Sứ Mệnh GĐPT – Chương I: Phác họa bối cảnh lịch sử xã hội trong giai đoạn hình thành của GĐPT

TVGĐPT – Tác giả Người Áo Lam là một Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử tên thật là Nguyễn Minh Hiền, pháp danh Tâm Lương, bút hiệu Lữ Hồ. Cuốn “Sứ Mệnh Gia Đình Phật Tử” được anh soạn thảo xong vào cuối tháng 10 năm 1964 và xuất bản tại Sài Gòn tháng 8 năm 1965 từ lâu nay vốn được anh chị em Đoàn Viên Gia Đình Phật Tử – và cả Chư Tôn Đức Tăng-già – xem như là một thiên khảo luận xuất sắc về tổ chức áo lam Gia Đình Phật Tử Việt Nam.

Nhân dịp Kỷ Niệm 70 Năm Danh Xưng Chính Thức GĐPT (1951-2021), chúng tôi cho đăng lại bản sách này thành từng bài ngắn để Chư Tôn Đức, anh chị em Lam Viên GĐPT và Quý Độc Giả tiện đọc lại, tuy rằng trên Thư Viện GĐPT chúng tôi đã đăng tải trọn vẹn bản PDF trong chuyên mục Sách Gia Đình Phật Tử.

SỨ MỆNH GĐPT gồm có phần đầu sách và 4 chương:

SỨ MỆNH GIA ĐÌNH PHẬT TỬ

Người Áo Lam

oOo

CHƯƠNG THỨ NHẤT:

PHÁC HỌA BỐI CẢNH LỊCH SỬ XÃ HỘI TRONG GIAI ĐOẠN HÌNH THÀNH CỦA GÐPT

Mọi sự bắt đầu từ cuộc đời. Những trạng huống đau thương của nhân sinh bao giờ cũng là căn do gần gũi nhất cho những dòng tư tưởng lớn, những cơn thức dậy của con người. Nếu không có một thời Đông Chu loạn lạc thì không bao giờ Trung Hoa có Khổng Tử. Một bờ duyên hải Địa Trung không chìm ngập trong chiến tranh thảm khốc thì nhân loại không thể có Socrate hay Pytagore; và nếu Ấn Độ không đớn đau dưới thần quyền, giai cấp thì dòng họ Thích Ca lại thêm một vị minh quân Tất Đạt Đa mà chẳng bao giờ được tắm gội ánh đạo vàng của Đức Phật.

Xã hội bao giờ cũng là địa bàn phát sinh biến cố lịch sử. Cho nên, nói về sự hình thành của một phong trào vững mạnh, việc đầu tiên vẫn là nhắc lại quá trình biến chuyển thời đại.

Ngày nay, Gia Đình Phật Tử có những Đoàn Sinh chưa đầy hai mươi tuổi, nhưng tuổi Gia Đình đã dày dặn hai mươi. Người Đoàn Viên hôm nay không thể đi tới ngày mai nếu không gợi lại những ngày qua gian khổ. Gia Đình Phật Tử ra đời khi đất nước còn đắm chìm trong nô lệ. Tổ chức ta không phải là không nếm hận thăng trầm.

1940, đất nước ba miền chia cắt vươn dần tới thống nhất.

1946, quân xâm lăng trở lại gieo thảm họa chiến tranh.

1954, thân nước cắt đôi, mầm đau khổ tới nay vẫn còn tiếp diễn.

Trong ba giai đoạn lịch sử ấy, Gia Đình Phật Tử đã đào tạo ra và cũng đã bị mất đi biết bao nhiêu người thân yêu ruột thịt. Vậy để hiểu rõ hơn về thân phận của Gia Đình ta xét tới trước tiên:

I. BIẾN CỐ LỊCH SỬ

Năm 1940, những cuộc đấu tranh phản đế của Nho sĩ đã tàn rụi, nhường chỗ cho lớp sóng thanh niên. Phan Chu Trinh vừa mất ở miền Nam, Phan Bội Châu ngậm ngùi nơi Bến Ngự. Hai vì sao lớn đã tắt thực sự lôi cuốn những tia lửa cuối cùng của thời cũ vào bóng tối. Mùa xuân năm ấy, nước Pháp đã bắt đầu rên siết dưới gót sắt của Hitler. Đông Dương bơ vơ. Quân phiệt Nhật bắt đầu bày cảnh, vẽ tuồng Đại Đông Á. Mặc dù bạc nhược, người Pháp tại đây vẫn chưa chịu nới tay khủng bố bóc lột dân ta. Sau nhiều lần kêu gọi sự trợ giúp của Mỹ không được (Mỹ vẫn giữ chính sách bất can thiệp cố hữu, đợi khi nào có một bên mỏi mệt thì mới tiếp tay và chiếm phần). Pháp đã lùi dần trước áp lực của Nhật Bản. Ngày 25.6.1940, Pháp ký hiệp định đầu hàng Đức Quốc Xã. Chính phủ Vichy đòi Toàn quyền Catroux sang thay. Lúc bấy giờ những tài liệu đấu tranh bí mật do các đảng cách mệnh phổ biến, lòng dân Việt như đám than hồng âm ỉ chỉ chực bùng cháy. Thanh niên nông thôn hướng dần theo cách mệnh. Thanh niên đô thị vẫn còn say sưa trong tiếng hát cung đàn. Ngày 30.8.1940, chính phủ Pháp thừa nhận quyền di chuyển quân binh, chiến cụ của Nhật tại đây. Những việc mặc cả thối tha này làm cho dân Việt bừng tỉnh. Run sợ trước cao trào cách mệnh, Ducoroy tổ chức liên tiếp các cuộc vận động thể thao để lôi cuốn thanh niên. Âm mưu họ không phải hoàn toàn thất bại. Sức hiếu động của thanh niên đã mở nút. Khắp nơi tưng bừng chạy nhảy. Thế nhưng những trò trẻ ấy chỉ lôi cuốn những hạng người nông nổi. Thanh niên có ý thức đều lo âu. Ngày 22.9.1940, Nhật chiếm Quảng Đông, Quảng Tây và tấn công quân Pháp tại Đồng Đăng, Lạng Sơn. Trong khi máy bay Nhật oanh tạc Hải Phòng, 800 lính Pháp gục đầu nhường cho 25.000 quân Nhật làm chủ nước này. Trong cảnh hoán nô dịch chủ ấy, đa số thanh niên đô thị vẫn chưa tỉnh mộng.

