Tiểu sử Cố Huynh Trưởng Tâm Châu NGUYỄN TRƯNG

TIỂU SỬ

CỐ HUYNH TRƯỞNG CẤP DŨNG GĐPTVN

TÂM CHÂU – NGUYỄN TRƯNG
(1942 – 2003)

Nguyên Trưởng Ban Hướng Dẫn GĐPT Cam Ranh

 

Anh Nguyễn Trưng sinh ngày 15.6.1942 (Tân Tỵ) tại Hà Trung, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Xuất thân từ một gia đình gia giáo, thấm nhuần giáo lý nhà Phật nên anh sớm được song thân đưa lên chùa Thuyền Tôn, bái Sư Cụ Thích Thiện Hòa làm Bổn Sư để quy y Tam Bảo ngày 4.4.1943. Pháp danh của anh là Tâm Châu.

Đến năm 1953, gia đình anh di trú vào đất Ba Ngòi, Cam Linh, Cam Ranh sinh sống cho tới sau này.

Anh gia nhập vào GĐPT Cam Linh (nay là GĐPT Từ Vân) ngày 8.4.1954. Từ một Đoàn Sinh Thiếu Nam sinh hoạt chuyên cần; một Đội Trưởng xuất sắc; rồi trở thành một Huynh Trưởng năng động, trung kiên, ưu tú tại Cam Ranh và bền bỉ phục vụ tổ chức GĐPT cho đến hơi thở cuối cùng.

Sau khi tốt nghiệp Tú Tài (1959), anh chọn ngành Sư Phạm để phù hợp với “nghề” Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử. Anh đã trở thành nhà giáo đầy lương tâm chức nghiệp, từng làm Hiệu Trưởng nhiều trường tiểu học tại Cam Ranh.

Năm 1967, anh kết duyên với chị Nguyễn Thị Kim Xuyến, pháp danh Diệu Xuân, người bạn đồng nghiệp nhà giáo, một nữ Huynh Trưởng cấp Tín GĐPT – Phó Trưởng Ban Ngành Nữ đầu tiên của Ban Hướng Dẫn GĐPT Cam Ranh. Hiện tại, chị vẫn sinh hoạt tại đơn vị GĐPT Phước Khánh (Cam Ranh).

Anh chị có tất cả 7 người con (4 nam, 3 nữ) đều từng tham gia sinh hoạt GĐPT từ tuổi Oanh Vũ. Anh chị đã “GĐPT hóa” ngay cách đặt tên cho con: Chơn Thiện, Trung Thiện, Chánh Thiện, Lam Tuyền… Gia đình riêng của anh chị là một gia đình mẫu mực đối với xóm làng, được bà con láng giềng nể trọng.

Từ năm 1973-1975, anh làm Chánh Sự Vụ Giáo Vụ Sở Học Chánh Cam Ranh.

Sau năm 1975, làm giáo viên phổ cập giáo dục tại Phòng Giáo Dục Cam Ranh cho đến năm 1991 thì nghỉ hưu trí. Trong ngành và xã hội, ai ai cũng nhận thấy anh là một nhà giáo thanh liêm, mẫu mực. Bao lớp học trò và đồng nghiệp rất mực kính trọng anh.

  • QUÁ TRÌNH SINH HOẠT – PHỤC VỤ GĐPT VÀ GIÁO HỘI:

1. Phục vụ Gia Đình Phật Tử:

– 1954-1955: Đội Trưởng Sen Lam, Đoàn Thiếu Nam GĐPT Cam Linh (Từ Vân).

– 1955-1959: Đội Trưởng Sen Xanh, Đoàn Thiếu Nam GĐPT Cam Linh.

– 1959-1960: Huynh Trưởng tập sự, Chánh Thư Ký GĐPT Cam Linh.

– 1960-1962: Đoàn Phó Thiếu Nam kiêm Chánh Thư Ký GĐPT Cam Linh.

– 1962-1966: Đoàn Trưởng Thiếu Nam kiêm Chánh Thư Ký GĐPT Cam Linh.

