Ý chí và nguyện vọng:

– Cờ Phật giáo phải được treo ở tư gia Phật Tử trong những ngày lễ Phật Giáo.

– Đòi hỏi sửa đổi hoặc hủy bỏ điều 44 đạo Dụ số 10 đặt tôn giáo trong đó có Phật Giáo ra ngoài sự hạn chế của các Hiệp Hội.

4) Chấm dứt hành động khủng bố, trả thù, cố sát, ngược đãi và vu khống Phật Giáo Đồ trên cả nước.

5) Mục tiêu công bằng, bình đẳng phải được thực hiện trong đó có công bằng với các tôn giáo.

Tuyên ngôn của tín đồ Phật Giáo Việt Nam ký ngày 10.5.1963 đòi nghiêm trị kẻ giết người ở Đài Phát Thanh. Bồi thường cho Phật Tử nạn nhân, thực thi bình đẳng tôn giáo, xóa bỏ đạo Dụ số 10.

Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết đã gởi một văn thư những nguyện vọng của Phật Giáo như trên đòi hỏi chính phủ phải thực thi.

Ngày 15.5.1963, Ban Đại diện 5 cấp Trị Sự Phật Giáo được thành lập. Phật Giáo Nam Tông, Bắc Tông đã sát vai trong sự sống còn chung của đạo pháp. Đại diện Phật Giáo vào Dinh Độc Lập bày tỏ nguyện vọng trước khi có thái độ cứng rắn.

Linh Mục Lê Quang Oánh và đồng bào Thiên Chúa Giáo Tuyên Đức – Đà Lạt gởi Huyết Lệ Thư ủng hộ Phật Giáo.

11 Tông Phái, Giáo Hệ đồng loạt ký một tuyên ngôn ủng hộ Tuyên Ngôn 5 điểm của Hội Đồng 5 Cấp Trị Sự và loan báo đạo pháp lâm nguy.

Sinh Viên Phật Tử, các đoàn thể Giáo Hội bạn ủng hộ. Thượng Tọa Thích Quảng Đức xin tự thiêu. Biểu tình tuần hành im lặng phản đối nhà cầm quyền liên tục. Tuyệt thực khắp nơi trên toàn quốc.

Ngày 11.6.1963 (20.4 nhuần) Thượng Tọa Thích Quảng Đức tự thiêu tại ngã tư Phan Đình Phùng – Lê Văn Duyệt. Ngài gởi lời nguyện tâm huyết lên Tổng Thống Diệm, mong chư Phật độ trì Tổng Thống sáng suốt thực hiện 5 điều thỉnh nguyện của Phật Giáo. Cầu cho Phật Giáo Việt Nam được trường tồn, đất nước thanh bình an lạc.

Hòa Thượng Thích Quảng Đức tự thiêu cả nước kinh hoàng, thế giới rung động. Điện văn các nước ủng hộ Phật Giáo ùn ùn gởi về Việt Nam, báo chí các nước bắt đầu bình luận.

2.- Diễn tiến:

Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo ra đời gồm 11 Tông Phái, Giáo Hệ. Chính quyền lập Ủy Ban Liên Bộ để liên lạc giải quyết vấn đề Phật Giáo. Chính quyền đã thực sự lung lay từ gốc rễ. Sau vụ tự thiêu, các tỉnh vùng lên đồng loạt.

