I/ DẪN NHẬP:
Triển lãm là trưng bày giới thiệu sự vật có chọn lọc, tác động cho người xem cảm nhận thích thú.
Triển lãm là nét nghệ thuật có phong cách trang trí, nâng cao về trình bày vật phẩm, hình ảnh, tư liệu… bằng mọi hình thức và chất liệu nghệ thuật, sao cho người xem hiểu tận tường nội dung bằng ngôn ngữ triển lãm hầu người xem có tình cảm, tin tưởng, nghiên cứu, học tập… nó là nét trưng bày muôn màu muôn vẻ, vô hạn định…
Tính chất của triển lãm là phơi bày sự thật bằng đạo đức, gieo truyền cảm, xúc động thâm sâu. Nó toát ra trọng tâm có nguồn gốc, phát triển và thành quả. ‘Triền lãm’ được tổ chức quy mô, hệ thống, nhưng thời gian ngắn (chừng 1 tháng trở lại), còn ‘Trưng bày’ tuy tổ chức vừa phải, nhưng thời gian có thể dài. Tổ chức triển lãm thì phải dồn hết khả năng, làm cho bài bản, quy mô mới hy vọng đạt hiệu quả, làm qua loa thì kết quả sẽ ngược lại.
II/ TÌM HIỂU VỀ TRIỂN LÃM:
Triển lãm có nhiều khuynh hướng, có nhiều thể dạng, định vị:
A. Khuynh hướng: Có 5 khuynh hướng phổ thông:
1) Khuynh hướng Chính thống: Trưng bày nghiêm trang, tôn vinh vật thể. Có minh chứng, vật chứng. Nên tạo điều kiện xung quanh mỗi hiện vật trưng bày: sách báo; phim ảnh; những bằng chứng các quốc gia, báo chí, đoàn thể bạn giới thiệu, thích sử dụng hiện vật ấy; những dẫn chứng các triều đại đối lập nhau nhưng vẫn dùng nó, dùng nó làm huy hiệu, phù hiệu, in vào bìa sách, làm đề tài giảng dạy v.v…
2) Khuynh hướng Lãng mạn: Lãng mạn là vượt trên sự bình thường một cách thanh thoát. Tạo cho người xem có cái nhìn nhiều mặt hơn, có nghệ thuật góp ý hiện vật một cách cụ thể, sâu sắc, phong phú hơn, táo bạo hơn… Ví như một hiện vật lâu nay chỉ biết cất giữ, bây giờ được người có ý tưởng làm thêm phần phụ có thẩm mỹ hơn, có phong cách, tính chất hơn. Được đặt trên sa bàn thu nhỏ một tu viện, sân chùa, Đoàn quán… Có thể gợi ý làm tượng đài, làm logo (biểu tượng) cho một đại hội, đơn vị nào của GĐPT.
Hoặc người ta thấy một tượng đài đã có từ lâu, nhưng nay xét thấy có thể bị mai một, họ làm một tượng đài thu nhỏ của tượng ấy, đặt trên sa bàn thu nhỏ của nơi nào đó trên thế giới, hoặc trong khu vườn rộng của tổ đình…
Hoặc làm mô hình thu nhỏ một tượng đài nào đang có sẵn, nhưng quay về hướng khác, hoặc tôn tạo phần đế khác hơn, hoặc giải tỏa một số vật thể xung quanh, hoặc sơn màu khác, hoặc trồng thêm cây, nhổ bớt cây, xây thêm nhà mát…
Hoặc “có chất thơ”: Tạo không gian và người thưởng lãm, hướng dẫn viên… như đang đi trong thanh mộng, những lời chú thích, hướng dẫn đều bằng thơ, mời khách tặng thơ cho hiện vật nào thích, thơ tả cuộc triển lãm…
Hoặc những suy nghĩ ứng dụng bay bỗng khác…
Cách này công phu, tổ chức cần có sáng kiến vượt trội, trải qua nhiều lần tổ chức triển lãm; cần có không gian thoáng rộng, lạ mắt, có thể trong khu vườn, trên những trại sàn, nhà thủy tạ… Hợp tình hợp cảnh với chủ đề và từng vật thể, hợp từng nơi.