Trước tình cảnh ấy, một số trí thức vội vàng kéo nhau đi học tiếng Nhật để mong thờ chủ mới. Những thất bại liên miên của quân đội Đồng Minh trước sức tấn công của Nhật đã gieo vào ý thức các nhà cách mệnh của ta một ảo vọng do Nho sĩ lưu truyền. Họ mơ tưởng rằng, người Nhật đuổi người da trắng cho các da vàng được độc lập. Thế là một khuynh hướng mới lại bùng lên. Số người ngấm ngầm hợp tác với Nhật ngày một nhiều. Họ tự cho mình là ái quốc, là anh hùng dân tộc trong tương lai…

Lúc bấy giờ tại Huế, Hội An Nam Phật Học được thành lập, chùa Từ Đàm đang xây cất dở dang, các buổi thuyết pháp hàng tuần tại chùa Tây Thiên, Trúc Lâm, Tường Vân, Linh Quang do các Giảng sư Thích Mật Thể, Thích Mật Khế, Cư sĩ Lê Đình Thám đã tạo một đạo tràng sâu rộng trong tầng lớp quan liêu, quý tộc. Phật Học Viện đào tạo các Tăng tài xuất chúng: Thích Trí Quang, Trí Đức, Trí Nghiễm… Phật Pháp lan dần vào đại chúng. Những biến cố trên vang vọng tới thiền môn. Vì ý thức sự lôi cuốn nguy hại của hư danh đối với lớp trẻ nên Cư sĩ Tâm Minh với sự hưởng ứng của một số thanh niên: Đinh Văn Nam (nay là Thượng Tọa Thích Minh Châu), Đinh Văn Vinh, Võ Đình Cường, Ngô Điền, Phạm Hữu Bình, Nguyễn Hữu Quán, Phạm Quy, Lê Bối… thành lập Đoàn Phật Học Đức Dục. Đồng thời các Gia Đình Phật Hóa Phổ (tiền thân của Gia Đình Phật Tử) Tâm Minh, Tâm Lạc, Thanh Tịnh, Sum Đoàn cũng lần lượt thành lập. Và ngày Rằm tháng Tư năm ấy được chọn làm ngày lễ Chu Niên cho tổ chức này. Đến nay, dù đã xa xăm, kẻ viết bài này vẫn còn nghe văng vẳng bên tai tiếng vĩ cầm, tiếng hát cao vút bài Hải Triều Âm của Đạo hữu Bửu Bác (nay gọi là Trầm Hương Đốt). Không khí ở đây tách biệt hẳn với mọi đổi thay trong cuộc sống. Tuy nhiên, ngày vui ấy không dài.

Ngày 9.3.1945, Nhật đảo chánh Pháp. Chính phủ Trần Trọng Kim thành lập. Không khí chính trị sôi nổi. Nhưng thật ra chưa mấy ai ý thức rõ ràng được hướng tiến phải về đâu. Sau sáu tháng loanh quanh, đến ngày 19.8.1945, cuộc cách mệnh toàn dân bừng cháy. Biến cố này cơ hồ lật đổ hết mọi truyền thống. Sau 100 năm, kể từ khi những tiếng súng của người Pháp bắn vào Đà Nẵng cách một thế kỷ, lần này lịch sử mới có một cơn biến động vô cùng mãnh liệt như vậy. Người ta hy vọng một sự đổi mới trong vận mệnh. Nhưng dư âm dĩ vãng còn đang phân hóa tiềm thức mọi người nên một không khí nghi kỵ, tương tranh lại làm đổ máu và chờ đợi một sự tan vỡ mới. Sau những Tuần Lễ Vàng, những ngày Đồng Tâm nhịn đói lấy gạo giúp chiến sĩ, mùa đông binh sĩ, và sau Tết độc lập thì ở Lăng Cô, dưới chân đèo Hải Vân núi mây trùng điệp đã lác đác vang lên tiếng súng của kẻ tham tàn. Người ta ngơ ngác không hiểu. Những hầm hố mọc lên, những chướng ngại vật được bày ra, những ngôi nhà lớn bị triệt hạ, ai nấy đều đã bắt đầu hiểu rõ thân phận của người dân nhược tiểu trước tham vọng của Đồng Minh.

