TVGĐPT – Đầu năm Rồng (Giáp Thìn – 2024) Thư Viện GĐPT xin sưu lục một số sử liệu về các sự kiện xảy ra trong các năm Thìn trong dòng sử Việt để lớp hậu duệ “con Rồng cháu Tiên” chúng ta nhớ về nguồn cội, không được lãng quên dòng lịch sử thăng trầm của dân tộc trải qua mấy ngàn năm…
Do khả năng hạn hẹp, bài này chỉ sưu lục và tổng hợp đến năm Giáp Thìn 1964, còn cách năm Giáp Thìn hiện tại (2024) đúng một vòng “Hoa giáp”. Quý thiện hữu tri thức muốn truy tìm lịch sử của 60 năm cận đại xin hoan hỷ tự tìm hiểu lấy vậy. Tài liệu dùng trong bài cũng tập hợp từ nhiều nguồn khác nhau nên rất có thể sẽ có những dị biệt chưa hoàn toàn chính xác. Rất thành tâm tiếp nhận và vô cùng biết ơn Quý bạn đọc chỉ dẫn ra các sai sót, khiếm khuyết để cập nhật.
———=oOo=———
HUYỀN SỬ:
- Giáp Thìn – 257 trước TL: An Dương Vương lập ra nước Âu Lạc.
- Giáp Thìn – 137 trước TL: Triệu Đà (Triệu Vũ Vương) băng hà, thọ 121 tuổi. Cháu đích tôn là Triệu Hồ (con của Trọng Thủy) lên nối ngôi, lấy niên hiệu là Triệu Văn Vương.
CHÍNH SỬ:
- Mậu Thìn – 248:
- Bà Triệu tức Triệu Thị Trinh, quê ở Triệu Sơn, Thanh Hóa cùng với anh là Triệu Quốc Đạt lãnh đạo dân chúng quận Cửu Chân nổi dậy chống ách đô hộ của quân Ngô (Ngô Tôn Quyền, thời Tam Quốc).
- Bính Thìn – 476:
- Ngày 30 tháng 3 năm Bính Thìn (tháng 6 năm 476) Phạm Tu là tướng của Lý Bôn đem quân đánh thẳng vào lỵ sở của viên Thứ sử tàn ác Tiêu Tư (nhà Lương) tại Long Biên rồi đưa quân lên biên giới chận đánh tàn quân Lương chạy về Tàu.
- Mậu Thìn – 548:
- Hay tin vua Lý Nam Đế băng hà ở động Nguyệt Lão, Triệu Quang Phục (dân chúng quanh vùng đầm Dạ Trạch còn gọi ông là Dạ Trạch Vương) bèn xưng Vương, lấy hiệu là Triệu Việt Vương và tiếp tục cuộc kháng chiến chống quân Lương. Đến năm Canh Ngọ (550), Triệu Việt Vương từ căn cứ Dạ Trạch xuất toàn quân giao chiến, giết được tướng giặc là Dương Sàn, thu lại kinh đô, khôi phục lại nền độc lập cho đất nước.
- Canh Thìn – 860:
- Nhà Đường sai Lý Hộ sang làm Đô Hộ Sứ ở Giao Châu.
- Giáp Thìn – 944:
- Tiền Ngô Vương (Ngô Quyền) băng hà, thọ 47 tuổi.
- Mậu Thìn – 968:
- Đinh Bộ Lĩnh dẹp xong “loạn 12 Sứ Quân”, xưng là Vạn Thắng Vương. Năm Mậu Thìn (968), Vạn Thắng Vương lên ngôi hoàng đế lấy hiệu là Đinh Tiên Hoàng, đặt tên nước là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư (nay thuộc tỉnh Ninh Bình). Lần đầu tiên nước ta được Trung Hoa thừa nhận là một quốc gia độc lập và phong cho Đinh Bộ Lĩnh làm Giao Chỉ Quận Vương, phải tuân theo lệ triều cống như các nước khác đối với Trung Hoa.
