Tính chất Văn Nghệ GĐPT

TÍNH CHẤT VĂN NGHỆ GIA ĐÌNH PHẬT TỬ

Luận văn kết khoá Trại HLHT Vạn Hạnh V/T.Ư GĐPTVN (2004)
Trại Sinh: Đức Quảng – Nguyễn Hoàng Phụng (STS. 5060)

oOo

Đề tài này cũng đã được Huynh Trưởng Nguyễn Hoàng Phụng với tư cách Giảng viên (đương kim Uỷ viên Văn Nghệ Ban Hướng Dẫn Trung Ương GĐPTVN) truyền đạt cho Trại sinh Trại huấn luyện Huynh Trưởng cấp III Vạn Hạnh VIII/T.Ư – Giai đoạn 1, ngày 3.9.2022 tại Thiền viện Toàn Giác, xã Giang Điền, huyện Trảng Bom, Đồng Nai.

TÍNH CHẤT VĂN NGHỆ GIA ĐÌNH PHẬT TỬ

DẪN NHẬP

Đầu thế kỷ XX, có thể nói phong trào Gia Đình Phật Tử (GĐPT) tại Việt Nam phát triển song song với phong trào Hướng Đạo Việt Nam (mặc dù phong trào GĐPT phải chuyển mình qua vài giai đoạn để hình thành), đồng thời với các đề án giáo dục sinh hoạt học đường qua các Hiệu đoàn trường học đã kịp nhìn ra vấn đề giáo dục đào tạo cho các lứa tuổi thanh, thiếu, đồng niên toàn diện về Đức – Trí – Thể dục, mà trong đó, sự phát triển kỹ năng cá thể là bảo tồn tính tự nhiên hoà đồng, nhân ái, vị tha… cần bộc lộ mạnh dạn qua hoạt động tập thể cộng đồng xã hội, giảm bớt sự lệ thuộc vào tiện nghi vật dục và tâm lý hưởng thụ ích kỷ trong một xã hội phát triển, là những nắp hơi an toàn điều tiết sự ức chế thanh thiếu niên trong thời kỳ mới lớn, giảm thiểu sự sa đà đoạ lạc, tăng tiến đạo đức trong một số không nhỏ thanh thiếu niên đương thời.

Bộ môn Văn nghệ đã làm được những cầu nối giữa mọi người với nhau; giữa đoàn thể này với đoàn thể khác. Chỉ cần vỗ nhịp hát chung một bài hát ngắn: ”Bốn phương trời ta về đây chung vui – không phân chia giọng nói tiếng cười…” hay cùng chơi chung một trò chơi nhỏ, nắm tay cười vui, ca múa hòa đồng, là đã có thể xóa tan những tâm hồn hoang mạc, những ốc đảo cô đơn, mở toang những cánh cửa tâm tư bị khép kín cùng những biên hạn rào chắn làm ngăn cách tình người.

Đến với sinh hoạt GĐPT chủ yếu là Tu học, học và hành Đạo, và bộ môn Phật Pháp là chủ đạo. Nếu tổ chức lớp học Phật với Đoàn Thanh Niên Phật Học Đức Dục thì không có trở ngại gì nhiều, nhưng đem áp dụng Phật học vào các Đoàn Đồng Ấu Phật Tử hay Gia Đình Phật Hoá Phổ đa phần là các em nhỏ và tuổi thiếu, thanh niên thì quả là có vấn đề. Việc đầu tiên là phải làm cho các bài Phật Pháp dễ hiểu theo từng lứa tuổi và tạo thêm những phút giây thư giãn tinh thần bằng các bài hát ngắn, trò chơi nhỏ, các bộ môn hoạt động thanh niên… Phương diện này cần phải hợp tác và thực hiện chương trình chuyên môn bên phía Hướng Đạo thời bấy giờ. Thời kỳ sơ khai ấy các Huynh Trưởng GĐPT và Hướng Đạo cùng trong hình thức đoàn ngũ hóa, thường sinh hoạt hỗ trợ nhau qua lại; các bài hát sinh hoạt ngắn GĐPT hay Hướng Đạo ít có sự khác biệt.

Cho đến khi Gia Đình Phật Tử phát triển lớn mạnh và rộng khắp, năm 1951 thống nhất với danh xưng Gia Đình Phật Tử thì các bộ môn Hoạt động thanh niên, Văn nghệ, Xã hội trở thành những trợ huấn cụ đắc lực cho bộ môn Phật Pháp – chuyển tải tư tưởng giáo lý Phật Đà và thực hành các hạnh nguyện tự lợi, lợi tha.

Tổ chức Gia Đình Phật Tử đã tổng hợp nghiên cứu toàn quốc nhiều lần để hoàn thành chương trình tu học các cấp qua các kỳ Đại hội, gần nhất là Đại Hội Huynh Trưởng GĐPT ngày 29, 30, 31 tháng 7 năm 1973 tại Đà Nẵng, trong đó chương trình Văn nghệ cập nhật cùng lúc với bộ môn Hoạt động thanh niên. Chương trình đã giới thiệu được các đề mục có tính cách mô phạm áp dụng từ thấp lên cao – Bổ túc thêm chương trình tu học trường kỳ Kiên – Trì – Định – Lực của 4 bậc học Huynh Trưởng, từ đó các bài hướng dẫn văn nghệ được tu chỉnh, bổ sung và phổ biến theo yêu cầu của các bậc học, các trại huấn luyện, trại họp bạn…

Phong trào Gia Đình Phật Tử cùng bộ môn Văn nghệ trong các giai đoạn trước 1975 phát triển hòa đồng cùng xã hội, tuy rằng các mảng hoạt động không đồng đều và tùy theo hoàn cảnh của các Ban Hướng Dẫn tỉnh, thị xã được thuận duyên hay khó khăn mà hoạt động. Song, nhìn chung vẫn có một số công trình nổi trội, bất hủ với thời gian. Không ai nghĩ rằng cần phải bảo tồn, lưu trữ trong lúc các thế mạnh về hoạt động trên đà tiến triển, cho đến khi các phong trào bị tan rã. Sau một thời gian dài phân rã mới hội tụ lại thì hiện nay, Văn nghệ Gia Đình Phật Tử vẫn còn thiếu những đầu tàu mạnh để hướng dẫn, tổ chức, quảng bá và thúc đẩy phong trào văn nghệ tăng tiến; vẫn còn thiếu những nhịp cầu giao hữu để phổ biến văn nghệ chan hòa khắp nơi nơi. Mặc dù tiềm năng văn nghệ GĐPT thời nào cũng có nhưng sự hoạt động hình thức rất là khiêm tốn và không đáng kể; đơn cử như mảng âm nhạc GĐPT càng ít ỏi hơn về lượng lẫn chất so với sự bành trướng của những dòng nhạc, những hoạt động nghệ thuật thời thượng kích động tình ái, dục vọng… ngoài xã hội hiện nay.

Trong Trại huấn luyện cấp III Vạn Hạnh đã đưa ra một đề luận “Văn Nghệ GĐPT” để các Trại sinh, các Huynh Trưởng lãnh đạo cấp tỉnh, thị xã tương lai nghiêm chỉnh nhìn và đặt lại vấn đề bảo tồn tính chất và đường hướng phát triển Văn nghệ Gia Đình Phật Tử Việt Nam. Nhưng để trình bày đầy đủ các mảng hoạt động trong bộ môn Văn nghệ (không chỉ đơn thuần là âm nhạc) thì cần phải có thời gian cụ bị tài liệu, hình ảnh minh hoạ, cần phải ra sức sưu tầm, tham khảo, xác tín nhiều điều…

Năm 1975, thống nhất đất nước, và hàng triệu người Việt Nam đã di trú sang các châu lục khác, trong đó có hàng chục ngàn Đoàn viên và các cấp lãnh đạo GĐPT, từ đó tổ chức Gia Đình Phật Tử tiếp tục hoạt động, phát triển lớn mạnh khắp hải ngoại. Ngoài các sinh hoạt tu học thuần túy GĐPT, các đơn vị còn tổ chức thêm các lớp Việt ngữ, Văn sử, Đạo học và những công trình biên soạn các tài liệu song ngữ để hướng dẫn Đoàn Sinh. Đây là một cách tích cực để bảo tồn văn hóa Việt và phát triển phong trào rất xứng đáng. Do hiện tượng này mà trong bài luận văn sẽ sử dụng tên gọi Gia Đình Phật Tử Việt Nam (GĐPTVN) khi nói đến hoạt động của GĐPT trong nước.

Trong luận văn này sẽ chú trọng đến tiêu đề “TÍNH CHẤT VĂN NGHỆ GIA ĐÌNH PHẬT TỬ” nhiều hơn. Tuy nhiên, cái hiểu biết của Trại sinh chỉ giới hạn trong địa phương Sài Gòn – Gia Định; sau 1975 lại không có dịp đi lại, giao tiếp nhiều nên các nhận xét nêu lên trong bài luận văn này vẫn là cái nhìn phiến diện và sẽ còn rất nhiều thiếu sót. Rất mong được sự bổ sung góp ý của quý bác, quý anh chị để vườn hoa Văn nghệ GĐPT ngày thêm sắc hương, đạo vị tròn đầy.

Chân thành cảm tạ Ban Hướng Dẫn Trung Ương – Ban Quản Trại Vạn Hạnh V đã đặt lại vấn đề trong bộ môn Văn nghệ GĐPT để chúng tôi có dịp trình bày chánh kiến của tự mình.

Chân thành cảm tạ những vị Thầy, những Thân hữu từng đồng sự trong lãnh vực văn nghệ để tôi được học hỏi, góp nhặt những kinh nghiệm viết thành quyển luận văn này.

Trại sinh 5060
NGUYỄN HOÀNG PHỤNG
Pháp danh ĐỨC QUẢNG

I. LƯỢC XÉT QUA TÌNH HÌNH VÀ TÍNH CHẤT VĂN NGHỆ

A/ Định nghĩa:

Từ ngữ Văn Nghệ bao gồm nghĩa của Văn học và Nghệ thuật (Lettres et Arts); Văn học lại bao gồm cả Văn chương và Học thức phát xuất từ các nền văn hóa – văn vật cùng sự giáo dục của mỗi dân tộc, mỗi châu lục; còn từ Nghệ thuật thì bao gồm nghĩa chung của Mỹ thuật và Kỹ nghệ, như âm nhạc và hội hoạ… (từ “nghệ thuật” đòi hỏi một cái gì thuộc về vật thể hay phi vật thể được tạo nên một cách khéo léo bởi người nghệ sĩ).

B/ Tình hình phát triển văn nghệ chung trên toàn thế giới:

Trong lịch sử phát triển nền văn minh nhân loại, tư tưởng đi đầu trong mọi phát kiến nhằm nâng cao đời sống mà trong đó đời sống văn hoá truyền thống tạo thành những nét đặc trưng rất riêng yếu tố định hình của mỗi dân tộc, vài ngàn năm sau còn lưu lại những đường nét, những âm thanh… thuộc về mỹ thuật, kỹ thuật, văn chương thi phú, âm nhạc, vũ điệu v.v… mà ngày nay nhân loại không ngừng tìm kiếm, phục hồi và bảo tồn các kho tàng văn hóa vật thể hoặc phi vật thể.

Đầu thế kỷ thứ XX khi bộ môn Điện ảnh, còn gọi là Nghệ thuật thứ bảy ra đời, đã hoàn thành trọn vẹn sự phát huy cao độ các bộ môn Văn nghệ của nhân loại, bảy nghệ thuật đó có một trình tự được sắp xếp tạm như sau:

  1. Văn học.
  2. Hội hoạ.
  3. Điêu khắc.
  4. Âm nhạc.
  5. Sân khấu (vũ kịch).
  6. Kiến trúc.
  7. Điện ảnh.

Bảy loại hình nghệ thuật này là những phương tiện chuyển tải những góc độ trong toàn bộ đời sống tư tưởng văn hoá chung của nhân loại và sắc thái văn hoá riêng biệt của mỗi dân tộc, mỗi châu lục, mỗi tôn giáo…

Do sự phát triển xã hội qua từng thời kỳ, dân trí và khả năng thưởng ngoạn nghệ thuật càng lúc càng cao hơn, đông hơn, phổ biến rộng khắp và nhanh nhất có thể; cộng với những thành tựu của khoa học kỹ thuật, các loại hình văn nghệ càng lúc càng phong phú hơn. Đặc biệt, nhờ vào bước nhảy vọt của các phương tiện thông tin, liên lạc, công – kỹ nghệ hiện đại đã mau chóng đưa nhân loại gần lại với nhau hơn, cũng từ đó khoảng cách giữa nghệ sĩ thể hiện và công chúng thưởng ngoạn càng lúc càng xa hơn.

Song, chúng ta nên hiểu rõ hai khuynh hướng của người sáng tác và giới thưởng thức văn nghệ:

– Nghệ thuật vị nghệ thuật.
– Nghệ thuật vị nhân sinh.

Nghệ sĩ sáng tác vị nghệ thuật hoàn toàn phát xuất từ cảm xúc thật sự của bản thân khi bắt gặp các rung động của mình qua các đối tượng để sáng tác. Họ không bị ràng buộc bởi số đông, bởi quyền lệnh, bởi quyền lợi, bởi một trật tự hay định chế nào. Do đó tác phẩm của họ phần nhiều là trừu tượng, bay bổng, số người thưởng lãm thật sự rất hiếm hoi. Các nhà triệu phú đổ xô nhau nâng giá cao để mua tác phẩm hội hoạ của Picasso, của Leonard de Vinci, Mi-ken-lăng-giơ… đa phần không phải vì họ có khả năng thưởng thức các tác phẩm quý giá ấy, mà vì, theo đánh giá của những nghệ sĩ nổi tiếng đương thời “Ông ấy (Picasso hay Leonard de Vinci) là những thiên tài về hội hoạ, hoạ sĩ bậc thầy, những tác phẩm của ông ít người hiểu và rất hiếm hoi”.

Nghệ sĩ sáng tác vị nhân sinh cảm xúc sáng tác của bản thân không khác gì các nghệ sĩ vị nghệ thuật nhưng đối tượng của họ là vì nhân sinh, vì cảm nhận của số đông, nếp sống, tập quán, định kiến, khuôn vàng thước ngọc…, có khi họ đã góp sức nâng cao sự thưởng ngoạn của mọi người (đời sống văn hoá) từng bước lên đỉnh nghệ thuật tự do trong cõi riêng một cách thầm lặng.

Đáng kể nhất thời kỳ Văn nghệ Phục Hưng tại Âu Châu (Thế kỷ XI-XIV) tuy có định hướng theo Nhà thờ, Tôn giáo… nhiều hơn, nhưng mỹ cảm về sự khao khát tự do, không bị ràng buộc bởi bất cứ thế lực hay tôn giáo nào cũng đồng hành phát triển, khuynh hướng trữ tình lãng mạn này cho ra kết quả của sự thụ hưởng từ ngũ dục của thế giới ngày nay. Quốc gia nổi tiếng với các kiến trúc kiểu Gothic, hội hoạ thời kỳ phục hưng Italy, hoặc thành phố Vienne (Autria) nổi tiếng lãnh vực âm nhạc; công nghệ giải trí về điện ảnh tập trung tại Holywood (Mỹ), Hongkong hay Bolywood (Bombay, Ấn Độ). Một xã hội mà đâu đâu cũng nghe, cũng thấy những làn điệu ngợi ca về ái tình, những hình tượng sexual (sắc dục), của oán thù, của chiến tranh, bạo lực, thế giới ngầm (xã hội đen)…, đời sống cao sang, hưởng thụ thác loạn của những người nổi tiếng (Tài, Danh) chỉ làm khơi dậy sự khao khát tham dục của nhiều người, đó là mầm móng bất bình, nỗi bất an, loạn lạc trong thế giới. Lâu lâu, cũng có những bài hát, những ban nhạc, những bộ film lên tiếng vì thân phận con người, cho tình thương, cho hoà bình nhân loại…

C/ Những nét đặc thù của văn nghệ Việt Nam:

Văn hoá Đông Phương tuy vẫn giữ gìn được bản sắc của một xã hội kín (Closed Society) nhưng trong thời kỳ Thực dân, Thuộc địa, Tư bản (thế kỷ XIX-XX ) các nước nhược tiểu (trong đó có Việt Nam) bị các làn sóng văn minh Âu-Mỹ phá vỡ hay làm lai căng đời sống văn hoá của các nước bị trị.

