Cách đây độ 40 năm mình có trình cho anh Từ, chị Cúc một số bài lai cảo chưa in thành sách để anh chị cho ý kiến hướng dẫn. Sau một thời gian xem qua, chị Cúc dạy: ”Về vấn đề ổn định tư duy trước khi chấp bút, em nên trao đổi với chị Tâm Minh – Vương Thúy Nga (nay là Huynh Trưởng cấp Dũng). Lúc ấy mình chưa hề biết mặt nghe tên, bởi lúc ấy mình còn ở quê. Sau nầy hân hạnh được tiếp xúc với chị, nhóm chúng mình mới biết và trao cho chị biệt danh: ”THẮNG MAN LÃO BÀ BÀ“ của GĐPT, vì chị có kiến thức, trình độ rất chuẩn; một tấm gương cầu học không mệt mỏi; tâm tính chánh trực trượng phu, không khoan nhượng những tư duy cong vẹo, thoái thác, hờn dỗi; thông cảm, vị nễ bó qua dù đó là của ai, tiếng tăm lừng lẫy thế nào…
Mình cũng thuộc loại cứng đầu, nhưng chị Tâm Minh mà có ý kiến mình thường “Y giáo phụng hành” và chưa từng vô lễ với chị lần nào hay phản bác tư duy góp ý của chị. Dưới nhãn quan của nhóm tôi (San – Thăng – Khôi – Hùng – Hòa – Liên Minh) thì chị là nhân vật tầm cỡ của ngành Nữ GĐPTVN sau chị Tâm Chánh – Hoàng Thị Kim Cúc. Đọc những dòng này “bà bà” thế nào cũng có ý kiến, bạn đọc lắng nghe! Chị Tâm Minh là nhân vật thứ hai mà tôi đưa lên đầu vì chị là Phó Ban Điều Hành Trang Nhà nhưng số lượng bài viết cho các trang mạng và báo chí Phật Giáo nhiều và được các bậc thiện trí đánh giá cao trên nhiều nước chứ không riêng gì cho tổ chức GĐPTVN.
Nhân vật thứ hai là công tử họ Bạch, HT cấp Dũng Tâm Kiểm – Bạch Hoa Mai. Nhân vật có nhiều tư duy nổi trội, nhạy bén về mặt lãnh đạo tổ chức, khả năng che chắn và vượt qua khó khăn đầy bản lãnh, đa mưu túc trí. Chị Cúc, anh Từ sau khi xem những cảo bản của tôi chị Cúc dạy: Về chuyên năng em tham khảo Tâm Huy và học hỏi thêm về ngành nầy. Anh Từ thêm: Về nghệ thuật cầm còi trong GĐPTVN có hai người mà em không thể không tham vấn. Thứ nhất là Tâm Tiểm – Bạch Hoa Mai, thứ hai là Nguyễn Văn Quýnh; nhưng với một điều kiện là “Chỉ học CẦM CÒI chứ không học CẦM bất cứ một thứ nào khác”. Sau nầy được dịp gặp anh, rồi trở thành trợ tá cho anh, tôi mới thấy các ông anh, bà chị của mình có cái thuật dùng người nói hơi quá chứ rõ thật “thông kim bác cổ” mới có thể đưa con thuyền GĐPT vượt qua bao bão táp phong ba.
Nhân vật thứ ba thuộc loại “Khí hạo nhiên chi đại chí cương”, chịu thương chịu khó làm việc với con tim đầy đam mê và nhiệt huyết. Đây là anh Quảng Dũng – Hồ Chí Cường, và sau lưng anh là một khối Kỹ Thuật Viên chí tình và dễ thương không chê vào đâu được, có mặt trên mọi miền đất nước và trên toàn thế giới, làm việc không cần danh phận, địa vị; chỉ mong làm nhịp cầu nối giữa những mãnh tâm tình Lam không biên giới không bận tâm đến cơm, áo, gạo, tiền. Tôi nói đây để Lam Viên trong nước cũng như ở các quốc gia trên toàn thế giới nếu có dịp gặp họ nên móc hầu bao mà nhét túi họ năm đồng ba hào, cùng lắm thì bao chầu cà-phê, đừng để họ bao lại mà tội nghiệp cho cái túi lép kẹp của họ dù cho rằng họ rất hào hoa và “hảo hán” không khác gì các kiếm sĩ một thời ờ Lương Sơn Bạc!!!
