THÍCH NHẤT HẠNH
MỘT LÃO HIỀN TRIẾT PHẬT GIÁO
VÀ MỘT ĐỨA TRẺ
Thich Nhat Hanh, le vieux sage bouddhiste et l’enfant
Thích Nhất Hạnh, Thiền Sư Zen Việt Nam, một gương mặt lớn của Phật Giáo dấn thân, sinh năm 1926, vừa viên tịch ngày 22 tháng giêng. Tổ hợp báo chí “Le Monde” về tôn giáo tường thuật lại hành trình và tư tưởng của một con người tranh đấu cho hòa bình.
oOo
Bài viết của Bà Marie-Laurence Cattoire đưa lên báo ngày 25 tháng giêng 2022.
Thích Nhất Hạnh một người nổi tiếng khắp thế giới, từng tiếp đón chúng tôi vào dịp phỏng vấn ông năm 2014, lúc đó ông sắp tròn 88 tuổi, cuộc phỏng vấn này cũng là một trong các cuộc phỏng vấn cuối cùng của ông. Vào đúng năm đó ông bị tai biến mạch máu não và từ đó ông không còn xuất hiện trước công chúng nữa. Ông viên tịch tại Việt Nam ngày 22 tháng Giêng, lúc 95 tuổi. Hôm nay chúng tôi phác họa lại chân dung của ông theo Làng Mai. Làng Mai là một tập thể tu tập Phật Giáo do chính ông thành lập tại vùng Dordogne (Tây Nam nước Pháp) năm 1969.
Thích Nhất Hạnh đã biến đời mình thành một cuộc dấn thân. Dù ngày nay số đệ tử đông đảo của ông nhìn vào ông như một nhà hiền triết, thế nhưng không vì thế mà ông không phải là một nhà cách mạng sâu xa, từ lâu đã công khai phê phán một nền tín ngưỡng xơ cứng (sclerosis/ chai cứng, khô cằn) trên quê hương ông.
Xuất gia năm 16 tuổi (chính thức được thụ phong năm 23 tuổi – lời dịch giả) , và sau đó ông đã quy tụ được đông đảo lớp người trẻ tuổi Việt Nam say mê trước viễn tượng của một nền Phật Giáo tân tiến, sẵn sàng dấn thân vào thế giới.
Năm 24 tuổi, ông đứng ra thành lập Viện Nghiên Cứu Phật Học Ấn Quang (đúng hơn, đến năm 1956 thì ông mới bắt đầu giữ chức Tổng Biên Tập tờ báo của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất) nơi này đã trở thành chiếc nôi của một cuộc tranh đấu phi bạo lực, chống lại chiến tranh Việt Nam vào những năm 1963 đến 1975. Năm 1965, ông thành lập tập thể Thanh Niên Phụng Sự Xã Hội, quy tụ gần 10.000 người trẻ tuổi đứng lên vì xã hội, họ là những con người tranh đấu cho hòa bình từ bên trong lòng một cuộc chiến. “Nếu không tạo được một tập thể thì chẳng làm được gì cả” đấy là niềm tin mà ông cùng chia sẻ với Martin Luther King (1929-1968) (Mục sư Tin lành, tranh đấu cho nhân quyền, đoạt giải Nobel Hòa Bình 1964, chết vì bị ám sát) khi hai người gặp nhau lần đầu tiên tại Chicago (1966). Đối với vị tu hành Phật Giáo đó thì một người làm chính trị, một nhà giáo, một nhà trị liệu, một người đàn ông hay một phụ nữ kinh doanh, [tất cả] luôn phải tự nhắc nhở mình là phải thành lập một sangha (Tăng đoàn), tức là một tập thể, thì mới mong thực hiện được “các giấc mơ” của mình.
Việc học hỏi của ông trong thế giới Tây Phương (theo học tại đại học Princeton, Hoa Kỳ) càng làm gia tăng thêm tinh thần cởi mở và lòng hăng say thiết lập một nền Phật Giáo có thể quy tụ được thật nhiều người. Sau những năm dài chịu đựng mọi sự hăm dọa và ám hại, Thích Nhất hạnh đành phải chọn kiếp sống lưu vong. Ông tị nạn tại Pháp năm 1969, sau đó đến năm 1982 thì ông thành lập tu viện Làng Mai tại vùng Bordeaux, ngày nay là một trong số các tu viện quan trọng nhất trên đất Pháp. Làng Mai – hay “Tập thể đáng yêu” theo cách gọi của người bạn của ông là Martin Luther King – từ lúc mới thành lập đến nay đã chủ trương một phép tu tập gọi là “thiền định dựa vào hành động”, và mỗi năm đều quy tụ được hàng ngàn người thế tục.