Hai phái đoàn đã họp gần như suốt 72 giờ và Thông Cáo Chung đã được loan báo vào lúc 9 giờ ngày 14.6.1963. Bản Thông Cáo Chung đã được phái đoàn Phật Giáo gồm 3 Thượng Tọa: Thích Thiện Minh, Thích Tâm Châu và Thích Thiện Hoa cùng Ủy Ban Liên Bộ gồm cáo ông Nguyễn Ngọc Thơ, Nguyễn Đình Thuần và Bùi Văn Lương đồng ký chỉ. Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết khán duyệt và Tổng Thống Ngô Đình Diệm ký thuận để thi hành ngày 16.6.1963, ở đó các nguyện vọng của Phật Giáo được thực thi đầy đủ. 10 ngày sau ông Nhu mạ nhục Phật Giáo trước lực lượng Thanh Niên Cọng Hòa mà ông là lãnh tụ. Các chùa chiền bị liên tục tấn công. Tăng Ni, Phật Tử bị bắt bớ giam cầm gia tăng. Hòa Thượng Hội Chủ phải gởi kháng thư lên Tổng Thống. Chính phủ Một mặt thì đàm phán giải thích, một mặt gia tăng vi phạm trấn áp đồng bào và Tăng Ni. Ủy Ban Liên Phái mở họp báo công bố những trường hợp vi phạm và thái độ ôn thuần của Phật Giáo.

Bộ Trưởng Nội Vụ ban hành nghị định số 358 đề ngày 9.7.1963 chỉ quy định việc treo cờ và chỉ thỏa mãn Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam, không đề cập đến các Tông Phái, Giáo Hệ khác của Phật Giáo. Do vậy phản ứng của Phật Tử lại bộc phát.

Tổng Hội Phật Giáo Thế giới ủng hộ cuộc vận động của Phật Giáo Việt Nam.

Giáo Hội Phật Giáo Nhật Bản ủng hộ Phật Giáo Việt Nam và gởi kháng thư đến Tổng thống Diệm, kêu gọi Giáo Hoàng Vatican có ý kiến.

Giáo Hội Tin Lành Mỹ bất tín nhiệm chính quyền Ngô Đình Diệm.

Khắp nơi đều biểu tình đòi thực thi Thông Cáo Chung trên nguyên tắc bất bạo động, tuần hành tuyệt thực không gây rối loạn. Đồng bào cả nước gần như ngưng sinh họat để theo dõi tình hình. Tổng Thống phải có lời hiệu triệu quốc dân, nhưng vẫn không lìa bỏ sự lừa dối, tổ chức Tăng Đoàn giả, dựng lập, mua chuộc Phật Giáo Cổ Sơn Môn Việt Nam chống lại Phật Giáo.

Tổ chức biểu tình gọi là Thương Phế Binh đòi chính Phật Giáo lên án kết tội bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám ở miền Bắc sáng lập Tổng Hội Phật Giáo miền Nam làm tay sai cho Việt Cộng.

Sinh viên học sinh biểu tình ủng hộ Phật Giáo.

Ngày 13.7.1963 Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo ra Tuyên Ngôn, nhất mực đòi hỏi chính quyền phải nghiêm túc tôn trọng, thực thi Thông Cáo Chung.

Thầy Nguyên Hương tự thiêu tại Phan Thiết ngày 04.8.1963. Đàn áp lại bắt đầu.

Phật Tử nữ sinh Mai Tuyết An chặt tay ủng hộ Phật Giáo và cầu nguyện đạo pháp khỏi tai nạn, đòi chính quyền lưu tâm đến tự do tín ngưỡng.

Đại Đức Thích Thanh Tuệ tự thiêu ở Huế ngày 13.8.1963.

Sư Cô Diệu Quang tự thiêu tại Ninh Hòa, Nha Trang ngày 15.8.1963.

Thượng Tọa Thích Tiêu Diêu tự thiêu tại Huế ngày 16.8.1963.

Ngày 17.8.1963, giáo sư Đại Học Huế từ chức để ủng hộ Phật Giáo.

Hội Phật Giáo các nước Tích Lan, Thái lan, Đài Loan, Tân Gia Ba, Nhật Bản, Đại Hàn, Ấn Độ đánh điện ủng hộ, Liên Hiệp Quốc đồng tình cảnh tỉnh chế độ Tổng Thống Diệm.

