TÌM HIỂU NHỮNG NHU CẦU CỦA ĐỘ TUỔI OANH VŨ
Kính tặng quý anh chị Huynh Trưởng ngành Đồng.
TÂM HOÀI
“Điều khiển các em Ngành Đồng khó lắm anh ơi!”, “Cầm Đoàn Oanh Vũ mệt lắm anh ơi!”, “Không hiểu sao số lượng Oanh Vũ đơn vị em cứ sút giảm dần mặc dù tụi em đã cố gắng hết sức để níu kéo các em. Anh có tuyệt chiêu nào mách nước, làm quân sư cho tụi em với”…
Đại khái đó là những câu phàn nàn tôi thường bắt gặp ở các anh chị cầm Đoàn mỗi khi tiếp xúc với tôi. Dĩ nhiên câu trả lời của tôi vẫn đúng theo logic bài bản nhưng sao tôi thấy nó có vẻ đơn điệu như một cái máy cassette cũ chưa được tân trang: “Thì anh hãy dự học bậc Kiên, bậc Trì để tăng kiến thức rồi cầm Đoàn”; ”Thì chị hãy dự trại Lộc Uyển, A Dục để bồi dưỡng các kỷ năng cầm Đoàn” hay có lúc tôi nói chung chung : “Tôi nghĩ quý anh chị cần tự rèn luyện văn nghệ và hoạt động thanh niên cho thật cừ rồi áp dụng trong lúc sinh hoạt Đoàn cho thật nhuần nhuyễn để tạo cho Đoàn thêm sinh khí thu hút các em” v.v… và v.v…
Tất nhiên những điều tôi nói đều đúng, đều chính xác cả, không sai chút nào, nhưng thật ra nó chỉ đúng về mặt ngọn mà chưa đúng hẳn về mặt gốc. Nó chỉ đúng về phía chúng ta, còn về phía các em thì chúng ta còn xa cách lắm, chúng ta vẫn còn là người ngoại cuộc đối với tâm hồn các em. Chúng ta chưa thể nhập vào với các em, chưa thực sự là bạn, là người tri âm đồng điệu với các em vì thực sự chúng ta chưa bao giờ hiểu biết, thông cảm và sống như các em, đồng thời đồng lứa, chia ngọt sẻ bùi với các em. Vấn đề đặt ra là chúng ta cần phải gần gũi các em hơn, hiểu rõ các em hơn và phải thực sự biết chắc các em cần gì ở chúng ta, đòi hỏi chúng ta phải làm gì để đáp ứng những nhu cầu của các em.
Do vậy, tôi thiết nghĩ việc tìm hiểu những nhu cầu của các em là điều rất cần thiết đối với Huynh Trưởng cầm Đoàn chúng ta. Khi đã có kiến thức về tâm sinh lý các em, hiểu rõ những nhu cầu của các em, tìm cách đáp ứng và đáp ứng được những nhu cầu đó trong tình yêu thương của một người anh, người chị, người bạn đồng hội đồng thuyền, tức là chúng ta đã nắm được chìa khóa mở cửa vào tâm hồn các em, để cùng nhau hòa nhập trong chuyến bay thần tiên vào vùng trời mơ ước, bay cao bay xa trong thiên đường tuổi thơ của các em, và cùng các em hình thành một nhân cách chung: Nhân cách của một Đoàn Viên Gia Đình Phật Tử Việt Nam.
Muốn làm tốt trọng trách hướng dẫn các em phát triển đúng hướng, tôi thiển nghĩ quý anh chị Huynh Trưởng cần nắm vững các yếu tố hình thành nhân cách các em và các nhu cầu cần thiết để các em hình thành nhân cách đó, phát triển về mọi mặt như là những nguồn năng lượng nuôi dưỡng các em tồn tại và thăng hoa trong cuộc sống. Sự hiểu biết này sẽ giúp chúng ta thực hiện được đồng thời 3 mục đích sư phạm:
– Áp dụng đúng phương pháp giáo dục thích hợp, không chán nản trước những Đoàn Sinh khó tính, những tình huống đặc biệt khó khăn trong điều khiển.
– Điều khiển các em dễ dàng, không đi ngược lại những quy trình phát triển tự nhiên của các em.