Theo Thượng Toạ Tuệ Sỹ viết trong bài Nói Với Tuổi Trẻ: “Nền văn hiến 4.000 năm Việt Nam đã bị cách tân từ hơn trăm năm trước; chữ quốc ngữ đã thay thế Hán Nôm – cho đến ngày nay khi các Thầy buộc miệng nói một câu văn Hán Việt, hay bất chợt thanh niên Việt Nam đọc đâu đó một câu chữ Nho như: ‘Mộc tùng căn trưởng – Thủy tự nguyên lưu’ (cây có cội, nước có nguồn)… của Tổ tiên thì chẳng hiểu câu ấy nói gì, nếu nói rằng không mất gốc thì là gì?”. Viết ra câu nầy để anh chị cùng tôi suy ngẫm về văn chương thi phú cùng ca từ chúng ta đang sử dụng trong bộ môn Văn nghệ GĐPT hôm nay, dù phần nhiều vẫn còn sử dụng từ ngữ Hán-Nôm nhưng cách diễn giải văn chương vẫn là chữ Quốc ngữ (latin); nếu không được vun bồi, chú giải, học hỏi, sẽ khó tránh sự chệch choạc ngay trong tiếng mẹ đẻ trên chính quê hương mình.

Nghệ thuật kiến trúc cùng các mô hình xây dựng từ thế kỷ XX tại Việt Nam đã thoát ly bối cảnh nhà rường, mái ngói, vách ván, tường tô để phát triển theo kiểu bê-tông hoá từng khối chắc chắn, gọn gàng theo kiểu Âu Mỹ – Cho nên sau này những quần thể kiến trúc đền đài lăng tẩm ở Hà Nội, Huế; những ngôi phố cổ, nhà cổ ở Hội An; chùa cổ như Giác Lâm, Viên Giác… đều được trân qúy, được xếp vào hàng di tích lịch sử quốc gia, quốc tế cần phải bảo tồn.

Sự trân quý ở đây không phải vì chúng quy mô đồ sộ hay một thời huyền thoại, hiếm hoi, mà là chúng được chế tác từ những bàn tay cần cù, linh mẫn, thủ công tinh xảo của những nghệ nhân mọi thời đại, mọi triều đại, đậm nét tinh thần dân tộc bốn ngàn năm văn vật cùng nếp sống văn hoá riêng biệt Việt Nam – không bị lai căng hay ngụy tạo bởi những làn sóng xâm lăng hay đô hộ đồng hoá của những nước lớn Đông-Tây. Trong khi đi tìm nguồn văn hóa Đông Tây, bất chợt bạn bắt gặp đường nét Việt Nam trong công trình Tử Cấm Thành hoành tráng nguy nga tại Bắc Kinh, phân vân không biết mình giống họ hay họ giống mình, thì đây! câu trả lời rất bất ngờ: “Tổng công trình sư của Tử Cấm Thành từ kiến trúc đến xây dựng là Nguyễn An, người Việt Nam bị quân Minh bắt và trưng dụng trong thời Hồ Quý Ly”.

Một nhận xét nữa về kiến trúc Việt Nam:

“Kiến trúc Việt Nam không có công trình nào vĩ đại như Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc, Kim Tự Tháp của Ai Cập, Taj Mahal của Ấn Độ, Angko Wat của Cambodia… mà chỉ có chùa Diên Hựu nhỏ nhoi đời Lý, tháp Rùa xinh xắn giữa hồ Gươm, Văn miếu thanh nhã thời hậu Lê, tháp Linh Mụ uy nghi đời Nguyễn Chúa… Tuy rất nhỏ nhoi, khiêm tốn nhưng lại là những biểu trưng cho tinh hoa dân tộc, cho tình thương đại nghĩa, chí nhân, vì trong đó không có tiếng khóc than kêu gào thảm khốc của những người nô lệ, không có hao phí bạc tiền từ quốc khố hay sưu cao thuế nặng của người dân.”

a) Văn nghệ dân gian:

Song song với trào lưu phát triển văn học nghệ thuật uyên bác hay tầm cao, vẫn có những dòng chảy ngầm bền bỉ thấm nhuận trong đời sống nhân gian từ đời này sang đời nọ như những bức tranh Đông Hồ tả thực, những mái đao, phù điêu long phụng trên những tháp chuông, mái chùa, văn chương truyền khẩu bình dân, những điệu hát ru ba miền – chèo cổ Bắc phần, nhã nhạc cung đình miền Trung, dân ca, cổ nhạc miền Nam… Không cần phải là những nghệ sĩ chuyên nghiệp, bất cứ người dân nào thuộc phù sa sông Hồng hay phá Tam Giang, hoặc châu thổ đồng bằng sông Cửu Long có tâm hồn văn nghệ đều có thể vừa tự mình trình diễn, vừa cùng nhau mục thị như một nhu cầu sống. Đến với bản làng nơi vùng sơn cước, tham gia vũ hội cồng – chiêng, đàn T’rưng, đàn đá, múa hát quanh vòng lửa, cùng hút chung chén rượu cần, chúng ta sẽ thấy rõ điều này hơn.

Có nhiều phong trào Văn nghệ khai phóng, Du Ca, Dân Ca, Nguồn Sống, Văn nghệ Quần chúng… đã được khơi dậy trong tuổi trẻ ở mỗi thời kỳ, nhưng khác với các các trào lưu Văn nghệ Kỹ thuật, phối hợp nhiều ngành chuyên nghiệp có tầm vóc quy mô, các phong trào văn nghệ này chủ yếu khơi dậy bản năng hoà hợp, tạo không khí lành mạnh trong cộng đồng và hướng về nguồn cội của Quê hương, Dân tộc, Tổ tiên.

b) Bộ môn Văn nghệ giáo dục Thanh, Thiếu niên:

Đầu thế kỷ XX, tính chất phổ biến giáo dục về văn hoá nghệ thuật được phát triển mở rộng trong học đường, trong các đoàn thể thanh, thiếu niên như Hướng Đạo, Đoàn Phật Học Đức Dục, Đồng Ấu Phật Tử, Gia Đình Phật Hoá Phổ rồi Gia Đình Phật Tử, Hướng Đạo Phật Tử, Học Sinh Phật Tử, Sinh Viên Phật Tử, hoạt động Hiệu đoàn tại các trường Bồ Đề, Hội Hồng Thập Tự… và định hình ở giữa thế kỷ XX như sinh hoạt Học Đường, Liên Đoàn, nhằm mục đích rèn luyện các kỹ năng tự nhiên trong thanh thiếu niên. Với thời gian tổ chức GĐPT lớn mạnh trên toàn quốc (trừ miền Bắc) và sau 1975 phát triển rộng khắp các quốc gia trên thế giới, dĩ nhiên, trong Văn nghệ Phật Giáo nói chung, bộ môn Văn nghệ GĐPT cũng trở nên riêng biệt và chuyên sâu theo tiến trình phát triển và hoà nhập của chúng.

Rất may, những nhà giáo dục đã có sự quán sát thâm sâu và nghiêm túc, đưa ra những phương án văn nghệ lành mạnh vào trong học đường, cộng đồng xã hội qua các đoàn thể để giữ gìn cho tuổi trẻ. Bên cạnh đó còn có những phong trào hoạt động lành mạnh của các Hội đoàn khác gây ảnh hưởng toàn quốc hoặc toàn cầu mà những người chủ xướng là Baden Powell (Hướng Đạo), Bác Tâm Minh – Lê Đình Thám (Gia Đình Phật Tử), hay Henry Dunant (Hồng Thập Tự)…, và còn nhiều người tâm huyết nữa.

Sự khác biệt giữa các bộ môn Văn nghệ Xã hội và Giáo dục rất rõ ràng: Một bên hướng đến tình cảm ủy mị, đắm đuối, buồn vui, thành bại, buông thả theo ngũ dục, thất tình thì một bên hướng đến tình yêu thiên nhiên, vạn vật, tình cảm trong sáng và hướng thượng vị tha; một bên thì phô bày lòng hờn căm, chiến tranh hay bạo lực thì một bên là tạo sự hoà đồng thân ái không phân biệt chủng tộc màu da…

Trong khi tình hình văn nghệ thế giới phát triển theo hướng công nghệ giải trí đỉnh cao, tạo ra những phong trào, tạo thành những đợt sóng mới theo từng thời đại cuốn hút tuổi trẻ vào đó, thì vẫn có những nhà giáo dục âm thầm nghiên cứu soạn thảo những chương trình văn nghệ ứng dụng làm lành mạnh đời sống cộng đồng, bằng cách tự khơi nguồn và tài bồi mạch sống trong các lứa tuổi thanh, thiếu, đồng niên.

Tổ chức Gia Đình Phật Tử nằm trong lòng Đạo pháp, nói chung là nền văn nghệ Phật Giáo đồng hành cùng Dân tộc, dĩ nhiên các hoạt động văn nghệ trước tiên chịu ảnh hưởng nơi Đạo pháp và Dân tộc. Mà Dân tộc và Đạo pháp thấm đượm thâm sâu vào đời sống văn hoá dân sinh hơn ngàn năm qua như một, bằng chứng là những cổ vật, di tích lịch sử, gần đây nhất là hoàng thành Thăng Long vừa được khai quật, đa phần đều mang dáng dấp của Phật Giáo đi cùng với quê hương, như Thi sĩ Trụ Vũ đã viết:

Việt Nam và Phật Giáo
Phật Giáo và Việt Nam
Ngàn năm xương thịt nối liền
Tình sông nghĩa biển mối duyên mặn nồng.

Chúng ta có thể lắng lòng suy tưởng:

1) Bản sắc của Phật Giáo trong lòng dân tộc qua những kiểu cách kiến trúc các ngôi chùa cổ, những hoạ tiết, phù điêu tồn tại hơn ngàn năm nay. Thiết kế xây dựng những mô hình trại mạc, lễ đài, sân khấu, xe hoa, thuyền hoa…

2) Phong cách tán tụng nhã nhạc trong các nghi thức Phật Giáo theo từng miền nhìn chung đều thấm đượm các điệu hò, giọng lý trong tự tình dân tộc. Trong gần 20 năm nền nhã nhạc cung đình Huế bị lãng quên thì chính các nghi thức tán tụng của Phật Giáo miền Trung đã nuôi dưỡng, bảo tồn chúng. Sự kiện Giáo sư Trần Văn Khê cung thỉnh mấy chục vị Tăng sang Pháp xướng tụng ở thập niên 1990 đã khai thông tinh thần phục hưng nhã nhạc cung đình Huế cho đến khi UNESCO công nhận Nhã nhạc Cung đình Huế là một trong các nền văn hoá phi vật thể của thế giới vào đầu thế kỷ XXI.

3) Các vần thi kệ, văn phú nhiều thể loại trong các kiệt tác thiền môn; các tranh, ảnh, tượng Phật, Bồ-tát; các bức hình đồ như Thập Mục Ngưu đồ, Thập Nhị Nhân Duyên đồ, Tam Thập Tam Thiên đồ, Lục Đạo Luân Hồi… hiện vẫn tồn tại nơi các ngôi cổ tự, đình làng.

4) Nhạc đạo, Đạo ca, Tâm ca, Thiền ca, nhạc Gia Đình Phật Tử – Riêng tổ chức GĐPT hoạt động hơn 60 năm trong và ngoài nước nên đã phổ biến, bảo tồn và phát triển bền bỉ hơn hết.

oOo

II. BỘ MÔN VĂN NGHỆ GIA ĐÌNH PHẬT TỬ

Văn Nghệ là một bộ môn chuyên biệt trong bốn bộ môn sinh hoạt tu học của tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam:

  1. Phật pháp.
  2. Hoạt động thanh niên (Chuyên môn).
  3. Văn nghệ.
  4. Hoạt động xã hội.

Tuy rằng đứng vị trí thứ ba nhưng Văn nghệ đã dự phần chuyển tải giáo lý Phật Đà qua các tác phẩm hội hoạ, điêu khắc tranh tượng, biểu trưng, biểu tượng (logo), nhiếp ảnh, video, báo chí, văn chương, thi ca, vũ điệu, kịch nghệ, hoạt cảnh; hoặc thiết kế các mô hình kiến trúc trại mạc, cầu treo qua sông, thang dây leo núi, sân khấu, phòng triển lãm… và sinh hoạt ca hát cùng cộng đồng khi hoạt động xã hội.

Có thể nói hầu hết các Huynh Trưởng GĐPT đều có tâm hồn văn nghệ, đều là những người làm công tác văn nghệ giáo dục: Ở tuổi trẻ thì sôi động với nhịp sống lý tưởng, hoà đồng thân ái; lớp tráng niên thì trầm tư và hướng vào chiều sâu tâm hồn nhiều hơn; ở lão niên thì lại vô tư thanh thản, thâm trầm.

Gia Đình Phật Tử không chủ trương đào luyện nên những nghệ sĩ chuyên nghiệp, do tài năng của mỗi cá thể mà có những nghệ sĩ chuyên sâu, vừa làm nghệ sĩ danh tiếng ngoài đời, vừa làm văn nghệ trong đạo, trong GĐPT. Xin giới thiệu sơ lược các đề mục trong chương trình hướng dẫn bộ môn Văn Nghệ GĐPT ghi trong Nội quy Tu học – Huấn luyện GĐPT Đại Hội 1973 (sau này anh Bửu Ấn đã ghi lại chương trình về âm nhạc chi tiết hơn cho từng Bậc, không có ghi ở đây).

CHƯƠNG TRÌNH VĂN NGHỆ GĐPT

A/ OANH VŨ:

a) OANH VŨ SƠ SANH:
– Hát 5 bài hát ngắn, dễ (có điệu bộ) có tinh thần Đạo hoặc có tính cách giáo dục.

b) BẬC MỞ MẮT:
– Hát thêm 5 bài hát ngắn (có điệu bộ).
– Kịch, múa: tuỳ nghi áp dụng, phải có tính chất giáo dục.

c) BẬC CÁNH MỀM:
– Hát: thêm 5 bài hát mới.
– Kịch, múa: tuỳ nghi áp dụng – ngắn, vui, và có tính chất giáo dục.
– Vẽ: lập đồ.
– Thủ công: xếp giấy.

d) BẬC CHÂN CỨNG:
– Hát: thêm 5 bài mới.
– Kịch, múa: tuỳ nghi áp dụng – ngắn, vui và có tính cách giáo dục.
– Vẽ, thủ công: dùng bút chì vẽ cờ Phật Giáo.

e) BẬC TUNG BAY:
– Hát thêm 5 bài hát mới; điều khiển một đàn hát; có sổ hát; ca dao.
– Múa, kịch: tuỳ nghi áp dụng – phải ngắn, có tính chất giáo dục.
– Tập nói: kể lại một câu chuyện đã học hay nghe kể.
– Vẽ, thủ công: tô màu; vẽ huy hiệu hoa sen; tự tay làm những đồ vật đơn giản và có tính cách thực dụng.
– Làm văn: tường thuật một cuộc họp, du ngoạn.

B/ THIẾU NIÊN:

a) BẬC HƯỚNG THIỆN:
– Âm nhạc: bài ca chính thức GĐPT và 10 bài hát ngắn.
– Sân khấu: kể cho Đội nghe môt câu chuyện tiền thân; biết vài điệu múa đơn giản.
– Hội hoạ và điêu khắc: tập nắn các tĩnh vật; khắc trên phấn, trên tẩy; vài kiểu chữ in.
– Thi văn: viết lại một câu chuyện tiền thân và cảm tưởng.
– Ca dao.
– Nhiếp ảnh: các bộ phận bên ngoài của máy ảnh.

b) BẬC SƠ THIỆN
– Âm nhạc: biết thêm 10 bài hát.
– Sân khấu: kể lại câu chuyện tiền thân đã học; đóng kịch ngắn vui (lửa trại: múa những điệu dơn giản).
– Hội họa, điêu khắc: trang hoàng và trình bày một bài báo Đội; vài kiểu chữ nét cứng; nắn các thú vật.
– Thi văn: tường thuật một buổi trại, một cuộc du ngoạn; hò vè; kể chuyện cổ tích.
– Nhiếp ảnh: biết các bộ phận bên trong và nguyên tắc xử dụng máy ảnh.

c) BẬC TRUNG THIỆN:
– Âm nhạc: biết thêm 5 bài hát mới; biết ký âm pháp vỡ lòng; biết điều khiển một Đội hát; tập xử dụng một nhạc khí phổ thông.
– Sân khấu: kể cho Đoàn nghe một câu chuyện vui, hùng, buồn; đóng kịch ngắn; đọc truyện với diễn tả; múa những điệu đơn giản.
– Hội hoạ, điêu khắc: trình bày bài báo Đội, báo Đoàn, báo tường, huy hiệu hoa sen; đắp mô hình khu trại; tập khắc trên gỗ.
– Thi văn: viết vài bài báo Đội; hò vè; tập nhận xét các tác phẩm có liên quan hoặc ảnh hưởng của Phật Giáo (Tây Du ký, Tế Điên tăng).
– Nhiếp ảnh: chụp chân dung (nếu có thể).

