Việc đầu tiên của đức Phật sau khi giác ngộ là thành lập Tăng Đoàn gồm những đệ tử xuất gia theo Ngài, những hiền nhân nay đây mai đó, những người từ bỏ tất cả để học Phật Pháp và hoằng dương giáo lý giải thoát. Họ sống bằng cách đi khất thực từ nhà này đến nhà khác và sở hữu của họ không có gì ngoài ba chiếc áo và một cái bình bát. Danh từ “khất sĩ” có từ đó. Khất Sĩ có nghĩa là khất thực và khất pháp, tức là xin vật thực của người đời để nuôi thân và xin giáo pháp của Phật để tu hành nuôi tâm. Từ ban đầu, họ không phải là những nhà tu khổ hạnh tự hành xác để sám hối và không xem lối sống đơn giản tự nó là cứu cánh mà chỉ là phương tiện để giải thoát những phiền toái hàng ngày hầu có thể tập trung toàn lực vào công việc quan trọng duy nhất là đạt giác ngộ cho mình và giúp ích cho người.
Khất thực có nghĩa là xin ăn. Cách nuôi thân một cách chân chính do Phật dạy cho những đệ tử xuất gia. Đó là thực hành chánh mạng thanh tịnh. Tưởng cũng nên nói thêm ở đây là tu sĩ của một số tôn giáo khác ở xã hội Ấn Độ thời đức Phật còn tại thế, thường dùng những phương tiện không chính đáng để mưu sinh, bởi lẽ những công việc ấy nhẹ nhàng, dễ làm, không khó nhọc như các nghề coi bói toán, xem tinh tú, bùa chú, xem ngày xấu, giờ tốt, xem phong thổ, địa lý cho việc xây nhà, đào ao, v…v… Đức Phật nhận thấy đây là điều không thể chấp nhận và không phải là việc làm của người tu sĩ Phật Giáo, không phải là hành chánh mệnh (mạng) thanh tịnh.
Đi khất thực còn gọi là đi bình bát hay trì bát. Chữ “bát” có nghĩa là đồ dùng để chứa đựng các thực phẩm chỉ đủ vừa sức ăn cho một người. Bình bát là loại bình được làm bằng đá, bằng sành, bằng đất sét nung thật chín rồi tráng men bên trong cho khỏi rỉ nước, chứ không được làm bằng vàng bạc hay tất cả những kim khí quý. Nếu dùng bằng kim khí quý thì không đúng phẩm hạnh của người xuất gia. Các vị đã phát tâm xuất gia tức là tập hạnh xả bỏ tất cả, kể cả thân mạng nếu cần và đúng với chánh pháp, nghĩa là xả phú cầu bần, xả thân cầu đạo. Ở các nước theo Nam Tông Phật Giáo, chư Tăng đi khất thực nên thường dùng bình bát. Các nước theo Bắc Tông Phật Giáo thì không đi khất thực nên chỉ dùng bình bát trong 3 tháng an cư kiết hạ, có nơi còn 3 tháng kiết đông nữa; đồng thời, thỉnh thoảng có quý thí chủ phát tâm Cúng Dường Trai Tăng thì cũng dùng bình bát để cúng Phật trước khi thọ trai.
Chuyến đi khất thực bao giờ cũng diễn ra vào buổi sáng và chấm dứt trước giờ ngọ – tức trước lúc mặt trời đứng bóng. Các Tỳ-kheo đi một mình hay từng nhóm, không đứng trước cửa chợ mà đi theo thứ tự, từ nhà này sang nhà khác, không phân biệt; mắt nhìn xuống và yên lặng đứng đợi trước mỗi cửa nhà để xem thức ăn có được đặt vào bình bát không. Các thí chủ chỉ cúng dường những thức ăn đã được nấu sẵn, không cúng dường các vật liệu chưa làm thành món ăn, như cúng cơm chứ không cúng gạo, cúng món rau xào chứ không cúng bó rau chưa nấu chín. Nếu chưa đủ dùng, chư vị tiếp tục đi theo hàng dọc đến nhà bên cạnh nhưng không được quá 7 nhà. Chư vị không được phép bỏ sót nhà nào, hoặc dành ưu tiên cho phố xá ở các thị trấn phồn thịnh; các gia chủ giàu hay nghèo đều phải được tạo cơ hội đồng đều để gieo trồng phước duyên, cũng không muốn gây cảm tưởng là chư vị ham thích những khu phố giàu có vì thức ăn ngon hơn.
