Lý tưởng của người Bồ-tát (Chương III – Bài 17): Mười đại nguyện của người Bồ-tát

LÝ TƯỞNG CỦA NGƯỜI BỒ TÁT
The Bodhisattva Ideal

Nguyên tác: Urgyen Sangharakshita
Hoang Phong chuyển ngữ

——=oOo=——

CHƯƠNG III

Lời nguyện của người Bồ-tát

oOo

  • Bài 16: Lời nguyện của người Bồ-tát.
  • Bài 17: Mười đại nguyện của người Bồ-tát.
  • Bài 18: Đại Thừa và Tiểu Thừa.
  • Bài 19: Bốn đại nguyện của người Bồ-tát.
  • Bài 20: Tôi nguyện cầu sẽ giải tỏa được mọi khó khăn cho tất cả chúng sinh.
  • Bài 21: Tôi nguyện cầu sẽ loại trừ được tất cả mọi đam mê.
Nhà sư Urgyen Sangharakshita.

Bài 17

Mười đại nguyện của người Bồ-tát

Kinh Dasabhumika (tiếng Hán là Thập địa kinh) nêu lên mười chặng trên con đường tu tập của người Bồ-tát, tương quan với “mười đại nguyện” như sau:

  1. Được có dịp tôn vinh tất cả chư Phật, không sót một vị nào.
  2. Tu tập đúng theo giáo huấn do chư Phật giảng dạy và bảo toàn được giáo huấn ấy.
  3. Được chứng kiến tất cả các thành quả do một vị Phật thực hiện trên địa cầu này.
  4. Phát động được Quyết Tâm Giác Ngộ, thực hiện được bổn phận của người Bồ-tát, đạt được tất cả các paramita (sự “hoàn thiện siêu nhiên” còn gọi là “ba-la-mật”), tinh khiết hóa được tất cả các giai đoạn trên đường tu tập của mình.
  5. Giúp chúng sinh chín chắn hơn, ít nhất cũng trở thành chúng sinh thuộc bốn cấp bậc cao nhất trong sáu thể dạng hiện hữu (súc sinh, con người, thần linh và thiên nhân, hai cõi thấp nhất là ngạ quỷ và các chúng sinh trong cảnh giới địa ngục), và giúp họ đạt được sự hiểu biết của một vị Phật.
  6. Quán thấy được toàn thể vũ trụ.
  7. Tấy uế và tinh khiết hóa tất cả các địa giới của chư Phật.
  8. Bước theo con đường rộng lớn của Đại Thừa, khơi động được tư duy và mục đích phản ảnh lý tưởng chung của người Bồ-tát.
  9. Hoàn tất được các hành động đạo hạnh trên thân xác, ngôn từ và tư duy, mang lại lợi ích cho tất cả chúng sinh.
  10. Đạt được sự Giác Ngộ Tối Thượng và Hoàn Hảo, phát huy được khả năng thuyết giảng Đạo Pháp.

(Trên đây là mười “đại nguyện” của người Bồ-tát, thế nhưng trong phần giải thích dưới đây nhà sư Sangharakshita không đi sâu vào tất cả các đại nguyện đó, mà chỉ nêu lên quan điểm của mình về đại nguyện thứ ba như là một thí dụ tiêu biểu giúp chúng ta tự tìm hiểu thêm về các đại nguyện khác).

Chứng kiến các thành quả trong sự nghiệp của một vị Phật trên địa cầu này.

Chúng ta không thể phân tích tất cả các đại nguyện trên đây (vì quá dài dòng, công việc này thuộc lãnh vực kinh điển), mà chỉ tìm cách xem phải làm thế nào để tiếp cận với tất cả mười nguyện ước trên đây. Vậy chúng ta hãy phân tích và tìm hiểu đại nguyện thứ ba như là một thí dụ điển hình, đó là đại nguyện mà người Bồ-tát mong muốn “được chứng kiến các thành quả do một vị Phật thực hiện trên địa cầu này”.

