PHẬT HỌC VIỆN TRUNG PHẦN
TẠI NHA TRANG
Tác giả: Hải Đức
oOo
Bấy giờ, Nha Trang còn là một bãi cát và rừng hoang mọc toàn giống hoa mai biển. Đường giao thông chưa tiện, dân cư thưa thớt, Nha Trang chỉ là một làng ở ven bờ biển, chuyên về ngư nghiệp. Khoảng năm 1883 có Ngài tu sĩ pháp danh là Đạt Khương, đạo hiệu Viên Giác, chuyên tu về Thiền định. Vì mục đích hóa đạo, ngài lập tại phía tây Nha Trang (đầu mối đường Yersin và Hoàng Tử Cảnh hiện nay)[1] một thảo am hiệu Hải Đức để tu hành và giáo hóa bổn đạo.
Đến năm 1890, Ngài Phước Huệ Hòa Thượng tên húy là Nguyễn Hưng Long, nguyên quán làng Trung Kiên tỉnh Quảng Trị, mới mười sáu tuổi, trên bước đường theo hầu thân phụ từ kinh đô (Huế) đi nhậm chức trong tỉnh Bình Thuận, ngang qua Nha Trang thì thân phụ lâm bệnh, nên tạm dừng bước ở am Hải Đức để dưỡng bệnh, nhưng bất hạnh thân phụ từ trần tại đó. Gặp bước gian truân, tuổi còn thơ ấu, nhận thấy cuộc đời là huyễn mộng, sinh tử là vô thường nên cậu bé mười sáu tuổi phát tâm quy y đầu Phật với Ngài Viên Giác Thiền Sư, được ban cho pháp danh là Ngộ Tánh.
Năm 1894, vì chữ hiếu phải bái biệt sư phụ, chú tiểu Ngộ Tánh mang hài cốt thân phụ về an táng tại tổ quán. Hiếu sự hoàn mãn liền vào Huế tu học tại chùa Từ Hiếu. Năm 1908, thọ giới Tỳ-kheo tại Giới đàn Bảo Quốc, đạo hiệu Phước Huệ. Năm 1909, nhớ ân đức Bổn sư, ngài trở về Nha Trang viếng thầy xưa, cảnh cũ, nhưng khi đến Nha Trang thì Ngài Viên Giác Thiền Sư đã viên tịch, am xưa đã xiêu nát.
Lúc bấy giờ Nha Trang đã trở nên một thành phố, và tòa sứ Pháp đặt ngay tại cửa biển Cù Huân, dân cư quy tụ đông đảo. Nhân cơ hội ấy, để ghi nhớ ân đức của Bổn sư, Ngài Phước Huệ mời tất cả các Tăng giới và Cư sĩ thảo luận, đồng ý cải tạo am Hải Đức thành một ngôi chùa nguy nga tráng lệ, có sắc thái của một đại tòng lâm, quy tụ nhiều môn đồ, đệ tử tu học Phật Pháp. Vì sự thính chúng tu học đông đảo, mà danh từ “Chùa Hội” mới có, để nói lên sự tu học đông đảo ấy.
Sau khi ngôi chùa được kiến trúc huy hoàng, có Tăng chúng, có thanh quy, am Hải Đức trở thành một tu viện tiêu biểu cho nền Phật Pháp ở miền Nam Trung Phần, nên Bộ Lễ của Nam Triều chiếu cổ lệ, tấu ban sắc tứ Hải Đức Tự.
