Mất mà còn

 

Thắm thoát mà đã lại sắp đến ngày húy nhật Cư Sỹ Tâm Minh Lê Đình Thám – Cố Sáng Lập Viên Gia Đình Phật Tử Việt Nam – và đại lễ Hiệp Kỵ toàn quốc Gia Đình Phật Tử Việt Nam rồi.

Đã chủ trương, cộng tác với không ít website Phật Giáo và Gia Đình Phật Tử vậy mà không hiểu sao cứ đến gần ngày Hiệp Kỵ truyền thống của tổ chức là năm nào tôi cũng thích đăng lại bài viết đã rất củ này.

Phải chăng đây cũng là cái sự “mất mà còn” như ý tưởng trong bài cảm tác của Ân sư?

Q.M.

 

Cảm tác của Hòa Thượng Thích Minh Tâm đăng trên www.lienhoa.net năm nào

 

MẤT MÀ CÒN

Tặng cho Gia Đình Phật Tử Việt Nam – Người còn và kẻ mất.

MINH TÂM

 

Trong thời gian gần đây, vài Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử lớn tuổi, tuy chưa lớn lắm, có vài người đã lần lượt vì bệnh duyên mà rời khỏi nhà Lam vĩnh viễn và Gia Đình Phật Tử Việt Nam đã đứng ra lo tang lễ.

Trước đây tang lễ anh Từ, anh Tú, tôi có dự, còn tang lễ chị Cúc ở Huế, anh Mão ở Nha Trang, chị Chung ở Đà Lạt thì tôi vắng mặt, nhưng được anh em kể lại rành mạch chi tiết với nhiều cảm xúc đặc biệt người kể cũng như người nghe.

Gần đây, Tang lễ anh Trưng cử hành tại chùa Từ Vân (Cam Ranh). Khi anh Trưng quá yếu, anh em có báo tin, nhưng vì Phật sự xa, tôi không về kịp. Giờ phút cuối không nói được, nhưng anh Trưng cũng cầm que chỉ vào các chữ cái ghép lại thành ba chữ “Thầy Minh Tâm”. Ý anh Trưng có lẽ muốn nhắn tôi về thăm hay muốn đám tang của anh, tôi phải có mặt? Trước linh đài của anh Trưng, một Huynh Trưởng cấp Tấn, một Trưởng Ban Hướng Dẫn Gia Đình Phật Tử Cam Ranh mấy nhiệm kỳ, một Phật Tử trung kiên của Giáo Hội, tôi thật xúc động nên trong lễ Tịch Điện Thuyết Linh, tôi vận dụng tâm thành cầu nguyện và đem hết sở học, sở tu để truyền đạt cho thân trung ấm của anh Trưng; cũng như anh Tình ở Diên Khánh (Nha Trang) khi bệnh duyên trở nặng tôi đến thăm, anh Tình cũng gắng gượng chấp tay chào hỏi, tâm tình vài tiếng (tôi nói vài tiếng vì anh không đủ sức nói được vài câu). Mấy hôm sau thì anh Tình chết, tôi cũng có mặt cùng quý thầy ở Diên Khánh cử hành lễ Quy Linh, Thuyết Linh.

Năm 1968 đến 1970 làm Phật sự tại Cam Ranh, tôi đã cùng với anh Trưng và các anh chị trong Ban Hướng Dẫn Gia Đình Phật Tử Cam Ranh phục vụ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất và hướng dẫn các em tu học. Đến Phan Thiết 1971, gặp anh Tình trong Ban Hướng Dẫn Gia Đình Phật Tử Bình Thuận, nên chúng tôi có dịp đồng cam cộng khổ, chia sẻ ngọt bùi, đạo tình sâu đậm, nay kẻ ở người đi không khỏi chạnh lòng! Hai tang lễ nầy đều do Gia Đình Phật Tử cùng với tang gia phối hợp tổ chức, không khí thật ấm nồng đạo vị, chứa trọn đạo tình, nhất là tình lam thì rất rõ nét.

Gần nhất, tang lễ anh Nguyễn Đức Nga, Huynh Trưởng cấp Tấn, Ban Hướng Dẫn Gia Đình Phật Tử Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức tại Bà Tô (Xuyên Mộc) cũng đặc biệt như thế vì vợ con anh Nga giao trọn quyền tổ chức tang lễ để Gia Đình Phật Tử hoàn toàn chủ động.