Nhân vật thứ tư và thứ năm có cùng chung một pháp danh là Nguyên Từ. Nguyên Từ – Nguyễn Đức Thương, Huynh Trưởng cấp Dũng, Nguyên Trưởng Ban Hướng Dẫn GĐPT tỉnh Quảng Trị, Nguyên Ủy Viên Nghiên Huấn Ban Hướng Dẫn Trung Ương GĐPTVN, Nguyên Ủy Viên Giáo Dục Ban Hướng Dẫn GĐPTVN Trên Thế Giới. Anh là nhân vật tầm cở về vóc dáng cũng như tài năng về nghĩa đen kể cả nghĩa bóng. Nguyên Từ – Nguyễn Quốc Hưng là nhân vật hậu cần, là nhà Mạnh Thường Quân của tổ chức. Trai trẻ nhưng cũng ngoài 50; là một nhân vật hành chánh quản trị từ những ngày đầu, rất có công với GHPGVNTN. Riêng tôi hàm ân anh rất nặng vì mỗi tác phẩm tôi viết cho ra đời, tặng anh chị em Ban Hướng Dẫn Trung Ương và các tỉnh anh hổ trợ ít nhất là 100USD. Anh em rất hợp ý nhau nhưng không đồng quan điểm về “chỗ đứng” của Ban Hướng Dẫn GĐPTVN Tại Hải Ngoại. Nhìn kết quả của Đại Hội GĐPTVN Trên Thế Giới kỳ III, tôi vô cùng phấn khích bởi tôi nghĩ anh Mai, anh Hưng và tôi là ba nhân vật rất “ăn rơ” cùng ở trong Văn Phòng Ban Hướng Dẫn GĐPTVN Trên Thế Giới cả. Thế nhưng thấy vậy mà không phải vậy. Nguyện cầu anh em hồi tâm và nhớ lời Phật dạy: “Hãy giữ gìn sự đoàn kết như giữ gìn con ngươi trong mắt mình” mà từng bước vượt qua phong ba.
Nhân vật thứ sáu là Đức Quảng – Nguyễn Hoàng Phụng. Nhạc “phông”, nhạc “nền”, các thứ mục trong pháp sự khoa nghi thường là nhạc của anh. Đặc biệt cứ mỗi lần có anh chị nào nằm xuống, anh có ngay một bản nhạc rồi tự hòa âm phối khí hoàn chỉnh gởi đến Ban Tổ Chức Tang Lễ và gia đình. Ngoài ra anh còn là một tay bỉnh bút trên nhiều lãnh vực. Nói chung, công tác truyền thông – báo chí – văn nghệ cần có anh tham gia. Anh viết rất nhiều về “câu chuyện lửa tàn”.
Nhà thơ Hàn Phong – Minh Đạo, đây là bậc cổ thụ trong làng thơ Lam. Đặc biệt, những nhà thơ trẻ trên Sen Trắng quốc nội đều có sự uốn nắn, chỉnh sửa, dắt dìu của anh. Anh rất nghèo. Tiếc thay, tôi cũng chả trả cho anh chút nhuận bút nào. Tôi rất có lỗi với anh. Nhưng khi đọc những dòng nầy tôi nghĩ anh rất ấm lòng. Cũng như trong “sự nghiệp dẫn chương trình” của Minh Trung – Đặng Viên Ngọc Trai đều có hơi hướm, bóng dáng thi ca rất nhiều sắc màu của anh.
Nữ sĩ Quảng Hoa – Phan Thị Hồng Liên với giai điệu mượt mà; mở miệng thành thơ, hạ bút thành thơ, và bài thơ hay nhất của nàng là bài thơ không có câu chữ mà cực kỳ dễ thương tên là Minh Tiến, phu quân của nàng và có mặt cùng nàng trên từng cây số Phật sự.
