Lý tưởng của người Bồ-tát (Chương V – Bài 35): Sự tinh tế trong các xúc cảm mộc mạc

LÝ TƯỞNG CỦA NGƯỜI BỒ TÁT
The Bodhisattva Ideal

Nguyên tác: Urgyen Sangharakshita
Hoang Phong chuyển ngữ

——=oOo=——

CHƯƠNG V

Nam tính và nữ tính trong cuộc sống tâm linh

oOo

  • Bài 30: Nam tính và nữ tính trong cuộc sống tâm linh.
  • Bài 31: Ba lãnh vực tu tập về sự kiên nhẫn.
  • Bài 32: Kshanti với tư cách là một sự khoan dung.
  • Bài 33: Kshanti với tư cách là một sự thụ cảm tâm linh.
  • Bài 34: Virya hay nghị lực hướng vào điều thiện.
  • Bài 35: Sự tinh tế trong các xúc cảm mộc mạc.
  • Bài 36: Phật Giáo Zen và Phật Giáo Shin.
Nhà sư Urgyen Sangharakshita.

Bài 35

Sự tinh tế trong các xúc cảm mộc mạc

Chúng ta có thể biến các xúc cảm mộc mạc và thô thiển bên trong chính mình trở thành tinh tế hơn bằng cách phát động lòng tin tưởng và sự sùng kính (devotion), chẳng hạn như các nghi lễ gọi chung là “Puja gồm bảy thành phần” (The Seven-fold Puja, sẽ được giải thích trong phần ghi chú dưới đây), hoặc nhờ vào các sinh hoạt nghệ thuật (thi phú, âm nhạc, hội họa, ảnh tượng, kiến trúc, v.v… cũng có thể tạo cho mình nhiều xúc cảm và rung động sâu sắc và tinh tế hơn). Một số người có thể cho rằng xu hướng tu tập của Phật Giáo chẳng có gì liên hệ đến nghệ thuật cả. Hơn nữa họ cũng có thể nghĩ rằng cả hai thứ ấy (Phật Giáo và nghệ thuật) dường như không thể nào đi đôi với nhau được (Phật Giáo là sự giải thoát, nghệ thuật là sản phẩm của tâm thức, phản ảnh một sự bám víu). Thế nhưng trên thực tế nghệ thuật là một phương tiện có thể tập trung và tinh tế hóa nghị lực của xúc cảm góp phần vào sự thăng tiến trong việc tu tập, giúp mình hoàn tất các paramita (các phẩm tính hoàn hảo) mà người Bồ-tát phải luyện tập để đạt được Phật tính.

Khi nào nghị lực được tập trung và chảy theo cùng một hướng, không còn bị phân tán nữa, thì toàn thân người Bồ-tát sẽ trở thành hiện thân của dòng thác nghị lực đó. Không còn một sự vội vã, ồn ào, thiếu nhẫn nại hay bồn chồn nào có thể xảy nữa, duy nhất những gì còn sót lại với người Bồ-tát là một cung cách hành xử tròn đầy và liên lục hướng vào sự tốt lành của tất cả chúng sinh.

Người Bồ-tát chẳng khác gì như một con voi

Shantideva (Tịch Thiên) nói rằng người Bồ-tát cũng chẳng khác gì như một con voi (theo truyền thống văn hóa Ấn Độ, sự so sánh với một con voi là để nói lên sự ngợi khen và thán phục của mình). Loài voi, nhất là các con đực, tỏ ra rất thích vui đùa. Chúng thích tắm trong các ao sen, dùng vòi xịt nước vào nhau tạo ra một trò chơi thật vui vẻ, hoặc dùng vòi để quấn một mớ hoa sen, giũ trong nước cho sạch trước khi đưa vào miệng. Suốt ngày chúng thích đùa giỡn như vậy, hết trong ao này lại đổi sang ao khác. Shantideva nêu lên hình ảnh đó và cho biết người Bồ-tát cũng có thái độ tương tự như vậy. Người Bồ-tát vừa làm xong công việc này thì lại say sưa với công việc khác, thế nhưng chẳng bao giờ nghĩ rằng mình vừa làm được một việc gì đó thật phi thường, và cũng chẳng bao giờ nghĩ rằng “Quả thật ta vừa thực hiện xong một việc lợi ích cho tất cả chúng sinh”.