Không phải tới bây giờ thân phận Việt Nam mới bị ngoại nhân chi phối. Năm 1945, sau khi trục Đức-Nhật-Ý bị phá vỡ, hội nghị Posdam rồi Yalta do Churchill, Stalin, Roosevelt nhóm họp đã bàn về chuyện chia đất. Ở ngoài cửa còn lấp ló Tưởng Giới Thạch và De Gaulle. Chỉ một gạch bút chì xanh đỏ, thế giới đã bị cắt ra ba miếng: Đông Âu của Nga, Tây Âu của Anh, Nhật của Mỹ, và các mảnh nhỏ thì cận đâu xâu đó. Việt Nam ở trong khu vực giải giới của Trung Hoa và Anh quốc. Sau mấy tháng gieo rải lối sống bừa bãi của lũ tàn quân Trùng Khánh do Lư Hán, Tiêu Văn toa rập với Gracey thỏa hiệp cho Pháp thực dân tái chiếm Việt Nam. Thế là chưa vui sum họp đã sầu chia ly, dân Việt phát khởi phong trào Kháng Chiến. Không mấy chốc, xương sống nước Việt bị chẻ làm đôi: miền quê của dân, miền tỉnh của địch. Bên ni là chốn hận thù, bên tê là nơi lao khổ. Ngày là địch, đêm là thù. Năm 1947, một hội nghị các đảng phái quốc gia họp tại Hồng Kông bàn chuyện đưa Cựu hoàng Bảo Đại về làm tân hoàng, lập chính phủ Quốc Gia do ông quan sáu dân tây Nguyễn Văn Xuân làm Thủ tướng. Những biến chuyển dồn dập từ tản cư tới hồi cư, từ du kích tới tổng phản công… Từ Lai Khê, Nà Sản, Hòa Bình, bụi chiến chinh làm rơi bao nhiêu nước mắt, bao nhiêu xương máu. Nghĩa địa rậm hơn rừng. Nhà lao cao hơn núi. Nỗi oan khổ của người dân vô tội không có đại dương nào chứa đựng nổi. Nhưng rồi, chùm nho phẫn nộ tới thời chín muồi tất phải rụng. Chỉ một búng nhẹ, dòng máu đỏ cũng tuôn tràn. Chính trong không khí đau thương ấy đã tái lập tổ chức Gia Đình Phật Hóa Phổ. Thành phần Đoàn Phật Học Đức Dục hoàn toàn phân tán. Cư sĩ Tâm Minh đi xa, một số các anh trong Đoàn đi theo tiếng gọi của tổ quốc. Năm 1950, vào một ngày Trung Thu tầm tã, các anh chị em sau khi ly tán đã tập hợp lại dưới sự hướng dẫn của chú Minh Châu, anh Võ Đình Cường và vài anh chị khác: Tống Hồ Cầm, Phan Cảnh Tuân, Lê Văn Dũng, Văn Đình Hy, Phan Xuân Sanh, Cao Chánh Hựu… và các chị Hoàng Thị Kim Cúc, Đặng Tống Tịnh Nhơn v.v… Hai Gia Đình đầu tiên được thành lập: Hướng Thiện với bác Phan Cảnh Tú (thân phụ anh Phan Cảnh Tuân) làm Gia Trưởng. Gia Thiện do bác Nguyễn Văn Phiên làm Gia Trưởng. Thế rồi cao trào lần lượt dâng cao: Chơn Trí, Hương Từ, Hương Đàm, rồi nhiều nữa, như một hoa sen vươn cánh nở từ từ khắp đất thần kinh. Một báo hiệu tốt đẹp lại bắt đầu.

Ban Hướng Dẫn Thừa Thiên được thành lập. Tất nhiên không hùng hậu như ngày nay: Trưởng Ban Võ Đình Cường, Phó Trưởng Ban Hoàng Thị Kim Cúc, Thư Ký Lê Văn Dũng, Ủy Viên Phan Cảnh Tuân v.v… Các Trại Huấn Luyện đã bắt đầu mở. Ban Hướng Dẫn tiên khởi này đã ghi được hai thành công quan trọng. Phát triển Gia Đình theo tinh thần giáo dục thanh niên và tiến tới việc thống nhất các Gia Đình Phật Tử Trung-Nam-Bắc. Lúc bấy giờ ở Saigon, anh Tống Hồ Cầm, Nguyễn Văn Thục tổ chức các Gia Đình Phật Tử trực thuộc Hội Phật Học Nam Việt, lúc này còn rất nghèo khó ở chùa Phước Hòa. Và ở miền Bắc, các anh Nguyễn Văn Nhã, Lê Văn Lãm, các chị Vũ Thị Định, chị Ni (nay đã xuất gia) đã thành lập một số Gia Đình tại Hà Nội và Hải Phòng.

Trong một hoàn cảnh lịch sử bi đát như trên, công cuộc tổ chức thật gian nguy và nặng nhọc. Gian nguy vì trước mắt thực dân, tổ chức thanh niên nào cũng khả nghi; nặng nhọc vì số người có chí hướng ở vùng “tề” rất ít. Năm 1950, hội nghị thống nhất đầu tiên được khai diễn tại Từ Đàm và danh hiệu Gia Đình Phật Tử được khai sinh từ đó.

Phát sinh từ trong một hoàn cảnh lịch sử đa sự, Gia Đình Phật Tử chưa bao giờ xưng danh là một tổ chức chính trị, mà chỉ là một tổ chức giáo dục thanh thiếu nhi theo tinh thần Đạo và Trẻ.