Khất thực xong, các vị trở về tịnh xá để ăn trước khi mặt trời đứng bóng. Đây là bữa ăn duy nhất trong ngày. Thông thường thức ăn được phân ra làm 4 phần: một phần nhường lại cho các bạn đồng tu nếu thấy họ không có hay có ít, một phần san sẻ cho người nghèo, một phần dành cho loại chúng sinh không phải là người nhưng sống chung với người và cuối cùng còn lại là phần mình dùng. Khi thọ dụng thức ăn, các vị Tỷ-kheo xem như là việc uống thuốc để duy trì sự sống mà tu hành, ngon không ham, dở không bỏ. Thọ dụng cúng phẩm của người đời vừa khỏi đói khát thì thôi, không được ham cầu cho nhiều, phá vỡ thiện niệm của họ. Sau bữa ăn, các vị rửa bát, xếp gọn các y, ngơi nghỉ trong chốc lát, liền lại đến một gốc cây hoặc căn nhà trống hay tịnh thất ngồi thiền định như hành Tứ Niệm Xứ hay niệm hơi thở vào, hơi thở ra (Quán Sổ Tức).
Hằng năm, chư Tăng Ni an cư vào 3 tháng mùa mưa. Tất cả trở về sống chung trong các tịnh xá lớn. Trong thời gian này, chư Tăng không đi khất thực, đã có Thiện Nam, Tín Nữ, đến tịnh xá “để bát” và lo tứ sự cúng dường. Cứ đến ngày lễ Bố-tát vào ngày trăng tròn và ngày đầu trăng, chúng Tỳ-kheo cùng sống trong một vùng phải tập họp lại một chỗ gọi là giới trường để tụng đọc giới bổn Ba-la-đề-mộc-xoa. Chư Ni thì có đại diện đến xin lãnh giới ở chư Tăng và trở về tịnh xá riêng của Ni để tụng đọc giới bổn Ni. Ngoài 3 tháng an cư, chư Tăng được tung ra khắp các phương hướng, đi đến các trú xứ khác nhau, trong các quốc độ, vừa khất thực để độ nhật, vừa thuyết pháp độ sinh, và vừa nỗ lực tinh cần tiếp tục hành Thiền để đoạn trừ tham sân si.
Pháp khất thực do Phật truyền cho các đệ tử xuất gia phù hợp với nguyên lý Trung Đạo, tức là tránh xa 2 cực đoan: Thứ nhất là tránh xa sự sung sướng thái quá qua việc ăn thực phẩm do người đời cúng dường để vào trong bình bát mà không dùng đũa ngọc, chén ngà, bàn cao, ghế đẹp với thức ăn mỹ vị; và thứ hai là tránh xa sự khổ hạnh thái quá qua chiếc bát đựng đồ ăn vừa đủ dùng, không giống như phái tu khổ hạnh lượm trái cây, lượm đồ ăn dư thừa mà ăn.
Theo kinh Phật, sự xin ăn của tu sĩ đem lại lợi ích cho mình và cho chúng sinh. Đối với vị Tỳ-kheo khất thực thì có 5 điều lợi ích:
- Tâm trí được rảnh rang, ít phiền não.
- Không bận rộn tâm và thân để kiếm kế sinh nhai.
- Đoạn trừ tâm kiêu căng ngã mạn.