Sự phát động nghị lực của người Bồ-tát luôn mang tính cách bất vụ lợi, tương tự như một dòng thác tuôn ào ạt một cách tự nhiên, hoặc một cánh hoa đang nở rộ. Đôi khi người ta cũng ví sự sinh hoạt của người Bồ-tát với một chùm hoa lilac (là tiếng Anh, tiếng Pháp gọi là hoa lila, tiếng Việt gọi là hoa Tử đinh hương (?), là một loài hoa của châu Âu, mang nhiều huyền thoại nói lên nhiều ý nghĩa khác nhau, trong trường hợp này là để biểu trưng cho sắc đẹp và tình yêu của tuổi thanh xuân, là những gì tuyệt đẹp, nhưng không nên bám víu vào đó bởi vì đấy chỉ là phù du) hoặc một trò thể thao, hay một cuộc vui đùa (người Bồ-tát xem nhẹ những điều mình làm được, các điều ấy cũng chẳng khác gì một cuộc chơi hay một trò thể thao). Đấy là cách giúp người Bồ-tát cảm nhận được sự hiển lộ của các sự hoàn hảo (các paramita) hay các thể dạng khác nhau trên đường đưa mình đến giác ngộ, hoặc cũng có thể là một cuộc chơi to lớn và mở rộng của Phật tính, hoặc biết đâu cũng có thể là một hình thức hiển lộ của sự giác ngộ. Lalitavistara là tựa một tập kinh Đại Thừa, thuật lại tiểu sử của Đức Phật, chữ lalitavistara là một từ ghép, nguyên nghĩa là “tường thuật chi tiết về một cuộc chơi”.

(Tiền ngữ Lalita là tiếng Phạn có nghĩa là một “cuộc chơi” hay một “trò thể thao”, hậu ngữ vistara có nghĩa là kéo dài, đầy đủ. Bản kinh này được trước tác vào thế kỷ thứ III hay thứ IV, tức là một tập kinh xuất hiện muộn, pha lẫn Tiểu Thừa (học phái Sarvastivada) và cả Đại Thừa. Tập kinh mô tả thật chi tiết cuộc đời của Đức Phật với những nét thiêng liêng và huyền diệu, thế nhưng ý nghĩa của tựa tập kinh thì lại cho thấy chỉ là một trò thể thao, một cuộc chơi. Trong khi đó bản dịch tiếng Hán thì lại mang tựa là Phổ Diệu Kinh / 普 曜 経, “phổ” có nghĩa là rộng lớn, “diệu” là ánh sáng rạng ngời, điều này cho thấy cách dịch đó không trung thực, lý do có thể là vì người dịch không hiểu hoặc cố tình thổi phồng ý nghĩa của tựa tập kinh. Bản tiếng Hán đầu tiên là do Dharmaraksa/ (竺 法 护 / Trúc Pháp Hộ còn gọi là Trúc Pháp Lan hay Pháp Hộ) dịch năm 308, sau đó lại có thêm nhiều bản dịch khác, thế nhưng tất cả đều mang tựa là “Phổ Diệu Kinh”. Có rất nhiều bản dịch sang các ngôn ngữ Tây Phương, trong các bản tiếng Anh chữ Lalitavistara tựa của bài kinh được giải thích là “The Play in Full” (Một cuộc chơi trọn vẹn) hoặc “Extensive Sport Sutra” (Bài kinh về một trò thể thao kéo dài). Có ba bản dịch sang tiếng Pháp, hai bản xưa nhất giữ nguyên tựa tiếng Phạn là Lalitavastara, bản thứ nhất năm 1866, dịch từ tiếng Tây Tạng, bản này lại được một học giả khác dịch lại năm 1996; bản thứ hai năm 1884, dịch từ tiếng Phạn; và gần đây hơn bản dịch tiếng Pháp này lại được dịch sang tiếng Anh năm 1988, mang tựa “The Voice of Buddha ” (“Tiếng nói của Phật”); bản tiếng Pháp mới nhất là năm 2019, mang tựa là “Lalitavistara – Sutra de la vie du bouddha” (Lalitavistara – Tập kinh về cuộc đời của Đức Phật). Sở dĩ dài dòng trước hết là để nêu lên sự hiểu biết sâu sắc và tinh tế của nhà sư Sangharakshita, ít nhất là đối với sự nhận xét của ông về lời tựa của tập kinh này, và sau đó là giúp chúng ta có một ý niệm nào đó về nền Phật Giáo tân tiến và tích cực của Tây Phương ngày nay).

