Những mùa Xuân đi vào lịch sử dân tộc Việt

0

Với lịch sử của một dân tộc triền miên chìm trong đao binh chiến trận như đất nước Việt Nam khốn khó, hết khởi nghĩa chống ngoại xâm qua các thời kỳ Bắc thuộc tăm tối; đến kháng chiến, đấu tranh giành độc lập, tự chủ trong những thời kỳ đô hộ, “bảo hộ” mù mịt, dối gian; rồi máu lửa tang thương trong giai đoạn nội chiến kinh hoàng, khốc liệt trên đất Mẹ, thì những sự kiện lịch sử bi hùng, những chiến thắng lẫy lừng, những chiến công hiển hách của tiền nhân dĩ nhiên không chỉ diễn ra vào những mùa Xuân mà có thể nói là trải dài khắp mọi thời gian, không gian theo chiều dài lịch sử…

Tuy nhiên vốn có truyền thống “ôn cố tri tân”, những ngày đầu năm mới, lớp hậu duệ người Việt chúng ta thường có thói quen đưa ký ức tìm về những thời điểm tương đồng thời xưa cũ để gợi nhớ gợi thương, để tự tôn tự hào về hằng hằng lớp lớp các bậc tiền nhân đã làm nên những điều kỳ diệu mà năm tháng ngày giờ này, trong thời điểm hiện tại, trong không gian hiện thời chúng ta được phúc duyên thừa hưởng.

Mai đào đang nhẹ nhàng phô sắc ngoài sân trong nắng mới đầu xuân yên ả, hương trầm vẫn thanh thoát quyện tỏa trên án thờ tổ tông thiết bày mộc mạc mà sao quá đổi thiêng liêng, tưởng như có lẫn khuất đâu đây cả anh linh nòi giống, cả hồn thiêng sông núi hội về cùng mùa xuân dân tộc…

Hãy cùng lắng lòng, hít thật sâu, thở thật nhẹ, chậm rãi, chậm rãi… thả hồn quay trở lại những mùa xuân xưa cũ năm nào…

oOo

Mùa Xuân năm 40 (Canh Tý): Hai chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị phất cờ khởi nghĩa ở Hát Môn, cùng quân dân Giao Chỉ đánh bại quân xâm lăng Đông Hán, giành lại nền tự chủ nước nhà. Trưng Trắc xưng vương lấy hiệu là Trưng Vương (Trưng Nữ Vương), lập nên kinh đô ở Mê Linh. Đây là mùa xuân đầu tiên nước Việt có được quyền tự chủ, và cũng là lần đầu tiên người phụ nữ Việt Nam quật khởi, lãnh đạo cuộc chiến chống xâm lăng bằng một đội quân có rất nhiều những nữ binh, nữ tướng như: Trưng Trắc, Trưng Nhị, Lê Chân, Lê Hoa, Xuân Hương, Phương Dung, Trinh Thục, Diệu Tiên, Thiện Hoa, Đào Kỳ, Thánh Thiên, Man Thiện, Bát Nàn, Nàng Đô, Nàng Tía, Ả Tắc, Ả Di, Ả Lã… Người đời sau tôn xưng hai chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị bằng chỉ một tên gọi thân thương mà tôn kính là Hai Bà Trưng.

Trưng Nữ Vương (Hai Bà Trưng, Trưng Trắc & Trưng Nhị) – Tranh vẽ Viettoon.

Mùa Xuân năm 248 (Mậu Thìn): Một lần nữa, người phụ nữ Việt Nam lại tỏ rỏ tinh thần dũng liệt qua một nữ tướng oai hùng khác: Triệu Thị Trinh đã cùng anh trai mình là Triệu Quốc Đạt khởi nghĩa ở núi Ngàn Nưa, chiêu tập quân binh nổi dậy với nhiều anh hùng hào kiệt khắp nơi tụ hội, đánh đuổi quân xâm lược Đông Ngô. Từ thời đó đến mãi đến ngàn sau, chí khí hùng anh của hàng nữ nhi nước Việt thường được miêu tả như là “tinh thần bất khuất của Bà Trưng – Bà Triệu” hoặc “tinh thần Trưng-Triệu”.