- Canh Thìn – 980:
- Trước họa ngoại xâm phương Bắc, Thái hậu Dương Văn Nga trao quyền cho Lê Hoàn tổ chức cuộc kháng chiến. Các tướng quân, đứng đầu là Phạm Cự Lạng tôn Lê Hoàn lên làm vua. Dương Thái Hậu thấy mọi người ủng hộ nên đã trao ngôi vua cho Lê Hoàn. Ông lên ngôi vua, hiệu là lê Đại Hành, đặt niên hiệu là Thiên Phúc, lãnh đạo dân chúng kháng chiến chống quân xâm lược nhà Tống, đại thắng vào năm Tân Tỵ (981), mở đầu kỷ nguyên Đại Việt bách thắng giặc phương Bắc.
- Bính Thìn – 1076:
- Mở đầu cuộc kháng chiến chống quân Tống. Nhà Tống đem 10 vạn bộ binh, 1 vạn ngựa, 20 vạn dân phu do Quách Quỳ, Triệu Tiết sang xâm lược nước ta. Lý Thường Kiệt lập chiến tuyến chống cự ở sông Như Nguyệt. Tương truyền giữa lúc gay go nhất của cuộc kháng chiến, Lý Thường Kiệt đã làm bài thơ “Nam Quốc Sơn Hà”, đang đêm sai người tâm phúc đọc vang trong đền thờ Trương Hống, Trương Hát (thuộc địa phận sông Như Nguyệt, khúc sông Cầu, huyện Yên Phong, lộ Bắc Ninh, nay là huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) để cổ vũ tinh thần chiến đấu của quân Đại Việt. Bài thơ bất hủ này được coi là một bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên trong lịch sử dân tộc. Dưới sự chỉ huy mưu trí của Lý Thường Kiệt, quân dân Đại Việt đã đánh tan đội quân nhà Tống xâm lược lần thứ 2.
- Vua Lý Nhân Tông (1072-1127) lập trường Quốc Tử Giám ở kinh thành Thăng Long dành cho các hoàng tử và con các quan lại trong triều đến học, chọn những những người thông tuệ vào dạy. Ban đầu, trường chỉ dành riêng cho con cháu vua và con các đại quan quyền quý (nên gọi tên là Quốc tử). Năm 1253, vua Trần Thái Tông cho mở rộng, đổi tên Quốc Tử Giám thành Quốc Học Viện và thu nhận cả con cái các nhà thường dân có sức học xuất sắc vào học. Trường Quốc Tử Giám được coi là trường đại học đầu tiên ở nước ta được mở ra để đào tạo nhân tài.
- Nhâm Thìn – 1171:
- Vua Lý Anh Tông đi thăm thú trong nước (từ 1171 đến 1772), xem xét hình thế núi sông, đường sá, đời sống của dân chúng và sai văn quan vẽ bản đồ nước ta, ghi chú rõ mọi chi tiết.
- Nhâm Thìn – 1232:
- Có thuyết cho rằng Thái sư Trần Thủ Độ chủ mưu sai người đào một hố sâu rồi làm nhà lên trên ở Thái Đường Hoa Lâm, Tiêu Sơn, Bắc Ninh, đợi khi con cháu nhà Lý đến tế lễ các vua Lý uống rượu say, liền giật sập, chôn sống tất cả để họ Trần yên vị ngôi thiên tử; nhưng sự kiện này không thấy ghi lại ở các cuốn chính sử.
- Canh Thìn – 1280:
- Trước thế giặc Nguyên – Mông mạnh như chẻ tre của hơn 50 vạn quân trong lần thứ hai kéo quân xâm lăng nước ta sau khi đã chiếm gọn Trung Quốc, để thử lòng quan quân, vua nhà Trần nói với Quốc công tiết chế Trần Quốc Tuấn, tướng thống lĩnh quân đội toàn quốc: “Thế giặc như vậy, chúng ta phải hàng thôi”. Trần Quốc Tuấn đã khẳng khái đáp: “Xin bệ hạ hãy chém đầu thần trước rồi hãy hàng”.
- Nhâm Thìn – 1292:
- Ngày 25-8-1292 là ngày sinh của Chu Văn An, quê quán xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Tuy là văn quan, nhưng trước cảnh lộng hành của bọn quyền thần, ông đã dâng sớ “thất trảm” xin chém đầu 7 nịnh thần.
