Nguyên nhân tái phát khởi giai đoạn 2 cuộc vận động Phật Giáo năm 1963

I/ Những sự kiện sau ngày ký kết “Thông Cáo Chung” dẫn đến nguyên nhân tái phát khởi cuộc vận động:

Một ngày sau khi Bản Thông Cáo Chung được ký kết (17.6.1963), Hòa Thượng Hội Chủ Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam đã kêu gọi Tăng Ni, Phật Tử toàn quốc chấp hành nghiêm chỉnh luật pháp quốc gia và cầu nguyện cho bản Thông Cáo Chung được chính quyền thi hành triệt để và đúng đắn. Thế nhưng chữ ký chưa ráo mực đã bị cố tình vi phạm trắng trợn.

– Ngày 26.6.1963, tại trụ sở Thanh Niên Cộng Hòa, ông Cố vấn Ngô Đình Nhu và cũng là Tổng thủ lãnh của Phong trào Thanh Niên Cộng Hòa dự tính sử dụng lực lượng này để chống lại cuộc vận động của Phật Giáo, ông tuyên bố trong buổi học tập “tài liệu số 3” của lực lượng Thanh Niên Cộng Hòa: “Phong trào Thanh Niên Cộng Hòa là một phong trào quần chúng, không phải là một phong trào của chính phủ để mù quáng đi làm tay sai cho bất cứ ai”. Còn trong tài liệu học tập số 3 của Thanh Niên Cộng Hòa cho rằng:

1. Nội dung cũng như hình thức Thông Cáo Chung không phù hợp với chủ trương của Thanh Niên Cộng Hòa.

2. Bản Thông Cáo Chung trái với luật lệ hiện hành, chưa kể điều hết sức quan trọng là phủ nhận quyền của Tổng thống trong vấn đề thả ra những người bị bắt bớ.

– Cùng ngày 26.6.1963, Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết – Hội chủ Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam – trong lá thư gởi Tổng thống Ngô Đình Diệm, đã tố cáo tất cả những hành động nói trên của chính quyền. Ngài còn tố cáo những trường hợp đàn áp Phật Giáo Đồ từ ngày Thông Cáo Chung có hiệu lực: Nhiều địa phương, dân chúng bị bắt buộc làm kiến nghị lên án phong trào Phật Giáo; nhiều nơi, các chùa viện còn bị phong tỏa và cán bộ Phật Tử bị lùng bắt, công an theo dõi những người đến chùa, ghi số xe và tới tận nhà hăm dọa. Đại Lão Hòa Thượng còn thông báo cho Tổng thống biết rằng vị Tổng giám đốc Nha Thanh Niên đang chuẩn bị tổ chức một cuộc biểu tình đại quy mô của Thanh Niên Cộng Hòa để yêu cầu chính phủ duyệt lại bản Thông Cáo Chung, và Ngài tố cáo hành động này là chống lại đường lối của chính quyền.

– Ngày 1.7.1963, Thượng Tọa Thích Thiện Minh – Trưởng phái đoàn Ủy Ban Liên Phái dự họp và ký kết Thông Cáo Chung với Ủy Ban Liên Bộ – đã gởi thư đến Ủy Ban Liên Bộ tố cáo rằng những bản Thông Cáo Chung trên đường gởi ra Huế đã bị tịch thu tại Quy Nhơn; rằng chính quyền địa phương cấm đoán một số chùa tổ chức hội họp để học tập về bản Thông Cáo Chung; rằng chính quyền đã ra lệnh cho báo chí không được đăng tải những bản Thông Bạch và những tài liệu của Phật Giáo; rằng khắp nơi chính quyền địa phương đang dùng những phương tiện bán công khai để chống lại việc thực thi Thông Cáo Chung.

Phó tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ – Chủ tịch Ủy Ban Liên Bộ – trả lời lại bức thư này và nói rằng những điều mà các lãnh đạo Phật Giáo lên án đã không thực sự xảy ra. Hai bên trao đổi qua lại rất nhiều thư từ loại này. Bên Phật Giáo, các thư văn được in bằng ronéo để phân phát cho quần chúng. Bên chính quyền, được các báo chí thủ đô đăng tải và đài phát thanh Sài Gòn truyền thanh.

– Ngày 7.7.1963, để làm chệch sự chú ý của quần chúng khỏi cuộc vận động của Phật Giáo, chính quyền ra lệnh đem những Nhân sĩ đã tham gia cuộc đảo chính hụt ngày 11.11.1960 ra xét xử. Được trát tòa đòi, hôm ấy nhà văn Nhất Linh (Nguyễn Tường Tam) uống độc dược tự vẫn lúc 20 giờ sau khi để lại những dòng di thư như sau:

“Đời tôi để lịch sử xử. Tôi không chịu để ai xử tôi cả. Sự bắt bớ và xử tội những phần tử quốc gia đối lập là một tội nặng, sẽ làm cho nước mất về tay Cộng Sản. Tôi chống đối sự đó và tự hủy mình cũng như Hòa Thượng Thích Quảng Đức tự thiêu để cảnh cáo những người chà đạp mọi thứ tự do.
Ngày 7.7.1963,
Nhất Linh – Nguyễn Tường Tam”.