d) BẬC CHÁNH THIỆN:
– Âm nhạc: biết thêm 5 bài hát mới; học thêm ký âm pháp vỡ lòng; biết điều khiển một Đội hát; biết cách dạy cho một Đội hát một bài ca mới; tập xử dụng một số nhạc cụ, nhạc khí phổ thông (mandoline, khẩu cầm, sáo v.v…); hò vè; truyện cổ tích.
– Sân khấu: kể một câu chuyện cho Đoàn nghe do anh Đoàn trưởng chọn; tập đóng kịch dài hóa trang và dàn cảnh; tổ chức một buổi đọc truyện có nhiều người diễn tả; múa những điệu đơn giản; sơ lược về ánh sáng sân khấu.
– Hội họa, điêu khắc: vẽ tượng Phật (những nét đại cương); tập trình bày biểu ngữ; tập vẽ một cảnh, một kỷ niệm ngày trại; ánh sáng màu sắc trong tranh vẽ; tập nắn người; khắc trên gỗ, chì.
– Tập nhận xét và phê bình một số tác phẩm văn học Việt Nam: Truyện Kiều, Quan Âm Thị Kính…
– Thi văn: tổ chức một tờ báo tường, báo chiếu, báo chuyền tay cho Đội, Đoàn và Gia Đình.
– Nhiếp ảnh: chụp phong cảnh (nếu có thể); phân tích một số ảnh về các phương diện: nghệ thuật, nội dung, bố cục, mỹ thuật, kỹ thuật…

C/ NAM PHẬT TỬ (NGÀNH THANH)

a) PHẦN LÝ THUYẾT:
– Âm nhạc: cách học hát và dạy hát; ký âm pháp phổ thông.
– Sân khấu: nghệ thuật sân khấu; các loại kịch diễn đàn.
– Hội hoạ và điêu khắc: đại cương về các cách vẽ và các lối viết chữ, chú trọng về vẽ truyền chân, quảng cáo, trình bày; thiết lập một bàn thờ cho trại và đơn giản; sửa soạn một bàn hội nghị Huynh Trưởng (bàn ghế, máy móc, dụng cụ vi âm, ánh sáng, trang hoàng); khắc gỗ, chì; nặn đất; tìm hiểu các trường phái hội hoạ.
– Nhíêp ảnh: nghệ thuật nhiếp ảnh; thế nào là sáng tác trong nhiếp ảnh; cách in hình thủ công giản tiện; sơ lược về nguyên tắc của máy quay phim, máy chiếu phim, máy ghi âm (nếu có thể).
– Thi văn: sự cần thiết của tờ báo trong Đội, Đoàn, Gia Đình; tinh thần và phạm vi của mỗi loại báo chí; lối thi văn kim và cổ; phân biệt truyên ngắn, ký ức, tuỳ bút; tường thuật và phóng sự phê bình văn học – nghệ thuật liên quan tới các đề tài Phật Giáo.

b) PHẦN THỰC HÀNH:
– Âm nhạc: tập hát các bài ca trong đạo và GĐPT (hoặc các bài ca ngoài đời mà có tinh thần xây dựng và hợp với đạo); cách dạy hát cho Thanh, Thiếu Niên và Oanh Vũ; tập sử dụng một nhạc khí phổ thông (guitare, mandoline, kèn, sáo).
– Sân khấu: tập thuyết trình, tập nói chuyện trước đám đông; tập diễn kịch ngắn, kịch dài đề tài phản ảnh về màu sắc Phật Giáo, GĐPT hoặc có tính chất giáo dục.
– Hội hoạ, điêu khắc: tập vẽ tả chân dung một vật kỷ niệm ngày trại, du ngoạn; vẽ một bảng quảng cáo; trình bày một tờ báo; viết một biểu ngữ; tập khắc hình trên gỗ, chì, chạm tre (khắc chữ, con dấu hình); tập nắn tượng đất; đắp mô hình; tập sử dụng máy chiếu film, máy ghi âm (nếu có thể).
– Nhiếp ảnh: chụp hình phong cảnh kỷ niệm; tập in hình; nhận xét nội dung nghệ thuật, mỹ thuật một bức ảnh.

Phần Thiếu Nữ và Nữ Phật Tử thêm về Nữ công – Gia chánh; cắm hoa…

Qua chương trình này chúng ta nhận xét đã ứng dụng căn bản 7 bộ môn Văn nghệ trong GĐPT:

  • Âm nhạc.
  • Sân khấu (múa, kịch, kể chuyện, hoạt cảnh).
  • Thơ văn.
  • Hội họa và nhiếp ảnh, báo chí.
  • Điêu khắc.
  • Máy chiếu film.
  • Kiến trúc (bên phần kỹ thuật về chuyên môn).

III. TIẾN TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN VĂN NGHỆ GĐPT

Trong phần này, tôi xin ghi lại các tác phẩm cùng các sự kiện liên quan làm đậm nét tính cách truyền thống, thời gian, nhân vật…, quá trình hình thành và phát triển Văn nghệ GĐPTVN.

1) Bài hát đầu tiên – Ngày Vía Đản Sanh

(Trích truyện “Thằng Ông Nội“ của Tống Anh Nghị trong Sen Trắng xuân Giáp Dần 1974):

“Hội An Nam Phật Học thành lập […] Nhân lễ Phật Đản năm 1937, lần đầu tiên một số con em Hội hữu được tập họp lại, khoảng 50, 60 em, gọi là “Ban Đồng Ấu”. Ban này được đức Từ Cung tức thân mẫu vua Bảo Đại tặng cho 50$ để sinh hoạt. Mục đích thành lập của Ban Đồng Ấu này là tập cho các em hát, múa những bài cổ nhạc Trung phần như: Kim tiền, Lưu thủy hành vân v.v… Lời ca thì có các vị quan văn thơ như cụ Ưng Bình đặt ra và người huấn luyện là cụ Bửu Bác. Kể ra thì nhạc cổ truyền đã có sẵn tiết điệu, không thích hợp gì với tuổi trẻ, lời ca lại ngô nghê. Chẳng hạn:

‘Vui mừng gặp ngày nay – mồng tám tháng tư
là khánh tiết Phật Thích Ca ngài
hiện về Ca Tỳ La Vệ – trong đời khổ nhuần đức từ bi…’

Ấy thế mà cũng rộn đám lắm. Vua khen, mẹ vua khen, các quan khen, quan Tây cũng khen. Và sau buổi rước Phật thành công từ chùa Diệu Đế lên tới Thương Bạc (hồi đó chùa Từ Đàm còn là chùa Sư nữ cổ kính) rồi giải tán…”

(Hồi đó Phật Giáo Việt Nam tổ chức lễ Phật Đản vào ngày mùng Tám tháng Tư âm lịch – sau này mới sửa lời là ‘ngày vía đản sanh’).

Bài hát này theo tiết điệu sẵn có của nhạc cổ truyền có tên là Đăng đàn cung – là một bản nhạc dài thể loại cổ nhạc Trung phần; phần lời là của cụ Ưng Bình (viết đủ là Ưng Bình Thúc Giạ Thị, một nhân sĩ hoàng tộc nổi tiếng thời bấy giờ).

Cu Ưng Bình (Nguyễn Phước Ưng Bình / Ưng Bình Thúc Giạ Thị)

Bài hát này rất dài, tiết tấu khi trầm lúc bổng hay hòa nhã rất bất chợt theo thang âm Ngũ cung, giọng nam cao, nữ kim phải có nhạc khí vang tấu ở nhiều đoạn, nên dù rất hay mà không phổ biến, tưởng như đã thất truyền. May thay, anh Nguyên Định – Bửu Ấn, Ủy viên Văn Nghệ Ban Hướng Dẫn Trung Ương (từ năm 1995) đã ghi lại bằng ký âm pháp Tây phương phổ thông và chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện nguyên bộ Đăng đàn cung. Chúng ta lưu ý khi ban nhạc cổ hay tấu khúc này lên lúc thỉnh sư đăng lâm.

Huynh Trưởng nhạc sĩ Nguyên Định – Bửu Ấn.

Trước năm 1975, hoạt động văn nghệ Phật Giáo nói chung và các Vụ thanh niên Phật tử nói riêng, nhất là sau năm 1963, rất rộn ràng và sôi nổi, bằng chứng là các chương trình phát thanh nhạc Phật Giáo tại Huế hay Sài Gòn phát sóng đều đặn mỗi tuần – có khá nhiều nhạc sĩ nổi tiếng đương thời như Nghiêm Phú Phát phối âm cho giáo thiều Phật Giáo Việt Nam trong chương trình Tiếng Chuông Từ Bi (Sài Gòn); Thẩm Oánh với bài Thích Ca Mưu Ni Phật, sau đổi lời là A Di Đà Phật để nguyện vãng sanh; Huynh Trưởng nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên có nhiều bài ca sinh hoạt và trình diễn ngay trong thời đó; Hà Thanh nổi tiếng với bài hát Một Ngày Qua của Huynh Trưởng Dương Thiện Hiền phổ thơ Thượng Tọa Mãn Giác; Hai Huynh Trưởng Lê Thị Nhan – Đồng Phi Hùng và tiếng sáo Văn Loan thành công trên Đài phát thanh Sài Gòn với bài Từ Đàm Quê Hương Tôi của Nguyên Thông (Văn Giảng); Tâm Hòa – Ngô Mạnh Thu đã từng làm Ca trưởng điều khiển ban hợp xướng chào mừng Đại Hội GĐPT; cũng luôn ghi nhớ Ca trưởng Phạm Thế Mỹ điều khiển dàn ca của Sinh Viên Phật Tử… Cho đến bây giờ không biết có ai còn giữ lại những bài nhạc xưa đó trong các tapes hay đĩa nhựa không, hay chỉ còn những dư âm đọng lại trong tâm trí những Huynh Trưởng lão niên – bởi vì đến thế hệ chúng tôi sau năm 1975 mọi thứ hầu như phải làm lại từ đầu!

Cuối thập niên 1980 anh Tâm Hoà – Ngô Mạnh Thu đã điều khiển hợp xướng thành công bài hát khởi đầu tốt đẹp Ngày Vía Đản Sanh, còn tổ chức thu âm lại trong cassette và sau này ra CD tựa đề là Mây Đầu Hạ, và anh Bửu Ấn vẫn thường tập dượt cho các đơn vị hợp xướng nhân lễ mừng Phật đản sanh.

2 Huynh Trưởng nhạc sĩ Ngô Mạnh Thu và Quang Vui.

2) Bài hát thứ nhì – Trầm Hương Đốt

Nghi thức nguyện hương – mới đầu có tựa đề là Hải Triều Âm, của tác giả Bửu Bác, đánh dấu thời kỳ đầu chấn hưng đạo pháp với giai điệu thành kính trang nghiêm, đốt trầm hương quy ngưỡng lên Đức Từ Phụ Thích Ca Mưu Ni.

Về sau, bài hát được đổi tên thành Trầm Hương Đốt, trích từ câu xướng đầu tiên của bài hát.

Bản gốc viết tay bài ‘Hải Triều Âm’, sau đổi tên thành ‘Trầm Hương Đốt’.

Đây là bài hát có tính cách lễ nghi đầu tiên trong Gia Đình Phật Tử – Tuy là dòng tân nhạc nhưng tính chất cổ kính (classique), làn điệu uy nghiêm dân tộc như vẫn còn nguyên đó, từ tiết điệu đến ca từ trầm bổng thâm sâu. Bước khai phá đầu tiên trong loại hình Lễ nhạc GĐPTVN. Khi bài hát này được xướng trong nghi thức thì chiều hướng “Kinh nhạc” trong GĐPT đã được biểu tỏ – các nghệ sĩ dần dà đưa các bài hát Sám hối để ca chen vào phía sau bài tụng Sám Hối; bài Phát Nguyện của Lê Đình Luân để hát trong phần phát nguyện đeo hoa sen.

Bài ca Trầm Hương Đốt là bài nguyện hương, tại sao lại đồng ca ở cuối buổi lễ?

Theo ý kiến của Chư tôn Thiền đức thời đó, giây phút nguyện hương là lúc trầm lắng, nhất tâm về không tịch, không nên ca hát mất trang nghiêm (nếu sử dụng âm nhạc ca xướng trong buổi lễ nhiều quá thì không khác chi Ca đoàn như đạo Chúa!) Vả lại, hơn nửa thế kỷ hát Trầm Hương Đốt sau buổi lễ đã quen (truyền thống) nên khó thay đổi.

Nhưng tại sao hiện nay Chư tôn Thiền đức khi nguyện hương lại đề nghị các Phật tử đồng ca bài Trầm Hương Đốt?

Các Ngài chỉ nguyện hương cách này trong những ngày lễ, vía lớn, chúng hội đông vầy, để tạo không khí trang nghiêm đạo tràng mà thôi.

Chú ý bài hát này có một giọng ngân rất đặc biệt ở cuối bài hát!

3) Hình tượng mỹ thuật thứ nhất – Huy hiệu Hoa Sen Trắng

Huy hiệu Hoa Sen của GĐPT.

Bản thể của hoa sen vốn là vô nhiễm đối với nhiều dân tộc Á Đông. Trong kinh Pháp Hoa dùng hoa sen làm ảnh dụ cho giáo lý Phật Đà. Còn ý nghĩa trong GĐPT:

  • Viền tròn trắng biểu thị sự viên dung vô ngại của đạo Phật (cũng có thể hiểu là cứu cánh giải thoát – trí tuệ siêu việt).
  • Ba cánh dưới biểu hiện Tam Bảo: Phật (giữa), Pháp (trái), Tăng (phải).
  • Năm cánh trên tượng trưng năm Hạnh và 5 vị Phật, Bồ-tát mà Phật tử gắng noi theo.
  • Nền xanh lá mạ tượng trưng cho hy vọng tuổi trẻ vươn lên (đức Dũng của Phật tử, Bồ Tát tùng địa dũng xuất).

Theo Phật tử Tâm Hảo – Hồ Phùng qua lời kể lại của anh Lê Lừng (tác giả bài ca Dây Thân Ái) thì huy hiệu Hoa Sen Trắng được thiết kế khoảng năm 1939-1940. Lúc ấy Bác Tâm Minh – Lê Đình Thám đang làm Phổ trưởng Gia Đình Phật Hoá Phổ, ông Lê Lừng và con trai của Bác Thám tên Lê Đình Luân đang sinh hoạt Hướng Đạo, Đoàn Đinh Bộ Lĩnh ở Huế. Ông Lê Lừng – từng là tốc ký viên – viết lại những bài vở do Bác Thám đọc để đăng trên báo Viên Âm. Với sự khích lệ và chấp thuận của Bác Thám, ông và ông Lê Đình Luân là những người đã góp ít nhiều công sức trong việc xây dựng Gia Đình Phật Hóa Phổ Tâm Minh với mục đích phổ biến đạo Phật trong tuổi trẻ.

Khi mô hình sinh hoạt Gia Đình Phật Hóa Phổ nhân rộng ở Huế, ông Lê Lừng tự nghĩ phải sáng tác ra một huy hiệu (logo) tượng trưng, như của Hướng Đạo, và ông đã vẽ ra huy hiệu này. Ông Lê Lừng từng là khoá sinh hàm thụ của trường Ecole ABC de dessin tại Paris (Pháp) nên cũng có kiến thức và khả năng về hội hoạ. Huy hiệu này đã được các nhân sĩ trí thức trong Đoàn Phật Học Đức Dục sử dụng nhưng có thêm chữ PHĐD ở phía trên. Ông Lừng cũng không ngờ sau này nó phổ biến đến mức: Gia Đình Phật Tử nhận làm huy hiệu đã đành; các chùa chiền, đình miếu, các Hội Phật Học cũng treo ở trụ sở của mình; thậm chí trên đầu quan tài người ta cũng vẽ hình hoa sen trắng để lên trên.

(Từ Mẫn – Lê Lừng, tác giả huy hiệu Hoa Sen GĐPT).

Ông Lê Lừng hiện nay trên 80 tuổi, hiện cư ngụ tại Gia Định, Việt Nam [nay đã mất – TVGĐPT ghi chú], tuy không còn sinh hoạt GĐPT nhưng vẫn là một Cư sĩ thuần thành, tiếp tục làm công việc soạn dịch kinh điển. Về việc chánh đảng BJP (Bharatiya Janata Party) của Ấn Độ xử dụng cờ có huy hiệu sen trắng, ông Lừng cho là chuyện trùng hợp ngẫu nhiên (quan sát thì các nét vẽ của đảng BJP rất sơ sài).

Đảng kỳ BJP (Đảng Bharatiya Janata Party) với hoa sen trắng.

a) Ý nghĩa của huy hiệu hoa sen:

Ông Lê Lừng nghĩ rằng: “Đoàn thể Hướng Đạo có huy hiệu (badge) để đeo trên áo, sao mình lại không thể? Có lẽ ông chịu ảnh hưởng ít nhiều huy hiệu hoa bách hợp (artichaut) này cộng hợp với sự quan sát hình thái của hoa sen để thiết kế nên một hình sen trắng hoàn thiện.

Hoa bách hợp – biểu tượng Hướng Đạo.