Năm 1939, niên hiệu Bảo Đại thứ 14, vì tuổi già sức yếu, trách nhiệm lại nặng nề, Ngài sợ không làm tròn bổn phận đối với Phật Pháp mặc dù cố đem hết khả năng phụng sự. Cơ duyên tốt đưa đến, Ngài chọn được một đệ tử có đức độ, đạo hạnh, học vấn uyên thâm cả Phật Pháp lẫn thế pháp đủ khả năng lãnh nhiệm vụ chấn hưng Phật Giáo Nam Trung Phần này. Đó là Thượng Tọa húy Trừng Dàn, tục danh Hoàng Hữu Đàng, nguyên quán làng Bích Khê, phủ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị, đắc pháp đại sự năm 1935 trong Đại Giới Đàn chùa Sắc Tứ Tịnh Quang, Quảng Trị do Hòa Thượng Hải Đức làm Đàn Đầu truyền giới, đạo hiệu là Bích Không Đại Sư. Nguyên Hòa thượng là trụ trì chùa Giác Phong tỉnh Quảng Trị cho nên cũng gọi là Giác Phong Đại Sư. Từ khi thay Ngài Phước Huệ, lãnh nhiệm vụ trụ trì chùa Hải Đức Nha Trang, vào khoảng 1939-1942, Thượng Tọa mở trường hoằng pháp cho Tăng chúng và Tín đồ tu học, tổ chức Kiết hạ An cư, làm cho công cuộc chấn hưng Phật Giáo tỉnh này phát triển mạnh mẽ; nhưng gặp phải thế chiến thứ hai (1935-1945), chùa Hải Đức lại nằm ở trung tâm thị xã nên cảnh huyên náo bên ngoài làm mất vẻ thanh tịnh. Ngài Hòa Thượng Phước Huệ nhận thấy bất tiện, nên triệu tập các hàng Tăng giới và bổn đạo của chùa quyết định giao trọn quyền cho Thượng Tọa Bích Không chọn một thắng địa nào thích hợp để cải tạo chùa Hải Đức (Thượng Tọa là người tinh thông địa lý).
XÂY DỰNG LẠI CHÙA HẢI ĐỨC TRÊN ĐỒI TRẠI THỦY
Thượng Tọa Bích Không đã nhọc nhằn dẫn bước khắp danh sơn, thắng địa tỉnh Khánh Hòa trong thời gian ba năm. Kiếm một chỗ thanh tịnh hợp cảnh tu tâm dưỡng tánh của các bậc xuất gia, thì lại xa dân cư, không hợp cho việc độ tha của hành nguyện Đại Thừa. Về sau chọn được một chỗ đất bên nách thành phố mà lại có vẻ ly trần thoát tục, tuy gần nơi phồn hoa đô hội, nhưng vẫn giữ được nét thanh tịnh của thiền lâm, đó là đồi Thủy Xưởng thuộc địa phận làng Phước Hải, cách cửa biển Nha Trang chừng cây số. Thượng Tọa Bích Không thỉnh ý Hòa Thượng, được Ngài chấp thuận. Ngài khởi công xây cất chùa từ 1940, đến đầu năm 1945 mới hoàn thành. Ngôi chùa được xây theo kiểu cổ kính Đông Phương, có vẻ thâm u tráng lệ, có triển vọng trở thành một đại tòng lâm, dùng làm cơ sở đào tạo Tăng tài cho Phật Giáo Việt Nam.
Thượng Tọa Bích Không có ý định mở trường kỳ khai đại giới đàn trong dịp khánh thành chùa Hải Đức. Nhưng rất tiếc thiện nguyện chưa đạt thì xảy ra cuộc kháng chiến chống Pháp, Ngài phải tản cư ra Huế, rồi tiếp đó tản cư ra Bắc Trung Nguyên Trung Phần, để lại ngôi chùa vừa kiến tạo xong với bao nhiêu lao tâm, lao lực.
Trong thời gian khói lửa lan tràn trên đất nước, Ngài Hòa Thượng Hải Đức ở Huế, còn chùa Hải Đức Nha Trang chỉ có các đệ tử nam nữ chăm lo với tính cách thủ thành, để khỏi bị phá hủy thôi. Năm 1950 Ngài Hòa Thượng mới trở lại Nha Trang, thấy tự viện bị hư hại, Ngài mới quy môn đồ, đệ tử chỉnh trang lại. Tôn ý của Ngài là chờ Thượng Tọa Bích Không hồi cư quản trị việc chùa dưới sự chỉ giáo của Ngài, nên Ngài không cử vị nào là trụ trì chính thức. Ngày 1 tháng Giêng năm Nhâm Thìn – tức 27 tháng 1 năm 1952, tuổi thọ gần 80, chờ không thấy tin Thượng Tọa Bích Không, Ngài phải tạm giải quyết bằng cách triệu tập các môn đồ và đệ tử đức hạnh, một bên Thiện nam, bên Tín nữ, lập thành Ban Hộ Tự, có nội quy và điều lệ đề quản trị việc chùa dưới sự chỉ giáo của Ngài. Ban Hộ Tự được thành lập lo tu bổ những gì hư hại, thất lạc trong 7 năm qua, kiến tạo thêm nhà Tăng, xây hồ dưới nước…
Vào khoảng đầu năm Giáp Ngọ, tức đầu tháng 1 năm 1955, chùa hay tin sét đánh: Thượng Tọa Bích Không đã viên tịch tại bệnh viện Nghệ An ngày Rằm tháng Chín năm Giáp Ngọ – tức 19 tháng 10 năm 1954[*].