Cái chết của Nhất Linh đã gây xúc động lớn trong quần chúng. Khoảng 40.000 người đã tham dự tang lễ của ông hôm 13.7.1963 giữa những hàng rào cảnh sát chiến đấu và mật vụ.

– Ngày 9.7.1963, Bộ Nội Vụ ban hành nghị định số 358-BNV/KS ấn đinh thể thức treo cờ Phật Giáo (thể theo tinh thần bản Thông Cáo Chung) cho Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam. Nhưng mục tiêu nghị định này là nhằm chia rẽ Tổng Hội với các Giáo phái Phật Giáo khác, vì theo nội dung nghị định, quyền treo cờ chỉ được áp dụng riêng cho Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam.

Ba ngày sau, đại diện các Giáo phái, trong đó có 6 Tập đoàn của Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam đồng ký vào một bản kiến nghị phản đối dụng ý chia rẽ của nghị định trên và yêu cầu chính phủ cho điều chỉnh nghị định.

– Ngày 11.7.1963, Ủy Ban Liên Bộ lại gởi cho Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo một bức thư thông báo rằng theo sự điều tra của Bộ Nội Vụ, thì vụ thảm sát ở Huế ngày 7.5.1963 (lễ Phật Đản) là do Cộng Sản gây ra chứ không phải do chính quyền, Bác sĩ Lê Khắc Quyến, Giám đốc Bệnh Viện Trung Ương Huế sau khi giải phẫu và chứng nghiệm, đã cho ông Đại Biểu Chính Phủ tại Trung Nguyên Trung Phần biết như vậy trong cuộc tiếp xúc ngày 2.7.1963.

– Ngày 12.7.1963, Thượng Tọa Thích Thiện Minh đã gởi thư trả lời về vấn đề này, buộc tội chính quyền cố tình bưng bít một sự thực không còn có thể bưng bít. Đồng thời Thượng Tọa đề cập tới tất cả những hành động vi phạm công khai bản Thông Cáo Chung của các cấp chính quyền, nêu ra từng trường hợp một.

II/ Phát khởi cuộc vận động giai đoạn 2 – Đòi hỏi thực thi bản Thông Cáo Chung:

Như vậy, thời gian chờ đợi việc thực thi bản Thông Cáo Chung đã kéo dài trên ba tuần lễ trong vô vọng. Nhận thấy nhà cầm quyền không những không thực tâm thi hành Thông Cáo Chung mà lại còn tìm đủ biện pháp làm yếu mòn tiềm lực tranh đấu của Phật Giáo, Tổng Hội Phật Giáo cũng như Ủy Ban Liên Phái quyết định tái phát khởi lại cuộc vận động cho tự do tín ngưỡng – bình đẳng tôn giáo – công bằng xã hội.

– Vào ngày 14.7.1963, Đại Lão Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết gởi một bức thư cho Tổng thống Ngô Đình Diệm báo tin rằng Ngài quyết định ra lệnh tiếp tục cuộc tranh đấu bất bạo động để đòi hỏi sự thực thi nghiêm chỉnh bản Thông Cáo Chung. Hòa Thượng viết: “Tôi tuy tuổi đã tám mươi, vẫn còn đầy đủ sáng suốt để ra quyết định này mà tôi lãnh hết trách nhiệm”.

– Ngày hôm sau, 15.7.1963, nhân danh lãnh đạo tối cao của Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo, Hòa Thượng Hội Chủ Thích Tịnh Khiết ban hành bản Thông Bạch kêu gọi Tăng – Tín đồ Phật Giáo đoàn kết sau Ủy Ban Liên Phái để tranh đấu “đòi hỏi thực thi nghiêm chỉnh và nhanh chóng bản Thông Cáo Chung” đồng thời quy định những phương thức tiến hành cuộc tranh đấu.

Sau khi Thông Bạch được ban hành, tình hình khắp nơi trở nên sôi động. Cuộc tranh đấu quyết liệt của Phật Giáo Đồ toàn quốc trong một giai đoạn mới lại bắt đầu…

oOo

Kỷ niệm 50 năm Pháp Nạn Phật Giáo Việt Nam (1963-2013) – Quang Mai đả tự và trình bày theo tài liệu VIỆT NAM PHẬT GIÁO  SỬ LUẬN (tập III) của tác giả Nguyễn Lang.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.