Sen Trắng đất phương Nam

“…Nhóm từ ngữ “Đất Phương Nam” ngày xưa bao gồm lục tỉnh Nam Kỳ nằm trên lưu vực Biên Hòa, Gia Định, Tiền Giang và Hậu Giang. Sau đến đầu thập niên 1950 chia làm những tỉnh nhỏ: Định Tường (Mỹ Tho), Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh vị trí dọc lưu vực Tiền Giang (Sông Tiền). Tỉnh An Giang cũ chia thành: Châu Đốc, Long Xuyên, Sa Đéc, Sóc Trăng, Cần Thơ (Sông Hậu) và tỉnh Hà Tiên cũ lại chia thành ba tỉnh: Hà Tiên, Rạch Giá, Bạc Liêu.

Miền Tây nổi tiếng là vựa lúa to lớn trong khu vực Đông Nam Á. Bước “Nam tiến” khai khẩn đất đai trong hòa bình đã giải quyết được lương thực nuôi cả ba miền suốt mấy trăm năm. Dân tình miền Tây hồn nhiên, chất phác, tình cảm dạt dào có thể thấy biết được qua giao tiếp và nghe những câu hò điệu lý mượt mà của dân ca miền Nam…

Ở đây, chúng tôi không nói đến sự phân ranh địa giới hành chánh thay đổi liên tục sau 1975. Là Phật Tử, một Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử, chúng tôi chỉ nhớ những điều đơn giản là các tỉnh nằm trên lưu vực sông Tiền mang pháp tự của vị Cao tăng Huệ Quang; cùng các tỉnh tọa lạc theo sông Hậu mang tên của Ngài Khánh Anh. Hai Ngài, trong những vị sáng tổ đạo cao đức trọng, tận tụy hy sinh trong thời kỳ chấn hưng Việt Nam Phật Giáo; Hiến Chương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất vẫn rành ghi trang trọng tôn danh.

Tôi vốn người tỉnh Cần Thơ, lưu vực Hậu Giang. Thuở ấu thiếu sinh hoạt từ ngành Oanh Vũ trong Gia Đình Phật Tử Chánh Đẳng. Có thể nói, hầu hết các thành viên trong gia đình đều tham gia sinh hoạt, hoạt động Gia Đình Phật Tử từ cấp trung ương, cấp tỉnh, và Gia Đình Phật Tử địa phương. Trải qua bao thời kỳ chiến tranh ly loạn, vật đổi sao dời, kẻ mất người còn mỗi ngày càng trở nên hiếm gặp. Với tuổi đời đã 67, từng trải qua những ngày lênh đênh trên sông nước miền Tây để trưởng thành trong tổ chức. Những thời khắc đó cứ hiển hiện trước mắt với ý định viết lại những nỗi thăng trầm, buồn vui trong mệnh vận của một nữ nhi yếu đuối; mệnh vận của một gia đình trọn đời ‘bần cư thủ đạo’; và mệnh vận của một nền tảng Đạo Pháp trên quê hương này khi thịnh, lúc suy…

Tuy mấy mươi năm định cư tại thành phố Sài Gòn nhưng mỗi lần về lại quê hương ‘Tây Đô’, nơi căn nhà Tổ ngày xưa đã từng một thời là Đoàn quán của Gia Đình Phật Tử Chánh Đẳng, lòng không khỏi bùi ngùi xúc động. Có lẽ chính trong niềm nhớ nhung ‘sông nước miền Tây’ đã thúc giục tôi tham gia vào công cuộc tái thiết Gia Đình Phật Tử miền Tây Nam Phần.

Do đó ‘Sen Trắng đất phương Nam’ này không phải là một tập văn hay một quyển lịch sử viết về tổ chức Gia Đình Phật Tử tại miền Nam, mà tôi chỉ trình bày riêng tư qua những cái nhìn, cái biết từ những ngày niên thiếu; từ những khi tham vấn, hỏi han các anh chị Trưởng tiền bối cao niên, cho đến tuổi bạc đầu hôm nay, hầu có thể làm sáng vài điều và cung cấp tư liệu để một ‘Hội đồng nghiên cứu lịch sử’ – nếu có – trong tương lai gần, có thể tham khảo…” (Thư Viện GĐPT lược trích Lời Thưa).

———=oOo=———

SEN TRẮNG ĐẤT PHƯƠNG NAM

Sự hình thành và phát triển Gia Đình Phật Tử
tại Miền Nam Việt Nam
oOo

PHẦN I
(Giai đoạn từ sơ khai đến 1975)

I. DẪN NHẬP:

Phật Giáo du nhập vào Việt Nam qua con đường tơ lụa trên đất liền nối liền các đại lục và đường hải hành xuyên vượt đại dương từ những năm đầu kỷ nguyên Tây lịch do các thương buôn người Ấn Độ và Trung Hoa; song mãi đến cuối thế kỷ thứ II, tức vào năm 189 sau Tây lịch mới được truyền lan rộng rãi do các vị Cao tăng:

  • Ngài Mâu Bác, người Trung Hoa.
  • Ngài Khương Tăng Hội, người Ấn Độ.
  • Ngài Ma Ha Kỳ Vức, người Ấn Độ.
  • Ngài Chi Cương Lương, người Ấn Độ.

Qua bao nhiêu triều đại, cho đến Đinh-Lê-Lý-Trần có rất nhiều Thiền sư đã giữ vai trò truyền bá Phật Giáo cứu nước và giúp nước như:

  1. Khuông Việt Thiền Sư.
  2. Cảm Thành Thiền Sư.
  3. Viên Chiếu Thiền Sư.
  4. Huệ Sinh Thiền Sư.
  5. Thiền Lão Thiền Sư.
  6. Lý Thái Tổ (Lý Công Uẩn).
  7. Vạn Hạnh Thiền Sư.
  8. Trúc Lâm Tam Tổ.
  9. Đổ Thuận Thiền Sư.
  10. Đa Bảo Thiền Sư.
  11. Lý Thái Tôn.
  12. Tuệ Trung Thượng Sĩ (tức Trần Quốc Toản).

Nhưng từ khi đất nước bị xâm lược – từ xâm lược thuộc địa đến xâm lược văn hóa – Phật Giáo cũng như Nho Giáo bị loại trừ dần, vì không còn ai học biết chữ Nho để đọc kinh sách Phật, hiểu giáo lý nhà Phật. Đạo Phật chỉ còn hình thức cúng bái, mê tín dị đoan, bị chê là yếm thế tiêu cực.

Trước sự xuống dốc tột mức của Phật Giáo Việt Nam, đồng thời nhờ ảnh hưởng Phong trào Chấn Hưng Phật Giáo của Trung Hoa, bắt đầu từ năm 1920 Chư tôn Trưởng lão Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức hợp lực với một số Cư sĩ Phật Tử có nhiệt tâm với đạo, bắt đầu lo việc chấn hưng Phật Giáo Việt Nam, mở các trường học đào tạo Tăng tài, thuyết pháp cho Tín đồ nghe, chú trọng về lãnh vực giáo dục lớp trẻ và thanh niên Phật Tử.