– Gần gũi, thân thiện hơn với các em, tạo sự thông cảm yêu thương tín nhiệm của ác em đối với Huynh Trưởng Đoàn.
Trong phạm vi bài tiểu luận ngắn này, tôi muốn chia sẻ với quý anh chị vài kiến thức nhỏ về các nhu cầu của tuổi ấu thơ, chủ yếu là lứa tuổi Ngành Đồng, từ 7 đến 12 tuổi, mà chưa dám đề cập đến Ngành Thiếu và Ngành Thanh, vì còn có những vấn đề phức tạp và tế nhị hơn ở độ tuổi 2 ngành này trong các phạm trù thuộc về tuổi dậy thì hay giáo dục giới tính… rất khó diễn đạt đầy đủ trong một bài rất ngắn và chúng ta hy vọng sẽ được phân tích rõ hơn vào một buổi sinh hoạt chuyên đề nào đó trong tương lai.
Trong quá trình phát triển, từ tuổi ấu thơ cho đến lúc trưởng thành, các em của chúng ta cần nhiều nhu cầu để phát triển. Những nhu cầu này thật phong phú, đa dạng và cũng thật phức tạp, vì sự phát triển tâm sinh lý của các em là một điều kỳ diệu và phức tạp, nên những nhu cầu của các em cũng phức tạp không kém. Về đại cương, các nhà nghiên cứu tâm lý học đã chia các nhu cầu của trẻ thành các loại sau:
* Nhu cầu phát triển cơ thể.
* Nhu cầu phát triển quan năng.
* Nhu cầu phát triển trí tuệ.
* Nhu cầu phát triển tình cảm.
* Nhu cầu phát triển tính cộng đồng.
* Nhu cầu phát triển tính đạo đức.
1. Nhu cầu phát triển cơ thể: Gồm 2 loại:
+ Nhu cầu về dinh dưỡng: Dinh dưỡng là yếu tố cần thiết và tất yếu để các em phát triển cơ thể. Sức khỏe là điều quý trọng đối với con người, mà các em lại là những người đang trong giai đoạn phát triển mạnh về cơ thể liên tục từ lúc sơ sanh đến tuổi dậy thì, nên lúc này những yếu tố về dinh dưỡng như ăn uống, hoạt động điều độ, giữ gìn sức khỏe, đảm bảo vệ sinh… là những yếu tố cần thiết cho sự tăng trưởng cơ thể của các em. Đối với một trẻ bình thường, nếu được dinh dưỡng đầy đủ, trẻ sẽ lớn nhanh, tinh thần phát triển điều hòa, tránh được các bệnh nan y như chậm phát triển, còi xương, bại liệt… và có khả năng miễn dịch tốt trước các bệnh thời khí.
+ Nhu cầu về vận động: Sự khôn lớn của các em là một quá trình “GIÁC-ĐỘNG” liên tục, nghĩa là những hoạt động về tri giác phối hợp với những hoạt động về vận động cơ thể. Sự vận động là nhu cầu cần thiết để các em tiêu hao năng lượng và tái tạo năng lượng mới. Tùy theo nhu cầu bản năng, biểu hiện vận động ở mỗi lứa tuổi mỗi khác: Trẻ 18 tháng đập tay, đập chân liên tục, nhún nhảy mọi lúc khi đi, khi đứng, khi nằm, khi ngồi hay lúc được bồng ẵm, ngoại trừ lúc ngủ. Từ 3-5 tuổi, trẻ chạy nhảy suốt ngày không thấy mệt. Sau 5 tuổi thì sự vận động được biểu hiện trong các cuộc chơi, các pha đuổi bắt. Đến khi các em vào tuổi 11, 12 thì nhu cầu này được thể hiện trong các hoạt động thể dục, các trò chơi thể thao, thậm chí cả đánh nhau. Nhu cầu này nếu được hướng dẫn và phát triển đúng hướng thì các em có thể phụ giúp cho người lớn những công việc lao động đơn giản và ý thức dần về giá trị của lao động. Sự vận động hàng ngày giúp cho cơ bắp các em phát triển đồng bộ và tạo cho các em một vài kinh nghiệm để phát triển các giác quan.