Cần thận trọng với không gian có nét thơ này. Nó cũng dễ loãng, ít dẫn khách thưởng lãm vào sâu nội dung. Kể cả những lần triển lãm tranh và thư họa, được người xem khen, tốn nhiều kinh phí, nhưng tỷ lệ truyền đạt nội dung rất kém.
3) Khuynh hướng cộng đồng vui tươi: Cách triển lãm làm cho người xem thích thú, sờ nắm, vui chơi cùng các hiện vật như dùng thử, tháo ra ráp lại… Hoặc một vật của người nổi tiếng để lại, ai thích thì tạm sử dụng trong chốc lát để chụp hình, quay phim… (có thể tạo sự đóng góp vào thùng tùy hỷ).
4) Khuynh hướng trào phúng: Là những triển lãm chuyên đề ở xã hội, nhằm bài trừ thói hư tật xấu…
5) Khuynh hướng châm biếm – đối kháng: Là cường điệu hoặc giản lược các vật thể, văn bản, hình ảnh, các công trình với hữu ý, hoặc vô ý làm mất vẻ tôn nghiêm, văn hóa các công trình tâm linh, lịch sử…
B/ Thể dạng: Có 4 thể dạng để lựa chọn:
1) Triển lãm Tổng hợp: Triển lãm nhiều mặt, nhiều loại, nhiều khuynh hướng. Thuận tiện cho triển lãm sức sống, thành quả. Tuy nhiên triển lãm tổng hợp có thể chỉ chọn một hoặc hai khuynh hướng…
2) Triển lãm chuyên đề hoặc chuyên ngành: Triển lãm trại; phù hiệu trại; phù hiệu tổng hợp của đơn vị; báo tường; mô hình cổng trại; nhiếp ảnh; tranh Ngành Đồng; người kỳ tích, hy sinh cho Phật sự…
3) Triển lãm chủ đề: Báo hiếu; Lòng mẹ; Quê hương… (Trong chuyên đề vẫn có chủ đề. Ví dụ: Triển lãm Phù hiệu trại, nhưng chủ đề Báo hiếu thì trưng bày những phù hiệu trại về báo hiếu).
4) Triển lãm Hội chợ: Là hình thức xã hội thường dùng để giới thiệu và thu hút sự tiêu dùng của quần chúng, tạo thế thượng phong thương mại. Trong GĐPT cũng là trưng bày đa dạng sản phẩm của một tổ chức hay nhiều tổ chức hoặc từng địa phương, ngành, giới… Ví dụ: Triển lãm sản phẩm trang bị cho GĐPT; triển lãm thực phẩm chay đóng hộp do các đơn vị GĐPT tự sản xuất…
III/ MỤC ĐÍCH TRIỂN LÃM TRONG GĐPT:
– Trình bày thành quả tu học, sinh hoạt của đơn vị, của tổ chức GĐPT có sức sống bằng minh chứng: nhân vật (chứng nhân), chứng vật, bút tích, sách báo, phim ảnh nói về đơn vị mình một cách sống động và có khoa học.
– Giới thiệu được tôn chỉ, mục đích, danh hiệu, ý nghĩa của đơn vị, vị trí tọa lạc, quá trình xây dựng và phát triển, công sức hy hiến… để truyền cảm với quần chúng hiểu rõ hơn về tổ chức chúng ta.
Bởi vậy, “ngôn ngữ triển lãm” là trình bày sức sống có chứng minh.
IV/ TỔ CHỨC MỘT CUỘC TRIỂN LÃM:
Trước hết các phần hành lãnh đạo đơn vị muốn tổ chức triển lãm cần liệu sức: Chúng ta có những gì để triển lãm? Nếu thống nhất quyết tâm tổ chức triển lãm, sau đó chọn một vài người trong đơn vị có khả năng, có nhiệt huyết với “bộ môn” triển lãm, mời họp để bàn thảo phương án tổ chức, trước ít nhất là một năm.
