TVGĐPT – Tính từ khởi đầu Công nguyên – tức là từ năm 1 sau Tây lịch – đến năm nay (2019), đất nước Việt Nam đã trải qua 166 năm Hợi, trong đó có 34 năm KỶ HỢI[1]. Và trong số những năm Kỷ Hợi tính theo lịch ấy, tối thiểu có 6 năm Kỷ Hợi đánh dấu những sự kiện đáng nhớ trong dòng sử Việt mà hàng hậu duệ biết giữ gìn truyền thống “uống nước nhớ nguồn” thiết nghĩ không được phép không thấu đáo hay dần lãng quên theo năm tháng.
Nhân những ngày đầu năm mới Kỷ Hợi – 2019, xin cùng thiện hữu tri thức quý mến ngoái nhìn lại các “dấu mốc Kỷ Hợi” đáng nhớ trong lịch sử khai quốc, kiến quốc, hộ quốc, vệ quốc của nòi giống Việt hùng anh một thuở…
———
[1] Tính theo Can-Chi trong “lục thập hoa giáp”. Đó là các năm Kỷ Hợi: 39, 99, 159, 219, 279, 339, 399, 459, 519, 579, 639, 699, 759, 819, 879, 939, 999, 1059, 1119, 1179, 1239, 1299, 1359, 1419, 1479, 1539, 1599, 1659, 1719, 1779, 1839, 1899, 1959, 2019 (và như vậy năm Kỷ Hợi tiếp theo sẽ là năm 2079…)
oOo
Năm Kỷ Hợi (39): Hai nữ tướng Trưng Trắc và Trưng Nhị(*) tập hợp các tướng lãnh nghĩa binh cùng nhau lập Hội Thề (tháng 9 năm 39 sau TL) ở cửa Hát Giang (sông Hát, thuộc huyện Mê Linh thời đó, nay là huyện Phúc Thọ, Hà Nội). Sau một thời gian chuẩn bị, vào tháng 2 năm 40, Trưng Trắc cùng Trưng Nhị chính thức phất cờ khởi nghĩa đánh quân xâm lăng Đông Hán. Cuộc khởi nghĩa được nhiều đội quân và dân chúng các vùng thuộc Âu Lạc và Nam Việt cũ hăng hái tham gia; các quận Nam Hải, Cửu Chân, Nhật Nam, Uất Lâm, Hợp Phố đều hưởng ứng.
Quân Hai Bà Trưng trước tiên tấn công chiếm lĩnh đô úy trị quận Giao Chỉ ở Mê Linh, rồi tiếp tục tiến đánh huyện Tây Vu, chiếm thành Cổ Loa. Thừa thắng xông lên, từ Cổ Loa, Hai Bà Trưng mang quân vượt sông Hoàng, sông Đuống đánh trị sở Giao Chỉ ở Luy Lâu bên bờ sông Dâu. Sau khi Luy Lâu bị vây hảm và bị hạ, các thành khác nhanh chóng tan vỡ và quy phục. Quân khởi nghĩa Hai Bà Trưng đã lấy được đến 65 thành ở Lĩnh Nam.
Thế mạnh và sự tấn công thần tốc của quân khởi nghĩa Hai Bà Trưng khiến thái thú Giao Chỉ là Tô Định và các viên quan nhà Hán không kịp trở tay và cũng không dám chống cự, hoảng hốt tháo chạy về phương Bắc. Để thoát thân, Tô Định phải cạo tóc, cạo râu, vứt bỏ cả ấn tín, trà trộn vào đám loạn quân mà chạy. Cuối cùng Tô Định thoát về quận Nam Hải, bị Mã Viện dâng sớ lên Hán Quang Vũ Đế hạch tội “thấy tiền thì giương mắt lên, thấy giặc thì cụp mắt xuống”. Vua Hán bèn hạ ngục Tô Định để trị tội.
Cuộc khởi nghĩa thắng lợi, Trưng Trắc tự lập làm vua, xưng là Trưng Nữ Vương hay còn gọi Trưng Vương. Thần phả cho biết Trưng Nhị được phong làm Phó Vương.
(*) Theo Đại Việt Sử Lược, Trưng Trắc là con gái một Lạc Tướng ở huyện Mê Linh, lấy chồng là Thi Sách ở huyện Chu Diên; và theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Hai Bà Trưng vốn họ Lạc, là dòng dõi Lạc Tướng ở Mê Linh. Chồng bà Trưng Trắc là Thi Sách cũng là con Lạc Tướng, con hai nhà tướng kết hôn với nhau, hai nhà cùng có chí hướng chống Hán. Khi lên ngôi, hai bà mới đổi sang họ Trưng.
