Ôn lại các sự kiện những năm Dần trong Việt sử

TVGĐPT – Năm vừa qua, dân tộc Việt tiễn đưa một năm 2021 Tân Sửu đầy biến động, mà đặc biệt nhất là ảnh hưởng của trận đại dịch thế kỷ Corona virus Vũ Hán hoành hành trên khắp toàn cầu. Đất nước chúng ta cùng chịu chung thảm họa với toàn thế giới, đặc biệt là trong trận bùng phát dịch thứ tư – kể từ ngày 27/4/2021 – khiến hằng mấy triệu mấy người trong nước nhiễm bệnh, hằng mấy chục ngàn người không may mất mạng, và vô số người, vô số gia đình phải lâm vào cảnh điêu đứng, lầm than…

Với ước vọng bước sang năm mới 2022 Nhâm Dần – tức “năm con Cọp” trong “12 con giáp” theo truyền thống văn hóa Á Đông xưa và theo Việt lịch (âm lịch) – nhân loại toàn cầu sẽ thoát qua được cơn đại dịch, người người được an ổn bình yên, nhà nhà được an cư lạc nghiệp, một năm nữa Thư Viện GĐPT lại cố công sưu tập một số sự kiện đặc biệt vào các NĂM DẦN (và dĩ nhiên là chưa đầy đủ hết) trong dòng sử Việt, để chúng ta trong những ngày đầu năm mới cùng ôn cố tri tân, nhìn lại dòng chảy hào hùng có, bi thương có của dân tộc trong quá trình từ khi lập quốc mà một thời gian không hề ngắn trong dòng Việt sử là Bắc thuộc, chịu sự đô hộ của ngoại xâm; cho đến ngày nay lại vẫn tiếp tục cùng cả hành tinh nhận lãnh hậu quả bi thảm trong trận đại dịch kinh hoàng do một chủng loài virus gây ra, mặc dù chưa ai xác quyết hoàn toàn nguyên nhân, nhưng ai cũng biết rõ xuất xứ đầu tiên là từ Vũ Hán thuộc nước láng giềng phương Bắc Việt Nam…

oOo

Nhâm Dần – 42 sau TL: Để phục hận lần thua trận nhục nhã của đoàn quân xâm lăng mà cuối cùng Thái Thú Giao Chỉ là Tô Định bị đánh đuổi, phải cạo râu tóc, trà trộn vào loạn quân, vứt bỏ ấn tín mà tháo chạy theo đám tàn quân về Tàu (rồi bị hạ ngục) năm trước, nhà Đông Hán sai Mã Viện làm Phục Ba Tướng Quân cùng Trung Lang Tướng là Lưu Long, Lâu Thuyền Tướng Quân là Đoàn Chí đem quân Trường Sa, Quế Dương, Linh Lăng, Thương Ngô với 2 vạn quân tinh nhuệ, 2 nghìn xe, thuyền và rất nhiều dân phu, quay trở lại phục thù, tiếp tục xâm lược nước ta. Trưng Nữ Vương cùng quân binh chủ động đón đánh giặc ngay từ vùng địa đầu tổ quốc, rồi lui về chặn và vây chặt quân giặc ở Lãng Bạc (huyện Gia Lương, Bắc Ninh ngày nay) khiến Mã Viện phải một phen nao núng.

(Mùa hè năm sau – Quý Mão, 43 sau TL – vì quân ít thế cô, Hai Bà Trưng phải lui quân về Cẩm Khê rồi nhảy xuống Hát Giang trầm mình tuẫn tiết).

Nhắc lại lịch sử: Năm trước đó (tức Tân Sửu – 41 sau TL), Trưng Trắc và Trưng Nhị xưng Vương tại đất Mê Linh sau khi cuộc khởi nghĩa chống ngoại xâm thành công, lật đổ ách thống trị của nhà Đông Hán; giành lại nền tự chủ đất nước sau 150 năm Bắc thuộc; hình thành một quốc gia độc lập; thiết lập chế độ quân chủ nữ quyền đầu tiên ở Việt Nam.

Giáp Dần – 114: Nhật Nam bị sóng thần lớn, đất sụt xuống biển hằng trăm dặm.

Canh Dần – 210: Tôn Quyền (chúa Đông Ngô) sai Bộ Chất làm Thứ Sử Giao Châu.

Bính Dần – 246: Trước khởi nghĩa Bà Triệu 2 năm, có người khuyên Triệu Trinh Nương (tức Triệu Ẩu – sau là Triệu Nữ Vương) lấy chồng, không nên “làm loạn”; nhưng bà khẳng khái đáp: “Tôi muốn cưỡi con gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển khơi, đánh đuổi quân Ngô giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ chứ không cam chịu làm tỳ thiếp người”.

Bính Dần – 546: Quốc gia Vạn Xuân độc lập, Lý Bí lên ngôi hoàng đế; lập triều đình có văn quan, võ tướng; dựng chùa khai quốc; ban sắc phong cho liệt nữ anh hùng Triệu Trinh Nương.