Ý niệm xem cuộc sống tâm linh như là một dòng thác ào ạt niềm hân hoan và nghị lực siêu nhiên đã giữ một vai trò nổi bật trong nền tư tưởng và tín ngưỡng của nước Ấn. Nhiều người xem cuộc sống tâm linh rất quan trọng, họ cho rằng một người càng có lòng sùng kính là một người càng đáng tin cậy. Thế nhưng cuộc sống của một người Bồ-tát không hẳn là như vậy, mà dường như gần giống với một trò thể thao hơn, có nghĩa là qua một góc nhìn nào đó, thì cuộc sống ấy tự nó cũng là mục đích, có nghĩa là chẳng có gì để phải suy nghĩ hay tính toán, tất cả chỉ là một cái gì đó thật tự nhiên và giản dị.

Đến đây chúng ta tạm dừng lại việc tìm hiểu phẩm tính virya, tức là khía cạnh “nam tính” trong cuộc sống tâm linh. Tất nhiên những gì được trình bày trên đây về hai phẩm tính kshanti và virya chỉ là sơ lược, tuy nhiên tôi cũng mạn phép nghĩ rằng các sự giải thích đó về bản chất đặc thù của hai paramita này cũng đã đủ để biện minh cho việc sử dụng hai tĩnh từ “nữ tính” và “nam tính” [trong trong cuộc sống tâm linh của một người tu tập].

Phẩm tính virya và phẩm tính kshanti

Virya và kshanti là hai phẩm tính paramita, virya mang các đặc tính năng hoạt, biểu lộ và sáng tạo (nam tính), trong khi đó kshanti thì thụ động, yên lặng và hàm chứa nhiều khả năng thụ cảm hơn (nữ tính), cả hai cùng tạo ra một sự tương phản mang tính cách lưỡng cực (polarity) thật quan trọng trong cuộc sống tâm linh, đến độ chúng ta có thể bảo rằng hai cách tiếp cận này tạo ra cả một sự đối nghịch triệt để trong việc tu tập tâm linh. Một trong hai cách tiếp cận này đòi hỏi một sức tự lực rất cao, trái lại cách tiếp cận thứ hai lại cho thấy một sự lệ thuộc vào một quyền năng thuộc bên ngoài chính mình – trong vài trường hợp thì quyền năng đó là niềm tin vào một sự phù hộ thiêng liêng. Cách tiếp cận thứ nhất (nam tính) là đứng phắt lên để tự làm những gì mà mình muốn thực hiện, cách tiếp cận thứ hai (nữ tính) là tạo ra cho mình một sự thoải mái và mặc nhiên để mọi sự diễn tiến, nếu có thể nói như vậy.

Trong nền văn hóa Ấn có một cách diễn đạt rất ngộ nghĩnh về hai cách tiếp cận trên đây: cách thứ nhất là thái độ của một con khỉ con và cách thứ hai là của một con mèo con. Khi mới sinh thì khỉ con đã biết bám chặt vào bộ lông của khỉ mẹ. Tất nhiên khỉ mẹ thì phải ôm lấy khỉ con, thế nhưng khỉ con cũng ra sức để bám vào khỉ mẹ. Trái lại mèo con thì hoàn toàn lệ thuộc vào mèo mẹ, mèo mẹ phải cắn vào da cổ mèo con để tha đi. Theo truyền thống văn hóa Ấn Độ thì cách tiếp cập của khỉ con nói lên thể dạng jnana tức là trí tuệ, bởi vì nếu đã là một kẻ hiền nhân (có một sự hiểu biết và quyết tâm nào đó) thì phải biết trông cậy nơi chính mình và lòng nhiệt tâm của mình. Thái độ của mèo con nói lên thể dạng kshanti, là con đường của sự sùng kính, có nghĩa là một cảm tính hướng vào một quyền năng thiêng liêng, hay một lý tưởng vượt cao hơn chính mình.