1) Liệt kê: Tư liệu, vật liệu, văn bản, bút tích, nhân vật khởi ý thành lập cho đến các văn bản, thư mời tham gia thành lập, ủy nhiệm thư, quyết định công cử, đơn xin ra mắt, quyết định công nhận chính thức, hình ảnh, phim ảnh v.v… Đúc kết tất cả những gì đơn vị đã làm được, có được từ khởi thủy đến nay, tất cả ghi vào sổ để kết tập số lượng. Suy xét còn thiếu những gì theo hệ thống tiến trình của đơn vị mà có cách sưu tầm, tạo thêm.
2) Dự kiến: Biểu tượng (logo) nào cho đúng với nội dung, chủ đề, đề tài triển lãm; chọn địa điểm (phòng ốc ngăn được gió sốc, mưa dột, mất mát… và sạch sẽ, khang trang); chọn thời gian; vẽ sơ đồ tổng thể khu triển lãm, vật liệu thiết kế, trang trí, kinh phí; hội họp trình bày, thảo luân, góp ý bổ sung, bàn bạc, lường trước những trở ngại có thể. Tìm hiểu ý kiến đa số, nếu nô nức, đồng thuận, tiếp tục bước kế tiếp:
3) Thành lập Ban Tổ Chức và phân công:
– Trưởng ban: Phụ trách chung. Kể từ khi thành lập Ban Tổ Chức, Trưởng ban rà soát lại các văn bản, chứng tích hành chánh kể từ khi manh nha thành lập đơn vị đến nay, bằng mọi cách truy tìm, phục hồi cho đầy đủ. Đôn đốc các Tiểu Ban, kiểm tra hàng tháng. Ba tháng trước ngày triển lãm, thúc đẩy hàng tuần. Hai tuần trước ngày triển lãm, đôn đốc kiểm tra hàng ngày. Theo dõi tiến trình, tìm nguồn nhân lực, vật lực, tài lực, bổ sung nhân sự để đáp ứng cho hiệu quả, kịp thời. Tiên liệu thời gian tất cả các ngày: tập trung, những ngày tổ chức các cuộc thi, ngày tuyển chọn; ngày giờ và nghi lễ cắt băng khánh thành, lễ bế mạc, ngày họp tổng kết… Nhắc nhỡ phần hành hành chánh thông báo cụ thể, rõ ràng, rộng rãi.
– Phó ban Đối nội: Chịu trách nhiệm tư liệu, vật liệu, văn kiện pháp quy và số lượng vật thể sưu tầm, tạo thêm. Sắp xếp toàn bộ các công việc nào cần làm trước, phân công người có sở trường, năng khiếu, trách nhiệm lo làm trước. Thường xuyên đôn đốc cho hiệu quả.
– Phó ban Đối ngoại: Lo các việc bên ngoài có liên quan để được đồng thuận. Chỉ đạo và giúp đỡ khối hành chánh về các thông tin đại chúng. Chỉ đạo trực tiếp các Tiểu ban Tiếp Tân, Trực -Trật Tự. Thuê, mượn, xin tạm phòng ốc, sân vườn, giảng đường v.v… cho cuộc triển lãm.
– Thư ký + Thủ quỹ + Thủ kho: Tiếp nhận hiện vật, cấp biên nhận, gìn giữ, giao trả hiện vật; phát hành phó bản (nếu cần); phụ trách đời sống cho cuộc triển lãm, làm sổ góp ý; thông tin đại chúng về thời gian, địa điểm, chủ đề, ý nghĩa cuộc triển lãm để thu hút quần chúng. Thông báo nội bộ ngày nhận hiện vật, ngày tập trung tuyển chọn… Thư ký phối hợp với các Phó ban về việc tổ chức nghi lễ: Khai mạc, Bế mạc, thỉnh mời, đưa rước, tiếp đón Chư tôn đức và Quan khách. Tổ chức các cuộc thi; vận động kinh phí…
– Tiểu ban Trần thiết + Trang trí + Âm thanh + Ánh sáng: Phụ trách thiết kế, trang trí, trưng bày phòng và khu vực triển lãm; thực hiện các ‘mặt dựng’ quảng bá (banner/pano), biểu ngữ (band’roll/ khẩu hiệu) trong và bên ngoài phòng triển lãm. Phối hợp với Thư ký, Thủ quỹ dự trù kinh phí, với Thủ kho khi giao nhận các vật phẩm trưng bày. Tiểu ban này cần có người hiểu biết về kỹ thuật, mỹ thuật để cuộc triển lãm có sức thu hút, tạo thiện cảm cho quần chúng thấu hiểu về tổ chức GĐPT sâu sắc hơn.