Người ta có thể tự hỏi tại sao lại phải ước nguyện được “chứng kiến các thành quả trong sự nghiệp của một vị Phật trên địa cầu này”? Kinh sách Đại Thừa cho biết việc tu tập của người Bồ-tát thường phải kéo dài hơn ba asamkhyeya-kalpa (asamkhyeya là tiếng Phạn có nghĩa là “vô số” hay “vô lượng”, rất nhiều không hình dung được), kalpa (‘kiếp-ba’) có nghĩa là một đơn vị thời gian thật dài vượt khỏi sức tưởng tượng, được xem như tương đương với khoảng thời gian hiện hữu của một thế giới (một vũ trụ) từ lúc bắt đầu hình thành cho đến khi biến mất. Trong khoảng thời gian này người Bồ-tát sẽ có cơ may tái sinh trùng hợp với kiếp sống của một số các vị Phật và sẽ có dịp tiếp xúc với các vị Phật ấy hoặc bằng cách này hay cách khác, chẳng hạn là đệ tử của các vị ấy. Qua chuỗi dài gồm nhiều lần tái sinh trùng hợp đó, người Bồ-tát có thể chứng kiến đầy đủ tất cả các sự kiện xảy ra trong kiếp sống của một vị Phật (mỗi kiếp tái sinh được chứng kiến một giai đoạn nào đó trong sự nghiệp của một vị Phật, chẳng hạn như với tư cách là một đệ tử, một người thân thuộc hay một người hầu cận… của vị Phật đó).

Theo kinh sách Phật Giáo, kiếp sống của tất cả chư Phật thường diễn tiến theo một khuôn mẫu khá tương tự nhau. Mẹ của một vị Phật luôn qua đời bảy ngày sau khi hạ sinh vị ấy. Các vị Phật luôn đạt được giác ngộ dưới một cội cây, mỗi vị đều có hai đệ tử chính, v.v… Nếu bạn phát nguyện ước vọng trên đây (tức là được trông thấy các sự kiện xảy ra trong kiếp sống của một vị Phật), thì lúc vị Phật ấy được sinh ra bạn cũng có thể là một thiên nhân trông thấy được sự kiện ấy từ một khung trời nào đó. Hoặc bạn cũng có thể là một nhân chứng trước các sự kiện khác xảy ra sau đó, chẳng hạn như với tư cách là người đánh xe, một người giúp việc, hay một trong năm đệ tử của vị ấy. Dù trong trường hợp nào, sau khi đã phát nguyện ước vọng trên đây, thì bạn sẽ là nhân chứng của mười hai hành động quan trọng (The Twelve Deeds of a Buddha, khái niệm này khá quan trọng trong Phật Giáo Tây Tạng, sẽ được giải thích thêm trong phần ghi chú dưới đây) trong kiếp sống của một vị Phật.

Ước nguyên trên đây (được chứng kiến các thành quả trong sự nghiệp của một vị Phật) có vẻ khó hiểu và vô ích, tuy nhiên chúng ta cũng cứ hãy cố gắng tìm hiểu xem ý nghĩa ẩn chứa bên trong lời ước nguyện đó là gì. Dầu sao cũng không nên quá hấp tấp xem ước nguyện đó như là một hình thức biểu trưng. Thiết nghĩ nên dành thêm thì giờ để suy nghĩ chín chắn hơn, hoặc ít nhất cũng phải tìm cách xem có thể hiểu được ước nguyện đó qua ý nghĩa từ chương của nó hay không. Nên hiểu rằng kinh sách Đại Thừa luôn chủ trương phải hiểu nguyện ước đó hoàn toàn qua ý nghĩa từ chương của nó. Nếu hình dung ra một khoảng thời gian kéo dài hàng trăm, hàng ngàn, hàng triệu kiếp sống, trước khi có thể hoàn tất việc tu tập của mình, thì người Bồ-tát cũng sẽ có cơ may tái sinh trùng hợp với kiếp sống của một vị Phật. Thế nhưng trên thực tế phần đông trong chúng ta, dường như không mấy ai có đủ can đảm để phát nguyện một ước vọng như thế (phải chờ đợi quá lâu để có thể biến ước nguyện đó trở thành sự thật. Tuy nhiên dường như cũng có nhiều cách rút ngắn khoảng thời gian này, chẳng hạn tìm dịp nghe Đức Đạt-lai Lạt-ma thuyết giảng, hoặc chỉ cần nhìn vào chân dung của Ngài đồng thời mở rộng tâm thức và cả con tim mình hướng vào Ngài, thì mình cũng có thể sẽ trông thấy ẩn hiện phía sau ánh mắt từ bi và nụ cười nhân hậu của Ngài bóng dáng của một vị Phật đang nhìn vào chúng ta và nở một nụ cười với chúng ta, Vậy nào có cần gì phải trải qua hàng trăm, hàng ngàn hay hàng triệu kiếp sống để có dịp được tiếp xúc với một vị Phật đâu. Hơn nữa, nếu nhìn ngược lại bên trong chính mình, thì biết đâu mình cũng có thể cảm nhận được từ một nơi thật sâu kín bên trong tâm thức mình có một vị Phật đang hiện ra và mỉm cười với mình?).

