Vài lời giới thiệu của người chuyển ngữ:
Thiền định là phương pháp luyện tập chủ yếu của Phật giáo, một tín ngưỡng lâu đời của Đông phương, thế nhưng ngày nay lại được nhắc đến rất nhiều tại các nước Tây phương. Vậy thiền định là gì?
Thiền định tiếng Phạn và Pa-li là bhavana, nguyên nghĩa là sự phát triển, trau dồi hay biến cải liên quan đến sự hiện hữu của một cá thể con người, tiền ngữ bhava là một động từ có nghĩa là trở thành (becoming). Các ngôn ngữ Tây phương thì lại gọi thiền định là meditation là sự trầm tư, suy ngẫm hay ngẫm nghĩ, điều này có thể khiến gây ra hoang mang và hiểu lầm về một phương pháp luyện tập thực tiễn, cụ thể và siêu việt của Phật Giáo nhằm biến cải toàn bộ sự hiện hữu của con người từ tâm linh đến thân xác. Ở các cấp bậc tột đỉnh, phép luyện tập này còn có thể giúp con người thoát ra khỏi thế giới hiện tượng, kể cả các kích thước không gian và thời gian của thế giới đó.
Giáo huấn của Đức Phật vô cùng trực tiếp, thiết thực, vượt lên trên mọi sự biện luận cùng các hình thức tự biện và siêu hình, thế nhưng người sau thì lại cứ muốn tìm hiểu và đào sâu các khía cạnh này. Đó cũng chính là lý do đã khiến giáo huấn của Ngài đã được diễn đạt với nhiều khía cạnh mở rộng và thích ứng hơn với các xã hội tân tiến và đa dạng sau này, kể cả bên trong thung lũng sông Hằng cũng như bên ngoài nước Ấn. Phép thiền định theo đó cũng đã trở nên đa dạng hơn nhưng không phải vì thế mà mất đi sức sống và hiệu quả của nó. Dù mất dần ảnh hưởng tại một số các nước Á châu, nhưng tại các nước Tây phương thì trái lại phép luyện tập này ngày càng được quan tâm nhiều hơn. Tuy nhiên sự quan tâm đó thường chỉ xoay quanh các hình thức ứng dụng “đại chúng”, chẳng hạn như đưa thiền định vào học đường, bệnh viện…, và xem đó như là một khoa tâm lý trị liệu hay một phương pháp mang lại an bình và thanh thản trong cuộc sống.
Loạt bài chuyển ngữ “Thiền định thật sự là gì” được trích ra từ quyển “Sự giác ngộ của con người” (Human Enlightenment, Windhorse Publications, 1980) dưới đây tiếp theo loạt bài thứ nhất mang tựa đề “Hệ thống các phép thiền định” được trích ra từ quyển “Hướng dẫn trên đường tu tập Phật Giáo” (A Guide to the Buddhist Path, Windhorse Publications, 1990) được chuyển ngữ bởi sự cố gắng của một thiền sư vô cùng uyên bác và lỗi lạc là Urgyen Sangharakshita.
Urgyen Sangharakshita (1925-2018) gốc người Anh, tên thật là Dennis Lingwood, có một trí thông minh khác thường, thường được xem là một trong số các nhà sư uyên bác nhất trong thế kỷ XX. Ông viên tịch vào tháng 10 năm 2018 trong sự kín đáo và đã để lại cho chúng ta khoảng 60 quyển sách và hàng trăm bài giảng vô cùng giá trị. Tại Anh quốc, ông khởi sự tu tập theo Phật giáo Theravada, nhưng sau đó thì sang Ấn Độ và lưu lại đây suốt hai mươi năm, trong thời gian này ông từng tiếp xúc và học hỏi với nhiều nhà sư Tây Tạng nổi tiếng. Tại đây ông cũng đã hợp tác với Bhimrao Ramji Ambedkar (1891-1956) bộ trưởng và thủ tướng Ấn, để tổ chức quy y tập thể cho những người tiện dân. Nhà sư Sangharakshita cũng là vị sáng lập “Hiệp Hội Phật Giáo Tam Bảo” (Triratna Buddhist Community) chuyên giảng dạy về thiền định. Hiệp hội này cũng còn mang một tên khác là “Hội Thân Hữu Dòng Tu Phật Giáo Tây Phương” (Friends of the Western Buddhist Order / FWBO), có mặt trên 30 quốc gia trên thế giới.