Thế mà, sau khi Điện Biên Phủ thất thủ, hiệp nghị Genève chia đôi đất nước, Gia Đình Phật Tử bắt đầu nếm những sự đối đãi khốc liệt bởi chính quyền miền Nam. Một số Gia Đình miền Bắc vào Nam: Minh Tâm theo Hội Việt Nam Phật Giáo và Gia Đình Giác Minh được thành lập do sự nâng đỡ của Giáo Hội Tăng Già Bắc Việt tại miền Nam.

Không ai chối cãi rằng đa số anh chị em Phật Tử đã tham gia công cuộc kháng chiến, sống trong cảnh nước mất nhà tan, nếu không chịu để cho lợi danh lôi cuốn tất phải xả thân cứu nước. Ai oán thay! Nếu bọn thực dân trước kia đã giết hại những người kháng chiến vì đó là những kẻ thù không đội trời chung với họ, những người coi thường sinh mệnh cản trở bước xâm lăng. Điều ấy không có gì lạ, có lạ chăng là, trong chín năm qua, phần lớn Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử đã bị khủng bố vì tội kháng chiến. Cứu nước là có tội! Thật là một chân lý trớ trêu dưới ánh mặt trời. Người ta đã cố tâm đồng hóa kháng chiến với Cộng Sản, kẻ thù duy nhất(!) của chính quyền miền Nam. Và chỉ một câu bình luận, chính quyền suy diễn ngay ra mọi Đoàn Viên đều chống chính quyền? Vì thành kiến ấy, chính quyền đã đối xử gắt gao với Gia Đình Phật Tử. Anh Trưởng Ban Hướng Dẫn toàn quốc bị bắt đến phải tuyệt thực mới được thả. Nhiều Huynh Trưởng bị chôn sống ở Bình Định. Nhiều anh bị đày Côn Đảo. Một số khác lại bị ám sát giữa đồng vắng trong đêm tối. Sự khủng bố gắt gao ấy đã không làm cho sự phát triển ở các đô thị chậm lại chút nào mà còn giúp cho Gia Đình Phật Tử nông thôn phát triển mạnh mẽ vô cùng. Có thể nói, ở đâu có bị đàn áp là ở đó có Gia Đình Phật Tử. Chín năm chịu đựng trong gian khổ, Gia Đình Phật Tử có quyền hy vọng một ngày tự do chăng? Trong cuộc đấu tranh chống độc tài vừa qua, những em gục ở đài phát thanh Huế là ai? Đó là Đoàn Sinh Gia Đình Phật Tử. Những thanh niên bị chôn sống ở Bình Định là ai? Là Đoàn Sinh Gia Đình Phật Tử. Quách Thị Trang là ai? Là Đoàn Sinh Gia Đình Phật Tử. Đào Thị Yến Phi tự thiêu ở Nha Trang là ai? Là Đoàn Trưởng Gia Đình Phật Tử. Và những người còn sống, còn hoạt động, còn bị bôi nhọ, vu khống nhất định sẽ sống đúng truyền thống anh dũng của Gia Đình Phật Tử.

Nhắc tới các biến cố lịch sử trên, chúng tôi muốn chứng minh hai yếu điểm:

Một phong trào thực tại phải thỏa mãn nhu cầu lịch sử, xã hội. Muốn hiểu một trào lưu tư tưởng, một thực tại xã hội, cho tới sự hình thành một tổ chức, tất phải khảo cứu tường tận tình trạng đại cương của thời đại đã đẻ ra chúng. Chỉ trong tình trạng đại cương đó, ta mới khám phá ra được những lý do cắt nghĩa chúng một cách quyết định. Chính ở đó mới tìm được nguyên nhân sơ thủy quyết định mọi hiện trạng khác. Thời đại cưu mang đoàn thể và đoàn thể nào cũng mang nặng thời đại tính. Gia Đình Phật Tử là một tổ chức giáo dục thanh thiếu nhi có đường lối, có lý tưởng, có quy mô tổ chức và huấn luyện, không phải là một hiện tượng ngẫu sinh. Nó đã đáp ứng đúng yêu cầu lịch sử. Chỉ những ai muốn lấy tổ chức này làm một công cụ để tiến thân, để thủ lợi mới thất vọng. Những ai đã trót bị lôi cuốn bởi hư danh mới ngăn chặn hay xuyên tạc vai trò lịch sử và nhiệm vụ xã hội của Gia Đình Phật Tử.

Sự thất bại liên tiếp của các tổ chức thanh niên từ trước tới nay đã chứng tỏ sự lầm lẫn giữa chính trị và giáo dục, giữa chính trị với tín ngưỡng. Nhu yếu chính trị chỉ đáp ứng thành công giai đoạn. Làm chính trị ít ai không sốt ruột. Trái lại, làm giáo dục, nhất là giáo dục thanh niên bao giờ cũng đòi hỏi một phần lý tưởng và sức hy sinh nhẫn nại lâu dài. Ngày nay nhà trường chỉ dạy cho con em trí năng mà không thỏa mãn nổi sự khao khát lý tưởng. Quan niệm đào luyện bằng những huyền thoại lịch sử chỉ gợi thêm nghi kỵ, hoang mang. Đối chiếu giáo điều với ngoại cảnh, đối chiếu trí thức với cuộc đời, người thanh niên không khỏi tìm thấy sự mâu thuẫn, trái ngược. Trước một biến cố lịch sử, con người chỉ có thái độ lựa chọn hay chối bỏ một chỗ đứng. Trong trường hợp “bỏ thì thương, vương thì nặng”, sự lựa chọn phải đi tới một quyết định mới là sáng tạo một chỗ đứng mới nhằm bổ khuyết cho vị trí bơ vơ trên. Qua các biến cố lịch sử đã dẫn chứng ở trên ta thấy ngay: từ thời Pháp thuộc tới Pháp xâm lăng, cho tới tình cảnh hiện tại, Gia Đình Phật Tử đã và sẽ là một địa bàn thích hợp cho những ai muốn gạn đục khơi trong, muốn bảo tồn ánh sáng tâm hồn trong cơn sa đọa của lịch sử.