Nội Quy Gia Đình Phật Tử Việt Nam điều 11 chương III chấp nhận Huy hiệu Hoa Sen là biểu tượng chính thức của GĐPT. Trên tất cả các hiệu kỳ lớn, nhỏ trong nước, huy hiệu Sen Trắng đều nằm về phía bên phải – không chú ý điểm này, những hoa sen nằm phía trái cờ là sai (cờ GĐPTVN Tại Hoa Kỳ cả hai mặt đều có hoa sen).

b) Nguồn gốc của huy hiệu hoa sen (từ bài viết “Ai là tác giả huy hiệu Hoa Sen Trắng?”):

Tám cánh sen còn tượng trưng cho Tam Bảo (ba cánh dưới làm đài); Năm cánh trên tượng trưng cho 5 hạnh của chư Phật, Bồ-tát mà chúng ta nguyện theo. Với những ý nghĩa trên huy hiệu Sen Trắng đã trở thành một biểu tượng, một pháp khí linh thiêng.

Một Đoàn Sinh được phát nguyện đeo hoa sen là chính thức trở thành Đoàn viên GĐPT. Phải trân trọng huy hiệu, phải tu học, trau giồi thanh khiết như hoa sen, phải gìn giữ thanh danh GĐPT. Bất cứ một huy hiệu trại nào do GĐPT tổ chức không thể thiếu huy hiệu Hoa sen. Không nên dùng huy hiệu Hoa sen để biếm họa, hài hước.

(Kết luận huy hiệu Sen trắng đúng là do ông Lê Lừng thiết kế – còn ý nghĩa Sen trắng là do Cố Hoà Thượng Minh Châu và Cố Huynh Trưởng Phan Xuân Sanh đặt ý nghĩa diễn giải).

4. Hình tượng mỹ thuật thứ nhì – Ấn Cát Tường (ấn Tam Muội, ấn Chánh Định)

Ấn Tam Muội (đồ họa Trần Lâm).

Nội Quy GĐPTVN chương III, điều 12, khoản c: Chào kính GĐPT là ấn Cát Tường, chỉ áp dụng khi mặc đồng phục GĐPT.

– Chư Phật thường sử dụng ấn này để tiếp độ, cứu khổ, ban vui (cát tường).
– Phật tử thủ ấn tu trì Chánh định đến chỗ tịch lặng an nhiên (Tam muội).
– Đoàn Viên GĐPT với tiếng reo “Tinh Tấn” bắt ấn Cát Tường chào Sen Trắng, chào đón Ban Hướng Dẫn, chào tống tang nghi thức GĐPT, chào khi tan hàng.
– Cấp dưới chào cấp trên trước và xả ấn sau.
– GĐPT không chủ trương thủ ấn (giữ nguyên) khi chào cờ, trình diện báo cáo như Quân đội hoặc Hướng Đạo hay các đoàn thể khác.

5. Bài hát thứ ba – Bài ca chính thức Gia Đình Phật Tử Việt Nam

Sen Trắng – Bài ca chính thức của Gia Đình Phật Tử Việt Nam.

Bài hát Sen Trắng, nhạc Ưng Hội, lời Phạm Hữu Bình và Nguyễn Hữu Quán. Đầu tiên lời hát viết bằng tiếng Pháp xử dụng trong Đoàn Phật Học Đức Dục. Đến năm 1942 mới viết ca từ lại bằng chữ quốc ngữ – Đây là một thể loại ca khúc ngắn chỉ với 16 trường canh mà diễn tả được hết mục đích lý tưởng của GĐPTVN.

Nội Quy GĐPTVN, điều 12, khoản a, công nhận bài Sen Trắng là bài ca chính thức của Gia Đình Phật Tử.

Ngày 25-1-1950 Hội Đồng Tăng Già Trung Việt và Hội Việt Nam Phật Học chính thức chấp thuận và trao huy hiệu Hoa Sen Trắng cho Ban Hướng Dẫn Gia Đình Phật Hoá Phổ nhân ngày lễ ra mắt tại chùa Từ Đàm.

Gia Đình Phật Hoá Phổ chào nhau bằng cách chắp tay hoa trước ngực. Do Ban Hướng Dẫn Thừa Thiên đạo đạt và Hội Đồng Tăng Già Trung Việt chấp thuận, ấn Cát Tường được áp dụng năm 1951 và chính thức được công nhận trong Đại Hội GĐPT toàn quốc đủ ba miền.

6) Tác phẩm văn xuôi Ánh Đạo Vàng – Thể loại truyện dài của Võ Đình Cường, được Phật Học Tùng Thư xuất bản năm 1941 bên cạnh nhiều tác phẩm khác của Đoàn Phật Học Đức Dục, được đăng trên diễn đàn nguyệt san Viên Âm giao cho Phật Học Đức Dục điều hành vào tháng 2-1940. Tác phẩm Ánh Đạo Vàng đến hôm nay (70 năm) vẫn còn được tái bản (đã được GĐPT Hướng Thiện chuyển kịch bản diễn tại Trại họp bạn Huế 1953).

7) Kịch bản văn học Mùa Gặt Ác của Võ Đình Cường được công diễn tại sân khấu hí viện Gia Hội ngày 3, 4-4-1954 với áp-phích quảng cáo khắp nơi các đường phố, nơi công cộng.

– Đạo diễn: Tâm Đại.
– Diễn viên: Tâm Huyền, Linh Chi, Kim Quy, Mộng Liên. Tâm Bảo, Viết Lợi, Biểu Thư, Lương Hoàng Chuẩn.
– Âm nhạc: Văn Giảng.
– Trang trí & ánh sáng: Tâm Nghi Tôn Thất Quyền.

Bìa cũ tập Bi kịch Mùa Gặt Ác.

8) Bộ văn kiện gia bảo: Nội Quy & Quy Chế Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử – Nội Quy Trình GĐPT hình thành vào năm 1951. Quy chế Huynh Trưởng hình thành năm 1955 và tiếp nối 1964, 1967 qua những lần tu chỉnh sau này đến Đại Hội Huynh Trưởng toàn quốc 1973; đã được Viện Hóa Đạo duyệt ban hành ở mỗi kỳ Đại hội. Đây là một công trình cân não trí tuệ của tập thể Huynh Trưởng toàn quốc nên vị trí của nó rất đáng trân trọng – vì tự thân nó là Pháp kỷ để ban hành và thực hiện các văn kiện pháp quy, là phương châm, là cương lĩnh lãnh đạo, điều hành tổ chức. Đối với lịch sử GĐPTVN, nó là một sự hoàn thiện về tính thống nhất và quy củ để bảo tồn và phát triển GĐPT. Lịch sử đã chứng minh trong những giai đoạn tăm tối nhất của tổ chức GĐPT, chính nhờ vào Nội Quy đã hướng dẫn những Trưởng áo lam bền lòng vững chí lèo lái con thuyền Gia Đình Phật Tử vượt qua. Tuy rằng tùy duyên theo thời thế nhưng mục đích sự tuân thủ tổ chức và tinh thần GĐPT vẫn kiên định bất biến.

Cho đến nay (1973-2004), 31 năm sau, GĐPT vẫn chưa được thuận duyên để mở một Đại hội mới để tu chỉnh chính thức bản Nội Quy & Quy Chế Huynh Trưởng cho hợp thời. Song có thể nói, văn kiện này là một sự tập họp đỉnh cao về sự định hướng chương trình tu học trường kỳ của Huynh Trưởng các cấp song song với các trại trường huấn luyện, là nền tảng kiên cố để xây dựng những căn nhà cao rộng, những toà tháp uy nghi sừng sững Gia Đình Phật Tử tại Việt Nam và trên toàn thế giới.

9) Quyển Nghi thức Tụng niệm Gia Đình Phật Tử là sự nghiên cứu, tuyển lọc của Chư tôn thiền đức Cố Vấn Giáo Hạnh GĐPT qua các bài thi kệ, sám, nguyện, hồng danh trong các nghi thức sám hối, lễ cầu an – cầu siêu…, do Giáo Hội Tăng Già ấn hành thành các nghi thức GĐPT, tuy giản lược, ngắn gọn nhưng vẫn đầy đủ ý nghĩa đễ nhiếp tâm tụng niệm và phù hợp với tuổi trẻ hơn. Quyển nghi thức tụng niệm GĐPT này do nhà xuất bản Sen Vàng tái bản nhiều lần trước 1975; về sau phát hành thêm dưới hình thức photocopy hay in lại trên máy vi tính. Những bản in lại thường có những chỗ sai sót so với bản kinh gốc.

Tại sao GĐPT sử dụng các nghi sám hối, cầu an, cầu siêu riêng biệt khác với các khoá lễ các Tông?

GĐPT là một tổ chức giáo dục tuổi trẻ nên các khoá lễ do GĐPT tổ chức, các nghi thức, lễ tiết vừa đủ với thời gian vừa phải và các Đoàn viên cũng phải rõ nghĩa lý những lời tụng niệm của mình (Việt hóa). Song, các Huynh Trưởng cũng tùy theo và hoà nhập với lễ nghi các Tông khi sinh hoạt tụng niệm với các đạo tràng Phật tử khác.

10) Quyển Phật Pháp 4 cấp – Tài liệu tu học Phật Pháp hoàn chỉnh đầu tiên của ngành Thiếu (từ Hướng Thiện đến Chánh Thiện) do các Thầy Minh Châu, Thiên Ân, Đức Tâm, Chân Trí đồng soạn thảo. Bố cục bài vở và văn phong tương ứng với trình độ các bậc học từ thấp đến cao. Gần 50 năm nay liên tục tái bản. Tuy rằng còn chỗ không hợp thời như niên đại lịch sử Đức Phật Thích Ca đã được sửa đổi vào thập niên 1960 nhưng tài liệu vẫn giữ nguyên. Giáo trình này cũng tương tợ như tài liệu Phật Pháp của học sinh các trường trung học Bồ Đề (trước 1975) nhưng sắp xếp theo chương trình tu học của Gia Đình Phật Tử và thiên về Phật Giáo Đại Thừa và Thiền Tông hơn.

11) Các kiểu mẫu đồng phục – Tổ chức Gia Đình Phật Tử chọn sắc áo lam là màu sắc chính. Màu lam là màu hoà hợp, hướng thượng, ôn hoà mà nhẹ nhàng. Các màu sáng hơn (lam xanh) hay tối hơn (xám chì) đều không phải là màu lam Gia Đình Phật Tử. Áo lam của Huynh Trưởng, các ngành Oanh Vũ, Thiếu, Thanh nam – nữ cũng được quy định.

12) Các kiểu mẫu, màu sắc cờ hiệu, con dấu, cấp hiệu, phù hiệu chức vụ, bảng tên của Ban Hướng Dẫn Trung Ương, các Ban Hướng Dẫn tỉnh, thị, của các đơn vị Gia Đình, Đoàn, Đội, Chúng, Đàn đều được thống nhất theo Nội Quy.

Để phục vụ và phổ biến cương yếu của tổ chức, những tài liệu tu học không ngừng được soạn thảo từ thời Gia Đình Phật Hoá Phổ cho đến nay (1947–2004). Nếu như có những Thư viện Gia Đình Phật Tử thì khoảng không gian dành cho những tài liệu này không phải nhỏ. Ngày ấy, các tài liệu GĐPT được nhà in phát hành với số đầu sách khiêm tốn – đa phần là đánh máy, quay ronéo hoặc in lụa. Thực ra, diễn đàn GĐPT và Phật Giáo không có gì phân biệt, những thành viên GĐPT phục vụ công cuộc hoằng pháp của Giáo Hội trong vai trò Cư sĩ. Tài liệu về Phật Pháp, những bài thuyết pháp do Chư Tôn Thiền đức biên soạn và quý anh chị Huynh Trưởng cao niên viết, nhiều bài tham luận có giá trị góp ý từ thời Phật Học Đức Dục, cho đến năm 1975 các diễn đàn rộng lớn của Phật Giáo và nội bộ GĐPT bị gián đoạn do bế tắc nhiều mặt, nhất là quyền kiểm duyệt và in ấn rất gắt gao của thể chế – ít ra là hai thập niên 1975-1995 – anh chị em áo lam lại chuyền tay nhau những quyển vở chép tay, chuyền tay và đọc say sưa như những trang gia bảo hiếm hoi. Giữa thập niên 1990 trở đi, công nghệ “vi tính” phổ biến và Ban Nghiên Huấn – Tu Thư liên tục biên soạn các tài liệu tu học tương ứng với chương trình các trại huấn luyện Lộc Uyển, A Dục, Huyền Trang; các tài liệu tu học trường kỳ Kiên, Trì, Định, Lực. Có lẽ các tài liệu này tổng hợp từ Huynh Trưởng cấp cao nhiều tỉnh và thời gian phát hành “cập rập” nên sự sai sót về sử kiện, địa lý, hệ thống dàn bài và lập luận khá nhiều. Dù sao cũng phải ghi nhận đây là một sự ‘nỗ lực’ khá hiệu quả trong giai đoạn khó khăn nhất của GĐPT tại Việt Nam.

Tài liệu tu học GĐPT từ thời thành lập Phật Học Đức Dục, sớm tập họp nhiều anh chị trí thức học Phật, Quý tiền bối phần nhiều đều có khả năng sư phạm giáo dục và ý thức hiệu quả của Phật học quảng bá sẽ tạo ra công năng chấn hưng đạo đức nước nhà, nên trên các diễn đàn của Phật Giáo thời đó: Nguyệt san Viên Âm, Bát Nhã Âm, Đuốc Tuệ, Pháp Âm…, nhất là Viên Âm, đều có bài viết về Phật học của các anh chị. Trong quyển Phật Học Phổ Thông do Hoà Thượng Thiện Hoa biên soạn đã không ngừng khen ngợi cung cách soạn bài của bác Tâm Minh – Lê Đình Thám cho mỗi khoá học. Và Ngài Thiện Hoa đã xử dụng phương pháp này để xây dựng “cây thang Giáo Lý“ trong bộ Phật Học Phổ Thông.

Bìa những số báo Hải Triều Âm cũ trong các thập niên trước.

13) Đỉnh cao của công trình kiến trúc GĐPT: Đài Lục Hòa – Lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng Đài Lục Hoà tại trung tâm Trại trường GĐPT lúc 10 giờ ngày 19-1-1969. Trại trường toạ lạc bên cạnh hồ Than Thở, Đà Lạt, rộng 17 mẫu (170.000m2). Địa phương này lúc ấy là quản hạt Ban Hướng Dẫn GĐPT Đà Lạt – Tuyên Đức, nay là Ban Hướng Dẫn GĐPT Lâm Đồng. Gia Đình Phật Tử Việt Nam từ đây có quyền mơ ước về một Trại trường, một trung tâm đào luyện toàn quốc Huynh Trưởng các cấp, nền tảng cho sự thống nhất GĐPTVN.

Tài liệu cũ về Trại trường GĐPTVN tại Đà Lạt.

Đài Lục Hoà được thiết kế trên cột hình trụ 6 mặt, khắc theo lối chữ triện 6 phép Lục Hoà biểu hiện ý chí hoà hợp, thống nhất sinh hoạt toàn diện GĐPT: Thống nhất tư tưởng, hành động – Thống nhất điều khiển qua các Trại trường GĐPT. Dưới có toà sen nâng đỡ – dưới toà sen là những viên gạch hội tập có khắc tên những Ban Hướng Dẫn tỉnh, thị xã đã hợp sức xây dựng đài này. Trên chót cao là tượng Quán Thế Âm Bồ-tát “từ nhãn thị chúng sanh” với thanh tịnh bình và nhành dương liễu cứu khổ ban vui.

Bốn năm sau, ngày 25-12-1973 Đài Lục Hoà được khánh thành trong niềm hân hoan chung của GĐPT toàn quốc.

Đài Lục Hòa tại Trại Trường GĐPTVN.

Sau ngày đất nước thống nhất, 17 mẫu đất của Trại trường GĐPTVN bị thu hồi! Hiện thực về một Trại trường lại biến thành mơ ước! Tuy nhiên, cho dù các trại huấn luyện Huynh Trưởng tổ chức nơi đâu, phù hiệu vẫn mang hình ảnh Đài Lục Hoà GĐPT mặc dù trong Quy Chế Huynh Trưởng có thể tuyển chọn các sáng tác mới về nhạc cũng như về phù hiệu.

14) Tác phẩm Sứ Mệnh Gia Đình Phật Tử của Người Áo Lam xuất bản năm 1965 – Tác giả là Lữ Hồ, bút hiệu của cố Huynh Trưởng Nguyễn Minh Hiền, Giáo sư Triết trường nữ trung học Gia Long, Ủy viên Tu Thư Ban Hướng Dẫn Trung Ương (1964-1966).

Đây là một tác phẩm hiếm hoi, có thể nói là xác định hướng đi cho hàng Huynh Trưởng GĐPT, hiếm hoi là vì sách đặt ra các vấn đề “ngóc ngách” và “nhạy cảm”: Đạo pháp – Dân tộc, lòng ái quốc, sứ mệnh cứu quốc – kiến quốc và sứ mệnh hộ pháp của GĐPT. Mặc dù đó là các yếu tố rất thực, sự thực…, nhưng ngày nay công luận người ta rất “nể” tác phẩm này vì tự nó đã xác định “vị trí và nhiệm vụ” GĐPT trên quê hương này.