THIỀN ĐỊNH THẬT SỰ LÀ GÌ
What Meditation really is?
Urgyen Sangharakshita
Hoang Phong chuyển ngữ
Bài 1: Thiền định thật sự là gì.
Bài 2: Giai đoạn tập trung trong phép thiền định.
Bài 3: Các giai đoạn lắng sâu trong thiền định.
Bài 4: Giai đoạn của sự quán thấy xuyên thấu trong thiền định.
Bài 4: GIAI ĐOẠN CỦA SỰ QUÁN THẤY XUYÊN THẤU TRONG THIỀN ĐỊNH
Sự quán thấy xuyên thấu (Insight / Pleine concience / Chánh niệm) là gì? Đó là một sự quán thấy trong sáng, một sự nhận thức minh bạch về bản chất tự tại (nội tại) của mọi sự vật – trên phương diện thuật ngữ, thì kinh sách Phật giáo xem mọi sự vật cũng chỉ là “những gì đúng là như thế”. Nói một cách khác với các thuật ngữ trừu tượng và triết học hơn, thì đấy là một sự nhận thức trực tiếp về Hiện Thực trung thực với chính nó. Và đấy cũng là phép thiền định ở cấp bậc cao nhất – đó là sự quán thấy xuyên thấu (Insight / Vue pénétrante) hay sự “Quán thấy” (Sight) (kinh sách Hán ngữ gọi là “Quán” / 觀). Sự nhận thức về Hiện Thực đó gồm có hai khía cạnh: khía cạnh thứ nhất là sự quán thấy xuyên thấu về những gì do-điều-kiện mà có (conditioned things) (tức là “thế giới” này hay là những gì phù du trong thế giới đó) (nói chung là tất cả các “hiện tượng” hiện ra trong thế giới và cả bên trong tâm thức của một cá thể. Các hiện tượng “hữu hình” và “vô hình” đó không thể tự chúng hiện hữu được, mà phải tương tác và liên kết giữa chúng với nhau để hiện hữu, nói một cách khác là chúng không thể tự hiện hữu tự nơi chúng và bởi chính chúng, kể cả “Thượng Đế” nếu không liên kết và tương tác với trí tưởng tượng của con người thì cũng sẽ không thể nào hiện hữu được, nói một cách khác là “Thượng Đế” không thể hiện hữu bên ngoài sự vận hành của não bộ hay khả năng “tưởng tượng” của con người. Mỗi người trong chúng ta tùy theo tánh khí, vốn liếng hiểu biết và ảnh hưởng giáo dục và truyền thống văn hóa của xứ sở mình sẽ tự hình dung ra một vị “Thượng Đế” cho riêng mình, do đó không thể nào có hai vị “Thượng Đế” giống nhau như đúc. Tóm lại điều đó cho thấy bản chất “lệ thuộc” của toàn thể thế giới hiện tượng, phản ảnh nguyên lý tương liên, tương tác và tương tạo chi phối sự vận hành của tất cả mọi hiện tượng trong vũ trụ và cả trong tâm thức của mỗi con người. Toàn thể các hiện tượng trói buộc và lệ thuộc vào nhau trong “thế giới” được gọi chung là các “hiện tượng do-điều-kiện mà có” / conditioned things); khía cạnh thứ hai là sự Quán thấy Phi-điều-kiện, vượt lên trên thế giới [hiện tượng]: đó là Thế giới Tuyệt Đối (the Absolute) hay Thế giới Tối Hậu (the Ultimate) (dù gọi thế giới Tuyệt Đối đó là Niết Bàn, cõi Cực Lạc hay Thiên Đường thì tri thức phải trải qua một quá trình thăng tiến theo chiều thẳng đứng, vượt lên trên tất cả các thể dạng u mê của tâm thức, thì mới có thể trông thấy và hòa nhập với Thế Giới đó. Tụng niệm, cầu xin, lễ lạc…, nói chung là các “phương tiện thiện xảo” rất ích lợi, thế nhưng chỉ có thể tạo ra cho mình một thể dạng an bình tạm thời trên bình diện mặt phẳng. Dù thể dạng đó an bình, phẳng lặng, thăng bằng và thanh thản đến đâu đi nữa thì cũng không thể tạo được một sự thăng tiến theo chiều thẳng đứng, giúp tri thức đạt được các cấp bậc cao hơn).
