TÂM ĐIỂM CỦA THIỀN ĐỊNH
Khám phá tâm thức thần bí nhất
Tác giả: Dalai Lama
Hoang Phong chuyển ngữ
MỤC LỤC
– Lời tựa của Sofia Stril-Rever: Rigpa và Lhaksam – Hai món quà của Đức Đạt-lai Lạt-ma hiến tặng cho thế giới.
– Lời tựa của Jeffrey Hopkins.
– Phần thứ nhất: Con đường Phật Giáo.
- Chương 1: Vài nhận định.
- Chương 2: Lòng từ bi nhân ái.
- Chương 3: Thiền định.
- Chương 4: Trí tuệ.
– Phần thứ hai: Dẫn nhập về phép Đại Hoàn Thiện.
- Chương 5: Căn bản chung của tất cả các học phái Phật giáo Tây Tạng.
- Chương 6: Tâm thức tự tại của ánh sáng trong suốt.
– Phần thứ ba: Bình giải về Ba chữ đánh thẳng vào điểm chủ yếu của Patrul Rinpoché.
- Chương 7: Giáo huấn thứ nhất.
- Chương 8: Con đường tối thượng của sự nghỉ ngơi.
- Chương 9: Tinh thần vajra hay “lòng nhân ái toàn cầu”.
- Chương 10: Giáo huấn thứ hai.
- Chương 11: Con đường thăng tiến tuần tự.
- Chương 12: Giáo huấn thứ ba: Sự giải thoát tự nhiên.
- Chương 13: Tính cách đồng nhất của cả ba giáo huấn.
– Phần thứ tư: Đối chiếu giữa hai học phái: Dịch thuật xưa và dịch thuật mới.
- Chương 14: Cấu trúc căn bản của học phái dịch thuật xưa trong phép Đại Hoàn Thiện.
- Chương 15: Lời khuyên của tôi.
– Phụ lục.
– Thư tịch chọn lọc.
PHẦN THỨ III
BÌNH GIẢI VỀ “BA CHỮ ĐÁNH THẲNG VÀO ĐIỂM CHỦ YẾU”
CỦA PATRUL RINPOCHÉ
Chương 10: Giáo huấn thứ hai
GIỮ VỮNG THỂ DẠNG THIỀN ĐỊNH
Khi đã được thụ giáo về sự “quán thấy” [tâm thức thần bí nhất] và “nhận biết” được nó thì các bạn nên khởi sự ngay việc luyện tập đều đặn về thiền định. Đấy là giáo huấn thứ hai.
Giáo huấn thứ hai ấy sẽ là như sau:
Sau đó, dù bị phân tán bởi những gì bên ngoài hay vẫn thường trú bên trong chính mình,
Dù đang cảm thấy giận dữ hay thèm khát, an vui hay đau buồn,
Dù bất cứ lúc nào, đang trong hoàn cảnh nào,
Hãy cứ nhận biết trí tuệ nguyên sinh của Dharmakaya/Thân Đạo Pháp, mà mình đã nhận diện được nó.
Ánh sáng trong suốt mẹ và ánh sáng trong suốt con, đã quen biết nhau từ trước, sẽ cùng hòa nhập với nhau.
Hãy an trú bên trong thể dạng của phẩm tính không thể mô tả được của tâm thức thần bí nhất.
[Dù đấy là] sự thanh thản, niềm phúc hạnh, sự trong sáng hay niềm hân hoan, thì cũng cứ đập tan tất cả, cứ đập tan và đập tan,
Hãy đập tan tất cả bằng tiếng thét của phương pháp và trí tuệ.
Không có một sự khác biệt nào giữa thể dạng thăng bằng trong lúc hành thiền và kết quả mang lại [từ thể dạng đó].
Hãy an trú trong thể dạng không bị phân tách ấy.
Không có gì khác biệt giữa lúc đang-thiền-định và sau-khi-thiền-định (lúc nghỉ ngơi).
Tuy nhiên, khi nào đã đạt được sự thăng bằng (thanh thản, bình thản, vững vàng) [trong khi thiền định],
Thì nên chọn thể dạng thiền định nào mà mình đã loại bỏ được mọi sự xao lãng.
Hãy sắp đặt các buổi hành thiền thật đều đặn.
Bất cứ lúc nào và trong hoàn cảnh nào.
Chỉ cần đơn giản duy trì sự hiển lộ của Dharmakaya/Thân Đạo Pháp.
Phải nhất quyết nghĩ rằng chẳng có bất cứ một thứ gì khác đáng để phải quan tâm,
Phải ý thức minh bạch rằng duy nhất chỉ có điều đó (tức Dharmakaya/Thân Đạo Pháp) mà thôi – đây là giáo huấn thứ hai.
