Những đức hạnh lý tưởng của đức Phật

 

 

Đức Phật là hiện thân của tất các đức hạnh lý tưởng. Ở nơi Ngài ta thấy sự hiện thân của luân lý cao nhất (giới), tập trung sâu xa nhất (thiền định) và trí tuệ thâm sâu nhất (huệ) – những đức tính không ai vượt qua được và không ai sánh được trong lịch sử loài người.

Những đức tính cao cả ghi trong các kinh, những bài thuyết giảng của Đức Phật.

Phật Tử trên khắp thế giới tụng niệm và hành trì 9 đức hạnh tối thượng ghi trong hệ thức tiếng Pali, trong việc tu tập hàng ngày. Mặc dù Đức Phật có nhiều những đức tính cao thượng khác, ở đây – trong hệ thức này, chỉ 9 điều được lấy ra. Không phải là không kể đến tại một số trường phái Phật Giáo, các tín đồ đã tiến dẫn một số Đức Phật, ám chỉ một số đức tính vĩ đại của Đức Phật. Tuy nhiên dù cách thức giới thiệu Đức Phật ra sao, thực tế tất cả các Đức Phật lịch sử thỉnh thoảng xuất hiện trên thế giới này đều thấm nhuần những đức hạnh ấy, cùng với sự giác ngộ giống nhau. Cho nên không có sự khác biệt gì phải tôn kính bất cứ Đức Phật đặc biệt nào nếu Đức Phật được chọn là một Đức Phật thực sự. Vì vậy cho nên không có một lý lẽ gì cho rằng Đức Phật này thần thông hay “cao” hơn Đức Phật kia.

Những câu kệ sau đây bằng tiếng Pali, nêu lên những đức hạnh thực chất bên trong của Đức Phật mà người Phật Tử trì tụng khi họ vinh danh Đức Phật:

“Itipi So Bhagava Araham Samma-Sambuddho
Vijja-Carana-Sampanno Sugato Lokavidu
Anuffaro Purisa Damma-Sarathi Sattha Deva-
Manussanam Buddho Bhagavathi”.

Sự trung thực của câu kệ này không thể nghi ngờ vì nó bắt nguồn từ nhiều bản kinh quan trọng trong tam tạng kinh điển theo quy chuẩn Phật Giáo đã xác nhận cũng như từ nơi 40 phương pháp thiền định tư duy về những đức hạnh của Đức Phật.

Chuyển ngữ ngắn gọn từ tiếng Pali như sau:

  • Araham – Ứng Cúng (bậc đáng được nhận sự cúng dường của Người và Chư Tiên vì dứt hết phiền não).
  • Samma Sambuddhdho – Chánh Biến Tri (bậc biết hết tất cả pháp).
  • Vijjacarana Sampanno – Minh Hạnh Túc (bậc có đủ trí tuệ và đức hạnh).
  • Sugato – Thiện Thệ (đã làm xong các hạnh lành, trên đường đi đến Niết Bàn).
  • Lokavidu – Thế Gian Giải (bậc hiểu rõ kiến thức thế gian).
  • Anuttaro Purisadamma-Sarathi – Vô Thượng Sĩ Điều Ngự Trượng Phu (bậc cao hơn hết trong hạng chúng sanh thống trị lấy mình như bậc trượng phu cầm cương ngựa đi vào đường lành).
  • Sattha-Deva-Manussanam – Thiên Nhân Sư (bậc đạo sư của hàng người và hàng Chư Thiên, dạy việc nên làm và việc chẳng nên làm).
  • Buddho – Phật (bậc giác ngộ hoàn toàn.
  • Bhagavathi – Thế Tôn (bậc cao hơn hết trong cõi thế, được tất cả cõi thế, tất cả chúng sanh tôn trọng).

1. Araham – Ứng Cúng:

Đức Phật miêu tả một vị Ứng Cúng có 5 phương diện chính:

* Đã loại bỏ tất cả ô trược.
* Đã tiêu diệt được tất cả những kẻ thù liên quan đến việc loại bỏ các ô trược.
* Đã tiêu diệt được những “nan hoa” (căm, tăm) chống đỡ bánh xe cuộc sống (thăng trầm cuộc đời).
* Đáng được lãnh sự cúng dường và tôn vinh.
* Không giữ bí mật đặc tính cũng như giáo lý của mình.

Đức Phật là nhân vật vĩ đại nhất trong lịch sử loài người với một cuộc đời toàn bích, không hề sai lầm, không thể chê trách, và không tỳ vết. Dưới cội cây bồ đề, Ngài chiến thắng tất cả ma vương và đạt được thánh quả ở bậc cao nhất. Ngài chấm dứt tất cả khổ đau, đạt Niết Bàn. Ngài là nhân vật được toàn thế giới vinh danh và tôn kính trên mọi phương diện. Giáo lý của Ngài không chứa đựng huyền bí hay bí mật, giống như một cuốn sách mở cho tất cả ai muốn đến xem.