“Một nụ cười cũng có thể làm biến đổi cả thế giới”
Uy lực tự nhiên của Thích Nhất Hạnh hiện lên trên một gương mặt thật nghiêm khắc, tương phản một cách thật lạ lùng với một nụ cười rạng rỡ trên môi mỗi khi ông cất tiếng để nói lên một điều gì đó. “Một nụ cười cũng có thể biến cải được thế giới này”, vị Thiền sư Zen hiểu rõ điều đó. Tiếp xúc với ông sẽ không khỏi nhận thấy ông là một con người vô cùng cứng rắn, thế nhưng ông vẫn giữ được nguyên vẹn cái mong manh và cả sự yếu mềm của một đứa bé mà ông cưu mang trong lòng.
Thầy (“thầy” là cách mà chúng tôi gọi ông theo người Việt Nam) tiếp đón chúng tôi với một tách trà; sự tiếp đón đó là cách buộc chúng tôi trước hết phải biết tận hưởng một niềm vui chung được ngồi với nhau, bên cạnh nhau, tại nơi này, giữa một hiện thực thật tròn đầy, trước khi cùng nhau bắt đầu thảo luận. “Với một tâm thức tròn đầy (pleine conscience / mindfulness / chánh niệm), chúng tôi cùng cảm thấy một niềm hân hoan khi cùng thốt lên với nhau những lời đúng đắn” (ý nói đến Con đường gồm tám yếu tố đúng đắn / Bát Chánh Đạo). Đấy là cách mà chúng tôi bắt đầu cuộc đàm thoại trong “chiếc am” làm bằng gỗ của ông trên lưng đồi, nhìn xuống một thung lũng.
Với những ngôn từ trực tiếp và đơn giản, vượt lên trên mọi giáo điều, Thầy đề cập một cách thật lưu loát các chủ đề về tâm lý học Tây Phương, chẳng hạn như nền triết học của Decartes – bằng cách nêu lên thật dí dỏm: “Tôi suy nghĩ tức là tôi không thực sự hiện hữu!” (René Decartes là một nhà toán học, vật lý học và triết gia người Pháp, thế kỷ XVII, đã thốt lên một câu rất nổi tiếng: “Tôi suy nghĩ tức là tôi hiện hữu”, câu này đối với Phật Giáo không mang một ý nghĩa nào cả, bởi vì đối với Phật Giáo thì tất cả mọi hiện tượng đều chuyển động, đổi thay, tự chúng và bởi chính chúng không hề hàm chứa một sự hiện hữu đích thật và nội tại nào cả, kể cả những sự suy nghĩ và các sự tạo dựng trong tâm thức một cá thể) và cả các chủ đề khoa học. Thầy cũng thuật lại với chúng tôi một câu chuyện trong thiền Zen về một người cưỡi ngựa đang phóng thật nhanh. Người này bất chợt gặp một người bạn và người bạn này cất lời hỏi: “Bạn đang phóng ngựa đi đâu đấy?”. Người kỵ mã trả lời rằng: “Tôi cũng không biết, bạn cứ hỏi con ngựa của tôi”. Đối với vị thầy Zen thì đấy chính là hoàn cảnh của chúng ta ngày nay: “Con ngựa là mạng lưới thông tin (Internet), và chúng ta (những người cưỡi ngựa) không sao chủ động được nó” (trẻ con thì chơi các trò chơi điện tử, người lớn thì xem những chuyện nhảm nhí hoặc vô bổ, tất cả các thứ đó chỉ là cách nghiền nát sự suy nghĩ của mình, làm tiêu hao ngày tháng quý báu trong cuộc đời mình. Ngoài ra mạng lưới thông tin cũng là một công cụ lèo lái con người một cách kín đáo. Tuy thế nếu chủ động được con ngựa, không để nó hất mình xuống đất hay xuống hố thì nó cũng có thể là một phương tiện giúp mình đi nhanh và xa hơn).
Thế nhưng tất cả con người của ông và cả trí thông minh của ông cũng chỉ hướng vào một mục đích duy nhất là sáng tạo các phép tu tập mới, hầu đối phó với những khổ đau mới trong xã hội chúng ta ngày nay. “Tôi chỉ duy nhất hiến dâng những gì có thể giúp đỡ được mọi người, bởi vì thời gian thật quý báu… Thời gian quý hơn tiền bạc, thời gian chính là sự sống!” Truyền bá các phép thiền định mới, thích ứng với thời đại chúng ta, chính là sự dấn thân của Thích Nhất Hạnh.