KHÔNG CÓ GÌ LÀ NGUY HIỂM CẢ
Trước hết các bạn hãy nhận biết được gương mặt tự nhiên của tâm thức thần bí nhất và thiết đặt (establish/tạo dựng) nó bên trong chính mình. Khi đã cảm nhận được nó tương tự như mặt giường nâng đỡ lưng của mình, thì các bạn hãy xem nó như là một bối cảnh [mang lại cho mình mọi sự] cảm nhận. [Qua các cảm nhận ấy] dù là các khái niệm nào được tạo dựng, dù là các tư duy nào phóng ra bên ngoài hay thu vào bên trong, thì [cũng mặc kệ], chúng sẽ tự chấm dứt, không nên cố gắng tìm cách ngăn chận các khái niệm (xin nhắc lại: các khái niệm là các sự suy nghĩ, các tư duy dưới hình thức những sự hiểu biết công thức và quy ước). Trái lại, mỗi khi các khái niệm – dù tốt hay xấu – dấy lên, hoặc mỗi khi hiện ra [trong tâm thức mình] những điều gì đó, tốt hay xấu cũng vậy, thì các bạn phải ý thức được rằng chúng nhất thiết đều phát sinh từ bầu không gian của tâm thức thần bí nhất, chúng xuyên thấu tất cả, không có gì ngăn chận được chúng (các tư duy và quan điểm của mình khi đã dấy lên trong tâm thức thần bí nhất thì không có gì có thể ngăn chận được chúng), và [đồng thời] cũng ý thức được rằng đối với các thứ ấy thì mình cũng đã từng biết chúng từ trước (các khái niệm ấy chẳng có gì là mới lạ đối với mình cả). Sau đó, khi nào mọi khái niệm [khởi sự] chấm dứt thì các bạn cũng ý thức được rằng chúng cũng sẽ tự chấm dứt từ bên trong tâm thức thất bí nhất ấy.
Nếu đủ sức an trú bên trong sự nhận thức đó về tâm thức thần bí nhất, thì dù cho bất cứ một thứ tư duy nào hiện lên, chúng cũng không biểu trưng cho một mối hiểm nguy nào cả, bởi vì các bạn đã ý thức được rằng chúng không vượt ra ngoài lãnh vực của tâm thức thần bí nhất (các tư duy và khái niệm dù hiện ra dưới bất cứ một hình thức xúc cảm nào – chẳng hạn như giận dữ, hận thù, đam mê… – thì chúng cũng đều được tạo tác từ bên trong tâm thức thần bí nhất và sau đó cũng sẽ tan biến vào bên trong tâm thức ấy, vì thế chúng sẽ không thể gây ra tác hại nào cho mình cả, tất nhiên với điều kiện là mình không ôm choàng lấy chúng mà cứ để cho chúng tự sinh ra và tự tan biến bên trong tâm thức thần bí nhất của mình). Chẳng cần phải phân tích (để tìm hiểu nguồn gốc cũng như các khía cạnh tốt hay xấu… của chúng), các bạn chỉ cần biết là tất cả mọi tư duy đều nhất thiết phát sinh từ tâm thức thần bí nhất và cũng sẽ tan biến vào bên trong tâm thức ấy (các khái niệm, các sự hiểu biết và cả các xúc cảm đều là những gì sinh ra từ tâm thức thần bí nhất và sau đó lại tan vào bên trong tâm thức ấy, không nên để cho chúng chi phối mình, đưa mình vào những cuộc phiêu lưu bất tận, mà hãy thường trú bên trong Thân Đạo Pháp tức là Hình tướng hay Thân thể của một vị Phật bên trong chính mính). Chính vì thế nên bài thơ trên đây có câu như sau: “Dù bị phân tán bởi những gì bên ngoài hay vẫn thường trú bên trong chính mình, dù đang cảm thấy giận dữ hay thèm khát, dù bất cứ lúc nào, đang trong hoàn cảnh nào, thì cũng cứ nhận biết trí tuệ nguyên sinh của Dharmakaya/Thân Đạo Pháp, mà mình đã nhận diện được nó” (xin mạn phép nhắc lại: “Thân Đạo Pháp” cũng có nghĩa là “hình tướng” hay “thân thể” của một vị Phật. Nhận biết được thân thể ấy nơi chính mình có nghĩa là quán thấy được tâm thức thần bí nhất của mình).
MÂY VÀ BẦU TRỜI
Trong bối cảnh trên đây, tức trong khi vô số khái niệm (các tư duy và xúc cảm) đang sinh sôi nẩy nở thì các bạn không cần phải ra sức để tìm cách hóa giải chúng hầu tuần tự loại bỏ chúng. Trái lại các bạn hãy cứ tiếp tục nhận biết được trí tuệ của Dharmakaya/Thân Đạo Pháp mà mình đã nhận diện được nó từ trước, và cứ tập trung tất cả sự chú tâm của mình vào đó. Vị du-già uyên bác Milarepa/Mật-lặc Nhật-ba đã từng cất cao câu hát sau đây: “Khi các áng mây xuất hiện thì chúng xuất hiện từ bầu trời, khi tan biến thì chúng cũng lại quay về với bầu trời”. Người ta cũng có thể so sánh hiện tượng đó với một khối nước đá tan trong nước (khi hận thù bùng lên thì nó bùng lên từ tâm thức thần bí nhất, khi tan biến thì nó cũng tan vào bên trong tâm thức thần bí nhất. Nếu hiểu được điều đó thỉ sẽ không có gì để mà lo sợ cả. Trái lại nếu chạy trốn hận thù thì nó sẽ chạy theo và đuổi bắt mình, nếu nắm bắt nó thì nó sẽ sai khiến mình. Nếu mở rộng sự suy luận đó đối với tất cả các tư duy và khái niệm khác thì cũng vậy, cứ để chúng hiện ra từ tâm thức thần bí nhất của mình và cứ mặc chúng tự tan biến vào bên trong tâm thức thần bí đó. Nếu nắm bắt chúng thì sau đó hãy nhìn vào tâm thức mình để xem chúng trở nên sôi sục và lan rộng như thế nào)..
