Tiểu sử Cố Ni Sư Thích Nữ Huỳnh Liên

TIỂU SỬ

CỐ NI SƯ THÍCH NỮ HUỲNH LIÊN
[1923-1987]

Đệ Nhất Ni Trưởng Hệ Phái Khất Sĩ Việt Nam
(Đệ I Giáo Đoàn Trưởng Hệ Phái Khất Sĩ)

oOo

THÂN THẾ:

Cố Ni Sư Huỳnh Liên thế danh là Nguyễn Thị Trừ, sanh ngày 19 tháng 3 năm 1923 tại làng Phú Mỹ, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Định Tường (nay là tỉnh Tiền Giang), vùng giáp biên giữa hai tỉnh Long An và Đồng Tháp.

Người là trưởng nữ trong một gia đình thâm nho và đạo đức, sống bằng nông nghiệp nhiều đời. Thân phụ là Cụ ông Nguyễn Văn Vận, pháp danh Thiện Trí và thân mẫu là Cụ bà Lê Thị Thảo, đã xuất gia thọ Tỳ-kheo-ni trong Ni giới Hệ phái Khất Sĩ, pháp danh là Thiện Liên. Ông bà thân sinh của Người có năm người con đều là gái.

Thiếu thời, Người được gia đình nuôi ăn học đến hết chương trình trung học tại quê hương, sau vì không đủ điều kiện đành phải dở dang đường học vấn; song nhờ cậu ruột là Lê Quý Đàm, từng theo học trường Cao đẳng Hà Nội làm gia sư, trong thời gian người cậu về quê nhà dưỡng bệnh. Với sự săn sóc và dạy dỗ của cậu, kiến thức của Người ngày thêm thăng tiến, đồng thời cũng sớm tiếp cận với tư tưởng và gương yêu nước của những người tham gia kháng chiến chống Pháp lúc đương thời.

Trưởng thành trong điều kiện xã hội đầy dẫy áp bức, bất công; đất nước đang bị thực dân xâm chiếm, nên mặc dù đã là một Phật Tử tu tại gia theo truyền thống của một gia đình Phật Giáo từ năm 20 tuổi (1943) tại Phật đường Minh Sư, nhưng khi phong trào cách mạng bùng nổ vào năm 1945, Người cũng tham gia các hoạt động kháng chiến. Khi thực dân Pháp quay trở lại, Người tạm thời gác mọi mối liên hệ, trở về với am tranh của người dì ở làng Phú Mỹ, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Định Tường.

XUẤT GIA TU HỌC & HOẰNG PHÁP:

Xuất gia tu học theo hạnh Du Tăng Khất Sĩ:

Vốn mang tâm niệm ưa thích việc tu trì nên tuy thân nữ giới nhưng Người có ý chí trượng phu nam tử, thường mong ước ‘tứ hải vi gia, cửu châu lập nghiệp’; đồng thời do túc duyên nhiều đời nhiều kiếp dựng xây, mà Đức Tôn Sư Minh Đăng Quang – Tổ sư khai sáng hệ phái Khất Sĩ tại Việt Nam – từ Vĩnh Long đi hành đạo miền Thất Sơn, lại được một vị Cư sĩ chùa Linh Bửu, làng Phú Mỹ, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Định Tường thỉnh về đây hoằng truyền giáo pháp, nên vào năm 24 tuổi, không bỏ lỡ cơ duyên, sau một thời gian tìm hiểu học đạo, Người cùng hai bạn đồng hành (sau là hai Sư Cô Nhị và Sư Cô Tam) được Tổ Minh Đăng Quang chứng minh, làm lễ xuất gia vào ngày 1 tháng 4 âm lịch (1947) tại Linh Bửu Tự, làng Phú Mỹ, thành phố Mỹ Tho với pháp danh Huỳnh Liên, Bạch Liên, Thanh Liên; mà Người là trưởng tử Ni của Đức Tổ Sư. Cả ba đều được Đức Tổ Sư truyền thọ giới pháp Y Bát Khất Sĩ làm Tỳ-kheo-ni, nối gót Tổ Sư tu học, phát triển mở mang Giáo Hội.