– 1966-1967: Liên Đoàn Trưởng GĐPT Cam Linh.

– 1967-1968: Ủy Viên Nội Vụ Điều Hành Ban Chấp Hành GĐPT thị xã Cam Ranh.

– 1968-2000: Trưởng Ban Hướng Dẫn GĐPT Cam Ranh (trên 30 năm, qua nhiều nhiệm kỳ).

– 2000-2002: Ủy Viên Nội Vụ Ban Hướng Dẫn GĐPT Cam Ranh.

– 2002-2.11.2003: Ủy Viên Nội Vụ Ban Hướng Dẫn GĐPT Khánh Hòa.

  • Các trại huấn luyện đã tham dự:

– Trại La Hầu La năm 1961 tại Nha Trang.

– Trại Huệ Năng năm 1962 tại Nha Trang.

– Trại Vạn Hạnh khóa 1 năm 1972 tại Đà Lạt.

  • Các cấp bậc đã thọ lãnh:

– Thọ cấp Tín ngày 22.8.1968.

– Thọ cấp Tấn ngày 31.12.1973.

– Sau khi anh mệnh chung, Ban Hướng Dẫn Trung Ương GĐPTVN đã cử phái đoàn đến làm lễ truy thăng cấp Dũng cho anh vào rạng sáng ngày 4.11.2003 dưới sự chứng minh của Hòa Thượng Thích Minh Tâm.

2. Phục vụ Giáo Hội:

– 1960-1962: Chánh Thư Ký Chi Hội Phật Giáo Cam Lâm – Khánh Hòa.

– 1962-1963: Trưởng Ban Phát Thanh và Truyền Bá Chi Hội Phật Giáo Cam Lâm – Khánh Hòa.

– 1963-1966: Chánh Thư Ký Xã Giáo Hội Phật Giáo Cam Linh, kiêm Chánh Thư Ký Quận Giáo Hội Phật Giáo Cam Lâm.

– 1966-1967: Chánh Thư Ký Thị Giáo Hội Phật Giáo Cam Ranh.

– 1967-1969: Ủy Viên Ban Đại Diện Thị Giáo Hội Phật Giáo Cam Ranh.

– 1972: Tổng Thư Ký Ủy Ban Cứu Trợ Nạn Nhân Chiến Cuộc Thị Giáo Hội Phật Giáo Cam Ranh.

Suốt gần 50 năm là Đoàn Viên GĐPT, trong đó hơn 35 năm là thạch trụ của GĐPT Cam Ranh, anh Tâm Châu – Nguyễn Trưng đã hiến trọn cuộc đời phục vụ cho đạo pháp, cho lý tưởng cao đẹp của Gia Đình Phật Tử Việt Nam.

Trong khoảng 10 năm, từ năm 1993, căn bệnh tai ác đã hành hạ khiến anh tê liệt xác thân, mỏi mòn trí não nhưng không lúc nào anh xao lãng việc sinh hoạt GĐPT; sẵn sàng nhận lãnh và hoàn thành xuất sắc mọi Phật sự; sẵn sàng đến với bất cứ đơn vị nào xa xôi nhất để chỉ bảo, hướng dẫn đàn em.

Những ngày hơi tàn sức kiệt trên giường bệnh, tứ chi bất động, miệng không nói được nhưng anh vẫn cố dùng chút sức lực hiếm hoi còn lại trên cánh tay trái để viết trên chiếc bảng nhỏ, nhắc nhỡ anh chị này, dặn dò anh chị khác trong Ban Hướng Dẫn và các đơn vị về những Phật sự chưa khai triển; những tâm tư cần trao truyền… Ngày cuối cùng của cuộc đời, anh viết dòng chữ “Thầy Minh Tâm” lên bảng, có lẽ anh đang nhớ đến Thầy và mong muốn Thầy về thăm anh.