Hãy suy nghĩ về sự kiện sau đây: nếu nước đang bị vẩn đục mà mình cứ khuấy động thì nó càng đục thêm, ngược lại nếu để yên thì nước sẽ tìm lại được sự êm ả và tinh khiết của nó. Cũng vậy cứ để cho các khái niệm trôi theo dòng luân lưu của chúng, chỉ nên tập trung vào bản chất sâu kín của chúng (tức là sự trống không về sự hiện hữu nội tại của chúng) và tiếp tục an trú bên trong bầu không gian của tâm thức thần bí nhất. Nếu các bạn có thể trụ vào bên trong nó thì mọi khái niệm sẽ dần dần thu nhỏ và giảm bớt đi.
(Mọi sự suy nghĩ và diễn đạt của mình đều phải dựa vào các “khái niệm”, tức là các sự hiểu biết công thức và quy ước, có nghĩa là các hình thức “hiểu ngầm” giữa mọi người với nhau về một sự vật hay một sự kiện nào đó. Sự hiểu biết ấy không liên hệ cũng không phản ảnh thực tại một cách chính xác và trung thực. Do đó nếu dựa vào các sự “hiểu biết” ấy để thiết lập các hệ thống tư tưởng – dù là thuộc vào các lãnh vực triết học, tín ngưỡng, tôn giáo, kể cả khoa học qua một số khía cạnh nào đó – thì chúng cũng chỉ mang giá trị hạn hẹp và quy ước của các khái niệm mà thôi. Trong bài kinh về phép chú tâm dựa vào hơi thở/Anapanasati, MN 118, Đức Phật cho biết nếu nhìn vào thân xác và nhận thấy nó to lớn hay béo lùn, xinh đẹp hay xấu xí, gồm đầu mình, chân tay, thịt xương, phèo phổi, hoặc nhìn vào tâm thức và nhận thấy các thứ tư duy, xúc cảm, tác ý…, thì tất cả các thứ ấy cũng chỉ toàn là các hình thức “khái niệm”. Ngược lại nếu nhìn thật sâu vào bên trong của bên trong các thứ ấy thì sẽ quán thấy được bản chất đích thật của chúng là một sự trống không mà thôi, phía sau các thứ ấy không có một “tên gọi” nào cả. Quan điểm của Đại hoàn thiện về tư duy và sự hiểu biết qua các lời giảng của Đức Đạt-lai Lạt-ma trên đây cũng tương tự như vậy: các khái niệm cũng chỉ là như thế, sinh ra từ tâm thức thần bí nhất và tan biến vào bên trong tâm thức thần bí nhất ấy, phía sau các sự hiển hiện và tan biến ấy không có một “tên gọi” nào cả mà chỉ là một sự phù du nói lên bản chất “hoàn-toàn-trống không”/all-empty của chúng).
SỰ HÒA NHẬP GIỮA MẸ VÀ CON
Trong thể dạng bình thường của chúng ta, và dù mình có luyện tập thiền định hay không thì cũng vậy, tâm thức thần bí nhất luôn hiển lộ một cách tự nhiên và hiện hữu trong chúng ta từ nguyên thủy. Chính vì thế mà người ta gọi nó là “ánh sáng trong suốt mẹ” (mother clear light). Ánh sáng trong suốt căn bản đó, dù hiện hữu đã từ muôn thuở, thế nhưng trước đây chúng ta không hề nhận biết được nó. Nếu có một vị Lạt-ma đưa nó vào bên trong chính mình (qua các nghi lễ thụ giáo hoặc bằng sự giảng dạy chẳng hạn) và khi nào mình đã nhận biết được sự hiện hữu của nó bên trong chính mình, thì mình cũng sẽ đạt được một thể dạng mới gọi là “ánh sáng trong suốt con” (child clear light).
Vì thế người ta có thể bảo rằng tâm thức thần bí nhất mang hai thể dạng khác nhau. Thể dạng thứ nhất là tâm thức thần bí nhất hiển lộ một cách tự nhiên, hiện hữu từ nguyên thủy, được gọi là “ánh sáng trong suốt mẹ” (rất khó nhận thấy). Thể dạng thứ hai là tâm thức thần bí nhất mà mình có thể nhận biết được nó (tương đối dễ dàng hơn qua sự thụ giáo với một vị Lạt-ma chẳng hạn) thì gọi là “ánh sáng trong suốt con”. Khi nào nhận diện được gương mặt tự nhiên của tâm thức thấn bí nhất hiện hữu từ muôn thuở, hiển lộ một cách tự nhiên bên trong con người của chính mình, thì người ta gọi đấy là “ánh sáng trong suốt mẹ và con cùng hòa nhập với nhau” (trước đây mình không nhận biết được ánh sáng trong suốt mẹ bên trong chính mình, thế nhưng sau khi một vị Lạt-ma đưa ánh sáng trong suốt con vào tâm thức mình thì nhờ đó và qua sự luyện tập thiền định, mình nhận biết được ánh sáng trong suốt đích thật đã có sẵn từ trước bên trong chính mình tức là ánh sáng suốt mẹ, sự nhận biết ấy gọi là sự “hòa nhập hay hội nhập giữa ánh sáng trong suốt mẹ và con”). Trên thực tế thì đấy không phải là hai thứ khác nhau, mà đúng hơn là một đối tượng được nhận biết (tức ánh sáng trong suốt mẹ có sẵn từ trước bên trong chính mình) và một một chủ thể nhận ra được nó (tức là ánh sáng trong suốt con nhận ra được ánh sáng trong suốt mẹ hiện hữu bên trong chính mình), nói một cách khác là: một đằng là đối tượng của sự hòa nhập (tức ánh sáng trong suốt mẹ) và một đằng là chủ thể hòa nhập (tức ánh sáng trong suốt con). Thật ra chúng ta cũng chỉ giữ vai trò nhận diện những gì đã có sẵn một cách đương nhiên qua căn bản thật đầy đủ và toàn vẹn của nó (không phải là nhờ vào sự hòa nhập của ánh sáng trong suốt con thì ánh sáng trong suốt mẹ mới có thể hiển lộ một cách đầy đủ). Cách giải thích trên đây chỉ mang tính cách ẩn dụ (metaphor) nhằm nêu lên sự tiếp xúc giữa ánh sáng trong suốt mẹ và con. Sự giải thích ẩn dụ (mang tính cách tượng hình và cụ thể) đó chỉ là nhằm vào mục đích duy nhất là giúp chúng ta nhận biết được những gì đã có sẳn bên trong chính mình.