Sự quán thấy xuyên thấu về những gì do-điều-kiện-mà-có (conditioned things) gồm có ba thứ hay ba khía cạnh khác nhau. Qua khía cạnh thứ nhất chúng ta nhận thấy những gì được tạo tác bởi điều kiện – có nghĩa là những gì thuộc vào thế giới – từ bản chất không mang lại cho chúng ta một sự thỏa mãn vững chắc và lâu bền (tất cả các hiện tượng đều biến động, bám víu vào chúng chỉ mang lại khổ đau mà thôi, đó là bản chất “bất toại nguyện” của mọi hiện tượng), vì thế chúng ta phải tìm một cái gì khác hơn. Qua khía cạnh thứ hai, chúng ta nhận thấy tất cả những gì do-điều-kiện-mà-có “đều vô thường” (phù du và luôn biến đổi), chúng ta không thể chiếm giữ chúng vĩnh viễn được. Sau cùng, qua khía cạnh thứ ba, chúng ta nhận thấy những gì do-điều-kiện-mà-có chỉ có thể “hiện hữu trong ngắn hạn” mà thôi, tất cả các thứ ấy không hiện hữu một cách tuyệt đối, không hàm chứa một hiện thực trường tồn, tối hậu và đích thật nào cả (mọi hiện tượng đều hiện ra và biến mất, rồi lại hiện ra để tiếp tục biến mất. Sự sống và cái chết của chúng ta cũng vậy cũng nằm trong sự chuyển động không ngừng đó. Phật Giáo gọi sự chuyển động hay sự xoay vần bất tận đó của mọi hiện tượng bằng thuật ngữ “luân hồi”. Thế nhưng dưới tác động của các thứ xung năng sinh tồn, truyền giống và sợ chết, con người lại nhìn vào sự xoay vần và chuyển động tự nhiên đó theo chiều ngược lại, tức là muốn mọi hiện tượng phải hiện hữu thật sự, vững chắc và trường tồn để bám víu vào chúng. Đấy chính là nguyên nhân sâu xa nhất, nặng nề và gay gắt nhất nhất mang lại khổ đau cho từng mỗi con người, xã hội và toàn thể nhân loại. Mở rộng hơn nữa thì sự khổ đau đó còn lan rộng ra với cỏ cây và muôn loài sinh vật khác trên khắp hành tinh này).
Trái lại sự quán thấy xuyên thấu về [thế giới] Phi-điều-kiện (the Unconditioned) – theo một cách diễn đạt nào đó – là những gì được gọi là “Năm sự Hiểu biết” hay “Năm Trí tuệ” (tức là khái niệm về Năm bát-nhã hay prajna: Bát-nhã như là một tấm gương, bát nhã như là một sự quán thấy bình đẳng, bát-nhã như là một sự quán thấy phân biệt (quán thấy từng chi tiết một của tất cả mọi hiện tượng), bát-nhã như là trí tuệ hoàn thiện (hay hoàn hảo, tức là ý thức trọn vẹn về bổn phận mình phải giúp đỡ chúng sinh), bát nhã như là trí tuệ của Dharmadhatu (“Pháp giới”, tức là cảnh giới hay bầu không gian Đạo Pháp / Dharma). Năm sự hiểu biết hay Năm bát-nhã đó cũng liên hệ với khái niệm “Ngũ Phật”). Các sự hiểu biết đó không phải là những sự hiểu biết thông thường, mà là một cái gì đó vượt cao hơn rất nhiều. Trước hết là “cái gì đó” được mô tả như là một sự hiểu biết (trí tuệ / bát nhã / prajna) bao hàm toàn thể mọi sự vật, không những dưới hình thức các cấu hợp tạo ra các đặc tính của chúng, mà còn xuyên thẳng vào tận bên trong tâm điểm tối hậu của chúng, và cả thể tính tâm linh của chúng – xuyên qua ánh sáng của một nguyên lý chung (đó là nguyên lý tương liên, tương tác và tương tạo / interdependence – tiếng Phạn là Pratittyasamutpada – chi phối sự vận hành của tất cả mọi hiện tượng).
