Ngày kia, tình cờ đọc tản văn thấy tác giả ghi: Không phải Phật chỉ ở trên bàn thờ, không phải Phật chỉ ở trong tâm tôi, Phật còn ở chung quanh tôi, Phật ở cùng khắp, chỗ nào cũng có Phật, nơi gió thoảng, nơi tiếng con chim hót, nơi bước chân tôi đi, nơi cả trong lời tôi nói, nơi cả trong ý nghĩ của tôi(*). Tôi tán thán: Hay quá! Ở đâu cũng có Phật hết. Nhưng sao tôi lại không thấy?!!!
Hôm xuống nhà khách, nhìn lên bức hình Phật không gian ba chiều. Tôi đứng chính giữa bức hình, thấy đôi mắt Phật đang nhìn vào tôi; tôi đứng sang bên phải thấy đôi mắt Phật cũng hướng về bên phải; tôi đi sang bên trái thấy đôi mắt Phật cũng nhìn sang bên trái. Tôi ồ lên ngạc nhiên: Bức hình lạ quá, đứng nơi đâu cũng thấy Phật nhìn. Một Huynh đứng cạnh đó lên tiếng: Bao giờ mà Phật chẳng nhìn em, tại em không chịu nhìn Phật thôi.
Tôi bâng khuâng, tư lự. Thế Tôn lúc nào cũng nhìn con sao? Vậy thì Ngài cho con hỏi vài câu được không?
Không có tiếng đáp lại, như vậy Thế Tôn đã đồng ý cho con hỏi rồi.
– Con nghe những người đến chiêm bái Thánh Tích nơi Phật đản sanh về đều kể: Xứ Phật nghèo lắm, đất cát khô cằn, người dân lam lũ, trẻ em thất học, đói khát, ăn xin đầy đường. Rồi đọc sử Phật con thấy ngày xưa nơi Thế Tôn sống có rất nhiều tôn giáo, tín ngưỡng đủ loại: thờ Thần Rắn, Thần Lửa, ăn lá cây, nằm trên gai, đứng một chân v.v… để mong cầu sau khi chết được sanh về cảnh giới vui sướng hơn. Chưa hết, Ấn Độ là xứ phân biệt giai cấp bậc nhất, nào là: Sát Đế Lợi, Bà La Môn, Phệ Xá, Thủ Đà La; giai cấp dưới không được đi chung đường, không được nhìn giai cấp trên. Thưa Thế Tôn, Ngài đến một nơi như vậy có chủ ý gì?
– Để xoa dịu nỗi đau, để chuyển hóa kiến chấp, để xóa bỏ giai cấp, để gầy dựng niềm tin cho chúng sanh biết mình là Phật sẽ thành. Con thấy Như Lai đến một nơi có nhiều ý nghĩa không?
– Con đọc trong kinh nghe Thế Tôn nói: Phật thì thường hằng bất biến, không sanh không diệt. Sao những người đến Ấn Độ chẳng thấy được Ngài, chỉ còn là dấu tích chốn xưa, vỏn vẹn có trụ đá ghi khắc đánh dấu nơi Thế Tôn đã từng đi qua thôi?
– À, con muốn thấy thân ta với 32 tướng tốt và 80 vẽ đẹp đó hả? Thân tướng đó đã thiêu thành Xá-lợi lâu rồi. Chẳng lẽ con muốn Thế Tôn sống cho đến hai ngàn mấy trăm tuổi sao? Như vậy con sẽ thấy một ông già lụ khụ chẳng có uy phong tí nào. Ngày trước ta được sinh ra từ mẹ và cha, có dòng máu cùng đỏ, nước mắt cùng mặn. Lớn lên ta có gia đình, cũng yêu vợ thương con, nhưng trong ta lại khao khát một chân lý giải thoát cho chính mình và nhân sinh, nên ta đã nhìn vợ con một lần sau cùng rồi ra đi tìm đạo. Khi thành đạo, Ta quay về thành Ca Tỳ La Vệ độ song thân và những người có duyên với ta. Lúc đó chủng tử La Hầu La chạy đến bên ta: “Xin cha cho con gia tài”. Thay vì cho một gia tài sinh diệt của thế gian, ta đã cho La Hầu La Thánh Tài của Như Lai, để rồi từ đó La Hầu La theo Tăng Đoàn tu học, sau chứng Thánh Quả hưởng trọn cả một gia sản vô sanh. Và ta cũng thương tất cả chúng sanh như La Hầu La vậy, ta muốn trao cho chúng sanh Thánh Tài của Như Lai, nhưng đôi khi chúng sanh không thèm nhận…
– Thưa Thế Tôn, xin Ngài dừng lại cho con hỏi một câu: Con nghe kể Như Lai vào Niết-bàn lúc 80 tuổi, vậy Thế Tôn đâu còn ở cõi đời này mà trao Thánh Tài cho chúng con?
– Như Lai nào vào Niết-bàn?! Con muốn nói Sa Môn Cồ Đàm thuộc dòng họ Thích Ca đó à. Thế Tôn quên mất, con người đó do tứ đại hợp thành, khi hết duyên phải trả về cho đất, nước, lửa, gió chứ. Là con người có sanh phải có tử. Ta hiện thân trên cuộc đời này để rồi thị tịch là muốn cho chúng sanh biết định luật vô thường không từ chối một ai, kể cả Thế Tôn. Ta cũng từng vùi mình trong ngũ dục thế gian, cũng lăn lộn trong cạm bẫy cuộc đời nhưng ta biết thoát ra khổ đau vươn tới chân hạnh phúc. Thế Tôn làm được, chúng sanh cũng sẽ làm được, vì ai cũng được tạo từ ngũ uẩn, đều có thân và tâm.
– Như vậy vào Niết-bàn là Thế Tôn thị hiện. Thật ra Thế Tôn vẫn còn có mặt trên cõi đời này?
– Đúng rồi, nếu chúng sanh nhớ đến Như Lai, Như Lai liền hiện hữu. Chúng sanh mê chơi quên Như Lai, Như Lai vẫn đứng bên cạnh chúng sanh. Con có thấy được Như Lai chưa?
– Nhưng thưa Thế Tôn, con lại thắc mắc…
– Con mãi thắc mắc nên chẳng nhìn thấy Ta. Thôi, Thế Tôn đi nha, vì còn nhiều chúng sanh muốn hỏi ta như con hỏi vậy. Ta phải đến đó để trả lời nhưng không biết bao giờ mới xong. Con hãy ngồi nghiệm lại những lời Thế Tôn đã nói, bao giờ con hiểu được thì sẽ thấy Như Lai.
– Nhưng…
– Con mãi như thế, bao giờ mới thấy Như Lai đây?! Mới biết, ta có mặt khắp nơi mà có người thấy, có người lại không thấy. Thật tiếc thay!
(*) THẤY PHẬT – Cao Huy Thuần.
HẠNH CHIẾU