Nặng bao nhiêu?

 

 

NẶNG BAO NHIÊU?

Hàn lâm học sĩ Tô Đông Pha nhân bàn luận đạo lý với Thiền Sư Chiếu Giác, khi bàn đến câu “Tình dữ vô tình, đồng viên chủng trí” bỗng dưng tỉnh ngộ, có làm ba bài kệ: Lúc chưa tham thiền, lúc tham thiền và sau khi tham thiền ngộ đạo để tỏ bày tâm đắc của mình.

1. Lúc chưa tham thiền

Nhìn xem Thành Lãnh bên Thành Phong
Cao thấp gần xa thảy chẳng đồng
Chẳng biết Lô Sơn mặt mày thật
Bởi do núi ấy thân ở trong.

(Hoành khán Thành Lãnh trắc Thành Phong
Viễn cận cao đê giai bất đồng
Bất thức Lô Sơn chơn diện mục
Chỉ duyên thân tại thử sơn trung).

2. Lúc tham thiền

Mù tỏa Lô Sơn sóng Chiết Giang
Khi chưa đến đó luống mơ màng
Đến rồi không thấy việc gì khác
Mù tỏa Lô Sơn sóng Chiết Giang.

(Lô Sơn yên vũ Chiết Giang triều
Vị đáo thiên ban hận bất tiêu
Cập chú quy lai vô nhất sự
Lô Sơn yên vũ Chiết Giang triều).

3. Sau khi tham thiền ngộ đạo

Tiếng khe chính đó bài pháp dài
Sắc núi toàn là thân tịnh bày
Đêm qua tám vạn bốn ngàn kệ
Sáng ra biết đến nói cùng ai?

(Khê thanh tận thị quảng trường thiệt,
Sơn sắc vô phi thanh tịnh thân.
Dạ lai bát vạn tứ thiên kệ,
Tha nhật như hà cử tự nhân?).

Tô Đông Pha sau lần ngộ thiền này, tự cho mình là cao thượng, nghe thiền công của Thiền Sư Thừa Hạo ở chùa Ngọc Tuyền – Kinh Nam cao vót, cơ phong khó xúc chạm, trong lòng không kính phục cho nên muốn thử một phen xem thiền công Thiền Sư Thừa Hạo ra sao.

Vừa gặp mặt, Tô Đông Pha liền nói:

– Nghe Thiền Sư ngộ thiền sâu lắm, xin hỏi thế nào là ngộ thiền?

Thiền Sư Thừa Hạo không đáp mà hỏi ngược lại:

– Xin hỏi tôn quan quý tánh là gì?

Tô Đông Pha đáp:

– Họ Xứng. Xứng nghĩa là cân xem thiên hạ và Trưởng Lão nặng bao nhiêu.

Thiền Sư Thừa Hạo liền hét lớn một tiếng, nói:

– Xin hỏi ông, tiếng hét nặng bao nhiêu?

Tô Đông Pha không đáp được, bèn lễ bái lui ra.

Lời bình:

Ba cấp bậc tham thiền của Tô Đông Pha giống như ba giai đoạn tham thiền của Thiền Sư Thanh Nguyên – Hành Tư. Ngài nói: “Trước khi tham thiền thấy núi là núi, thấy sông là sông; khi tham thiền, thấy núi không phải núi, thấy sông không phải sông; sau khi tham thiền, thấy núi vẫn là núi, thấy sông vẫn là sông”.

Thiền giả qua ba cửa này, tuy được khai ngộ, nhưng hoàn toàn không tu chứng. Ngộ là hiểu, còn tu thuộc chứng, cho nên thiền giả do ngộ mà khởi tu, do tu mà chứng. Nếu người không tu chứng mà gặp Thiền Sư Thừa Hạo hét một tiếng như thế, liền trố mắt, đớ lưỡi, câm miệng.

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.