Do vậy, tốt hơn chúng ta chỉ nên xem thể loại ước nguyện trên đây biểu trưng cho một khuôn mẫu lý tưởng (archetype) nói lên một khả năng tâm linh mà tất cả chúng ta đều tham gia vào đó, dù chỉ là một phần rất nhỏ. Vì thế trong trường hợp nếu muốn phát nguyện ước vọng trên đây (được làm nhân chứng cho các hành động của một vị Phật) thì cũng không nên hiểu theo ý nghĩa từ chương. Cách tốt nhất đối với hầu hết chúng ta là tập cho mình cảm thấy gần gũi hơn với cuộc đời của chính Đức Phật, suy tư về các sự kiện xảy ra trong cuộc đời Ngài, liên quan đến các cấp bậc thăng tiến tâm linh của Ngài, hầu giúp mình cùng sống với các sự kiện đó qua sự tưởng tượng của mình, được đến đâu hay đến đó. càng nhiều càng tốt. Các cấp bậc thăng tiến đó sẽ cùng hòa nhập vào cuộc sống của chính mình (đây là một hình thức ứng dụng trong phép thiền định quán tưởng của Phật giáo Tây Tạng).

Cũng vậy, đối với lời nguyện “quán thấy toàn thể vũ trụ” (đại nguyện thứ 6) cũng không thể hiểu một cách từ chương được, mà phải cố gắng tối đa tìm hiểu một cách thực tế hơn: có nghĩa là phải nhìn được tất cả mọi thứ với khả năng của mình, minh bạch chừng nào tốt chừng đó.

(Mục đích và nội dung của lời nguyện trên đây cùng với lời khuyên của nhà sư Sangharakshita thật hết sức quan trọng. Thông thường chúng ta chỉ nhìn thấy một khía cạnh nào đó của một sự kiện, và từ đó suy diễn ra đủ mọi thứ, tạo ra cho mình đủ mọi thứ xúc cảm, tách rời mình ra khỏi hiện thực. Chúng ta hãy nêu lên một thí dụ cụ thể, chẳng hạn như “tình yêu” nam nữ, chúng ta có thể trông thấy nó tuyệt đẹp và thật mầu nhiệm, mang lại cho mình các xúc cảm luyến ái thật tuyệt vời, thế nhưng có thể chúng ta không trông thấy nó qua một khía cạnh khác căn bản hơn: bóng dáng tuyệt đẹp đó, các xúc cảm luyến ái tuyệt vời đó là những gì phát sinh từ những sự thúc đẩy của bản năng truyền giống, kết hợp với các tác động của nghiệp tồn lưu sâu kín bên trong mỗi cá thể. Hiện thực rất phức tạp, thế nhưng chúng ta thường chỉ nhận thấy một vài sự kiện tách rời ra khỏi hiện thực. Chúng ta hãy nêu thêm một thí dụ khác cụ thể hơn, chẳng hạn một người nào đó tản bộ trong một công viên để tìm một chút thư giãn. Thế nhưng thật ra thì người ấy cũng chỉ tìm cách tránh né hay quên đi trong chốc lát thực tại. Dù đang đi trong khu vườn thế nhưng người ấy có thể chẳng trông thấy gì cả, không nhận thấy có một con chim vụt bay khi mình đi ngang một khóm cây, không trông thấy một búp hoa sắp nở trên một cành cây, không nhận ra một cánh hoa héo rơi trên nền cỏ ướt, không trông thấy một con sâu đang gặm một chiếc lá non, không nghe thấy tiếng sột soạt của sỏi đá dưới gót chân mình, không cảm thấy một luồng gió mát đang luồn vào áo… Tóm lại là không cảm nhận được vị trí và sự liên hệ giữa mình và khung cảnh thiên nhiên trong khu vườn, không ý thức được bản chất phù du và sự tương tác giữa mọi hiện tượng đang âm thầm chuyển động chung quanh mình, kể cả vũ trụ đang quay cuồng trong không gian. Người ấy chỉ quan tâm đến các xúc cảm đang dấy lên bên trong tâm trí mình: nào là lo âu, sợ hãi, đau buồn, tiếc nhớ, hy vọng, cầu xin, tính toán… Chúng ta thường không nhìn thấy hiện thực qua tổng thể của nó mà chỉ trông thấy một vài hiện tượng hay sự kiện tách rời ra khỏi hiện thực, dù các hiện tượng ấy thuộc vào bối cảnh bên ngoài hay bên trong tâm thức mình cũng vậy. Trông thấy được được hiện thực qua tổng thể của nó sẽ mở rộng tâm thức mình, mang lại cho mình một sự thư giãn, an bình và thanh thản hơn. Xin lưu ý là “nhìn thấy” hiện thực qua tổng thể của nó là một sự “cảm nhận” không phải là một cách “phân tích” hay “tìm hiểu” hiện thực bằng lý trí, bởi vì đấy chỉ là cách khiến tâm trí mình trở nên rối loạn và hoang mang thêm. Dầu sao các thí dụ trên đây chỉ liên quan đến các sự quán thấy ở các cập bậc thu hẹp và vẫn còn mang ít nhiều tính cách lý trí, “Quán thấy toàn thể vũ trụ” là một sự trông thấy mang tính cách vừa tổng thể vừa chi tiết, nếu có thể nói như vậy).

