Lễ Phật Đản 63 [tại Huế] bắt đầu bằng cuộc rước Phật từ chùa Diệu Đế lên chùa Từ Đàm do các đoàn thể như Khuôn Hội Phật Giáo, Gia Đình Phật Tử, Sinh Viên Phật Tử, Công Chức Phật Tử, Tiểu Thương Phật Tử… phụ trách. Hàng lãnh đạo Phật Giáo, các hàng Phật tử, đại diện chính quyền – trong đó có Thị trưởng Huế, các quan khách – trong đó có đại diện của Tòa Lãnh Sự Mỹ và Đài Loan và đại diện của Phòng Thông Tin Văn Hóa Pháp tại Huế; và Phật Tử thì tề tựu ở sân chùa Từ Đàm chờ “Phật về” đến để cử hành lễ chính thức.
Hôm nay Phật “về” hơi trễ. Lý do là vì đoàn rước Phật vừa băng qua cầu Gia Hội để vào đường chính của thành phố thì một loạt các biểu ngữ lạ xuất hiện ngay trong đoàn rước Phật như sấm chớp làm ù tai hoa mắt không những số công an, cảnh sát đang lăm le canh chừng đoàn rước Phật, mà cả đối với những dân chúng và Phật Tử đứng đầy hai bên đường xem đoàn rước đi ngang. Những biểu ngữ ấy viết:
– Đã đến lúc chúng tôi bị bắt buộc phải tranh đấu cho chủ trương tôn giáo bình đẳng.
– Chúng tôi không từ chối một hy sinh nào.
– Phản đối chính sách bất công gian ác.
– Cờ Phật Giáo quốc tế không thể bị triệt hạ.
– Phật Giáo Đồ chỉ ủng hộ chính sách bình đẳng tôn giáo.
– Yêu cầu Chính Phủ thi hành chính sách tôn giáo bình đẳng.
– Phật Giáo Đồ nhất trí bảo vệ Chánh Pháp dù phải hy sinh.
Không đợi chính quyền phản ứng bằng cách ngăn chận và giải tán đoàn rước, tịch thu các biểu ngữ và bắt giam những người căng biểu ngữ v.v…; với tư cách người chịu trách nhiệm về đoàn rước, Thượng Tọa Mật Hiển đã ra lệnh ngưng đoàn rước và dẹp các biểu ngữ rồi mới cho đoàn rước tiếp tục.
Các biểu ngữ bị tịch thu, đoàn rước tiếp tục tiến lên một quảng thì đợt biểu ngữ thứ hai với nội dung y hệt lại lác đác xuất hiện ở những đoạn khác trong đoàn rước. Tình trạng đó xảy ra mấy lần và cuối cùng Ban Tổ Chức phải mời cả Thượng Tọa Trí Quang xuống hiện trường ra lệnh dẹp các biểu ngữ và hứa với những người trương biểu ngữ là khi về đến Từ Đàm, Thượng Tọa sẽ trả lời về những yêu sách hay thỉnh nguyện ghi trên các biểu ngữ đó. Đoàn rước cuối cùng đã về đến Từ Đàm…
Với tư cách Trưởng Ban Tổ Chức lễ Phật Đản 63 tại Huế, Thượng Tọa Trí Quang đứng ra cáo lỗi vì lễ đã không cử hành đúng chương trình. Lý do chậm trễ đó là các biểu ngữ đột ngột xuất hiện trong cuộc tuần hành. Một lần nữa, Thượng Tọa yêu cầu Phật Tử căng các biểu ngữ ấy lên cao cho mọi người thấy rõ họ muốn gì. Những biểu ngữ đã biến mất hồi sáng giờ lại xuất hiện. Thượng Tọa đọc lần lượt từng biểu ngữ, giải thích nội dung cũng như nguyên nhân tại sao có biểu ngữ đó, và ghi nhận nguyện vọng phản ảnh qua những biểu ngữ đó.
