Tại Sài Gòn, ngày 28 tháng 4 năm Quý Mão (21-5-1963), Giáo Hội Tăng Già Nam Việt tổ chức một lễ cầu siêu – và sau đó là cuộc rước linh vị các Thánh tử vì đạo – của chư Tăng, Ni trong Giáo Hội, khoảng 800 vị tham dự với những tấm áo cà sa vàng rực. Hai bên lề đường là những đoàn xe bọc thép và lính chiến đấu chĩa họng súng vào đám rước, nhưng đoàn người hiền lành tay không, không biết sợ uy vũ là gì vẫn hiên ngang tiến bước… Hàng ngàn đồng bào Phật Tử đứng tại chỗ luôn chắp tay trên ngực và niệm Phật suốt dọc đường từ chùa Ấn Quang tới chùa Xá Lợi dưới bầu trời rợp mát như có sự che chở thiêng liêng của chư vị Hộ Pháp Thiện Thần. Một cuộc diễn hành trang nghiêm làm chấn động cả thủ đô Sài Gòn và lan ra khắp trong nước và thế giới.
Cùng ngày, 5 cấp Trị Sự Phật Giáo Việt Nam, Trung Phần và Thừa Thiên cũng đồng loạt tổ chức một lễ cầu siêu các Anh Linh tử vì đạo tại chùa Từ Đàm – Huế, với sự tham dự của hàng ngàn Tăng, Ni và đồng bào Phật Tử. Các đoàn thể: Thanh niên, Sinh viên, Học sinh, Gia Đình Phật Tử, Hướng Đạo Phật Tử đều có mặt đông đủ trong buổi lễ long trọng này. Dưới đây xin trích nguyên văn hai bài diễn văn & văn tế của buổi lễ.
DIỄN VĂN
Đọc trong Lễ Cầu Siêu các Anh Linh Tử Vì Đạo tại chùa Từ Đàm ngày 28 tháng 4 âm lịch Quý Mão, lúc 9 giờ.
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT
Kính liệt vị Anh Linh Tử Vì Đạo.
Chúng tôi làm sao nói hết nỗi lòng xúc cảm của chúng tôi trước cái chết đầy ý nghĩa cao quý của quý vị.
Gần hai nghìn năm lịch sử Phật Giáo Việt Nam, lần đầu tiên trên đất Việt, hàng Phật Tử – Tăng-già và cư sĩ – lắng đọng tâm thành chiêm ngưỡng cái chết vì đạo pháp. Cũng giờ này đây, trên khắp cõi Việt Nam Cộng Hòa, tiếng thổn thức phát động từ những cõi lòng cùng chung dòng máu Thích Ca, hòa theo dòng lệ nóng hổi khi đối diện trước anh hồn của những Phật Tử đã ngã gục cho linh hồn Phật Giáo hiển hiện nơi lá cờ. Máu đào nhuộm thắm lá cờ, Ôi! Dòng máu hiển linh nên Thánh! Phải chăng các “Người” đã chết? Trên cuộc đời này ai mà tránh khỏi đoạn trường sinh lão bệnh tử? Những cái chết của các Người chỉ là cái hủy hoại của thể xác để anh hồn vĩnh viễn với thời gian! Rồi đây, với ngày Phật Đản hằng năm; hàng Phật Tử đất Việt – có thể cả Phật Tử năm châu – sau khi hân hoan kỷ niệm sự ra đời của Đức Từ Phụ, lại ngậm ngùi kỷ niệm những cái chết biểu dương tinh thần vô úy để bảo vệ sự ra đời ấy! Sống chết là vô thường. Chỉ lòng người đối với ý nghĩa của sự sống chết mới là bất biến. Do đó, các Người đã nên Thánh, những vị “Thánh Tử Vì Đạo”.
Thưa quý vị Tang Gia.
Chúng tôi biết quý vị đau xót khi mất đi những người con yêu quý của chính mình, cũng như đại gia đình Phật Tử mất đi những Phật Tử tín thành. Trong cái đau xót, tiếc thương, chúng tôi còn biết quý vị cố bình tĩnh nén mối tình Phụ tử, Mẫu tử và cảm thấy hãnh diện vì con cháu mình không phải chết một cách vô ích trong những cảnh ngộ tầm thường.
Cái chết ấy đã gắn liền với lịch sử Phật Giáo mà tên tuổi còn ghi lại đời đời. Khi còn sống là con cháu của quý vị – riêng của quý vị – nhưng kể từ nay, kể từ ngày Phật Đản Phật lịch năm 2507, con cháu của quý vị là những vị Thánh mà Tăng Ni, Tín Đồ thờ phụng trên khắp chùa chiền đất Việt. Chắc quý vị cũng nhận cho đây là niềm an ủi độc nhất nỗi đau xót của lòng cha mẹ thương con mà suốt nhiều tháng năm không dễ gì tìm thấy.