Tổng Thống Diệm tuyên bố tổ quốc lâm nguy, ra lệnh thiết quân luật, bắt bớ, phá chùa gia tăng.

Ngày 7.7.1963, nhà văn Nhất Linh tự vẫn phản đối chính quyền đã không xét xử những khiếu nại của Phật Giáo, cọng với tình hình đàn áp Phật Giáo.

Ngọai Trưởng Vũ Văn Mẫu từ chức, cạo đầu chống chính phủ, sinh viên học sinh khắp nước biểu tình, bãi khóa ủng hộ Phật Giáo.

Nữ sinh Quách Thị Trang hy sinh tại công trường Diên Hồng trong cuộc biểu tình ngày 25.8.1963.

Phái đoàn Tăng Ni vượt biên giới để cổ động các nước ngày 28.8.1963.

Đạo Hữu Nguyễn Thìn tự thiêu tại Vũng Tàu ngày 29.9.1963.

Sinh viên Hoa Kỳ biểu tình ở Tòa Bạch Ốc đòi chính phủ Hoa Kỳ bất tín nhiệm chế độ Ngô Đình Diệm.

Đại Đức Thích Quảng Hương tự thiêu tại Công Trường Diên Hồng ngày 7.10.1963.

Đại Đức Thích Thiện Mỹ tự thiêu trước Nhà Thờ Đức Bà ngày 27.10.1963.

Phái đoàn Liên Hiệp Quốc đến Sài Gòn, viếng thăm chùa Xá Lợi, Ấn Quang ngày 25.10.1963.

9 giờ sáng, phái đoàn gặp Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết; lúc 13 giờ cách mạng nổ súng, chế độ ông Diệm bị lật đổ. Hội Đồng Tướng Lãnh Cách Mạng do Tướng Dương Văn Minh cầm đầu. Tất cả Tăng Ni, Tín đồ Phật Giáo giam cầm được ưu tiên phóng thích.

3.- Thành quả cuộc vận động:

Đó là thiện chí đoàn kết và vô úy thống nhất, từ trung ương đến thôn làng, Phật Giáo Đồ tuân hành Giáo Chỉ, quy tụ về Niệm Phật Đường, chùa chiền, im lặng giăng biểu ngữ, đòi hỏi nguyện vọng của mình, bất bạo động tuyệt thực. Quần chúng thấu đáo đường lối của Phật Giáo và biết rõ dã tâm của chính quyền.

Dù bị xuyên tạc chụp mũ, mưu đồ phân hóa các Tông Phái, Giáo Hệ Phật Giáo nhưng Tăng-Tín Đồ Phật giáo trước sau như một, âm thầm nhẫn nhục chịu đựng không thoái xuất chí hướng.

Cuộc vận động thành công, Phật Giáo trở về cương vị tôn giáo của mình, không tranh đoạt danh lợi, xen lẫn vào chính quyền. Nỗ lực hợp tác củng cố nội bộ, thống nhất Giáo Hội, củng cố giáo quyền, trang nghiêm Tăng chúng.

PHẦN PHỤ LỤC:

BẢN THÔNG CÁO CHUNG:

Để giải quyết ổn thỏa 5 nguyện vọng do Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam đưa ra:

– Ủy Ban Liên Bộ gồm có:
+ Phó Tổng Thống Nguyễn Ngọc Thơ
+ Bộ Trưởng Tại Phủ Tổng Thống: Nguyễn Đình Thuần
+ Bộ Trưởng Nội Vụ: Bùi Văn Lương

– Phái Đoàn Phật Giáo gồm có:
+ Thượng Tọa Thích Thiện Minh, Trưởng Phái Đoàn.
+ Thượng tọa Thích Tâm Châu , Đoàn Viên.
+ Thượng tọa Thích Thiện Hoa, Đoàn Viên.
+Thượng tọa Thích Huyền Quang, Thư Ký.
+ Đại đức Thích Đức Nghiệp, Phó Thư Ký.
(Do thư giới thiệu số 24 tháng 6.1963 của Hòa Thượng Hội Chủ Thích Tịnh Khiết)

