Chùa Ấn Quang – Trung tâm lãnh đạo cuộc vân động Tự Do Tín Ngưỡng – Bình Đẳng Tôn Giáo năm 1963

Chùa Ấn Quang – hay còn gọi là Tổ đình Ấn Quang, hiện nay toạ lạc tại số 243 đường Sư Vạn Hạnh, Sài Gòn, tuy được kiến tạo cách nay không lâu, nhưng đã sớm trở thành một Tổ đình, từng là trụ sở một trường Phật học lớn của Phật Giáo miền Nam trước đây (Phật Học Đường Nam Việt); từng là trụ sở, văn phòng của các Hội Phật Học, các Giáo Hội (Hội Phật Học Nam Việt, Giáo Hội Tăng Già Nam Việt, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất); và nhất là chùa Ấn Quang đã giữ một vị trí hết sức đặc biệt trong lịch sử Phật Giáo miền Nam nói riêng, Phật Giáo Việt Nam nói chung. Nơi đây đã từng là chứng tích của nhiều sự kiện quan trọng trong bước thăng trầm của dòng đạo sử Phật Việt, nhất là tại miền Nam.

Ban sơ, chùa được Thiền sư Trí Hữu khai sơn từ năm 1948 với tên gọi là “Trí Tuệ Am”. Thiền sư Trí Hữu quê quán tại xã Hòa Vang, quận Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Trong thời gian du hóa miền Nam, Thiền sư trú tại chùa Hưng Long và chùa Hưng Đạo, cả hai đều do Thiền sư Bảo Đảnh trú trì. Sau mùa An Cư tại chùa Hưng Đạo ở Vườn Bà Lớn, Thiền sư tới dựng tích trượng ở một khoảnh đất trống trên đường Lorgéril thuộc khu Vườn Lài (Ngã ba Vườn Lài), lập một am tranh lấy tên là Trí Tuệ Am.

Cùng năm ấy, Thiền sư Nhất Hạnh sau khi học xong ở Phật Học Đường Báo Quốc (Huế), đã vào Sài Gòn cùng với Thiền sư Trí Hữu xây dựng và phát triển nơi này. Sau khi kiến thiết được một chánh điện nhỏ và một Tăng xá bằng tranh tre thì đổi tên am thành chùa Ứng Quang rồi mở tại đây một lớp giảng kinh cho các Tăng sinh trẻ ở các chùa lân cận do Thiền sư Nhất Hạnh làm Giáo thọ. Chùa Ứng Quang trở thành một Phật học đường nhỏ với sự hợp lực của các Thiền sư Nhật Liên, Thiền sư Thiện Hòa.

Năm 1950, Hòa Thượng Trí Hữu hiến cúng lại am Trí Tuệ và giao quyền quản trị cho Thiền sư Thiện Hòa để hoằng dương Phật Pháp. Thiền sư Thiện Hòa bắt đầu nỗ lực kiến thiết và cho xây dựng ngôi chánh điện theo kiểu chùa Từ Đàm ở Huế, rồi dần dần xây dựng thêm giảng đường, Tăng xá, trai đường…

Năm 1951, các Thiền sư Trí Hữu, Nhất Hạnh, Nhật Liên và Thiện Hòa bắt đầu liên lạc với các Phật học đường Phật Quang (do Thiền sư Thiện Hoa chủ trì ở Trà Ôn, Trà Vinh); Liên Hải (do các Thiền sư Trí Tịnh và Quảng Minh chủ giảng ở Chợ Lớn); Mai Sơn (được Thiền sư Huyền Dung khai giảng, ít lâu sau dời về chùa Sùng Đức ở Chợ Lớn); và Ứng Quang (ở Sài Gòn) để vận động hiệp nhất thành Phật Học Đường Nam Việt. Sau nhiều buổi họp mặt tại chùa Sùng Đức và Ứng Quang, chư vị Tôn túc lãnh đạo các Phật học đường đồng ý thống nhất các cơ sở lại và thành lập Phật Học Đường Nam Việt; chùa Ứng Quang được đổi tên thành Ấn Quang và được chọn làm trụ sở của Phật Học Đường Nam Việt. Thiền sư Thiện Hòa được cung cử làm Giám đốc Phật Học Đường.

Hòa Thượng Nhật Liên có thể nói là nhân vật tích cực quan trọng nhất trong Phật sự vận động thống nhất các Phật học đường tại Nam Việt. Chính Ngài đã đưa ra đề nghị đổi danh xưng Ứng Quang thành Ấn Quang.

Còn Hòa Thượng Trí Hữu, khi nhận thấy cơ sở Phật học tại Ấn Quang đã được các pháp hữu của mình đảm nhiệm một cách xuất sắc, Ngài hoan hỷ trở về Quảng Nam rồi nhận trụ trì chùa Linh Ứng ở Ngũ Hành Sơn, Non Nước đồng thời đảm nhiệm Giám đốc Phật Học Viện Phổ Đà tại Đà Nẵng. Sau khi thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Hòa Thượng từng giữ chức vụ Chánh đại diện Miền Liễu Quán và thỉnh thoảng lại vào thăm các pháp hữu của mình tại Ấn Quang. Ngài viên tịch ngày 30.1.1976 tại chùa Ấn Quang, ngôi chùa lịch sử do chính Ngài đã khai sơn mấy mươi năm về trước.

Về phương diện kiến thiết, Cư sĩ Trương Đình Ý, Giáo sư Trường Mỹ Nghệ Thực Hành ở Gia Định là người đã có nhiều công sức chăm chút việc kiến trúc, điêu khắc, trang trí của chùa. Tượng Phật và các bức phù điêu nơi chánh điện là những công trình sáng tác của ông.

