TVGĐPT – “Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội” (TNPSXH) thực tế có tên gọi chính thức là “Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội” (School Of Youth For Social Service). Tuy nhiên gọi đây là một Tổ chức, một Đoàn thể, một Phong trào có lẽ cũng không sai, vì khi còn học trong trường, các thanh thiếu niên được gọi là HỌC VIÊN; và khi ra trường, tiếp tục làm công tác xã hội phục vụ cộng đồng, họ được gọi là TÁC VIÊN với mục đích, lý tưởng, nguyên tắc, tổ chức cụ thể và có thời gian thống thuộc Thanh Niên Phật Tử Thiện Chí Vụ trong Tổng Vụ Thanh Niên – Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.
Trong bài viết tối giản dưới đây, Thư Viện GĐPT sẽ giới thiệu sơ lược về quá trình hình thành, mục tiêu và các quy chuẩn hành hoạt của Trường TNPSXH và sẽ tiếp tục đăng tải thêm những đề tài liên quan về ngôi trường độc đáo đặc trưng – ứng dụng tinh thần ‘đạo Phật nhập thế’; tự lực cánh sinh; không nhận ngân sách giáo dục từ Chính phủ – đã hình thành và hoạt động trong quá trình 10 năm (từ 1965 đến 1975) của một thời kỳ đặc biệt: Thời kỳ chiến tranh tàn phá khốc liệt quê hương nước Việt trước khi có chuyển biến chính trị ngày 30-4-1975.
Do không còn tài liệu chính thức nào của TNPSXH lưu hành và cũng chưa tìm lại được những tài liệu cũ, nên những chữ diễn đạt thuộc về quy chế, ấn định có thể không chính xác 100% như văn kiện lập quy chính thức trước đây, Thư Viện GĐPT sẽ cập nhật nếu có sơ suất và khi may mắn được Chư tôn túc Tăng Ni xuất thân TNPSXH và các Tác viên TNPSXH sinh hoạt trước đây chỉ giáo thêm.
oOo
LỊCH SỬ HÌNH THÀNH TNPSXH:
Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội được sáng lập bởi Thầy Thích Nhất Hạnh (lúc bấy giờ là Đại Đức Thích Nhất Hạnh), và làm lễ ra mắt vào hồi 09g00 sáng Chủ nhật ngày 6 tháng 6 năm 1965 dưới sự chứng minh của Quý Thượng Tọa Thích Trí Thủ, Thích Minh Châu, Thích Nhật Thiện và Sư Bà Thích Nữ Diệu Không (cả 4 vị tôn túc hiện nay đều đã viên tịch), cùng với sự hiện diện của nhiều quan khách nhân sĩ, học giả, giáo sư, các nhân vật quân – cán – chính và sinh viên. Nhân sự chủ chốt của Ban Quản Trị ban đầu do Sư Bà Diệu Không là Giám đốc quản trị và Đại Đức Nhất Hạnh là Giám đốc chuyên môn.
Lễ đặt viên đá đầu tiên kiến tạo Trường được tổ chức lúc 08g00 ngày 9-6-1965 (3 ngày sau Lễ ra mắt) tại công trường kiến thiết ở đường Trương Minh Giảng, Sài Gòn.
Lễ khai giảng niên khóa đầu tiên vào ngày 1-8-1965 tại chùa Từ Nghiêm với 300 sinh viên đầu tiên. Tháng 9 cùng năm, Trường chính thức trở thành Phân khoa Xã Hội trực thuộc Viện Đại Học Vạn Hạnh của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.
Thời gian sau Trường được hoạt động và điều hành độc lập với danh nghĩa Trường Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội, có trụ sở, văn phòng, giáo cụ, cư xá sinh viên riêng cho đến khi chấm dứt hoạt động sau ngày 30-4-1975 như bao tổ chức, đoàn thể thanh niên và xã hội hoạt động dưới chính thể Việt Nam Cộng Hòa lúc bấy giờ.
MỤC ĐÍCH CỦA TNPSXH:
- Đề cao lý tưởng phụng sự xã hội của thanh niên đối với đất nước.
- Thực hành lý thuyết Từ Bi của Phật Giáo.
(Mục tiêu của TNPSXH nhằm đào luyện nên tầng lớp nam nữ thanh niên nước Việt có chí hướng, có kiến thức và có khả năng chuyên môn để đi về hoạt động xã hội vô vụ lợi trong nông thôn Việt Nam, giúp đỡ đồng bào đang lầm than do chiến họa, đặc biệt là những vùng thôn quê nghèo khó, cơ cực; nỗ lực thực hiện một cuộc cách mạng xã hội âm thầm bằng tình thương của đạo Phật và bằng sự cộng tác thân thiết với người dân quê trên căn bản đồng sự và thông cảm lẫn nhau. – QM).
LÝ TƯỞNG CỦA TNPSXH:
- Phụng sự hết mình cho xã hội.
- Đấu tranh đến cùng vì hòa bình.
- Vực dậy đời sống vật chất và tinh thần của những vùng nông thôn nghèo đói.
TINH THẦN HOẠT ĐỘNG CỦA TNPSXH:
- Tinh thần Bố thí Ba-la-mật.
- Tinh thần Bình đẳng bất nhị.
- Tinh thần Bất bạo động.
NGUYÊN TẮC HOẠT ĐỘNG CỦA TNPSXH:
- Nguyên tắc “3 Điểm”: Tình thương – Trách nhiệm – Tự nguyện.
- Nguyên tắc “3 Cùng”: Cùng ăn – Cùng ở – Cùng làm.
- Nguyên tắc Trung lập về chính trị.
- Nguyên tắc Phụng sự phải song hành với tu tập.
TRỤ SỞ CỦA TNPSXH:
Trụ sở và Trường TNPSXH ban đầu là tại “chùa Lá” do Đại Đức Thích Nhất Hạnh khai sơn ở khu Phú Thọ Hòa, ngôi chùa lá đầu tiên tại Sài Gòn; sau đó Thầy đặt tên là chùa Pháp Vân. Hiện nay chùa Pháp Vân vẫn tọa lạc tại địa chỉ: số 16, đường Lê Thúc Hoạch, phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú, Sài Gòn.
MỘT NGÀY TRUYỀN THỐNG ĐẶC BIỆT CỦA TNPSXH:
Thường niên, ngày 22 tháng Tư âm lịch là ngày Lễ Hiệp Kỵ chư vị Tiền bối Hữu công Phật Giáo Việt Nam và các Tác viên Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội.
Hiện nay hằng năm Chư tôn đức Tăng, Ni và các Tác viên TNPSXH ngày ấy vẫn duy trì đều đặn Lễ Hiệp Kỵ truyền thống này tại ngôi chùa Pháp Vân lịch sử; cùng nhắc lại với nhau về những cuộc tấn công vũ lực, bắt cóc, hành quyết, thủ tiêu bất ngờ trong những ngày tháng 5 năm 1966 và tháng 4, tháng 6, tháng 7 năm 1967 của những kẻ lạ mặt chủ mưu mà đến bây giờ vẫn chưa ai từng biết họ là ai và tấn công, sát hại Tác viên TNPSXH vì lý do gì; họ cùng nhau tưởng nhớ về những Tác viên đã thiệt mạng, mất tích trong các cuộc tấn công, bắt cóc và đã tử nạn trong khi thực hiện các công tác xã hội cho đồng bào tại những vùng quê trên đất Mẹ…
QUANG MAI
Sưu tầm & biên soạn.
(Hình ảnh trong bài từ nguồn Làng Mai – langmai.org).