– Trần Bá Tiên đánh thành Gia Ninh, Lý Bôn (Lý Nam Đế) lui quân về giữ Tân Xương, về sau Lý Nam Đế thường đau ốm nên giao binh quyền cho Tả tướng quốc Triệu Quang Phục giữ sứ mệnh ngăn chống quân Lương.

Canh Dần – 570: Triệu Việt Vương chia đất và kết thông gia với Lý Phật Tử nhưng bị lầm kế gián điệp nên bị thua trận phải tự vẫn.

Mậu Dần – 618: Nhà Tùy sai sứ sang dụ hàng Tiết Độ Sứ Giao Châu là Khấu Hòa nhưng bất thành nên đem quân sang đánh, Khấu Hòa về hàng Nam Ðường.

Giáp Dần – 714: Ðời Ðường Huyền Tông, Chiêm Thành không triều cống nước Tàu và đem quân sang quấy nhiễu Giao Châu.

– Khởi nghĩa của nghĩa quân Mai Thúc Loan (Mai Hắc Đế) thắng lợi, lật đổ chính quyền đô hộ nhà Đường, giành độc lập cho đất nước.

Giáp Dần – 834: Quân Nam Chiếu sang cướp phá Giao Châu, bị Thứ Sử kiêm Kinh Lược Sứ Bùi Nguyên Hựu dẹp tan.

Mậu Dần – 858: Quân Nam Chiếu lại sang cướp phá Giao Châu, Kinh Lược Sứ Giao Châu là Vương Thức đem quân đánh đuổi đến tận Vân Nam. Giao Châu tạm yên từ đó.

Bính Dần – 906: Khúc Thừa Dụ đứng ra lãnh đạo dân chúng nổi lên lật đổ sự đô hộ của nhà Đường, chiếm thành Đại La, tự xưng là Tiết Độ Sứ, dựng nên một nhà nước tự chủ, được lịch sử ghi công là người đặt cơ sở cho nền độc lập dân tộc. Trước những hành động quyết liệt của quân dân Giao Châu, ngày 11 tháng Giêng âm lịch (7/2/906), Ðường Tuyên Ðế buộc phải gia phong tước Đồng Bình Chương Sự cho Tĩnh Hải Quân Tiết Độ Sứ Khúc Thừa Dụ, thừa nhận người Việt tự chủ cai quản đất Việt, chấm dứt về căn bản thời kỳ Bắc thuộc kéo dài hơn 1.000 năm.

Nhắc lại lịch sử: Năm 866, theo thỉnh cầu của Cao Biền, Đường Ý Tông (Trung Hoa) thăng “An Nam Đô Hộ Phủ” thành “Tĩnh Hải Quân”. Quân là đơn vị hành chánh nội thuộc được xem trọng hơn đô hộ phủ, có thể bổ nhiệm Tiết Độ Sứ, mỗi quân gồm từ vài châu cho đến trên 10 châu. Trước đó hơn 8 đời Tiết Độ Sứ tại Tĩnh Hải Quân đều bổ nhiệm các quan người Trung Quốc; Khúc Thừa Dụ là Tiết Độ Sứ người Việt đầu tiên, như hàm ý là quan chức đứng đầu một trấn của Trung Quốc trên danh nghĩa, nhưng trên thực tế thì Tĩnh Hải Quân do người Việt tự cai quản.

Giáp Dần – 942: Ngô Quyền sau chiến thắng Bạch Đằng 4 năm, kết thúc thời kỳ mất nước kéo dài 1.000 năm Bắc thuộc.

Bính Dần – 966: Nam Tấn Vương Ngô Xương Văn mất, kéo theo sự sụp đổ của nhà Ngô. Nhân lúc triều đình trung ương nhà Ngô suy yếu, các thủ lãnh địa phương nổi lên, mỗi người chiếm giữ, hùng cứ một vùng đất riêng; tình trạng cát cứ này tạo nên “loạn Thập Nhị Sứ Quân” (12 sứ quân). Vua nhà Ngô là Xương Xí chỉ còn giữ được đất Bình Kiều. Về sau Ðinh Bộ Lĩnh dẹp tan “loạn sứ quân”, thống nhất đất nước, làm tiền đề cho Đinh Tiên Hoàng 2 năm sau dẹp yên bờ cõi và quốc gia Đại Cồ Việt ra đời ở Hoa Lư.

Canh Dần – 990: Vua Lê Ðại Hành đánh chiếm ba châu Ðịa Lý, Ma Linh và Bố Chính của Chiêm Thành. Sau đó sai Phụ Quốc Tướng Quân Ngô Tử An đem 3 vạn quân mở con đường từ biên giới Chiêm – Việt ở Thạch Hà (Hà Tĩnh) tới châu Ðịa Lý (Quảng Bình). Ðây là con đường bộ đầu tiên của nước ta.