ÁNH SÁNG TRONG SUỐT CỦA CÁI CHẾT
Theo các học phái thuộc truyền thống dịch thuật mới, thì sự gặp gỡ đó giữa ánh sáng trong suốt mẹ và con cũng xảy ra trong quá trình của cái chết. Trên đây tôi đã giải thích sơ qua về vấn đề này (tức là quá trình của cái chết gồm tám giai đoạn tất cả, và giai đoạn sau cùng là sự hiển lộ của tâm thức ánh sáng trong suốt), và dưới đây tôi sẽ tiếp tục nêu lên thêm một số các chi tiết khác. Trong quá trình bình thuờng của cái chết, khi tâm thức ánh sáng trong suốt hiện lên thì mọi sự hiển hiện trong thế giới qua sự nhận biết của mình, sẽ dần dần thu nhỏ lại (withdraw/rút lại, tan biến dần, tức là những gì mà mình hiểu biết về thế giới sẽ dần dần trở nên lu mờ khi cái chết xảy ra). Xuyên qua bốn giai đoạn sau cùng thuộc bên trong (tức là bốn thể dạng hòa tan của tri thức), trong số tám giai đoạn của cái chết, các luồng khí lực hay năng lực giữ chức năng chuyển tải tri thức (tương tự như các con ngựa mà tri thứ cưỡi lên lưng chúng như những người kỵ mã) càng lúc càng trở nên tinh tế hơn. Trong giai đoạn cuối cùng, các luồng khí lực này – tạm thời giữ vai trò chuyển tải tri thức – sẽ bị hòa tan hết và tâm thức (đối với một người tu tập cũng như không tu tập cũng vậy – gcts) sẽ không còn bị chia cắt nữa (indiffrérencié/ undifferenciated /trở nên đồng nhất, không còn bị phân tán nữa), nếu có thể nói như thế. Một khoảng không gian mở rộng và tinh khiết, tương tự như bầu trời lúc hừng đông, hiện ra một cách tự nhiên nhờ vào sức mạnh của nghiệp (nên hiểu nghiệp với ý nghĩa rộng, một hình thức thúc đẩy của sự sống nói chung).
Trong giai đoạn tối hậu đó của cái chết, sau khi tất cả các thể loại tri thức thô thiển đã bị hòa tan hết trong cấp bậc “hoàn-toàn-trống-không” (all-empty) thì ánh sáng trong suốt, tức là tâm thức nền tảng tự tại, cùng với muôn trùng sự vật trong thế giới (sự hiểu biết nói chung của chúng ta về thế giới này), kể cả các khái niệm, chẳng hạn như cùng một thứ hay khác biệt nhau (tức là sự phân biệt hay khả năng lý luận) tất cả đều tan biến trong tâm thức tinh tế nhất (trong thể dạng “hoàn-toàn-trống-không” sẽ không còn bất cứ một thứ gì nữa, kể cả ánh sáng trong suốt: mất hết, quên hết, tan biến hết, kể cả sự sáng suốt của dòng tri thức sau khi các sự “hiểu biết” nói chung đã bị hoàn toàn hòa tan). Riêng đối với trường hợp một người tu tập thì trong tình trạng đó (tức trước khi tất cả đều tan biến hết, kể cả ánh sáng trong suốt) sẽ tìm cách vượt lên trên “sự trống không thường tình” (ordinary emptiness), có nghĩa là vượt lên trên sự vắng mặt đơn giản của các biểu hiện quy ước (phản ảnh các sự mất mát, chẳng hạn như trong gian phòng không có cái bàn). [Điều đó có nghĩa là] khi ánh sáng trong suốt vừa lóe lên thì người tu tập sẽ phải [tức khắc] dựa ngay vào tâm thức ánh sáng trong suốt đó để thực hiện (nhận thức) “sự trống không phi thường” (extraordinary emptiness) của sự hiện hữu nội tại (có nghĩa làm cảm nhận một cách sâu xa về tính cách không thật của mọi hiện tượng, chúng không hàm chứa một sự hiện hữu nội tại hay tự tại nào cả, đó là “sự trống không phi thường” phản ảnh trí tuệ và sự giác ngộ của người tu tập. Sự ý thức đúng lúc và kịp thời đó sẽ giúp người tu tập thoát ra khỏi quá trình đảo ngược của cái chết đưa đến sự tái sinh). Trong lúc ánh sáng trong suốt đã [hoàn toàn] hiển hiện thì dù có cố gắng cách mấy đi nữa cũng [sẽ quá muộn], sẽ không còn làm được bất cứ gì nữa cả. Tóm lại phải luyện tập thiền định từ trước [khi chết] hầu giúp mình quen dần với thời điểm vô cùng quan trọng đó, và nhất là phải hình dung được ánh sáng trong suốt ấy một cách thật minh bạch qua từng ngày một trong cuộc sống thường nhật của mình, kể cả khi cuộc sống đó khởi sự chấm dứt, có nghĩa là trong khi xảy ra các giai đoạn hòa tan, nhất là trong những giây phút tối hậu khi ba thể loại tâm thức biểu hiện màu trắng, đỏ-cam và đen bắt đầu lóe lên.