Dù ở đâu, Cam Ranh, Diên Khánh, Xuyên Mộc, Sài Gòn, tôi cũng thấy chung một nét rất đẹp, rất quý, rất đáng trân trọng, đáng nêu cao, đó là “TÌNH LAM”. Các em Oanh Vũ, Thiếu Nam, Thiếu Nữ, các Huynh Trưởng lão thành đều chung sức chung lòng lo tang lễ như chính lo cho người nhà, những dòng nước mắt, những băng tang màu lam trên ngực áo, những bàn tay nhỏ nhắn xinh xinh của các em Oanh Vũ, Thiếu Nữ chăm chú kết xe tang, những cánh tay khỏe mạnh của các em Thiếu Nam kết Phật đình, Long đình, bàn án, những đôi vai lực lưỡng của các Huynh Trưởng nghiêng vào khiêng quan tài, những bữa cơm chay đạm bạc của các bác Ban Bảo Trợ với lời lẽ thân thương, ân cần “Các anh chị và các em ăn cơm đi để mà làm việc, gắng ăn cho nhiều để còn thức đêm mà lo cho chu đáo”. Tôi cảm nhận trọn vẹn tình thương yêu kính mến của mọi người đối với các Huynh Trưởng đã mất. Chân tình thắm đượm đó, tình yêu mến cao cả đó, nghĩa tình đẹp đẽ đó, tôi nghĩ: Chỉ có trong Gia Đình Phật Tử, trong tổ chức ÁO LAM, không chủ quan, nhưng chắc chắn như thế, vì tôi có dự hàng trăm lễ tang và thấy rất rõ: Tình đời? Có mà hời hợt, Tình cốt nhục? Có, mà chưa sâu. Tình bằng hữu? Có, mà ít thắm đượm (chỉ trừ tang lễ các Hoà Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức Tăng Ni mới đông hơn, đẹp hơn, trang trọng hơn mà thôi). Chưa nói đến, người ta còn lợi dụng tang lễ mà ăn nhậu, cờ bạc, buôn bán, khoe khoang trên xác chết!

Mặc sự đời, trong nội bộ, mình tự biết mình. Tang lễ Hoà Thượng Tâm Thanh, Gia Đình Phật Tử khắp nơi tụ về Vĩnh Minh chung vai gánh vác từ việc lớn đến việc nhỏ với niềm thương tiếc khôn nguôi. Tang lễ anh Trưng, anh Tình Gia Đình Phật Tử Khánh Hoà tận tâm phục vụ. Khi anh Nga nằm xuống, Gia Đình Phật Tử Bà Rịa Vũng Tàu đã khóc, đã sát cánh với nhau lo lễ, đem hết tâm trí phục vụ như chính đang lo cho cha mẹ, anh em của mình, sức khỏe bản thân các em không quan tâm, mất thời gian, các em không để ý, tốn kém, các em chẳng nề hà, trở ngại, các em cố vượt qua. Tình lam trên hết, tình thương bao phủ, các em đã hy sinh, không đắn đo, không tính toán, không e ngại, mấy trăm con người ngồi cầu nguyện và nghe thuyết linh không có một tiếng động nhỏ, chỉ nghe tiếng thở nhẹ của mấy trăm buồng phổi nhịp nhàng với tiếng pháp âm hoà nhập len nhẹ vào hồn. Đám tang người đưa dài cả cây số, mưa đẫm ướt các em vẫn không rời hàng ngũ, có xe các em vẫn không lên, nghiêm trang đi bộ gần 5 cây số, hình thức không quan trọng, nhưng lấy gì để đo được chân tình? Đồng bào các tôn giáo bạn cũng bày tỏ cảm tình, các cán bộ công quyền cũng tỏ lòng nể phục, quý Ôn, quý Thầy, quý Cô cũng cảm nhận nơi Gia Đình Phật Tử một tinh thần kỷ luật cao, một “TÌNH LAM” thấm sâu vào xương tủy, vì ở nơi đó không chức, không quyền, không danh, không lợi – ở nơi đó chỉ có một thứ ĐẠO TÌNH bất di, bất diệt.

Vì thế, nên tôi khẳng định rằng “các Huynh Trưởng trung kiên của Giáo Hội, của tổ chức áo lam, chết không bao giờ mất”. Đừng để cho “sống mà xem như đã mất lâu rồi” phải không Gia Đình Phật Tử Việt Nam?

60 năm rồi – Tình Lam bất diệt!

60 năm rồi – Hương Lam ngát lừng!

TuongNiem.gif

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.