– Tiểu ban Nhân bản + Sản xuất: Là bộ phận đóng vai trò văn hóa xã hội và cả thương mại, nghiên cứu nhu cầu, sở thích của quan khách và Đoàn Viên GĐPT mà cho đúc, in, phóng ảnh các hiện vật. Những bút tích, văn bản, sách báo, hình ảnh quan trọng có một không hai, cần phải làm phó bản cao cấp, như chụp, photo màu… để lưu trữ bản chính, chỉ trưng bày phó bản nếu cần (lưu ý: nếu bản chính là của cá nhân phải thỏa thuận, điều đình và được thuận ý). Tổ chức sản xuất hoặc nhận đại lý các trang – vật dụng GĐPT như: huy hiệu, kỳ hiệu, cấp hiệu, phù hiệu, đồng phục, lều trại, ba-lô (ballo), túi xách… các sản phẩm ẩm thực chay (lưu ý: thực phẩm thuần khiết, vệ sinh và an toàn).
– Tiểu ban Tiếp tân: Tiểu ban này có 3 nhiệm vụ chính:
- Thực hiện Nội quy phòng triển lãm – Thực hiện các bảng chỉ dẫn.
- Tiếp quan khách trong phòng triển lãm.
- Chuẩn bị lời thuyết trình và tổ chức nhân sự thuyết minh, hướng dẫn quan khách.
– Tiểu ban Trực + Trật tự + Vệ sinh: Thay phiên giữ gìn vệ sinh và bảo vệ an toàn khu triển lãm ngày đêm; giữ xe cho nội bộ và quan khách. Chịu trách nhiệm tuyết đối về an sinh trong thời gian diễn ra cuộc triển lãm.
Tùy theo quy mô cuộc triển lãm, tùy khả năng từng đơn vị, tùy nhân sự và khả năng cá nhân, Ban Tổ Chức sẽ tùy nghi phân công, phân nhiệm các Tiểu ban một cách hợp lý, hiệu quả và an toàn.
4) Tổ chức các cuộc thi tiền triển lãm:
Cần tổ chức các cuộc thi nhằm thúc đẩy Huynh Trưởng và Đoàn Sinh trong đơn vị tích cực ra sức sưu tầm, sáng tác để bổ sung vật phẩm trưng bày, tài liệu, hình ảnh cho triển lãm như:
- Thi sưu tầm hình ảnh, phim ảnh, chứng vật, văn bản, bút tích, sách báo liên quan đến đơn vị, tổ chức GĐPT, Phật Giáo… (có thể tổ chức thi từng phần nhỏ như: Thi tìm vật chứng; thi tìm văn bản, bút tích thành lập đơn vị; thi tìm sách báo nói về đơn vị mình…).
- Thi nhiếp ảnh; phim phóng sự ngắn.
- Thi sáng tác thơ; văn; nhạc; họa; kịch bản.
- Thi khéo tay (làm sẵn): thủ công; nữ công; mô hình, sa bàn kỳ đài, cổng trại, trại sàn…; các bảng gút, morse, dấu đi đường…; bảng hệ thống tổ chức, bảng biểu đồ.
- Thi làm báo tường; báo tập; báo in.
- Thi vẽ; điêu khắc.