Kết quả của hơn nửa thế kỷ hoạt động của Chư tôn Trưởng lão Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức Tăng ở cả 3 miền Bắc-Trung-Nam trong chông gai, trong sự chèn ép nặng nề của chế độ Thực dân và Bảo hộ, các cơ sở Phật Giáo đã lan đến hạ tầng thôn xóm, giáo lý nhà Phật không còn quẩn quanh trong các tự viện mà đã quảng bá sâu rộng vào các tầng lớp dân chúng, phạm vi giáo dục Phật Giáo không còn đóng khung ở các bậc lão thành mà đã đi sâu vào các thanh thiếu nhi Phật Tử: các trường Bồ Đề, Phật Học Viện… lần lượt ra đời.

Nói đến việc giáo dục thanh thiếu niên Phật Tử thì không thể không nhắc đến Bác Tâm Minh – Lê Đình Thám. Bác là người đã thắp ngọn ‘đuốc tuệ’ soi sáng và hướng đạo cho các tầng lớp trẻ mới bước chân vào đạo Từ Bi. Bác còn là người dẫn đầu Cư sĩ Phật Tử trong thời kỳ chấn hưng Phật Giáo (1930-1945). Bác là một trong những Cư sĩ được Chư Tôn Đức mến phục, tín nhiệm và mời giảng dạy Phật Pháp trong các Phật Học Đường (Trúc Lâm, Vạn Phước, Tường Vân) từ những năm 1933.

Đối với Gia Đình Phật Tử [GĐPT], Bác được xem như người anh cả, chim đầu đàn của các anh chị Trưởng thế hệ đầu tiên của Gia Đình Phật Hóa Phổ, là bậc cha của các anh chị Trưởng thế hệ thứ hai và đến nay là bậc “Tổ” của GĐPT.

Bác là người đã đề xướng phổ biến đạo Phật đến với lớp trẻ, đã sáng lập Ban Đồng Ấu Phật Tử (1933), lập Đoàn Thanh Niên Phật Học Đức Dục (1940) và từ đó thành lập Gia Đình Phật Hóa Phổ [GĐPHP] (1942-1945) tiền thân của Gia Đình Phật Tử Việt Nam [GĐPTVN] ngày nay.

Bác là người đầu tiên của thế kỷ 20 và của Phật Giáo Việt Nam đã nghĩ đến việc khai thông một con đường mới cho lớp trẻ đến với đạo Phật thấy được ánh sáng từ bi và từ đó tiến bước trên con đường đi tìm chân lý.

Cư sĩ Tâm Minh – Lê Đình Thám [1897-1969].

II. CÁC GIAI ĐOẠN THÀNH LẬP GĐPT NAM VIỆT:

Có thể nói “Miền Trung là cái nôi của GĐPTVN”, cụ thể là Thừa Thiên – Huế, rồi lan truyền ra các tỉnh lân cận; cho đến đầu thập niên 50, GĐPT đã “Nam tiến”. Vào năm 1950, sau khi thành lập Gia Đình Phật Hóa Phổ Chánh Giác  (GĐPHP Chơn Tri, Sài Gòn vừa đổi danh xưng) và từ chùa Sùng Đức đổi địa điểm sinh hoạt về chùa Phật Quang ở Chợ Lớn dưới sự bảo trợ của Thượng Tọa Huyền Dung trụ trì chùa này. Sau khi tổ chức trại A Dục I tại Vườn Lài vào hè 1950, anh Tâm Lạc – Nguyễn Văn Thục bắt đầu đi về Lục Tỉnh. Đây là giai đoạn dò đường để đặt cơ sở, khơi dậy phong trào Phật hóa gia đình, thành lập GĐPHP tại các tỉnh miền Nam Việt Nam.

Anh Nguyễn Văn Thục (đứng sau máy vi âm)
trong những ngày đầu hình thành GĐPT tại Nam Việt.

Giai đoạn sơ khởi:

Gia Đình Phật Hóa Phổ miền Nam manh nha từ một trường tư thục có tên là “GIA ĐÌNH BỔ TÚC HỌC VỤ CHƠN TRI”. Hiệu trưởng của trường là một Huynh Trưởng gốc từ GĐPHP Chơn Tri (Chợ Cống, Huế), đó là anh Tâm Lạc – Nguyễn Văn Thục. Anh Thục là người thuộc huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên. Anh sinh hoạt với GĐPHP Chơn Tri đến cuối năm 1948. Năm 1949 một phần vì thời cuộc bất ổn, anh rời Huế vào sinh sống tại Sài Gòn. Để tiếp tục phụng sự xã hội và đạo pháp, ngoài giờ đi dạy hàng tuần tại các trường tư thục trung học chuyên dạy theo chương trình Pháp, anh còn lập thêm một trường tư thục tiểu học đặt tên là Gia Đình Bổ Túc Học Vụ Chơn Tri. Trường này vừa dạy văn hóa, vừa hướng dẫn Giáo viên thành những Huynh Trưởng và đồng hóa học sinh của trường thành Đoàn viên GĐPHP. Gia Đình Bổ Túc Học Vụ Chơn Tri trở thành cơ sở GĐPHP đầu tiên tại miền Nam Việt Nam với tên là GĐPHP CHƠN TRI. Vào những ngày chủ nhật, thầy trò trường Chơn Tri cùng nhau vào sinh hoạt tại chùa Sùng Đức thuộc vùng Chợ Lớn. Các thầy cô giáo trong trường như anh Hoàng Hải, Trần Yêm, chị Đoàn Thị Tuyết trở thành Huynh Trưởng và học sinh thì làm Đoàn Sinh.

Anh Tâm Lạc – Nguyễn Văn Thục [1927-2007].

Giai đoạn thứ hai:

Được biết, lúc bấy giờ chùa Sùng Đức là nơi tá túc đầu tiên của một số đông Quý Thầy và Tăng sinh chùa Báo Quốc – Huế khi mới di tản vào miền Nam. Được Quý Thầy thương mến và khích lệ, đặc biệt là Thầy Huyền Dung trụ trì chùa Phật Quang và là Viện chủ Phật Học Đường Mai Sơn nhận làm Cố Vấn Giáo Lý, nên Thầy đề nghị cho Gia Đình dời sinh hoạt về chùa Phật Quang, Chợ Lớn, đổi tên GĐPHP Chơn Tri thành GĐPHP CHÁNH GIÁC vào dịp Lễ Thành Đạo PL. 2494 (mùng 8 tháng chạp Kỷ Sửu – 25.1.1950). Về sau khi Giáo Hội Tăng Già Nam Việt được thành lập (1951) thì GĐPHP Chánh Giác được Giáo Hội thừa nhận chính thức vào hệ thống của Giáo Hội. Gia Đình Chánh Giác sớm vững mạnh với một Ban Huynh Trưởng hùng hậu đầy đủ các thành phần: Bác Trần Văn Liềm làm Gia Phổ, anh Tâm Lạc là Liên Đoàn Trưởng, anh Minh Thọ -Trần Ngọc Diệp Liên Đoàn Phó, chị Nguyễn Thị Tuất, Trần Thị Hương, Đoàn Thị Tuyết, Lệ Hằng, Vũ Thị Đồng, anh Hoàng Hải, Trần Yêm, Vũ Đình Xuân phân chia giữ những chức vụ Đoàn Trưởng, Đoàn Phó các Đoàn. Về sau Gia Đình còn được các anh chị Trưởng từ Đà Lạt, Huế đến hổ trợ, giúp đỡ, như các anh Phan Tấn Trình, Phan Tấn Nghĩa, Dương Xuân Dưỡng, Dương Xuân Nhơn, Nguyễn Xuân Sơn, đặc biệt có anh Tâm Bửu – Tống Hồ Cầm làm Cố Vấn Danh Dự cho Gia Đình.