Không khí khuôn viên chùa Từ Đàm như có truyền điện, mặt đất khuôn viên chùa như rung chuyển theo từng lời của Thượng Tọa. Thượng Tọa không đọc một diễn từ soạn sẵn hay ứng khẩu nào cả, nhưng những lời giải thích các biểu ngữ của Thượng Tọa đã biến thành một cáo trạng mạch lạc và minh bạch về thảm cảnh bất bình đẳng và đàn áp tôn giáo mà Phật Giáo là nạn nhân từ thời Pháp thuộc và nhất là từ thời Đệ Nhất Cộng Hòa.
Việc xuất hiện các biểu ngữ một cách tự phát, cũng như việc Thượng Tọa Mật Hiển và Thượng Tọa Trí Quang ra lệnh tịch thu các biểu ngữ, rồi biểu ngữ lại xuất hiện, rồi lại bị tịch thu và hứa hẹn, thực tế chỉ là một cách(1) cho Thượng Tọa Trí Quang có lý do công khai hóa những nguyện vọng, và cũng là những mục tiêu đấu tranh của Phật Giáo mà thôi. Nội dung của những biểu ngữ cũng như việc viết biểu ngữ, phân công phụ trách căng biểu ngữ đã được ấn định trong cuộc họp khẩn chiều ngày 7-5-1963. Thượng Tọa Thiện Minh là người chịu trách nhiệm chuyện này. Một số anh em Gia Đình Phật Tử thân tín được phân công viết biểu ngữ và giữ các biểu ngữ để ngày mai căng lên trong cuộc rước. Các biểu ngữ đã được viết vội vàng bí mật trong các phòng tầng trệt của giảng đường chùa Từ Đàm khuya đêm ấy. Công đầu trong chuyện này phải kể anh Nguyễn Khắc Từ, một Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử xuất sắc, tận trung với nước, với đạo. Đây là một cách làm(1) tinh vi, đặt chính quyền và công an, cảnh sát vào thế tiến thối lưỡng nan trước quyết định đàn áp hay không. Bởi nếu đàn áp xảy ra, đoàn rước Phật bị giải tán, cuộc lễ Phật tại Từ Đàm cũng bị bãi bỏ và Thượng Tọa Trí Quang sẽ không còn cơ hội công khai hóa những nguyện vọng của Phật Giáo. Nói thế khác, nếu đàn áp xảy ra, cuộc tranh đấu(3) bị dẹp ngay trong trứng nước, trên đường phố Huế.
Sau phần ứng khẩu giải thích biểu ngữ của Thượng Tọa Trí Quang là phần nghi lễ diễn ra một cách bình thường êm đẹp. Buổi chiều hôm đó, Thượng Tọa Thượng Tọa Thiện Minh, Tổng Ủy Viên Thanh Niên Phật tử của Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam […] đã lãnh đạo một phái đoàn Thanh niên, Sinh viên, Học sinh Huế ra Quảng Trị dự lễ thượng kỳ Phật Giáo do Gia Đình Phật Tử Quảng Trị tổ chức. […]
Không khí Huế trở lại bình thường. Nhưng đó chỉ là sự bình thường giữa hai cơn bão. Bởi theo đúng chương trình thì những lời ứng khẩu nẩy lửa của Thượng Tọa Trí Quang trưa hôm nay đã được ghi băng và sẽ được phát lại trong buổi phát thanh Phật Giáo tối hôm nay…
oOo
Tưởng niệm 60 năm Pháp Nạn Phật Giáo Việt Nam (1963-2023)
QUANG MAI (lược trích từ mục “Cuộc Rước Phật & Những Biểu Ngữ Bốc Lửa” trong sách “Ánh Đuốc Quảng Đức Và Một Vài Điều Chưa Nói Về Phật Đản 1963″ của tác giả Hoàng Nguyên Nhuận).
Chú thích:
(1) (2) Trong bài viết gốc ghi là một cách dàn cảnh.
(3) Trong bài viết gốc ghi là cuộc nổi dậy.
* Những chữ, đoạn trong ngoặc vuông [ ] được lược bớt hoặc chú thích thêm cho rõ nghĩa hơn.