Thiền Sư Thích Nhất Hạnh và những tác phẩm để lại đời

THIỀN SƯ THÍCH NHẤT HẠNH
VÀ NHỮNG TÁC PHẨM ĐỂ LẠI ĐỜI

Thiền Sư Thích Nhất Hạnh có hơn 100 cuốn sách nhiều chủ đề, hướng người đọc đến suy nghĩ tích cực, thân tâm an lạc. Hay tin ‘Sư Ông Làng Mai’ viên tịch tại Huế ngày 22/1/2022, nhiều người trích những trang viết trong các tác phẩm của Thiền Sư để tiễn biệt ông. Trên VnExpress, độc giả Nguyễn Trọng Thắng làm thơ ghép từ tên các tác phẩm tiêu biểu của Thiền Sư:

Đường xưa mây trắng vẫn bay
Dấu chân an lạc chắp tay nguyện cầu
Am mây ngủ đến mai sau
Trần gian thả một bè lau giúp đời
Phù sinh dòng nước nổi trôi
Nẻo về của ý, tình người của sen
Làng Mai tu vẹn Phật duyên
Trái tim của Bụt, vi thiền muôn năm.”

Sinh thời, ngoài sức ảnh hưởng qua sự nghiệp tu hành, Thiền Sư ghi dấu ấn với độc giả qua hơn 100 đầu sách, trong đó có 40 cuốn được viết bằng tiếng Anh, trải dài nhiều lĩnh vực từ tôn giáo, tu học, thiền, nghệ thuật sống, quản trị… cho đến sách thiếu nhi.

Thích Nhất Hạnh từng giảng dạy ở Viện Đại Học Vạn Hạnh – đại học do chính Thầy thành lập tại Sài Gòn. Ông cũng từng giảng về lịch sử Phật Giáo Việt Nam tại Đại Học Paris, Pháp. Lấy giáo dục và đào luyện con người làm gốc, ông xem viết sách là cách trao truyền tâm, ý, kiến thức.

Bằng vốn kiến thức uyên thâm của một thiền sư, nhà văn, nhà thơ, nhà khảo cứu và hoạt động xã hội, Thích Nhất Hạnh cho thấy sức ảnh hưởng của ông với cộng đồng tu tập, thiền hành trên thế giới. Viết sách là cách Thiền Sư trải lòng, đến gần hơn với cuộc đời và con người. Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty Thái Hà Books – đơn vị từng xuất bản nhiều sách của Sư Ông, thành tựu lớn nhất của Thầy Thích Nhất Hạnh khi viết sách là mang đạo vào đời, ứng dụng những triết lý nhà Phật vào công việc, cuộc sống của mỗi người.

Trong nhiều tác phẩm tôn giáo, Thích Nhất Hạnh lý giải nguồn gốc Phật Giáo một cách gần gũi. Những thập niên 1960, nhiều sách của ông do nhà xuất bản Lá Bối ấn hành, bán rất chạy như: Đạo Phật Đi Vào Cuộc Đời, Đạo Phật Hiện Đại Hóa, Đạo Phật Ngày Nay, Đạo Phật Ngày Mai, Đạo Bụt Trong Mạch Sống Dân Tộc, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận (tập một) v.v… Các tác phẩm có văn phong giản dị, dễ hiểu, nhiều ví dụ thực tế, mang lại kết quả cho những ai thực tập hàng ngày.

Cuốn nổi tiếng của ông – Đường Xưa Mây Trắng – gồm 81 chương, kể chuyện đời Phật Thích Ca qua con mắt của chú bé chăn trâu Svasti, sau xuất gia, trở thành một vị đệ tử của Phật. Trong sách, Phật được gọi là Bụt – theo cách thân thương, đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Tác phẩm ca ngợi lòng ngưỡng mộ của chúng sinh với lối sống gương mẫu, cao cả của Bụt.

Đường Xưa Mây Trắng được dịch từ tiếng Anh sang hơn 20 ngôn ngữ, trong đó có tiếng Hindu. Tờ báo chuyên điểm sách Library Journal nhận xét: “Tác giả viết cuốn sách bằng trái tim. Với các nguồn tài liệu quan trọng (tiếng Phạn, tiếng Hán), và với văn phong mới mẻ đầy chất thơ, cuốn sách kể về cuộc đời Đức Phật, làm say mê mọi tầng lớp độc giả”.

Bìa sách “Đường xưa mây trắng”. Ảnh: Phuong Nam Books.

Việt Nam Phật Giáo Sử Luận là công trình chứa đựng nhiều trí tuệ và tâm huyết của Thiền Sư (với bút danh Nguyễn Lang). Hơn 47 năm qua, kể từ khi tập một được xuất bản tại Sài Gòn vào đầu thập niên 1970, bộ sách trở thành pho tư liệu cho những độc giả phổ thông lẫn những nhà nghiên cứu muốn tìm hiểu văn hóa, lịch sử Phật Giáo Việt Nam.