Anh Tâm Bửu – Tống Hồ Cầm [1918-2022].

Giai đoạn thứ ba:

Để củng cố Gia Đình và đào tạo Huynh Trưởng, Đội Chúng Trưởng, GĐPHP Chánh Giác tổ chức một kỳ trại 3 ngày vào dịp hè 1950 tại Vườn Lài, Sài Gòn lấy tên là trại A Dục I.

Thực hiện kế hoạch phát triển GĐPHP tại miền Nam Việt Nam, sau kỳ trại A Dục, anh Tâm Lạc bắt đầu đi về Lục Tỉnh (các Tỉnh miền Tây Nam Việt – Tiền Giang và Hậu Giang) để dò đường, phát động phong trào GĐPHP. Anh may mắn được giới thiệu với Thượng Tọa Thiền Định trụ trì một chùa ờ Mỹ Tho, lúc bấy giờ Thầy đang đi các tỉnh đặt cơ sở thành lập Giáo Hội tại tỉnh, anh xin được theo chân Thầy, nhờ vậy mà tỉnh nào có cơ sở của Giáo Hội thì cũng đều có mặt một đơn vị GĐPHP. Thầy còn nhận chức vụ Cố Vấn Giáo Lý, trực tiếp sinh hoạt cùng các em trong vai trò một Huynh Trưởng thực thụ.

Các Gia Đình còn trong giai đoạn phôi thai, chỉ mới có hình thức chứ chưa được đoàn ngũ hóa vì chưa có Huynh Trưởng thực thụ; các Gia Đình lúc đầu còn lấy tên chùa hay tỉnh tại địa phương để tạm làm danh xưng cho Gia Đình.

Sau một thời gian, gặp nhiều thuận duyên khi được thêm nhiều anh chị Trưởng miền Trung vào giúp sức, một khóa huấn luyện Huynh Trưởng A Dục II được tổ chức tại Cần Thơ gọi là khóa Đại Chí B để đáp ứng nhu cầu của các tỉnh đang trên đà thành lập và phát triển. Khóa này đào tạo thêm nhiều Huynh Trưởng tại chỗ có nhiều năng lực, thiện chí phục vụ khắp các đơn vị GĐPHP tại miền Nam; và là thành viên đầu tiên của Ban Hướng Dẫn GĐPT miền Nam Việt Nam. Ban Giảng Huấn gồm các anh Huynh Trưởng từ Sài Gòn xuống như: Anh Tống Hồ Cầm, Nguyễn Văn Thục, Dương Xuân Dưỡng, Dương Xuân Nhơn, Đoàn Văn Lộc, Đặng Sỹ Hỷ, Phan Tấn Trình… đã phổ biến đường lối, mục đích cùng hệ thống tổ chức, nghệ thuật điều khiển, ‘cầm Đoàn’. Trại sinh đều từ các tỉnh miền Tây: Vĩnh Long, Vĩnh Bình, Cầu Kè, Trà Ôn, Cần Thơ, Long Xuyên, Rạch Giá, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Khóa huấn luyện này đã thổi một luồng sinh khí mới để củng cố, thống nhất đường lối sinh hoạt. Trở về địa phương các Huynh Trưởng đã sắp xếp, chỉnh đốn lại tổ chức Gia Đình mình.

Giai đoạn 4 – Giai đoạn củng cố:

Được sự khuyến khích và giúp đỡ của Chư Thượng Tọa: Trí Hữu, Nhật Liên, Thiện Hòa và đặc biệt Thầy Huyền Dung, Gia Đình Chánh Giác vừa được Quý Thầy trao cho một trách nhiệm mới để tiếp bước Quý Thầy lo hướng dẫn giới trẻ thanh thiếu niên trở thành Phật Tử chân chánh, phục vụ đạo pháp và dân tộc. Gia Đình Chánh Giác tổ chức Ngày Hiếu nhân dịp Lễ Vu Lan (28.8.1950), Đêm Trung Thu (26.9.1950), và đặc biệt qua cuộc triển lãm nhân ngày Lễ Thành Đạo, mừng Đệ Nhất Chu Niên của Gia Đình (8-12 Tân Mão, PL. 2496, tức 4.1.1952), nên sỉ số Đoàn Sinh mỗi lúc một đông, vượt cả số quy định cho mỗi Đoàn và ước nguyện lúc ban đầu. Gia Đình Chánh Giác ngày một lớn mạnh, trở thành ‘đầu tàu’ cho các Gia Đình còn phôi thai ở các tỉnh Tiền Giang, Hậu Giang miền Nam Việt Nam.

Giai đoạn 5 – Thành lập Hội Phật Học Nam Việt:

Được sự hưởng ứng giúp đỡ ban đầu của các Thượng Tọa Nhật Liên, Quảng Minh, Huyền Dung cũng như sự ủng hộ nhiệt tình của các thân hữu, Đạo hữu Chánh Trí – Mai Thọ Truyền quyết tâm thành lập hội Phật học tại Nam Việt như các Hội đã có ở miền Trung, Bắc. Hội Phật Học Nam Việt thành lập ngày 19.9.1950, trụ sở tạm đặt tại chùa Khánh Hưng, Hòa Hưng, Sài Gòn, đến rằm tháng 8 Canh Dần PL. 2494 (26.9.1950) Hội dời trụ sở về chùa Phước Hòa, Bàn Cờ và chính thức hoạt động từ đó.

Đến cuối 1951, tức sau Đại Hội Huynh Trưởng Gia Đình Phật Hóa Phổ thống nhất 3 miền và Đại Hội thống nhất của 6 ‘Tập đoàn mẹ’ 3 miền Bắc-Trung-Nam (Tăng Già và Cư Sĩ) thành lập Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam (6-7-8-9.5.1951), trong một buổi họp Ban Trị Sự, Thầy Quảng Minh và Đạo hữu Mai Thọ Truyền đề nghị hai Đạo hữu Tống Hồ Cầm và Nguyễn Hữu Huỳnh đứng ra cổ động các Hội viên cho con em đến chùa để Hội thành lập GĐPT. Nhờ đó mà GĐPT Chánh Tín làm lễ ra mắt Hội vào Lễ Thành Đạo PL. 2496, năm Tân Mão (4.1.1952). Đạo hữu Chánh Trí – Mai Thọ Truyền nhận làm vị Gia Trưởng đầu tiên của Gia Đình Chánh Tín, anh Nguyễn Hữu Huỳnh Liên Đoàn Trưởng, sau giao lại cho anh Đặng Sĩ Hỷ.