Phải hết sức thận trọng. Đối với nhiều người, ngay cả việc chấp thủ các giới luật sơ đẳng nhất cũng đã là khó, huống chi là việc phát nguyện các ước vọng thật to lớn, sự phát nguyện đó có thể chỉ là cách khiến mình rơi vào tình trạng tơ tưởng những chuyện tâm linh hão huyền, hoặc bị lạc hướng trong các ngõ ngách của sự hoang tưởng, trong khi mình vẫn chưa đủ sức tuân thủ giới luật một cách nghiêm túc (tu tập là nhìn vào hiện thực một cách tỉnh táo, không phải là chuyện tơ tưởng viễn vông. Những điều ước nguyện là để thực hiện, không phải là những niềm hy vọng. Đạo đức là phương tiện sơ đẳng nhất mang lại cho mình sự sáng suốt, hóa giải phần nào các thúc đẩy bản năng, tạo ra cho mình một tầm nhìn gần hơn với hiện thực).

Vậy chúng ta phải nhận định như thế nào về các tầm nhìn vũ trụ của Đại Thừa, chẳng hạn như phải cần đến ba kalpa để đi hết được con đường của người Bồ-tát? Dầu sao đi nữa tầm nhìn đó cũng mang lại ít nhiều lợi ích, chẳng hạn như góp phần mở rộng khả năng tưởng tượng của mình, tuy nhiên không nên quên một nguyên tắc thật căn bản là không được phép xem lý tưởng vũ trụ của người Bồ-tát thuộc vào bất cứ một cá nhân nào cả (lý tưởng của người Bồ-tát dù hiện lên bên trong tâm thức mỗi cá thể, thế nhưng lý tưởng đó là một cái gì thật thiêng liêng, có thể hiểu như là hướng đi của cả một Con Đường. Lý tưởng của người Bồ-tát không phải là vốn liếng cá nhân của bất cứ một ai cả). Nếu nghĩ rằng tự mình, cá nhân mình, có thể phát động được thể loại ước nguyện đó, thì đấy chỉ là cách cho thấy mình chẳng hiểu gì cả về ý nghĩa đích thật của các ước nguyện đó.