Năm Kỷ Hợi (939): Ngô Quyền lên ngôi vua (ngày 10 tháng 1 năm Kỷ Hợi – 21/1/939) hiệu là Tiền Ngô Vương; vua quyết định bỏ kinh thành Đại La, lập kinh đô ở Cổ Loa (nay thuộc huyện Đông Anh, Hà Nội); đặt quan chức, chế triều nghi, định triều phục; chỉnh đốn binh bị và chính trị trong nước, mở đầu triều đại nhà Ngô kéo dài đến năm 965.
Ông sinh vào ngày 12 tháng 3 năm Đinh Tỵ (17/4/897) trong một dòng họ hào trưởng có thế lực ở châu Đường Lâm (vài tài liệu khác có sự tồn nghi về quê hương ông). Ngô Quyền được sử sách mô tả là “bậc anh hùng tuấn kiệt có trí dũng”.
Năm 938, ông lãnh đạo quân dân đánh đại bại quân xâm lăng Nam Hán trong trận chiến Bạch Đằng nổi tiếng lịch sử, chính thức đưa dân tộc Việt thoát khỏi ách “Bắc thuộc” hơn một thiên niên kỷ và mở đường cho các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần về sau xây dựng nền độc lập, tự chủ ở cõi trời Nam.
Lên ngôi vua sau chiến thắng oanh liệt này, ông trị vì từ năm 939 đến năm 944. Ông mất ngày 18 tháng 1 năm Giáp Thìn, hưởng dương 47 tuổi. Ông không có miếu hiệu và thụy hiệu, sử sách xưa nay chỉ gọi là Tiền Ngô Vương, duy có sách Thiền Uyển Tập Anh, phần truyện Quốc Sư Khuông Việt, có nhắc đến tên Ngô Thuận Đế.
Năm Kỷ Hợi (1179): Danh thần triều Lý là Tể Tướng Tô Hiến Thành qua đời (ngày 12 tháng 6 năm Kỷ Hợi – 17/7/1179). Theo Bách Khoa Toàn Thư Việt Nam, Tô Hiến Thành sinh ngày 22 tháng 1 năm Nhâm Ngọ (11/2/1102) tại làng Hạ Mỗ, (nay thuộc xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng, Hà Nội). Chức tước trong quan lộ của ông thăng đến Nhập Nội Kiểm Hiệu Thái Phó Bình Chương Quân Quốc Trọng Sự.
Trong chính sử, vai trò Tô Hiến Thành được đề cập lần đầu tiên với việc bình định cuộc nổi loạn Thân Lợi(*), và sự nghiệp làm tướng võ của ông chủ yếu vào triều đại vua Lý Anh Tông. Ông từng đi dẹp loạn nhiều nơi; mở mang thêm bờ cõi về phía Tây Bắc; chống Chân Lạp xâm lăng; chinh phạt Chiêm Thành… khiến vị thế của Đại Việt ở thời này trở nên hùng mạnh đối với các nước lân bang cũng như đối với nhà Tống, buộc nhà Tống phải công nhận Đại Việt vào năm 1164.
Sự nghiệp làm quan văn của ông cũng hiển hách không kém nhưng phần lớn công lao lại tập trung vào giai đoạn cuối đời, khi ông trở thành Phụ Chính Đại Thần tài năng và đức độ cuối cùng của triều Lý. Giai đoạn trước đó, công lớn của ông là việc tổ chức khai hoang, lấn biển các vùng ven biển thuộc Quảng Ninh, Thanh Hóa và Hà Tĩnh ngày nay.
(*) Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Thân Lợi vốn là thầy bói. Ông tự xưng là con của vua Lý Nhân Tông và tự xưng là Bình Vương (vào tháng giêng năm 1141). Ông lập vợ cả, vợ lẽ làm hoàng hậu và phu nhân, phong con làm vương hầu, phong quan tước cho thuộc hạ. Lúc đó lực lượng của Thân Lợi có hơn 1.000 người, khởi binh được một năm, từ tháng 10 năm 1140 đến tháng 10 năm 1141 thì thất bại (sách Đại Việt Sử Lược chép sự biến Thân Lợi xảy ra sớm hơn và ông bị xử tử năm 1139). Ngoài 20 thuộc hạ thân tín bị xử trảm, có 400 người bị án lưu đày. Đến cuối năm 1142, Thái Phó Tô Hiến Thành dẫn việc nhân nghĩa của đời vua Nghiêu, vua Thuấn khuyên vua tha cho những người bị xử tội lưu đày, Lý Anh Tông nghe theo, tha tội cho những đồng đảng bị lưu đày của Thân Lợi.