Vài lời ghi chú của người chuyển ngữ

Trong phẩn dẫn nhập trên đây nhà sư Sangharakshita có nói đến một phép tu tập gọi là Puja gồm bảy thành phần (The seven-fold Puja), chữ puja trong tiếng Pali có nghĩa là sự tôn kính, cách cúng dường, và cũng có nghĩa là các nghi lễ, nói chung là các hình thức lễ lạc. Nhà sư Sangharakshita tổng hợp các nghi thức này và gọi chung là Puja gồm bảy thành phần, áp dụng trong các Trung Tâm Phật Giáo Triratna (Tam Bảo) do ông thành lập tại rất nhiều quốc gia trên thế giới. Các thành phần lễ lạc này được gọi là các anuttara-puja, anuttara trong tiếng Phạn có nghĩa là chủ yếu hay tốt nhất, không có gì sánh kịp. Nhà sư Sangharakshita cũng cho biết thêm là các nghi thức lễ lạc này được thiết lập dựa vào tập luận nổi tiếng Bodhicaryavatara/ Đường Vào Giác Ngộ/ Bồ-đề Hành Luận của Shantideva (Tịch Thiên, 685?-763?). Độc giả có thể xem “Bảy nghi thức lễ lạc” này bằng nhiều thứ tiếng trên mạng, hoặc trong quyển sách mang tựa The Triratna Puja Book của nhà sư Sangharakshita (nhà xuất bản Windhorse Publications). Mỗi nghi thức gồm có một số câu tụng, độc giả có thể nghe các câu tụng này trên YouTube. Dưới đây chỉ là tóm lược ý nghĩa của bảy nghi thức lễ lạc này:

1. Lòng tôn kính (veneration): là cách tỏ bày lòng quý mến, sự kính phục và tình thương yêu của mình đối với Đức Phật. Cách tỏ bày đó được thể hiện bằng sự cúng dường lễ vật và hiến dâng các xúc cảm thiêng liêng bên trong tâm thức mình. Xúc cảm trên phương diện tâm linh hàm chứa một sức mạnh thật to lớn giúp mình cảm nhận, quán thấy hoặc thực hiện được những điều thật phi thường.

2. Sự kính cẩn (salutation/greeting): là các cử chỉ tiên khởi nhất nhằm tỏ bày sự quý mến và lòng ngưỡng mộ của mình trước sự hiện diện của Đức Phật và cũng là hiện thân của sự Giác Ngộ. Sự kính cẩn đó sẽ giúp mình ý thức được cái hố sâu phân cách giữa tình trạng của mình hiện nay và lý tưởng Giác Ngộ của Đức Phật. Sự kính cẩn đó cũng phải được mở rộng ra hơn nữa với tất cả các vị Bồ-tát khác đã đạt được hoặc đến gần hơn với sự giác ngộ. Chủ đích cụ thể và trực tiếp của sự kính cẩn là để hóa giải hoặc làm nhẹ bớt tác động của cái tôi, không để nó chỉ huy mình.

3. Quy y và ẩn cư (refuge, retreat): khi đã nhận thấy cái hố sâu phân cách giữa mình và lý tưởng của sự giác ngộ, thì mình sẽ hiểu được là phải lấp đầy cái hố đó. Cách tốt nhất và thật ra cũng không có cách nào khác hơn, là phải tự biến cải mình, phải phát động sự quyết tâm đạt được Phật tính. Nếu muốn thực hiện được điều đó thì phải nương tựa (refuge/ quy y) vào Đức Phật, Dharma (Giáo huấn của Ngài) và Sangha (Tăng đoàn hay tập thể các đệ tử của Ngài). Đó là ba sức mạnh to lớn nhất có thể bảo vệ và che chở chúng ta trong thế giới cấu hợp và vô thường này. Quy y là một cách giữ gìn đạo đức và giới luật, tạo cho mình một cuộc sống tinh khiết và lành mạnh hơn. Trên thực tế quy y là cách đến chùa để học hỏi và hòa mình với một khung cảnh thiêng liêng, và nếu có thể thì nên tham gia các khóa ẩn cư.

4. Sám hối (confession of faults): khi đã nêu lên cho mình một lý tưởng thì ngay sau đó phải thực hiện lý tưởng ấy một cách cụ thể, trước hết là phải giữ gìn năm giới luật căn bản của Phật Giáo. Thế nhưng đôi khi vì thiếu tỉnh giác hoặc vì các thói quen hành xử trong cuộc sống, chúng ta cũng có thể vi phạm năm giới luật đó. Nghi lễ sám hối đối với Phật Giáo thật ra chỉ là cách giúp người tu tập ý thức về các hành động, ngôn từ và các sự suy nghĩ sai trái, thiếu đạo đức hay bất thuận lợi của mình. Khi đã ý thức được các sự lầm lỗi đó thì chúng ta – tất nhiên là trừ ra một số người – tất sẽ phải cảm thấy ăn năn và xấu hổ, cảm tính đó sẽ khiến chúng ta quyết tâm không vi phạm vào các lỗi lầm như vậy nữa trong tương lai.