Một cành mà nở trăm hoa
Bóng y bát đẹp quê ta tự rày
Chơn truyền Khất Sĩ là đây
Bóng xưa với lại hình nầy dặm không.

Đã không không tới tận cùng
Tam y nhất bát dạo cùng nước non
Đã không nhà cửa chồng con
Lại không vướng bận vuông tròn thấp cao.

Đầy vơi trong đục sá nào
Hải triều âm vọng ngọt ngào tâm linh
Bờ ao vách miếu mái đình
Sen thiên thị hiện anh linh nhụy vàng…
(Nhà thơ Trụ Vũ).

Kể từ đó Người được trực tiếp học đạo nghe pháp với Đức Tổ Sư qua những bài chân lý thực sống, bằng những thử thách gay go trên đường hành đạo để rèn luyện ý chí, dồi trau phẩm hạnh hầu khai thị pháp thân, nối truyền huệ mạng, truyền lưu giáo pháp Phật-đà.

Báo ân Đức Phật hoằng dương Chánh Pháp:

Có thể nói suốt cả cuộc đời tu tập và hành đạo của Người là suốt cả quá trình báo ân Đức Phật và hoằng dương chánh pháp. Buổi đầu mới xuất gia, vừa theo Tổ Sư học đạo, vừa được sự ủy thác của Tổ Sư tiếp Chúng độ Ni. Đến năm 1954, Đức Tổ Sư Minh Đăng Quang thọ nạn và vắng bóng, Ni Sư kế tục sự nghiệp Thầy Tổ, trực tiếp lãnh đạo hàng Ni chúng Khất Sĩ trong phận sự Trưởng tử Ni.

Từ năm 1947 đến năm 1987, tròn 40 năm…

Một chiếc thuyền nan mỏng mảnh giữa cơn giông tố:

Với hạnh nguyện làm chiếc thuyền chở che phái nữ, Ni Sư đã nỗ lực lèo lái Giáo Hội Ni Giới Khất Sĩ song song con thuyền Giáo Hội Tăng Già truyền thừa Phật Pháp sâu rộng trong quần chúng nhân gian. Nhờ bi nguyện bao la, đức độ từ hòa và tinh thần không mòn mỏi, dẫu rằng giới nữ lưu tay yếu chân mềm nhưng nghị lực không yếu mềm.

Từ năm 1948, những chiếc huỳnh y của Ni Giới Khất Sĩ đã uyển chuyển, hiền hòa trong nắng sớm sương chiều, hội nhập vào lòng người hiện diện khắp các tỉnh thành, quận huyện hai miền Nam – Trung nước Việt.

Tất cả khó khăn gian khổ thử thách đều vượt qua!

Tất cả những khen chê, vinh nhục, ngăn trở, đói no đều vượt qua!

Tất cả mồ hoang miếu lạnh, cảnh rừng vườn vắng vẻ, nắng mưa đều vượt qua!

Ni Sư luôn luôn bền lòng hướng dẫn tập thể Ni chúng nhớ lời pháp bảo cao quý của Đức Thầy Tổ ân sư:

“Lâng lâng tâm cảnh
Khăng khăng chí nguyền.”

“Bát làm ruột, y làm da
Bạn thiết châu du cùng thế giới;
Trời làm màn, đất làm chiếu
Tinh thần thông cảm khắp trần gian.”

Một di ảnh của Ni Sư Huỳnh Liên.

Trong 41 năm, ánh sáng công hạnh trí huệ của Ni Sư gieo trồng đến đâu là hoa giác, quả thiền xinh tươi đơm cành đến đó. Hội chúng xuất gia Ni giới càng lúc càng đông; Thiện nam Tín nữ lớp lớp hàng hàng thọ giới quy y, tinh tấn tu tập. Xe pháp luân chuyển pháp hoằng dương của Ni Sư từ năm 1948 đến nay đã tỏa chiếu ánh từ quang giong ruổi khắp sơn khê, nông thôn, phố thị… Sự hiện hữu của trên trăm ngôi tịnh xá đạo tràng, trên một trăm thảm đất vàng, chi nhánh khắp Nam – Trung với sự hiện hữu của hàng ngàn Ni chúng, hàng vạn vạn Tín đồ… Ôi! Đây có phải là da thịt, là sự nghiệp hoằng dương chánh pháp của Ni Sư, mà cũng chính là hiếu đạo Ni Sư báo ân Đức Phật và Thầy Tổ.