Vì thế tất cả đều tùy thuộc vào kết quả mang lại từ việc tu tập tâm linh từ trước, nhờ vào sức cố gắng và khả năng luyện tập thiền định của mình. Nếu việc luyện tập đó mang lại kết quả thì nhờ đó các bạn sẽ chuyển được ánh sáng trong suốt của cái chết trở thành một thể dạng tri thức thiêng liêng với đầy đủ phẩm tính của nó, có nghĩa là tâm thức các bạn sẽ nhận biết được chính nó và cả bản thể [sâu kín] của nó, tức là thực thể nền tảng của tâm thức thần bí nhất.
Nếu việc luyện tập du-già của mình từ trước có thể giúp mình chuyển tâm thức ánh sáng trong suốt, hiện hữu trọn vẹn bên trong chính mình ở thể dạng tự nhiên của nó, trở thành con đường tu tập tâm linh, thì người ta sẽ gọi đấy là sự “gặp gỡ” hay sự “hòa nhập hay hội nhập” giữa hai thứ ánh sáng trong suốt mẹ và con”. Tâm thức ánh sáng trong suốt ở thể dạng bình thường thuộc thành phần tự nhiên nơi mỗi con người các bạn, là “ánh sáng trong suốt mẹ”, ánh sáng trong suốt đạt được trên đường tu tập du-già là “ánh sáng trong suốt con”. Vào thời điểm khi ánh sáng trong suốt mẹ của cái chết hiện lên, và ngay khi đó nếu mình có thể chuyển nó trở thành con đường [luyện tập] tâm linh, thì điều đó sẽ được gọi là sự “gặp gỡ” hay “hòa nhập” giữa hai thứ ánh sáng trong suốt mẹ và con (ý trong phân đoạn trên đây có đôi chút lập đi lập lại, tuy nhiên điều đó cũng giúp mình lưu tâm đến một điểm thật quan trọng là sự tu tập của mình bắt đầu bằng sự nhận biết ánh sáng trong suốt con mang tính cách “bên ngoài” tức có nghĩa là ít nhiều “hời hợt”, trước khi nó hòa nhập với ánh sáng trong suốt mẹ bên trong chính mình, giúp mình quán thấy và ý thức được tâm thức đích thật, sâu kín, nguyên sinh và thần bí nhất của chính mình).
Do đó cũng xin nhắc lại là trên thực tế, sự gặp gỡ trên dây không có nghĩa là một sự gặp gỡ giữa hai thực thể [cá biệt], mà đúng hơn là ánh sáng trong suốt mẹ của cái chết hiển lộ qua tác động của nghiệp và biến thành một thứ tri thức tâm linh (góp phần vào sự luyện tập của mình) dưới hình thức ánh sáng trong suốt con. [Tóm lại] nhờ vào sự luyện tập từ trước ánh sáng trong suốt mẹ, thay vì chuyển thành tâm thức thường tình của cái chết [đưa đến sự tái sinh], thì sẽ được sử dụng để thực hiện (quán thấy) thực thể của sự trống không/Tánh không về mọi sự hiện hữu nội tại. Điều này sẽ giúp tháo gỡ (hóa giải, loại bỏ) các xúc cảm đau buồn phát sinh từ sự nhận thức sai lầm về mọi hiện tượng, thường được nhận biết như là hiện hữu một cách độc lập, tự nơi chúng và bởi chính chúng.
ÁNH SÁNG TRONG SUỐT MẸ VÀ CON NÊU LÊN TRONG BÀI THƠ
Ý nghĩa của câu: “Ánh sáng trong suốt mẹ và ánh sáng trong suốt con, từng quen biết nhau từ trước, sẽ cùng hội nhập với nhau” trong bài thơ của Patrul Rinpoché đã được giải thích trong phần bình giảng thứ nhất trên đây. Ánh sáng trong suốt chủ yếu nhất luôn hiện hữu một cách tự nhiên trong mỗi con người chúng ta là ánh sáng trong suốt mẹ, thế nhưng trước đây chúng ta không hề nhận biết được nó. [Trái lại] ánh sáng trong suốt do một vị Lạt-ma đưa vào bên trong chúng ta (qua các nghi thức thụ giáo hoặc sự giảng dạy) và chúng ta có thể nhận biết và khơi động được nó nhờ vào phép thiền định, là ánh sáng trong suốt con. Dù ánh sáng trong suốt [mẹ] của tâm thức thần bí nhất luôn thể hiện bên trong chính mình, thế nhưng trước đó nó không hề được biết đến. Sự kiện này cũng tương tự như hai thứ ánh sáng trong suốt mẹ và con chưa từng bao giờ gặp gỡ nhau. Thế nhưng nếu có một vị Lạt-ma giới thiệu (ánh sáng trong suốt con) với ánh sáng trong suốt hiện hữu một cách tự tại (tức ánh sáng trong suốt mẹ) thì chúng ta sẽ nhận biết được nó (tức nhận biết được ánh sáng trong suốt mẹ) qua những sự cảm nhận sâu kín của chính mình, và sự nhận biết đó sẽ được gọi là sự “hòa nhập của hai thứ ánh sáng trong suốt mẹ và con”.