2. Samma-Sambuddho – Chánh Biến Tri:

Đức Phật được gọi là Chánh Biến Tri vì Ngài thấu rõ cuộc sống trên thế giới với viễn cảnh xác đáng; và Ngài đã khám phá ra Tứ Diệu Đế do sự thấu triệt của Ngài. Sinh ra là một hoàng tử, Ngài đã từ bỏ trần tục và phấn đấu trong 6 năm dài tìm giác ngộ. Trong thời gian ấy, Ngài đã tìm đến tất cả những đạo sư nổi tiếng, Ngài đã tu tập tất cả những phương pháp của các đạo sư này. Ngài đã đạt được tất cả và ngang hàng với các vị thầy của Ngài, nhưng vẫn không tìm ra được ánh sánh giác ngộ. Cuối cùng, căn cứ vào sự tìm tòi hiểu biết một cách hữu lý và bước vào con đường trung đạo, khởi đi từ phương cách truyền thống về niềm tin đạo lý nổi tiếng này cùng những sự tu tập, Ngài tìm ra giải pháp cuối cùng cho những vấn đề chung về bất toại nguyện, mâu thuẫn và bất mãn (khổ) trên hoàn vũ. Ngài khám phá ra luật Duyên Khởi, luật Nhân Quả; do những định luật này, Ngài tìm ra sự thật trần thế và trở thành bậc Đại Giác.

3. Vijja-Carana Sampanno – Minh Hạnh Túc:

Nhóm từ ngữ “Minh Hạnh Túc” có nghĩa là Đức Phật được thiên phú với một cái nhìn rõ ràng toàn hảo và một tư cách đạo đức gương mẫu. Hai khía cạnh có ý nghĩa được thấy trong 3 đẳng kiến thức và 8 đẳng trí tuệ. 3 đẳng kiến thức ấy là:

– Thứ nhất, Đức Phật có thể nhớ lại những lần sanh trong quá khứ và có thể nhìn lại kiếp trước của Ngài và của người khác.

– Thứ hai, ngoài việc có thể ôn lại quá khứ, Ngài có một sức nhìn độc đáo là có thể nhìn thấy tương lai và hình dung được tất cả vũ trụ bất cứ trong một khoảnh khắc nào.

– Thứ ba, Ngài có kiến thức sâu xa về Thánh tính (tứ quả Thanh Văn)

Về 8 đẳng trí tuệ, Đức Phật duy nhất thiên phú bởi tuệ giác, thần thông thi hành kỳ công – Thiên Nhĩ Thông, Tha Tâm Thông – và nhiều thần thông vật lý; khả năng nhớ lại những lần sanh trong quá khứ – Thiên Nhãn Thông – và kiến thức nhạy bén về cuộc đời thanh tịnh Thánh tính.

Về chữ “Carana” hay tư cách đạo đức, phương diện này được chia thành 15 loại hay loại đức hạnh thấm nhuần tràn đầy nơi Đức Phật. Những đức hạnh khác cộng thêm vào được xếp loại như: kiềm chế hành động và lời nói; kiềm chế trong sự miệt mài tác động giác quan; điều độ trong việc dùng thực phẩm; tránh ngủ quá nhiều; giữ niềm tin trong sáng; biết xấu hổ khi phạm tội lỗi; biết sợ hãi khi phạm lỗi; khát vọng kiến thức; nghị lực; chú ý và hiểu biết 4 xu hướng gắn liền với lĩnh vực vật chất – Panna và Karuna phản ảnh như trí tuệ và từ bi, cả hai là cặp song sanh cơ bản trong khi karuna cho Ngài lòng từ bi phục vụ nhân loại. Do trí tuệ Ngài nhận thức điều gì phải, điều gì trái cho tất cả chúng sanh; và do lòng từ bi, Ngài dẫn dắt các tín đồ khỏi tội lỗi và lầm than. Những đức tính vĩ đại của Ngài đã khiến Ngài làm cho Ngài có khả năng đem tình huynh đệ và đức tính tốt thực sự mưa móc cho tất cả chúng sanh với mức độ tột cùng.

4. Sugato – Thiện Thệ:

Đức Phật cũng được gọi là Đấng Thiện Thệ, có nghĩa con đường của Ngài là tốt, lời Ngài nói đến là thượng hạng; lời nói và phương pháp sử dụng là con đường rất hài hòa và không thể chê trách. Con đường đạt hạnh phúc chính đáng là thanh tịnh, đứng đắn, không cong queo, thẳng thắn và chắc chắn.

Lời dạy của Ngài tuyệt vời không thể sai lầm được. Nhiều sử gia nổi tiếng và khoa học gia vĩ đại đã phẩm bình giáo lý duy nhất đứng vững không bị thách thức bởi khoa học và các nhà tự do tư tưởng là lời dạy của Đức Phật.