Chúng ta có thể thú nhận và nói ra các lầm lỗi đó của mình với một vị thầy hay một người bạn đồng tu, thế nhưng đối với Phật Giáo, sự “sám hối” đó không có nghĩa là một cách cầu xin chư Phật hay chư Bồ-tát “xóa tội” cho mình, mà chỉ là cách “nhận chịu trách nhiệm” về phần mình và sẵn sàng chờ đợi hậu quả mang lại từ những lỗi lầm do các hành động do mình tạo ra. Theo quan điểm của người viết các dòng này, thì thật hết sức lạ lùng, sự quyết tâm đó tùy theo sức mạnh và sự thành thật của nó đôi khi cũng có thể tạm thời chận đứng sự hiển hiện của hậu quả do các hành động của mình tạo ra, hoặc cũng có thể hóa giải được một phần nào các hậu quả đó, hoặc làm cho chúng biến thể hay chuyển hướng khác hơn, tất cả là do sự quyết tâm biến cải con người của mình, có nghĩa là tạo ra cho mình các cơ duyên tích cực hơn sau này.

5. Hân hoan trước những điều đạo hạnh (rejoicing in merits): cảm nhận được niềm hân hoan về những hành động tích cực và thuận lợi của mình và của tất cả chúng sinh cũng là cách giúp mình thăng tiến trên đường giác ngộ. Khi nào cảm nhận được niềm hân hoan đó bên trong chính mình thì mình cũng sẽ cảm nhận được niềm hân hoan trong lòng người khác dễ dàng hơn. Sự cảm nhận các niềm hân hoan đó phát sinh từ sự kính phục trước lòng hào hiệp và sự hy sinh của chư Phật, của các vị Bồ-tát và cả những người khác chung quanh mình. Không những chúng ta cảm thấy niềm hân hoan qua các hành động của họ mà cả từ bản chất từ tâm thật tự nhiên nơi con người của họ nữa.

6. Cầu khẩn (supplication): trước khi cầu khẩn ít nhất chúng ta cũng phải phát động được sự kính phục trước những điều xứng đáng và đạo hạnh của chư Phật và chư Bồ-tát. Sự kính phục đó sẽ tạo ra cho chúng ta một khả năng thụ cảm thật bén nhạy giúp mình tiếp nhận dễ dàng hơn sự truyền đạt và giảng dạy của các vị ấy. Thế nhưng sự cầu khẩn đó không phải chỉ là vì mình, bởi vì khi đã ý thức được sự khổ đau mênh mông và cùng khắp của tất cả chúng sinh, thì sự cầu khẩn đó tất nhiên cũng sẽ phải hướng vào tất cả chúng sinh. Chúng ta cầu khẩn chư Phật và chư Bồ-tát trong khắp miền vũ trụ hãy thắp lên ngọn đuốc Dharma soi sáng cho tất cả chúng sinh. Sự cầu khẩn đó sẽ tạo ra cho chúng ta các xúc cảm thật sâu xa, phù hợp hơn với lý tưởng của người Bồ-tát, đồng thời các xúc cảm đó cũng khai mở trí tuệ và con tim của mình, mang lại cho mình nhiều sáng suốt và tình thương hơn.

