DA TRONG XƯƠNG
Có một vị học tăng ngồi bên am thấy một con rùa bèn hỏi Thiền Sư Đại Tùng:
– Chúng sanh đều là xương trong da, vì sao con rùa lại da trong xương?
Thiền Sư Đại Tùng nghe xong, không đáp, chỉ cởi giày cỏ của mình để trên lưng rùa.
Vì cử chỉ này của Đại Tùng mà Thiền Sư Thủ Đoan có làm một bài tụng:
Trên da rành rõ cốt tròn tròn
Vẽ quái trùng trùng thật dễ xem
Rút đôi giày cỏ để lên đấy
Tăng kia lại bị Đại Tùng lừa.
Thiền Sư Phật Đăng cũng có làm một bài tụng:
Pháp không riêng khởi
Cảnh chiến vừa sanh
Con rùa không biết lên vách
Giày cỏ hành cước theo người.
Thiền Sư Bảo Phong lại chỉ ra rõ ràng:
Rành rành truyền ngoài lời
Tin đâu có xưa nay?
Tụng rằng:
Ném đồng vàng, quay xương thiếc.
Nước về Đông, trời lặn Tây.
Lời bình:
Chúng ta sống trên thế gian này, đến nơi nào tâm cũng hiếu kỳ, ngay tâm hiếu kỳ này, cầu hiểu biết thì được, còn ngộ đạo thì cách xa. Người ngộ đạo là do tâm bình thường. Học tăng thấy thịt trong xương con rùa liền khởi tâm hiếu kỳ, Đại Tùng lấy giày cỏ để lên lưng tức là che đậy cái tâm hiếu kỳ. Thiền Sư Phật Đăng nói: “Con rùa không biết lên vách, giày cỏ hành cước theo người”. Đó là việc bình thường. Thiền Sư Bảo Phong nói: “Nước về Đông, trời lặn Tây”. Đó cũng là việc rất bình thường. Nhưng ở trong cái bình thường có một nguyên tắc không bình thường, đó là duyên khởi tánh không. Hiểu được điều này, thì Phật đạo, tâm thiền, giải thoát đều ở tại đây!