THIẾT LẬP PHẬT HỌC VIỆN TRUNG PHẦN TẠI CHÙA HẢI ĐỨC NHA TRANG
Thế là ước vọng Thượng Tọa Bích Không hồi cư biến thành hư không. Mối suy tư của Hòa Thượng Phước Huệ càng tăng gia bội phần, giải pháp quản trị việc chùa do Ban Hộ Tự đảm nhận vẫn được duy trì đề đợi cơ duyên.
Vào năm 1956, hai Tổng Trị Sự Phật Giáo Trung Phần (Giáo Hội Tăng Già và Hội Phật Giáo Trung Phần) định thống nhất các Phật Học Đường thành một tổ chức đại quy mô về phương diện đào tạo Tăng tài và định chọn một địa điểm thuận tiện cho việc ra Trung, vào Nam, lên Cao Nguyên. Nha Trang là vị trí ưu tiên được lựa chọn.
Cơ duyên đã đến, Ngài Hòa Thượng liền triệu tập Ban Hộ Tự, môn đồ, đệ tử thảo luận và quyết định cúng đất chùa và các cơ sở liên hệ cho Phật Giáo Trung Phần để lập Phật Học Viện, mọi người sung sướng, hoan hỷ như được của báu chưa từng thấy. Ban Hộ Tự tuân lệnh liền đánh điện về hai Tổng Trị Sự, yêu cầu cử đại diện vào Nha Trang để bàn việc cúng chùa. Hai Tổng Trị Sự cử Thượng Tọa Trí Quang cùng Thượng Tọa Trí Thủ vào bàn các điều khoản giao ước về việc dâng cúng. Sau khi thỏa thuận, Thượng Tọa Trí Thủ thay mặt hai Tổng Trị Sự; bên cúng có Hòa Thượng Phước Huệ chủ chùa, môn đồ có Thầy Thích Chánh Nhàn và Ban Hộ Tự có các Đạo hữu Nguyễn Diệu, Nguyễn Vinh, Nguyễn Huy Phạm Ất… Hai bên đồng đứng ký giấy tình nguyện cúng chùa và nhận chùa với điều kiện thỏa hiệp ghi làm 7 khoản.
– Bản thỏa hiệp nguyện cúng chùa thành lập ngày 26 tháng 7 năm 1956, tức 19 tháng 6 năm Bính Thân, có đại diện tỉnh trưởng Khánh Hòa Lê Bá Chẩn – Phó tỉnh trưởng, nhận thật vào bản cúng nguyện.
– Biên bản hội đồng giao nhận chùa Hải Đức, các động sản và bất động sản liên hệ; đồng thời làm lễ nhập tự vào 22 tháng 8 năm Bính Thân, tức là ngày 26 tháng 9 năm 1956. Sau khi giao nhận, một Ban Quản Trị Phật Học Viện được thành lập do Ngài Hòa Thượng Thuyền Tôn làm Viện trưởng; Thượng Tọa Trí Quang là Phó viện trưởng; Thượng Tọa Trí Thủ là Giám viện thay mặt Chánh, Phó viện trưởng đảm nhiệm tất cả sinh hoạt của viện; Thượng Tọa Thiện Siêu là Giáo thọ trưởng; Thượng Tọa Huyền Quang là Tổng thư ký; Thượng Tọa Thiện Minh là Thủ quỹ.
Thượng Tọa giám viện hợp cùng Ban Trị Sự Tỉnh Hội Phật Giáo Khánh Hòa và Ban Hộ Tự cũ xúc tiến: Công việc trường ốc quy tụ học tăng ở các Phật Học Đường; tổ chức Đại Giới Đàn, khánh thành Phật Học Viện vào dịp lễ Thành Đạo 2.500 năm, ngày 8 tháng Chạp âm lịch (1957).