15) Với câu chuyện tiền thân chim Oanh Vũ, anh Nguyên Y – Lương Hoàng Chuẩn và chị Đặng Tống Tịnh Nhơn đã “phóng tác” thành các chú chim Oanh trong một gia đình Oanh Vũ. Cũng như quyển tài liệu tu học dành cho ngành Oanh được in ấn công phu thời anh Phan Văn Gái là Uỷ viên Nghiên Huấn. Đến thời anh Như Tâm – Nguyễn Khắc Từ, để đáp ứng phong trào GĐPT toàn quốc lớn mạnh, anh và các đồng sự đã biên soạn rất khó nhọc – vì Pháp Nạn, bắt bớ truy tầm liên miên – vừa phục vụ Giáo Hội vừa phục vụ GĐPT.

Quyển Gia Trưởng ra đời với một giọng văn nói chân thật, đầm thắm trước cảnh tình Dân tộc – Đạo pháp vạn nan, ngầm hướng dẫn các “Bác” làm việc thống nhất đúng hướng đi. Với giọng điệu một người anh nói chuyện với đàn em, anh tiếp tục biên soạn và quay ronéo xong bộ Đội Trưởng, thủ công, tuy đơn sơ nhưng cung cách mô phạm rắn rỏi khôn cùng. Anh Từ chưa từng làm “thầy” để dạy ai – nhưng bao thế hệ ngưỡng mộ anh như một bậc “Thầy” thực thụ – Về sau, Bản tin Sen Trắng, tiếng nói chính thức của Ban Hướng Dẫn Trung Ương ra đời, thời buổi khó khăn, tài chánh eo hẹp, đất nước đang bị chiến tranh tàn phá…, các anh đã trải qua bao “Đêm trắng” để hoàn thành nhiệm vụ của GĐPT phó thác.

16. Bộ môn Nhiếp ảnh GĐPT – trên hình thức và phổ biến thì không có gì đáng kể, nhưng tiềm lực ẩn chứa trong các tay nghệ sĩ thì vẫn trong trạng thái sẵn sàng. Dường như GĐPT chưa có nhiều cơ hội để tập họp các tác phẩm nhiếp ảnh, hội hoạ, điêu khắc tả thực về Áo Lam, nhưng nếu nhìn sơ bộ qua những hình ảnh mà các tỉnh, thị trưng bày thì chúng ta thấy rằng có thể được. Đầu tiên chúng tôi muốn giới thiệu một bức ảnh lịch sử: Bồ Tát Thích Quảng Đức đang viết tâm thư. Ảnh chụp được xử dụng kỹ thuật phòng tối năm 1963 của Huynh Trưởng Minh Hòa Hồ Quang Thạnh – Liên đoàn trưởng, Sáng lập viên GĐPT Chánh Thọ, quận 1, Sài Gòn – năm 1963.

Quý anh chị em có mường tượng lễ Phật Đản năm 1964 tổ chức tại Bến Bạch Đằng Sài Gòn hoành tráng như thế nào không? Thời đó báo ảnh khổ lớn đã in những tấm ảnh màu rất lớn rồi. Năm 1989 tôi (tác giả) đã phải năn nỉ mua lại cả trăm ngàn để được tờ báo cũ mèm này làm tư liệu cho chúng ta.

Về sau này chúng tôi tiếp tục sưu tầm những bức ảnh có giá trị lịch sử, thường là khổ nhỏ hay trắng đen rất nhiều, và cũng rất hy vọng là những nghệ sĩ nhiếp ảnh Phật Giáo Việt Nam nói chung và GĐPT nói riêng chuẩn bị cho một ngày trưng bày triển lãm tranh ảnh, dù có tính cách thời sự hay nghệ thuật…, để mọi người có thể cảm khái về con đường tiền nhân đã đi qua, các công trình mà những người đi trước đã dựng lập; hay anh Lương Bửu (Quảng Nam) ra công sưu tập và vẽ màu các bức chân dung của quý anh chị áo lam hữu công quá vãng.

Anh Nguyên Ngộ - Nguyễn Sỹ Thiều (người đội mũ Tứ ân).
Anh Nguyên Ngộ – Nguyễn Sỹ Thiều (người đội mũ Tứ Ân).

Những tấm ảnh xưa, mỗi anh chị cao niên đều ít nhiều giữ lại các tấm ảnh lưu niệm, trong đó cũng có một số bức trình bày được sự hoạt động Phật Giáo và sức sống riêng biệt của GĐPT. Sau 1975 tuy GĐPT không còn những bản tin chính thức nhưng trong mỗi quyển kỷ yếu viết về các anh chị quá vãng đều được sự cộng tác về hình ảnh của các anh chị cao niên khắp nơi nhóm họp lại, nhất là quyển 50 Năm Gia Đình Phật Tử do hải ngoại thực hiện đã hội tụ được một số lượng ảnh khá nhiều từ khắp nơi.

Ảnh đêm truyền đăng chụp tốc độ ‘flash-slow’ diễn bày ngọn lửa Vô tân đăng do Đức Quảng chụp trong đêm truyền đăng Trại HLHT A Dục Quảng Đức – Sài Gòn.

Nói về ảnh kỹ thuật:

Ngày xưa, thời kỳ mà máy chụp hình cơ hay bán tự động còn thông dụng, các nhà nhiếp ảnh đã có thể điều chỉnh các tốc độ, khẩu độ, kính tạo hiệu ứng… để tôn tạo chủ đề trong tác phẩm, nhưng muốn in lớn phải điểm sửa rất nhọc công. Ngày nay chúng ta có thể sử dụng máy scan (quét) để phóng ảnh lớn và có khá nhiều “phần mềm” để chỉnh sửa, phục hồi ảnh cũ. Những tấm ảnh xưa trở thành quý báu mặc dù có nhiều ảnh bố cục không cân xứng, bị xéo lệch, góc độ chụp bị ngược sáng hay phông nền sáng làm tâm điểm không “sáng” lên được… Những vấn đề này đều có thể xử lý bằng Corel hay Photoshop trong máy vi tính. Chính vì các họa sĩ trong GĐPT không sáng tác, rất hiếm tranh hoạt động biểu tỏ sức sống GĐPT, mà các nhà nhiếp ảnh, các kỹ thuật viên Photoshop sẽ có đất dụng võ trong thời gian dài để “lấy ưu bù khuyết”. Thời kỳ bùng nổ của các loại máy in phun cực lớn xuất hiện giải quyết các khổ in Hiflex, PP, và in trên các chất liệu như lụa, bố, vải đã giải quyết được các vấn đề vẽ quảng cáo, poster, phông nền sân khấu, tranh ảnh nghệ thuật v.v…, tuy có thể càng làm cho các bức họa thủ công quý giá hơn nhưng cũng mở ra thế phát triển cho sức sống GĐPT nhiều hơn.

Bức ảnh chụp với kỹ thuật FLASH – SLOW, có nghĩa là chụp tĩnh trong 30 giây rồi chớp đèn, những đường lửa là nhiệt lượng còn nóng trong không khí chưa tan nên tạo hiệu ứng ảnh như vậy.

Những bức ảnh làm lại với kỹ thuật cắt dán Photoshop (cắt ảnh rồi thay trên một cái background tương xứng làm nổi bật chủ đề muốn nói).

Các hình ảnh minh họa càng cần thiết hơn khi GĐPT phải tạo ra những diễn đàn, những bản tin, đặc san, kỷ yếu, website để ghi nhận và thu thập những dữ liệu đáng tin cậy tiếp nối không dứt cuộc hành trình hơn 60 năm GĐPT còn lưu lại cho các thế hệ kế thừa mai hậu.

Có một số Huynh Trưởng tâm huyết muốn biên soạn những quyển lược sử GĐPT theo từng cấp: Trung ương, Tỉnh, Thị, Quận, Gia Đình… Vấn đề này thực ra không đơn giản chút nào; phải tận tường các phương pháp viết sử và phải kêu gọi sự hợp lực từ nhiều người, nhiều góc cạnh và minh xác rõ những nghi vấn cần thiết về sử kiện và thời gian, nhất là không thể thiếu những tấm ảnh lịch sử minh hoạ.

Đài tưởng niệm Bồ Tát Thích Quảng Đức tạm thời, thiết lập tại góc ngã tư Phan Đình Phùng – Lê Văn Duyệt, thủ đô Sài Gòn trước khi kiến tạo đài tưởng niệm chính thức như hiện nay.

17) Phù hiệu, huy hiệu, biểu tượng các lễ lược, trại mạc – Còn có nhiều Huynh Trưởng cho rằng các phù hiệu biểu trưng (logo) và kỷ niệm trong các hình thức hoạt động trong GĐPT không quan trọng nên khi tổ chức lễ lược, trại mạc lúc có lúc không. Đành rằng “logo” chính thức GĐPT là Huy hiệu Hoa Sen hay biểu tượng của Trại trường là Đài Lục Hòa nhưng trong Nội Quy cũng có ghi: “Có thể tổ chức thi vẽ phù hiệu cho mỗi trại huấn luyện…”; điều đó đã khai thông sự phát triển cho ý tưởng sáng tác của các nghệ sĩ. Trong sáng tác, vấn đề quan trọng là ý tưởng, mà là ý tưởng biểu thị phải súc tích trong các nét vẽ và phối màu. Mỗi phù hiệu là biểu trưng cho mỗi bước đi trong đời Huynh Trưởng áo lam nếu không có gián đoạn thời còn gì bằng! Nhưng hiện nay tồn tại là vấn đề kỹ thuật và mỹ thuật còn tùy hứng là do hoàn cảnh đất nước và phần đông thiếu nghiên cứu căn bản về hội họa, điêu khắc để tạo ra những bố cục nêu bật chủ đề. Tuy nhiên, chỉ bằng những nét đơn giản, nửa thế kỷ trước vẽ trên stencils và quay ronéo, cho đến những chiếc phù hiệu đầy màu sắc trong thời hiện tại, chúng sẽ trở thành bộ sưu tập quý giá không ngờ.

Từ những phù hiệu, huy hiệu trại mạc các cấp, chúng ta có thể nhìn thấy tiến trình hoạt động của GĐPT rõ ràng nhất. Những nét vẽ đặc trưng về chủ đề trại và in ấn với số lượng vừa đủ, chúng sẽ trở nên có giá trị thời gian như những bộ sưu tập tem (stamps) hiếm. Các nhà “thiết kế” huy hiệu không cần phải là hoạ sĩ nhưng phải phác thảo được chủ đề nổi bật về bố cục, màu sắc trên nền hoạ – xin đừng quên huy hiệu Sen Trắng, biểu tượng GĐPT, nếu thiếu, người ta có thể lầm lẫn với các đoàn thể khác.

Nét phác thảo của Huynh Trưởng họa sĩ Tăng A Thy.
Họa corel của Huynh Trưởng Trần Lâm.
Họa của Huynh Trưởng Trần Triết – 2004.

18) Âm nhạc, thế mạnh của GĐPT – Cho đến nay (2004) Ban văn nghệ đã sưu tầm và lưu trữ hơn 800 ca khúc ngắn và dài đã từng sử dụng trong các buổi Lễ, nghi thức GĐPT, nhạc đạo, sinh hoạt Gia Đình, sinh hoạt cộng đồng…, số lượng có thể nhiều hơn nhưng không được phổ biến rộng rãi, đa phần là hát truyền khẩu nên mỗi nơi mỗi hát khác nhau, và quy luật đào thải xảy ra trong GĐPT rất chóng, nhất là sự gián đoạn và khó khăn trong giao lưu ở thời buổi này nên dù có lưu trữ bao lâu mà không dùng phương tiện giao lưu, băng từ, đĩa nhạc để phổ biến thì cũng khó khăn trong việc bảo tồn. Năm 1965, Tu thư Ban Hướng Dẫn Trung Ương phát hành vỏn vẹn một tập NHẠC SỐNG GĐPT bằng bản in kẽ hàng có kiểm tra ký âm cùng ca từ kỹ càng. Về sau, các Ban Hướng Dẫn Cam Ranh, Đà Lạt – Tuyên Đức (nhiều nhất) Quảng Đức – Sài Gòn… .đã phát hành những tập nhạc quay ronéo, đánh máy, viết tay lưu hành nội bộ nhưng phần ký âm (solfère) sai nhiều; cho đến thập niên 1990 anh Nguyên Định – Bửu Ấn tự kẽ hàng và viết tay quyển 450 Bài Hát GĐPT thì chúng ta tạm thời an tâm về chất lượng ghi nhạc vì anh là một Huynh Trưởng nhạc sĩ lão thành. Anh cũng đã quy tụ một số giọng ca “vàng” để thu âm, tự phát hành nhiều băng nhạc hỗ trợ phổ biến các ca khúc ấy. Năm 2000, anh Đức Quảng đã ký âm hơn 800 ca khúc của nhiều tác giả theo từng chủ đề bằng bản in vi tính thành 3 quyển: Nhạc Sinh Hoạt, Nhạc Vu Lan, Nhạc Đạo phát hành rộng khắp, đồng thời anh đã phát hành CD nhạc GĐPT năm 2001, tiếp theo là DVD, VCD karaoke nhạc GĐPT ra đời năm 2003. Dù sự phổ biến còn hạn chế, gián đoạn nhưng cũng đã khơi dậy một tiền đề mới để củng cố và phát triển bộ môn âm nhạc GĐPT tương lai.

IV. TÍNH CHẤT VĂN NGHỆ GIA ĐÌNH PHẬT TỬ

1. Tinh thần khai phóng và tính chất dung hoá cực đại

Bình minh của Gia Đình Phật Tử đã xuất hiện một bài Đoàn ca nêu bật ý nghĩa mục đích của Đoàn Phật Học Đức Dục nhưng ca từ lại hát bằng tiếng Pháp! Cũng dễ hiểu, vì Đoàn lúc đó quy tụ hầu hết là những Phật tử trí thức trong thời đại văn hoá cách tân, cũng vì hoàn cảnh lúc đó xin phép lập Hội thật gian nan… cho đến khi mở rộng thành Gia Đình Phật Hoá Phổ thì nhu cầu một bài Đoàn ca Việt ngữ rất cần thiết.

Bài hát Sen Trắng đầu tiên bằng Pháp ngữ.

Nội Quy GĐPT chương III, điều 11 xác nhận: Huy hiệu chính thức của GĐPT là Hoa Sen Trắng tám cánh trên nền tròn xanh lá mạ, viền trắng.

Nội Quy GĐPT chương III, điều 12, khoản a ghi rõ: Bài Sen Trắng là bài ca chính thức của Gia Đình Phật Tử.

Bài hát Sen Trắng nhạc của Ưng Hội, lời của Phạm Hữu Bình & Nguyễn Hữu Quán, viết theo dạng ca khúc ngắn (chanson) vỏn vẹn 16 trường canh (ô nhịp) và 54 từ.

Mở đầu cho một ngày mới, một buổi sinh hoạt GĐPT, toàn thể các Đoàn viên đứng nghiêm trang để chào cờ và hát bài ca này. Ca từ rất đơn giản và dễ hiểu, nhưng đọc kỹ thì chúng ta thấy tính ảnh dụ và dung hoá giữa Hoa Sen Trắng cùng Đức Thế Tôn không khác – hoà quyện vào nhau một các tự nhiên. Chúng ta đang tụng một bài kệ về pháp hữu vi toàn bích:

Thân thị Bồ Đề thụ:
Kìa xem đoá sen trắng thơm
Nghìn hào quang chiếu sáng trên bùn.

Tâm như minh cảnh đài:
Hình dung Bổn Sư chúng ta
Lòng Từ bi Trí giác vô cùng

Thời thời cần phất thức:
Đồng thệ nguyện một dạ theo Phật
Nguyện sửa mình ngày thêm tinh khiết

Vật sử nhạ trần ai:
Đến bao giờ được tày Sen ngát
Toả hương thơm Từ Bi tận cùng.

Bài ca này đã nói lên MỤC ĐÍCH LÝ TƯỞNG của GĐPT – Cứu cánh giải thoát. Là một sự định hướng trọn đời hoặc trăm đời muôn kiếp của Phật tử chân chánh ra công gắng đi tìm chỗ “Bổn lai diện mục” của chính mình. Ngoài ra, không tìm một thứ gì khác, và cũng bị bất cứ thứ gì làm vấy nhiễm bản thân.

Bài Sen Trắng tuy ngắn nhưng là một tác phẩm có đến ba tác giả: Nhạc Ưng Hội. Lời: Phạm Hữu Bình – Nguyễn Hữu Quán! Xin mời quý bác, quý anh chị xem quyển Lược Sử Phật Giáo – quyển III của Nguyễn Lang để biết ông Hữu Bình và Hữu Quán đều là những nhà tư tưởng Phật Giáo cách tân trong thời kỳ chấn hưng từ Đoàn Phật Học Đức Dục, thì sẽ hiểu ý nghĩa tối quan trọng trong ca từ của bài Sen Trắng như đã nêu trên.