- V.v…
Tổ chức khai triển các Đoàn thiết lập biểu đồ về sự phát triển và hệ thống tổ chức của Đoàn; hệ thống hóa và hoàn thiện nhật ký, lịch sử Đoàn, sổ tường thuật sinh hoạt v.v…. Làm biểu đồ, hệ thống tổ chức, bảng thành tích của đơn vị. Hình ảnh, lời giới thiệu, bảng công đức… của những vị đã có công khởi xướng, thành lập, kiên trung và kham nhẫn duy trì, phát triển đơn vị…
5) Trang trí: Chắc chắn là không thể bút mực nào viết cho tạm đủ, không thể dùng ngôn từ diễn tả cho hết ý. Chính những họa sĩ có kinh nghiệm về trang trí, sau khi lên bản thảo đã trình duyệt, vậy mà quá trình thực hiện, với cái tâm yêu nghề và lòng đam mê, cọng thêm vốn sống nghệ thuật, đã nảy sinh nét đẹp, mới, lạ, hoặc… cái phiền toái chưa tưởng được. Tuy nhiên, ở đây chúng ta chỉ nói vài ý tổng thể, còn những việc khác chỉ nói được phần nào đó với nhau khi anh em chúng ta cùng làm trong thực tế, hoặc cùng gặp nhau trong chuyên đề riêng về trang trí.
Mặt diện (mặt tiền / bên ngoài) phòng triển lãm, nơi tầm nhìn của quan khách còn ở đàng xa, nên vẽ/in một bảng giới thiệu, quảng bá (banner) với biểu tượng (logo) lớn mang nội dung của cuộc triển lãm. Nếu không gian không thể cho phép thêm biểu ngữ hoặc những gì khác, thì ngay trên (banner logo) ấy phải có các dòng chữ giới thiệu, thời gian, chủ đề, ý nghĩa, đơn vị triển lãm, và lời chào mừng quan khách. Nghĩa là tạo sự hân hoan, hưng phấn đón chào lịch sự qua hình thức mỹ thuật.
Bên trong phòng triển lãm, trước hết phải tính khối lượng hiện vật so với căn phòng, nếu phòng rộng, hơi “loãng”, ở mức độ khả dĩ, chúng ta nên dùng hình tượng nào đó phù hợp với nội dung cuộc triển lãm đem thiết kế giữa căn phòng, hoặc nơi nào trong phòng cho hợp lý. còn những hiện vật thì đặt xung quanh (ví dụ: Cuộc triển lãm sách GĐPT. Mượn được giảng đường rộng. Chúng ta sẽ thiết kế một hoa sen tả thật đang nở, trên hoa sen là một quyển sách lớn, chất liệu bằng xốp, kích cỡ sao cho vừa ấm lại căn phòng, nhưng còn thoáng tầm nhìn hiện vật). Nếu phòng quá rộng, phải tìm vật liệu chắn phòng, vì quá “loãng”, thì giá trị cuộc triển lãm sẽ giảm. Nếu phòng hơi chật thì trưng bày những hiện vật nhỏ thành hai tầng, và những bản giới thiệu hiện vật cần nhỏ lại… Xem xét hiện vật của các đơn vị gởi về, đơn vị nào hiện vật có nội dung trọng tâm, nên chọn đặt nơi đúng tầm của nó, để tỏ rõ bản lĩnh của cuộc triển lãm. Chứ không vì đơn vị thâm niên, đơn vị thân quen, đơn vị của anh chị lớn…
Những điều cần biết trong trang trí:
1. Biết tìm và trân quý những bút tích, văn bản, hiện vật không thể thiếu và liên quan cho yêu cầu cuộc triển lãm. Nên tìm những Huynh Trưởng cao niên, tiền nhân, người chuyên môn tham khảo – Những di vật, chứng vật mang tính lịch sử, sự kiện đều có giá trị cao. Đó là những thứ mà tiền không mua được, thực không đổi được, nếu chúng ta không quan tâm gìn giữ. Triển lãm sức sống của đơn vị mà không có những văn bản, bút tích, và hiện vật liên quan minh chứng; không điểm mặt và nêu thành tích được từng người mà chỉ nói qua loa công sức tiền nhân hoặc nêu thiếu một vài người từng tham gia cùng đơn vị trước đây, thì người xem sẽ đánh giá những người đương nhiệm rất kém, rất tệ.