– Thời Tiền Lê phồn thịnh, Lê Hoàn (Lê Đại Hành) nhân năm mới tiếp sứ Tống nhưng không quỳ trước chiếu văn của vua nhà Tống mà còn dặn sứ Tống sau này tiếp chiếu chỉ ở biên giới, sứ Tống không được vào kinh thành Hoa Lư.

Nhâm Dần – 1002: Quốc gia thái bình thịnh trị, vua Lê Ðại Hành chỉnh đốn luật pháp; định lại triều cương; đổi 10 đạo ra làm phủ, châu, lệ; chia tướng hiệu làm 2 ban Văn – Võ; trưng mộ binh sĩ bố phòng dọc biên cương phía Bắc đất nước; gia tăng trang bị quân đội và tăng cường quân sự, khuyến khích nông nghiệp; chấn chỉnh và cải cách chính trị, nuôi ý chí bành trướng về phương Nam để giải quyết nạn nhân mãn tại đồng bằng sông Hồng.

Giáp Dần – 1014: Quân Nam Chiếu lại xâm lấn miền thượng du Bắc Việt, vua Lý Thái Tổ sai Dục Thánh Vương đi tiễu trừ, thắng trận và bình định được toàn vùng.

– Khởi sự đắp thành Thăng Long.

Mậu Dần – 1038: Nùng Tôn Phúc chiếm đất Quảng Nguyên (Cao Bằng) và quy phục nhà Tống, bị vua Lý Thái Tông bắt và xử tử. Con Tôn Phúc và Trí Cao lại làm phản, chiếm Quảng Nguyên và Ung Châu, lập nước Ðại Nam, bị tướng nhà Tống là Ðịch Thanh dẹp yên. Từ đó nhà Tống có ý định thôn tính luôn Ðại Việt nhưng bị Lý Thường Kiệt bẻ gãy mưu đồ bằng cách xua quân chiếm Ung Châu, Khâm Châu và Liêm Châu của Tàu.

– Lý Thái Tông thân hành cày ruộng (gọi là cày tịch điền) ở cửa Bố Hải để làm gương cho dân chúng. Quần thần tâu: “Đó là việc của dân, bệ hạ chi phải nhọc lòng”. Lý Thái Tông bảo: “Trẫm không cày ruộng, lấy lúa gạo đâu mà ăn để phụng thờ tổ tiên, lấy gì làm gương cho thiên hạ”. Từ đó, các vua Lý kế vị, cứ mùa xuân đến đều noi gương tiên đế ra đồng cày ruộng, duy trì thông lệ đẹp đẽ này.

Giáp Dần – 1074: Chế Củ được vua Lý Thánh Tông tha về nước nhưng ngôi vua Chiêm Thành đã lọt về tay Madhavamurty nên nội chiến lại xảy ra. Cuối cùng Harivarman IV lên làm vua, đem quân đánh Ðại Việt và Chân Lạp. Lý Thường Kiệt dẹp yên, đồng thời tổ chức cuộc di dân tới ba châu Ðại Lý, Ma Linh và Bố Chính vừa mới chiếm của Chiêm Thành. Ðây là cuộc di dân đầu tiên của Ðại Việt.

Bính Dần – 1086: Lý Nhân Tông chọn nhân tài bằng cách mở khoa thi, bất luận là con quan hay con dân đều phải qua thi cử khảo hạch.

Mậu Dần – 1158: Theo lời khuyên của Nguyễn Quốc, Lý Anh Tông đưa ra lệ đặt một cái hòm đồng ở trước sân điện hoàng cung, ai có việc quốc sự muốn bàn hay có tâu trình, khiếu tố… thì viết giấy bỏ vào trong hòm đồng đó. Chỉ trong vòng một tháng, số sớ, thư, đơn… đã đầy hòm. Đây là một phương thức tiếp nhận ý kiến dân chúng tiến bộ và hiệu quả lần đầu tiên được áp dụng.

Nhâm Dần – 1182: Lý Cao Tông xuống chiếu cầu người hiền tài ra giúp nước, đồng thời cho chấn hưng nền văn hóa giáo dục và an ninh trật tự trong nước.

Mậu Dần – 1218: Liên quân Chiêm Thành và Chân Lạp cướp phá Nghệ An nhưng bị tướng Trấn Thủ là Lý Bất Nhiễm đánh tan.

Canh Dần – 1230: Nhà Trần ban hành các bộ sách đồ sộ quy định cách thức tổ chức, hoạt động của bộ máy triều chính trung ương và địa phương; sửa đổi các mức hình phạt trong luật hiện hành.

– Đại tu thành Thăng Long. Kinh thành tiếp tục được xây đắp, tu bổ kiên cố hơn.