Sau đó là sự hiểu biết [thứ hai] bao gồm tất cả mọi sự vật, từ các sự vật do điều-điện-mà-có và cả những gì Phi-điều-kiện, sự hiểu biết đó không bị một chút méo mó nào do sự chủ quan tạo ra. Sự hiểu biết đó đôi khi cũng được gọi là sự “Hiểu biết tương tự như một tấm gương”. Sở dĩ gọi như vậy là vì sự hiểu biết đó cũng giống như một tấm gương thật lớn, phản ảnh tất cả mọi sự vật đúng như thế, không mang một dấu vết chủ quan hay thành kiến nào, không thêm, không bớt, không che dấu, cũng không bị xóa mờ. Mọi sự vật đều được quán thấy đúng với chúng là như thế.
Sự hiểu biết thứ ba là sự hiểu biết mọi sự vật qua đặc tính giống như nhau của chúng và qua thể tính (identity / cá tính) tuyệt đối của chúng – tức là chỉ thấy cùng khắp bản chất hay hiện thực, hay shunyata (sự trống không hay Tánh không) của chúng
Sự hiểu biết thứ tư là sự hiểu biết mọi sự vật dựa vào sự khác biệt giữa chúng với nhau (mọi sự vật đều duy nhất, mang các đặc tính riêng biệt, không thể có hai sự vật giống nhau trên tất cả mọi khía cạnh). Sự đồng nhất tuyệt đối (tức là sự hiểu biết thứ ba nói đến trên đây) không hề xóa bỏ sự khác biệt tuyệt đối. Sở dĩ chúng ta trông thấy sự đồng nhất tuyệt đối và cả sự đa dạng tuyệt đối của chúng – tức là tính cách độc nhất (uniqueness) của từng mỗi sự vật – là vì chúng ta trông thấy cả hai thứ cùng một lúc. Đó là cách mà chúng ta trông thấy mọi sự vật qua hai khía cạnh khác nhau.
Sau hết là sự hiểu biết thứ năm, đó là sự hiểu biết về những gì mà bồn phận mình phải làm hầu mang lại sự an vui tâm linh cho tất cả các chúng sinh khác (khi đã quán thấy được bốn sự hiểu biết trên đây thì chúng ta không khỏi nghĩ đến các chúng sinh khác không quán thấy được các sự hiểu biết đó như mình. Sự “suy nghĩ” và “ý thức” đó mang lại cho chúng ta sự hiểu biết thứ năm là lòng từ bi, một sự hiểu biết phát sinh từ trí óc và cả con tim của mình).
Năm thứ Hiểu biết đó hay năm Trí tuệ đó (hay năm Bát-nhã / Prajna đó) được biểu trưng bởi các biểu tượng mà người ta gọi là “mandala/mạn-đà-la của năm vị Phật” (khái niệm Ngũ Phật). Nếu chúng ta luyện tập về phép quán thấy hướng vào mandala đó thì chúng ta sẽ trông thấy trước hết một bầu trời thật rộng, màu xanh dương, sâu thẳm và rạng ngời. Nơi trung tâm của bầu không gian đó hiện ra một vị Phật màu trắng thật tinh khiết, cầm trong tay một bánh xe màu vàng tỏa sáng. Về hướng đông, chúng ta sẽ trông thấy một vị Phật màu xanh dương đậm thật sẫm, cầm trong tay một vajra tức là một cái chùy kim cương. Về hướng nam chúng ta sẽ trống thấy một vị Phật màu vàng, cầm trong tay một viên bảo châu màu đỏ rực. Về hướng tây chúng ta sẽ trông thấy một vị Phật màu đỏ sẫm, cầm trong tay một đóa hoa sen màu đỏ. Về hướng bắc chúng ta sẽ trông thấy một vị Phật cầm hai chùy kim cương bắt chéo vào nhau.
Khi nào Năm Sự Hiểu Biết hiện ra thì sự Giác Ngộ sẽ đạt được. Chúng ta sẽ trở thành hiện thân của năm vị Phật ấy. Vào giai đoạn đó sự quán thấy xuyên thấu của chúng ta sẽ được thực hiện một cách hoàn hảo, và việc hành thiền của chúng ta cũng sẽ đạt được giới hạn tột cùng của nó, và khi đó chúng ta cũng sẽ tự mình hiểu được THIỀN ĐỊNH THẬT SỰ LÀ GÌ .
——= HẾT =——
Bures-Sur-Yvette, 30.11.2019
HOANG PHONG chuyển ngữ