Triệu Nữ Vương (Bà Triệu, Triệu Thị Trinh) – Tranh vẽ Viettoon.

Mùa Xuân năm 544 (Giáp Tý): Lý Bí xưng vương, lấy hiệu là Lý Nam Đế, đặt tên nước là Vạn Xuân sau khi đánh bại cuộc xâm lăng của quân Lương. Đất nước bước vào thời kỳ thanh bình, độc lập. Đáng tiếc là sau đó do mâu thuẫn, tranh quyền từ trong nội bộ đã tạo nên cơ hội cho nhà Tùy sang xâm lược, đặt đất nước vào tình trạng lệ thuộc triều đình phương Bắc một lần nữa.

Vua Lý Nam Đế (Lý Bí) và Triệu Quang Phục – Tranh vẽ Viettoon.

Mùa Xuân năm 938 (Mậu Tuất): Ngô Quyền chỉ huy quân dân đánh tan tác đoàn quân xâm lược lần thứ hai của quân Nam Hán trên dòng sông Bạch Đằng. Sau chiến công oanh liệt lẫy lừng này, dân tộc Việt thoát khỏi thời kỳ “ngàn năm Bắc thuộc” trong dòng lịch sử bi hùng.

Trận chiến Bạch Đằng Giang – Tranh vẽ, Internet.

Mùa Xuân năm 939 (Kỷ Hợi): Một năm sau chiến thắng Bạch Đằng, Ngô Quyền lên ngôi vua, xưng là Tiền Ngô Vương. Từ mùa xuân này, nước Việt đã thực sự trở thành một quốc gia độc lập, tự chủ, mở ra một trang sử mới cho dân tộc trong thời kỳ xây dựng chế độ tập quyền phong kiến lúc bấy giờ.

Tiền Ngô Vương (Ngô Quyền) – Tranh vẽ Vieetoon.

Mùa Xuân năm 981 (Tân Tỵ): Thập Đạo Tướng Quân Lê Hoàn với sự hậu thuẫn của Thái Hậu Dương Văn Nga và sự ủng hộ các quan lại đồng triều, lên ngôi hoàng đế hiệu là Lê Đại Hành rồi xuất quân, cùng quân dân Đại Cồ Việt đã đánh bại quân xâm lược Tống cũng trên dòng sông Bạch Đằng lịch sử lần thứ 2. Trận thắng Bạch Đằng lần này lại ghi thêm một chiến công chói lọi trong lịch sử cũng như quân sử nòi giống Việt.

Vua Lê Đại Hành (Lê Hoàn) – Tranh vẽ Viettoon.

Mùa Xuân năm 1010 (Canh Tuất): Lý Thái Tổ với tầm nhìn chiến lược sáng suốt của một anh quân, đã quyết định dời kinh đô Hoa Lư về Đại La và đổi tên thành kinh đô Thăng Long. Sự kiện này đã tạo thêm nhiều điều kiện mở mang thuận lợi hơn cho đất nước phát triển về quân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và nhất là văn hóa.

Vua Lý Thái Tổ – Tranh vẽ Vietttoon.

Mùa xuân năm 1076 (Bính Thìn): Bằng trận đại chiến trên phòng tuyến bên sông Như Nguyệt, Lý Thường Kiệt cùng quân dân Đại Việt đã đánh bại đoàn quân xâm lược nhà Tống. Chính trong trận quyết chiến này mấy vần thơ của ông được xem như “bản Tuyên Ngôn Độc Lập đầu tiên” của dân tộc Việt truyền tụng rộng rãi khắp bờ cõi, cứng rắn khẳng định chủ quyền dân tộc:

Nam quốc sơn hà Nam đế cư
Tuyệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhử đẳng hành khang thủ bại hư.