Một cây bút nổi trội trên lãnh vực xã luận là Nguyên Linh – Huỳnh Kim Quang; kẻ có nhiều oan khiên. Thương thay, em cứ đóng góp, cứ viết bài… và kết quả những bài viết của em không khác gì những mũi kim châm từ bên trong trái tim người hay đối tượng được đề cập. Chàng thanh niên ngoài 30 hãy còn độc thân. Người trân trọng tài năng Nguyên Linh lại là người vừa lâm trọng bệnh Như Hòa – Võ Tấn Sáu và vợ anh là chị Kiều Chinh.
Một cây bút cũng thường xuất hiện trên các chuyên mục nầy là Nguyên Hoàng – Phan Văn Huy Tâm. Nhà văn nầy có tài hành văn trôi chảy, ngọt ngào, có điều hay châm chích kẻ khác. Với biệt tài hành văn nầy nếu chịu khó nghiên cứu nội điển để có chiều sâu thì tốt biết bao nhiêu!
Một nhân vật nay chỉ còn bộ xương về cả nghĩa đen cũng như nghĩa bóng là Quảng Mẫn – Nguyễn Quang Mai. Đây là một lão già chịu khó chịu khổ trong lãnh vực quản trị và điều hành mạng truyền thông GĐPT và cả Phật Giáo, xã hội… Gặp ngày lễ nào hay sự kiện gì anh đều có bài đáp ứng thời sự, đưa tin gợi nhớ, nhắc nhở mọi người. Nếu anh không viết thì thế nào cũng có bài sưu tầm hay yêu cầu người viết thay; vì thế mà trang “Thư Viện Gia Đình Phật Tử” của anh rất có giá trị. Anh chị em nào từ nước ngoài về ghé thăm nhớ hào phóng giúp anh năm ba chục lai rai. Anh nầy, và Nguyên Linh – Phạm Quốc Việt Trị bị tôi la hoài mà không bỏ đó là tật hút thuốc!
Một nhân vật nữa có khả năng viết lách và tư duy sâu trên nhiều lãnh vực: Nguyên Hoàn – Lê Minh Toàn ở Nha Trang. Thật nghiệt ngã, biết bao người ngăn cản và kể nhiều giai thoại về anh, về anh Lê Cao Phan nhưng tôi vẫn ca dương và cộng tác cùng các anh và thường nói với nhiều người: Con người nghệ sĩ dù nhìn dưới bất cứ khía cạnh nào họ cũng là con người của quần chúng; mà quần chúng thì không phải là của bạn, của gia đình, của vợ con… dù cho là bạn đạo. Đừng vì những sơ suất cá nhân mà bỏ mất tư duy hiến dâng qua tác phẩm của họ. Và đúng như thế, các anh chị con anh Phan đã có những tâm sự làm quả tim mình xúc động!
Quảng Thọ – Đoàn Như Tùng, con trai anh Tâm Vinh – Đoàn Văn Lộc, Huynh Trưởng cấp Dũng, có nhiều chia sẻ làm phong phú tâm tình lam trên mạng “Tình Lam“.
Ngoài ra còn có Sương Thanh, Nguyễn Quang Viễn, anh Nguyên Lễ – Trần Công Lộc với những đề tài về sinh hoạt ngày xuân của chốn kinh kỳ làm cho người tha phương nhớ về Huế với những mến thương dịu ngọt.
Còn biết bao gương mặt khác… Tiếc thay, tôi không thể nói hết trong một đoản văn nầy. Do vậy, trước khi gác bút tạ từ Trang Nhà và biết bao anh chị em dành cho mình nhiều kỷ niệm khó phai, mình vẫn cứ vấn vương, thương cảm bao con người, bao tấm lòng tận tụy âm thầm hy hiến nhiều công sức, nhiều tâm huyết, trí não, tiền bạc, nhiều mồ hôi và cả nhiều, rất nhiều nước mắt cho Trang Nhà, cho tổ chức!
Thị Nguyên, Phước Việt, Việt Nguyên và Nguyên Đình xin trân trọng kính chào và đa tạ. (Riêng anh Tâm Kiểm – Bạch Hoa Mai là bậc đàn anh mà em viết như vậy là chưa đủ tôn kính, nhưng em nghĩ anh sẽ không bao giờ trách giận em, phải không anh?).
Kỷ niệm Đệ Lục Chu Niên Trang Nhà gdptthegioi.org
THẠNH KHÔNG