Tổ Thiền Tông thứ 2: A-nan-đà
Tổ A-Nan-đà – ānanda; ananda; 阿 難 陀 – thường đọc ngắn là A Nan
(Sanh sau Đức Phật Thích Ca Mâu Ni 30 năm).
oOo
Ngài con vua Hộc Phạn, dòng Sát-đế-lợi ở thành Ca-tỳ-la-vệ, em ruột Đề-bà-đạt-đa, em con nhà chú của Phật Thích Ca. Thuở nhỏ, ngài có nhiều tướng tốt và thông minh tuyệt vời. Đến 25 tuổi xin theo Phật xuất gia.
Một hôm, Phật cần chọn người làm thị giả, tất cả hội chúng lần lượt đứng ra xin làm thị giả mà Phật không bằng lòng. Sau cùng, Tôn Giả Đại Mục-kiền-liên nhập định biết tôn ý Phật muốn A-nan làm thị giả.
Đại chúng cử Tôn Giả Mục-kiền-liên, Xá-lợi-phất, v.v… đến yêu cầu Ngài làm thị giả. Ngài nhiều lần từ chối, song các Tôn Giả một bề nài nỉ, buộc lòng Ngài phải xin Phật ba điều, nếu Phật ưng cho, Ngài mới dám làm thị giả:
- Không theo Phật thọ trai riêng nếu thí chủ không mời Ngài.
- Không mặc y thừa của Phật.
- Không đến Phật phi thời.
Thế Tôn chẳng những chấp thuận lời xin của Ngài, mà còn khen ngợi Ngài thông minh, biết dự đoán trước những điều sẽ xẩy ra. Thế là Ngài theo làm thị giả Phật ngót 25 năm.
Hôm nọ, Ngài đi khất thực về đến tịnh xá Phật, thấy di mẫu Ma-ha Ba-xà-ba-đề đang đứng tựa cửa khóc. Di mẫu quần áo bụi bặm, chân dính bùn nhơ, vẻ người bi thảm. Ngài đến gần hỏi duyên cớ. Biết bà từ xa tìm đến xin Phật xuất gia, đôi ba phen năn nỉ mà Phật quyết định không cho. Ngài cảm động, vào đảnh lễ Phật xin cho bà được xuất gia. Phật vẫn nhiều lần từ chối, Ngài vẫn kiên chí xin kỳ được mới thôi. Thế là mở đầu cho phái nữ xuất gia, chính Ngài là người tích cực khai đường vậy.
Chính Đức Phật đã từng khen Ngài:
– Thị giả của các Đức Phật đời quá khứ không ai hơn A-nan, thị giả các Đức Phật đời vị lai cũng không ai hơn A-nan.
Và Phật khen A-nan được tám điều chưa từng có v.v…
Sau khi Phật Niết-bàn, Tổ Ca-diếp triệu tập các đại Tỳ-kheo kiết tập kinh điển, Ngài là người được toàn hội đề cử kiết tập tạng Kinh. Khi sắp tụng lại lời Phật, Ngài nhìn qua đại chúng nói kệ:
Tỳ-kheo chư quyến thuộc
Ly Phật bất trang nghiêm
Du như hư không trung
Chúng tinh chi vô nguyệt.
Dịch:
Tỳ-kheo các quyến thuộc
Vắng Phật chẳng trang nghiêm
Ví như trong hư không
Nhiều sao mà không trăng.
Nói kệ xong, Ngài đảnh lễ đại chúng, lên pháp tòa mở đầu:
– Tôi nghe như vầy, một lúc nọ Phật ở tại xứ… nói Kinh… cho đến Trời, Người, v.v… đều kính lễ vâng làm.
Ngài kiết tập Kinh xong, Tổ Ca-diếp hỏi đại chúng:
– Đại Đức A-nan tụng đọc lại có chỗ nào sai lầm chăng?
Đại chúng đồng thinh đáp:
– Chẳng khác những lời Đức Thế Tôn đã nói.
Một hôm Ngài hỏi Tổ Ca-diếp:
– Khi Thế Tôn phú chúc và truyền y kim tuyến cho sư huynh, còn có truyền pháp gì riêng nữa chăng?
Tổ Ca-diếp liền gọi:
– A-nan!
Ngài ứng thinh:
– Dạ!
Tổ Ca-diếp bảo:
– Cây cột phướn trước chùa ngã.
Ngài nhơn đây tỏ ngộ.
Tổ Ca-diếp bèn ấn chứng và đem chánh pháp nhãn tạng truyền lại cho Ngài. Tổ nói kệ:
Pháp pháp bổn lai pháp
Vô pháp vô phi pháp
Hà ư nhất pháp trung
Hữu pháp hữu phi pháp?
Dịch:
Các pháp, pháp xưa nay
Không pháp, không phi pháp
Tại sao trong một pháp
Có pháp, có phi pháp?
Ngài đảnh lễ thọ nhận.
Môn đệ của Ngài có hai vị xuất sắc, Thương-na-hòa-tu và Mạc-điền-để-ca (Mạc-điền-địa). Ngài chọn Thương-na-hòa-tu làm người kế thừa Tổ vị và truyền trao y bát lại.
Cảm thấy thân bèo bọt đã đến thời kỳ hoại diệt, đã tìm được người kế thừa, Ngài dự định vào Niết-bàn, Ngài đến từ giả vua A-xà-thế, song không gặp vua. Ngài liền đi thẳng đến bờ sông Hằng, lên một chiếc thuyền ngồi kiết-già thả trôi lơ lửng giữa dòng sông. Vua A-xà-thế hay tin Ngài sắp vào Niết-bàn ở sông Hằng, liền cùng quan quân tùy tùng tìm đến bờ sông. Vua thấy Ngài ngồi trên thuyền ở giữa dòng sông bèn đảnh lễ nói kệ:
Khể thủ tam giới tôn
Khí ngã như chí thử
Tạm bằng bi nguyện lực
Thả mạc Bát-niết-bàn.
Dịch:
Lạy đấng Tôn Tam Giới
Bỏ con đến nơi nầy
Tạm nương sức bi nguyện
Xin chớ vội Niết-bàn.
Vua nước Tỳ-xá-ly nghe tin cũng đến bên bờ kia sông Hằng, đảnh lễ và nói kệ:
Tôn giả nhất hà tốc,
Nhi quy tịch diệt trường!
Nguyện trụ tu du gian
Nhi thọ ư cúng dường.
Dịch:
Tôn giả sao quá nhanh
Sớm vào nơi tịch diệt!
Xin tạm dừng chốc lát
Để nhận con cúng dường.
Ngài thấy hai vua đồng đến khuyến thỉnh, bèn nói kệ:
Nhị vương thiện nghiêm trụ
Vật vi khổ bi luyến
Niết-bàn đương ngã tịnh
Nhi vô chư hữu cố.
Dịch:
Hai vua ở an vui
Chớ vì thương buồn khổ
Niết-bàn tôi an tịnh
Vì không còn các nghiệp.
Ngài giữ tâm bình đẳng ở giữa dòng sông, vào Niết-bàn. Hai vua họp nhau làm lễ thiêu thân Ngài và phân chia Xá-lợi xây tháp cúng dường./.