II. HOÀN CẢNH ĐỊA LÝ – XÃ HỘI

Gia Đình Phật Tử phát tích tại Huế, bành trướng mạnh ở miền Trung, rồi mới lan ra Bắc và truyền vào Nam. Sự kiện ấy đã hiển nhiên. Nếu thời đại là nhân tố thúc đẩy sự hình thành của Gia Đình Phật Tử thì các sắc thái đặc biệt về địa lý, xã hội chính là nguyên nhân cấu thành sự sai biệt đó. Thêm nữa, hai miền Nam, Bắc tiếp nhận Gia Đình Phật Tử chậm hơn miền Trung tới gần mười năm và ngày nay phát triển cũng cách xa như vậy.

Địa lý Việt Nam có ba miền thiên nhiên rõ rệt. Hình ảnh nôm na nhất, nói theo nhà giáo: hình thể Việt Nam là chiếc đòn gánh gánh hai thúng thóc. Tuy nhiên, hai thúng thóc ấy quả không nặng nhẹ cân bằng. Thúng lúa Bắc trộn đầy đất, đá. Thúng lúa Nam đầy nứt hạt vàng.

Nếu có dịp bay lên cao trên miền trung châu Bắc Việt, khi nhìn xuống, du khách sẽ thấy những chiếc chậu lớn nằm cạnh nhau. Miệng chậu là những vòng núi đá vôi: Đông Triều, Cao Bắc, Lai Châu, Điện Biên. Đó là những chậu nứt nẻ ra sông ngòi chi chít. Hai đường nứt lớn là hai nhánh Nhĩ Hà. Dưới đáy chậu, những cuốn sách nhỏ bọc giấy xanh vàng nằm ngổn ngang. Đó là hình ảnh ruộng đồng bị xé nát thành mảnh nhỏ. Giữa đống sách ấy, quây quần những hộp nhỏ, màu xám nhiều hơn màu đỏ, vì nhà gạch ít hơn nhà tranh. Nhà cửa tụ tập thành khóm nhỏ, chung quanh bao bọc một vòng xanh, điểm nhiễm một nét xanh cao vút. Đó chỉ là nhà cửa quây quần thành làng mạc. Chung quanh làng có lũy tre và đầu làng có cây đa cao ngất từng xanh, có sông sâu lơ lửng vờn quanh… Bắc Việt là miền nông nghiệp mật thận, đất hẹp, người đông. Đời sống cần cù lao khổ. Địa thế ấy, người dân ấy còn bị giày xéo bởi thiên tai, thủy hạn không ngừng. Nói tới lụt lội, vỡ đê, người dân quê miền Bắc thẩn thờ như chết nửa cuộc đời. Chính cuộc tranh sống cam go ấy đã tạo cho người Bắc tính tình khôn ngoan, mẫn tiệp và lớp bần dân cũng đắm chìm trong thói tục khắc khe.

Đem đối chiếu sinh hoạt ấy, tâm hồn ấy với nếp sống người dân miền Nam tất phải nhận thấy màu tương phản.

Khi ngồi trên phi cơ, bay trên đồng ruộng miền Nam, du khách giàu tưởng tượng sẽ ví mình với một vị tiên đang cỡi chim đại bàng bay trên chiếc thảm vàng mênh mông vô hạn. Ruộng cò bay thẳng cánh no ứ lúa vàng gợi hình ảnh cụ thể của nền nông nghiệp khoáng phát. Đồng rộng, người thưa, làm ít, lợi nhiều. Lòng dạ người Nam khỏe khoắn vô tư đến có khi hời hợt. Nếu người Bắc khôn ngoan nhờ đau khổ, thì miền Nam no ấm đã tạo cho người dân ở đây một lòng dạ đơn thuần.

Sự phân tích trên chỉ nhắm vào đa số, và chỉ có có đa số mới biểu thị được đặc tính của mỗi miền.