Đặc biệt, Tịnh xá Ngọc Phương, trung tâm của Ni giới hệ phái Khất Sĩ Việt Nam là nơi mang nhiều dấu ấn lịch sử của Ni Sư. Tịnh xá được xây dựng từ năm 1958, trùng tu năm 1972, khuôn viên tịnh xá được hoàn thành thật sự vào khoảng cuối năm 1986. Ni Sư ra đi khi mọi công hạnh đã tròn xong.

Tinh thần hoằng dương chánh pháp, báo ân Đức Phật của Ni Sư thật sự đi vào vô tận, vô biên của dòng thời gian bất diệt.

Tu tập và giáo hóa môn sinh, kế tục truyền đăng, tiếp Chúng độ Ni làm rạng ngời chánh pháp:

Suốt cuộc đời vì đạo, vì nhơn sanh, thanh bần giản dị, nhu yếu về ăn, mặc, ở, bệnh, đơn sơ qua bữa, thế mà gánh nặng oằn vai, “mẹ ngàn con đa đoan phận sự”; phút giây nào Ni Sư cũng vận dụng trí tâm, nỗ lực dùng thân, khẩu, ý giáo hóa môn đồ, độ cư gia bá tánh.

Vốn có thiên phú về thơ ca, văn học, thương Ni chúng và nam nữ Phật Tử khó lãnh hội được ý nghĩa súc tích thâm sâu của kinh tạng chữ Hán và Pàli, Ni Sư chủ trương dân tộc hóa bằng cách diễn dịch các kinh trên ra chữ quốc ngữ thể văn vần cho dễ đọc, dễ hiểu và dễ nhớ. Một số kinh tụng thường nhựt được Ni Sư diễn dịch như: Kinh Di Đà, Hồng Danh, Vu Lan, Phổ Môn, Báo Hiếu, Bát Nhã Tâm Kinh, Xưng Tụng Tam Bảo, Kinh Vô Ngã Tướng, Kinh Pháp Cú, Di Giáo, Tứ Thập Nhị Chương, Khóa Hư, Cảnh Sách…

Ngoài ra, Ni Sư rất chú trọng đến việc đào tạo nhân tài mai hậu bằng việc luôn tạo môi trường thuận tiện, nhắc khuyên Ni chúng phải cố gắng học lên cao đẳng, học Phật Pháp tinh chuyên để đền ơn Thầy Tổ, để rạng rỡ phái môn, để chánh pháp lưu tồn, để tiếp cận kim ngôn Đức Phật. Đối với các Ni nhỏ tuổi, Ni Sư cho học văn hóa phổ thông, bổ túc, học ngữ văn, sinh ngữ, cổ ngữ, dạy làm thơ phú, giồi luyện Việt văn, dạy làm sách báo…

Suốt cuộc đời Ni Sư tinh tấn chuyên tu, tham cứu giáo điều, giáo dưỡng Ni chúng, hoằng truyền Phật đạo, vừa du phương thuyết pháp, vừa học kinh nghiệm nơi mọi người, Ni Sư luôn luôn tìm tòi học hỏi, vừa làm thơ, làm văn, làm sách báo để xương minh chánh đạo, truyền trao tư tưởng Phật-đà, vừa gióng tiếng gọi thiêng liêng cổ súy tham gia giúp đỡ đồng bào, cứu nguy đất nước.

Dịch phẩm và tác phẩm của Ni Sư gồm có:

– Kinh Tam Bảo, Xưng Tụng Tam Bảo và Kệ Pháp Trích Lục đã xuất bản, tái bản nhiều lần, diễn dịch thành thơ, văn nghĩa rõ ràng, giản đơn dễ hiểu.
– Khoảng 2.000 bài thơ, bài kệ đủ thể loại.
– Hàng ngàn bản văn xuôi.