Nhâm Dần – 1242: Nhà Trần tiến hành cải cách hành chánh địa phương quy mô lớn: chia lại đơn vị hành chánh lãnh thổ, cơ cấu lại hệ thống quan lại địa phương, làm sổ hộ khẩu, phân loại dân đinh, ấn định cặn kẽ chi tiết mức tô, thuế…

Bính Dần – 1266: Vua Trần Thánh Tông sai sứ sang nhà Nguyên yêu cầu bỏ lệnh bắt nước ta cống nho sinh (tú tài), thợ thuyền và các kỹ thuật gia, chỉ chấp thuận để tướng Mông Cổ là Nột Loát Ðài làm Ðạt-lỗ Cát-tề ở Ðại Việt. Ðây là chiến thuật hòa hoãn của nhà Trần trước ý đồ xâm lược lần thứ 2 của Nguyên-Mông.

– Tháng Chạp cùng năm, vua Nguyên lại sai Sài Thung sang hạch hỏi nước ta về lý do không chịu thi hành 6 điều khoản của Mông Cổ. Ghét tướng giặc phách lối, vua nhà Trần không thèm trả lời và đuổi tên này về nước. Ðó là nguyên nhân để Mông Cổ mượn cớ sang đánh nước ta lần thứ 2 nhưng cuối cùng cũng bị quân dân Ðại Việt đánh tan.

Mậu Dần – 1278: Sau chiến thắng quân Nguyên lần thứ nhất thời Trần Thánh Tông, Sứ thần phương Bắc vời vua Trần sang chầu nhưng vua Trần cự tuyệt.

Canh Dần – 1290: Sau khi chiến thắng quân Nguyên-Mông lần thứ 3, Thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Nhân Tông luận công định tội quần thần. Vua thân chinh làm tướng ra thao trường luyện tập quân sĩ. Tháng 5, Thượng hoàng mất tại phủ Thiên Trường, vua Nhân Tông sai sứ sang Yên Kinh báo tang và xin thụ phong.

Nhâm Dần – 1302: Trần Nhân Tông gia phong cho Trần Nhật Duật, Chiêu Văn Vương làm Thái Úy Quốc Công vì có công lao trong sự nghiệp chống xâm lăng của dân tộc.

– Vua Chiêm là Chế Mân cử phái đoàn sang Ðại Việt cầu hôn công chúa Huyền Trân nhưng dù đã được Thượng hoàng Trần Nhân Tông hứa gả vẫn bị vua Trần Anh Tông và triều thần từ chối. Cuối cùng Chế Mân xin dâng hai châu Ô, Rí (Quảng Trị và phía bắc Thừa Thiên ngày nay) làm sính lễ mới được nhà Trần chịu gả.

Giáp Dần – 1374: Thời Trần Dục Tông, nhà Trần lần đầu tiên mở khoa thi Tiến Sĩ ở Quốc Tử Giám (thi Đình). Sau Tiến sĩ, lấy người đỗ Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa, Hoàng giáp, Cập đề, Đồng cập đề đến 50 người (theo lệ cũ: thi Thái học sinh 7 năm một lần, chỉ lấy đỗ 30 người).

– Cũng trong năm này, nhà Trần áp dụng nhiều biện pháp để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc: cấm dân chúng mặc áo kiểu người phương Bắc; cấm bắt chước nói theo ngôn ngữ các nước Chiêm, Lào…

Mậu Dần – 1398: Tể tướng Hồ Quý Ly giữ quyền nhiếp chính và tiến hành cải cách ruộng đất toàn diện.

– Cùng năm, Hồ Quý Ly tự xưng là Khâm Ðức Hưng Liệt Đại Vương Quốc Tổ Nhiếp Chính, để lộ ý định thoán đoạt nhà Trần; lại sai Đạo sĩ Nguyễn Khánh dụ vua Thuận Tôn nhường ngôi cho Thiếu Ðế để đi tu. Nhân có Trần Thiểm Bình chạy sang Tàu cầu cứu, nhà Minh vin vào lý do trên đưa quân sang xâm lược và đô hộ nước ta hơn 10 năm.

Nhâm Dần – 1422: Giặc Minh và Lào liên kết vây đánh Bình Ðịnh Vương Lê Lợi nhưng ông thoát được về cố thủ tại núi Chí Linh. (Trước đó, bị quân Minh vây đánh nhiều trận, quân Lam Sơn khốn đốn 3 lần phải rút chạy lên núi Chí Linh vào những năm 1418, 1419, 1422 và một lần cố thủ ở Sách Khôi năm 1422. Trong một lần bị quân vây gắt ở núi Chí Linh – có sách ghi năm 1418, có sách ghi năm 1419 – quân sĩ hết lương ăn, một nghĩa sĩ của Lê Lợi là Lê Lai theo gương Kỷ Tín nhà Tây Hán đóng giả làm Lê Lợi, dẫn quân ra ngoài nhử quân Minh. Quân Minh tưởng là bắt được chúa Lam Sơn nên lơi lỏng phòng bị, Lê Lợi và các tướng lĩnh thừa cơ mở đường khác chạy thoát. Lê Lai bị quân Minh giải về Đông Quan và giết chết.