Cũng trong thuở ban sơ, chúng ta biết đến một dòng nhạc trang nghiêm trầm bổng giữa cổ điển và tân thời với những thang âm đúng quy cách, âm luật qua bài Trầm Hương Đốt (Hải Triều Âm), và bài Ngày Vía Đản Sinh của Bửu Bác. Nếu hoà âm phối khí cùng hợp xướng hai bài này, chúng ta vẫn thấy tâm hồn quy ngưỡng Tam Bảo và khả kính của nhã nhạc dân tộc hoà quyện vào nhau với âm điệu riêng biệt – rất khác với những bài hợp xướng của những Ca đoàn nhà thờ Catholic.

Năm 1982, anh Tâm Phát và anh Như Tâm có hội ý với chúng tôi về việc sáng tác một bài hát để GĐPT dâng lục cúng. Chúng tôi góp ý: “Trong lễ nhạc chưa có bài nào trang nghiêm bằng Trầm Hương Đốt, nhưng bài này chỉ để nguyện hương”. Và chúng tôi đã kết nối câu cuối của Trầm Hương Đốt qua bài Cúng Dường cùng tông Fa majeur / Ré mineur, chia làm sáu lễ phẩm dâng cúng, nhịp trầm bổng và nhặt khoan hoà quyện vào nhau.

Năm 1986, anh Như Tâm – Nguyễn Khắc Từ lại đề nghị chúng tôi nghiên cứu sáng tác một bài nhạc tưởng niệm GĐPT – Tưởng niệm chư Ân sư, chư Thánh Tử Đạo, quý Đạo hữu, anh chị Áo Lam hữu công đã quá vãng hoặc còn sống. Thế là ca khúc Sống Trọn Đời Lam ra đời bổ sung vào phần lễ nhạc.

Một bài hát trang nghiêm được bổ sung vào phần lễ nhạc hát để cung nghinh Chư tôn Hoà Thượng, Thượng Toạ, Đại Đức Tăng Ni quang lâm. Ở chùa thì có ba hồi chuông trống Bát Nhã, còn ở đất trại thì nên có một bài hát thành kính bày tỏ lòng thành. Bài Kính Mến Thầy của Dương Xuân Dưỡng với một câu tâm niệm để đời: “Dù bao nhiêu gian khổ, dù gặp nhiều nguy khó, Lý tưởng – chúng con vẫn tôn thờ“. Hát gần 50 năm như thế. Vậy mà, 40 năm sau có một Thiền sư danh tiếng, trong một buổi pháp thoại đã đề nghị sửa lời của bài ca này: “Trong giờ phút vui này – chúng con quyết lòng ngồi đây“ thay vì “Trong giờ phút vui này – chúng con biết làm gì đây?” (trong quyển Đường Về Vườn Nai của Thiền sư NH).

Những nhạc sĩ chuyên nghiệp và cũng là nhạc sĩ sáng tác của GĐPT như Lê Mộng Nguyên (hiện ở Pháp), Phạm Mạnh Cương (Canada) Lê Lừng, Lê Cao Phan, Nguyễn Hữu Ba, Hằng Vang, Anh Lạc, Ngọc Kỳ, Ngô Mạnh Thu, Hoàng Cang, Lê Mộng Bảo… đã hợp sức mở mang một con đường riêng biệt cho dòng nhạc GĐPT trong suối nguồn âm nhạc đa sắc của Phật Giáo. Dù ngày nay chỉ còn một số ít anh chị ở lại với GĐPT nhưng các thế hệ sau vẫn thành kính tri ân các anh chị nghệ sĩ tiền nhân đã mở một hướng đi trong buổi đầu gian khó.

Ngày nay, sự tồn tại bất hủ của những ca khúc ngắn như Trai Áo Lam (Ta Đoàn Áo Lam) của Phạm Mạnh Cương, Xây Dựng Gia Đình của Đỗ Kim Bảng, Chim Bốn Phương, Dòng Anoma của Hoàng Cang, Gia Đình Thân Ái của Lê Mộng Nguyên, Kết Đoàn của Anh Lạc, Em Đến Chùa của Dương Thiện Hiền, Nhịp Vui Khánh Đản của Ngô Mạnh Thu… như là một minh chứng cho thấy thời rạng rỡ của dòng nhạc trong sáng tươi vui. Trước tiên các ca khúc ấy phải mang tính chất đại chúng (Chim Bốn Phương), lời lẽ vần điệu dễ nhớ, tạo ra tính truyền cảm trong khí thế sôi động (Trai Áo Lam, Kết Đoàn, Mừng Ngày Phật Đản) chan chứa thân thương (Gia Đình Thân Ái, Xây Dựng Gia Đình). Những ca khúc ấy đã vượt thời gian, thế hệ nào, tuổi tác nào cũng có thể ca hát không ngại. Chúng cũng vượt không gian, vì nếu dừng lại ở không gian này thì dễ bị chối bỏ ở không gian khác, thí dụ như một bài hát ca ngợi GĐPT ở chùa Linh Sơn thì không thể hát ở chùa Lôi Âm và ngược lại.

Huynh Trưởng Tâm Bản – Nguyễn Đình Luyện (Anh Lạc)

Trên nền móng này, nhạc GĐPT từng bước khai phóng, đã biểu thị cho các nghệ sĩ GĐPT mạnh dạn sáng tác với tâm hồn và sức sống GĐPT rất riêng. Ngày nay, nhiều người nghĩ rằng nên nhờ một nhạc sĩ nổi tiếng viết nhạc GĐPT! Nhạc điệu có thể hay, nhưng ca từ và sức sống có mang chất GĐPT hay không, chỉ có những nghệ sĩ GĐPT mới cảm biết được.

Nhạc GĐPT, trong đó tính chất của bản thể cá nhân không tồn tại, sự tươi vui của trẻ thơ chỉ biết cảm nhận không so đo tính toán, sự dũng mãnh hướng thượng đòi hỏi tấm lòng vị tha, hoà hợp. Suối reo, thác đổ, chim ca trong các lứa tuổi ngày xanh sẽ làm trổ hoa tươi lá những vùng u tối khổ sầu:

Nghe chim rừng hòa ca líu lo – Vang trời thanh cao ta reo hò
Đem bao nguồn vui sống yêu mến – Gieo vào nơi u tối lầm than.
(Phạm Mạnh Cương).

Trong các tác phẩm văn nghệ GĐPT chúng ta không thấy vết cày xới của gần trăm năm thuộc địa, vết dao cắt của 30 năm đất nước chia đôi, vết hờn căm của sân hận bạo tàn trong mấy mùa Pháp Nạn… mà chỉ thấy nêu cao tình người, tình thương chúng sanh, đồng loại. Là vì, mục đích của GĐPT qua bài ca Sen Trắng đã vượt qua biên hạn của chủng tộc màu da để nhìn nhận tình chúng sanh – đồng loại. Có bao giờ chúng ta tự hỏi: “Tại sao Phật thuyết những câu chuyện tiền thân, trong muôn kiếp Ngài đã từng là chim Oanh Vũ hiếu thảo, con cá lớn cứu người, con vượn chúa nhân từ, con sư tử Kiên Thệ, con nai chúa Lộc Uyển… Thậm chí, Ngài đã từng hiến thịt, hiến xác cứu đói, cứu bệnh cho các loài dã thú?“. Hiểu được điều này để hoà đồng, bình đẳng có phải chăng đã bước được một quãng dài trên đường khai phóng tự thân?

Nói đến sự đơn giản nhẹ nhàng của ca khúc Chim Bốn Phương của Hoàng Trọng Cang, có vài phát biểu cá nhân làm cho giới trẻ giật mình ngộ nhận:

Phát biểu của Thượng Toạ Thông Bửu: ‘Làm gì không làm, sao cứ thích làm chim?”.

Phát biểu của một Huynh Trưởng cao niên: “Hồi trẻ hát bài chúng ta là chim, bây giờ già rồi cũng chúng ta là chim!!!“.

Có thể các vị, các anh chị không có thời gian để hiểu hay là không muốn hiểu:

“Chúng ta là chim… sống trong Đạo thiêng“: Ở nước Cực lạc thường có các loài chim Bạch hạc, Khổng tước, Anh võ, Xá lợi, Ca lăng Tần già, cộng mạng chi điểu… diễn nói pháp âm… (Kinh A Di Đà).

“Chúng ta là hương… khắp nơi ánh vàng“: Chỉ có hương hoa của người đức hạnh mới bay ngược chiều gió đi khắp bốn phương (Kinh Pháp Cú).

Được làm chim như vậy, được làm hoa như vậy trong Phật tánh bình đẳng (bình đẳng tánh trí) – Ý và lời của Hoàng Trọng Cang thâm sâu vô cùng mà chỉ với vài ca từ đơn giản.

Anh Hoàng Cang di trú qua Mỹ được vài năm, nhân dịp trở về thăm quê hương lần đầu, anh đã nói với chúng tôi rằng:

– Qua bên ấy anh có xem được tuyển tập các bài hát ngắn trong đó có bài WILL YE’ (you) COME BACK HERE AGAIN? (Bạn sẽ trở lại nữa chứ?) viết từ thập niên 1930 có ký âm giống bài Dây Thân Ái của ông Lê Lừng, bài này đã được chọn làm bài ca giã từ của GĐPT. Và trong tập nhạc ngắn do Ái Hữu Vĩnh Nghiêm phát hành tại Hoa Kỳ, nhạc sĩ Huynh Trưởng Tâm Hoà – Ngô Mạnh Thu lên tiếng; “Có những bài hát GĐPT đã được biên soạn như thế!“.

Thì đây chúng ta xem lại lời bộc bạch của Tâm Hảo – Hồ Phùng:

Chính vì nghe những đứa nhỏ trong xóm Đập Đá đêm nào cũng hát, mà nghêu ngao những tiếng Tây không ra Tây – Việt không ra Việt. Nên anh Lê Lừng mới lấy bài hát Tây đặt lại lời Việt dạy cho chúng hát…

Trong một bài viết cách đây không lâu trên HoaĐàm.Net ông Lê Lừng có bày tỏ cách đặt lời cho bài hát có nhạc Tây của ông, bây giờ còn sót lại bài Dây Thân Ái – thế là đã rõ. Anh đặt lời Việt để có bài hát chia tay (Hướng Đạo cũng có bài hát chia tay và nắm tréo tay để hát). Nhưng chúng ta hãy đọc kỹ phần ca từ – trong đó không có đề cập đến GĐPT, áo lam, hay Đạo thiêng chi cả mà chúng vẫn thắm thiết đạo tình, thiên nhiên và tình người nhắn nhủ nhau khi xa cách:

Dây thân ái lan rộng muôn nhà. Tay sắp xa nhưng tim không xa. Vui tươi ta biết trong lòng nhớ lòng. Ta hát vang không gian đơm hoa. Đường tuy xa nhưng tình bao la, tiến bước theo hương thơm nhà lưu truyền. Dù cách xa muôn dặm nhưng gần. Gang thép ta chia tay đừng buồn.

Có thể là vô tình bài ca này được chọn để kết dây GĐPT và lâu ngày trở thành truyền thống không thể thay thế. Chúng tôi không nghĩ rằng đây là một sự tiếm dụng, bởi vì sau đó anh không còn sinh hoạt Gia Đình Phật Hoá Phổ nữa và người sau ghi lại bài nhạc này đã không biết đó là nhạc ngoại quốc – lời Lê Lừng. Vì hiện nay chúng tôi có lưu trữ mấy quyển ca khúc ngắn xưa của các nước khác mà trong đó không có ghi tên tác giả.

Đưa ra ba sự kiện: Một, bài ca đầu tiên do cụ Ưng Bình viết lời trên nền nhạc cổ truyền xứ Huế – sau được Bửu Ấn bổ sung phần nhạc và lời; hai, bài Sen Trắng ban đầu ghi bằng tiếng Pháp; ba, bài Dây Thân Ái nhạc ngoại quốc, Lê Lừng đặt lời Việt, đã nói lên cái lý phương tiện trong tinh thần dung hoá của Văn nghệ GĐPT.

Nhạc sĩ học giả Lê Cao Phan lừng danh với bài hát Phật Giáo Việt Nam được công nhận là Giáo ca, Giáo thiều của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất. Lê Cao Phan có một thời gian viết rất khoẻ cho những ca khúc học đường và thiếu nhi; còn số lượng tác phẩm dành cho GĐPT lại rất khiêm tốn. Anh là nhạc sĩ đầu tiên viết nhạc thể loại truyện ca GĐPT: Lòng Hiếu Chim Oanh Vũ. Về sau, chúng ta thấy những bài hát chính thức của trại huấn luyện Lộc Uyển: Vườn Xanh; trại A Dục: Đồng Ca Kết Đoàn; trại Huyền Trang, đều ghi tên tác giả là Lê Cao Phan. Nhưng chúng tôi đã xác minh giữa anh Phan và anh Luyện thì anh Phan xác nhận chỉ có bài Vườn Xanh của trại Lộc Uyển là của anh Lê Cao Phan, còn hai bài A Dục và Huyền Trang là của Anh Lạc (Nguyễn Đình Luyện) nhận đã sáng tác.

Nhạc sĩ Lê Cao Phan và bài Giáo ca Phật Giáo Việt Nam.

Vấn đề kỹ thuật ký âm của bài ca chính thức trại, hoặc Đoàn ca chưa được chặt chẽ lắm. Thường thì một bài Trại ca sẽ hát tiếp theo bài Sen Trắng, và nhất thiết phải cùng Ton SOL hoặc thấp hơn một cung là Ton FA mới đồng âm, nhưng bài Đồng Ca Kết Đoàn của trại A Dục và Huyền Trang Ca lại là Ton DO, tức là cách SOL đến 2 cung rưỡi. Thật sự đã gây khó khăn cho Trại sinh khi hát sau bài Sen Trắng. Bài trại ca Phú Lâu Na trung ương của Nhạc sĩ Bửu An cũng vậy (Ton RÉ / 3 ½ ). Có một số nơi khi tổ chức trại mới, Huynh Trưởng liền chọn ngay một ca khúc Ton mineur (thứ) giai điệu buồn làm bài ca chính thức; chứng tỏ GĐPT chưa có một giáo trình hay những nhận xét nghiêm túc để hỗ trợ cho hàng Huynh Trưởng lãnh đạo thấu biết. Nhạc sĩ tài hoa Anh Lạc hay Tâm Bản là tác giả nhiều ca khúc GĐPT, hay và ý nghĩa nhất là bài ca cuối lửa Đêm Giã Từ với nhịp 6/8, một nhịp điệu hiếm hoi trong âm nhạc GĐPT. Đêm cuối lửa lặng yên sau câu chuyện lửa tàn và mọi người nhè nhẹ, chầm chậm hát không gõ nhịp, không vỗ tay. Xong, từ từ, im ắng đứng dậy về lều. Tranh cảnh không lời mà sâu khắc tâm tư.

2. Tinh thần vô nhiễm, ly dục và bình đẳng

Tôi nhớ có một thời gian GĐPT múa và hát dân ca trong vòng tròn sinh hoạt chung với Hướng Đạo, Học Sinh Phật Tử… Những người bạn này diễn hoạt cảnh với bài hát Sơn Tinh – Thủy Tinh. Sơn Tnh đem sính lễ đến rước Mỵ Nương về, trai đóng giả gái, gái đóng giả trai thì cũng chưa đụng chạm đến ai, nhưng rồi vòng tròn chia ra từng cặp vừa hát vừa chơi bài dân ca Qua Cầu Gió Bay “yêu nhau cởi áo cho nhau“, đến đây nhóm GĐPT không biết làm sao cho phải! Chúng tôi cũng không vô tâm đến nổi đem trò chơi này về áp dụng cho Đoàn. Những ca khúc Ông Ninh – Ông Nang tranh nhau cô Kiều dù là hài hước, dân dã, cũng cần phải tránh. Nhạc GĐPT không chấp nhận những bài hát trữ tình về trai gái, chuyện lứa đôi như thế.

Kịch bản Mùa Gặt Ác của Võ Đình Cường là câu chuyện nhân quả nghiêm túc và kịch tính gặt quả có lúc lên đỉnh điểm, đây là tác phẩm hay của văn học Phật Giáo, tuy có cảnh vợ chồng, nam nữ mến nhau mà không thân mật, diễn viên chỉ cần diễn tròn vai. Tuy nhiên trong GĐPT chỉ để cho người lớn đóng, không nên để lứa tuổi Thiếu, Thanh suy tưởng, mơ mộng viễn vông.

Đêm chia tay giữa Thái tử Tất Đạt Đa và Công chúa Da Du Đà La, hoặc chuyện bi thương của đôi vợ chồng Thái tử Câu Na La, đôi vợ chồng Tu Đại Noa và Mạn Trà… phải diễn trong niềm tương kính, có ân mà không ái, không khơi dậy chuyện trai gái trong GĐPT.

Bên cạnh đó, GĐPT tuy có xử dụng nhạc cộng đồng và nhạc quê hương trong trình diễn sân khấu, lửa trại hoặc giao lưu nhưng đều có tuyển chọn. Thứ nhất, tránh chuyện tình nam nữ; thứ nhì, tránh công kích, phản đối, không suy tôn, châm biếm nhân vật và các vấn đề xã hội.