Năm 2020, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận xuất hiện với diện mạo mới, với ba tập sách đặt cạnh nhau trong cùng một chỉnh thể thống nhất. Ngoài ra nội dung các tập cũng được đối chiếu, bổ khuyết đầy đủ theo bản in đầu tiên của nhà xuất bản Lá Bối nhằm mang đến cho bạn đọc một ấn bản hoàn chỉnh và nguyên vẹn như bản thảo ban đầu của tác giả.

Bộ “Việt Nam Phật Giáo Sử Luận” ấn bản mới, do Phương Nam Book và NXB Hồng Đức ấn hành. Ảnh: Phương Nam Book.

Khi trình bày về những dữ kiện, nhân vật trong và ngoài Phật Giáo, tác giả có nhiều phân tích, bình luận, nhận xét quá trình diễn biến lịch sử, giúp người đọc có cái nhìn bao quát về lịch sử Phật Giáo Việt Nam suốt gần hai nghìn năm. Lời giới thiệu sách trong ấn bản do Lá Bối ấn hành năm 1973 có đoạn: “Đã có biết bao nhiêu bài báo, trong Nam cũng như ngoài Bắc, viết về văn học Lý, Trần trong hai mươi năm qua. Nhưng vì thiếu một căn bản về Phật học nên nhiều bài trong số đó đã đưa ra những nhận định sai lạc về nền văn học Lý, Trần. Chính về phương diện này mà chúng tôi nghĩ rằng sách của ông Nguyễn Lang sẽ có công nhiều cho việc nghiên cứu văn học và tư tưởng Việt Nam”.

Với dòng sách nghệ thuật sống, Sư Ông chỉ cho mọi người cách tìm hạnh phúc tự thân, từ đó lan tỏa niềm vui đến mọi người, xã hội. Cuốn sách tiêu biểu của Thầy – Muốn An Được An – được viết bằng tiếng Anh với tên gọi Being Peace, xuất bản lần đầu năm 1987, tới nay được đánh giá là một tác phẩm mẫu mực của văn học tôn giáo đương đại. Sách được Sư Cô Chân Hội Nghiêm chuyển sang tiếng Việt trong lần phát hành đầu tiên tại Việt Nam.

Trong tác phẩm, Thầy chỉ ra con người có được an hay không nằm ở bản thân, đồng thời dẫn giải các sự việc xã hội được giải quyết từ tâm thế bình an của mỗi cá nhân. Thiền tập trong đời sống hàng ngày là giải pháp giúp mọi người tịnh tâm, có thể bắt đầu từ những việc đơn giản như đếm hơi thở, dành thời gian ngắn trong ngày để theo dõi hơi thở, hoặc ý thức “trong ta có Bụt”.

Cuốn Giận nói về cách chuyển hóa sân hận thành năng lượng tích cực. Qua tác phẩm, Thiền Sư giải thích cho người đọc cách vượt qua những cảm xúc tiêu cực, đồng thời lý giải cảm xúc tiêu cực lẫn tích cực của cơn giận. Theo ông, khi con người khi ôm sự tức giận, thù hằn, họ tự làm khổ chính mình. Thiền Sư không khuyên giải sáo rỗng mà dùng nhiều hình ảnh ẩn dụ sinh động. Ông ví sân hận như một “vị khách” được tiếp đón ở phòng khách, hưởng sự đối xử thân thiện, từ bi. Sách xuất bản ở Mỹ ngày 10/9/2001, từng ra mắt ở nhiều quốc gia. Ở Việt Nam, sách đã tái bản 14 lần.

Bìa sách “Muốn an được an”. Ảnh: Thaiha Books.

Thiền Sư Thích Nhất Hạnh đề cao tình cảm giữa người với người, đặc biệt là tình mẫu tử, gia đình. Ông lý giải nhiều câu hỏi về các mối quan hệ trong gia đình, giữa vợ với chồng, cha mẹ với con cái và cả cách vượt qua nỗi đau khi mất đi người thân trong cuốn Tìm Bình Yên Trong Gia Đình.

Ông viết về mối quan hệ tình cảm giữa hai người: “Trong mối quan hệ giữa mình với người kia, có lúc mình giận hờn, khổ đau, mình cứ nghĩ là người kia có lỗi với mình, người kia đã gây nên những nỗi khổ đau cho mình nên mình không chấp nhận được người kia và làm cho sự truyền thông trở nên bế tắc. Khổ đau từ đó mà leo thang. Mình không nhìn lại để thấy rằng có thể mình đã đóng góp một phần nào đó trong nỗi khổ và cơn giận của người kia, nên người kia đã hành xử và nói năng như vậy… Nếu mình không thay đổi những tập khí của mình thì cho dù có cưới bao nhiêu người đi nữa mình cũng khổ đau”.