Đã họp tại Hội trường Diên Hồng trong các ngày :

– Ngày thứ sáu 14.6.1963: Sáng từ 9 giờ đến 12 giờ và chiều từ 15 giờ đến 18 giờ.
– Ngày thứ bảy 15.6.1963: Sáng từ 9 giờ đến 11 giờ, chiều từ 14 giờ 30 đến 17 giờ và đêm từ 21 giờ đến 24 giờ.
– Ngày chủ nhật 16.6.1963: Từ 0 giờ đến 1 giờ 30.

Sau khi thảo luận, Ủy Ban Liên Bộ và Phái Đoàn Phật Giáo thỏa thuận các điểm sau đây:

I/ QUỐC KỲ – ĐẠO KỲ:

Quốc kỳ tượng trưng cho linh hồn dân tộc phải được luôn luôn tôn trọng và phải được đặt đúng vị trí.

A – Lễ Quốc Gia: Chỉ treo cờ Quốc Gia.

B – Lễ Phật Giáo:

1.- Tại chùa:
– Thuyền môn: Cờ Quốc gia bên phải – Cờ Phật Giáo bên trái nhỏ hơn (2/3).
– Cổng chùa: – nt –
– Cột lớn giữa sân chùa: – nt –
– Mặt tiền chùa: – nt –
– Cờ rũ: Cờ Phật Giáo mà thôi.
– Sân chùa (để trang hoàng) mắc trên giây, toàn cờ Phật Giáo bằng giấy cở nhỏ.
– Trong chùa: Chỉ treo cờ Phật Giáo.

2.- Lễ đài
– Chân đài và chung quanh: Cờ Quốc Gia bên phải, cờ Phật Giáo bên trái, nhỏ hơn (2/3).
– Trên đài (có thể coi như trong chùa): Chỉ treo cờ Phật Giáo.

3.- Đám rước :
– Đi trước: Nếu chỉ một người đi trước, cầm 2 cờ,  cờ Quốc Gia bên phải, cờ Phật Giáo bên trái, nhỏ hơn (2/3)
– Phía sau: Tín đồ chỉ cầm cờ Phật Giáo cở nhỏ.

4.- Xe nhân vật Phật Giáo:
– Không treo cờ gì cả.

5.- Tư gia:
– Trước nhà: 2 cờ như ở chùa.
– Trong nhà: Chỉ treo cờ Phật Giáo.

Để áp dụng đứng đắn các khoản trên đây, cần quy định:
– Cờ bên phải: (Phải) là từ ngoài lộ trông vô chùa.
– Cờ nhỏ hơn: (Nhỏ) là bằng 2/3 cờ Quốc Gia (các cán bộ không nên quá khắt khe về kích thước).

II/ DỤ SỐ 10:

Tách Hiệp Hội có tính cách tôn giáo ra khỏi Dụ số 10 và lập ra một quy chế hợp với tính cách đặc biệt về nhu cầu sinh họat của những hiệp hội tôn giáo ấy.

Quy chế đó sẽ là một đạo luật do Quốc Hội soạn thảo với sự tham khảo trực tiếp ý kiến các tôn giáo liên hệ.

Quốc Hội sẽ biểu quyết đạo luật này chậm nhất là cuối năm 1963 hoặc đầu năm 1964.

Trong khi chờ đợi ban hành đạo luật mới, Ủy Ban Liên Bộ đồng ý sẽ có những chỉ thị cần thiết để Dụ số 10 không áp dụng quá khắt khe đối với các Hội Phật Giáo, Phật Học hiện hữu, Phái Đoàn Phật Giáo cam kết chỉ thị cho Tăng Ni chấp hành nghiêm chỉnh luật pháp quốc gia và thi hành mọi biện pháp kỷ luật nội bộ đối với những hành động lệch lạc.