Phải công nhận rằng trong thời kỳ trước 1975, cùng với Hướng Đạo và các vụ Phật tử khác như Sinh Viên Phật Tử, Học Sinh Phật Tử, Phật Tử Thiện Chí, Hướng Đạo Phật Tử…, GĐPT có chung hát những ca khúc phản chiến như: Việt Nam Quê Hưong Ngạo Nghễ, Ôi! Tổ Quốc Ta Đã Nghe! của La Hữu Vang; Đường Việt Nam, Nối Vòng Tay Lớn của Trịnh Công Sơn; Hát Từ Đồng Hoang của Miên Đức Thắng; Vượt Đồi Nương của Phạm Đình Chương; Con Đường Vui của Phạm Duy… Nhưng sau 1975 chỉ còn một tổ chức GĐPT sinh hoạt và hát trở lại những ca khúc thuần túy của mình và dòng nhạc Hiếu ân của xã hội. Tuy nhiên, có những ca khúc ngắn thuộc loại nhạc sinh hoạt cộng đồng đã quen và không còn phân biệt được như Bốn Phương Trời, Anh Em Ta Về, Cùng Nhau Múa, Đường Đi Khó, Nhảy Lửa v.v…, vì những nền nhạc và ca từ của chúng vui tươi trong sáng nên vẫn có chỗ đứng trong GĐPT.

Về nhạc quê hương, GĐPT không chấp nhận loại nhạc trữ tình mà còn phải cẩn thận với những bài dân ca có tính cách sát sinh hại vật như: Tiếng Dân Chày của Phạm Đình Chương, hò Thuyền Chài miền Trung… Trong nhạc sinh hoạt càng không thể xử dụng các bài bắt cá, bắt cua, con muỗi hoặc các trò chơi nhỏ bắn súng, bắn tàu, canon…

Tóm lại, Huynh Trưởng khi phát ngôn hay ca hát, ra trò chơi, đều có ý thức về tinh thần giáo dục qua Văn nghệ GĐPT, không nên dễ dãi, để lâu ngày thành tật sẽ rất khó sửa đổi; nên mới có sự nghiên cứu để “Phật hoá“ trò chơi là vậy. Nhưng Phật hoá thì cũng phải tự nhiên, đừng nên cố gò ép mà thành ra bất kính.

Đến khi phong trào GĐPT lớn mạnh cùng với sự kiện thống nhất Phật Giáo Việt Nam, nhu cầu văn nghệ trình diễn nhạc đạo trên sân khấu cho quý Phật tử xem rất cần thiết; từ đó dòng nhạc dài trên 32 ô nhịp phát triển. Có những ca khúc bất hủ như Từ Đàm Quê Hương Tôi của Nguyên Thông, Nhớ Mái Chùa Xưa của Nguyên Đàm – Nguyên Diệu, Mưa Đông Rơi của Hoàng Cang, Tôi Yêu Màu Lam của Trần Nhật Thành, Ánh Đạo Vàng của Hằng Vang v.v…

Chùa Từ Đàm, ngôi Tổ đình lịch sử đã chở che và chứng kiến hai sự kiện: Sự kiện thống nhất danh xưng GĐPT và sự kiện thống nhất Phật Giáo Bắc Trung Nam. Đây cũng là ngôi cổ tự có nét văn hoá tiêu biểu trong công trình kiến trúc Phật Giáo Việt Nam.

Từ dòng nhạc trình diễn, chúng tôi xin được phép gọi là Nhạc Đạo, xuất hiện những giai điệu buồn thương, tiếc nuối: Một Ngày Qua thơ Huyền Không – nhạc Dương Thiện Hiền; sự kiện Pháp Nạn 1963–1966: Tưởng Niệm Thánh Tử Đạo của Ngọc Kỳ, Trái Tim Bồ Tát của Trường Long; các ca khúc chan chứa tình cảm như Mẹ Hiền Quán Âm, Tôi Yêu Màu Lam của Trần Nhật Thành, Bông Hồng Cài Áo lời Nhất Hạnh thơ Phạm Thế Mỹ v.v… Sự kiện GĐPT sau 1975 làm tan tác, chia ly dòng nhạc man mác buồn nhưng vẫn tràn trề niềm tin hội ngộ như Lửa Dũng của Đức Quảng, Tình Lam của Trường Khánh v.v… Trong dòng nhạc Đạo này, GĐPT cũng chấp nhận luôn những tác phẩm 10 bài Đạo ca thơ Phạm Thiên Thư – nhạc Phạm Duy, các bài Thiền ca, Tụng ca của Nguyên Truyền, Giác An… Các ca khúc Phật Giáo mới cũng phải được chọn lọc kỹ lưỡng.

Trong một buổi hội kiến với Trưởng Ngô Mạnh Thu trước khi anh di trú qua Mỹ, anh thẳng thắn khẳng định: ”Nhạc GĐPT phải gieo được sức sống vui tươi, an lạc, giải thoát; không nên bi thương sầu thảm“. Tôi ghi nhận điều này và nghiệm xét nhiều ngày, và cũng đồng ý với anh trên quan niệm giáo dục, chuyển tải tư tưởng Phật Đà. Nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên có viết một bài hát Thành Đạo mà giai điệu đầu rất bi thiết để diễn tả cảnh sanh, lão, bệnh, tử của cõi người nhưng đến chỗ kết lại hùng tráng mạnh mẽ như vượt thoát qua các khổ ải bốn cửa thành (được mở lối thoát).

Trưởng Thống và Trưởng Thu (Ái Hữu Vĩnh Nghiêm).

Ai từng đọc quyển Đoạn Trường Tân Thanh của Đại thi hào Nguyễn Du mới thấy những tấu khúc đoạn trường mà Vương Thúy Kiều rất thích – Cùng chung số kiếp bạc mệnh còn có kiều nữ đã chết tên là Đạm Tiên vận vào những khúc đoạn trường với nhau. Thiền sư Nhất Hạnh cũng có bài giảng về Văn nghệ “đứt ruột“ để miêu tả Đoạn Trường Tân Thanh.

Chúng ta nên quan sát, chiêm nghiệm những dân tộc như Chiêm Thành, Lão Qua…, những địa phương Ô – Lý, Nghệ Tĩnh, Quảng Bình, miền Tây Nam Bộ… nơi phát sinh ra những nhạc khúc, ca khúc bi ai sầu thảm cũng bắt nguồn từ đời sống thiên tai khổ cực, thiếu kém triền miên:

Quê hương em nghèo lắm ai ơi!
Mùa đông thiếu áo, hè thời thiếu ăn.
Trời hành cơn lụt mỗi năm…

Để cẩn thận định hướng trong sáng tác và phổ biến nhạc GĐPT.

Đành rằng: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ“, nhưng không nên làm lan truyền nỗi buồn ấy làm chướng ngại cho sự rỗng rang, giải thoát trên đường tu học, hay tạo cảm tình quyến luyến không rời. Mặc dù trên một góc độ tình Lam, nhờ có sự quyến luyến này mà GĐPT còn tồn tại và phát triển sau 1975 cho đến nay.

Trong Trại huấn luyện Vạn Hạnh 5 (2003) vừa rồi, chúng tôi tình cờ nghe được một ca khúc chào mừng Phật Đản viết theo điệu bi ai của dân ca Quảng Bình trong đêm lửa trại, nghe thì hay nhưng buồn đến não ruột. Cũng như thời kỳ sinh hoạt xuống Long Xuyên, miền Tây Nam Bộ sau 1975, chúng tôi cũng từng nghe bài vọng cổ 4 câu diễn tả đêm xuất gia của Thái tử Tất Đạt Đa, ý nghĩa sâu xa và bi ai cảm động. “Rằng hay thì thật là hay – Nghe như ngậm đắng nuốt cay thế nào!”.

Trong khi quý Phật tử chảy nước mắt nức nở khen hay và diễn xuất như vậy là thành công. Đứng từ góc độ Huynh Trưởng hướng dẫn, dù cảm thấy bi điệu tràn trề lưu luyến dễ làm đắm say ràng buộc, nhưng đã nhập gia phải tùy tục, ai về miền Tây, ai lên xứ Nghệ, không ca được vài câu vọng cổ hoặc không cất nổi giọng hò thời khó lòng mà tổ chức thành công văn nghệ nơi đây!

Sau 1975, GĐPT Lâm Đồng xuất hiện một mô hình nhạc mới do anh Nguyên Định – Bửu An điều khiển có tên gọi là KINH NHẠC HỢP XƯỚNG. Với 1 cây accordéon hay organ, anh đã tập họp được nhiều giọng ca taynor, sprano cho dàn hợp xướng có khi lên đến 6 bè. Người hát và người nghe đều thích thú thưởng ngoạn. Điều này khẳng định khả năng và trình độ hát và nghe nhạc của GĐPT Lâm Đồng. Anh Bửu An đã ghi lại những bài Tụng ca, Kinh nhạc hợp xướng trong quyển 450 Bài Hát GĐPT, đồng thời tự thu âm vào băng cassettes để phổ biến.

Theo lời thuật lại của các anh Ban Hướng Dẫn GĐPT Darlak, đã trình diễn hợp xướng hàng trăm người ca khúc Sống Trọn Đời Lam của Nguyễn Khắc Từ – Đức Quảng trước công chúng rất trang nghiêm và nhiều người đã rơi lệ.

Nâng cao trình độ hoà âm của nhạc sĩ và khả năng thẩm âm của thính giả là một nhu cầu thực tế trong thời đại phát triển GĐPT trong và ngoài nước. Điều này các nhạc sĩ GĐPT từ thập niên 1950 đã làm qua nhạc khúc Lời Sám Nguyện của Hằng Vang hay Mùa Vui Vu Lan của Trần Tâm Hoà, đều có viết thêm phần bè, phụ hoạ. Nhạc sĩ Phật giáo Phạm Thế Mỹ cũng có viết nhiều bài hợp xướng xử dụng trong sinh viên Viện Đại Học Vạn Hạnh như Đêm Mầu Nhiệm thơ Nhất Hạnh, Lửa Từ Bi của Vũ Hoàng Chương… Cũng không quên Nhạc sĩ Minh Kim (Phú Toàn Cang) tác giả của nhiều bài hát xưa, dù đã lớn tuổi nhưng cũng cố gắng kẽ dòng viết nhạc để cho ra một tập hợp trên 60 ca khúc GĐPT xưa và nay.

Dòng nhạc Nguyên Truyền, Thừa Thiên – Huế đã góp phần không nhỏ trong sinh hoạt GĐPT Thừa Thiên, Quảng Trị, Đà Nẵng, Daklak… Anh đã ra mắt quyển nhạc Hoa Nở Vườn Tâm gồm 108 ca khúc GĐPT và một số bài Thiền ca tu tập chuyển hoá.

Và mới đây đã xuất hiện hơn 100 ca khúc GĐPT của Nhạc sĩ Võ Tá Hân phổ thơ Tuệ Kiên cũng rất vui tươi, mạnh mẽ và trong sáng. Dường như ngay lập tức anh làm nhiều đĩa compact để phổ biến trong và ngoài nước. Tuy không có sinh hoạt với GĐPT nhưng anh rất nhiệt tình và hăng say cống hiến. Nhưng để khẳng định dòng nhạc mới của anh trong sinh hoạt cần phải có thời gian.

Tựu trung đề mục nhạc GĐPT có khoảng 8 thể loại:

1) Lễ nhạc: Gồm những bài hát trong các lễ lượt Phật Giáo và GĐPT. Phần lễ nhạc này có thể phối hợp thêm những bài Nhạc Đạo.

2) Nhạc nghi thức: Những bài ca chính thức chào cờ, từ Sen Trắng đến Đoàn ca và các trại huấn luyện.

3) Nhạc tưởng niệm chư Thánh Tử Đạo, tưởng niệm những anh chị Áo Lam hữu công quá vãng.

4) Nhạc Đạo: Nhạc Phật Đản – Xuất Gia – Thành Đạo – Nhập Diệt – Quán Thế Âm – Thiền ca (tu Chánh niệm) – Xuân ca – Đạo ca.

5) Nhạc Vu Lan báo hiếu: Bao gồm một số nhạc phẩm ngợi ca ân đức sinh thành trong xã hội như Lòng Mẹ của Y Vân, Ân Nghĩa Sinh Thành của Dương Thiệu Tước v.v…

6) Nhạc sinh hoạt: Những bài hát ngắn sinh hoạt Gia đình và nhạc Đạo ngắn hát theo mùa (Phật Đản, Xuất Gia, Vu Lan…), nhạc lửa trại, những bài ca tạm biệt, giã từ.

7) Nhạc kịch, chuyện ca, như Lòng Hiếu Chim Oanh Vũ của Lê Cao Phan, Vườn Nai, Chiếc Cầu Muôn Thuở của Đức Quảng.

8) Nhạc cộng đồng / Quê hương: Bao gồm những ca khúc có tính cách quốc tế và đại chúng như Bốn Phương Trời, Anh Em Ta Về, Tiếng Trống Cao Nguyên, Nối Vòng Tay Lớn, Vượt Đồi Non, Hamxaleybi (Vui Ca Lên)…

Tuy trong chương trình Văn nghệ, bộ môn âm nhạc GĐPT có “cho phép“ Huynh Trưởng xử dụng các nhạc phẩm trong sáng tươi vui, có tính cách cộng đồng đại chúng; tất nhiên, chúng ta phải chọn lọc kỹ lưỡng trước khi xử dụng theo đúng tinh thần Phật Giáo + Dân Tộc + Gia Đình Phật Tử. Những ca khúc cộng đồng tuy có thể trong sáng, tươi vui, nhưng nếu gây cho một số người ngộ nhận, hiểu lầm hay cố tình làm lệch lạc tổ chức, chúng ta cũng phải tránh.

V. ĐỊNH HƯỚNG VĂN NGHỆ GIA ĐÌNH PHẬT TỬ

Trong các loại hình Văn nghệ sáng tác, nếu các nghệ sĩ không có cảm hứng, mê say… thì sẽ không có các tác phẩm hay ra đời! Nhưng thả trôi mỹ cảm dù trong vị trí sáng tác hay thưởng ngoạn thì cũng là rơi vào trong say đắm, đoạ lạc. Trong cương vị và trách nhiệm làm Trưởng, trước đã tự khẳng định mình đang làm công tác hướng dẫn, sứ mệnh giáo dục, đào luyện tuổi trẻ thành những Phật tử chân chánh, nên phương hướng sáng tác và thưởng ngoạn đều có mực thước của nó, mà nền tảng mực thước đó đã thấm nhuần trong quá trình sinh hoạt GĐPT.

Chúng ta không cần phải nhắm mắt bịt tai trước sự cám dỗ của ngũ dục cuộc đời mà phải nhìn thẳng vào sự thật để quán xét sự lợi hại của chúng. Huynh Trưởng mà kém hiểu biết (thiếu tri thức) là thiếu sự cảm thông, sẽ dễ rơi vào cực đoan do thành kiến và biến kế sở chấp.

Từ trước đến nay, khi chọn Ủy viên Văn Nghệ, thường các anh chị chọn những Huynh Trưởng là nghệ sĩ âm nhạc – biết đàn hát, biết tổ chức văn nghệ sân khấu, lửa trại, quanh đèn… chứ không chọn Ủy viên Văn Nghệ là hoạ sĩ, kiến trúc, nhiếp ảnh, văn thi sĩ… Chính vì thế nên GĐPT có thế mạnh là ca hát, múa, kịch, hoạt cảnh… còn những bộ môn khác thì rất kém phát triển hoặc ít ai để ý tới.

Ngành Oanh Vũ với số lượng đông nhất trong 6 Đoàn nhưng nhu cầu về chuyện bằng tranh không được đáp ứng – các em phải học thuộc lòng những câu chuyện đạo, chuyện tiền thân suốt 60 năm toàn là chữ nghĩa một cách khô khan. Không phải là GĐPT không có hoạ sĩ mà vì Ủy viên Văn Nghệ không thiên về hoạ và đã không có định hướng sáng tác về hội hoạ điêu khắc. Trong khi thị trường tranh ảnh Nhật Bản Doremon, Pokemon, ngay cả tranh thiếu nhi Việt Nam dù có nhiều chỗ phản cảm nhưng vẫn hấp dẫn cả đến người lớn. Chúng ta vẫn chưa có những bức tranh do GĐPT vẽ được trưng bày. Sức sống chỉ đơn sơ vài bức tranh dán bằng cát màu hay hạt đậu, điêu khắc được một vài khúc cây rừng. Đa số tranh ảnh, hình tượng đều do các nghệ nhân Cư sĩ Phật tử thực hiện.

Chúng ta vẫn còn một tiềm năng rất lớn về bộ môn Nhiếp ảnh mà chưa khai thác hết vì không có định hướng và diễn đàn, phòng triển lãm để tập họp những nghệ sĩ nhiếp ảnh chuyên săn tìm và lưu giữ ảnh sức sống GĐPT mấy chục năm qua.