7. Hồi hướng công đức (transference of merit): là nghi lễ kết thúc và cũng là nghi lễ cao siêu nhất so với tất cả các nghi lễ nói đến trên đây. Nghi lễ này nếu được thực hiện với tất cả sự chân thật thì sẽ mang lại cho mình những xúc cảm thật mạnh, tinh tế và tích cực, tạo ra cho mình một sự nhạy cảm và chú tâm sắc bén, giúp mình cảm thấy gần hơn với tất cả chúng sinh. Hồi hướng công đức là để quên bớt con người của mình, chối bỏ cái tôi vô nghĩa, cá nhân và ích kỷ của mình. Chúng ta sẽ không thể nào đạt được Giác Ngộ khi cái tôi của mình vẫn còn phải bận rộn trong việc gom góp công đức cho cá nhân mình. Nếu lo toan quá đáng về sự tốt lành cho riêng mình thì đấy sẽ là một sự ngăn chận, không cho phép mình vượt lên một cấp bậc tâm linh cao hơn. Chúng ta hãy hiến dâng những điều đạo hạnh và công đức của mình cho tất cả chúng sinh và cầu mong các công đức đó và các điều đạo hạnh đó sẽ bùng lên trong con tim của họ, mang lại mọi sự tốt lành và an vui cho họ. Sự an vui và tốt lành của kẻ khác phải là niềm ước vọng và hạnh phúc của chính mình, và đó cũng là cách giúp Phật tính có thể hiện lên trong tâm thức mình. Hồi hướng công đức cũng là một cách chuyển hướng toàn diện con người của mình.

Nói chung nghi lễ Puja gồm bảy thành phần trên đây cùng với phép luyện tập thiền định là các phương pháp tu tập mà chúng ta phải thực thi với tất cả nghị lực của mình. Các nghi lễ và việc hành thiền sẽ dần dần trở nên quen thuộc với mình, thấm sâu vào con người của mình tạo ra một thái độ hành xử tự nhiên và giản dị nơi con người của chính mình.

Ngoài ra nhà sư Sangharakshita cũng có nêu lên một phép nghi lễ khác gọi là “Puja gồm ba thành phẩn” (The Three-fold Puja). Ba thành phần này là: sự tôn kính Phật, tôn kính Tam Bảo và cúng dường lễ vật. Mỗi thành phần gồm một số câu tụng như sau:

1- Mở đầu nghi lễ:

– Chúng con tôn kính Phật, Đấng Giác Ngộ tối thượng, trỏ cho chúng con trông thấy Con Đường.
– Chúng con tôn kính Dharma, Giáo Huấn của Phật, đưa chúng con từ chỗ tối tăm ra nơi ánh sáng.
– Chúng con tôn kính Tam Bảo, Tập Thể các đệ tử của Phật, làm gương cho chúng con soi.

2- Tôn kính Tam Bảo:

– Chúng con tôn kính Phật, ước vọng được bước theo vết chân của Phật.
Phật là con người, chúng con cũng là con người.
Những gì Phật từng vượt thoát, chúng con cũng sẽ vượt thoát.
Những gì Phật từng đạt được, chúng con cũng sẽ đạt được.

– Chúng con tôn kính Dharma, ước vọng noi theo Dharma cho đến khi đạt được,
Bằng thân xác này, ngôn từ này và cả và tâm thức này của chúng con.
Chúng con quyết tâm học hỏi, luyện tập và sẽ đạt được Sự Thật qua mọi thể dạng,
Và sẽ vượt được tất cả các chặng trên Con Đường.

– Chúng con tôn kính Tăng Đoàn, ước vọng bước theo Tăng Đoàn,
Là tập thể những người đang cất bước trên Đường.
Trong số chúng con, từng người một, sẽ gia nhập Tăng Đoàn,
Tạo ra một vòng tròn ngày càng rộng, một Tăng Đoàn ngày càng đông.

3- Cúng Phật

– Đóa hoa này, chúng con xin hiến dâng, để tỏ lòng tôn kinh Phật,
Một cánh hoa tươi đang nở rộ, thơm ngát một mùi hương.
Thế nhưng hoa sẽ héo úa, tàn lụi một ngày mai.
Thân xác chúng con cũng vậy, rồi đây sẽ chẳng còn.

– Ngọn nến này, chúng con xin hiến dâng, để tỏ lòng tôn kính Phật,
Vầng hào quang là Phật, chúng con xin hiến dâng ánh sáng.
Nhỏ bé ngọn nến này, thắp lên từ ngọn đuốc của hào quang, chúng con xin soi sáng cho nhau.
Ngọn đuốc Giác Ngộ rồi đây sẽ bừng lên trong con tim chúng con.

– Nén hương này, chúng con xin hiến dâng, để tỏ lòng tôn kính Phật,
Mùi hương thơm tỏa ngát khắp không gian.
Mùi hương của cuộc sống đạo hạnh, thơm hơn cả làn khói một nén hương,
Mùi hương đó, trong thế giới này, sẽ rộng tỏa khắp muôn phương.