Tạm dịch:

Sông núi nước Nam, vua Nam ở
Rành rành định rõ tại sách trời
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm?
Chúng bây sẽ bị đánh tơi bời!

Lý Thường Kiệt và “bản tuyên ngôn” Nam Quốc Sơn Hà – Tranh vẽ Viettoon.

Mùa Xuân 1285 (Ất Dậu): Đạo quân Nguyên-Mông thường được ví von là “vó ngựa đến đâu, cỏ cây cũng không mọc nổi” đã phải đại bại dưới tay quân dân Đại Việt với sự lãnh đạo của các vua Trần và các tướng lãnh: Trần Quốc Tuấn, Trần Quang Khải, Phạm Ngũ Lão, Trần Bình Trọng, Trần Quốc Toản v.v… Từ những chiến công đánh đuổi đạo kiêu binh Nguyên-Mông này mà Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn được thế giới xếp vào hàng những tướng tài lừng danh thời trung đại.

Hưng Đạo Vương (Trần Quốc Tuấn) – Tranh vẽ Viettoon.

Mùa Xuân 1418 (Mậu Tuất): Người anh hùng áo vải Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa triêu mộ binh mã ở Lam Sơn, chiêu hiền đãi sĩ, nuôi quân rèn binh để rồi đã đánh bại đại quân Minh xâm lược sau 10 năm kháng chiến tuy gian khổ nhưng hết sức kiêu hùng.

Vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) – Tranh vẽ Viettoon.

Mùa Xuân năm 1428 (Mậu Thân): Sau khi đại thắng quân Minh, Bình Định Vương Lê Lợi lên ngôi vua, vương hiệu là Lê Thái Tổ, quốc hiệu là Đại Việt. Trong mùa xuân năm này, “bài cáo bình Ngô” được Nguyễn Trãi thay lời Bình Định Vương soạn thảo để tuyên cáo với quốc dân về việc giành chiến thắng trong cuộc kháng chiến chống quân Minh. Bình Ngô Đại Cáo lấy chủ trương “đem đại nghĩa để thắng hung tàn; lấy chí nhân để thay cường bạo” nhưng với lời lẽ đanh thép khẳng định nền độc lập của nước Đại Việt, được coi là bản Tuyên Ngôn Độc Lập thứ hai của Việt Nam, sau bài Nam Quốc Sơn Hà:

…Đại Việt ta từ trước
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu
Núi sông bờ cõi đã chia
Phong tục Bắc – Nam cũng khác
Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần, bao đời xây nền độc lập
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên, mỗi bên hùng cứ một phương
Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau
Song hào kiệt thời nào cũng có…

Trích nguyên văn:

…Đại Việt chi quốc
Thực vi văn hiến chi bang
Sơn xuyên chi phong vực ký thù
Nam bắc chi phong tục diệc dị
Tự Triệu Đinh Lý Trần chi triệu tạo ngã quốc
Dữ Hán Đường Tống Nguyên nhi các đế nhất phương
Tuy cường nhược thì hữu bất đồng
Nhi hào kiệt thế vị thường phạp…

Nguyễn Trải (tác giả Bình Ngô Đại Cáo) – Phù điêu, ảnh Internet.

Mùa Xuân năm 1789 (Kỷ Dậu): Vua Quang Trung (Nguyễn Huệ) đã chỉ huy quân dân thần tốc tiến binh làm nên trận thắng Đống Đa (Hà Hồi – Ngọc Hồi…) lịch sử, đại phá hai mươi chín vạn quân Thanh, đánh bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lăng cuối cùng của triều đình phương Bắc, tỏ rỏ chí khí hùng anh: “đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ” (đánh quân giặc để cho lịch sử biết nước Nam anh hùng là có chủ) trong bài hịch xuất quân của Quang Trung – Nguyễn Huệ tại “Lễ Thệ Sư” ở gò Đống Đa vào giữa đêm giao thừa Xuân Kỷ Dậu.

Vua Quang Trung (Nguyễn Huệ) – Tranh vẽ Viettoon.

QUANG MAI tìm tòi.

Share.

Leave A Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.