- Bính Thìn – 1316:
- Vua Trần Minh Tông (1314-1329) xét lại cấp bậc của văn quan và võ quan trong nước để có quy cũ, xếp đặt ngạch trật chính thức.
- Bính Thìn – 1376:
- Đời vua Trần Duệ Tông (1374-1377), quân Chiêm Thành vào quấy phá ở Hóa Châu (Thừa Thiên – Huế hiện nay).
- Canh Thìn – 1400:
- Hồ Quý Ly truất phế vua nhà Trần là Trần Thiếu Đế rồi tự lên ngôi vua, lập ra triều Hồ, lấy quốc hiệu là Đại Ngu. Nhà Trần làm vua được 175 năm, truyền được 12 đời, có công chống quân Nguyên xâm lăng, giữ gìn độc lập, mở mang bờ cõi (do lấy đất Chiêm Thành), chỉnh đốn việc học hành, tổ chức hành chánh cai trị, lập ra luật pháp, mở mang kinh tế làm cho đất nước phát triển. Tuy nhiên, các vua cuối đời Trần kém cõi, ham thú vui chơi nên bị Hồ Quý Ly cướp ngôi. Trong khoảng 35 năm nắm quyền bính ở triều Trần và triều Hồ, Quý Ly từng bước tiến hành những cải cách rộng lớn về mọi mặt.
- Giáp Thìn – 1424:
- Lê Lợi khởi nghĩa ở Lam Sơn (Thanh Hóa) từ năm 1418, trải qua mấy năm gian khổ, có khi phải rút quân vào rừng, ẩn náu và phải hòa với giặc để củng cố lực lượng. Năm 1424, Bình Định Vương bàn với các tướng sĩ quyết lấy cho được đất Nghệ An mới có thể tiến ra Đông Đô (Hà Nội) được.
- Mậu Thìn – 1448:
- Dưới đời vua Lê Nhân Tông (1443-1459), nước Bồn Man xin nội thuộc nước ta. Bồn Man là một phần của nước Lào ngày xưa, phía Đông Nam giáp Nghệ An, Quảng Bình, phía Tây Bắc giáp Hưng Hóa và Thanh Hóa.
- Canh Thìn – 1460:
- Ngô Sĩ Liên bắt đầu viết “Đại Việt Sử Ký”.
- Ngày 18 tháng 6 âm lịch, Lê Thánh Tông (Gia vương Lê Tư Thành) lên ngôi Hoàng đế tại điện Tường Quang, xưng hiệu Thiên Nam Động Chủ, Đạo Am Chủ Nhân, Tao Đàn Nguyên Súy, cải niên hiệu là Quang Thuận, dùng tên Lê Hạo trong các văn kiện ngoại giao với nhà Minh.
- Nhâm Thìn – 1472:
- Vua Lê Thánh Tông ra sắc chỉ xét họ tên người Chăm còn lưu lại ở Thuận Hóa để cho hội nhập vào cư dân Đại Việt.
- Bản đồ nước Đại Việt có thêm dinh Thừa Tuyên – Quảng Nam với 3 phủ: Thăng Hoa, Tư Nghĩa và Hoài Ân. Cư dân người Việt đã di dân đến lập nghiệp ở vùng đất phía Nam đèo Hải Vân.
- Canh Thìn – 1580:
- Con cháu nhà Lê chiếm được đất từ Thanh Hóa trở vào phía Nam để chống nhau với họ Mạc từ Nam Định trở ra Bắc, đến năm Canh Thìn (1580), nhà Lê mở khoa thi tại Thanh Hóa (Tây Đô) để tuyển dụng nhân tài ra giúp nước. Việc học trong thời kỳ này vẫn còn đơn sơ, chưa có tổ chức quy mô.
- Nhâm Thìn – 1592:
- Khoa thi Hội cuối cùng của nhà Mạc.
- Trịnh Tùng đem quân đánh nhà Mạc bại vong, chấm dứt cuộc nội chiến Nam-Bắc, thống nhất được quốc gia.