2. Nhu cầu phát triển quan năng: Đó là những nhu cầu cần thiết cho các em hình thành và phát triển những chức năng của giác quan, kinh nghiệm về thế giới khách quan của sự vật, và thỏa mãn được tính tò mò. Nhu cầu này tập trung ở cả 5 giác quan bên ngoài: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, tri giác và nhận thức bên trong. Nhu cầu này của các em biểu hiện rõ nét ở hai đòi hỏi tất yếu:
+ Nhu cầu về trò chơi: Chơi là hoạt động chính của các em, chiếm nhiều thời gian nhất trong cuộc sống hàng ngày và kéo dài suốt mấy năm đầu của tuổi thơ. Đến khi đi học, hoạt động này phải giảm xuống để dành thời gian cho học tập nhưng vẫn sôi nổi mãi cho đến lúc các em bước vào tuổi trưởng thành thì những hoạt động này tạm thời chấm dứt để chuyển qua những hoạt động khác. Tùy theo lứa tuổi mà một cô bé cậu bé có thể sử dụng trò chơi một cách vô thức để tìm hiểu và khám phá thế giới khách quan, tập sống, tập làm người và tiếp cận với những quy ước của cộng đồng, dần ý thức được những điều nên làm và không nên làm mà xã hội đã quy ước. Sự tiếp cận thường xuyên với môi trường tốt ở chung quanh sẽ hình thành ở các em những trò chơi đặt cơ sở cho một nhân cách tốt, một tâm lý điều hòa và một tâm hồn lành mạnh. Bởi vậy chơi luôn có tác dụng tích cực đối với sự rèn luyện tính cách và góp phần vào sự phát triển trí thông minh của các em. Mỗi trò chơi thường có một luật chơi riêng và dĩ nhiên các em không được “chơi gian”, sự tôn trọng luật chơi sẽ giúp các em có ý thức dần với tính tổ chức, tính kỷ luật và tính trung thực. Trong khi chơi, các em phải vận dụng tổng hợp nhiều chức năng tâm sinh lý: Cảm giác, tri giác, sự chú ý, ký ức, sự tưởng tượng, ngôn ngữ, suy luận, tình cảm, ý chí… Từ đó, ở các em hình thành những cơ sở để phát triển giác quan, tâm lý, tình cảm, trí tuệ…
+ Nhu cầu tiếp xúc thiên nhiên: Nhu cầu tiếp xúc thiên nhiên là nhu cầu thứ hai của các em sau nhu cầu tiếp xúc sự vật để khám phá thế giới mà các em thực hiện hết 2/3 thời gian ở nhà và trường học. Để phát triển các giác quan, các em luôn gần gũi tiếp xúc với sự vật, tò mò tìm hiểu thế giới khách quan. Lúc dưới 5 tuổi, các cậu bé cô bé này muốn khám phá khắp nơi, sờ mó mọi vật: Nhìn, nghe, đẩy, ngửi, nếm… và sử dụng mọi giác quan để khám phá và từng bước hình thành kinh nghiệm. Nhưng khi lớn thêm một chút, các em bắt đầu có những suy nghĩ cao hơn về sự vật, hình thành những cơ sở lý luận, những khái niệm căn bản về nguyên nhân và hậu quả, sự hình thành và hoại diệt của sự vật. Đến lúc này thì môi trường sinh hoạt trong gia đình, nhà trẻ, trường học trở nên nhỏ hẹp so với sự tò mò của các em, các em cần một môi trường rộng hơn, thoáng hơn, dung chứa nhiều sự vật hơn và đáp ứng được những thôi thúc khám phá trong tâm hồn của các em. Nhu cầu này chỉ được phát triển khi các em gần gũi tiếp xúc với thiên nhiên, được tư duy bằng hình ảnh, màu sắc và âm thanh, được quan sát, tìm hiểu và tự mình kết luận về mọi hiện tượng của thiên nhiên bằng mắt thấy, tai nghe và nhận thức của chính mình, chứ không phải bằng những khái niệm trừu tượng, những áp đặt từ phía người lớn mang đến.