Tóm lại:

– GĐPHP Chánh Giác thành lập vào dịp Thành Đạo PL. 2494 (1950) thuộc hệ thống Giáo Hội Tăng Già Nam Việt, Đoàn quán tại chùa Phật Quang, Chợ Lớn.

– GĐPT Chánh Tín thành lập vào dịp Thành Đạo PL. 2496 (1952), là GĐPT đầu tiên của Hội Phật Học Nam Việt, Đoàn quán tại chùa Phước Hòa, Bàn Cờ, Sài Gòn.

Khi nói đến Hội Phật Học Nam Việt thì không ai có thể quên công đức của Đạo hữu Chánh Trí – Mai Thọ Truyền, cũng như khi nói đến chùa Xá Lợi thì ai cũng nhắc đến tên của Đạo hữu, mặc dù Đạo hữu chỉ giữ chức vụ Tổng Thư Ký của Hội trong nhiệm kỳ đầu. Sau khi Thượng Tọa Quảng Minh làm Hội Trưởng (từ 1952 – 1955), vì Thầy phải đi du học Nhật Bản nên Đạo hữu Chánh Trí phải lên thay thế và giữ chức vụ Hội Trưởng đến ngày Đạo hữu mất (1973).

Đối với GĐPT miền Nam nói riêng, GĐPTVN nói chung, Đạo hữu Chánh Trí – Mai Thọ Truyền là một Huynh Trưởng danh dự. GĐPT miền Nam được khởi sắc và phát triển mạnh tại các tỉnh như ngày nay một phần lớn là nhờ Đạo hữu hưởng ứng và khuyến khích các Chi Hội Phật Học Ham Việt tại địa phương nâng đỡ GĐPT cả hai mặt vật chất và tinh thần. Vì thế sau nầy các GĐPT trong Nam mới thống nhất danh xưng tất cả được đổi lại lấy chữ CHÁNH đứng đầu tên Gia Đình một khi được thừa nhận chính thức.

Đạo hữu Chánh Trí – Mai Thọ Truyền [1905-1973].

Sát nhập 2 GĐPT Chánh Giác và GĐPT Chánh Tín thành GĐPT Chánh Đạo:

Trong tinh thần thống nhất và cũng hợp lý, hợp tình, hợp nguyên tắc tổ chức, vì GĐPT là một đoàn thể Cư sĩ nên vị trí của nó đứng theo hệ thống của một hội Cư sĩ sẽ phù hợp hơn là thuộc tập thể Tăng sĩ, nên 2 Ban Huynh Trưởng của 2 Gia Đình có một phiên họp và thỏa thuận đi đến quyết định sát nhập 2 Gia Đình hợp lại thành một, đặt tên mới là GĐPT CHÁNH ĐẠO. Nhân dịp Lễ Xuất Gia PL. 2497 (21.2.1953) GĐPT Chánh Đạo tổ chức lễ ra mắt trước hai tập thể Giáo Hội Tăng Già Nam Việt và Hội Phật Học Nam Việt. Vị Gia Trưởng của Gia Đình là Đạo hữu Võ Văn Dần, Liên Đoàn Trưởng là anh Tâm Lạc – Nguyễn Văn Thục, anh Tâm Bửu – Tống Hồ Cầm được mời làm Cố Vấn cho Gia Đình.

Giai đoạn 6 – Thành lập Ban Hướng Dẫn GĐPT Nam Việt:

Sau kỳ Đại Hội thành lập Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam, Hội Phật Học Nam Việt cho xúc tiến việc tổ chức GĐPT tại miền Nam. GĐPT đầu tiên thuộc hệ thống của Hội là GĐPT Chánh Tín được thành lập vào ngày Lễ Thành Đạo PL. 2494 (8.12 Tân Mão – 4.1.1952). Tại các tỉnh (từ 1951 – 1953) các GĐPT được chính thức thừa nhận với danh xưng mới lấy chữ Chánh đứng đầu tên, và bàn giao từ hệ thống Giáo Hội Tăng Già Nam Việt qua Hội Phật Học Nam Việt một khi tại tỉnh ấy đã thiết lập được Chi Hội thuộc Hội Phật Học Nam Việt.

* Đến tháng 7 năm 1953, Hội Phật Học Nam Việt thành lập Ban Hướng Dẫn GĐPT Nam Việt. Hội chỉ định 2 Huynh Trưởng Tâm Bửu – Tống Hồ Cầm làm Trưởng Ban và anh Tâm Lạc – Nguyễn Văn Thục làm Phó Trưởng Ban. Sau này khi tổ chức được các khóa huấn luyện A Dục và số GĐPT các tỉnh đã tăng thêm thì Ban Hướng Dẫn mới được bổ sung thêm các Huynh Trưởng: Thiện Thành – Dương Xuân Dưỡng, Tâm Khuyến – Ngô Văn Mão, Thiện Hiện – Dương Xuân Nhơn và Hồng Liên – Phan Cảnh Tuân.

Anh Nguyễn Hữu Huỳnh và anh Phan Cảnh Tuân.

* Các khóa huấn luyện A Dục I Sài Gòn và A Dục II (Đại Chí B) Cần Thơ được xem như hai khóa đầu tiên của Ban Hướng Dẫn Nam Việt đào tạo Huynh Trưởng cơ sở và căn bản cho toàn bộ các Gia Đình thuộc miền Đông và miền Tây Nam Việt; và chính các Huynh Trưởng từ hai khóa này, về sau đã được đề cử giữ những chức vụ trọng yếu trong Ban Hướng Dẫn Nam Việt (từ 1953 ¬ 1964) cũng như trong Ban Hướng Dẫn Trung Ương GĐPTVN (từ 1964 – 1975), và đến nay vẫn còn hoạt động tại các nơi trong nước cũng như hải ngoại.

Trong hai khóa trại nầy, ngoài các Huynh Trưởng trại sinh, còn có 6 anh Huynh Trưởng trong Ban Giảng Huấn là: Tâm Bửu – Tống Hồ Cầm, Tâm Lạc – Nguyễn Văn Thục, Thiện Thành – Dương Xuân Dưỡng, Tâm Khuyến – Ngô văn Mão, Thiện Hiện – Dương Xuân Nhơn, Hồng Liên – Phan Cảnh Tuân là những anh được kể có công đầu đào tạo Huynh Trưởng ở trong Nam.

Xin giới thiệu qua một số các anh chị Huynh Trưởng từ hai khóa ấy đã tích cực đóng góp công sức xây dựng GĐPT miền Nam Việt Nam: A.A. Minh Từ – Mã Thành Cưng, Chí Pháp – Nguyễn Thanh Quang, Như Tuệ – Bùi Công Phương, Minh Kim – Phú Toàn Cang, Minh Dũng – Phú Toàn Cương… C.C. Giác Bổn – Lê Thị Nguyên, Diệu Hương – Phạm Thị Xuân Phương, Diệu Dung – Phạm Thị Xuân Viên…

Anh Minh Kim – Phú Toàn Cang (áo trắng) trong một buổi lễ.

