Tổ Thiền Tông thứ 20: Xà-dạ-đa
Tổ Xà-dạ-đa – śayata; jayata; 闍 夜 多
(Giữa thế kỷ thứ tám sau Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nhập diệt).
Ngài người Bắc Ấn, trước đã sẵn lòng mến đạo, thông hiểu đạo lý; nhơn du lịch miền Trung Ấn gặp Tổ Cưu-ma-la-đa, Ngài nhờ giải nghi, rồi phát tâm xuất gia. Sau được truyền tâm ấn.
Ngài thống lãnh đồ chúng du hóa các nước, lần lượt đến thành La-duyệt. Trong thành nầy hiện có số đông Chúng Tăng học đạo. Nghe tin Ngài đến, họ đua nhau đến yết kiến.
Chúng đến trước nhất, người lãnh đạo là Bà-tu-bàn-đầu. Ông nầy tu hành tinh tấn suốt ngày đêm không nằm và sáu thời lễ bái, mặc y vá, ăn ngày một bữa, lòng đạm bạc không mong cầu. Đồ chúng nhơn đó rất kính trọng ông. Ngài gọi đồ chúng bảo:
– Người khổ hạnh tu hành thanh tịnh nầy (Bà-tu-bàn-đầu) có thể được Phật đạo chăng?
Chúng đáp:
– Thượng Nhơn nầy tu hành tinh tấn như thế, lẽ đâu không được đạo.
Ngài bảo:
– Người nầy cùng đạo xa vậy. Dù khổ hạnh trải qua nhiều kiếp, chỉ giúp cho gốc vọng, đâu thể chứng đạo?
Chúng hỏi:
– Nhơn Giả chứa đựng được pháp gì mà chê Thầy tôi?
Ngài đáp:
– Ta chẳng cầu đạo cũng chẳng điên đảo; ta chẳng lễ Phật cũng chẳng khinh mạn; ta chẳng ngồi mãi cũng chẳng lười biếng; ta chẳng biết đủ cũng chẳng tham cầu.
Bà-tu-bàn-đầu nghe lời nầy vui vẻ nói bài kệ tán thán:
Khể thủ tam muội tôn
Bất cầu ư Phật đạo
Bất lễ diệc bất mạn
Tâm bất sanh điên đảo
Bất tọa bất giải đải
Đản thực vô sở hảo
Tuy hoãn nhi bất trì
Tuy cấp nhi bất tháo
Ngã kim ngộ chí tôn
Hòa nam y Phật Giáo.
Dịch:
Đảnh lễ tam muội lớn
Chẳng cầu được Phật đạo
Chẳng lễ cũng chẳng khinh
Tâm chẳng sanh điên đảo
Chẳng ngồi chẳng lười biếng
Chỉ ăn không cần ngon
Tuy hoãn mà không chậm
Tuy gấp mà chẳng thô
Nay con gặp Chí Tôn
Cúi đầu vâng Phật dạy.
Ngài bảo Chúng:
– Người tu hạnh đầu đà nầy, bọn ngươi không thể bì kịp. Vì ông ấy kiếp trước tu hạnh bất khinh nên mới được như vậy. Vừa rồi, ta chê ông, bởi thấy ông đạo tâm tha thiết, sợ e như sợi đờn thẳng quá phải đứt nên ta không khen ông, muốn ông tiến đến chỗ vô sở đắc và dừng trụ nơi đất An Lạc.
Ngài lại gọi Bàn-đầu hỏi:
– Ta nói trái ý ông, tâm ông được chẳng động chăng?
Bàn-đầu thưa:
– Đâu dám động tâm. Tôi nhớ bảy đời về trước sanh cõi An Lạc, vì mộ đạo nên thờ trí giả Nguyệt Tịnh làm thầy. Thầy Nguyệt Tịnh dạy tôi: “Không bao lâu nữa ngươi sẽ chứng quả Tư-đà-hàm, nên siêng năng tinh tiến. Phàm tu hành như trèo lên cao, phải cố gắng tiến lần lên, không cho sụt xuống. Nếu lỡ có sụt, muốn trèo lên lại càng khó”. Lúc đó, tôi đã tám mươi tuổi, nương gậy mới có thể đi được. Khi ấy, gặp Bồ-tát Đại Quang Minh ra đời, tôi muốn đến lễ Ngài, bèn đi đến tịnh xá, lễ bái xong trở về. Chợt gặp thầy Nguyệt Tịnh quở trách tôi: “Dốt quá, tại sao ông lại khinh cha trọng con? Hôm trước, ta thấy ông sắp được chứng quả, hôm nay đã mất.” Khi ấy, tôi tự cho là không có lỗi, nên không phục những lời quở ấy. Tôi cầu xin thầy Nguyệt Tịnh chỉ lỗi cho tôi. Thầy Nguyệt Tịnh dạy: “Vừa rồi, ngươi đến đảnh lễ Bồ-tát Đại Quang tại sao lại dựng cây gậy vào mặt Phật vẽ trên vách? Ngươi do lỗi nầy nên sụt quả vị”. Tôi nhớ kỹ lại, thật đúng như lời thầy Nguyệt Tịnh quở. Từ đó về sau, phàm có nghe lời nào, chẳng dám không tin. Dù bị những lời chửi mắng vẫn coi như gió thổi ngoài tai. Huống là, nay Tôn Giả dùng chánh pháp chỉ dạy thì đâu dám phiền buồn. Cúi xin đấng đại từ thương xót đem đạo mầu chỉ dạy cho con.
Ngài liền dạy:
– Đại pháp nhãn tạng của Như Lai nay ta trao cho ngươi, ngươi nên truyền bá chớ để dứt mất. Nghe ta nói kệ:
Ngôn hạ hiệp vô sanh
Đồng ư pháp giới tánh
Nhược năng như thị giải
Thông đạt sự lý cánh.
Dịch:
Nói ra hợp vô sanh
Đồng cùng tánh pháp giới
Nếu hay hiểu như thế
Suốt thông sự lý tột.
Bà-tu-bàn-đầu lễ bái vâng lệnh. Ngài ngồi ngay trên tòa lặng lẽ quy tịch. Chúng hỏa táng thu Xá-lợi xây tháp thờ./.