Và nếu bây giờ, du khách vượt qua những vườn cao su xa tắp ra tới miền Trung thì bỗng nhiên thấy mình lạc vào miền đồng khô cỏ cháy. Miền Trung không phải là sa mạc. Những núi non trùng điệp, đèo núi cheo leo xua đuổi những miếng ruộng khô cằn ra bãi cát dài trên bờ trùng dương dậy sóng. Từ miền Thanh – Nghệ – Tĩnh mang dư âm của khí hậu miền Bắc qua Bình – Trị – Thiên, tới Nam – Ngãi – Định, tới các tỉnh Phú – Khánh – Ninh – Bình dư ảnh của miền Nam. Hai vùng trung nguyên đã có nhiều nét nhọc nhằn, cơ cực. Vùng Thanh-Nghệ-Tĩnh là xuất xứ của Nguyễn Du, La Sơn Phu Tử, Phan Bội Châu,… Nam-Ngãi-Định là lò un đúc chí sĩ Văn Thân. Giữa cảnh non sông gầy guộc ấy đột nhiên lạc lõng một dải đất hẹp về diện tích nhưng lại lớn tâm hồn: Thần Kinh. Cái vẻ hào hoa phong nhã của người Huế tương phản đậm với nét khắc khổ của người Nghệ hay người Quảng. Mỗi miền của ta đều có một đôi mắt đẹp: Bắc có Hà Nội, Nam có Hà Tiên thì miền Trung có đất Thần Kinh với núi Ngự Bình trước tròn sau méo, sông An Cựu nắng đục mưa trong. Dù đã cố ngoi vào nhiệt độ miền Nam, Huế vẫn thoang thoảng có đủ bốn mùa. Nhưng thật ra, ngoài những đô thị lớn, miền Trung là miền nghèo khổ nhất nước ta. Sống trên đá, trên cát, dưới mưa dầm, bão lụt, người miền Trung cằn cỗi như những cây xương rồng. Mặt ngoài xanh tốt nhưng vẫn có gai. Cành lớn, nhánh sây nhưng vẫn chứa đầy nhựa sống. Người Trung sống bằng nội tâm nhiều hơn ngoại cảnh. Bề ngoài trầm tĩnh chứa đựng một tinh thần quật khởi oai hùng. Ta sẽ không mấy ngạc nhiên khi nhận thấy từ khi lập quốc cho tới nay, các vị anh hùng Lam Sơn, Tây Sơn, Văn Thân, cách mệnh… đa số đều xuất thân từ dải đất khô cằn này cả.

Địa lý ấy, tinh thần ấy, gặp một chế độ hà khắc tất phải phản ứng. Càng bị ức chế phản ứng càng mạnh. Do các yếu tố địa lý, nhân văn, kinh tế trên như mồi nhạy, bén lửa chiến chinh thì phát sinh phong trào chống đối. Từ Đoàn Phật Học Đức Dục tới Gia Đình Phật Hóa Phổ, về hình thái cũng như đường lối hoạt động cũng là một sự kiện sinh tồn tất yếu cho dân tộc, cho thế hệ trẻ.

Trong lịch sử 100 năm kháng Pháp, qua những ngày chinh chiến khốc liệt từ 20 năm nay, đất nước Việt Nam đã ghi những nét nhăn trên lòng đất, lòng người. Kể về chiến trường thì miền Bắc là nơi xảy ra nhiều trận ác chiến hơn cả. Trong thời kháng chiến, miền Bắc lúc nào cũng là địa bàn đối địch kinh khủng nhất. Chính ở đây đã ghi nhận cái chết của những vị tướng tài của địch. De Lattre de Tassigny và người con duy nhất Bernard, sau khi chiến thắng Đức Quốc Xã đã thảm bại ở Việt Nam không khác đại quân Hốt Tất Liệt sau khi tiến chiếm Âu Châu đã phải chạy dài ở Hàm Tử.

Không khí loạn ly bao trùm khắp các đô thị. Người Pháp dù đặt trọng tâm ở các vùng tạm chiếm vẫn không thể hoàn thành kế hoạch thôn tính với sự trợ giúp của bọn vong bản. Nhận định rõ rệt nhất ở các vùng tề là đời sống sa đọa trụy lạc. Tính cách bạc nhược ấy biểu thị từ tác phong tham nhũng của bọn thống trị, thái độ hách dịch của ngoại nhân, và nhất là sự bành trướng của loại văn nghệ diễm tình, đọa lạc. Trên quan điểm văn nghệ phục vụ chính trị bằng thể thức tuyên truyền, các người lãnh đạo kháng chiến đã cố gắng ra công “tô điểm ta bằng những nét thật tươi và bôi nhọ chúng bằng những nét thật bẩn”(!) Cho nên, trong khi ở hậu phương, những bài ca, thi phẩm, văn phẩm khích động tinh thần đấu tranh được phổ biến thì đồng thời những tác phẩm sa đọa cũng được đặt ra ở thị thành. Nếu ở nông thôn người ta phấn khởi vì “Người Mẹ Gio Linh”, “Nụ Cười Sơn Cước” của Phạm Duy, Văn Cao thì ở đô thị phồn hoa, khúc Hậu Đình Hoa của Trần Hậu Chúa lại tái diễn qua lời ca tình tứ “đêm qua mơ dáng em nâng cung đàn dịu bao tiếng tơ…”

Một hiện tượng nguy hại hơn đã ăn sâu vào tiềm thức đa số thanh thiếu niên lúc bấy giờ là nếp sống buông thả ở các thành thị. Kịp đến khi cuộc kháng chiến chung kết, đất nước chia đôi, tại miền Nam, miền của phóng túng, vẫn chưa thoát khỏi tình trạng ấy. Nếu đọc lại văn học sử, ta nhận thấy rằng trong khoảng 1930-1940, nhà văn ta đã cổ động say sưa những chiếc môi màu nho tươi, chiếc áo màu hoàng yến, tưởng chừng trên đời này không có gì thiêng liêng hơn, ta chỉ ngậm ngùi vì lúc bấy giờ thanh niên chưa thức tỉnh. Chứ như sau hai mươi năm trưởng thành trong khói lửa, lẽ nào nhà văn lại vẫn say sưa đem thứ văn chương nha phiến ấy để ru ngủ thanh niên? Văn nghệ là bộ mặt thật của thời đại. Dù cho nhà văn có gán cho tác phẩm mình một thái độ triết lý thì thái độ ấy cũng không được đặt đúng chỗ trong nhu cầu lịch sử, trong sự tồn vong của đất nước đau thương. Gia Đình Phật Tử, trong chủ trương thành lập, đã và đang nhằm mục đích giải thoát thanh thiếu nhi ra khỏi cạm bẫy của thực trạng xã hội, khỏi sự mê hoặc của tình trạng văn nghệ, học thuật bi đát trên.