3. Nhu cầu phát triển trí tuệ:
+ Tò mò: Nhiều người lớn thiếu hiểu biết về các em thường thấy ở các em tò mò là một tính xấu cần phải loại trừ, nhưng thật ta tò mò là một nhu cầu cần thiết để trẻ phát triển trí tuệ. Một đứa trẻ lên 5,6 tuổi luôn luôn đặt câu hỏi với người lớn: Cái gì? Tại sao? Làm thế nào?… để thỏa mãn nhu cầu tìm hiểu, để làm quen với thế giới khách quan. Tò mò chính là bước đầu tiên và là bước cơ bản để các em phát triển kiến thức. Dĩ nhiên là tò mò cũng có những mặt xấu tất yếu của nó, chẳng hạn như các em tò mò nghe lén chuyện của người lớn. Vấn đề là người lớn cần phải biết cách hướng dẫn và thỏa mãn nhu cầu này của các em một cách tế nhị, hợp tình, hợp lý. Điều quan trọng nhất là đừng bao giờ nói dối các em, vì nói dối không những đã xuyên tạc sự thật, không đáp ứng đòi hỏi của các em mà còn gây nên một loạt các phản ứng dây chuyền ở các em như mất lòng tin vào người lớn, xem thường người lớn hoặc hình thành tính cách thiếu trung thực hay sự mặc cảm trong cuộc sống các em.
+ Hứng thú: Hứng thú là một đặc tính tâm lý chung của con người. Hứng thú khiến ta say mê làm một công việc nào đó quên mệt mỏi và đạt hiệu quả cao. Đối với các em, hứng thú là một nhu cầu cần thiết để các em hoạt động và phát triển trí tuệ. Nếu thiếu hứng thú, trẻ sẽ không thể hoạt động được. Hứng thú luôn thay đổi tùy theo lứa tuổi và sở thích của các em: Một hứng thú có thể có ở trẻ này mà không thích hợp với trẻ khác, nhưng hứng thú là một điều mà người lớn có thể tạo nên ở các em để hướng dẫn các em đi đúng đường hướng giáo dục, phát triển trí tuệ theo chiều hướng tích cực. Sự thay đổi trò chơi, sự ham mê năng khiếu, tính tò mò tìm hiểu, sự tích cực trong học tập và hoạt động đều do những tác động của hứng thú.
+ Ca dao, đồng dao, âm nhạc, câu đố: Đây là những nhu cầu chung để các em phát triển trí tuệ, tình cảm, tập suy luận, làm quen với xã hội và môi trường đang sống, tăng trưởng nhận thức, óc sáng tạo và trí tưởng tượng. Nhờ vào ca dao, đồng dao, âm nhạc các em sẽ biết yêu thương gần gũi mẹ cha, xóm làng, quê hương, biết ơn người và vật chung quanh, biết tôn trọng cây cỏ, thú vật, đồng ruộng, thiên nhiên và môi trường. Nhờ vào câu đố các em tập phân biệt, suy luận và tìm hiểu các sự vật chung quanh, đôi khi cũng giúp các em củng cố những kiến thức đã học ở trường lớp. Do những yếu tố trên mà ca dao, đồng dao, âm nhạc, câu đố trở thành những người bạn tâm đắc nhất của các em trong suốt thời thơ ấu và tạo những ấn tượng sâu sắc cho đến lúc trưởng thành.
+ Tính độc lập: Đây là nhu cầu bản năng của trẻ. Nếu các em không được tiếp tục bồi dưỡng nhu cầu này, trẻ khó mà tồn tại trong cuộc sống. Chúng ta hãy quan sát từ một trẻ lên 2 tuổi luôn muốn tự mình làm mọi việc không cần sự tiếp tay của người lớn, dù trên thực tế các em vẫn chưa làm được việc gì cả; cho đến một trẻ lên 5,6 tuổi tự mình làm các đồ chơi như xếp một con thuyền, một chiếc máy bay hay một con diều giấy… Tất cả hoạt động đó đều thể hiện tính độc lập, nhu cầu bản năng của các em để các em tự mình phát huy sáng kiến, tự mình đứng vững giữa cuộc đời. Nếu chúng ta biết khéo léo thỏa mãn các nhu cầu này của các em, khuyến khích các em thể hiện nó, tức là chúng ta đã loại trừ được tính ỷ lại, hình thành nhân cách tự lập, tự chủ, tự tin cho các em sau này vậy.