2. Biết đánh giá và tôn tạo giá trị tinh thần và vật chất của hiện vật, để thiết kế sàn, bục, giá trưng bày. Nếu cần phải trải gấm, nhung, lồng kính, dùng đèn chiếu vào hiện vật. Cho dù là tờ giấy nhỏ với bút tích văn tự, nhưng rất quan trọng việc đánh dấu thời gian, yếu tố, hoàn cảnh xây dựng đơn vị, giá trị của vị ấn bút. Những văn bản hết sức nhỏ nhưng đã là chứng tích thì giá trị không nhỏ (ví dụ: với vài chữ do Thầy trụ trì viết mời chị T: ”Thầy mời T, chiều mai, chủ nhật 4-5-2003 (4.4. Quý Mùi), về chùa mình để bàn việc thành lập Gia Đình Phật Tử. – Huệ Thành”. Lá thư cỡ A5 này được lồng vào khuôn kính cỡ A3, nền lá thư trong khung bằng giấy kim tuyến sáng như vàng 24 kara. Nó là giá trị vàng của GĐPT đang tổ chức triể lãm!).
3. Biết sắp xếp từng mục, từng phần, từng góc Đoàn hài hòa theo thứ tự và thứ bậc.
4. Biết dùng kiểu chữ, cở chữ cho đúng với từng vật thể, từng vị trí. Không dùng kiểu chữ “cái gọi là kiểu chữ thư pháp” để ghi bản nội lệ, hướng dẫn, giải thích, chú thích trong khu triển lãm, kể cả triển lãm thư pháp.
Những điều cần có trong trang trí:
- Có rào chắn – nhưng thoáng, để bảo vệ hiện vật.
- Có phương tiện làm mát như quạt máy, máy lạnh…
- Có đủ không gian để thoải mái ngắm nhìn, thưởng thức, di chuyển.
- Có đủ ánh sáng và đủ mức độ, tuyệt đối không bị phản chói vào vật phẩm hay người thưởng lãm.
6) Sau khi bế mạc triển lãm:
– Tất cả các Tiểu ban tập trung góp sức thu dọn, tháo gỡ, cất giữ, chuyển trả, bàn giao hiện vật.
– Lập biên bản, ghi lại những việc xảy ra ngoài ý muốn. Định ngày, giờ có điều kiện sớm nhất để họp tổng kết thành quả (nếu tiện thì họp ngay); giải quyết hoàn tất mọi việc; kiểm điểm kết quả công tác và rút kinh nghiệm cho những Phật sự sau.
– Báo cáo thượng cấp hữu quan.
V/ KẾT LUẬN:
Triển lãm là cơ hội giới thiệu đơn vị, tổ chức mình được hội nhập, được vươn xa, được phóng rộng ra quần chúng trong cộng đồng.
Qua triển lãm, mọi người thấy được nét giáo dục của tổ chức Gia Đình Phật Tử, sẽ hiểu được nhiều hơn về tổ chức; nhất là có thiện cảm nhiều hơn không chỉ Gia Đình Phật Tử tại địa phương mình, mà chung cả tổ chức Áo Lam rộng lớn. Do vậy phải đổ ra nhiều công sức, trí lực, nhiều nhân lực, vật lực, tài lực và phải tích cực chuẩn bị, làm việc ít nhất là cả năm trời.
Triển lãm còn là dịp để anh em Áo Lam chúng ta học tập, rèn luyện, thi thố khả năng nghệ thuật trong tình Lam. Nhưng nếu chỉ triển lãm một cách sơ sài, lèo tèo, làm qua loa cho có, thì làm giảm đi rất nhiều giá trị của tổ chức. Hãy dồn sức, cứ 3 hoặc 5 năm tổ chức triển lãm một lần, cho có hiệu quả. Nếu quá 5 năm sinh hoạt điều hòa mà không tổ chức triển lãm được lần nào, thì quả thật đơn vị ấy chưa thể gọi là “mạnh”.
Hãy dồn hết sức của đơn vị mỗi khi quyết định tổ chức triển lãm. Giữ cho được tinh hoa truyền thống, đạt cho được thành quả cao, nhiều sáng kiến mới lạ, hiệu quả. Từ những triển lãm nền móng này, sẽ đóng góp hữu hiệu, quy mô cho các cuộc triển lãm cấp trên có phẩm lượng hơn, góp phần quan trọng cho sự phát triển đa dạng, phong phú và tiến bộ của tổ chức GĐPT.
LỤC THIỆN HOA