Tiểu sử Cố Huynh Trưởng Nguyên Ngộ – TRẦN QUANG HẢI

0

Cố Huynh Trưởng Trần Quang Hải – Pháp danh Nguyên Ngộ, là con trai của cụ ông Trần Xuân Triêm và cụ bà Trần Thị Hoa. Anh chào đời vào ngày 2 tháng 1 năm 1921, nhằm ngày 24 tháng 11 năm Canh Thân. Chánh quán thôn Cát Tường, xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định; vùng đất xuất sinh vị anh hùng tuấn kiệt trong lịch sử đất Việt: Nguyễn Huệ – Quang Trung.

Thuở thiếu thời anh theo học trường Tây và sinh hoạt nhiều năm trong Liên Đoàn Hướng Đạo Đông Dương, Đạo Bình Định. Năm 1938 anh tốt nghiệp bằng Rừng tại trại trường Bạch Mã, trại trưởng là anh Hoàng Đạo Thúy. Sau cuộc cách mạng mùa thu năm 1945, Anh theo học trường Trung Học Bình Dân (Khu 5 Quảng Ngãi) tức trường Lục Quân Trung Học của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.

Ở nước ta, hàng thanh niên ra đời vào thập niên 20 thế kỷ 20, còn gọi là thời Đệ Nhị Thế Chiến (1939-1945) chỉ có hai con đường cần phải lựa chọn một để đăng trình, đó là:

– Theo thực dân Pháp làm thầy Thông, thầy Phán “Tối rượu sâm-panh, sáng sửa bò”.

– Theo Việt Nam Độc Lập Đồng Minh Hội, gọi tắt là Việt Minh, chống lại sự xâm lăng của thực dân Pháp, lúc bấy giờ với chiêu bài là đem lại độc lập cho dân tộc, dân quyền được tự do, dân sanh được hạnh phúc.

Anh cũng như đa số thanh niên yêu nước khác chọn Việt Minh với con đường “Cứu nguy dân tộc” và dốc lòng dấn thân.

Không may trong chiến trận Bồ Keo, Đại Lãnh, anh bị thương và bị bắt, giam tại nhà lao Ban Mê Thuộc. Một bạn tù nguyên là Tỳ-kheo Thích Trừng San có trình độ nội điển cao và công phu hàm dưỡng tốt, đã giải thích cho anh về quan điểm nhân sinh cũng như vũ trụ mà thanh niên cần dấn thân lên đường mưu cầu hạnh phúc cho mình, cho người, cho cộng đồng, cho dân tộc.

Thấy anh có trình độ Pháp văn có thể giúp làm thông ngôn, thông dịch, Pháp luôn chiêu dụ, nhưng anh nhất quyết không tham gia. Năm 1951, anh nằm trong danh sách trao trả tù binh với Việt Minh tại Quảng Trị; nhưng chiến trường Kon Tum bùng nổ, cuộc trao đổi không thành, anh lại bị đưa về trại giam Ban Mê Thuộc như củ. Cuối năm 1951 anh được trả tự do.

Sự tín kính Tỳ-kheo Trừng San và ý thức nhân bản của giáo lý nhà Phật thúc đẩy bước chân anh thường lui tới chốn già lam lan nhã. Tại một trong những nơi nầy, anh gặp Thượng Tọa Thiện Minh, Người đã lý giải một cách thuyết phục cho anh biết: Muốn đưa “cách mạng” đến thành công, cần phải nâng cao dân trí; cần phải cải thiện dân sinh; cần ngăn chận tuổi thơ sa đọa; cần phải giữ gìn kho tàng luân lý đạo đức dân tộc mang nặng tinh thần Phật Giáo. Anh đã đứng ra thành lập Gia Đình Phật Tử Hoàng Mai đầu tiên tại Daklak vào năm 1953 và liên tục phát triển đến hàng trăm đơn vị; đưa tổng số Huynh Trưởng và Đoàn Sinh lên trên con số một vạn người; và con số tín đồ Phật Giáo Daklak được tuyển trạch từ đây lên trên mười vạn là một thành tích đáng trân trọng biết bao!