* Sau khi đi dự Đại Hội Huynh Trưởng (tháng 4-1951) tại Huế về, và sau kỳ Đại Hội thống nhất của 6 Tập đoàn Tăng Già và Cư Sĩ Bắc-Trung-Nam (tháng 5-1951) tại Huế, anh Tâm Lạc mới soạn thảo một Nội Quy GĐPT Nam Việt (1952) dựa theo tinh thần văn bản chính của Nội Quy 1951 – Huế, có thay đổi một vài Chương và Điều trong Nội Quy chánh để được phù hợp với tình hình GĐPT miền Nam (hệ thuộc Giáo Hội Tăng Già Nam Việt).

Nhớ rằng:

Lúc bấy giờ (1950-1952) các GĐPT tại Sài Gòn và các tỉnh dù đang còn phôi thai, vẫn thuộc hệ thống của Giáo Hội Tăng Già Nam Việt. Tuy nhiên Hội Phật Giáo Tăng Già Nam Việt cho rằng tổ chức GĐPT thuộc diện đào tạo Cư sĩ nên mới bàn giao cho Hội Phật Học Nam Việt trực tiếp điều hành.

– Đến 4.1.1952 thì Hội Phật Học Nam Việt mới cho thành lập GĐPT Chánh Tín, và
– Đến 21.2.1953 thì 2 Gia Đình Chánh Gíác và Chánh Tín mới được sát nhập để trở thành GĐPT Chánh Đạo sau này, và
– Đến tháng 7 năm 1953 thì mới có Ban Hướng Dẫn GĐPT Nam Việt.

Sau đây là tên của một số đơn vị GĐPT và tên các tỉnh đầu tiên đã thành lập được GĐPT kể từ khi có Ban Hướng Dẫn GĐPT Nam Việt đến khi Phái đoàn GĐPT Nam Việt đầu tiên lên tham dự Đại Hội Huynh Trưởng GĐPT toàn quốc tại Đà Lạt năm 1955:

*Sài Gòn: Chánh Đạo, Chánh An, Chánh Đạt, Chánh Thọ, Chánh Hạnh, Chánh Tâm, Chánh Thiện, Giác Nguyên, Quang Đức, Thanh Tuệ, Thiện Tâm, Vạn Đức, Vạn Hạnh, Ngưỡng Quang, Bảo Quang, Bồ Đề, Tâm Minh…; *Gia Định: Chánh Minh; *Thủ Đức: Chánh Nghiêm; *Biên Hòa: Chánh Thiện; *Bình Dương: Chánh Quang; *Cầu Kè: Chánh Hòa; *Vĩnh Long: Chánh Trí, Chánh Minh; *Sa Đéc: Chánh Đức; *Sóc Trăng: Chánh Tín; *Trà Ôn: Chánh Huệ; *Rạch Giá: Chánh Quang; *Trà Vinh: Chánh Tín; *Long Xuyên: Chánh Dũng; *Bạc Liêu: Chánh Định; *Vũng Tàu: Chánh Kiến, Chánh Pháp; *Cần Thơ: Chánh Tâm, Chánh Đẳng; *Gò Công: Chánh Giác; *Định Tường: Chánh Pháp; *Kiến Tường: Chánh Tiến; *Kiến Hòa: Chánh Cần; *Cà Mau: Thiện Mỹ, Quảng Đức… Còn một số Gia Đình khác chưa ghi trên đây vì người viết không nhớ rõ hết tên và địa danh.

Về sau này, tính đến năm 1975 thì hầu hết các tỉnh trong miền Nam đã thành lập được GĐPT.

Một buổi sinh hoạt của GĐPT Chánh Dũng – Long Xuyên. Đơn vị được thành lập năm 1959, sinh hoạt tại trụ sở Tỉnh Hội Phật Học Long Xuyên.

+ Về GĐPT tại tỉnh Cần Thơ: Hội Phật Học tỉnh đã phái hai bác trong Ban Quản Trị Hội Phật Học làm Gia Trưởng và thành lập 2 GĐPT :

– GĐPT Chánh Tâm với Gia Trưởng là Bác Sử cùng một đội ngủ Huynh Trưởng trẻ như anh Phú Toàn Cang, Phú Toàn Cương, anh Luân…, các chị Ngọc Diệp, Ngọc Hương, Cẩm Lệ…; trụ sở tại Hội Phật Học tỉnh Cần Thơ.

– GĐPT Chánh Đẳng với Gia Trưởng là Bác Minh Phước – Phạm Hữu Điền, Huynh Trưởng là các anh chị con của bác và bạn bè: Các chị Xuân Lan, Xuân Phương, Xuân Viên, anh Trung và các bạn của anh như A.A. Nguyễn Kim Sơn, Trần Văn Tiền, Trần Văn Hai, Nguyễn Văn Bảy, Lê Văn Trương, Huỳnh Hữu Ngô…, các chị Nguyễn Thị Minh, Trương Thị Liễu, Ngọc Nga, Loan Anh…

Hai Gia Đình sinh hoạt dưới sự hướng dẫn của bác Trưởng Ban là Bác Minh Hoằng – Võ Văn Thông. Dù là Trưởng Ban Hướng Dẫn nhưng bác nhất định anh em gọi bác bằng Bác, chứ không chịu gọi bằng Anh.

Tại Cần Thơ vào khoảng năm 1970 có Gia Đình Giác Trí được thành lập tại chùa Kiến Quốc thuộc Tuyên Úy Phật Giáo, do một số Huynh Trưởng là Quân Nhân Phật Tử từ miền Trung vào xây dựng nên, nhưng chỉ một thời gian ngắn các Huynh Trưởng quân nhân thuyên chuyển đi nơi khác thì Gia Đình ngưng sinh hoạt vì không có Huynh Trưởng.

+ Về GĐPT tại tỉnh Vĩnh Long: 2 Gia Đình Chánh Trí, Chánh Minh sinh hoạt với một Ban Hướng Dẫn do Bác Vương Kim Liêng vừa Gia Trưởng GĐPT Chánh Trí vừa là Trưởng Ban Hướng Dẫn. Vị Trưởng Ban tiếp theo là chị Lê Thị Nguyên, pháp danh Giác Bổn, sau đó chị đi xuất gia và là Sư Bà ở Quận 8 Sài Gòn nhưng đã viên tịch; chị Lê Thị Hồng Đào là Phó Trưởng Ban. Vị Trưởng Ban sau cùng là anh Lê Minh Thuận.

– Tháng 8 năm 1954: Các anh chị trong Ban Hướng Dẫn GĐPT Nam Việt đã mở khóa huấn luyện Huynh Trưởng lấy tên là Đại Chí B tại Cần Thơ để đáp ứng nhu cầu của các tỉnh đang trên đà thành lập và phát triển GĐPT.

– Tháng 8 năm 1955: Đại Hội Huynh Trưởng GĐPT toàn quốc tổ chức tại chùa Linh Sơn, Đà Lạt để thống nhất GĐPT 3 miền, thống nhất ý chí, tiến dần đến thống nhất cấp lãnh đạo Trung Phần và Nam Phần (Bắc Phần mới di tản vào Nam), thống nhất đường lối sinh hoạt GĐPT cả nước và bầu ra một Ban Hướng Dẫn Trung Ương GĐPTVN. Trong Đại Hội có sự hiện diện của Quý Thượng Tọa Trí Quang, Thiện Minh, Thiện Châu… và đông đảo các anh chị Trưởng kỳ cựu của Huế và các tỉnh miền Trung. Qua đây các Huynh Trưởng non trẻ của miền Nam đã học tập và thu thập được nhiều kinh nghiệm quý báu để xây dựng GĐPT địa phương mình.