Giáp Dần – 1434: Lê Thái Tổ mất, thừa dịp vua Thái Tôn còn nhỏ, vua Chiêm là Bồ Ðề sang cướp chiếm Hóa Châu nhưng bị các tướng Lê Chuyết, Lê Liệt và Trần Lê Khôi đánh tan.

Bính Dần – 1446: Lê Thụ, Lê Khả đem quân đánh Chiêm Thành, vây hãm thành Ðồ Bàn (Bình Ðịnh) bắt vua Chiêm là Bì Cai cùng cung tần đem về Thăng Long, lập cháu vua Bồ Ðề là Ma Kha Quy Lai lên làm vua.

Mậu Dần – 1458: Bà La Trà Duyệt, cháu vua Bì Cai giết vua Quý Do, cướp ngôi và thông hiếu với nhà Minh. Trà Duyệt chết, con là Trà Toại lên làm vua vẫn tiếp tục gây hấn với Ðại Việt.

Canh Dần – 1470: Lê Thánh Tông lấy niên hiệu là Hồng Đức, xưng là Tao Đàn Đô Nguyên Soái.

– Theo gót Chế Bồng Nga, Trà Toại đem 10 vạn quân cướp phá Hóa Châu. Do đó vua Lê Thánh Tông đem lực lượng thủy bộ chinh phạt Chiêm Thành, đuổi Trà Toại chạy vào sông Phan Lang (Ninh Thuận), giải thoát đồng bào Thượng tại Cao Nguyên Trung Phần khỏi ách nô lệ của người Chàm, đồng thời vạch hẳn biên giới ngăn cấm người Thượng không được tràn xuống cướp phá đồng bằng.

– Lập bia tại núi Thạch Bi (giữa Khánh Hòa, Phú Yên) để ấn định biên giới Việt – Chiêm. Kể từ đó Chiêm Thành suy yếu cho đến khi diệt vong.

Bính Dần 1506: Nhà Hậu Lê tổ chức cuộc thi gồm cả quân, dân rất lớn ở sân điện Giảng Võ với 2 môn viết và toán. Hơn 3 vạn (30.000) người dự thi, lấy đỗ 1.519 người.

Canh Dần – 1530: Con Nguyễn Hoàng Dụ là Nguyễn Kim quyết tâm trung hưng nhà Lê nên đem quân từ Lào về đánh nhà Mạc, chiếm Thanh Hóa, và lập con cháu nhà Hậu Lê là Lê Duy Năng lên làm vua hiệu là Lê Trung Tông.

Giáp Dần – 1554: Nhà Mạc sai Kỳ Giang Bá Phạm Khắc Khoan vào đánh Thuận Hóa.

Mậu Dần – 1578: Chúa Nguyễn Hoàng cử Lương Văn Chánh làm Biên Quan mở mang bờ cõi về phương Nam, di dân tới lập nghiệp tại Bình Ðịnh, Phú Yên.

Nhâm Dần – 1602: Nguyễn Hoàng lập phủ Quảng Nam và sai Thế Tử Nguyễn Phúc Nguyên vào trấn thủ. Hội An từ đó trở thành thương cảng lớn của châu Á, có nhiều người phương Tây và Nhật, Tàu lui tới làm ăn buôn bán với cái tên ngoại quốc là Faifo.

– Chúa Nguyễn Hòa xây chùa Sùng Hóa ở xã Triêm Ân (Phú Vang, Thừa Thiên).

Giáp Dần – 1614: Chữ quốc ngữ (Việt Nam) do các Giáo sĩ Bồ Đào Nha sáng tạo ra bắt đầu hình thành và phát triển.

Bính Dần – 1626: Tháng 3, Sãi Vương Nguyễn Phúc Nguyên dời dinh vào xã Phước Yên (Quảng Ðiền, Thừa Thiên) để đề phòng chiến tranh với họ Trịnh ở phương Bắc.

– Tháng 8, vì chúa Nguyễn không chịu nộp thuế nên Trịnh Tráng sai Nguyễn Khải và Nguyễn Danh Thế đem 5.000 quân vào đóng ở Hà Trung (Hà Tĩnh), đồng thời sai Nguyễn Hữu Bổn mang sắc chỉ của vua Lê vào Thuận Hóa đòi thuế, nhưng Sãi Vương tìm cớ chối từ. Cuộc nội chiến giữa hai họ Trịnh – Nguyễn bắt đầu từ đó.

Mậu Dần – 1638: Chúa Thần Tôn ở Nam Hà đặt ra Tứ Trụ Đại Thần: nội tả, ngoại tả, nội hữu, ngoại hữu và các chức tri phủ, tri huyện để cai trị dân chúng địa phương.

Canh Dần – 1650: Quan hệ ngoại thương của nước ta bắt đầu phát triển. Lái buôn các thương thuyền Pháp, Ý, Bồ Đào Nha, Hà Lan và Nhật Bản khi tới Kẻ Chợ (Hà Nội) được phép lưu trú tại làng Thanh Trì, Khuyến Lương (ngoại thành Hà Nội).