Anh lập gia đình cùng chị Lâm Thị Huệ và chọn nghề giáo viên hợp “Chánh Mạng” để nuôi thân. Anh chị có tất cả chín người con là: Hồng Phương; Quang Phương; Di Phương; Lan Phương; Tú Phương; Tiền Phương; Lưu Phương; Quý Phương và Nghĩa Phương.

Anh thể hiện tinh thần “Tuân kỷ luật – Chịu huấn luyện” từ thấp lên cao.

– Năm 1956, anh tham dự trại huấn luyện Thiện Mỹ (tương đương A Dục) tại Phan Thiết khi đã được xếp vào hàng Huynh Trưởng cấp Tập nhiều năm trước đó.

– Tham dự trại huấn luyện Huynh Trưởng cấp II Huyền Trang năm 1968 và được xếp vào hàng Huynh Trưởng cấp Tín vào dịp Thành Đạo cuối năm.

– Dự trại Vạn Hạnh I/T.Ư năm 1973 và được xếp cấp Tấn vào mùa Thành Đạo năm nầy.

– Năm 1999, với công hạnh và sự cống hiến của anh trong suốt thời gian qua để giữ vững con thuyền Lam của Gia Đình Phật Tử tỉnh Daklak trong hoàn cảnh nhiều chướng duyên, Hội Đồng Huynh Trưởng Cấp Dũng GĐPTVN đã đề nghị tấn phong anh vào hàng Huynh Trưởng cấp Dũng Gia Đình Phật Tử Việt Nam và đã được Ủy Ban Quản Trị Huynh Trưởng Trung Ương cùng Hội Đồng Xếp Cấp đồng thuận theo quyết định số 2003/HDTƯ/NV/QĐ ngày 26.2.2000.

Dù trải qua những biến động chính trị với các chế độ khác nhau, nhưng với hành trang là “Tam Pháp Ấn”, anh Nguyên Ngộ Trần Quang Hải vẫn an nhiên tự tại và luôn là biểu tượng kết nối của các thế hệ Lam Viên GĐPT trên vùng đất Tây Nguyên đất đỏ bazan nầy từng bước tiến lên và được coi là 1 trong 8 tỉnh mạnh trên toàn quốc.

Rất tiếc, bước vào tuổi thượng thọ bát tuần, trí nhớ của anh bắt đầu suy giảm khi thế sự đang cần một bộ óc sáng suốt, lãnh đạo nhạy bén. Đây cũng là một trong những nguyên nhân phân hóa tổ chức áo lam tại tỉnh nhà.

Năm 2008, thấy sức khỏe ngày một giảm sút, không biết cơn vô thường ập đến lúc nào, anh cho gọi vợ con đầy đủ, viết chúc thư để lại; ủy thác cho Huynh Trưởng cấp Dũng Nguyên Tín Nguyễn Châu – Trưởng Ban Hướng Dẫn GĐPTVN Trên Thế Giới, Trưởng Ban Hướng Dẫn Trung Ương Gia Đình Phật Tử Việt Nam, xin đứng đầu Ban Tang Lễ cho anh theo đúng nghi thức của tổ chức, của đạo Phật trong truyền thống của dân tộc. Rồi sau một tháng trở bịnh; sức khỏe ngày một yếu dần; và anh đã ra đi vào lúc 2 giờ 15 phút ngày 30 tháng 10 năm 2009 – nhằm ngày 13 tháng 9 năm Kỷ Sửu, hưởng thọ 89 tuổi.

Cao nguyên Daklak, anh mất đi coi như cội tùng số 1 sụp đổ! Lam Viên GĐPT dù đứng dưới bất kỳ góc độ nào cũng lấy làm mất mát kính thương! Bởi anh là biểu tượng kết nối trong tổ chức Áo Lam trên tinh thần Lục Hòa Cộng Trụ. Từ đó ai ai cũng phải tự quán nghiệm thân mình nhìn lại. Bàn tay yêu thương sẽ mở rộng; tâm hồn bao dung độ lượng sẽ vươn cao đủ sức kết chặt tình Lam thành một khối. Có thế mới xứng đáng là đàn em của anh trong giây phút tiễn biệt đầy ý nghĩa nầy!

Nội Vụ Ban Hướng Dẫn Trung Ương GĐPTVN
Chấp bút và tuyên đọc trong Lễ Tưởng Niệm tại tang lễ.

Share.

Leave A Reply

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.