Với vị thế những con người bình dị, chúng ta có thể nghĩ rằng nhờ vào sự kiện tái sinh qua nhiều kiếp sống nối tiếp nhau, chúng ta có thể tạo ra cho mình một sự thăng tiến liên tục trên đường tu tập [cho đến khi đạt được Giác Ngộ]. Thế nhưng chúng ta liệu có đủ can đảm để nghĩ rằng việc tu tập của người Bồ-tát sẽ phải kéo dài hơn ba kalpa hay không? (một số người có thể sẽ cảm thấy nhẹ nhõm và phấn khởi hơn khi đọc qua câu “an ủi” trên đây của nhà sư Sangharakshita. Thật vậy, thiết nghĩ cũng không cần phải phóng đại quá đáng các lời nguyện để nói lên quyết tâm của người Bồ-tát. Tuy nhiên, dưới một góc nhìn khác nếu hiểu được “vũ trụ vô tận cũng có thể chỉ là một hạt các trong lòng bàn tay” như một vài vị đại sư đã nói, thì biết đâu ba kalpa cũng có thể chỉ là một chớp mắt mà thôi?). Nhằm giúp chúng ta có một ý niệm về khoảng thời gian một kalpa, kinh sách thường nêu lên hình ảnh một khối đá có chiều cao và chiều rộng một dặm, và cứ mỗi một trăm năm lại có một người xoa nhẹ khối đá một lần bằng một chiếc khăn lụa dệt tại thị trấn Benares/ Ba-la-nại, thì mỗi kalpa sẽ là khoảng thời gian cần thiết để lau khối đá mòn dần cho đến khi biến mất. Khoảng thời gian đó quả là vô tận.

Trong tập luận Vòng Hoa Của Sự Giải Thoát Trân Quý (Ornement of Precious Libération là một tập luận nổi tiếng của Phật Giáo Tây Tạng, đã được dịch ra nhiều ngôn ngữ Tây phương), vị đại sư Kagyu Gamposa (1079-1153, là đệ tử của vị du-già nổi tiếng Milarepa/ Mật-lặc Nhật-ba) có nêu lên ý nghĩa của Bodhisattvabhumi (Địa giới của người Bồ-tát) như sau:

“Tôi sẽ cảm thấy vô cùng sung sướng nếu được lưu lại trong cõi địa ngục qua hàng ngàn lần những khoảng thời gian vô tận, dù chỉ là để giúp một chúng sinh duy nhất loại bỏ được khổ đau, kể cả trường hợp phải lưu lại qua những khoảng thời gian lâu dài hơn để có thể xoa dịu những khổ đau to lớn hơn. Đấy chính là chiếc áo giáp của sự cố gắng thật can trường của người Bồ-tát”.

Có bao giờ chúng ta tưởng tượng rằng mình sẽ thực hiện một cách thật sự lời nguyện ước đó hay không? Là con người liệu có ai dám thốt lên lời nguyện đó và tin chắc chắn rằng mình sẽ thực hiện được nó hay không? Chỉ cần tưởng tượng ra các cảnh khổ đau trong địa ngục thì cũng đủ hiểu rằng mình sẽ không sao chịu đựng nổi, dù chỉ là một phần trăm các cảnh khổ đó. Vậy thì với tư cách là những con người đang sống một cách rất thật như chúng ta, thì làm thế nào có thể phát nguyện và tu tập đúng như thế được? Rửa chén bát đôi khi cũng đủ khiến chúng ta khổ sở rồi! Tốt hơn chỉ nên xem những gì nêu lên trong kinh sách về người Bồ-tát như là một khuynh hướng tu tập mang các kích thước vũ trụ, hoặc xem đấy như là một tiềm năng giúp mình thực hiện sự giác ngộ, dù phải trải qua những sự thử thách thật gay go.

Trong tập luận Vòng Hoa Trân Quý (“Ratnavali”, kinh sách Hán ngữ gọi là Bảo Hành Vương Chính Luận hay Vòng Bảo Châu) Nagarjuna/ Long Thụ có nói như sau:

“Người Bồ-tát lưu lại thế giới qua những khoảng thời gian vô tận. Vì chúng sinh vô tận, người Bồ-tát cũng phải trau dồi vô tận các phẩm tính Giác Ngộ, và thực hiện vô tận các hành động đạo đức”.

Ngoài ra cũng có một văn bản Đại Thừa khác nêu lên người Bồ-tát như là hiện thân của một lý tưởng mà chúng ta cần phải noi theo. Thế nhưng lý tưởng đó đối với chúng ta dường như không sao thực hiện được. Người Bồ-tát hiện thân của lý tưởng đó dường như không còn là một con người như chúng ta nữa. Người ta có cảm giác người Bồ-tát qua cách mô tả đó đã thoát khỏi bản chất cá thể (individuality) của một con người, ít nhất là theo sự hiểu biết thông thường của chúng ta, và đã trở thành một thứ nghị lực tâm linh, phi cá tính và phi thân xác.