(Không mấy người trong chúng ta may mắn được một vị Lạt-ma đưa “ánh sáng tâm thức con” vào bên trong chính mình. Thế nhưng Đức Đạt-lai Lạt-ma với tư cách là một vị Lạt-ma uyên bác và cao thâm nhất của Phật giáo Tây Tạng, qua những lời giảng dạy trên đây đã đưa ánh sáng trong suốt con vào bên trong mỗi con người trong chúng ta. Ngài không những là một vị Lạt-ma của người dân Tây Tạng mà còn là một vị Phật của tất cả chúng ta. Sinh ra và lớn lên trong thời đại của một vị Phật là cả một sự may mắn vô biên, là kết quả mang lại từ nghiệp lành của mình từ muôn kiếp trước. Chúng ta hãy ý thức được điều đó và bước theo Ngài với tấm lòng tràn ngập hân hoan).
AN TRÚ BÊN TRONG SỰ CẢM NHẬN
Khi nào nhận biết được gương mặt của tâm thức thần bí nhất thì hãy duy trì nó và thường xuyên an trú bên trong nó, và đấy cũng là ý nghĩa trong câu sau đây trong bài thơ của Patrul Rinpoché: “Hãy an trú bên trong thể dạng của phẩm tính không thể mô tả được của tâm thức thần bí nhất”.
Đối với các hệ thống khác của phép Du-già Tan-tra Tối thượng (Tantra Yoga supérieur/Highest Yoga Tantra) thì thể dạng đó được gọi là “tâm thức nền tảng tự tại của ánh sáng trong suốt”. Riêng đối với phép Đại hoàn thiện thì người ta phân biệt giữa “nền tảng” và sự “hiển hiện của nền tảng”, “nền tảng” ở đây có nghĩa là nền tảng của “tri thức” thần bí thứ nhất. “Tri thức” thần bí nhất đó – được nhận biết xuyên qua sự vận hành của sáu nhóm tri thức tương quan với sự rung động (vibration) của “tâm thức” thần bí nhất (6 nhóm tri thức gồm 5 tri thức cảm giác và 1 tri thức tâm thần. Xin nhắc lại chữ “tri thức”/consciousness được quy định chính xác và rõ ràng hơn, trong khi đó thì chữ “tâm thức”/spirit mang ý nghĩa bao quát hơn, bao hàm bên trong nó các thể dạng tri thức khác nhau. Các chữ “tri thức” và “tâm thức” trong các câu trên được viết nghiêng và đặt trong hai dấu ngoặc kép là nhằm để lưu ý người đọc về ý nghĩa khá tế nhị của các thuật ngữ này). Khi nào nhận biết được sự rung động đó của “tri thức” thần bí nhất và duy trì được nó bên trong thể dạng thiền định của mình, thì cũng có nghĩa là mình đã đạt được “tâm thức” nền tảng thần bí nhất.
KHẮC PHỤC CÁC SỰ NHIỄU LOẠN
Trong lúc hành thiền, các cảm nhận phúc hạnh, trong sáng hoặc phi-tư-duy có thể hiện lên trong tâm thức mình. Thế nhưng thật ra các cảm nhận ấy cũng chỉ là những thứ tạo tác ở cấp bậc thô thiển, không hề là các cảm nhận thuộc các cấp bậc tinh tế, chúng che lấp và ngăn chận [sự hiển lộ] của tâm thức thần bí nhất, tương tự như lớp vỏ trấu bao bên ngoài hạt gạo. Do đó phải loại bỏ chúng, sự kiện này được nêu lên trong câu thơ: “[Dù đấy là] sự thanh thản, niềm phúc hạnh, sự trong sáng hay niềm hân hoan, thì cũng cứ đập tan tất cả, cứ đập tan và đập tan”. Thật hết sức quan trọng là phải làm dừng lại các thứ cảm nhận thiền định phản ảnh các niềm phúc hạnh hời hợt, sự trong sáng thô thiển và sự vận hành phi-khái-niệm thuộc các cấp bậc nông cạn của tâm thức, hầu làm hiển lộ tâm thức thần bí nhất với tất cả sự trần trụi của nó, nhờ đó nó sẽ làm bừng sáng nội tâm các bạn.