III. THẢM HỌA KHỦNG HOẢNG LUÂN LÝ

Thế nhưng, những thảm họa trên chỉ là bèo bọt không đủ làm phai nhạt bản sắc truyền thống tiềm tàng của dân tộc. Cơ sở xã hội Việt Nam xây dựng trên nền tảng kinh tế nông nghiệp, luân lý Nho Giáo. Biến thái của kinh tế nông nghiệp là chế độ tôn quân, phụ quyền. Chế độ ấy đặt trọng tâm ở nông thôn hơn là thành thị. Từ quan niệm trọng sĩ khinh nông, Nho Giáo đã phải ứng dụng một khuôn khổ luân lý vô cùng khắc nghiệt. Trai thì tam cương ngũ thường, gái thì tứ đức tam tòng. Nền luân lý ấy dù đã tạo cho đất nước biết bao anh hùng liệt nữ, nhưng đồng thời cũng giết chết tất cả mọi tinh thần phóng khoáng tự do. Nhà nho đã cho tất cả các kinh sách của các tôn giáo khác, các triết thuyết của bách gia chư tử là ngoại thư. Và cũng do quan niệm hẹp hòi ấy, tổ chức xã hội đặt đơn vị ở làng, một khuôn khổ chứa đầy cố chấp, ích kỷ, hủ tục. Với ý nghĩa tôn quân, Nho Giáo đã được chính quyền phong kiến đưa lên địa vị độc tôn để dùng làm lợi khí bảo vệ ngai vàng và khống chế mọi nguồn tư tưởng khác. Tuy nhiên ý thức hệ ấy không thỏa mãn được nhu yếu giải thoát của những tinh thần phóng dật. Cho nên, ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy đa số nho sĩ uyên thâm đều nghiên cứu học thuyết vô vi của Lão – Trang để giải tỏa những triền phược do luân lý Nho gia đem tới. Xét về lý thuyết thì hai học thuyết trên mâu thuẫn đậm. Tính cách đối nghịch quá rõ ràng, không dung hợp được. Chính giữa sự mâu thuẫn ấy, Phật Giáo đã thỏa mãn được sự bế tắc. Ở mỗi làng, cái đình chỉ là nơi hội họp của các hương chức. Văn chỉ là nơi thờ cúng riêng biệt của các thầy khóa, thầy đồ, các vị khoa bảng trong làng. Duy chỉ có ngôi chùa là nơi tập trung mọi quy ngưỡng quá khứ (cầu siêu, cúng giỗ), hiện tại (công cuộc chẩn tế) và tương lai (vào Hậu) của mọi lớp người. Đối với một dân tộc nông nghiệp thì ước vọng tinh thần, siêu hình bao giờ cũng quan trọng hơn vật chất. Trên sự kiện, ta không thể chối bỏ công năng tuyệt diệu ấy của Phật Giáo trong ưu thế hòa đồng.

Đến khi tiếng súng đồng của Tây Phương xuyên thủng màn “bế môn tỏa cảng” của ta vào cuối thế kỷ trước, đưa vào ngọn gió văn minh cơ giới, thì cơ sở tổ chức xã hội xây dựng trên nền tảng Nho Giáo sụp đổ. Các sử liệu, văn liệu nói về sự thất bại của hàng ngũ Nho sĩ tích cực đối kháng đã chứng thực điều đó. Nền luân lý cũ đã sụp đổ. Sụp đổ trong tâm trạng đau xót của người dân mất nước, trong tâm trạng chán chường của Nho sĩ, của thế hệ thanh niên vô lý tưởng. Có ai chủ trì rằng có cuộc xung đột giữa hai nền luân lý mới, luân lý cũ trong buổi giao thời thì biên giả xin thưa là đã hơi vội vàng. Thử hỏi: Từ cuối thế kỷ 19, từ thời Pháp thuộc tới nay đã có một nền luân lý mới chưa?