– Năm 1959: Trước nhu cầu phát triển của các Gia Đình, GĐPT Chánh Đẳng – Cần Thơ đã phối hợp với GĐPT Chánh Tín – Sóc Trăng mở khóa huấn luyện lấy tên là Vạn Hạnh B tại Sóc Trăng đào tạo Đoàn Phó và Đội Chúng Trưởng. Trong khóa này Bác Nguyễn Gia Tiêu, Gia Trưởng GĐPT Chánh Tín – Sóc Trăng là Trưởng Ban Tổ Chức, lại có Thượng Tọa Thiền Định làm Cố Vấn Giáo Hạnh cho trại. Các anh chị từ Sài Gòn về tiếp sức như các chị Cung Thị Lan Phương, Trịnh Thị Minh, anh Nguyễn Ngọc Hổ, và các anh chị Trưởng của các Gia Đình địa phương như chị Giang, chị Ba, anh Tâm ở Bạc Liêu.

– Năm 1961: Đại Hội Huynh Trưởng GĐPT toàn quốc tổ chức tại chùa Xá Lợi – Sài Gòn thống nhất cấp lãnh đạo, có một Ban Hướng Dẫn chung cho toàn quốc, mặc dù còn chịu hệ thuộc các ‘Hội mẹ’ (tình trạng còn 6 Tập đoàn Tăng Già và Cư Sĩ).

Sau khi Đại Hội bế mạc, theo lời mời của chị Xuân Phương, chị Tâm Chánh – Hoàng Thị Kim Cúc về thăm Cần Thơ, lúc bấy giờ Cần Thơ được gọi là Tây Đô. Chị ghé thăm GĐPT Chánh Đẳng; chị lưu lại nhà mấy chị em tôi; chị họp bàn giải quyết những khó khăn trong sinh hoạt GĐPT tại địa phương; lên kế hoạch thăm viếng các tỉnh lân cận như Vĩnh Long, Vĩnh Bình, Sóc Trăng, Bạc Liêu…Tại mỗi tỉnh chị đến thăm với một chương trình làm việc nghiêm túc, không giảm nhẹ, dù rằng ở tỉnh lẻ, đi đường xa, sau nhiều ngày làm việc mệt nhọc… Đây là đợt thăm viếng GĐPT miền Tây Nam Phần đầu tiên của chị Cúc. Anh chị em Huynh Trưởng tại địa phương học tập được đức tính kiên nhẫn, tác phong nghiêm chỉnh nhưng đầy tình thương với tấm lòng bao dung của người Chị Cả GĐPTVN.

Chị Hoàng Thị Kim Cúc về thăm GĐPT Chánh Đẳng, Cần Thơ – năm 1961.

Giai đoạn 7 – Thống nhất GĐPT toàn quốc, thành lập Ban Hướng Dẫn Trung Ương đầu tiên:

– Năm 1964: Đại Hội Huynh Trưởng toàn quốc tại Sài Gòn, thống nhất toàn vẹn từ tinh thần đến hình thức, từ cấp lãnh đạo trung ương đến địa phương, thiết lập và tu chỉnh Nội Quy GĐPTVN, Quy Chế Huynh Trưởng GĐPTVN; hình thức GĐPT; các Đoàn Cựu Huynh Trưởng, Ban Bảo Trợ GĐPTVN.

Trong Đại Hội năm 1964, có một điểm đặc biệt: Đại Hội biểu quyết nhất trí theo đề nghị của Ngành Nữ là tách rời sinh hoạt hai ngành Nam – Nữ, đưa vào Nội Quy. Đây là một điểm son của Ngành Nữ. Lúc bấy giờ chị Hoàng Thị Kim Cúc được Đại Hội bầu là Phó Trưởng Ban Ngành Nữ Ban Hướng Dẫn Trung Ương.

Sau khi Đại Hội bế mạc, với cương vị là Phó Trưởng Ban, chị Kim Cúc đã cùng với các chị Ủy Viên ngành Nữ trong Ban Hướng Dẫn Trung Ương mở ngay một trại huấn luyện Nữ Huynh Trưởng A Dục tại Sài Gòn để đáp ứng nhu cầu đào tạo Huynh Trưởng nữ cho các tỉnh miền Nam.

Trại đã thu nhận Trại sinh đến từ các tỉnh/thành: Sài Gòn, Gia Định, Biên Hòa, Vĩnh Long, Trà Vinh, Cần Thơ, Rạch Giá, Long Xuyên, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau… Trại được tổ chức tại chùa Phước Hải, quận 10, Sài Gòn do Ni Sư Tịnh Nguyện làm trụ trì. Ni Sư đã dành mọi sự giúp đỡ cho trại và nhận làm Cố Vấn Giáo Hạnh cho trại. Ban Chứng Minh gồm Chư Hòa Thượng, Thượng Tọa: Minh Châu, Thiện Minh, Huệ Thành (đến từ Cần Thơ), và một Ban Giảng Huấn hùng hậu là các anh chị trong Ban Hướng Dẫn Trung Ương và các anh chị Huynh Trưởng kỳ cựu do chị Cúc mời giảng dạy. Ban Quản Trại gồm các chị Ủy Viên trong Ban Hướng Dẫn Trung Ương và một số các chị Huynh Trưởng do chị Cúc mời:

– Trại Trưởng: C. Hoàng Thị Kim Cúc.
– Trại Phó: C. Đoàn Thị Kim Cúc – C. Phạm Thị Xuân Phương.
– Đời Sống Trại: C. Pham Thị Xuân Viên – C. Tuệ Tâm.
– Thư Ký Trại: C. Lê Thị Hồng Đào.
– Họa My Trại: C. Nguyễn Thị Cẩm Quỳ.
– Kỷ Luật Trại : C. Cung Thị Lan Phương.
– Quản Lý Trại: C. Tuệ Mai.

(Một số hình ảnh Thầy Minh Châu, Sư Cô Tịnh Nguyện cùng Ban Quản Trại và các Chúng trại sinh còn lưu lại):

Ban Quản Trại với Sư Cô Tịnh Nguyện.

Đặc biệt trong số Trại sinh khóa nầy có 10 Sư Cô xin tham dự để biết được sinh hoạt GĐPT ngỏ hầu sau nầy về tổ chức tại chùa mình, hiện nay còn Ni Sư Minh Đăng hiện đang trụ trì Ni viện Kiều Đàm ở quận 3, Sài Gòn.

Chị Kim Cúc cùng các Sư Cô… Trại sinh.

Ngày bế mạc trại được tổ chức tại chùa Từ Nghiêm, Thầy Minh Châu quang lâm chứng minh Lễ Bế Mạc trại, Thầy vô cùng hoan hỷ thấy việc làm đứng đắn và kết quả tốt đẹp của Ngành Nữ GĐPTVN.

Quý Thầy Thiện Minh, Minh Châu, Huệ Thành và Cư sĩ Trần Quang Thuận.

