Lược sử Cư sỹ – Nhạc sỹ Phật tử Bửu Bác (1898-1984)

Cư sỹ Bửu Bác họ tên đầy đủ là Nguyễn Phúc Bửu Bác, pháp danh Trừng Bạc, bút hiệu Dã Kiều, sinh năm 1898[*], nguyên quán tại Huế (Thừa Thiên), sau thuyên chuyển vào Quy Nhơn, rồi trở về Huế, vào Sài Gòn… và những ngày cuối đời mãn phần tại Huế. Cụ thân sinh Ưng Vũ là cháu nội Miên Thẩm Tùng Thiện Vương cùng với em – Tuy Lý Vương là hai nhà thơ lỗi lạc của thế kỷ XIX.

Ngoài tên húy Bửu Bác, bạn bè thân quen và bà con xa gần vẫn thường gọi ông Trợ Bác, vì thời thanh niên Ông đã hăng hái nhập thế cuộc với chức danh Trợ giáo đúng vào thời điểm nền giáo dục cấp tiểu học vừa mới phôi thai thiết lập. Bút hiệu Dã Kiều được Ông dùng từ khi là nhà thơ cùng tham gia với các bạn thơ trong Hương Bình Thi Xã.

Năm 1934, Cư sỹ Bửu Bác là Hội viên Hội An Nam Phật Học. Năm 1935, Ông đề xướng cùng các Hội hữu: Lê Đình Thám, Nguyễn Khoa Toàn, Tôn Thất Tùng, Lê Thanh Cảnh, Trợ Dư… thành lập Ban Đồng Ấu Phật Giáo đầu tiên (còn gọi là Đoàn Đồng Ấu Phật Tử) gồm có 52 em “Đồng ấu”, sinh hoạt tại chùa Phước Điền, Huế (gần chùa Diệu Đế cạnh chân cầu Đông Ba cũ) do chính Ông điều khiển. Tổ chức sơ khai này (đến năm 1942 đã có 12 Đoàn Đồng Ấu được thành lập), về sau cùng với Đoàn Thanh Niên Phật Học Đức Dục là tiền thân đầu tiên của tổ chức Gia Đình Phật Tử VIệt Nam hiện tại. Các “Đồng ấu” lúc bấy giờ khi trưởng thành đã trở thành những Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử kỳ cựu và hiện tại nhiều vị đang giữ trọng trách lãnh đạo trong tổ chức Gia Đình Phật Tử.

Cư sỹ Bửu Bác chính là người nhạc sỹ Phật giáo tiên phong, soạn giả các thể loại lễ nhạc Phật Giáo, có sáng tác đầu tiên ngay từ thời kỳ Chấn hưng Phật giáo Việt Nam và còn được sử dụng làm lễ nhạc cho đến hiện nay.

Vừa thông thạo cả cổ học lẫn tân học, Nhạc sỹ Bửu Bác không chỉ có ngón đàn lão luyện tranh, tỳ, nguyệt với các điệu Kim tiền, Lưu thủy, Cổ bản, Long ngâm âm trầm và cả Tẩu mã, Xàng xê, Hồ quảng rộn ràng, mà còn hâm mộ và sử dụng điệu nghệ cả vĩ cầm và dương cầm. Ông là một trong số không nhiều nhạc sỹ thế hệ cũ hiếm hoi đã ghi chép các điệu ca cổ truyền theo ký âm pháp Tây phương.

Giai đoạn Đồng Ấu Phật Tử đội ngũ hóa, Cư sỹ Bửu Bác đã soạn những bài như Đăng Đàn Cung (“Vui mừng gặp ngày nay, rằm vía tháng tư…), Hải Triều Âm (Trầm Hương Đốt), Lục Cúng Hoa Đăng… tập cho các “nhạc sinh Đồng Ấu” hát trong các buổi lễ khi sinh hoạt hay khi cung nghinh Phật tại chùa Thiên Mụ, Diệu Đế, Báo Quốc, Từ Đàm, Từ Hiếu…., hoặc các buổi lễ lớn của Phật Giáo (có khi có cả vua, thái hậu và các quan chức triều đình tham dự).

Cư sỹ Bửu Bác cũng là người đầu tiên soạn nghi thức bằng Việt ngữ cho Ban Đồng Ấu tụng niệm, trong đó có bài Phát Nguyện Quy Y, đây có thể nói là bước đột phá cho việc phiên dịch kinh nghĩa sau này.

Tập “Lễ Nhạc Thi Ca Đạo” gom góp những bài nhạc cổ điển của Ông cùng với những sáng tác mới (theo ký âm Tây phương) có thể xem là nhạc mục chính thức đầu tiên trong các buổi lễ Phật mà Cư sỹ – Nhạc sỹ Bửu Bác vừa là soạn giả kiêm việc tập dượt, huấn luyện, kiêm cả công việc tổ chức và đạo diễn.

Riêng bài Hải Triều Âm (tức Trầm Hương Đốt) là bài lễ nhạc Phật giáo đầu tiên được ký âm theo nhạc Tây phương được Gia Đình Phật Hóa Phổ chọn làm bài lễ nhạc chính thức măm 1944, cho đến Đại hội năm 1951 tại chùa Từ Đàm chuyển đổi danh xưng Gia Đình Phật Hóa Phổ thành Gia Đình Phật Tử thì bài Trầm Hương Đốt vẫn là bài nhạc lễ trong Nghi thức Tụng niệm của Gia Đình Phật Tử Việt Nam cho đến ngày nay.

oOo

NGUỒN GỐC & XUẤT XỨ TÀI LIỆU:
Quảng Mẫn – Nguyễn Quang Mai lược soạn, dựa theo sách “Chư Tôn Thiền Đức và Cư Sĩ Hữu Công Thuận Hóa” của các tác giả: Thích Trung Hậu – Thích Hải Ấn và bài “Nhạc Sỹ Phật Tử Bửu Bác và Nhạc Phẩm Hải Triều Âm của tác giả Nguyễn Cúc đăng trên Đặc san Tiếng Sông Hương.

Chú thích:
[*] Có tài liệu ghi là 1897. Cũng như ngày giờ xả báo thân, thọ tuế và nhiều chi tiết khác hiện Thư Viện GĐPT chưa có cứ liệu chính xác ngoại trừ 2 bài sưu khảo: Nhạc Sỹ Phật Tử Bửu Bác và nhạc phẩm Hải Triều Âm và Đi tìm nguyên bản của một bài hát (bài Trầm Hương Đốt). Chúng tôi sẽ cố gắng liên lạc với hậu duệ của Bác xin thông tin (cũng hy vọng sau khi đăng tải sẽ có Chư tôn đức, các Đạo hữu hay anh chị em Lam viên GĐPT giúp đỡ cung cấp thêm cho) và sẽ cập nhật ngay khi có thông tin chính xác.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.