4. Nhu cầu phát triển tình cảm: Trong quá trình phát triển cơ thể và tinh thần, các em cần 3 nhu cầu tình cảm chính:
+ Yêu thương và được yêu thương: Đây là nhu cầu thiết yếu nuôi lớn tâm hồn và tình cảm các em. Nếu thiếu tình thương, các em sẽ chậm phát triển. Tình thương là chỗ dựa của các em và cũng là chất liệu để các em hình thành những tình cảm tốt đẹp. Khi đã được yêu thương thì trẻ sẽ biết học tập và thực hành sự yêu thương. Khi một bé gái chơi búp bê, âu yếm chăm sóc búp bê tức là em đã khám phá và đang tìm cách thể hiện thiên chức làm mẹ trong tự thân mình. Khi các em được yêu thương, biết yêu thương và sống trong môi trường yêu thương thì tất yếu các em sẽ sống và lớn lên hồn nhiên, không mặc cảm, biết cảm thông, chia sẻ và yêu thương bạn bè hơn một trẻ thiếu tình thương.
+ Niềm vui: Tuổi thơ của các em không thể thiếu nụ cười. Niềm vui cũng cần thiết cho các em như tình thương. Niềm vui giúp các em phát triển thần kinh điều hòa, gây hứng thú và góp phần quan trọng trong sự hình thành nhân cách của các em. Niềm vui cũng giúp các em tiến bộ nhanh trong học tập, trong sinh hoạt hàng ngày và phát huy sáng kiến khi các em xử lý các tình huống trong sinh hoạt đời thường.
+ Chuyện cổ tích: Chuyện cổ tích bao giờ cũng là một niềm say mê, hứng thú vô tận của tuổi thơ. Những câu chuyện đánh giá những sinh hoạt đời thường, phản ảnh những thiện ác, tốt xấu… đều rất hấp dẫn đối với các em. Những nhân vật quen thuộc đến thân thiết như ông Bụt, bà Tiên, chú hổ xám, chị mèo mướp, anh khổng lồ, chàng hoàng tử, nàng công chúa, người mẹ ghẻ, mụ phù thủy… đều nổi bật trong trí tưởng tượng của các em, làm thỏa mãn những nhu cầu còn thiếu thốn trong cuộc sống thực tế. Chuyện cổ tích chắp cánh cho trí tưởng tượng của các em bay bổng, tiếp xúc với những nhân vật phi phàm nhưng vẫn gần gũi với các em như những người tốt, việc tốt trong đời thường. Những hiện tượng dời núi lấp sông, đũa thần chỉ đá hóa vàng… đã được các em say mê tin tưởng, hình thành trong các em niềm tin vào khả năng của chính mình trong công cuộc khắc phục thiên nhiên và chiến thắng hoàn cảnh. Điều quan trọng là chuyện cổ tích sẽ giúp cho các em giải quyết được những mâu thuẫn tâm lý xảy ra trong cuộc sống chung đụng với người lớn như giữa yêu và ghét, điều được làm và điều không thể làm… Những bất mãn, hờn dỗi ngấm ngầm của các em dễ dàng được hóa giải qua những ước mơ được thỏa mãn bằng những nhân vật cổ tích thần thoại.
5. Nhu cầu phát triển tính cộng đồng:
+ Bạn bè: Bắt đầu vào độ tuổi lên 4 lên 5, các em không thích chơi một mình nữa mà có nhu cầu tìm bạn chơi chung. Có trò chơi 2,3 trẻ chơi chung và cũng có trò chơi phải 5,7 em kết hợp mới hình thành cuộc chơi. Trong chơi đùa, tiếp xúc sẽ hình thành ở các em giá trị cần thiết của bạn bè. Khi có bạn, các em sẽ biết nhường nhịn bạn, biết hài hòa sở thích của cá nhân mình với sở thích của bạn và từ đó biết tôn trọng người khác và tuân thủ những quy luật cần thiết trong cuộc chơi chung. Đây là những bước đầu tiên làm căn bản cho các em phát triển ý thức cộng đồng, tôn trọng những quy ước của tổ chức xã hội, tinh thần kỷ luật và tính tương thân tương trợ trong cuộc sống. Lớn thêm vài tuổi nữa, các em bắt đầu có bạn thân, có nhu cầu tìm bạn thân, muốn được chia sẻ những tâm tư tình cảm riêng tư với bạn cũng như muốn được bạn tin cậy và chia sẻ lại. Từ đây, dần dần các em phát triển được tính vị tha trong tình bạn, khởi đầu cho các em biết yêu thương trân trọng và phát huy những tình cảm tốt đẹp đối với tha nhân.