Vậy thì phải làm thế nào để đập tan những thứ ấy (tức các cảm nhận phúc hạnh, trong sáng, hân hoan… hiện lên trong khi thiền định)? Mỗi khi các cảm nhận tâm linh ở các cấp bậc thấp hiện lên với mình thì sẽ phải xử trị chúng bằng cách thỉnh thoảng thét lên tiếng Phat! Hãy thét lên thật mạnh và thật ngắn tương tự như một nhát dao, tiếng thét đó sẽ chặt phăng các lớp vỏ bao trùm tâm thức thần bí nhất. Tiếng Phat đó gồm có vần Pha biểu trưng cho phương pháp, giữ vai trò liên kết các yếu tố tạo ra sự bấn loạn, và sau đó là vần t, biểu trưng cho trí tuệ giữ vai trò chặt đứt và loại bỏ. Âm hưởng bất thần của tiếng Phat, tương tự như một tiếng sét, đập tan lớp vỏ bám víu, che lấp các cảm nhận thiền định [sâu kín], đấy cũng là ý nghĩa của câu thơ: “Hãy bất thấn đập tan tất cả bằng tiếng thét của phương pháp và trí tuệ“.
SỰ TƯƠNG ĐỒNG GIỮA THIỀN ĐỊNH BÊN TRONG VÀ BÊN NGOÀI
Bên trong khuôn khổ của tâm thức thần bí nhất không thể mô tả được, sẽ không có một phương cách nào có thể ngăn chận được sự xuyên thấu của tâm thức các bạn. Điều đó có nghĩa là trong lúc thiền định, mỗi khi các sự vật hiện lên thì chúng sẽ không gặp phải một sự cản trở hay ngăn chận nào cả, vì thế tốt nhất là không nên tìm cách ngăn chận những sự hiển hiện đó của chúng (vì chỉ là vô ích mà thôi). Thay vì để tâm thức tham gia và vướng mắc vào các sự hiển hiện của những thứ ấy, thì cứ giữ nó thường xuyên an trú bên trong thể dạng nhận thức trong sáng của tâm thức thần bí nhất. Khi đã duy trì được thể dạng [bình lặng] đó thì người ta gọi đấy là sự “thăng bằng thiền định” (égalité méditative/meditative equality/thể dạng đồng đều hay đồng nhất của thiền định), và sự nhận thức về mọi sự vật trong những lúc tạo được thể dạng thiền định đó sẽ không khác biệt gì nhiều so với sự nhận thức về mọi sự vật ngoài những lúc hành thiền, còn gọi là thể dạng “hậu thu đạt” (subsequent obtaining), và đấy cũng là ý nghĩa nêu lên trong câu thơ: “Không có một sự khác biệt nào giữa thể dạng thăng bằng trong lúc hành thiền và kết quả mang lại [từ thể dạng đó]” (có nghĩa là trong lúc hành thiền hay không hành thiền thì sự nhận thức của mình vẫn giữ được sự trong suốt và xuyên thấu như nhau).
Một khi đã quán thấy được gương mặt của tâm thức thần bí nhất và duy trì được sự tập trung hướng vào nó thì sẽ không có một sự khác biệt nào giữa những lúc hành thiền nghiêm túc tạo ra sự “bình lặng thiền định” đưa đến sự hiển lộ của tâm thức ở thể dạng “thăng bằng thiền định”, và những lúc không hành thiền nghiêm túc (tức những lúc nghỉ ngơi). Dù đang hành thiền hay không hành thiền cũng vậy, dù tâm thức hướng vào hay không hướng vào một đối tượng suy tư duy nhất, và dù thể dạng tâm thức mà mình hiện đang có được gọi là gì, thì bất cứ tư duy nào hiện lên với mình thì tất cả cũng đều hiển hiện từ sự rung động (vibration) của tâm thức thần bí nhất. Tất cả mọi thứ khái niệm đều nhất thiết phát sinh từ bên trong bầu không gian của tâm thức thần bí nhất đó, chúng sinh ra từ một nguồn gốc chung là sự phát tán của tâm thức thần bí nhất, nói một cách khác thì chúng là kết quả tạo ra bởi sự tỏa sáng (effulgence) của nó. Nếu đủ sức “trông thấy” chúng (tức là các tư duy và khái niệm) hiện ra từ tâm thức thần bí nhất thì các bạn cũng sẽ hiểu rằng chúng phải được sinh ra từ tâm thức thần bí nhất ấy, và nơi mà chúng sẽ chấm dứt [sau đó] thì cũng chính là tâm thức thần bí nhất. Điều ấy được gọi là sự “nhận biết các khái niệm”.
(Nói một cách vắn tắt là tất cả những sự “sôi sục” của tư duy và khái niệm trong nội tâm mình dù liên hệ đến toàn thế giới và cả con người của chính mình, cũng đều nhất thiết hiển hiện từ tâm thức thần bí nhất bên trong chính mình. Các sự “sôi sục” đó cũng sẽ “tan biến” vào bên trong tâm thức thần bí nhất ấy của mình. Ý thức được được điều đó có nghĩa là quán thấy được nguồn gốc của sự “sôi sục” và cả sự “tan biến” của toàn thể thế giới và cả con người của chính mình. Tất cả những thứ ấy cũng chỉ là các “khái niệm” sinh ra từ tâm thức thần bí nhất và cũng tan biến vào bên trong tâm thức ấy. Điều đó đồng thời cũng nói lên sự “vắng mặt” hay sự “trống không” về sự hiện hữu trường tồn, bất biến và tự tại của thế giới hiện tượng và cả chính mình. Dưới một góc nhìn thu hẹp hơn thì qua quá trình của sự sinh, các thứ tư duy và khái niệm dần dần được sinh ra từ tâm thức thần bí nhất tạo thành các lớp vỏ bao phủ tâm thức phản ảnh sự u mê hay “vô minh” của nó, và sau đó trong quá trình của cái chết thì các tư duy và khái niệm tạo ra qua quá trình của sự sinh trên đây cũng sẽ lần lượt bị hòa tan và biến mất bên trong tâm thức thần bí nhất).