Năm Kỷ Hợi (1419): Bình Định Vương Lê Lợi xuất binh (vào tháng 4 năm Kỷ Hợi 1419) ra đánh lấy đồn Nga Lạc (nay thuộc huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa) hạ được viên tướng nhà Minh là Nguyễn Sao, nhưng quân binh Lam Sơn lúc bấy giờ còn chưa đủ đông để trấn thủ nên phải lui về Chí Linh.
Biết rằng Chí Linh là nơi Bình Định Vương lui tới, quan quân nhà Minh đem binh mã đến bao vây, tình trạng rất nguy cấp. Lê Lai là thuộc hạ của Lê Lợi xin Bình Đình Vương cho mình được liều mình vì nước cứu chúa, rồi ông đổi áo ngự bào, đội vương mão, cầm vương kỳ của Lê Lợi cưỡi voi ra đánh với giặc. Quân Minh nhầm tưởng là Bình Định Vương thật, bèn tập trung vào vây đánh, bắt xử tử Lê Lai một cách tàn ác rồi rút quân về Tây Đô. Bằng hành động vì nghĩa lớn của Lê Lai mà nhờ đó Bình Định Vương Lê Lợi cùng các tướng lĩnh khác thoát được nạn lớn để rồi một mặt cho người sang Ai Lao cầu viện, một mặt thu nhặt tàn binh về đóng quân ở Lư Sơn (phía Tây châu Quan Hóa). Tận dụng thời cơ quân Minh lui quân, Lê Lợi tiến hành xây dựng thành lũy, sửa sang chiến cụ và sách tấn, tưởng lệ sĩ khí binh tướng nghĩa quân tiếp tục cuộc chiến kháng Minh(*).
Trong dân gian từ lâu cho đến trước năm 1975 vẫn còn lưu truyền câu “hăm mốt Lê Lai, hăm hai Lê Lợi” là chỉ vào việc hai ngày nghĩ lễ húy nhật của Lê Lai và Lê Lợi (21, 22 tháng 8 ÂL). Do tưởng nhớ công trạng vì nước quên mình cứu chúa trước đây Lê Lai đã chết thay cho mình ở núi Chí Linh, nên trước khi Bình Định Vương qua đời (vào ngày 22 tháng 8 năm Quý Sửu – 7/9/1433, hưởng dương 49 tuổi), ông đã di ngôn dặn lại đời sau hằng năm khi đến ngày giỗ ông, phải giỗ Lê Lai trước một ngày.
(*) Sự kiện “Lê Lai liều mình cứu chúa”, theo Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục (bộ chính sử của triều Nguyễn) xảy ra vào năm 1419, tuy nhiên trong Đại Việt Thông Sử (của Lê Quý Đôn) và một số sách khác thì cho rằng đó là năm Mậu Tuất – 1418.
– Cũng trong năm Kỷ Hợi – 1419, hưởng ứng cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, từ năm 1419 đến năm 1420, trong nước có nhiều cuộc dấy binh nổi lên; nhưng cuộc khởi nghĩa đáng chú ý nhất là cuộc nổi dậy của nhà sư Phạm Ngọc ở chùa Đại Minh (Đồ Sơn), người đã tổ chức và lãnh đạo dân nghèo vùng ven biển Đông Bắc chiến đấu rất ngoan cường khiến quân địch trú đóng ở đồn Bình Than, thành Xương Giang nhiều phen khiếp đảm(*).
(*) Theo một số tài liệu ghi lại về trung tâm Phật Giáo cổ Luy Lâu, khu vực giao nhau giữa sông Dâu và sông Đuống thì vào thời nhà Minh đô hộ, vùng đất Tiên Lãng (thuộc Hải Phòng hiện nay) nằm trong địa bàn của cuộc khởi nghĩa do nhà sư Phạm Ngọc ở chùa Đại Minh lãnh đạo, cuộc nổi dậy của quần chúng Tiên Lãng do Phạm Thiện chỉ huy và cuộc khởi nghĩa do Lê Ngã lãnh đạo nên vùng đất này đã bị giặc Minh khủng bố dã man. Thời bấy giờ, chùa Non Đông (tên gọi của chùa Đót Sơn bây giờ), chùa Thiên Tộ cũng như nhiều đình, chùa, đền, miếu khác ở Tiên Lãng bị giặc tàn phá, cướp bóc, làm cho mất dạng hoàn toàn.