+ Tập thể: Những tương quan bè bạn trong lớp học, đoàn thể, đơn vị, trong Đàn hay trong xóm làng là những nhu cầu để các em phát triển tính tập thể, loại bỏ dần cá tính vị kỷ, biết tôn trọng ý kiến số đông, biết hạn chế tự do của mình để tôn trọng tự do của người khác và từng bước hình thành rõ nét những tương quan tốt đẹp với cộng đồng xã hội xung quanh mình. Lúc này, trong những trò chơi chung với bạn cùng tuổi, các em thường tự nguyện gia nhập, tự nguyện chấp nhận những quy tắc của số đông tập thể. Điều này hình thành trong các em tính tập thể và tôn trọng đa số. Đây là nhu cầu tất yếu của sự phát triển xã hội.
6. Nhu cầu phát triển đạo đức: Phát triển đạo đức không phải là nhu cầu thuần túy của các em mà là một phối hợp của nhu cầu giáo dục giữa gia đình, trường học, xã hội và tôn giáo. Nếu gia đình, cha mẹ, người lớn chúng ta hiểu rõ những đặc tính tâm lý của trẻ thì có khả năng biến những đặc tính tâm lý này thành những nhu cầu đạo đức cho các em. Khi chúng ta đã đánh thức và phát huy được những nhu cầu này ở các em tức là chúng ta đã đặt được nền tảng cho sự uốn nắn nhân cách đạo đức của các em đúng đường hướng giáo dục đã định sẵn. Ví dụ:
+ Căn cứ vào bản tính dễ tin và hay bắt chước của các em rồi gợi lên cho các em những hình ảnh hiệp nghĩa, xả kỷ vị tha; những câu chuyện đạo, chuyện tiền thân, chuyện cổ tích đề cao nhân tính đạo đức, hạnh nguyện của nhân vật, những tấm gương kham nhẫn, tinh tấn, hy sinh vì đại nghĩa, những ý chí phi thường để khắc phục tình huống hoàn cảnh khó khăn. Từ đó gieo cho các em ấn tượng sống với nhân vật, ước mơ trở thành nhân vật, tin mình cũng có những đức tính quý báu của nhân vật.
+ Căn cứ vào trí tưởng tượng phong phú của các em rồi gợi cho các em những khái niệm về hình ảnh một mẫu người hoàn thiện với những đặc tính căn bản nhân, nghĩa, lễ, trí, tín… (như đức Phật nhiều đời tu Bồ Tát hạnh vì chúng sanh, Quán Thế Âm Bồ Tát ứng hiện cứu khổ với 12 đại nguyện, Thánh Grandhi giành độc lập cho Ấn Độ với tinh thần bất bạo động, ngọn đuốc Thích Quảng Đức thức tỉnh bạo quyền…). Tất cả đó sẽ là những nguyên tắc đạo đức để kích thích trí tưởng tượng của các em, tập cho các em vươn tới nhân cách của một mẫu người hoàn thiện trọng hoạt động xử thế hàng ngày.
Trên đây, tôi đã trình bày vài nét khái quát căn bản về những nhu cầu tâm sinh lý của độ tuổi Oanh Vũ, có lẽ chưa đầy đủ lắm, nhưng tạm thời cũng chia sẻ được một phần nào những khó khăn của quý anh chị Trưởng cầm Đoàn và góp thêm một vài kiến thức nhỏ về tâm sinh lý đối tượng nhằm giúp anh chị Trưởng dễ dàng hơn trong công tác điều khiển Đoàn. Khi anh chị Trưởng đã hiểu rõ các em chúng ta cần gì, đòi hỏi chúng ta đáp ứng điều gì, thì vấn đề làm thế nào điều khiển các em thích hợp với sở thích các em mà không đi ngược lại quy trình phát triển tâm sinh lý tự nhiên, và hướng dẫn sự phát triển của các em đi đúng mục đích giáo dục của GĐPT sẽ không còn là vấn đề nan giải nữa. Vấn đề còn lại, dĩ nhiên thuộc về quý anh chị Huynh Trưởng Đoàn! Biết về các em cần gì thì chúng ta phải tìm cách đáp ứng. Thế thôi! Nhưng đáp ứng như thế nào? Bằng cách nào để đáp ứng được những nhu cầu đó cho các em trong tinh thần giáo dục GĐPT? Để trả lời các vấn nạn này, điều tiên quyết và trọng yếu nhất mà tổ chức và lý tưởng Huynh Trưởng đòi hỏi ở quý anh chị là tình yêu thương các em, đức hy sinh và lòng kham nhẫn với các em. Một khi các anh chị Trưởng đã thương yêu các em thực lòng, thực tâm hy sinh vì các em, đủ đức kham nhẫn chịu đựng để tìm cách vượt qua các khó khăn nội tại và ngoại tại để gắn bó với các em, thì việc đáp ứng những nhu cầu này của các em luôn ở trong tầm tay của quý anh chị!