Chẳng hạn như “Tiếng chuông của một tâm thức tròn đầy” (“Mindfulness bell”). Tại Làng Mai mỗi khi nghe thấy tiếng chuông vang lên thì tất cả mọi người đều dừng tay vài giây, những giây phút dừng lại đó sẽ giúp mình quay về với thân xác mình, với hơi thở của mình. “Chúng ta hít thở [tức là] chúng ta thật sự hiện hữu [tại nơi này và trong lúc này], nhờ đó tất cả [những gì chung quanh chúng ta và cả bên trong con người của chúng ta] đều trở nên rất thật” (nhằm tôn trọng ý nghĩa của câu này xin trích dẫn nguyên văn tiếng Pháp như sau: “Nous respirons, nous sommes vraiment là, alors tout devient plus vrai”, tạm dịch sang tiếng Anh như sau: “We breathe, we are really there, so everything becomes more real”). Thầy khuyên những người thế tục nên giữ thói quen đó khi trở về nhà [sau các khóa tu tập tại Làng Mai], chẳng hạn như mỗi khi nghe thấy tiếng chuông điện thoại [thì hãy dừng lại với chính mình vài giây trước khi bốc máy] (không nên gắn cái ống nghe của điện thoại cầm tay vào tai mình, hoặc dán mắt vào màn hình của máy để xem những chuyện vô bổ hay chơi các trò chơi điện tử. Mỗi giây phút trong đời mình là một gia tài quý báu, không nên phí phạm một cách vô ý thức). Dù cho phép luyện tập đó (thiền định dựa vào hành động) có vẻ kỳ lạ cách mấy đi nữa, thế nhưng chẳng phải nó cũng có thể che chở chúng ta trước cuộc chạy đua điên rồ đang gặm nhấm cả thế giời này (mặc dù gọi là “thiền định dựa vào hành động” thế nhưng hành động trong phép thiền định đó lại là một sự dừng lại, dừng lại đối với từng cử chỉ, từng ngôn từ và từng tư duy của mình, hầu giúp mình có thể trở về với mình, với con người đích thật và sâu xa của chính mình).
Phép thiền định về một cốc nước ngọt có gas (limonade/ soft drink)
Ngoài ra cũng có một nơi mang những thứ khổ đau thật tầm thường, đó là gia đình; thế nhưng Thích Nhất Hạnh vẫn tin rằng thiền định là một bức tường thành có thể ngăn chận được mọi hình thức hung bạo, và ông cũng là người đầu tiên đứng ra tổ chức các khóa tu học cho trẻ em. Vào dịp hè, Làng Mai nhộn nhịp với các đám trẻ em nô đùa hòa lẫn với tiếng cười của chúng. “Chúng tôi từng tổ chức các khóa tu học cho trẻ em với sự cổ xúy của cha mẹ cùng đi với chúng. Đối với trẻ em việc tu tập thật vui vẻ. Chúng thích tản bộ hoặc ngồi xuống với một tâm thức tròn đầy (mindfulness/ chánh niệm) để tận hưởng sự yên lặng. Chúng tôi tập cho các em cách đánh chuông và cả phép thiền định bằng cách uống trà, thế nhưng chúng tôi thay các tách trà bằng những cốc nước ngọt có gas!”.
Trong một tác phẩm mang tựa Chăm Sóc Cho Đứa Bé Nội Tâm (“Prendre soin de l’enfant intérieur” – “L’Esprit d’ouverture”, nhà xuất bản Belfond, 2014), Thích Nhất Hạnh phán dạy chúng ta phải biết đàm thoại với đứa bé bên trong nội tâm mình. “Trong mỗi con người chúng ta luôn có một đứa bé đang phải gánh chịu khổ đau. Thế nhưng không phải chỉ cần ngoảnh mặt đi thì đứa bé sẽ biến mất!” Thầy cho biết là đứa bé ấy cần đến sự chăm sóc của chúng ta. Nhờ vào phương tiện thiện xảo đó, chúng ta sẽ có thể tiếp cận dễ dàng hơn với sự mong manh của chính mình mà chỉ cần đến thật ít bạo lực.