5. Lokavidu – Thế Gian Giải:

Thuật ngữ Lokavidu (Thế Gian Giải) sử dụng với Đức Phật như một người có kiến thức thế giới tuyệt vời. Bậc Đại Đạo Sư có kinh nghiệm, hiểu biết thâm sâu tất cả khía cạnh của cuộc đời cả về vật chất lẫn tinh thần. Ngài là người đầu tiên nhận xét có hàng ngàn hệ thống thế giới trong vũ trụ. Ngài là người đầu tiên tuyên bố thế giới chẳng là gì cả mà chỉ là thế giới khái niệm. Theo lời Ngài, việc ức đoán nguồn gốc và nơi tận cùng của thế giới hay vũ trụ coi như vô nghĩa. Theo quan điểm của Ngài, nguồn gốc thế giới, sự tận cùng và con đường đi đến tận cùng sẽ tìm thấy trong phạm vi chiều sâu có thể hiểu được – xác thân dài (một sải) – con người với nhận thức và ý thức.

6. Anuttaro Purisa-Damma-Sarathi – Vô Thượng Sĩ Điều Ngự Trượng Phu:

Anuttaro (Vô Thượng Sĩ) có nghĩa vô song và không còn ai có thể vượt hơn. Purisa-damma nói đến người thiên phú giáo pháp và Sarathi có nghĩa người lãnh đạo. Ba từ ngữ này nói lên vị lãnh đạo vô song có khả năng mang con người vào con đường chánh đạo. Trong số những người quyết định theo con đường giáo pháp và tránh xa tội lỗi có những kẻ giết người khét tiếng như Angulimala, Alavaka, Nalagiri; hàng trăm kẻ đạo tặc, ăn thịt người và ngoan cố như Saccake. Tất cả những người ấy đều được thấm nhuần giáo pháp và một số đạt được Thánh quả ngay trong đời hiện tiền của họ. Ngay cả Devadatta (Đề Bà Đạt Đa), coi Đức Phật là kẻ thù không đội trời chung cũng vẫn được Đức Phật cho phục hồi do lòng từ bi vĩ đại của Ngài.

7. Sattha Deva-Manussanam – Thiên Nhân Sư:

Phiên dịch nhóm từ ngữ này có nghĩa Đức Phật là Thầy của trời và người. Ghi nhận “devas” (Trời) dùng trong phạm vi này tức những chúng sinh, do những nghiệp lành đã vượt qua giai đoạn hàng người nhưng không phải là giai đoạn cuối cùng của sự tiến hóa về sinh vật học. Hàng Trời trong văn cảnh Phật Giáo không liên quan gì với truyền thuyết thần thoại cổ xưa. Đức Phật là một vị thầy phi thường linh động có khả năng phân chia một cách rất kỹ thuật phù hợp các đẳng cấp tinh thần của hàng Trời và hàng Người. Ngài dạy mọi người sống theo chánh đạo. Đức Phật là vị Đạo Sư hoàn vũ.

8. Buddho – Phật:

Tính ngữ đặc biệt Buddho, có vẻ như lập lại lần thứ hai, mặc dù nó có ý nghĩa rộng hơn. Buddho có nghĩa Vị Chủ Tể toàn trí toàn thức, có những thần thông lạ thường có thể thuyết phục người khác bằng sự khám phá to lớn của mình qua nghệ thuật giảng dạy người khác. Pháp của Ngài, kỹ thuật của Ngài không có vị đạo sư nào có thể sánh bằng. Buddho cũng có nghĩa thứ hai là “tỉnh thức” vì trạng thái bình thường của con người không ngưng ở trong trạng thái sững sờ. Đức Phật là người đầu tiên “tỉnh thức”, và giũ sạch trạng thái sững sờ. Rồi Ngài thuyết phục người khác tỉnh thức và tránh xa trạng thái mê mờ hay sững sờ.

9. Bhagava – Thế Tôn:

Từ ngừ này dùng để chỉ Đức Phật, từ “Buddho” hay “Bhagava” dùng riêng từng chữ hay ghép lại “Buddho Bhagava” có nghĩa là “Đấng Thế Tôn” (Đấng Thiêng Liêng) thường được thông dụng trong dân gian.

Đấng: được kính sợ và tôn kính, Thế Tôn là danh hiệu của Ngài. Cho nên chữ “Bhagava” có nhiều nghĩa như đề nghị của một số phê bình gia. Đức Phật được gọi là Đấng Thế Tôn vì Ngài là người hạnh phúc và may mắn nhất trong nhân loại đã chiến thắng được ma vương, đã thuyết giảng chi tiết Pháp cao nhất và là người thiên phú với khả năng tri thức siêu nhiên, siêu phàm.

9 đức tính vĩ đại của Đức Phật có thể sử dụng làm đề tài cho thiền định nếu những sự giải thích của mỗi từ ngữ đặc biệt được thận trọng nghiên cứu kỹ lưỡng và mục đích thực sự cùng bản chất được tóm thâu và thấu triệt. Chỉ lướt qua từng đoạn, không hiểu thấu hoàn toàn không thể coi như hữu hiệu dù cho có sùng đạo. Phương pháp tốt nhất là tụng đi tụng lại đồng thời nắm vững ý nghĩa hoàn toàn của các sự bày tỏ ấy. Trong khi làm như vậy, ta cũng nên tập trung vào những đức tính có chân giá trị ấy như những đức hạnh thực sự cần được tích cực noi gương bởi tất cả tín đồ của Đức Phật.

Hòa Thượng K. Sri Dhammananda

Nguồn: Đại Tạng Kinh Việt Nam

 

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.