Ví dụ như khi anh chị Trưởng đã biết các em cần nhiều nhu cầu dinh dưỡng để bù đắp lại quá trình tiêu hao năng lượng, mà Huynh Trưởng Đoàn lại thờ ơ, vì cho rằng việc dinh dưỡng các em là việc của cha mẹ các em chứ không phải việc của mình thì quả thật là một sai lầm lớn. Giả sử sau một buổi sinh hoạt Đoàn vừa học tập tiếp thu nhiều thông tin, vừa chạy nhảy, hát múa, hò hét… tiêu hao nhiều năng lượng mà chúng ta có được cho các em một nồi chè hay vài cái bánh ngọt, để anh em bạn bè cùng chia sẻ tâm sự với nhau bên nồi chè bốc khói thì có thể dư vị của buổi sinh hoạt đó sẽ ngọt ngào hơn bình thường rất nhiều. Khi anh chị cho các em chơi trò chuyền tay: ”Đồng bạc cắc anh em chuyền tay, chuyền cho khéo kẻo ai nghi ngờ…” hay ”nào đồng chuyền chiếc dép anh em ta chuyên…”, nếu quý anh chị thử thay “đồng bạc cắc”, ”chiếc dép” bằng vài thỏi kẹo, cái bánh, trái chuối chẳng hạn, rồi cuối mỗi vòng chuyền, chiếc kẹo hay bánh sẽ thuộc sở hữu của một em nào đó… thì trò chơi sẽ thú vị hơn biết bao! Các em sẽ sung sướng vừa được ăn, vừa được chơi, mà nhất là các em được ăn trong tư thế của người chiến thắng cuộc chơi vì người xưa vẫn thường bảo “miếng giữa làng bằng sàng trong bếp” ấy mà!
Rồi khi biết các em thích hát hò, ca dao, đồng dao mà bản thân người Huynh Trưởng lại không biết hát, không thuộc ca dao, không biết trò chơi đồng dao thì làm sao gần gũi với các em để các em yêu thích được? Biết các em thích trò chơi, thích cùng bạn chia phe phân thắng bại, tại sao chúng ta không tổ chức cho các em thi đua từng nhóm với nhau trong các trò chơi thể thao như đá cầu, đua ngựa, giành cờ, đá bóng 2 người 3 chân… kèm theo vài phần thưởng nhỏ, vài biện pháp chế tài, luật chơi, để người thắng kẻ bại đều được hưởng vị ngọt của phần thưởng? Không cần phải đợi đến khi sinh hoạt vòng tròn, ngày trong giờ tu học chỉ cần 2 phút chuyển tiết giữa bộ môn Phật pháp và hoạt động thanh niên, chúng ta có thể tạo cho các em thư giãn bằng vài trò chơi lanh mắt lẹ tay như Tam Bảo, châm ngôn – 5 điều luật, 10 điều thiện… để thỏa mãn nhu cầu phát triển quan năng của các em. Biết các em thích câu đố, truyện cổ tích, thích hứng thú, thích tưởng tượng… thì Huynh Trưởng Đoàn không thể thụ động, thờ ơ, không trang bị cho mình các bửu bối cần thiết như câu đố dân gian, câu đố kiến thức và một kho tàng truyện cổ tích, truyện đạo thật phong phú trong bộ nhớ để có thể đem ra sử dụng tuyệt chiêu bất cứ khi nào các em cần. Tóm lại, những kiến thức về nhu cầu của các em là chìa khóa để các anh chị mở được cánh cửa thiên đàng tuổi thơ kỳ diệu đầy hoa bướm của các em. Còn cách mở như thế nào, xoay trái hay phải, sử dụng mã số ra sao… thì quý anh chị phải “tự tay chính mình cầm chìa khóa và mở cửa!”. Công việc tuy đa dạng, tế nhị, phức tạp và đòi hỏi nhiều ở sự kinh nghiệm và năng động ở mỗi anh chị Trưởng. Tuy nhiên, tất cả đó vẫn không phải là điều khó khăn để chúng ta phải chôn chân, chùn bước khi quý anh chị đã hiểu và thương các em, đã phát nguyện tự nhận trách nhiệm Huynh Trưởng và quyết tâm gắn bó với Đoàn, với các em bằng tâm niệm thứ 4 của Huynh Trưởng: “Yêu nghề dạy trẻ”.