Các Nữ Huynh Trưởng trại sinh A Dục này không thể quên 7 ngày trên đất trại chùa Phước Hải đã được đón nhận những lời pháp nhũ từ Chư Tôn Đức; được trao truyền những kiến thức, kỹ năng sống, những bài học về chuyên môn làm hành trang để trở thành một Đoàn Trưởng khi trở về trú xứ góp phần xây dựng cho Đoàn, cho sinh hoạt GĐPT ngày càng vững mạnh nơi vùng đất miền Nam tổ chức GĐPT chưa được phổ biến và thấm sâu vào lòng người con Phật như tại miền Trung.

Thời gian trôi qua như một giấc mộng, nay người còn kẻ mất, người tung cánh bốn phương trời. Chư Tôn Đức cố vấn trại: Hòa Thượng Minh Châu, Hòa Thượng Thiện Minh, Hòa Thượng Huệ Thành đã viên tịch. Quý anh chị trong Ban Hướng Dẫn Trung Ương, Ban Quản Trại phần lớn đã đi về thế giới an lành của Chư Phật như chị Hoàng Thị Kim Cúc, chị Đoàn Thị Kim Cúc, chị Xuân Phương, chị Tuệ Mai, chị Tuệ Tâm, chị Tịnh Nhơn, chị Cung Thị Lan Phương, các anh Lữ Hồ, Văn Đình Hy, Võ Đình Cường, Lê Cao Phan.

Hiện nay trong Ban Quản Trại A Dục này còn chị Xuân Viên, nay là Sư Cô Thuần Tánh xuất gia tại Thiền viện Linh Chiếu, Long Thành; chị Cẩm Quỳ (vợ anh Đoàn Văn Lộc) định cư ở Hoa Kỳ; chị Hồng Đào ở Vĩnh Long đã già yếu. Về Trại sinh thì một số định cư ở nước ngoài như chị Nguyễn Thị Thoa, nay là Ni Sư Đồng Kính là Viện chủ Thiền viện Vô Ưu tại Hoa Kỳ; chị Trầm Thu Phượng ở Vĩnh Long; tôi Xuân Hòa đang sinh hoạt với Ban Hướng Dẫn Trung Ương; chị Nguyễn Thị Hạnh, chị Quách Thị Nho đã xuất gia hiện ở Mỹ Tho, chị Mai Tuyết An (người đã chặt tay trong mùa Pháp Nạn 1963 phản đối chính sách kỳ thị tôn giáo) hiện định cư ở Mỹ. Các nữ Huynh Trưởng tại Cần Thơ dự trại A Dục, ngoài tôi Xuân Hòa, còn có các Huynh Trưởng Nguyễn Thị Nguyệt, Hồ Chí Thánh, Lê Thị Nở, trong đó chị Lê Thị Nở đã qua đời do bạo bệnh, hai chị kia nay vẫn còn ở Cần Thơ nhưng đã già yếu, bận bịu việc gia đình riêng…

Ngành Nữ giờ đây đã tương đối vững vàng để tự quản lý, vươn lên với nếp sống tự lập và sinh hoạt riêng Ngành. Chị Hoàng Thị Kim Cúc, người Chị Cả biểu tượng cho ngành Nữ GĐPTVN được Đại Hội Huynh Trưởng toàn quốc năm 1964 tín nhiệm bầu vào chức vụ Phó Trưởng Ban Ngành Nữ Trung Ương đầu tiên của GĐPTVN.

Chị Tâm Chánh – Hoàng Thị Kim Cúc [1913-1989].

Sau Pháp Nạn 1966, một số các anh Huynh Trưởng kỳ cựu tại Huế vào Saigon lánh nạn, về cư trú tại Tổng Vụ Thanh Niên, số 294 Công Lý, quận 3, Sài Gòn như các anh Nguyễn Khắc Từ, Đoàn Đình Điệp (Thầy Minh Tâm), Bạch Hoa Mai, Nguyễn Đình Luyện, Tâm Phát… được sự bảo bọc, che chở của Hòa Thượng Thích Thiện Minh lúc bấy giờ là Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Thanh Niên Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Trong thời gian ở tại đây, các anh làm việc tích cực cho Ban Hướng Dẫn Trung Ương, thường xuyên mở các trại huấn luyện đào tạo Huynh Trưởng cho các tỉnh miền Nam. Cụ thể như:

– Năm 1967: Một trại huấn luyện Huynh Trưởng cấp II Huyền Trang I/T.Ư được tổ chức tại chùa Pháp Vân, quận Bình Thạnh, Sài Gòn, anh Văn Đình Hy là Trại Trưởng, anh Lương Hoàng Chuẩn Trại Phó. Một số Trại sinh của trại nầy vẫn còn sinh hoạt như anh Lê Văn San, Phạm Thị Xuân Hòa, hai anh chị Phan Ngọc Đường, chị Lê Hoàng Hoa nay định cư ở Hoa Kỳ vẫn sinh hoạt với các Huynh Trưởng GĐPT Chánh Đạo tại Mỹ.

– Năm 1968: Tại Sài Gòn, Ban Hướng Dẫn Trung Ương cử anh Lương Hoàng Chuẩn, Đại Diện Ban Hướng Dẫn Trung Ương tại Miền Quảng Đức, đương kim Trưởng Ban Hướng Dẫn GĐPT Quảng Đức, thủ đô Sài Gòn (Đệ nhất Trưởng Ban Hướng Dẫn GĐPT Quảng Đức) từ năm 1968 – 1970, sau đó anh Chuẩn trở về với chức vụ Phó Trưởng Ban Hướng Dẫn Trung Ương phụ trách Ngành Nam. Anh Nguyễn Khắc Từ thay thế anh Chuẩn làm Trưởng Ban Hướng Dẫn GĐPT Quảng Đức (Đệ nhị Trưởng Ban Hướng Dẫn GĐPT Quảng Đức) cho đến năm 1993 anh Từ mất.

– Năm 1969: Một Đại Hội Nữ Huynh Trưởng toàn quốc được tổ chức tại Nha Trang. Đây là Đại Hội đầu tiên và duy nhất do Ngành Nữ tự tổ chức, tự điều hành công việc trong suốt thời gian Đại Hội một cách nghiêm túc với tinh thần tự lập hoàn toàn, đã đưa Đại Hội đến thành công tốt đẹp.

Chị Cúc luôn ưu tư về vấn đề tách rời sinh hoạt 2 ngành Nam – Nữ. Nhắc đến sự nghiệp và công hạnh của chị Hoàng Thị Kim Cúc mà không nhắc đến “sinh hoạt riêng biệt ngành Nữ” là cả một sự thiếu sót lớn. Đây là niềm ước vọng của chị mong muốn đàn em của chị được trưởng thành.