BA PHƯƠNG PHÁP GIÚP THOÁT KHỎI CÁC KHÁI NIỆM
Có ba phương pháp giúp thoát khỏi các khái niệm. Phương pháp thứ nhất cũng tương tự như gặp lại một người bạn lâu đời (sẽ được giải thích chi tiết hơn dưới đây). Phương pháp thứ hai được so sánh với một con rắn quấn thành một nùi và tự nó tháo gỡ cho mình, sự tháo gỡ đó được xem là sự “tự giải thoát khỏi các khái niệm”. Phương pháp thứ ba được so sánh với một tên trộm thâm nhập vào một gian nhà trống không, có nghĩa là gian nhà không có bất cứ thứ gì để mà mất mát, và tên trộm thì cũng chẳng có gì để mà đánh cắp, gian nhà biểu trưng cho thể dạng “tự-giải-thoát” (self-liberation).
Phương pháp thứ ba trên đây là mạnh nhất. Đối với phương pháp thứ nhất thì mỗi khi các bạn nhận biết (recognize) một khái niệm được tạo dựng – dù mình đã từng biết (know) nó từ trước cũng vậy – thì sự nhận biết đó cũng luôn đòi hỏi phải có một chủ thể nhận biết và một đối tượng được nhận biết (khi một sự nhận biết xảy ra thì phải có một “đối tượng” được nhận biết – trong trường hợp của thí dụ trên đây thì đối tượng là sự xuất hiện tình cờ và đột ngột của một người bạn lâu đời – và một “chủ thể” đứng ra nhận biết “đối tượng” ấy – trong trường hợp này là chính mình nhận ra được một người bạn lâu đời của mình. Tóm lại nếu chủ thể không nhận ra đối tượng, dù là mình đã từng biết nó từ trước, thì cũng sẽ không xảy ra một sự nhận biết nào cả. Khi các khái niệm hiện lên trong tâm thức nhưng mình không nhận biết chúng, dù mình đã từng biết chúng từ trước cũng vậy, thì đấy là phương pháp giúp mình thoát ra khỏi các khái niệm). Vì thế, nếu các khái niệm phát sinh thì cứ để cho chúng phát sinh, không nên chú ý đến chúng để mà đánh mất đi sự tập trung cua mình hướng vào phẩm tính của tâm thức thần bí nhất (có nghĩa là nếu các khái niệm sinh sôi, thì cứ để chúng sinh sôi, không nên chú tâm vào đó khiến mình bị tách rời ra khỏi phẩm tính của tâm thức thần bí nhất là sự trong sáng của nó). Không hướng vào chúng, không cần biết đến chúng. Hãy nhận định thực thể đích thật của chúng để hiểu rằng thực thể ấy cũng chẳng khác gì một sự sôi sục (effervescence) của tâm thức thần bí nhất.
Trên quan điểm đó thì các khái niệm không phải là những gì vượt xa hơn sự rung động của tâm thức thần bí nhất, cũng không phải là những gì vượt ra bên ngoài lãnh vực phát tán của nó. Nếu nhìn vào các khái niệm xuyên qua bầu không gian của tâm thức thần bí nhất thì đấy không phải là cách tìm hiểu xem chúng đang phát sinh hay đang chấm dứt, [mà chỉ là để hiểu rằng] chúng không giúp ích được gì, cũng không gây ra tác hại nào cả (các khái niệm cứ hiện lên và biến mất bên trong tâm thức thần bí nhất). Qua tầm nhìn đó thì không có gì khác biệt giữa những lúc hành thiền nghiêm túc và trong những khoảng thời gian giữa các buổi hành thiền (dưới một góc nhìn nào đó thì sự vượt thoát khỏi các khái niệm trong bất cứ bối cảnh nào trong cuộc sống cũng có nghĩa là vượt cao hơn cả phép hành thiền).
Nếu các bạn duy trì được dòng tiếp nối liên tục của sự thực hiện [thiền định] qua thể dạng thăng bằng của nó (tức là không bị xao lãng bởi sự phát tán của tâm thức thần bí nhất dưới hình thức khái niệm) thì sẽ không có một sự khác biệt nào giữa lúc đang hành thiền nghiêm túc và trong khi nghỉ ngơi. Tầm nhìn đó của các bạn lúc nào cũng [thăng bằng] như nhau xuyên qua tất cả mọi cảnh huống. Vậy các bạn hãy thường xuyên trụ vào thể dạng tự-thực-hiện (auto-realization) của tâm thức mình từ bên trong tâm thức thần bí nhất, và đó cũng là ý nghĩa của câu thơ: “Hãy luôn an trú trong thể dạng không phân tách đó, không có gì khác biệt giữa lúc đang-hành-thiền và sau-khi-thiền-định” (có thể hiểu đây là sự chấm dứt của việc tu tập, một sự “đình chỉ” cuối cùng).
(Hết chương 10)
Bures-Sur-Yvette, 20.03.2018
Hoang Phong chuyển ngữ