Giáp Dần – 1674: Nặc Ông Ðài cầu viện quân Xiêm về đánh Chân Lạp, Nặc Ông Nộn sang cầu cứu. Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần sai Cai Cơ Nguyễn Dương Lâm đánh quân Xiêm, phá đồn Sài Côn, xây thành Nam Vang, Nặc Ông Ðài chạy trốn và chết trong rừng. Hiền Vương lập Nặc Ông Thu làm vua Lục Chân Lạp và Nặc Ông Nộn làm Phó Vương ở Sài Côn. Cũng từ đó người Việt bắt đầu vào khẩn hoang lập ấp tại miền Thủy Chân Lạp.

Bính Dần – 1686: Qua báo cáo của Verret tại Công ty Ðông Ấn, thực dân Pháp đã có ý định chiếm Côn Ðảo của Việt Nam nhưng chưa thực hiện thì bị Anh chiếm trước vào năm 1702.

Mậu Dần – 1698: Sau khi bình định xong Chiêm Thành, Ninh Vương Nguyễn Phúc Chu cử Thống Soái Nguyễn Hữu Cảnh (Kính) làm Kinh Lược Sứ phương Nam. Người Việt tại Ngũ Quảng theo chân đoàn quân Nam tiến tới lập nghiệp tại các vùng vừa khai phá. Thống Suất Nguyễn Hữu Cảnh kinh lý vào Nam, quyết định lập phủ Gia Định để quản lý 2 huyện Phước Long (Biên Hòa) và Tân Bình (Sài Gòn, từ sông Sài Gòn đến sông Vàm Cỏ Đông); chia đất Ðông Phố, lấy xứ Ðồng Nai lập huyện Phước Long, dinh Trấn Biên; xứ Sài Côn làm huyện Tân Bình. Sài Gòn xem như được hình thành kể từ đó.

Canh Dần – 1710: Chúa Nguyễn Phúc Chu đúc chuông chùa Thiên Mụ ở Huế nặng 3.285kg. Chúa đích thân làm bài Minh khắc vào chuông.

Bính Dần – 1746: Ðời chúa Túc Tông, vì tiền đồng bị dân chúng dùng để đúc đồ dùng nên triều đình phải mua kẽm của Hà Lan đúc tiền. Sự lưu hành đồng tiền này đã gây nên cuộc khủng hoảng tiền tệ vì các thương gia ngoại quốc không chấp nhận sử dụng tiền kẽm.

Canh Dần – 1770: Mọi Ðá Vách (Hre) ở phía tây Quảng Ngãi xuống cướp phá dân chúng ở bình nguyên. Chúa Nguyễn sai Ký Lục Quảng Nam là Trần Phước Thành đem quân 5 đạo quân binh đánh dẹp mới yên. Ông cho đặt các đồn binh dọc theo biên giới để trấn áp giặc và bảo vệ dân chúng.

Nhâm Dần – 1782: Khởi nghĩa Tây Sơn do 3 anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ khởi xướng từ năm 1771 đã lớn mạnh, Tây Sơn lãnh đạo dân chúng và binh sĩ tấn công mãnh liệt vào cả chính quyền chúa Nguyễn ở miền Nam lẫn chính quyền vua Lê – chúa Trịnh ở miền Bắc, giành thế chủ động trên khắp nước. Quân Tây Sơn đánh vào trấn Thuận Thành do Cai Tổng Tá là người Chiêm cai quản. Tá đem quốc ấn Chiêm Thành giao cho Tây Sơn nên được giữ lại chức cũ. Tây Sơn đánh thành Sài Côn, chúa Nguyễn Ánh đại bại, phải chạy trốn ra Phú Quốc và cầu viện nước ngoài. Nguyễn Ánh tuy thua chạy nhưng vẫn giữ được quốc ấn do chúa Nguyễn Phúc Chu đúc năm Vĩnh Thịnh thứ 5 (1709). Ấn này được các vua nhà Nguyễn làm quốc bửu truyền ngôi từ năm 1802 đến năm 1945.

– Trong lúc bị Nguyễn Huệ đuổi tại cửa Cần Giờ, thuyền Nguyễn Ánh được cá voi cứu vớt nên thoát chết. Vì vậy sau khi lên ngôi hoàng đế năm 1802, thống nhất Việt Nam, lập ra nhà Nguyễn, vua đã phong chức cho cá voi là Nam Hải Đại Tướng Quân, lập miếu phụng thờ, cúng tế. Tục thờ cá Ông từ phía nam đèo Ngang vào tới Hà Tiên có từ đó và trở thành tín ngưỡng của ngư dân Việt Nam tới bây giờ.