Một điều kỳ diệu đã xảy ra: 12 giờ thiếu 1 phút ngày 2.11.2003 (9-10 Quý Mùi), cánh tay phải vốn đã bị liệt từ nhiều năm qua bỗng dưng bật cao lên với ấn Cát Tường! Thoáng chốc, anh thanh thản ra đi khi cánh tay phải vừa hạ xuống, êm xuôi như chưa hề mang bệnh tật hiểm nghèo! Cận tử nghiệp, thần thức thanh tịnh đã điều khiển tấm thân tàn của anh thể hiện được lần cuối nghĩa cử của một người Huynh Trưởng GĐPT.

Vẫn biết luật vô thường sẽ không có ngoại lệ cho một ai. Vẫn biết với thân bệnh quái ác anh mang nhiều năm qua, nó sẽ sớm cướp đi sinh mệnh của anh. Thế nhưng, ngày anh rủ bóng Vườn Lam cũng đã làm cho hằng nghìn trái tim Lam Viên GĐPT Cam Ranh ngậm ngùi, tiếc thương thổn thức!

—=oOo=—

Nhớ lại ngày đó…

Trong thời điểm GĐPT đang gặp nhiều chướng duyên, nghịch cảnh, nhưng trước công hạnh của anh với đạo pháp, với GĐPT, Chư Tôn Đức giáo phẩm Thị Giáo Hội Phật Giáo Cam Ranh và Thượng Tọa trụ trì chùa Từ Vân đã cho phép tang môn hiếu quyến đưa anh về đoàn quán GĐPT Từ Vân để chung lo hậu sự cho anh. Sự kiện hy hữu chưa từng có tiền lệ tại đất Cam Ranh từ trước đến nay đối với một cư sỹ Phật Tử mệnh chung.

Bất chấp mọi nghi kỵ, đe dọa, quy chụp; thắng vượt mọi hành vi cố tình càn trở; vợ con của anh và Lam Viên GĐPT Cam Ranh phối hợp cử hành tang lễ anh thật trọng thể, trang nghiêm dưới sự chứng minh, hộ niệm của Chư Tôn Túc tại địa phương suốt 3 ngày 2 đêm. Không tính hằng trăm Lam Viên GĐPT Cam Ranh luân phiên túc trực, hằng nghìn lượt người khác đã đến chùa Từ Vân để viếng Hương Linh và chung lòng cầu nguyện cho anh siêu sanh Phật quốc. Phái đoàn Ban Hướng Dẫn Trung Ương GĐPTVN; phái đoàn Ban Hướng Dẫn GĐPT các tỉnh bạn: Lâm Đồng, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Phú Yên, Bình Định hiện diện tham dự lễ tưởng niệm…

Đặc biệt, khi nghe tin báo, Thầy Minh Tâm đã về Cam Ranh ngay sáng hôm sau, lâm nghi Thuyết Linh tối hôm đó và quang lâm chứng minh Lễ Truy Thăng cấp Dũng cho anh ngay tại linh cữu vào rạng sáng ngày 4.11.2003, vài giờ trước lúc đưa anh đến nơi an nghỉ cuối cùng. Sau này, Thầy đã viết đoản văn “Mất Mà Còn” thật thắm thía, khuyến tấn Huynh Trưởng GĐPT về nhân cách sống, phụng sự lý tưởng sao cho mai này “có mất đi mà vẫn còn, chứ đừng có còn sống mà như đã mất”.

Ban Tổ Chức Tang Lễ và gia đình hoàn toàn không có ý niệm phô trương hình thức, nhưng vẫn có gần nghìn người đủ mọi thành phần trong xã hội và vài trăm chiếc xe các loại, tự nguyện đến xếp hàng dọc dài cả cây số để đưa tiễn anh từ chùa Từ Vân đến nghĩa trang Dốc Sạn trên lộ trình hơn 5km. Đó là tình cảm ưu ái, là sự trân trọng mà tha nhân thể hiện đối trước một công dân mẫu mực, một Phật Tử thuần thành, một Huynh Trưởng GĐPT trung kiên với lý tưởng Áo Lam. Xứng đáng lắm thay!

—=oOo=—

NGUỒN GỐC TÀI LIỆU: VP Ban Hướng Dẫn GĐPT Cam Ranh, Việt Nam.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.