Bác sĩ Erich Wulff là ai?

Ông Erich Wulff sinh năm 1926 tại Tallin, thủ phủ của Estland (Esthonia – trước đây thuộc Liên Xô, nay đã trở lại là một quốc gia độc lập); con của một bác sĩ chuyên khoa phổi, thuộc người thiểu số gốc Đức và mẹ là một người Let (Letthuania – trước đây cũng thuộc Liên Xô, nay cũng đã trở lại là một quốc gia độc lập); lớn lên với 3 thứ tiếng (Đức, Esthoni và Nga).

Vào tháng 11/1939 ông theo gia đình về ở tại Ba Lan đang bị Đức quốc xã chiếm đóng, học trung học đến tháng 6/1944, sau đó đi quân dịch tại một quân chủng bộ binh tại miền đông nước Phổ và bị bắt làm tù binh đến tháng 9/1945 sau khi Đức đầu hàng. Ông thi đậu bằng Tú tài trong niên khóa 1946-1947 dành cho các cựu chiến binh tại Lippstadt, rồi theo học Y khoa và Triết học tại Koeln (Cologne) từ năm 1947 đến 1953, tốt nghiệp Bác sĩ năm 1953. Ông nhận được học bổng quốc gia Pháp theo học tại Paris niên khóa 1953-1954, sau đó làm Giảng Nghiệm Viên và học Cao học ngành Tâm thần tại Marburg, Bayreuth và Freiburg từ năm 1955 đến 1961 và đậu bằng Tiến sĩ Y khoa năm 1960.

Ông bà Wulff tại căn nhà riêng ở Paris (2008).

Ông làm Giảng sư tại Đại Học Y Khoa Huế từ năm 1961 đến 1967 và bắt đầu dấn thân chính trị để báo động thế giới về cuộc thảm sát đêm Phật Đản 1963 tại Đài Phát Thanh Huế và khởi động các hoạt động chống chiến tranh tại Việt Nam.

BS Wulff được đón tiếp niềm nở tại chùa Từ Đàm – Huế năm 1964.
BS Wulff và Thượng tọa Trí Quang – năm 1967.

Từ năm 1968 đến 1974 ông làm Bác sĩ trưởng Viện Tâm Thần Đại Học Giessen và trình luận án Thạc sĩ Y khoa năm 1969. Ông tham gia các phong trào đòi hòa bình cho Việt Nam từ năm 1967, là thành viện sáng lập của Phong Trào Cải Cách Ngành Tâm Thần, viết báo cho tờ “Das Argument” (Lý Luận) và tờ “Sozialpsychiatrische Informationen” (Bản Tin Xã Hội Tâm Thần). Ông lập gia đình năm 1972 với bà Edith Toubiana, có các con là Jonathan – 1975, Manuel – 1977 và Noemi – 1981. Năm 1974 ông được phong chức Giáo sư thực thụ tại Viện Tâm Lý Xã Hội tại Đại Học Y Khoa Hannover, và nghỉ hưu từ năm 1994. Ông định cư tại quận 11 Paris từ năm 2003.

BS. Wulff trên đường phố (Quận 11, Paris – 2008).

Năm 2008, ông có trở lại Việt Nam để tham dự Đai Lễ Phật Đản Vesak Liên Hiệp Quốc tại Hà Nội và ghé về thăm lại Huế. Ông qua đời ngày 31 tháng giêng 2010 tại Paris.

Gia đình BS Wulff được BTC Đại Lễ Phật Đản Vesak đón tiếp tại sân bay Nội Bài, Hà Nội năm 2008.
BS Erich Wulff tại một cuộc phỏng vấn ở Huế (tháng 5/2008).

Các tác phẩm của ông:

  • Vietnamesische Lehrjahre (Những năm dạy học tại Việt Nam), NXB Suhrkamp 1968/72/79.
  • Psychiatrie und Klassengesellschaft (Tâm thần học và xã hội giai cấp), NXB Fischer/ Frankfurt 1972.
  • Eine Reise nach Vietnam (Một chuyến đi Việt Nam), NXB Suhrkamp/Frankfurt 1979.
  • Psychisches Leiden und Politik (Nỗi đau tâm thần và chính trị), NXB Campus/Frankfurt 1981.
  • Wahnsinnslogik (Lý luận khùng), NXB Psychiatrieverlag/ Bonn 1995/2003, Irrfahrten.
  • Autobiographie eines Psychiaters (Những chuyến đi lạc, hồi ức của một chuyên gia tâm thần), NXB Psychiatrieverlag/ Bonn 2001.
  • Tác phẩm cuối cùng của ông là cuốn “Vietnamesiche Versoehnung” (Hòa giải Việt) ghi lại cảm tưởng chuyến đi tháng 5/2008 về Việt Nam.

Tưởng nhớ 50 năm Pháp Nạn Phật Giáo Việt Nam (1963-2013).
QUANG MAI sưu tầm.
Thư Viện GĐPT bổ sung hình ảnh.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.