Đối với vị thầy tâm linh thì nếu muốn khơi động lòng nhân từ, mang lại sự hòa giải trong gia đình hoặc tái lập lại sự giao hảo lành mạnh với bè bạn, thì trước hết chúng ta phải chăm lo cho đứa bé bên trong nội tâm mình, đứa bé đó luôn sinh động, thế nhưng nó lại thường bị tổn thương. Có thể vì quá bận rộn nên chúng ta thường quên không chăm sóc cho đứa bé đó; vì vậy phải tạo ra cho mình những giây phút thảnh thơi để có thể trở về với mình, để hàn huyên với đứa bé bên trong chính mình, hầu giúp nó thoát ra khỏi khổ đau đang nghiền nát nó. Hãy thiền định vài phút mỗi ngày giúp mình nghe thấy tiếng nói của nó, ôm chặt nó vào lòng và khóc với nó nếu cần, đấy là con đường chữa trị [cho bản thân mình].
“Đứa bé trong tôi lúc nào cũng sinh động, tôi rất thích những đứa trẻ quay quần chung quanh tôi”. Sau một lúc yên lặng, Thích Nhất Hạnh ngước lên, nhìn vào tấm chân dung của mình thời còn trẻ treo trên vách am. Quả là một điều hết sức bất ngờ, ông cho biết con đường vượt lên trên mọi lý thuyết đó, không hề ở bất cứ một nơi nào khác cả, mà là ở tại nơi này, bên trong mỗi con người của chúng ta.
Vài lời ghi chú của người chuyển ngữ
Bà Marie-Laurence Cottaire, tác giả của bài viết trên đây là nhà văn và nhà báo, rất năng hoạt và tích cực, thường xuyên hợp tác với tổ hợp báo chí Le Monde, một trong số các tổ hợp báo chí lâu đời và uy tín nhất của nước Pháp. Bà viết sách và giảng dạy về thiền định, riêng bà đã luyện tập thiền định hơn hai mươi năm nay. Bài báo trên đây được đăng tải trên báo Le Monde ba ngày sau khi có tin Thiền sư Nhất Hạnh viên tịch. Thế nhưng trước hết nên dành ưu tiên cho báo chí trong nước và của người Việt Nam trên thế giới loan tin trước, và sau đó thiết nghĩ cũng nên nêu lên một vài quan điểm và tầm nhìn của những người Tây Phương về sự ra đi của vị Thiền sư Việt Nam nổi tiếng này. Một số chi tiết trong bài bài báo trên đây thật ra cũng đã được trích ra từ một bài phỏng vấn trên báo Le Monde về Thích Nhất Hạnh từ năm 2014.
Theo bài báo trên đây thì Thiền sư Thích Nhất Hạnh không những là một người tu hành, một nhà hiền triết, mà còn là một nhà cách mạng thật sâu xa. Thế nhưng chủ đích của cuộc cách mạng đó của ông chỉ là để mang lại một nền hòa bình bên trong một cuộc chiến tương tàn. Phương tiện của cuộc cách mạng đó là phi bạo lực, không sử dụng súng đạn, hận thù và dối gạt. Cuộc cách mạng đó chỉ dựa vào lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ trước lý tưởng phụng sự xã hội và lòng nhân từ giữa con người với nhau, giữa những con người cùng một dòng máu, cùng một dân tộc, cùng một giống nòi.
Người ta thường nói một con chim én không tạo được một mùa xuân, thế nhưng đôi khi một con én lạc đàn cũng có thể mang lại một vài tia nắng ấm nơi những phương trời xa lạ. Hôm nay con chim én đó đã tách ra khỏi đường bay, đã gãy cánh giữa lưng trời, trong lúc một mùa xuân đang chớm nở.
Sau hết, xin trích dẫn một câu phát biểu của Thiền sư Nhất Hạnh: “Tôi không hiểu tại sao chúng ta lại cứ phải nói lên là ‘Tôi sẽ chết’, bởi vì tôi đã nhìn thấy tôi bên trong chính bạn, bên trong các kẻ khác, và cả bên trong các thế hệ mai sau” (câu này được dịch lại từ một câu tiếng Anh của ông: “I don’t see why we have to say ‘I will die’, because I can already see myself in you, in other people, and in future generations”).
(Độc giả có thể xem bản gốc tiếng Pháp bài viết trên đây của bà Marie-Laurence Cattoire theo địa chỉ liên kết: https://www.lemonde.fr/le-monde-des-religions/article/2022/01/25/thich-nhat-hanh-le-vieux-sage-bouddhiste-et-l-enfant_6110954_6038514.html).
Bures-Sur-Yvette, 12.02.2022
HOANG PHONG chuyển ngữ