Sau một quá trình xây dựng không quá dài, chùa Ấn Quang tổ chức đại lễ khánh thành vào ngày 14-15 tháng 7 năm Quý Tỵ (1953). Trong vòng chưa tới hai năm, Phật Học Đường Nam Việt đã trở thành trung tâm Phật Giáo có uy tín nhất ở miền Nam. Đường Lorgéril do đó được đổi thành đường Sư Vạn Hạnh. Chùa Ấn Quang bắt đầu đi vào lịch sử…

Ngày 21/4/1956, Đại Hội lần thứ nhất của Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam được tổ chức tại chùa Ấn Quang. Đại Hội đã gửi văn bản cho Tổng thống Ngô Đình Diệm yêu cầu Chính phủ công nhận ngày Lễ Phật Đản là một trong các ngày nghỉ lễ tôn giáo hàng năm của công chức và binh sĩ.

Trong Pháp Nạn Phật Giáo năm 1963, cùng với chùa Xá Lợi (tọa lạc tại góc đường Bà Huyện Thanh Quan – Sư Thiện Chiếu), chùa Ấn Quang là trung tâm điều hành cuộc vận động cho tự do tín ngưỡng – bình đẳng tôn giáo của Tăng Ni, Tín đồ Phật Giáo Việt Nam.

Sau sự vụ 8 thiếu niên Phật Tử bị sát hại ở Đài phát thanh Huế vào đêm lễ Phật Đản PL.2507 (8/5/1963), dư luận tại thủ đô Sài Gòn và các tỉnh bàng hoàng dậy sóng; Tăng Ni, Tín đồ Phật Giáo đau đớn phẩn uất; thì ngày 9/5/1963, Cố vấn Ngô Đình Nhu sai ông Nguyễn Văn Thành – Nha Cảnh Sát và ông Dương Văn Hiếu – Chỉ huy Đoàn Công Tác Đặc Biệt Miền Trung đến chùa Ấn Quang gặp quý Thầy lãnh đạo Phật Giáo miền Nam để yêu cầu trấn an dư luận nhưng đã bị quý Thầy từ chối và cho họ biết rằng quý Thầy đang chờ tin tức từ Huế.

Ngày 17/5/1963, tại chùa Ấn Quang tổ chức một cuộc trưng bày các hình ảnh “biến cố Đài phát thanh Huế” trong đêm Phật Đản PL. 2507 khiến 8 thiếu niên Phật Tử bị thảm sát.

Vào ngày 21/5/1963, tại chùa Ấn Quang có hơn 1.000 Tăng Ni và rất đông đồng bào Phật Tử vân tập để hành lễ cầu siêu cho 8 nạn nhân bị thảm sát ở Huế. Dù vấp phải sự cản trở của cảnh sát, mật vụ và hăm dọa của nhà cầm quyền nhưng buổi lễ vẫn diễn ra trang nghiêm. Sau buổi lễ là cuộc tuần hành rước Linh vị, di ảnh các nạn nhân về chùa Xá Lợi (cùng lúc đó, một đoàn tuần hành khác gồm 350 Tăng Ni diễn hành từ chùa Xá Lợi đến trụ sở Quốc Hội).

Kể từ sau khi thành lập Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo vào ngày 25.5.1963 tại chùa Xá Lợi với một cuộc hội họp của 10 Giáo phái chỉ trong vòng hai giờ đồng hồ tại một hoàn cảnh cực kỳ nguy biến của Phật Giáo giữa cơn Pháp Nạn, chùa Ấn Quang từ đó trở thành trụ sở của Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo, nơi chuyển tải sự thống nhất ý chí và lực lượng của Phật Giáo Đồ Việt Nam. Ấn Quang cùng với Xá Lợi, Giác Minh… chính là các trung tâm bảo vệ Phật Giáo của miền Nam Việt Nam. Và cũng từ đó, những Phật Tử đến chùa Ấn Quang (và Xá Lợi, Giác Minh…) luôn bị theo dõi, hăm dọa, bắt bớ; Chư Tăng Ni bản tự luôn trong tình trạng phải đề cao cảnh giác vì đêm đêm có thể sẽ bị bắt, bị đem đi giam cầm, thủ tiêu bất cứ lúc nào.

Hoạt động của Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo tại chùa Ấn Quang để lãnh đạo cuộc vận động; các văn kiện phát đi từ chùa Ấn Quang với mục đích đòi hỏi tự do tín ngưỡng – bình đẳng tôn giáo đã liên tục từ khi thành lập Ủy Ban Liên Phái cho đến Pháp Nạn giải trừ mà chúng ta ai cũng đều đã biết qua lịch sử cuộc vận động đau thương. Và cuối cùng…

Ấn Quang cũng chính là ngôi chùa cùng chung số phận bị tấn công mạnh mẽ nhất trong kế hoạch “tổng tấn công chùa chiền” với “Chiến dịch Nước Lũ” do nhà cầm quyền đương thời đồng loạt nhắm vào cùng với Xá Lợi, Giác Minh, Giác Sanh, Giác Nguyên, Kim Liên… và các chùa khác tại thủ đô Sài Gòn cũng như toàn miền Nam Việt Nam vào đêm 20 rạng sáng ngày 21/8/1963, lúc 0 giờ 15 phút.

Sau khi Pháp Nạn được giải trừ, Phật Giáo Việt Nam thống hợp các Tập đoàn, Hệ phái thành Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (ngày 1/1/1964), thì chùa Ấn Quang là trụ sở của Giáo Hội, nơi đặt văn phòng Viện Tăng Thống và Viện Hóa Đạo của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.

Kỷ niệm 60 năm Pháp Nạn Phật Giáo Việt Nam (1963-2023)
QUANG MAI
Sưu lục từ tài liệu các tự viện Việt Nam và tranh đấu sử Phật Giáo.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.