Nội dung thơ văn phần nhiều khích lệ, sách tấn hội chúng xuất gia cũng như tại gia phải nỗ lực tiến tu đạo nghiệp, lấy Giới-Định-Huệ làm căn bản trừ diệt tham-sân-si; sống trong sạch, giải thoát thanh cao, giồi trau kiến thức; phải luôn luôn đoàn kết, thực hiện pháp Tam Tụ Lục Hòa vong kỷ lợi tha; sớm tinh cần cơm thiền sữa pháp sao cho vừa cứu mình, vừa giúp người, vừa lợi đạo; thực hành nhiệm vụ thiêng liêng ‘tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự’ trong tứ phương thiên hạ để đáp ơn Phật Pháp, Tổ Thầy. Ý thơ văn còn khuyến khích chúng Ni luôn luôn tỉnh giác Vô Thường, Khổ, Không, Vô Ngã; vừa hành Thập Thiện, Lục Độ nếp sống thuần lương; vừa gởi gắm bổn hoài Cư sĩ; vừa gọi hồn dân tộc, giục thúc đấu tranh cho hòa bình trên quê hương đất nước đúng theo tinh thần những danh sư thuở trước:

Nguy thời hộ nước cứu dân,
An thời giũ áo am vân tu trì.

Đặc biệt trong sự nghiệp giáo hóa và dắt dìu Ni chúng, Ni Sư không chấp nê thủ cựu, mà lại chủ trương:

Tu có học mới rạng ngời Chánh Pháp,
Học có tu mới lợi đạo, ích đời.

Dõng mãnh vượt định kiến từ xưa của hạnh ‘khất sĩ du phương’ là chỉ chuyên tu giải thoát, Ni Sư chủ trương cho Ni chúng học thêm văn hóa và học rộng Phật Pháp.

Ôm ấp hoài bão đào tạo Tăng tài để ‘kế vãng lai khai’, Ni Sư đã nhiệt tâm đóng góp khá nhiều tài vật, cổ động Chư Ni và Tín đồ ủng hộ thường xuyên việc thành lập Trường Cao Cấp Phật Học Việt Nam cơ sở II tại Tp.HCM; khuyến khích, sách tấn, tạo điều kiện cho chúng Ni biết trưởng dưỡng thiện căn, trau dồi trí tuệ, hầu đủ sức tài để hoằng dương chánh pháp. Ước mơ của Ni Sư ngày nay đã trở thành hiện thực:

10 Sư Cô tốt nghiệp khóa I và 10 Sư Cô tốt nghiệp khóa II cao cấp Phật học Việt Nam; 43 Sư Cô tốt nghiệp trung cấp Phật học tại Tp.HCM và một số tỉnh phía Nam. Rất nhiều Sư Cô đã trúng tuyển, hiện đang theo học các trường cao cấp Phật học khóa III, cơ bản Phật học ở các tỉnh Hậu Giang, Lâm Đồng, Đồng Nai, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Định, Đồng Tháp, Cửu Long, Kiên Giang… Nhiều Sư Cô khác đã tốt nghiệp cử nhân Phật học và triết học Đông Phương, cử nhân ngữ văn Đại Học Tổng Hợp Tp.HCM. Một số đông Sư Cô đang theo học các khóa ngữ văn, Hán nôm, sinh ngữ ở các trường đại học tại Tp.HCM. Sư Cô Liên Tín tốt nghiệp khóa I cao cấp Phật học là Thư ký thường trực Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, đã được nhận học bổng về nghiên cứu Phật học tại Trường Đại Học New Delhi, Ấn Độ, do chính phủ Ấn Độ tài trợ theo chương trình trao đổi văn hóa giữa hai nước Ấn – Việt.

Tấm lòng vì đạo vì đời của Ni Sư thật mênh mông bát ngát như biển khơi.

Hoạt động yêu nước và đấu tranh vì hòa bình, độc lập, tự do:

Từ năm 1960 đến 1975, miền Nam Việt Nam bước vào thời kỳ của khúc quanh lịch sử. Noi theo hạnh nguyện Phổ Hiền; nối chí những Thiền sư Vạn Hạnh, Khuông Việt, Ni Sư chủ trương đem đạo vào đời, nhập trần bất nhiễm, tùy duyên mà bất biến, bất biến nhưng vẫn tùy duyên. Trước cảnh chết chóc của đồng bào, trong đó có Tín đồ Phật Giáo phải chịu nhiều áp bức, bất công; xã hội dẫy đầy đau khổ; tinh thần dân tộc ngày càng xuống dốc, tấm lòng Bồ-tát đau nỗi đau chung của dân tộc, không thể bàng quan tọa thị, an trú thiền môn, Ni Sư đã lãnh đạo hàng Ni giới Khất Sĩ “vào gông xiềng để bẻ gãy xiềng gông, vào ngục tù để phá tan tù ngục”. Ni Sư tích cực vận động Chư Ni và Tín đồ Phật Tử tham gia vào các cuộc đấu tranh đòi quyền sống, đấu tranh cho hòa bình, độc lập dân tộc và sự trường tồn đạo pháp.