- Đoạn trừ lòng tham, không thể tham ăn ngon và ăn nhiều vì ai cho gì ăn nấy, không thể chọn lựa, thức ăn chỉ đầy bát chớ không nhiều hơn nữa, tránh khỏi sự thâu trữ vật thực, tiền của.
- Có nhiều thì giờ tu hành.
Ngoài lợi ích cho riêng mình, vị Tỳ-kheo khất thực còn mang lại 3 điều lợi ích cho chúng sinh:
- Tạo cơ duyên cho người bố thí đoạn trừ lòng tham, tức là tạo phước duyên cho họ.
- Tạo cơ duyên giáo hóa chúng sinh.
- Nêu gương sống giản dị làm cho người đời bớt tham đắm của cải.
Theo kinh Phật, trước khi lên đường khất thực, vị khất sĩ nguyện rằng: “Nguyện cho các vị khất giả thảy đều được no đủ và nguyện cho các thí chủ thảy đều được phước báu vô lượng. Như nay tôi được món ăn là dùng để điều trị cái thân độc hại này để tu tập thiện pháp, lợi ích cho thí chủ”.
Trong khi đi khất thực, vị khất sĩ giữ tâm bình đẳng: theo thứ tự nhà của dân chúng mà xin ăn, không chỉ đến xin nơi nhà giàu, cũng không chỉ xin nơi nhà nghèo. Có lần đức Phật quở Tôn Giả Ca-diếp bỏ nhà giàu mà xin nhà nghèo; quở Tôn Giả Tu-bồ-đề bỏ nhà nghèo mà xin nhà giàu. Vì trước đó Tôn Giả Ca-diếp nghĩ rằng “người nghèo thật đáng thương, ít phước; nếu không gieo trồng phước lành cho họ thì đời sau lại càng khổ hơn nên đến đó xin để nhờ đó họ bố thí cúng dường mà được phước về sau”. Trái lại, Tôn Giả Tu-bồ-đề lại cho rằng: “Người giàu, nếu đời nay không gieo trồng phước lành thì đời sau lại nghèo khổ.” Mỗi vị đều trình bày lý do của mình, Đức Phật mới quở trách các vị ấy là bậc A-la-hán mà có tâm phân biệt, không bình đẳng.
Khi đi vị khất sĩ không ngó qua ngó lại, không được mở miệng nói chuyện, đi hết 7 nhà nếu không ai cúng dường cũng phải trở về với bát không và không ăn ngày hôm đó. Khi đi khất thực, vị khất sĩ cũng không được để ý xem mình được cái gì và cũng không được thỏa mãn cũng như bất mãn. Nếu một người đàn bà cúng dường đồ ăn, vị khất sĩ không được nói, nhìn hay quan sát người ấy đẹp hay xấu. Đồ ăn cúng dường cho khất sĩ không phải luôn luôn nhiều hay ngon lành, hay tinh khiết. Các chuyến đi khất thực đôi lúc cũng có thể gây nên những xáo trộn tình cảm cho các Tỳ-kheo trẻ vì đa số thí chủ là đàn bà con gái. Do đó, việc tự điều phục thân tâm phải được tăng cường là điều rất cần thiết trong lúc khất thực, như đức Phật đã nhấn mạnh: “chỉ khi nào thân tâm được điều phục, thực hành Chánh Niệm và phòng hộ các Căn thì mới đi vào làng khất thực”.