Do đó chúng ta có thể cho rằng Đại Thừa không hề đòi hỏi chúng ta phải hành xử đúng theo những gì đã được nêu lên một cách từ chương. Chúng ta không phải chỉ biết tưởng tượng rằng mình sẽ phải thực thi vô tận các hành động tốt lành, tìm hiểu tất cả các địa giới của chư Phật, giải thoát vô tận chúng sinh… Thực tế và cụ thể hơn, chúng ta phải hình dung người Bồ-tát như là một biểu tượng nói lên một sức mạnh tâm linh toàn cầu, hiện hữu cùng khắp, mang kích thước vũ trụ, một thứ nghị lực mà đôi khi chúng ta cũng có thể thoáng cảm nhận được [bên trong chính mình]. Chúng ta không thể nào hình dung mình là một người Bồ-tát đích thật được, tuy nhiên chúng ta cũng có thể mở rộng lòng mình hướng vào lý tưởng đó để ước mong trở thành một luồng kinh mạch gia nhập và cùng luân lưu với dòng nghị lực đó, qua bầu không gian của riêng mình. Thiết nghĩ đấy là cách thực tế nhất, và cũng có thể là trung thực nhất, giúp mình hình dung ra người Bồ-tát. Chúng ta không nên vượt cao hơn tình trạng hiện tại của mình, nếu không thì khó tránh khỏi rơi vào những chuyện ước mơ thiếu thực tế. Mọi chuyện có thể biến thành một chút gì đó tương tự như một vở tuồng (a little theatrical), điều này đôi khi cũng từng xảy ra tại các nước Viễn Đông theo Đại Thừa. Tiểu Thừa đơn giản hơn nhiều, gần với thực tế hơn (nhận định này của nhà sư Sangharakshita quả đáng cho chúng ta suy nghĩ).

Vài lời ghi chú của người chuyển ngữ:

Trong phần giải thích trên đây về đại nguyện thứ ba của người Bồ-tát “được chứng kiến các thành quả của một vị Phật”, nhà sư Sangharakshita có nêu lên khái niệm “Mười hai hành động của một vị Phật”. (The twelve Deeds of a Bouddha), một khái niệm khá đặc thù và quan trọng trong Phật Giáo Tây Tạng và cả Đại Thừa, tuy nhiên dường như ít thấy nói đến trong Phật Giáo Trung Quốc (?). Dưới đây là “Mười hai Hành động trọng đại” của Đức Phật Thích-ca Mâu-ni:

– Hành động thứ nhất: Ngài sinh ra trong khung trời Tusita/ Đâu suất để thuyết giảng Dharma/ Đạo Pháp cho các thiên nhân tại nơi này. Tuy nhiên hành động này vẫn không được xem là một trong số mười hai hành động trong khái niệm trên đây. Các hành động của một vị Phật thuộc vào khái niệm này là các hành động xảy ra trong thế giới của chúng ta, tức là các hành động mà người Bồ-tát có thể chứng kiến được. Trước khi sinh ra trong thế giới của chúng ta, từ khung trời Tusita, Đức Phật đã thực hiện được năm sự quán thấy siêu nhiên như sau:

  • Trông thấy được một xã hội phân chia đẳng cấp nơi mà Ngài sẽ sinh ra.
  • Trông thấy được người mẹ sẽ cưu mang Ngài.
  • Trông thấy được địa điểm mà mẹ Ngài sẽ hạ sinh Ngài.
  • Trông thấy được những người dân mà Ngài sẽ cùng sinh sống với họ.
  • Trông thấy được khung cảnh gia đình hoàng tộc mà Ngài sẽ sinh ra, bởi vì nếu sinh ra trong trong một gia đình tiện dân thì sẽ khó cho Ngài tạo được uy tín để thuyết giảng.

Sau năm sự quán thấy và chọn lựa đó Ngài rời khỏi khung trời Tusita để hiện ra trong thế giới của chúng ta.

– Hành động thứ hai: Ngài bước vào tử cung của mẹ và đồng thời mẹ Ngài nằm mơ thấy có một con voi trắng, vòi quấn một cành hoa sen trắng, chui vào bên hông mình.