Giáp Dần – 1790: Nguyễn Ánh đem quân đánh Tây Sơn tại cửa Thị Nại (Quy Nhơn). Tháng 4, tướng Tây Sơn là Nguyễn Văn Huy và Trần Quang Diệu đem quân thủy bộ vào đánh Phú Yên và Diên Khánh, chúa Nguyễn Ánh từ Gia Ðịnh ra tiếp cứu nên quân Tây Sơn rút về. Nhưng khi quân Nguyễn Ánh về Nam, Tây Sơn vây hãm Diên Khánh, Bình Thuận.

Bính Dần 1806, Nguyễn Ánh lên ngôi hoàng đế lấy hiệu là Gia Long, trở thành vị vua đầu tiên của triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam.

Mậu Dần (1818) Vua Gia Long sai Trấn Thủ trấn Vĩnh Thanh là Nguyễn Văn Thoại huy động 1.500 dân công người Việt và Khmer đào sông Tam Khê (kênh Thoại Hà) dài 12.410 tầm (khoảng 31.769m), rộng 10 trượng (40m) và sâu 18 thước ta (7,2m), được hoàn thành chỉ sau 1 tháng.

Canh Dần – 1830: Vua Minh Mạng cử nhiều đoàn sứ thần đến các nước trên thế giới để thiết lập và phát triển quan hệ ngoại giao. Cũng trong năm này, nhà vua cho các công tượng hợp lực đóng và sửa chửa hoàn thiện những chiếc tàu thủy chạy bằng hơi nước.

Giáp Dần – 1854: Triều đình Huế cấm đạo gay gắt, quan lại tỉnh Bình Ðịnh phái quân sĩ lên tận Cao Nguyên Trung Phần lùng bắt giáo sĩ và giáo dân nhưng thất bại vì người Thượng không chịu hợp tác và chỉ đường.

– Cao Bá Quát nổi dậy chống lại sự áp bức của triều đình nhà Nguyễn. Cuộc khởi nghĩa nhanh chóng lan rộng và được dân chúng ủng hộ mạnh mẽ nhưng sau đó bị nhà Nguyễn đánh bại.

Bính Dần – 1866: Trương Quyền (là con trai Trương Định) nối chí cha, lập chiến khu tiếp tục chống Pháp. Nghĩa quân Trương Quyền liên kết với lực lượng của Thiên Hộ Dương cùng các lực lượng của người Khmer do Pokum, Pao lãnh đạo cùng tham gia và tổ chức đánh thắng nhiều trận ở Rạch Vịnh, Trà Vang (Tây Ninh), Thuận Kiều (Chợ Lớn), Củ Chi, Hóc Môn, Oudong (Campuchia)… tạo nên nhiều chiến thắng vang dội ở Việt Nam và Cao Miên, gây được thanh thế rất lớn khiến quân Pháp phải kinh sợ.

– Người Việt đầu tiên ở Cao Miên là Nguyễn Văn Ngân được Pháp cho giữ chức Châu Vay Khand (cai tổng) làng Việt kiều Vĩnh Lợi Tường, An Bình, thuộc tỉnh Prey Veng, đối diện với Tịnh Biên, tỉnh Châu Ðốc. Sau năm 1940, Cao Miên bãi bỏ quan chức của người Việt cũng như đổi tên làng xã bằng chữ Cam-bốt.

– Triều đình Huế gặp khó khăn với hãng buôn Anh Bona ở Hương Cảng về vụ mua lại chiếc tàu cũ. Lợi dụng việc vua Tự Ðức sai Phan Thanh Giản vào Nam nhờ Pháp giúp đỡ, thực dân ép Việt Nam nhượng thêm ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ nhưng bị từ chối. Tuy vậy La Grandiere vẫn ra lệnh tiến chiếm 3 tỉnh này.

– Tháng 5, Thống Soái Nam Kỳ sai Francis Garnier cầm đầu phái đoàn quân sự thám sát sông Mékong tới tận miền nam Trung Hoa. Sau đó Garnier báo cáo về Pháp yêu cầu phải chiếm Bắc Kỳ để làm thuộc địa thì mới cạnh tranh buôn bán nổi với Anh, Bồ Đào Nha, Hà Lan.

Mậu Dần – 1878: Hội Địa Dư Thương Mại Paris tổ chức Hội Chợ Thương Mại Quốc Tế, dùng tài liệu ngụy tạo để lường gạt dư luận trong và ngoài nước để Pháp có lý do xâm lăng Bắc Kỳ, qua cái gọi là thi hành hiệp ước 1874, được ký kết giữa Pháp và triều đình Huế. Căn cứ theo hòa ước này, Rheinart được Pháp đặt làm Khâm Sứ tại Huế nhưng không được triều đình chấp thuận, nên Pháp cử Philastre thay thế vào năm 1878. Sự căng thẳng giữa hai nước đã gây nên cuộc chính biến tại kinh thành Huế năm 1885 sau khi vua Tự Ðức băng hà.