Phải chăng cái “chủ nghĩa Quốc Gia” do Phạm Quỳnh chắp nhặt các học thuyết luân lý Hy-La để phục vụ cho âm mưu “Pháp-Việt đề huề” là hệ thống luân lý mới? Phải chăng những tư trào dân chủ do các nho sĩ tiến bộ trong Đông Kinh Nghĩa Thục đề xướng là luân lý mới? Phải chăng “cá nhân chủ nghĩa” thể hiện trong tiểu thuyết của Tự Lực Văn Đoàn là chân tướng của nền luân lý mới? Và phải chăng các sắc luật bảo vệ luân lý, giải trí lành mạnh, bộ luật Gia Đình của Ngô chế là lối mở cho luân lý mới? Phải công nhận, sau Nho giáo, ta chưa hề có một nền tảng luân lý mới. Đừng vội tưởng lầm chúng tôi sẽ cổ động cho việc thành lập hội bảo vệ Nho Giáo. Một nền luân lý đã lỗi thời, đã trái với sinh hoạt xã hội thì không thể tồn tại và cũng không nên phục hưng. Nếu ta quan niệm đạo đức là bản tính thiện của con người muôn nơi, muôn thuở thì đạo đức là ánh sáng của tâm hồn. Ánh sáng ấy có thể bị vô minh che lấp, nhưng nếu được giáo dục, tu hành thì có thể bừng sáng như cũ. Nếu không quan niệm như thế thì sự giác ngộ không thể nào có được. Phật dạy: “Mỗi người đều có Phật tính”. Ta có thể hiểu thêm: “Phật tính là đạo đức. Đạo đức là Phật tính”. Nếu trong tiềm thức, bản thể không bao hàm chủng tử để tự giác thì sự giác ngộ không thể có được, cũng như ta không thể châm lửa cho cây đèn không dầu. Đạo đức là vĩnh cửu và phổ quát. Trái lại luân lý chỉ là trật tự thiết lập trên nghi lễ, phong tục, tập quán của những thời đại, những xã hội nhất định, để thể hiện đạo đức. Chính đó, luân lý Đông, Tây, kim, cổ đều khác biệt và có khi chống đối. Một khi nền luân lý đã lỗi thời mà ta vẫn cố gắng “bảo vệ” hay bắt buộc mọi người phải theo là vô hình dung xúi giục người ta sống thời đạo đức giả, phản chân lý.

Xã hội Tây Phương duy lý, được xây dựng trên biến thái của kinh tế. Kinh tế chỉ đạo mọi biến tướng của xã hội. Nền kỹ nghệ cơ giới, nhờ khoa học phát triển đã là nguyên nhân tạo thành cuộc cách mệnh 1789. Tinh thần thực nghiệm chối bỏ mọi thực hữu siêu hình. Sự mâu thuẫn giữa nhà thờ với cách mệnh, giữa kinh viện với thực nghiệm thật trầm trọng. Ngày nay, trong khi triết học chủ nghiệm đi dần về duy vật thì nhà thờ cũng phải thay đổi nhiều giáo điều chủ yếu. Thế mà khi sự phục hưng chưa thấy đâu thì thuyết Hiện Sinh vô thần đã xuất hiện, rồi bỏ mặc cho các nhà văn lợi dụng, biến hóa thành một thứ chủ nghĩa trác táng, bi đát, cô độc.

Cuộc khủng hoảng của văn minh Tây Phương hiện đại bắt nguồn từ đó.

Ở nước ta, hình thái luân lý biểu thị sự gắn bó của hai nền văn minh đại đồng Trung Ấn. Triết học nhập thế Nho Giáo, xuất thế Đạo Giáo không còn phù hợp với xã hội hiện tại. Mớ lý thuyết ấy chỉ còn có mỗi một giá trị dĩ vãng. Bây giờ ai cũng thấy rõ luân lý Nho Giáo đã sụp đổ trong luyến tiếc và thở dài. Nhưng nếu có người bài bác thì lập tức bị chống đối. Tuy nhiên chống đối mà không duy trì nổi là tiêu cực. Bài bác mà không đề nghị được một hệ thống luân lý mới thì cũng chỉ là phá hoại. Công cuộc thiết lập luân lý không dung dị. Giữa luân lý, xã hội và tín ngưỡng có sự liên hệ mật thiết. Nói như Emmanuel Kant: “luân lý bắt nguồn từ siêu hình”. Luân lý phải phù hợp với thực trạng xã hội, phải phản chiếu nhu yếu thời đại, phải thỏa mãn thân phận con người và nhất là phải đúng với chân lý. Như thế chỉ có tôn giáo mới là nền tảng vững vàng của đạo đức, trái với bản tính nhân loại. Luân lý Nho Giáo há chẳng là bề mặt của đạo “trung hòa”. Luân lý Cơ Đốc há không dựa vào thuyết định mệnh, vào ơn cứu rỗi? Vậy thì Phật Giáo đã có một nền luân lý chăng?

Cơn khủng hoảng trầm trọng nhất của ta hiện tại là thiếu một nền tảng luân lý. Vì thế một khi pháp luật đã thành công cụ của thiểu số, một khi dư luận chưa phân minh, từ trên chí dưới mới tha hồ rông rỡ; mọi tình cảm mới bị đổi chác; mọi lý tưởng mới bị mua bán, mọi nhiệm vụ mới bị chối bỏ một cách thản nhiên!

Thế nhưng, cuộc vùng dậy của Phật Giáo trong giai đoạn vừa qua đã biểu lộ ánh sáng đạo đức cá nhân, đã bừng cháy rực rỡ dưới ngọn đuốc Thích Quảng Đức. Đạo đức tỏ bày, đòi hỏi một hệ thống luân lý để giữ gìn.

Gia Đình Phật Tử, trong tiêu chuẩn giáo dục khi lấy hai tiếng GIA ĐÌNH làm đơn vị sinh hoạt, căn bản đã chối từ nền luân lý lạc hậu và dự tính một con đường:

– Dựa vào đường lối, tổ chức lý thuyết, sinh hoạt thường xuyên; từ khước hai quan niệm giáo dục xung khắc: lấy cá nhân cải tạo xã hội của Nho Giáo theo thứ tự Tu – Tề – Trị – Bình, hay lật đổ xã hội cố hữu để nặn ra mẫu người mới như chủ trương của phái Xã Hội Chủ Nghĩa.

– Đưa đạo Phật đi vào cuộc đời, tạo một ý thức hệ sâu thẳm cho thần trí và hồn tính dân tộc.

——— (Còn tiếp…) ———

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.