– Hành động thứ ba: Dù có thể hiện ra trong thế giới này bằng nhiều cách, chẳng hạn như hiện ra giữa trời hay sinh ra từ một đóa hoa sen, thế nhưng Ngài đã chọn tử cung của một người mẹ. Điều đó cho thấy Ngài được sinh ra từ một người mẹ, tương tự như tất cả mọi người khác. Sự kiện đó cũng có nghĩa là tất cả những ai sinh ra từ một người mẹ đều có thể trở thành một Đấng Giác Ngộ như chính Ngài. Mẹ Ngài hạ sinh Ngài tương tự như tất cả những người mẹ khác, tay nắm chặt một cành cây sala để lấy sức. Điều đó cho thấy Ngài và cả mẹ Ngài đều phải gánh chịu những thứ khổ đau không khác gì những người mẹ khác và những hài nhi khác, mở rộng hơn nữa thì đó cũng là những thứ khổ đau sơ đẳng mà tất cả chúng sinh đều phải gánh chịu.

– Hành động thứ 4: Ngay từ lúc bé Ngài đã tỏ ra rất thông minh và uyên bác, thành thạo và khéo léo trong mọi lãnh vực, từ nghệ thuật, ngôn ngữ đến các công việc tay chân.

– Hành động thứ 5: Ngài lập gia đình, có con. Điều này tránh cho một số người có thể nghĩ rằng sở dĩ Ngài chọn con đường tu hành là vì không hề biết đến các lạc thú và hạnh phúc thế tục. Qua các bài thuyết giảng sau này, Ngài đã chứng minh cho thấy lạc thú thế tục và hạnh phúc gia đình không những phù du mà còn là nguyên nhân mang lại mọi sự bất toại nguyện.

– Hành động thứ 6: Ngài thoát ly gia đình, xa lìa thế tục, tìm một lối thoát cho con người trước cảnh khổ đau của họ trong thế giới này. Từ bỏ cuộc sống sung túc và tiện nghi, kể cả hạnh phúc gia đình, là một hành động vô cùng can đảm, nói lên một quyết tâm sắt đá.

– Hành động thứ 7: Ngài tu tập khổ hạnh để mong cầu phát triển tâm linh, và đó cũng là phép tu tập phổ biến thời bấy giờ. Ngài chịu đựng mọi sự khắc khổ trong suốt sáu năm liền cho đến khi kiệt lực, thế nhưng sự cố gắng đó không mang lại một kết quả nào cả. Điều này cho thấy cuộc sống phủ phê và xa hoa trước kia của Ngài chỉ là một hình thức thụ hưởng ích kỷ và vô nghĩa, cuộc sống khổ hạnh mà Ngài vừa trải qua chỉ là để tự đày đọa mình một cách nguy hại và vô ích. Bất cứ một hình thức cực đoan nào đều là sai lầm.

– Hành động thứ 8: Ngài ngồi xuống dưới một cội cây để suy tư và tìm hiểu thế giới và sự vận hành của nó, và cả những gì dấy lên bên trong tâm thức con người để tìm nguyên nhân tạo ra khổ đau cho con người và trói buộc con người vào thế giới đó.

– Hành động thứ 9: Ma vương/ Mara cùng bọn lâu la hiện ra quấy phá Ngài. Chúng nhảy múa, hăm dọa và mê hoặc Ngài. Chúng là hiện thân của các thúc đẩy bản năng, các sự thèm khát, đam mê, bám víu, tạo ra các thể dạng tâm thần u mê và lầm lẫn, đày đọa và nô lệ con người trong thế giới hiện tượng. Sau khi khắc phục được đám ma vương và cả bọn lâu la đó thì một sự hiểu biết siêu phàm, một sự quán thấy siêu việt, một sự tỉnh thức siêu nhiên bùng lên bên trong tâm thức Ngài biến Ngài trở thành một Đấng Giác Ngộ/ Bodhi.

– Hành động thứ 10: Ngài đắn đo và suy nghĩ rất nhiều trước khi rút tỉa từ sự giác ngộ đó của mình bốn sự thật, thiết lập một hệ thống tư tưởng mạch lạc và thực dụng, giúp chúng ta ý thức được tình trạng u mê và lầm lẫn đó của mình và tự mình thoát ra khỏi tình trạng đó; và đồng thời cũng giúp mình vượt lên trên cả thế giới hiện tượng này.