- Giáp Thìn – 1644:
- Sau khi diệt được nhà Mạc, Trịnh Tùng đưa vua Lê về Thăng Long (Hà Nội). Đến đời Trịnh Tạc (năm 1664) mới tổ chức thi Hội (lấy bằng Tiến sỹ). Cứ ba năm một lần tổ chức thi Hương (Tú tài, Cử nhân) và năm sau thi Hội (Phó bảng, Tiến sỹ).
- Bính Thìn – 1676:
- Vua Lê Hy Tông (1676-1705) ra lệnh cho Lê Hy và Nguyễn Quý Đức tiếp tục chép sử từ vua Huyền Tông (1663-1671) đến Gia Tông (1672-1675).
- Mậu Thìn – 1688:
- Ngô Tuấn Di, dòng dõi họ Ngô Thì làng Tả, Thanh Oai, Hà Nội đỗ Tiến sỹ làm quan Hàn lâm viện Hiệu thảo. Đến thời điểm đó làng Tả, Thanh Oai đã có 12 Tiến sỹ và nhiều Cử nhân, Hương cống.
- Nhâm Thìn – 1712:
- Vũ Huyên (đỗ Tiến sỹ) đã giúp vua Lê, dùng cái lọng có xoi một lỗ nhỏ cho ánh nắng xuyên qua chiếu lên nước cờ hay để mách nước cho vua thắng Sứ nhà Thanh 3 ván liền, giữ được quốc thể. Ông được vua ban danh hiệu “Đậu Kỳ Trạng Nguyên” (Trạng Cờ).
- Bính Thìn – 1746:
- Trịnh Doanh ra luật thuế muối, cứ 50 mẫu ruộng muối thì phải nộp 40 hộc muối, mỗi hộc muối giá 180 tiền đồng.
- Nhâm Thìn – 1752:
- Quân Xiêm La (Thailand) trong tháng 6, vào đánh chiếm Nam Vang, vua Cao Miên (Campuchia) cầu cứu, chúa Nguyễn sai Nguyễn Cửu Đàm đem quân vào Nam Vang giúp Cao Miên, quân Xiêm bỏ chạy về Hà Tiên.
- Giáp Thìn – 1784:
- Quân Tam Phủ (thường gọi là lính Kiêu binh), những người gốc Thanh Hóa, Nghệ An được tuyển làm lính canh gác cung vua Lê và phủ chúa Trịnh ở Thăng Long (Hà Nội) nổi loạn, ủng hộ Trịnh Tông – con trưởng của Trịnh Sâm, chống Trịnh Cán – là con thứ của Trịnh Sâm (mẹ là Đặng Thị Huệ).
- Quân Tây Sơn đánh bại 5 vạn quân Xiêm ở Rạch Gầm – Xoài Mút (Tiền Giang).
- Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn đánh phải trốn ra đảo Phú Quốc rồi được người Xiêm La đem thuyền đón. Trước khi sang Xiêm, Nguyễn Ánh chặt đôi một dát vàng để ông và bà Tống Thị (Tống Phúc Thị Lan, vợ cả), mỗi người giữ một nửa làm tín vật.
- Kiếm cớ Nguyễn Ánh cầu viện, tháng 4/1784, vua Xiêm cho 5 vạn quân thủy bộ vào nước ta nhưng chỉ trong thời gian ngắn, quân Tây Sơn dưới sự lãnh đạo của Nguyễn Huệ, đã đánh bại 5 vạn quân Xiêm và quân Nguyễn Ánh. Chiến thắng oanh liệt này đã kết thúc giai đoạn chiến tranh với chúa Nguyễn, đặt toàn bộ lãnh thổ Đàng Trong dưới quyền kiểm soát của quân Tây Sơn.
- Mậu Thìn – 1808:
- Tổng Bình An được nâng lên thành huyện Bình An; sau này đã đổi tên thành tỉnh Thủ Dầu Một.
- Canh Thìn – 1820:
- Thái tử Nguyễn Phúc Đảm lên nối ngôi vua Gia Long lấy niên hiệu là Minh Mạng.