Tại các tỉnh miền Tây, Huynh Trưởng nữ rất thiếu, lại ít được tham dự các trại huấn luyện Huynh Trưởng, chỉ có 3 chị em chúng tôi là nữ Huynh Trưởng ở miền Tây nhưng có phúc duyên được tham dự các trại do Ban Hướng Dẫn Trung Ương tổ chức tại Sài Gòn, nên chúng tôi gắn kết với nhau, thường xuyên đi dự họp hay học trại tại Sài Gòn, đó là Diệu Thiện – Huỳnh Bạch Yến Như (Gia Đình Chánh Dũng, An Giang), Diệu Thuận – Phạm Thị Xuân Hòa (Gia Đình Chánh Đẳng, Cần Thơ), Diệu Trí – Dương Thị Bạch Mai (Gia Đình Chánh Đẳng, Cần Thơ); 3 chị em chúng tôi cũng cùng tham dự Đại Hội Huynh Trưởng Ngành Nữ tại Nha Trang.

Chị Hoàng Thị Kim Cúc rất quan tâm đến GĐPT miền Tây còn non yếu. Chị có vài lần về thăm các GĐPT tại Cần Thơ, Sóc Trăng, Vĩnh Long… Hàng năm đến hè, Chị Hoàng Thị Kim Cúc thường vào Nam đi cùng các chị Kim Chung, Xuân Phương, Xuân Viên thăm GĐPT các tỉnh để nắm vững tình hình của Ngành và chấn chỉnh khi cần thiết.

Tại miền Nam, chị Kim Cúc cùng với các chị Ủy Viên ngành Nữ đi thăm viếng thường xuyên các tỉnh như thế đến 1972 do an ninh ngày càng xấu, tình hình chiến sự căng thẳng, nên sau chuyến đi Phước Long trở về các chị không đi thăm viếng được nữa.

Cũng trong năm 1969, tại Miền Khánh Anh, chị Xuân Phương với chức vụ là Đại Diện Ban Hướng Dẫn Trung Ương tại Miền Khánh Anh đã mở trại huấn luyện A Dục – Lộc Uyển tại chùa Phước Hậu, Trà Ôn (Vĩnh Long) dưới sự giúp sức của các anh Bạch Hoa Mai, Nguyễn Đình Luyện, Tâm Phát trong Ban Quản Trại. Trại đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng Trại sinh các tỉnh thuộc Hậu Giang và vài tỉnh thuộc Tiền Giang cũng có tham dự trại. Qua các buổi dạy sinh động, các buổi thực hành về chuyên môn, nhất là trò chơi lớn, đêm lửa trại vào cuối trại đầy ý nghĩa, mà các Huynh Trưởng miền Tây chưa bao giờ được hưởng không khí sinh hoạt vui nhộn, hào hứng; được các anh trong Ban Quản Trại trao truyền kỹ năng ‘cầm Đoàn’, sinh hoạt Đoàn… Trại sinh nhớ mãi những giờ phút thân tình đầy đạo vị đó.

Trại huấn luyện A Dục – Lộc Uyển tổ chức tại chùa Phước Hậu, quận Trà Ôn.

– Năm 1970: Một liên trại huấn luyện Huyền Trang – A Dục – Lộc Uyển tổ chức tại Trại Trường GĐPTVN ở Đà Lạt. Đây là một trại được tổ chức quy mô với các anh là Ủy Viên Ban Hướng Dẫn Trung Ương như anh Nguyễn Khắc Từ, Trại Trưởng trại Huyền Trang I/T.Ư; anh Nguyễn Hữu Thạnh, Trại Trưởng trại A Dục, anh Hoàng Trọng Cang, Trại Trưởng trại Lộc Uyển. Trại đã đào tạo một số đông Huynh Trưởng cho các tỉnh miền Đông và miền Tây Nam Phần.

Cuối năm 1970, các anh mở một trại huấn luyện A Dục cho Trại sinh tại Sài Gòn và các tỉnh miền Tây tại chùa Phổ Quang, quận Tân Bình, Sài Gòn. Trại này anh Nguyễn Khắc Từ làm Trại Trưởng, anh Bạch Hoa Mai Đời Sống Trại, anh Tâm Phát Thư Ký Trại, Xuân Hòa Họa My Trại. Với lời nói nhẹ nhàng, sâu lắng, đầy tình cảm, anh Nguyễn Khắc Từ đã tác động tinh thần Trại sinh qua những giờ học Phật Pháp, giờ sinh hoạt tinh thần đầy ấn tượng, khắc ghi trong lòng Trại sinh không bao giờ quên. Với kỹ năng chuyên môn làm Đời Sống Trại trong nhiều năm, anh Bạch Hoa Mai đã cho Trại sinh những giờ phút sinh hoạt sống động, hào hứng, thú vị, làm hành trang cho nghề Huynh Trưởng khi trở về sinh hoạt tại địa phương.

GĐPT Chánh Thọ – 1970.

Trong thời gian sau từ 1970 – 1975, GĐPT các tỉnh sinh hoạt vẫn bình thường, Ban Hướng Dẫn các tỉnh về họp với Ban Hướng Dẫn Trung Ương tại Sài Gòn khi gặp khó khăn tại địa phương, gặp gở các anh chị cao niên để lắng nghe các anh chị bàn thảo, hướng dẫn phương thức nắm giữ sinh hoạt đơn vị những lúc gặp chướng duyên.

– Năm 1975: Tình hình đất nước bước vào một khúc quanh lịch sử mới. Huynh Trưởng, Đoàn Sinh người còn kẻ mất, người ở trong nước, người đi ra nước ngoài như những cánh chim bay đi bốn phương trời. Sinh hoạt GĐPT miền Tây cũng như GĐPT trong cả nước, số Huynh Trưởng nắm giữ Gia Đình còn rất ít do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, ai cũng lo bươn chải mưu sinh nên các GĐPT phải tạm ngưng sinh hoạt một thời gian dài.

Tại Sài Gòn, với hoàn cảnh nghiệt ngã của thời cuộc, Ban Hướng Dẫn Trung Ương không còn sinh hoạt được như trước, không còn ai lèo lái con thuyền GĐPT chồng chềnh giữa biển khơi, một số các anh chị cao niên như các anh Nguyễn Khắc Từ, anh Nguyễn Văn Thục, anh Đoàn Văn Lộc, anh Hoàng Trọng Cang, anh Nguyễn Quang Tú…, chị Hoàng Thị Thảo lúc này đã vào ở Sài Gòn, chị Xuân Phương, chị Xuân Viên… cùng một số các anh chị khác. Anh Nguyễn Khắc Từ bàn bạc cùng các anh chị thành lập ‘Hội Đồng Huynh Trưởng Cao Niên’, tạm thời thay thế Ban Hướng Dẫn Trung Ương chỉ đạo cho các tỉnh mỗi khi gặp khó khăn trong sinh hoạt về Sài Gòn xin ý kiến các anh chị cao niên tìm phương cách sinh hoạt thích hợp trong hoàn cảnh mới. Lúc này chị Hoàng Thị Kim Cúc ở Huế, nhưng mỗi khi đến dịp hè chị vào Sài Gòn, đến nhà gặp anh Từ, lắng nghe anh cho biết tình hình sinh hoạt GĐPT tại miền Nam….

Anh Như Tâm – Nguyễn Khắc Từ [1928-1993].

———=oOo=———

(Còn tiếp…)

Diệu Thuận PHẠM THỊ XUÂN HÒA
(Một số hình ảnh minh họa do Thư Viện GĐPT bổ sung)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.