Từ những năm 1960 – và cao trao là Pháp Nạn năm 1963, với tư cách là người đứng đầu Ni giới Khất Sĩ, Ni Sư đã liên lạc, lãnh đạo toàn thể Ni giới trực tiếp tham gia các cuộc vận động tự do tín ngưỡng, công bằng xã hội và tự do, dân chủ của Phật Giáo, của sinh viên học sinh và của đồng bào Phật Tử Sài Gòn – Gia Định. Các cuộc vận động này đã ảnh hưởng lớn lao đến các tỉnh miền Trung và Cao nguyên như Thừa Thiên – Huế, Quảng Nam – Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Gia Lai – Kontum… và các tỉnh miền Nam như Cần Thơ, Sóc Trăng, Sa Đéc…

Ni Sư Huỳnh Liên trình bày tham luận tại ‘Chương Trình Thống Nhất Phụ Nữ Toàn Quốc’ năm 1976.

Thực hành Bồ-tát đạo:

Với tinh thần nhập thế tích cực, Ni Sư đặc biệt hướng về con đường từ thiện xã hội, những muốn đem ánh đạo vàng đến tận mỗi tâm hồn qua hạnh bố thí, mong cầu xoa dịu những nỗi đau vật chất, để từ đó mưa pháp nhuận thấm tinh thần.

Lúc bấy giờ hoàn cảnh đất nước chiến tranh ngày càng tàn khốc, nhất là đồng bào ở thôn quê bị thất thoát mùa màng, vườn ruộng hoang phế, trở thành nạn nhân trực tiếp của chiến cuộc, vừa lâm cảnh đói nghèo, miên man bệnh hoạn, lại còn thêm hỏa tai, lụt lội… Nỗi khổ của nhơn sanh khiến Ni Sư động mối từ tâm, đêm ngày mải miết tùy duyên, tùy phương tiện cứu khổ ban vui (giai đoạn này Ni Sư đã viết nhiều bài thơ phản chiếu thực trạng, tiêu biểu như bài ‘Vì Ai?’).

Ni Sư đã cổ động Ni chúng và Phật Tử khắp Nam – Trung nhịn ăn, nhịn mặc, nhịn tiêu pha xa xỉ để góp phần ủng hộ tài vật, thường xuyên gởi giúp đồng bào xoa dịu niềm đau. Người lại còn nhận nuôi dưỡng trẻ mồ côi, mở trường dạy học từ thiện, ủy lạo các bệnh viện, khám đường… và khuyên nhắc Phật Tử bố thí, giúp đỡ đồng bào khốn khó. Cô Nhi Viện Nhất Chi Mai bên cạnh Tịnh xá Ngọc Uyển (Cầu Hang, Biên Hòa) là cơ sở từ thiện trung ương của Ni Giới Khất Sĩ và một số chi nhánh Cô – Ký Nhi tại các cơ sở khác trong khuôn viên tịnh xá các tỉnh/thành. Có thể nói, Ni Sư “có rất nhiều những người con nuôi”, đó là những trẻ em mồ côi trong các Cô – Ký Nhi Viện.

Sau năm 1975, tuy chiến tranh kết thức, hòa bình được vãn hồi, nhưng dân tộc vẫn chưa vơi khổ cảnh, nỗi lòng Bồ-tát vẫn nặng trĩu ưu tư. Do vậy, Ni Sư vẫn tiếp tục nhiệt thành hưởng ứng và tích cực vận động Chư Ni, Phật Tử nỗ lực đóng góp dài hạn để tương trợ người già và thiếu niên tàn tật… bằng các hành động cụ thể là đi viếng thăm, ủy lạo, an ủi, tặng quà vào những ngày Rằm lớn và ngày lễ giỗ Tôn Sư.