- Năm sinh của Trương Định, võ quan triều Nguyễn, và là thủ lĩnh cuộc khởi nghĩa chống Pháp đầu tiên ở Nam Kỳ (giai đoạn 1859-1864).
- Nhâm Thìn – 1832:
- Nhà Nguyễn chia Nam Kỳ thành 6 tỉnh (Lục tỉnh): Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên.
- Bính Thìn – 1856:
- Dưới thời vua Tự Đức (1848-1883), vào tháng 8, tàu chiến của Pháp đến cửa biển Đà Nẵng gây hấn, bắn phá rồi bỏ đi.
- Giáp Thìn – 1864:
- Vua Thiệu Trị xây dựng tháp Phước Duyên (Từ Nhân) 7 tầng, cao 21 mét tại chùa Thiên Mụ (Huế).
- Mậu Thìn – 1868:
- Sau khi đi Pháp về, trong thời gian từ cuối tháng 2 cho tới cuối tháng 4 năm 1868, Nguyễn Trường Tộ đã dâng lên vua Tự Đức ít nhất là 9 văn kiện điều trần, trong đó có những văn bản về canh tân đất nước và nâng cao dân trí, nhưng sau đó triều đình không có động thái gì; bởi lúc bấy giờ triều đình vua Tự Đức chỉ quan tâm tới việc làm sao lấy lại được 6 tỉnh Nam Kỳ đã mất vào tay Pháp.
- Nhâm Thìn – 1892:
- Nghĩa quân Đề Thám đánh bại 2.000 quân Pháp tại Hố Chuối (Bắc Giang).
- Giáp Thìn – 1904:
- Ngày 16 tháng 3 năm Giáp Thìn, (nhằm ngày 1 tháng 5 năm 1904), một trận lụt kinh hoàng phá hoại toàn cõi Nam Kỳ. Riêng hai tỉnh Mỹ Tho và Gò Công bị thiệt hại nặng nề nhất. Bão lụt ảnh hưởng tới cả Gia Định, Chợ Lớn, Vũng Tàu. Vào ngày 16 âm lịch ấy, mưa dầm từ trưa đến 4 giờ chiều, gió rung cây lá đổ rồi quần quật đổ cả cây, lần lượt nhà lá sập rệu rã trong mưa giông. Cần biết rằng, thời điểm này chính là lúc các đình làng khai hội Kỳ Yên đầu năm, trong làng làm lễ cúng Thần, xây chầu đại bội, đào kép còn mang râu đội mão, bị nước dâng ngập lụt tới góc đình, có người mắc kẹt trên cây, mặt mày còn nguyên phấn son trang điểm, kêu la cầu cứu. Những tài liệu và sách báo cũ (gọi là “năm Thìn bão lụt”) mô tả: Cơn bão năm Giáp Thìn ảnh hưởng hầu như khắp Nam Kỳ, sang tận Campuchia. Các nơi bị thiệt hại nặng nề nhất là Gò Công, Mỹ Tho (Tiền Giang); Tân An (Long An); Chợ Lớn, Gia Định (Sài Gòn) và dọc theo vùng duyên hải. Nhiều thôn ấp ở gần bờ biển đã bị một hải lưu cao đến 3,5 mét cuốn đi mất. Làng mạc Gò Công tiêu điều chết chóc sau bão lụt. Cũng cần nói thêm, đến tháng 5 năm đó, phần do người và súc vật chết sình trương, phần cây cỏ ẩm mục, nhà cửa ngập lụt không vệ sinh nên người dân Gò Công lại hứng họa dịch bệnh, khổ ải vô cùng.
- Ngày 8 tháng 4 năm Giáp Thìn (1904), nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu cùng với Cường Để và hơn 20 đồng chí khác họp ở tư gia của Nguyễn Tiểu La tại Nam Thịnh sơn trang (Thăng Bình, Quảng Nam), thành lập Duy Tân Hội. Kỳ Ngoại hầu Cường Để (cháu 5 đời của chúa Nguyễn Phúc Cảnh) được mời làm Hội chủ. Hội Duy Tân (còn có tên gọi khác là Ám Xã) là một tổ chức bí mật kháng Pháp tập hợp những sĩ phu yêu nước tiến bộ, đã hoạt động và tồn tại cho đến năm 1912 thì tự giải tán.