Ngày nay, tại một số quốc gia theo truyền thống Phật Giáo Nam Tông như Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Campuchia, Lào và một phần của miền Nam Việt Nam chư Tăng vẫn tiếp tục theo truyền thống khất thực này. Ở Trung Hoa, Triều Tiên và Tây Tạng truyền thống khất thực dường như đã hoàn toàn biến mất. Dưới triều nhà Đường ở Trung Hoa, một tông phái đặc biệt: Luật Tông, được thành lập với mục đích làm sống lại truyền thống khất thực xưa; và đem ra thực hành những giới luật nghiêm ngặt của Luật Tạng. Dưới triều đại nhà Tống, các Thiền Sư thực hành khất thực và sự thực hành này còn tồn tại nơi những Thiền Sư Nhật Bản. Tuy nhiên ở Nhật Bản, khất thực không phải là nguồn sinh sống chính mà chỉ là một sự tập luyện kỷ luật cho những vị sơ tu hay là một cách lạc quyên vào những dịp đặc biệt và cho những mục đích từ thiện. Đối với Phật Giáo phương Tây, vì hoàn cảnh xã hội không giống như hoàn cảnh các quốc gia phương Đông, nên pháp khất thực khó thực hiện. Đa số các Tăng Ni không đi khất thực nên các nhu cầu ăn uống đều do các Phật Tử tại gia cúng dường.
Riêng tại Việt Nam, hình ảnh các vị Tăng Sĩ áo vàng đi khất thực không còn nhiều nữa bởi nhiều lý do không hay cho lắm, trong đó vì có những vị Sư giả đi khất thực! Thật là buồn khi chính Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam phải ra thông tư giới hạn nghiêm ngặt việc khất thực để bảo vệ danh dự của Tăng Đoàn nhất là Tăng Đoàn của Hệ Phái Khất Sĩ và Phật Giáo Nguyên Thủy Việt Nam. Đối với Hệ Phái Khất Sĩ và Nam Tông, sau ngày 1.5.2001, nếu vị nào vẫn muốn giữ hạnh khất thực thì phải xin phép với Giáo Hội và sẽ được Giáo Hội cấp gấy chứng nhận cùng với phù hiệu rõ ràng. Các vị này phải hành trì đúng chánh pháp, đúng luật quy định của giới Khất Sĩ, tức là chỉ đi khất thực từ 8 giờ đến 10 giờ sáng. Sau 10 giờ sáng là phải trở về trú xứ. Chỉ được thọ nhận vật thực, không được nhận tiền bạc. Về hành trang chỉ gồm có một chiếc bình bát duy nhất, không được mang theo túi hay đãy. Đối với Ni giới, khi đi khất thực phải đi từ hai vị trở lên, không được đi một mình riêng lẻ.
Nói tóm lại, vì nhu cầu tu học, nên vấn đề ăn uống cần phải được giản dị, thực phẩm phải được xem như là dược thực, vì thế Tăng Đoàn thời Đức Phật phải đi khất thực. Khất thực là chính sách thực hành giáo pháp, là truyền thống của chư Phật. Các thầy Tỳ-kheo phải giữ tâm bình đẳng mà đi khất thực từng nhà, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn để tạo cho đủ mọi tầng lớp dân chúng đều có cơ duyên thực hành hạnh bố thí cầu phước, nhân dịp đó quý thầy nói pháp khuyên dạy mọi người tu hành. Khi đi không ngó qua ngó lại, không được mở miệng nói chuyện, luôn điều phục thân tâm trong chánh niệm, đi theo thứ lớp, nếu hàng Phật Tử thỉnh thọ trai thì không cần theo thứ lớp, cứ đi thẳng đến nhà thí chủ thỉnh mình, còn khất thực phải theo thứ lớp. Ai cho gì ăn nấy, không được phân biệt thức ăn tốt xấu, ngon dở, chay mặn, không được quy định người thí chủ phải cúng dường như thế nào mà là tùy điều kiện khả năng và phát tâm của thí chủ. Đó mới gọi là trí không phân biệt. Cũng vậy, khi ăn thì phải trộn các món ăn với nhau để không còn phân biệt món này với món khác, món ngon, món dở, và không phân biệt mùi vị; mục đích để không còn luyến ái mùi vị thơm ngon, mà chỉ cần ăn để nuôi sống xác thân mà tu hành giải thoát.
Nguồn: Bài phát thanh ngày 27/8/2005 tại Nam California và 28/8/2005 tại Houston, Texas, Hoa Kỳ do Ban Biên Tập Thư Viện Hoa Sen thực hiện với tiêu đề “Khất Thực”.