Dự Đại Giới Đàn này, có trên 100 Giới tử Tăng Ni thọ Tỳ-kheo Giới, trên 200 Giới tử thọ Tại Gia Bồ Tát và Thập Thiện Giới. Trên 10.000 người xa, gần, Trung – Nam đến tham dự.
Số học tăng mỗi ngày quy tụ mỗi đông, đòi hỏi rất nhiều phương tiện mới thỏa mãn được nhu cầu cần thiết. Vì vậy Ban Quản Trị ủy thác cho Thượng Tọa giám viện xây thêm nhà cửa, trường ốc để đủ tiện nghi cho Học tăng toàn quốc lưu trú và tu học, nên công cuộc kiến thiết phải được xúc tiến liền: Đầu năm 1958 đã xây dựng xong một ngôi nhà 20m x 10m phía sau chùa, đồng thời xây tiếp theo sau một bệnh xá 10m x 50 x 6m dành riêng cho bệnh Tăng. Ngày 10 tháng 5 năm 1959 hoàn thành một tịnh thất 36m x 9m chia ra 7 phòng rộng gồm: văn phòng Ban Giáo Thọ, phòng Học tăng, thư viện. Thư viện đặt giữa trung tâm tịnh thất, chứa một số kinh sách bằng Quốc văn và ngoại ngữ gần 5.000 quyển, Ngoài ra còn có một bộ Đại Tạng, bộ Thái Hư toàn thư bằng Hán văn.
Ngày 10 tháng 12 năm 1959 cất xong một tịnh nghiệp 16m x 6m trước ngõ đi lên chùa (phía thị xã Nha Trang) dùng làm chỗ tu học và thọ Bát Quan Trai Giới cho các hàng Cư sĩ và cũng là nơi tạm trú cho khách thập phương đi hành hương.
Ngày 7 tháng 8 năm 1960, hoàn thành một thiền thất do một Phật Tử phát tâm cúng dường dành cho quý Thượng Tọa, quý Đại Đức cần nơi thanh tịnh nhập thất, thiền định.
Ngày 3 tháng 1 năm 1961, đúc một quả đại hồng chung, kích thước phỏng theo đại hồng chung chùa Linh Mụ (Huế), cao 1m70 đường kính 1m10, nặng 1 nghìn lẻ 10 ký. Chuông này đặt phía đông chùa, dọc theo đỉnh núi lên tịnh thất Phật Học Viện.
Ban Quản Trị Phật Học Viện do Thượng Tọa giám viện Thích Trí Thủ đại diện, tùy theo nhu cầu hoằng pháp, ngoài tổ chức giáo dục Học tăng đủ các cấp Tiểu, Trung, Đại học ra, còn tổ chức thêm: Giảng Sư Đoàn; phiên dịch Kinh tạng; trước tác, xuất bản, các giáo khoa v.v…
Một Đại Hội Hoằng Pháp tại Phật Học Viện Trung Phần, Nha Trang được tổ chức trong thời gian 3 ngày 8, 9, 10 tháng 7 năm 1961 tức là ngày 26, 27, 28 tháng 5 năm Tân Sửu. Có gần 100 vị Đại biểu gồm quý Thượng Tọa, Đại Đức, Tăng Ni và quý vị Cư Sĩ toàn quốc có chí hướng và khả năng chuyên môn về hoằng pháp tham dự. Đại Hội thâu được kết quả mỹ mãn.
Để cung cấp cho một tổ chức đông đảo như vậy, Viện đã cố gắng thiết lập những cơ sở kinh tế tự túc như: mở xưởng vị trai Lá Bồ Đề, hương Giải Thoát, ấn quán Hoa Sen, tổng phát hành kinh sách v.v…
Quý vị Giảng sư, Trụ trì khắp Trung và Cao Nguyên Trung Phần; các vị Tăng hiệu trưởng các trường Bồ Đề; các vị du học… không ít thì nhiều đều do Phật Học Viện này tạo nên.
CÁC CÔNG TÁC DỰ ĐỊNH SẼ THỰC HIỆN CỦA PHẬT HỌC VIỆN[1]
San bằng đá núi để kiến tạo:
– Một tháp để kỷ niệm các Thánh Tử Đạo.
– Một kim thân Nhập Diệt thờ trong tháp.