– Hành động thứ 11: Sau khi thiết lập xong một căn bản lý thuyết vững chắc gồm bốn sự thật và một phương pháp luyện tập cụ thể gồm tám yếu tố/ Bát chánh đạo, Ngài đi đến thị trấn Varanasi/ Ba-la-nại tìm năm người bạn đồng tu trước kia để thuyết giảng cho họ về bốn sự thật đó và cả phương pháp gồm tám yếu tố chủ yếu để thực hiện được bốn sự thật ấy. Kinh sách gọi hành động này là “Khởi động bánh xe Dharma” (Chuyển Pháp Luân). Từ đó chiếc bánh xe Dharma đã tiếp tục quay đều cho đến nay, lưu lại dấu vết trong tâm thức của mỗi người trong chúng ta, và khắp nẻo trên hành tinh này.

– Hành động thứ 12: Sau tám mươi năm hiện hữu cùng với chúng ta trên địa cầu này, một hôm Ngài cảm thấy kiệt lực, đành phải nằm xuống đất bên cạnh một con đường mòn trong một khu rừng hoang vắng. Qua hành động đó của chính mình, thêm một lần nữa, Ngài đã chứng minh cho chúng ta thấy bản chất vô thường của sự sống. Thế nhưng kiếp sống tuyệt vời nhưng vô cùng đơn sơ đó của Ngài dường như cũng trải rộng đến vô biên: Ngài sinh ra trong một khu rừng và nằm xuống với thiên nhiên vô tận.

Trên đây là mười hai hành động của một vị Phật, thế nhưng Đức Phật lịch sử qua cuộc sống tuy đơn sơ nhưng phi thường của mình cũng còn để lại thêm cho chúng ta một hình ảnh, một cử chỉ mang thật nhiều ý nghĩa. Trong lúc ngồi thiền trong đêm dưới cội bồ-đề, đến lúc gần sáng và đúng vào lúc mà Ngài đạt được Giác Ngộ, thì Ngài đặt cánh tay phải lên đầu gối mình, các ngón tay chạm vào mặt đất. Tiếng Phạn gọi cử chỉ này là Bhumisparsa-mudra, bhumi có nghĩa là đất hay mặt đất, sparsa là một động từ và có nghĩa là chạm vào, mudra có nghĩa là cử chỉ hay thủ ấn. Qua cử chỉ đó Ngài đã mượn địa cầu làm nhân chứng cho sự Giác Ngộ của Ngài, thế nhưng dường như cử chỉ đó cũng nói thêm một điều vô cùng quan trọng khác là Ngài sẽ mãi mãi lưu lại nơi này với chúng ta, bên cạnh chúng ta, Ngài “không đi về đâu cả”, cũng “chẳng phải từ đâu đến đây”, Ngài là con người của địa cầu này, một con người như tất cả chúng ta. Cũng vậy, sự Giác Ngộ/ Bodhi và cả Niết-bàn/ Nirvana đều hiện ra nơi địa cầu này, trên hành tinh này, là sở hữu và gia tài của cả nhân loại.

Trên đây nhà sư Sangharakshita cũng có nêu lên một phương pháp rất nhẹ nhàng và thực dụng, đó là cách hình dung thật sinh động các hành động của một vị Phật và sống thật với các hành động đó qua sự tưởng tượng của mình. Sự hình dung đó, sự tưởng tượng đó sẽ giúp mình hòa nhập vào các hành động của vị Phật ấy và biến các hành động ấy trở thành các hành động của chính mình. Thế nhưng điều đó không có nghĩa là mình sẽ trở thành vị ấy một cách cụ thể mà chỉ là cách giúp mình biến cải thật sâu xa chính mình tạo cho mình một sự hiện hữu thật gần với một vị Phật. Đây là một cách ứng dụng của phép thiền định quán tưởng của Phật Giáo Tây Tạng. Tóm là không cần gì phải trải qua hàng triệu và hàng triệu kiếp tái sinh mới được chứng kiến các hành động của một vị Phật.

Ngoài ra khái niệm “Mười hai hành động của Đức Phật Thích-ca Mâu-ni” trên đây còn cho thấy một sự khác biệt thật căn bản và chủ yếu giữa Tiểu và Đại Thừa. Đối với Tiểu Thừa, trước khi đạt được Giác Ngộ thì Đức Phật chỉ là hoàng tử Siddharta/ Tất-đạt-đa, tương tự như tất cả các vị hoàng tử khác. Trái lại đối với Phật Giáo Tây Tạng và Đại Thừa nói chung, thì Đức Phật đã là một vị Phật trước khi sinh ra trên hành tinh này./.

Bures-Sur-Yvette, 21.09.2020
HOANG PHONG chuyển ngữ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.