Một nhà sư Nhật Bản
phục hồi ý nghĩa của chữ VẠN
(Un bonze japonais souhaite réhabiliter
la signification originale de la swastika)
Hoang Phong chuyển ngữ
Nhà sư Nhật Bản Kenjitsu Nakagaki đang tìm cách thuyết phục người Tây Phương về ý nghĩa của chữ VẠN (Swastica) mà người Nhật gọi là manji. Chẳng qua là vì những người quốc-xã (nazi) đã biến chữ này thành một biểu tượng cấm kỵ trong các nước Tây Phương ngày nay. Thế nhưng chữ VẠN đã ăn sâu vào nền văn hóa của Nhật Bản từ khi Phật Giáo mới được đưa vào xứ sở này; và nhà sư Nakagaki muốn nhấn mạnh với người Tây Phương là chữ VẠN với tư cách là một biểu tượng hoà bình cũng đã được sử dụng trong rất nhiều tôn giáo.
Khi nhà sư Kenjitsu Nakagaki rời Osaka và định cư tại thành phố Seattle trên đất Mỹ năm 1985 thì khi đó ông cũng chỉ hiểu ý nghĩa của chữ VẠN (卐 hoặc 卍) qua từ-ngữ manji trong tiếng Nhật – gốc tiếng Hán mang ý nghĩa là “sự giàu có”.
Một hôm, trong khi cử hành một nghi lễ Phật Giáo, ông có nói đến biểu tượng chữ VẠN, thì tức khắc có một người trong chùa cảnh báo rằng ông “không được làm như thế trong xứ sở này”. Từ đó nhà sư Nakagaki đã hiểu được là chữ VẠN lại còn có thêm một ý nghĩa khác nữa, đó là sự hận thù.
Gần đây hơn, ông tuyên bố thẳng với giới truyền thông qua tờ Japan Times của thành phố New York như sau: “Sau khi học được bài học trên đây, tôi không dám nói đến biểu tượng này nữa – và đến nay thì cũng đã 25 năm rồi”. “Thế nhưng tầm nhìn đó quả là hẹp hòi và thiển cận, không thể nào chấp nhận được, nhất là đối với những người trong số chúng ta từng lớn lên với chữ VẠN qua tín ngưỡng của mình và nền văn hóa của quê hương mình”. Thật vậy, biểu tượng này rất phổ biến tại phương Đông, nơi mà Phật Giáo Ấn Độ đã được truyền bá, và hơn nữa chữ VẠN cũng là một thuật ngữ tiếng Phạn, mang ý nghĩa là “được mọi điều tốt đẹp” (tiền ngữ “su” có nghĩa là tốt đẹp, hậu ngữ “asti” có nghĩa là được / être, to be).
Hiện nay nhà sư Nakagaki đang cố gắng kêu gọi quần chúng hãy quan tâm nhiều hơn đến từ-ngữ này trong nền văn hóa Ấn Độ với ý nghĩa nguyên thủy của nó là hòa-bình. Quyển sách mới đây nhất của ông với tựa đề: “Chữ VẠN trong Phật Giáo và Chữ-thập-ngoặc của Hitler – Hãy cứu vãn một biểu tượng Hòa Bình thoát khỏi sức mạnh của hận thù” (The Buddhist Swastika and Hitler’s Cross: Rescuing a Symbol of Peace from the Forces of Hate) là một đóng góp của ông nhằm phục hồi một biểu tượng đã bị cấm kỵ sau một thời gian dài.
Trong quyển sách này nhà sư Nakagaki giải thích thật chi tiết nguồn gốc Á Đông của chữ VẠN và nêu lên các trường hợp mà biểu tượng này đã được sử dụng trong nhiều tín ngưỡng như Ấn Giáo, Phật Giáo, đạo Ja-in, Do Thái Giáo, Ki-tô Giáo và cả Hồi Giáo; và cũng đã từ lâu đời, trước khi biểu tượng này bị những người quốc-xã tước đoạt (biểu tượng “chữ thập có bốn cánh gập lại” mà sau này người ta gọi là “swastika”, là một trong số các biểu tượng xưa nhất của nhân loại. Người ta tìm thấy loại chữ thập này từ thời đại Đồ-đá-mới / Neolithic, tức là vào thời kỳ khi con người mới bắt đầu biết chăn nuôi và trồng trọt. Vì thế cũng có thể xem chữ VẠN là một biểu tượng “toàn cầu”. Sở dĩ biểu tượng này đã xuất hiện rất sớm và phổ biến rộng rãi trong nền văn minh nhân loại có thể là do tính cách đơn giản và dễ ghi khắc của nó. Di tích lâu đời nhất của biểu tượng này được tìm thấy tại xứ Ukraine, xưa khoảng 10.000 năm – ghi chú của người chuyển ngữ tiếng Việt).