Các câu trên đây phản ảnh “nữ tính” và cả “nam tính” của người tu tập, có thể dùng để tụng tại nhà hoặc tụng tập thể trong chùa. Vậy chúng ta hãy thử nhịp mõ và đánh chuông để tụng các câu trên đây xem sao? Thiết nghĩ những câu tụng thành tâm và dễ hiểu biết đâu cũng có thể mang lại cho chúng ta những xúc cảm thiêng liêng, khai mở trí tuệ và cả con tim của mình.

———=oOo=———

PHỤ LỤC

Dưới đây là bản gốc tiếng Anh và bản dịch tiếng Pháp của ‘Nghi lễ gồm ba thành phần’ trên đây:

Three-fold Puja

Opening Reverence

We reverence the Buddha, the Perfectly Enlightened One, the Shower of the Way.
We reverence the Dharma, the Teaching of the Buddha, which leads from darkness to Light. We reverence the Sangha, the fellowship of the Buddha’s disciples, that inspires and guides.

Reverence to the Three Jewels

We reverence the Buddha, and aspire to follow Him.
The Buddha was born, as we are born.
What the Buddha overcame, we too can overcome;
What the Buddha attained, we too can attain.

We reverence the Dharma, and aspire to follow it,
With body, speech and mind, until the end.
The Truth in all its aspects, the Path in all its stages,
We aspire to study, practise, realise.

We reverence the Sangha, and aspire to follow it:
The fellowship of those who tread the Way.
As, one by one, we make our own commitment,
An ever-widening circle, the Sangha grows.

Offerings to the Buddha

Reverencing the Buddha, we offer flowers –
Flowers that today are fresh and sweetly blooming, –
Flowers that tomorrow are faded and fallen.
Our bodies too, like flowers, will pass away.

Reverencing the Buddha, we offer candles.
To Him, who is the Light, we offer light.
From His greater lamp a lesser lamp we light within us:
The lamp of Bodhi shining within our hearts.

Reverencing the Buddha, we offer incense,
Incense whose fragrance pervades the air.
The fragrance of the perfect life, sweeter than incense,
Spreads in all directions throughout the world.

—oOo—

Bản dịch tiếng Pháp của Trung Tâm Phật Giáo Triratna Paris:

La puja en trois parties

Vénération d’introduction

Nous vénérons le Bouddha, le parfaitement Éveillé, Celui qui montre la voie.
Nous vénérons le Dharma, l’enseignement du Bouddha, qui conduit de l’obscurité à la lumière.
Nous vénérons la Sangha, la communauté des disciples du Bouddha, qui inspire et guide.

Vénération aux Trois Joyaux

Nous vénérons le Bouddha, et aspirons à Le suivre.
Le Bouddha était un être humain, tout comme nous.
Ce que le Bouddha a surmonté,
Nous aussi, nous pouvons le surmonter.
Ce que le Bouddha a atteint,
Nous aussi, nous pouvons l’atteindre.

Nous vénérons le Dharma, et aspirons à le suivre
Avec le corps, la parole et l’esprit, jusqu’au bout.
La Vérité dans tous ses aspects, la Voie dans toutes ses étapes,
Nous aspirons à étudier, pratiquer, réaliser.

Nous vénérons la Sangha et aspirons à la suivre:
La communauté de ceux qui parcourent la Voie.
Tandis qu’un par un chacun de nous s’engage,
Tel un cercle toujours plus grand, la Sangha croît.

Offrandes au Bouddha

Vénérant le Bouddha, nous offrons des fleurs:
Fleurs qui aujourd’hui sont fraîches et tendre écloses,
Fleurs qui demain seront fanées et retombées.
Notre corps aussi comme des fleurs disparaîtra.

Vénérant le Bouddha, nous offrons des bougies:
A lui qui est la lumière, nous offrons de la lumière.
De sa plus grande lampe,
Une plus petite lampe nous allumons en nous:
La lampe de la Bodhi brillant dans nos cœurs.
Vénérant le Bouddha, nous offrons de l’encens:

Encens dont la senteur envahit l’air.
La senteur de la vie parfaite, plus douce que l’encens,
S’épand dans toutes les directions à travers le monde./.

Bures-Sur-Yvette, 29.03.2021
HOANG PHONG chuyển ngữ

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.