– Ðể mở mang dân trí, vua Tự Ðức khuyến khích mọi người đóng thuyền sang Hương Cảng lập công ty làm ăn buôn bán, đồng thời còn cấp học bổng cho những người thông kinh sách đi Pháp và Hồng Kông du học trong 5 năm và sẽ được bổ làm quan sau khi tốt nghiệp. Truyền thống này đã có từ thời Minh Mạng khi nhà vua lập ra Tứ Ðịch Quán, được coi như trường dạy ngoại ngữ đầu tiên của nước ta tại Huế.

Canh Dần – 1890: Pháp nhập ba châu Sơn Tịnh, Nghĩa Hành, Mộ Ðức vào phủ Tư Nghĩa, còn trấn Sơn Phòng cũng giao luôn cho tỉnh Quảng Ngãi. Thay chức Bố Chánh bằng Tuần Vũ, cai trị tỉnh Quảng Ngãi gồm phủ Tư Nghĩa và 6 huyện trực thuộc.

– Phái đoàn thám hiểm nguời Pháp do Capet, Corgiard cầm đầu, khởi hành từ Sài Gòn đi dọc theo biên giới Việt-Miên-Lào tới được tỉnh Kon Tum. Họ đã kêu gọi thành công người Thượng đoàn kết đánh đuổi quân Xiêm La từ Lào tràn sang cướp phá và giết hại đồng bào ra khỏi lãnh thổ Cao Nguyên Trung Phần.

– Bác Sĩ Yersin và cũng là một nhà bác học người Thụy Sĩ đã tìm ra vi khuẩn gây bệnh bạch hầu (Tixinediphterique) nhưng vì ham thích đi đó đây, nên ông đã bỏ phòng thí nghiệm tại Paris để xin làm một bác sĩ trên thương thuyền chạy đường Sài Gòn – Manilla. Sau đó ông định cư hẳn tại Nha Trang (Khánh Hòa), thám hiểm Ðà Lạt và phát minh thuốc chữa bệnh dịch hạch.

Nhâm Dần – 1902: Tiểu La Nguyễn Thành, một Chí sĩ Cần Vương tại Quảng Nam cùng Phan Bội Châu lập Việt Nam Quang Phục Hội, tôn Kỳ Ngoại Hầu Cường Ðể làm Minh Chủ, với tôn chỉ dùng vũ lực đánh đuổi thực dân Pháp ra khỏi nước Việt Nam.

– Ngày 4 tháng 7, Pháp trả tỉnh Kontum và quận Ban Don cho Việt Nam sau một thời gian nhập vào Lào.

– Toàn quyền Ðông Dương Paul Beau có công phổ biến chữ quốc ngữ và nền tân học tại nước ta.

Giáp Dần – 1914: Ðại chiến thế giới lần thứ nhất (1914-1918) bùng nổ, để đề phòng Phan Chu Trinh đang ở Pháp theo Ðức, thực dân bắt ông giam vào ngục Sante (Paris) một năm sau mới thả.

– Nhiều cuộc nổi dậy chống thực dân Pháp tại Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ… do Việt Nam Quang Phục Hội lãnh đạo.

Bính Dần – 1926: Nhiều thanh niên trí thức Việt Nam gồm Nhượng Tống, Hoàng Phạm Trân, Nguyễn Thái Học, Phan Tuấn Tài, Hồ Văn Mịch… lập Nam Ðồng Thư Xã ở Hà Nội, xuất bản các loại sách chính trị với mục đích phổ biến sâu rộng tới đồng bào những tư tưởng cách mạng của Gandhi, Tôn Văn. Nhưng chỉ một thời gian ngắn, Pháp tịch thu hết sách báo và đóng cửa Nam Ðồng Thư Xã.

– Ngày 24 tháng 3, Tây Hồ Phan Chu Trinh tạ thế tại Phú Nhuận (Sài Gòn). Quốc dân cả nước kể cả người Việt tại Miên, Lào, Thái lập bàn thờ truy điệu và tới đưa đám tang trên hàng vạn người; nhiều học sinh bãi khóa, bất chấp thực dân ngăn cấm, đuổi học và bắt bớ, giam cầm.

– Khải Ðịnh chết, Bảo Ðại từ Pháp trở về Việt Nam lên ngôi Hoàng Đế Ðại Nam rồi lại sang Pháp tiếp tục học.

– Ngày 1 tháng 12, Phan Bội Châu đột ngột rời Huế ra Hà Nội nhưng bị mật thám Pháp bắt tại Vinh và giải về Huế cấm cố cho tới ngày qua đời (1940).

Mậu Dần – 1938: Tổng điều tra dân số toàn quốc (nước Việt Nam chúng ta lúc bấy giờ được xác nhận là có 19.510.000 người).

– Ngày 25 tháng 5, Hội Truyền Bá Quốc Ngữ chính thức ra mắt.

– Ngày 15 tháng 6, Toàn Quyền Đông Dương ra nghị định đặt quần đảo Hoàng Sa thành một đơn vị hành chánh riêng, trực thuộc tỉnh Thừa Thiên.

———=oOo=———

QUANG MAI sưu tập.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.