- Bính Thìn – 1916:
- Nửa đêm 3 tháng 5-1916, vua Duy Tân trốn ra khỏi kinh thành Huế cùng với hai người hộ vệ là Tôn Thất Đề và Nguyễn Quang Siêu để đi gặp hai nhà cách mạng Thái Phiên và Trần Cao Vân; rồi vào đêm 4-5-1916 vua bí mật lãnh đạo khởi nghĩa chống Pháp. Cuộc khởi nghĩa không thành, vua Duy Tân bị bắt và đày sang đảo Réunion ở châu Phi).
- Ngày 17-5-1916 (16 tháng 4 Bính Thìn) hai vị anh hùng dân tộc chống Pháp là Thái Phiên và Trần Cao Vân bị giặc hành quyết bên cồn Mả Thi (Huế).
- Kết thúc phong trào Thiên Địa Hội chống Pháp ở Nam Kỳ.
- Canh Thìn – 1940:
- Chiến tranh thế giới lần thứ II (1939-1945) đang ở trong giai đoạn khởi đầu. Tháng 9 năm 1940, Nhật tràn vào Đông Dương, Pháp đầu hàng. Dưới sự lãnh đạo của Việt Minh (Việt Nam Cách Mạng Đồng Minh Hội) các địa phương đã nổi lên khởi nghĩa kháng chiến chống thực dân. Khởi nghĩa Bắc Sơn ở Bắc Kỳ vào tháng 9 năm 1940. Khởi nghĩa Nam Kỳ vào tháng 11 năm 1940.
- Giáp Thìn – 1964:
- Lại xảy ra trận lụt lớn tại Quảng Nam vào ngày mùng 6 tháng 10 năm Giáp Thìn (1964). Trưa ngày mùng 5 tháng 10, trời vẫn còn thoang thoảng nắng; đến chiều tối hôm đó bỗng dưng mưa ầm ầm trút xuống. Mưa không dứt và mỗi lúc một nặng hạt, kéo dài mãi đến chiều tối mùng 6. Dân chúng trong các làng dọc 2 bờ sông Thu Bồn, Vu Gia (Quảng Nam) vội vàng dắt díu nhau lên các chỗ cao nhất để tránh lụt. Thế nhưng, nước trút xuống như thác đổ về, hàng trăm người ngã vào dòng nước chới với kêu la. Tiếng gào khóc thảm thiết của trẻ em, phụ nữ vang cả góc trời rồi thoáng chốc rơi vào hư không yên lặng đến rợn người. Trong số các làng xã đó, làng Đông An (nay thuộc xã Quế Phước, huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam) là nơi hứng chịu tang thương nhất: Lũ lụt đã cuốn trôi toàn bộ nhà cửa, san bằng làng mạc, và đau thương nhất là cuốn đi hầu hết người trong làng; cả làng chỉ còn lại 19 người. Hiện nay vào ngày tháng ấy, vào làng đi sâu vào từng ngõ xóm sẽ dễ dàng thấy được nhà nào cũng nghi ngút khói hương cúng giỗ (gọi là ngày Giỗ Hội) những nạn nhân của “trận lụt năm Thìn” lịch sử.
- Năm Giáp Thìn 1964 cũng là năm có nhiều biến cố xảy ra tại miền Nam Việt Nam (Việt Nam Cọng Hòa). Sau cuộc đảo chánh của Quân đội ngày 1-11-1963, Tổng thống Ngô Đình Diệm và Cố vấn Chính trị Ngô Đình Nhu bị thảm sát; trong khi Phật Giáo chấn chỉnh, khắc phục những hậu quả thảm khốc của mùa Pháp Nạn 1963 thì bắt đầu từ ngày 30-1-1964, liên tục các cuộc “chỉnh lý”, đảo chánh, thay đổi cơ cấu chính trị và lãnh đạo chính phủ… xảy ra trên lãnh thổ nước Việt Nam Cộng Hòa liền mấy năm sau đó…
QUANG MAI sưu lục.