Bóng dáng người mẹ thấp thoáng trong nhiều tác phẩm của Thiền Sư, điển hình là cuốn Bông Hồng Cài Áo, từng là sách bán chạy một thời, được tái bản nhiều lần. Sách lấy theo tên đoản văn nổi tiếng từng được Phạm Thế Mỹ phổ nhạc, gợi ra những bí ẩn về tình mẫu tử, nhắc nhở mỗi người về sự kết nối với mẹ. Ông đặt ra nhiều câu hỏi chất vấn về thái độ của mỗi người với cha mẹ, khuyên giải nên dành phần thời gian ít ỏi của cuộc đời để yêu thương mẹ.

Trong sách, Thầy Thích Nhất Hạnh cũng mở lòng về mẹ của ông, nỗi đau khổ khi ông phải chọn lựa giữa lý tưởng xuất gia và ước nguyện sống bên mẹ. Ông viết: “Không có lựa chọn nào mà không khổ đau”, “Tôi không hối hận vì bỏ mẹ đi tu, nhưng tôi tiếc và thương cho tôi vô phúc thiệt thòi”.

Bìa sách “Bông hồng cài áo” – những ấn bản đầu tiên tại Sài Gòn. Ảnh: Thư Viện GĐPT.

Bài thơ và đoản văn “Bông hồng cài áo” của Thầy Nhất Hạnh tạo cảm hứng cho nhạc sỹ Phạm Thế Mỹ phổ thành bản nhạc bất hủ truyền đời. Ảnh: Thư Viện GĐPT.

Ngoài những cuốn viết cho người lớn, Thiền Sư Thích Nhất Hạnh có nhiều sách trẻ thơ, như Trong Cái Không Có Gì Không?, Bồ Tát Ngàn Tay Ngàn Mắt, Mẹ Con Sư Tử… Trong số đó, hai cuốn Con Gà Đẻ Trứng Vàng và Mỗi Hơi Thở Một Nụ Cười (xuất bản năm 2018) đoạt giải Sách Hay năm 2019. Cuốn Con Gà Đẻ Trứng Vàng kể về thế giới tuổi thơ lấp lánh qua hai nhân vật: con gà tên Chừ (chừ trong “bây chừ”) và cậu bé tên Tâm. Mỗi Hơi Thở Một Nụ Cười là sách song ngữ Việt-Anh hướng dẫn thiền tập cho trẻ, chỉ ra trẻ con cũng cần tập thở, thông qua hơi thở để tìm thấy niềm vui, tình yêu thương.

Nhà văn Lê Phương Liên nhận xét: “Đọc hai tác phẩm này làm cho tôi sung sướng, hạnh phúc. Tính khai minh trong sách được truyền đạt đến trẻ em bằng ngôn ngữ giản dị và giọng văn miền Trung nhẹ nhàng, ngọt ngào, trong sáng…”.

Nhà văn – nhà phê bình Nhật Chiêu nói: “Thiền Sư Thích Nhất Hạnh là cây bút tài hoa, điêu luyện. Ông vận dụng nhiều thể loại, từ tản văn, thơ, tùy bút, truyện hư cấu và không hư cấu, giúp người đọc tìm thấy nhiều ý vị của đạo Phật”.

Hai tác phẩm nhận được giải Sách Hay 2019 của Thầy Nhất Hạnh. Ảnh: NXB Văn Hóa – Văn Nghệ.

HÀ THU

oOo

Thư Viện GĐPT xin phép tác giả bổ sung thêm dưới đây danh mục (chưa đầy đủ tác phẩm cũng như các chú thích về nhà xuất bản và năm xuất bản) của Cố Hòa Thượng Thiền Sư Thích Nhất Hạnh mà nhiều bạn đọc đã biết hoặc chưa biết:

Thơ:

  • Tiếng địch chiều thu, Long Giang, Sài Gòn 1949.
  • Ánh xuân vàng (bút danh: Hoàng Hoa), Long Giang, Sài Gòn 1950.
  • Thơ ngụ ngôn (bút danh: Hoàng Hoa), Đuốc Tuệ, Hà Nội 1950.
  • Chắp tay nguyện cầu cho bồ câu trắng hiện, Lá Bối, Sài Gòn 1965.
  • Tiếng đập cánh loài chim lớn, Lá Bối, Sài Gòn 1967.
  • Bông hồng cài áo, Sài Gòn, 1962.
  • Vietnam Poems, Unicorn Press, Santa Barbara (Hoa Kỳ) 1967.
  • The Cry of Vietnam, Unicorn Press, Santa Barbara (Hoa Kỳ) 1968.
  • De Schreeuw van Vietnam, Uitgeverij Ten Have, Baarn, Holland 1970.
  • Zen Poems, Unicorn Press, Greensboro (Hoa Kỳ) 1976.