Cách đây 6, 7 năm , có lần tôi đến thăm một đơn vị GĐPT thuộc huyện Xuyên Mộc, trong giờ sinh hoạt riêng ngành, tôi thấy có một bé gái cứ quẩn quanh dưới mấy cây điều nhìn Đoàn Oanh Vũ Nữ sinh hoạt mà không dám đến gần vòng tròn. Chị H đến bên em, vuốt tóc em và nói gì đó rồi dắt em đến với vòng tròn. Thật bất ngờ, cô bé này òa khóc ngon lành, vừa cười vừa mếu máo lau nước mắt khi được chị H giới thiệu với toàn thể vòng tròn Đoàn Sinh. Anh chị có biết tại sao không? Em là một đứa bé mồ côi mẹ, hai chị em đang sống với bà nội, mà bà thì khó tính, ba của em thì thất chí nhậu nhẹt suốt ngày, không ai quan tâm đến em ngoài 2 bữa cơm rau hàng ngày. Chưa bao giờ em được ai tỏ một cử chỉ âu yếm hay nói một lời dịu dàng như chị H đã nói lúc đó. Vậy đó, tình thương và sự quan tâm có khả năng kỳ diệu như vậy đó. Cô bé ngày xưa bây giờ đang là Huynh Trưởng học viên bậc Kiên khóa XI/BRVT. Mặc dù đang làm việc ở Mỹ Xuân nhưng vẫn đều đặn hàng tuần vượt 90km đường trường về Xà Bang dự học. Hôm thi kết khóa vừa rồi, tình cờ gặp lại rồi nhớ chuyện cũ (có lẽ em đã quên), tôi hỏi: ”Giờ làm chị Trưởng rồi, có một bầy em lẻo đẽo sau lưng, vậy có còn hay khóc không?” . Em cười hồn nhiên: “Giờ em lớn rồi chứ bộ, chỉ dám khóc một mình thôi”. Tôi hỏi tiếp: “Sức mạnh nào đã giúp em chiến thắng bao nhiêu khó khăn tinh thần và vật chất trong đời thường để đến với tổ chức và đàn em?”. Em lại cười hồn nhiên chỉ mấy anh chị cấp Tập đang đứng trước sân chùa Viên Hưng đợi giờ hội thảo rồi nói: ”Thì em nhờ vào tình thương của tổ chức, vào dòng máu lam ngọt ngào và sự quyến luyến của mấy em Đoàn Sinh mà tồn tại cho đến giờ đó”. “Thì ra vậy! Hèn gì!”. Rồi tôi cười, chọc tiếp:
“Cái thuở lên chùa mu khóót(1) ấy,
Ngàn năm hồ dễ mấy ai quên”.
Vậy đó! Tình yêu thương, đơn giản thôi mà có tác dụng không thể nghĩ bàn, quý anh chị có nghĩ như vậy không? Kính chúc quý anh chị Trưởng hoàn thành sứ mạng đối với các em Oanh Vũ thân thương của mình.
Hòa Bình, tháng 11 năm 2009
TÂM HOÀI
(1) Mu khóót: Mu = thường, nhạy (thổ ngữ miền Nam). Khóót = khóc (giọng Quảng Trị, Quảng Bình). Mu khóc = dễ khóc, nhạy khóc, thường khóc, hay khóc… – Thư Viện GĐPT chú thích.