Đầu tháng 4-1987 – những ngày tháng cuối của cuộc đời, tuy thân tứ đại thọ bệnh, nhưng tấm lòng yêu đời, thương người của Ni Sư vẫn cao bát ngát. Tịnh tài quý Ni Sư, Sư Cô và Tín đồ kính dâng để uống thuốc, được Người dành dụm đem làm nguồn vui an ủi các bệnh nhân bất hạnh tại Bệnh viện 175 hay giúp tiền để mua máu tiếp ứng bệnh nhân tại Trung Tâm Ung Bướu (Sài Gòn).

Công đức của Ni Sư thật vô lượng vô biên. Người những ước mong một xã hội công bằng, bình đẳng, cơm no áo ấm, con người nhìn nhau bằng ánh mắt thiện cảm, đoàn kết, thương yêu.

Ni Sư Huỳnh Liên – ảnh chụp ngày 21-4-1975 tại Sài Gòn.

VIÊN TỊCH:

Những năm cuối cùng của báo thân, sức khỏe kém dần, Ni Sư vẫn không xao lãng chí nguyện ưu đời mẫn thế, hóa độ chúng sanh, giáo dưỡng chúng Ni, xiển dương Phật Giáo. Công việc giúp đời hóa đạo chưa viên mãn, bạo bệnh đã vương mang, vậy mà Ni Sư vẫn nhiếp tâm thanh tịnh, ánh sáng Bi-Trí-Dũng sáng ngời; thân bệnh nhưng tâm hồn vẫn an nhiên tự tại, cho nên trước lúc viên tịch Ni Sư đã ân cần nhắc nhở Chư Ni nỗ lực tu hành, lấy Giới-Định-Huệ làm căn bản nhằm chứng đạt quả cứu cánh vô sanh ngay trong hiện kiếp. Và sau cùng, Người ban bài kệ phó chúc:

Ngày đã cận cần tu gấp rút
Giới giữ sao trong sạch như xưa
Định – Huệ không thiếu không thừa
Lợi ích dân chúng đúng vừa khả năng.

Rồi vào lúc 16 giờ 20 phút ngày 16/4/1987, tức ngày 19 tháng 3 năm Đinh Mão, Ni Sư viên tịch, mãn báo thân, hưởng 65 thế tuế, trải 41 mùa Hạ lạp.

Ni Sư ra đi, để lại trong lòng hàng vạn Môn đồ – Phật Tử gần xa xiết bao niềm kính thương luyến tiếc! Dòng thời gian âm thầm trôi biền biệt, nhưng tấm gương sáng chói, công hạnh tuyệt vời, chí nguyện cao cả, trí đức viên dung và tinh thần bất khuất của Người mãi mãi khắc sâu và rạng chiếu trong tâm khảm hàng Môn đồ Ni giới Khất Sĩ Việt Nam.

Thành kính trân trọng những bước đi vừa hùng lực vừa từ bi hỷ xả của Ni Trưởng, chúng con nguyện mãi mãi nỗ lực tinh tấn trong đạo nghiệp, thực hiện bổn hoài mà Ni Trưởng đã một đời tâm niệm:

“Nguyện xin hiến trọn đời mình.
Cho nguồn đạo pháp, cho tình quê hương.”

Nguyện Giác Linh Ni Sư cao đăng Phật Quốc, hồi nhập Ta-bà, truyền pháp lợi tha, huệ đăng bất diệt.

Ai đã đến và đã ra đi
Ai đã cho đời thêm hương thêm sắc
Sự nghiệp Ni Trưởng công dày chất ngất
Giây phút sau cùng còn mãi mãi xinh tươi…

oOo

NGUỒN GỐC & XUẤT XỨ TÀI LIỆU:
Quảng Mẫn lược trích và tu chỉnh từ các Trang nhà
Ni Giới Khất Sĩ Việt Nam & Đạo Phật Khất Sĩ Việt Nam
(Hình ảnh minh họa trong bài do Thư Viện GĐPT bổ sung)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

This site uses Akismet to reduce spam. Learn how your comment data is processed.