III/ VẤN ĐỀ BẮT BỚ VÀ GIAM GIỮ PHẬT GIÁO ĐỒ:

Chính phủ lập một ban điều tra để xét lại hồ sơ khiếu nại của Phật Giáo. Tất cả những ai có liên quan đến cuộc vận động thực hiện 5 nguyện vọng của Tổng Hội Phật Giáo đề ra, bất luận ở đâu, sẽ được Tổng Thống đặc biệt khoan hồng.

Chính phủ sẽ xác nhận lệnh sửa sai đã ban hành ra cho các cán bộ để thực thi chính sách bình đẳng tôn giáo của chính phủ.

IV/ TỰ DO TRUYỀN ĐẠO VÀ HÀNH GIÁO:

1. Những sinh họat thuần túy tôn giáo và thường xuyên, như 14, rằm, 30, mồng một, cầu siêu, cầu an hay các ngày vía, nếu làm trong phạm vi chùa hay trụ sở Hội thì khỏi phải xin phép.

Các sinh họat bất thường và ngoài phạm vi nhà chùa hay trụ sở Hội đều phải xin phép.

2. Về vấn đề các chùa làng có tính cách thuần túy địa phương, trung ương phải có thời gian gom góp đủ hồ sơ liên hệ. Vì thế trong khi chờ đợi, chỉ có thể cho bầu lại ban quản trị mới của các chùa làng nếu xét thấy cần, hầu để cho giới Phật tử được tham gia quyền quản trị các chùa này

3. Xác nhận thông tư số 166-TTP/TTK ngày 23.9.1960 không áp dụng cho việc tiếp nhận cũng như tạo mãi động sản và bất động sản của Phật Giáo.

4. Dành mọi sự dễ dàng cho sự kiểm duyệt về kinh sách Phật Giáo theo thể lệ hiện hành.

Dành mọi sự dễ dàng cho các sự xây cất (chùa, trường học và cơ sở từ thiện).

V/ TRÁCH NHIỆM VÀ TRỢ GIÚP:

Những cán bộ có trách nhiệm về các vụ xẩy ra từ ngày mồng 8 tháng tư năm 1963, bất kỳ thuộc phần nào, cũng sẽ bị nghiêm trị, nếu cuộc điều tra đang tiến hành chứng tỏ lỗi của họ.

Sự cứu trợ gia đình nạn nhân là một mối lo âu của các cơ quan xã hội và của chính quyền.

Các gia đình nạn nhân ở Huế đã được trợ giúp kịp thời và có thể được trợ giúp thêm tùy theo gia cảnh từng người.

Ủy Ban Liên Bộ sẽ phụ trách theo dõi việc thi hành các điều khoản trên nhất là tại các địa phương.

Nếu có sự lệch lạc Tổng Hội Phật Giáo sẽ kịp thời báo tin cho Ủy Ban Liên Bộ.

Lập thành 2 bản chính tại sài Gòn ngày mười sáu tháng sáu năm một ngàn chín trăm sáu mươi ba.

Phái Đoàn Phật Giáo                             Ủy Ban Liên Bộ
Ký tên:                                                          Ký tên:
Thương Tọa Thích Thiện Minh                Nguyễn Ngọc Thơ
Thượng tọa Thích Tâm Châu                  Nguyễn Đình Thuần
Thượng Tọa Thích Thiện Hoa                 Bùi Văn Lương

Khán:
Hòa Thượng Hội Chủ Phật Giáo Việt Nam
Ký tên: Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết

Những điều được ghi trong Thông Cáo Chung này thì đã được tôi chấp nhận nguyên tắc ngay từ lúc đầu.
Ký tên: Ngô Đình Diệm

— oOo —

Tài liệu tu học bậc Chánh Thiện (bộ củ) – Ban Hướng Dẫn Trung Ương GĐPTVN

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.