– Một nghĩa trang (Niết Bàn Thánh) cho Chư Tăng.
– Một thư viện.
– Một tịnh thất cho 20 Giảng sư, có phòng họp, phòng tịnh dưỡng và lưu trú.
– Thành lập một Viện Đại Học Phật Giáo tại thị xã Nha Trang.
KẾT LUẬN
Lược thuật lai lịch chùa Hải Đức, từ khi còn là một thảo am (am tranh), sau thời gian 80 năm đã trở thành một cơ sở đào tạo Tăng tài, một cơ quan hoằng pháp lớn lao đồ sộ giúp ích không ít cho nền Phật Giáo nước nhà. Có được cơ sở như thế, hàng Phật Tử bốn phương nên ghi nhớ công đức vô lượng của các Ngài trước sau kế tiếp nhau đã lao tâm khổ tứ, đem thân mạng phụng sự cho chánh pháp, để cho cây bồ-đề ngày một kiên cố tốt tươi. Sau đây là danh sách các vị ấy:
– Ngài Viên Giác Thiền Sư hay là Đạt Khương, Tổ khai sơn chùa Hải Đức, từ năm 1883 đến năm 1908 (15 năm) Ngài đã gieo hạt giống Bồ-đề này ở miền Nam Trung Phần.
– Ngài Hòa Thượng Phước Huệ trùng lập thành một ngôi chùa nguy nga, tráng lệ, từ năm 1908 đến năm 1939 (31 năm) là người tiếp tục vun quén cây Bồ-đề ấy, để ngày một đâm chồi mọc nhánh, tỏa khắp đó đây.
– Thượng Tọa Bích Không chính thức lãnh nhiệm vụ trụ trì từ năm 1939 đến năm 1943 đã ra công dời chùa Hải Đức từ chỗ cũ lên kiến tạo ở trên đồi Trại Thủy, thuộc làng Phước Hải, bây giờ kiến lập thành một đại tòng làm cho đến năm 1945 mới hoàn thành (6 năm).
– Từ năm 1945 đến năm 1956, vì thời kỳ ly loạn, tạm “thủ thành” dưới sự điều khiển không liên tục của Ngài Hòa Thượng, Môn đồ, Ban Hộ Tự và đệ tử của Ngài.
– Từ ngày 26 tháng 9 năm 1926, là ngày Ban Phật Học Viện Trung Phần cử hành Lễ Nhập Tự, ủy nhiệm Thượng Tọa Thích Trí Thủ đảm nhiệm Giám viện Phật Học Viện Trung Phần, trụ trì chùa Hải Đức, Ủy Viên Hoằng Pháp của Giáo Hội. Với hạnh nguyện tiếp dẫn tương lai, báo Phật ân đức mà hoạt động cho Phật Pháp; nói ít làm nhiều, nên chỉ trong một thời gian ngắn, không tuyên truyền, không quyên góp rầm rộ, chỉ có chí thành xây dựng trong đạo hạnh hòa hiệp, được Tam Bảo từ bi gia hộ, thập phương Thiện Tín hưởng ứng âm thầm, thành tâm hợp tác, nên kết quả thu hoạch quá sự mong muốn của Tín đồ.
Xin thập phương Chư Phật tiếp tục gia hộ và thành tâm cầu nguyện cho gốc Bồ-đề mỗi ngày một được lớn lao, kiên cố, tươi đẹp cùng với không gian vô cùng, thời gian vô tận.
NAM MÔ THƯỜNG TINH TẤN BỒ TÁT
Viết xong ngày Phật xuất gia Phật lịch 2507
Đệ tử HẢI ĐỨC biên soạn.
Trích: Tạp chí Bát Nhã – Nguồn: Thư Viện Phật Việt.
———=oOo=———
[1] Thời điểm tác giả biên soạn bài này là năm 1972 – Thư Viện Phật Việt chú thích.
[*] Chỗ này có lẽ tác giả có nhầm lẫn: Cố Hòa Thượng Bích Không viên tịch ngày Rằm tháng Chín năm Giáp Ngọ thì sẽ nhằm vào ngày 11/10/1954 (xem thêm Tiểu sử Cố Hòa Thượng Bích Không – Thích Giác Phong) – Thư Viện GĐPT bổ sung chú thích.