(Ngoài ra còn có nhiều tập thơ chép tay đã mất hoặc chưa xuất bản cùng nhiều tác phẩm khác đăng rải rác trên các báo, tạp chí).

Truyện:

  • Tình người (tập truyện; bút danh: Tâm Quán), 1951; Lá Bối 1973.
  • Nẻo về của ý (bút ký), Lá Bối 1967; An Tiêm 1972.
  • Am mây ngủ (truyện ngoại sử), Lá Bối.
  • Bưởi (tập truyện ngắn), Lá Bối.
  • Tố (tập truyện), Lá Bối.
  • Văn Lang dị sử (truyện cổ tích, bút danh Nguyễn Lang), Lá Bối; An Tiêm 1975.
  • Cửa tùng đôi cánh gài.
  • Đường xưa mây trắng, Lá Bối; NXB Văn Hóa Sài Gòn 2007.
  • Truyện Kiều dịch ra văn xuôi, NXB Văn Hóa Sài Gòn.
  • Truyện tranh Coconut – Monk, xuất bản ngày 25 tháng 1 năm 2006, NXB Plum Blossom Books.
  • Con gà đẻ trứng vàng, 2018.

Khảo luận:

  • Đông phương luận lý học, Hương Quê 1950.
  • Vấn đề nhận thức trong duy thức học, Lá Bối 1969.
  • Tương lai văn hóa Việt Nam, Lá Bối.
  • Tương lai thiền học Việt Nam, Lá Bối.
  • Việt Nam Phật Giáo sử luận (bút danh Nguyễn Lang), 3 tập, tập 1: Lá Bối 1974, 2 tập sau xuất bản ở nước ngoài sau 1975.
  • Thiền sư Tăng Hội, NXB An Tiêm, Sài Gòn.
  • Người vô sự (Lâm Tế ngữ lục bình giảng).
  • Thả một bè lau, NXB Văn Hóa Sài Gòn 2008.
  • Những con đường đưa về núi Thứu.
  • Làng Mai nhìn về núi Thứu.
  • Đập vỡ vỏ hồ đào.
  • Sen búp từng cánh hé.

Các thể loại khác:

  • Gia đình tin Phật, Đuốc Tuệ 1952.
  • Bông hồng cài áo, viết vào mùa Vu Lan 1962; Lá Bối xuất bản lần 2 1965.
  • Đạo Phật đi vào cuộc đời, Lá Bối 1964.
  • Đạo Phật ngày nay, Lá Bối 1965.
  • Nói với tuổi hai mươi, Lá Bối 1966, 1972.
  • Phật Giáo Việt Nam và hướng đi nhân bản đích thực (bút danh Trần Thạc Đức), Lá Bối 1967.
  • Đạo Phật hiện đại hóa, Lá Bối 1965, 1968.
  • Đạo Phật ngày mai, Lá Bối 1970.
  • Nẻo vào thiền học, Lá Bối 1971.
  • Đạo Phật áp dụng vào đời sống hàng ngày, Viện Hóa Đạo xuất bản 1973.
  • Tuổi trẻ tình yêu lý tưởng, Lá Bối.
  • Kiều và văn nghệ đứt ruột, Lá Bối (USA) 1994.
  • The Miracle of Mindfulness: A Manual on Meditation, Beacon Press 1999; (Vietnamese: Phép lạ của sự tỉnh thức).
  • Phép lạ của sự tỉnh thức, NXB Tôn Giáo.
  • Đi như một dòng sông.
  • An lạc từng bước chân, NXB Văn Hóa Sài Gòn tái bản.
  • Bước tới thảnh thơi.
  • Hướng đi của đạo Bụt cho hòa bình và sinh môi, (The world we have, SC. Chân Hội Nghiêm chuyển ngữ).
  • Trái tim của Bụt, NXB Tổng Hợp TPHCM 2006.
  • Hạnh phúc: mộng và thực NXB Văn Hóa Sài Gòn 2009.
  • Kim Cương: Gươm báu cắt đứt phiền não, NXB Văn Hóa Sài Gòn 2009.
  • Giận NXB Thanh Niên 2009.
  • Tĩnh lặng. NXB Thế Giới 2018.
  • Không diệt không sinh đừng sợ hãi. NXB Hội Nhà Văn 2019.
  • Từng bước nở hoa sen. NXB Văn Hóa – Văn Nghệ TPHCM 2018.
  • ………
    (Còn cập nhật…)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.