Năm Kỷ Hợi (1479): Vua Lê Thánh Tông sai sử quan Ngô Sĩ Liên(*) biên soạn bộ “Đại Việt Sử Ký Toàn Thư” rất giá trị dựa trên sự chỉnh lý và bổ sung hai bộ quốc sử Việt Nam trước đó cùng mang tên Đại Việt Sử Ký của Lê Văn Hưu và Phan Phu Tiên. Bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư gồm 15 bản hiện còn lưu lại đến ngày nay được chia làm 2 bản. Một bản kể từ Hồng Bàng Thị đến Thập Nhị Sứ Quân (Ngoại Kỷ – 5 quyển). Một bản kể từ Đinh Tiên Hoàng đến Lê Thái Tổ (Bản Kỷ – 10 quyển).
Bộ quốc sử hoàn thành vào tiết Đông Chí, khoảng tháng 11 năm Kỷ Hợi (niên hiệu Hồng Đức thứ 10), bao quát lịch sử Việt Nam trong hơn bốn thiên niên kỷ với phần khởi thủy được mở rộng ngược lên từ một thời điểm truyền thuyết về thời Hồng Bàng từ năm 2879 trước Tây lịch, dừng lại ở sự kiện quân Minh rút về Trung Hoa, kết thúc giai đoạn Bắc thuộc lần thứ IV, năm 1427.
(*) Theo các tài liệu, Ngô Sĩ Liên người làng Chúc Lý, huyện Chương Đức (nay là thôn Chúc Lý, xã Ngọc Hòa, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây). Ông tham gia khởi nghĩa Lam Sơn khá sớm cùng với Nguyễn Nhữ Soạn (em cùng cha khác mẹ với Nguyễn Trãi) giữ chức vụ thư ký trong nghĩa quân, nhiều lần được Lê Lợi cử đi thương thuyết với quân Minh trong các thời kỳ đôi bên tạm hòa hoãn để củng cố lực lượng. Rất đáng tiếc là về năm sinh và năm mất của ông, hiện nay vẫn chưa được xác định được thật đích xác, tuy nhiên theo Đại Việt Lịch Triều Đăng Khoa Lục thì ông từng đỗ tiến sĩ khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Đại Bảo thứ 3 đời Lê Thái Tông (1434-1442) và thọ tới 98 tuổi.
– Cũng trong năm Kỷ Hợi – 1479, viên tù trưởng Lư Cầm Công, thủ lĩnh xứ Bồn Man làm phản, xúi giục người Lão Qua (tức người Lào) đem quân quấy nhiễu châu Quy Hợp. Nguyên do một phần đất Bồn Man đã xin nội thuộc Đại Việt dưới triều hoàng đế Lê Nhân Tông, được vua Nhân Tông nhập vào nước Đại Việt thành châu Quy Hợp xứ Nghệ An và cử quan quân sang (nhưng vẫn cho họ Lư Cầm của xứ Bồn Mang đời đời làm quan phụ đạo).
Để đối phó với quân Bồn Man của Lư Cầm Công liên kết với Lan Xang(*), Thái Úy Lê Thọ Vực cùng Lê Đình Ngạn, Lê Lộng, Lê Nhân Hiếu và Trịnh Công Lệ… được vua sai chia quân thành làm 5 đạo từ Nghệ An, Thanh Hóa, Hưng Hóa đánh thắng quân Bồn Man và Lão Qua, đẩy lùi địch quân đến tận vùng lưu vực sông Mékong giáp với Miến Điện ngày nay.
(*) Lan Ch’ang, Lanexang; chữ Lào: ລ້ານຊ້າງ – đọc là lâan-sâang; chữ Hán: 南 掌 – đọc là Nam Chưởng hay 萬 象 – Vạn Tượng, nghĩa là “triệu voi”. Đây là quốc gia đầu tiên của người Lào, do vua Phà-Ngừm sát nhập cư dân các bộ tộc Tai Phuan định cư ở Cánh Đồng Chum.
Năm Kỷ Hợi – 1839: Vào năm này (niên hiệu Minh Mệnh thứ 20), vua Minh Mạng thực hiện việc chuẩn định quan chế (sau này gọi là “quan chế Minh Mạng”, để phân biệt với “quan chế Gia Long”. Các sửa đổi, bổ sung vào thời các vua sau Minh Mạng không tạo ảnh hưởng đáng kể nên thường được đưa vào hoặc xem như các sửa đổi trong cuộc chuẩn định “quan chế Minh Mạng”) nhằm cải tổ hệ thống quan lại, bãi bỏ những quan chức thời chúa Nguyễn không còn thực dụng, định chế lương bổng đồng niên và tiền xuân phục của các quan lại trong triều(*).
(*) Một số tài liệu ghi: “năm Kỷ Hợi, Thánh Tổ định lương bổng đồng niên và tiền xuân phục”. Thánh Tổ tức là “miếu hiệu” tôn xưng vua Minh Mạng.
QUANG MAI tìm tòi.