TIỂU SỬ
TỔ VÔ CHUẨN – SƯ PHẠM
無 準 師 範
(1175-1249)
Đời thứ 16 tông Lâm Tế – Thiền Tông Trung Hoa
oOo
Ngước nhìn cao vút, thấu chân thiên
Sư Phạm muôn đời kim cổ truyền
Mang kiếm đến đây tìm bắt giặc
Vung đao vào biển diệt oan khiên
Tỏ tường sống chết, thành công lớn
Độ hết ta, người tọa bảo liên
Ai hỏi lão tăng về việc ấy
Thiên Thai cầu đá hãy tham liền.
Thiền Sư Vô Chuẩn – Sư Phạm họ Ung, hiệu Vô Chuẩn sinh năm Ất Mùi (1175), niên hiệu Thuần Hy thứ 2 đời vua Hiếu Tông triều Nam Tống, người Tử Châu, đất Thục (Tử Đồng, nay thuộc tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc).
Năm lên 9 tuổi, Ngài theo Âm Bình – Đạo Khâm xuất gia. Năm Giáp Dần (1194), niên hiệu Thiệu Hy năm đầu đời vua Ninh Tông nhà Nam Tống, Ngài thọ Cụ-túc.
Năm sau, Mậu Tuất (1195), niên hiệu Khánh Nguyên năm đầu, Ngài nhập hạ tại chùa Chính Pháp ở Thành Đô.
Năm vừa tròn 20 tuổi theo học với Tổ Tú Nham – Sư Thụy ở núi Dục Vương. Vì Ngài nghèo không có đồ cạo tóc nên người đời gọi Ngài là “Ô Đầu Tử” (ông đầu đen).
Trên bước đường tham học với Tổ Dục Cương – Phật Chiếu. Phật Chiếu hỏi:
– Quê quán của ông ở đâu?
– Thưa, ở Kiếm Châu.
– Vậy ông có mang kiếm theo không?
Ngài hét lớn! Phật Chiếu cười nói:
– Gã đầu đen này ồn ào quá!
Về sau, Ngài nghe Thiền Sư Phá Am đang hoằng pháp tại núi Hoa Tú phía tây Tô Châu, Ngài bèn đến xin nhập chúng y chỉ tu học, rồi được cử làm thủ chúng.
Một hôm nọ, Ngài cùng Phá Am đi dạo ở đỉnh Thạch Duẩn, có một đạo nhân đến thỉnh ích(1), Phá Am dạy tham câu thoại “con vượn”, Ngài đứng hầu bên cạnh, nghe câu này liền đại ngộ.
Về sau ngài hoằng pháp ở Kính Sơn, hết lòng kính thờ Ngài Phá Am. Trước khi viên tịch, Tổ Phá Am truyền trao cho Ngài kế thừa Tổ vị.
Năm Nhâm Thìn (1232), niên hiệu Thiệu Định thứ 5 triều vua Lý Tông nhà Nam Tống, Ngài phụng sắc trú trì chùa Kính Sơn.
Năm sau, Quý Tỵ (1233), Ngài vào cung Từ Minh thuyết pháp, được nhà vua ban hiệu là Phật Giám Thiền Sư.
Niên hiệu Thuần Hựu thứ 8 triều vua Lý Tông, Nam Tống, vào này rằm tháng 3 năm Mậu Thân (1248)(2), Ngài viết bài kệ:
Đến đây trồng hoang hoác
Ra về sạch trọi trơn
Muốn hỏi điều chân yếu
Chiếc cầu đá Thiên Thai.
Và hơn 20 trang di biểu để lại cho hàng môn đồ. 3 ngày sau thì Ngài thị tịch, thọ thế 65 tuổi.
Ngài có để lại một số tác phẩm như Vô Chuẩn Sư Phạm Thiền Sư Ngữ Lục, Vô Chuẩn Hòa Thượng Tấu Đối Ngữ Lục.
Đệ tử nối pháp Ngài có Thiền Sư Tổ Khâm.
Có bài tán:
Nơi đỉnh Thạch Duẩn
Bắt được đi hầu
Thùng cây thủng đáy
Pháp tràng dựng cao
Hùng như sấm sét
Chỉ là cọp, thỏ
Một giọt nhỏ thêm
Cam lộ tuôn tràn.
—= oOo =—
(1) Thỉnh ích: Cầu xin chỉ giáo thêm trong việc tu tập.
(2) Có tài liệu khác ghi Ngài thị tịch vào ngày 15 tháng 3 năm Kỷ Dậu (1249), niên hiệu Thuần Hựu thứ 9.