Năm Tân Sửu 2021 – Xem lại 5 năm Tân Sửu có các sự kiện đặc biệt trong dòng sử Việt

TVGĐPT – Ngày đầu năm Tân Sửu – 2021, xin lược trích lại 5 năm Tân Sửu có các sự kiện đặc biệt trong bài “Thử ôn lại các sự kiện những năm Sửu trong Việt sử” đã đăng tải trên Thư Viện GĐPT để Quý Bạn Đọc tham khảo.

NĂM TÂN SỬU – 41: Hai Bà Trưng (Trưng Trắc – Trưng Nhị) xưng Vương tại đất Mê Linh sau khi cuộc khởi nghĩa thành công, lật đổ ách thống trị của nhà Đông Hán; giành lại nền tự chủ đất nước sau 150 năm Bắc thuộc; hình thành một quốc gia độc lập; thiết lập chế độ quân chủ nữ quyền đầu tiên ở Việt Nam; xây dựng thành quách để ngăn giặc Hán xâm lăng.

NĂM TÂN SỬU – 1001: Thập Đạo Tướng Quân Lê Hoàn dẹp yên được “giặc Cử Long” tại Thanh Hóa nhưng thời điểm bấy giờ Vệ Vương Ðinh Toàn lại bị tử trận. Triều đại nhà Ðinh cũng kết thúc sau đó.

NĂM TÂN SỬU – 1481: Vua Lê Thánh Tôn ban lệnh lập đồn điền khắp nơi trong nước để sản xuất lương thực và tạo việc làm cho quân sĩ trong thời bình. Vua cho lập 42 sở đồn điền trong cả nước, chia thành 3 bậc thượng, trung, hạ, với mục tiêu “dùng hết tiềm lực của nghề nông, mở rộng nguồn tích trữ”. Cùng năm này, triều đình cũng được lệnh lập bia đá tại Văn Miếu ở kinh đô Thăng Long (Hà Nội) ghi tên các Tiến Sĩ trong nước từ khoa thi đầu tiên cho đến năm cuối cùng của nhà Hậu Lê là 124 khoa thi. (Từ năm 1802, khi triều nhà Nguyễn dời đô về Huế và lập Văn Miếu, dựng bia ghi tên Tiến Sĩ các khoa thi kế tiếp cho đến khi “nhà nước bảo hộ” Pháp bãi bỏ chế độ thi cử theo Nho Giáo vào đầu thập niên thế kỷ XX).

NĂM TÂN SỬU – 1841: Vua Thiệu Trị nhà Nguyễn cho vẽ bản đồ lãnh thổ Việt Nam đầy đủ khắp các tỉnh để sử dụng vào các lãnh vực hành chánh dân sự và quân sự. Cùng năm, lệnh vua nghiêm cấm quan lại đi công cán đến các địa phương không được nhũng nhiễu, kinh động dân chúng và tham nhũng, hà lạm của công cũng như của dân. Cũng trong năm này, vua sắc chỉ thực hiện việc kiểm kê hành chánh trong toàn quốc về mọi mặt: dân số, quân số, điền địa, thuế khoá v.v… (Đợt kiểm kê này rất kịp thời và lưu lại những số liệu vô cùng giá trị. Nếu chậm trễ, lúc quân Pháp đã tràn vào, cục diện thay đổi, hầu như không thể thực hiện).

NĂM TÂN SỬU – 1901: Phan Chu Trinh đậu Phó Bảng Tiến Sĩ, được triều đình Huế bổ làm Thừa Biện Bộ Lễ nhưng không bao lâu thì nhà chí sĩ này từ quan, dấn thân vào con đường cách mạng chống Pháp. Cùng khoa này còn có các ông Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng và Nguyễn Sinh Sắc.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.