Chữ VẠN được biểu trưng bằng nhiều cách: Một số có thêm bốn dấu chấm, một số khác dưới dạng một cơn lốc xoáy tròn, hoặc các biến thể khác… Đối với Phật Giáo, chữ VẠN nằm thẳng, bốn cánh quay về phía trái, trong khi Chữ-thập-ngoặc của Đức-quốc-xã nằm nghiêng 45° và bốn cánh thì quay về phía phải. Biểu tượng chữ VẠN rất phổ biến tại Nhật, và thường được dùng để chỉ định vị trí chùa chiền trên các bản đồ địa lý từ triều đại Meiji (1868-1912).
Trong những năm gần đây đã từng có nhiều cuộc tranh luận về chữ VẠN, nhất là từ khi công ty Google “vô tình” đã dùng dấu hiệu chữ VẠN này chỉ định vị trí các chùa chiền Phật Giáo trên những bản đồ do công ty phác họa. Thế nhưng chính công ty Google sau đó cũng đã phải tuyên bố với tổ hợp báo chí HuffPost rằng biểu tượng này dù đúng là “của tín ngưỡng Phật Giáo”, thế nhưng công ty cũng sẽ tìm cách… giải quyết khó khăn này! Năm 2015, một sinh viên Do Thái bị đuổi khỏi đại học George Washington sau khi cài lên bảng thông cáo của trường biểu tượng chữ VẠN mà anh ta đã mua tại Ấn Độ. Năm 2017, công ty may mặc Âu Châu DA Designs cho in biểu tượng chữ VẠN trên các chiếc áo thun (tee shirt) với chủ đích “quảng bá” ý nghĩa hòa bình và tình thương yêu của biểu tượng này. Thế nhưng sáng kiến này đã bị Quốc Hội Do Thái và Bảo Tàng Viện Tưởng Niệm Nhà Giam Auschwitz (lò thiêu người của Đức-quốc-xã) chỉ trích nặng nề.
Quyển sách của nhà sư Nakagaki trên đây cho thấy một sự cố gắng liên tục của ông trong việc làm sáng tỏ ý nghĩa của chữ VẠN, sau khi ông đệ trình luận án về vấn đề này tại Chủng Viện Thần Học New York năm 2012. Luận án này sau đó đã được xuất bản tại Nhật năm 2013. Thế nhưng các nhà xuất bản Mỹ thì lại quá dè dặt không dám in. Nhà sư Nakagaki bèn tự mình xuất bản qua công ty Amazon năm 2017. Mãi đến mùa thu vừa qua nhà xuất bản Stone Bridge Press mới xuất bản quyển sách này tại Mỹ.
—— oOo ——
– Nguồn: Lion’Roar, bài viết của Haleigh Atwơd (09.01.2019).
– Có thể xem tin này trên trang mạng: Buddhistdoor, bài viết của Raymond Lam (19.12.2018)
– Có thể xem bản gốc tiếng Pháp trên trang mạng của Viện Nghiên Cứu Phật Học của Pháp (Institut d’Études Bouddhiques/IEB) (16.01.2019):
https://bouddhismes.net/index.php?option=com_content&view=article&id=182:un-bonze-japonais-souhaite-rehabiliter-la-signification-originale-de-la-swastika&catid=12&Itemid=128-
– Một số hình ảnh minh họa trong bài: Davidlohr Bueso; japantimes.co.jp
Bures-Sur-Yvette, 14.02.2019
HOANG PHONG chuyển ngữ