Ôi! Những Thánh Tử Vì Đạo! Sao các Ngài lại được cái may mắn dường kia! Sao các Ngài lại được cái vinh dự “ngàn năm chưa có một lần” thế ấy? Anh hồn các Ngài còn phảng phất đâu đây? Phải chăng trên những lá cờ kia như đang ngoắc gọi, thúc giục chúng tôi phải cương quyết một lòng vì đạo! Ôi! Hùng vĩ thay là những ngọn cờ năm màu sáu sắc! Ngọn cờ rung động từ anh linh của các Ngài!
Chúng tôi, hàng Phật Tử Việt Nam xin phủ phục trước anh linh các Ngài, xin các Ngài chứng giám cho tấm lòng trung kiên của muôn vạn Phật Giáo Đồ chúng tôi đang hăng hái vì lý tưởng phụng sự chính pháp mà quý Ngài đã nêu gương sáng chói!
NAM MÔ TIẾP DẪN ĐẠO SƯ A DI ĐÀ PHẬT.
VĂN TẾ
Anh Linh các Thánh bỏ mình vì Chính Pháp
Hỡi ôi!
Sông Hằng sóng gợn,
Núi Tuyết mây che!
Đêm trăng tròn hoa ngát chín tầng mây, niềm vui chưa kịp nở;
Ngày Phật Đản hương bay ngàn cõi mộng, cảnh thảm đã hiện này!
Nghĩ lại ngày:
Đèn kết hoa giăng,
Cờ bay nhạc trổi.
Khắp trời Âu, Á, Úc, Mỹ, Phi: Kìa đạo kỳ phất phới, khói trầm xông cúng lễ Giáng Sinh;
Rợp đất da vàng, trắng, nâu, đen: Nọ đại lễ nguy nga, tâm niệm hướng về ngày Phật Đản.
Nhớ nước Việt ta:
Trải từ Đinh, Lê, Lý, Trần, nền đạo thống con Hồng – cháu Lạc;
Khắp hòa Đông, Tây, Nam, Bắc, nếp gia phong nảy lộc đâm chồi.
Đau đớn thay chúng ta:
Phận dưới liên đài
Tình trong đạo niệm
Mười ngàn họp con dân xứ Huế, ngọn Phật kỳ tỏa ánh hào quang:
Nước non Thần[1] bao mạng phơi thây, dòng máu thiêng nêu gương Chính Pháp.
Đứt ruột thay!
Nào xe tăng, nào thiết giáp, nào xe cứu hỏa chạy tuôn tràn cán nát sinh linh;
Nào súng trường, nào lựu đạn, nào nước vòi rồng bắn tung bừa đoàn người đạo hạnh.
Bao thể phách chia lìa trăm mảnh vỡ, đầu bay mất, cánh tay rơi, lá cờ Phật còn cầm, một lòng son sắt;
Những anh hồn hội tụ một vầng sao, ngực vỡ toang, thân ngã gục, lòng hướng về Đức Phật, lấy máu đền ơn.
Là Phật Tử hết lòng hộ pháp, dẫu trăm cay ngàn đắng vẫn không từ;
Phận làm con vì đạo bỏ mình, càng áp bức lại càng thêm dũng khí.
Tinh thần ấy, thiêng liêng bất diệt, quyển vàng giáo sử lưu danh;
Công đức kia, bồi đắp về sau, đạo hạnh nêu gương chói lọi.
Đức Phật xưa dạy rằng:
“Học nhiều mến đạo, chưa chắc ngộ đạo; Vững lòng giữ đạo, đạo lớn vô cùng”.
Tiếc thay:
Những tưởng: trọn đời chung sức; đau đớn thay, kẻ mất người còn!
Ngờ đâu: chia cách âm – dương, ai hay thầy – trò người mỗi ngả!
Trước liên đài nhằm tuần Nhị Thất, nguyện anh hồn siêu sinh miền Cực Lạc, xin hãy về gia hộ kẻ còn đây;
Điểm son Giáo Sử mở trang đầu, chúng tôi nguyện chép tiếp những trang sau, gọi là chút đền ơn người đã khuất.
Mong các Anh Linh đồng lai chứng giám.
[1] Thần Kinh, tức Cố Đô Huế.
Kỷ Niệm 50 Năm Pháp Nạn Phật Giáo Việt Nam (1963-2013).
Quang Mai sưu tập.