Về Kiến trúc, trong quá khứ GĐPT từng có những mô hình về trại mạc, cầu dây, cầu tre, trại sàn, thuyền hoa, xe hoa, vườn Lâm Tỳ Ni, lễ đài Phật Đản, khán đài danh dự… khá qui mô. Nhưng về sau do hoàn cảnh đất nước không thể phô trương về hình thức, khó khăn chung về tài chánh, eo hẹp thời gian… khiến các thế hệ sau không tận mắt chứng kiến, hoặc chưa một lần tham gia vào những công trình lớn ấy. Tất nhiên phải bị lạc hậu và khó có sự phát kiến nào tốt hơn.

Ba mươi năm sau chúng ta không tìm được những tác phẩm văn chương GĐPT như Ánh Đạo Vàng, Mùa Gặt Ác, Sứ Mệnh GĐPT, Gia Trưởng, Cẩm Nang Huynh Trưởng… Chúng ta có nhiều kịch bản về những câu chuyện tiền thân hay chuyện đạo mà chưa được phổ biến. Chúng ta còn có nhiều anh chị nhiệt tình nhưng sáng tác và hoạt động đơn lẻ, thiếu sự kiểm nghiệm, thẩm định về mặt tinh thần, nội dung, bố cục bởi những nhà chuyên môn. Vì không có diễn đàn như bản tin, tập san, đặc san… nên dù quý như châu ngọc, đẹp như Hướng dương cũng không ai biết. Dù rằng, những Huynh Trưởng thừa hành cần phải biết!

Một ngày, tôi tìm được một tuyển tập văn học trên kệ sách của chùa, lật ra biết rằng ấn phẩm in lậu. Rất ngạc nhiên, vì các tác phẩm ngắn ấy có do các cây bút GDPT Pháp quốc như Từ Khoa, Tâm Hảo… viết chuyện Gia Đình Phật Tử. Tuần sau tôi đến tìm mua, 30 quyển sách ký gởi chùa tuần trước đã được bán hết!

Những quyển Hoạt Động Thanh Niên của Tâm Huy, Nhạc GDPT do Đức Quảng viết đều bán rất chạy vì đó là một nhu cầu thiết yếu của Huynh Trưởng và Đoàn Sinh. Chỉ vì vấn đề quản lý về in ấn nên không ai muốn xuất bản đó thôi.

Ngay đến bộ môn Văn nghệ là âm nhạc sân khấu, kịch nghệ là thế mạnh cũng không định hướng được. Chúng phát triển được đến đâu là do Huynh Trưởng địa phương có tâm hồn Văn nghệ nhiều hay ít.

Tâm lý phần đông quý Huynh Trưởng coi bộ môn văn nghệ đàn ca hát xướng là môn phụ, không cần chuyên sâu, vì chúng ta không phải là nghệ sĩ chuyên nghiệp; chỉ cần có là đủ, chỉ cần hát nghêu ngao phụ hoạ vài câu cho thư giãn tâm hồn, cho vui vẻ là xong. Bởi thế nào cũng xong nên chúng ta chưa từng có cái nhìn nghiêm túc cho bộ môn Văn nghệ, chưa từng quan sát cái phương tiện chuyển tải giáo lý Phật Đà hay những lời ca hướng thượng nó tốt xấu ra sao!

Huynh Trưởng nhạc sĩ Bửu Ấn đã nhìn ra những điểm này mà đưa ra định hướng Văn nghệ (thiên về âm nhạc) với cảm quan nhận xét xác đáng:

…Cuộc sống của tuổi trẻ hôm nay – so với vài ba thập niên trước – đã có quá nhiều sự xáo trộn đổi thay (cả từ vật chất lẫn tinh thần). Chúng ta phải làm cách nào để phát huy hiệu quả tốt nhất cho bộ môn Văn nghệ theo đúng đường hướng GĐPTVN: Phật Giáo – Dân Tộc – Tuổi Trẻ hiện tại. Bởi văn nghệ GĐPT (mà ca nhạc là xung kích) đóng vai trò mạnh, hấp dẫn trong vui chơi giải trí, đồng lúc phải là một phương tiện huân tập sâu sắc – nhẹ nhàng mà vững chắc; để thấm sâu tinh thần Phật Giáo – Dân Tộc từ tuổi Hoa niên khi đi vào đời…

Thiền sư Suzuki có viết: “…Con người sinh ra không phải ai cũng trở thành nhà khoa học được, song tất cả có thể trở thành nghệ sĩ”.

Tôi nghĩ, Thiền sư đang chỉ vào “nghệ sĩ tính“ hiện diện trong chúng ta. Thực vậy, có những nghệ nhân chạm khắc những bức phù điêu hoành tráng, lộng lẫy nhưng lại không biết gì về hội hoạ! Có những nhà văn, nhà thơ không biết ca hát, nghe nhạc. Có những tay đàn rất giỏi nhưng khi cất giọng hát thật là khó nghe! Có những giọng ca thiên phú, làn điệu ngọt ngào nhưng lại không biết thanh nhạc hay ký xướng âm… Có những MC dẫn chương trình lưu loát nhưng không biết bất cứ bộ môn âm nhạc, kịch nghệ nào… Dù những người ấy có nổi danh hay không thì đại chúng vẫn gọi họ là nghệ sĩ theo nghĩa rộng. Đã đến lúc GĐPT phải thúc đẩy các bộ môn văn nghệ hoạt động đều, nhường bớt chỗ cho các nghệ nhân, nghệ sĩ khác cùng hợp tác phát triển. Phát triển các loại hình văn nghệ càng phong phú thời hoạt động GĐPT càng lôi cuốn giới trẻ tham gia. Do đó có thể khẳng định: Muốn phát triển sinh hoạt GĐPT, muốn đẩy mạnh phong trào sinh hoạt GĐPT, trước phải phát triển đều tay các bộ môn trong văn nghệ GDPT.

Về nhân sự tối thiểu Khối văn nghệ bao gồm:

1 Ủy viên Văn nghệ điều khiển tổng quát hoặc kiêm 1/3 bộ môn.

Từ 2 đến 4 Phụ tá Ủy viên chia nhau phụ trách các loại hình nghệ thuật:

a) Văn: Phụ trách báo chí, diễn đàn chung cho các hoạt động hành chánh GĐPT, văn chương thi phú (nhà văn hoặc thi sĩ).

b) Mỹ: Nhiếp ảnh, hội hoạ, điêu khắc, kiến trúc, thiết kế (phải am tường về hội hoạ hay nhiếp ảnh, kiến trúc).

c) Nghệ: Âm nhạc, sân khấu, kịch nghệ, ca múa (phải là nhạc sĩ, biên đạo múa, kịch tác gia…)

d) Các kỹ thuật viên lập trình vi tính để thực hiện Trang nhà trên internet như Hoa Đàm đã và đang làm.

Đến khi có hoạt động phải tổ chức quy mô, bắt buộc phải mời nhiều thành viên có khả năng chuyên môn cộng tác (khả năng chuyên môn không cần phải xếp theo cấp bậc, thí dụ như mời người điều khiển âm thanh, ánh sáng bên ngoài vào hợp tác, thì họ đâu có cấp gì?!). Sau khi hoàn thành và tổng kết xong dĩ nhiên Ban tổ chức ấy tự động giải tán. Chỉ trừ hoạt động về báo chí là trường kỳ thôi.

Viết chương trình cho bộ môn văn nghệ cân đối hài hoà:

Dựa trên chương trình bộ môn văn – mỹ – nghệ cũ để soạn thảo bổ sung theo các bậc học – cấp độ. Sau khi được học căn bản ở các bậc Đoàn Sinh, đến bậc Kiên trở đi sẽ tạo điều kiện cho Huynh Trưởng hàm thụ và tự học. Thí dụ như bộ môn hội hoạ dành 5 tiết lên lớp và 15 tiết thực hành hàm thụ; bộ môn nhiếp ảnh dành 3 tiết lên lớp và 10 tiết hàm thụ thực hành; bộ môn cắm hoa 5 tiết lên lớp và 10 tiết hàm thụ thực hành… Âm nhạc, kịch nghệ, vũ đạo, dân vũ quốc tế, sáng tác… cũng vậy. Có thể tổ chức lớp riêng và thẩm định kết quả bằng tín chỉ.

Chúng tôi xin giới thiệu bản phác thảo Chương trình Văn nghệ do anh Ủy viên Văn Nghệ trung ương soạn trình duyệt năm 2004:

CHƯƠNG TRÌNH HỌC NHẠC GĐPT (phác thảo)

A. ÁP DỤNG CHO ĐOÀN SINH:

I/ NGÀNH OANH VŨ: Chú trọng về vui chơi, giải trí, kích thích và dưỡng nuôi năng khiếu nghệ thuật.

– Các buổi học về Phách, Nhịp của môn “Xướng – Nhạc – Tiết“ chỉ lấy nốt ¼ (nốt đen) làm đơn vị phách. Xữ dụng pháp khí để gõ hoặc vỗ tay mà giải thích phân biệt rõ ràng: Thế nào là đếm nhịp, thế nào là đếm phách (mesures – temps).

– Khi tập cho các em nghe: Phân biệt về độ cao, độ dài – có thể cho các em ghi theo phương pháp “Đồ thị“ (Tung độ: cao thấp – Hoành độ: dài, ngắn).

– Cho các em đọc nhiều để thấm sâu vào Ngũ cung Việt Nam trước khi xử dụng âm giai điều hoà phương Tây để tập hát các bài hát sinh hoạt GĐPT ngắn, dễ trong phạm vi Quãng 8.

– Tập đếm phách chia 2 – chia 4.

– Thực hành chính xác các bài hát của ngành OANH.

* Ghi chú: Oanh Vũ chia làm 2 trình độ:

Mở Mắt – Cánh Mềm: Chỉ tập hát vui chơi tương đối Đúng, Rõ mà không cần phải ‘hiểu nhạc’.

Chân Cứng – Tung Bay: Chỉ đòi hỏi thực hành Đúng – Nhịp – Phách các loại hình nốt: đen – trắng – móc: đen có dấu chấm đôi ở tất cả các bài hát có Mẫu số x/4.

II/ NGÀNH THIẾU:

Hướng Thiện – Sơ Thiện:

– Môn Ký – Xướng – Âm: Nghe, ghi lại, rồi đọc chính xác từ 2 cao độ của dấu huyền, dấu sắc; rồi đến 3 độ cao (huyền, không dấu, sắc), rồi thêm dấu nặng (4 nốt)… tiến đến tập hát các bài dân ca Ngũ cung Việt Nam.

– Môn Xướng – Nhạc – Tiết: Tập gõ mỗi pháp khí một tiết tấu khác nhau, sau đó kết hợp 2, 3, và tất cả đồng tấu…, lần hồi đi vào các nhịp phức tạp hơn: nhịp chỏi, nhịp đảo, nhịp lỗi, nhịp sắp.

– Đọc Gam-điều-hoà 7 nốt nhạc phổ thông Tây phương chia làm 2 Tứ Liên Am (tétracord), chú trọng đến Quãng 4, 5, 8 đúng, mở rông Âm vực trong vòng Quãng 10.

Trung Thiện – Chánh Thiện:

– Học thêm đầy đủ và thực hành đúng những ký hiệu ghi trên bài nhạc.

– Biết đánh nhịp và điều khiển để tập lại các bài hát cho Đội, Chúng, Đoàn… mà người Đoàn Sinh đó vừa được truyền đạt.

– Xướng âm (đọc) thành thạo các Quãng (interval) của Âm giai Trưởng, Thứ, Tự nhiên, Hoà âm và Giai điệu, nghe ra được Quãng 3 Trưởng, 3 Thứ, âm Chủ và âm Át của loại nhạc phổ thông Định thể – Tây phương.

III/ NGÀNH THANH (Hoà – Trực):

– Về thực hành có 2 trình độ như ngành Thiếu.

– Về lý thuyết đọc thêm một số thể loại ‘Sân khấu; bao gồm: lịch sử – ngôn ngữ đặc trưng của bộ môn, các hình thức thể hiện…

B. ÁP DỤNG VÀO CÁC BẬC HỌC TRƯỜNG KỲ HUYNH TRƯỞNG:
(Không ghi ra đây)

Còn những thể loại khác trong bộ môn Văn nghệ ra sao? Xin đề nghị tu chỉnh Chương trình, đi từ làm quen – căn bản – nâng cao theo định hướng của thể loại âm nhạc trên. Cái bất tiện là bộ môn văn nghệ giữ nhiều tiết học quá mà thiếu những “nhà chuyên môn” nên kham không nổi. Cấp Gia Đình không xong thì đề nghị Ban Hướng Dẫn tỉnh, thị xã… nên tổ chức lớp theo cách hàm thụ liên tục để đào tạo các “nhà chuyên môn“ mới.

– Chuẩn bị thu thập tranh vẽ, hình ảnh trưng bày sức sống GĐPT phòng, góc triễn lãm nhân dịp Chu Niên, Phật Đản, Thành Đạo (khác với hình ảnh tường trình hoạt động). Đối với Vu Lan thì chủ đề là Hiếu.

– Tập tin nội bộ số ra mắt nhân ngày Phật Đản, Vu Lan, Thành Đạo và Xuân, Chu Niên, Hiệp Kỵ (tùy chọn) để đăng tải văn chương, thi phú, kịch bản, nhạc, hoạ , hò vè, các thiết kế mới lạ môn Hoạt động Thanh niên, lưu ảnh…

– Sưu tập và thực hiện nhạc GĐPT các thể loại, các chủ đề trên băng từ (cassette) và CD , VCD, DVD.

– Sưu tập các đoạn film, video để phối hợp làm nền (background) nhạc karaoke.

– Hợp tác mở trang nhà web trên mạng, chủ đề Văn Nghệ GĐPT với các danh mục (menu) Văn học – Thi phú – Âm nhạc – Hội hoạ – Điêu khắc – Nhiếp ảnh – Thiết kế – Nhạc MP3… để tiện việc tra cứu, sử dụng.

Vấn đề khó khăn hàng đầu xưa nay của GĐPT là tài chánh, dù trên nguyên tắc làm ăn thì ra làm ăn, nhưng do nhiều lý do:

Chủ quan: Do nhiệt tình làm mà không xem xét, không cầu thị về hình thức, kỹ thuật bộ môn, không nghiên cứu thị trường – đối tượng tối thiểu, dễ dãi phần kỹ thuật, thiếu chuyên nghiệp, không phối hợp đồng bộ trong chủ đề, tác giả – tác phẩm, in ấn hình bìa không biểu hiện được sức sống GĐPT, hoặc thiếu trang nhã (bắt mắt).

Khách quan: Không trình duyệt (Ban Hướng Dẫn cấp trung ương hay tỉnh, thị) không tiếp thị rộng lớn được (nếu không xin giấy phép), không quảng cáo được (vì không có diễn đàn), giá thành gốc cao do in ấn số lượng ít (nên bị photocopy hoặc in sang lại; hoặc giả không biết nơi nào phát hành nên in sang hoặc photo lại “xài đỡ”).

Vấn đề đầu tư và phát hành:

Sau năm 1975, bao nhiêu vốn liếng văn nghệ để đời do GĐPT dần bị mất sạch, không còn dấu vết, khiến các anh chị phụ trách Văn nghệ phải sưu tầm, nghiên cứu, tập họp làm lại từ đầu: Từ viết nhạc bằng tay đến vi tính là một quãng thời gian; thu âm, thu hình… từ tạm bợ đến hoàn chỉnh cũng còn một khoảng cách khá xa. Thường phải thực hiện do chủ kiến cá nhân, xong mới trình Ban Hướng Dẫn duyệt.

Cần “hy sinh” một số vốn ban đầu để thực hiện và giao cho các nhà Doanh tế phát hành với số lượng vừa phải nhiều đợt (giao nhiều mà bán chậm cũng vậy!). Nếu may mắn mỉm cười vì xuất phẩm hay, lạ, mới thì được nhiều người ủng hộ để “tái bản” đợt khác – đồng nghĩa với sự ‘đóng băng’, ‘ngâm vốn’. Tâm lý GĐPT ít chịu tiêu thụ xuất phẩm với giá cao, nên đem biếu, tặng làm quà các chùa, các Phật tử, các gia đình Phật tử nhân các dịp lễ vía là cách tiêu thụ sản phẩm và ủng hộ nhà đầu tư. Thị trường GĐPT hải ngoại sẽ phong phú hơn vì đa số Đoàn Sinh rất kém về Việt ngữ rất cần nghe, nhìn để luyện giọng và nhập tâm.

Để tái sản xuất, nhà đầu tư phải bỏ vào thêm ít ra là ½ vốn ban đầu sau khi chờ đợi một thời gian khá lâu.

Thay vì thực hiện nhạc chủ đề của nhiều tác giả mỗi người một vẻ thì có một số Huynh Trưởng chỉ chăm chú thực hiện album nhạc của tự mình (một mình ta – một góc trời) làm mất tính chất hoà đồng của đại thể Gia đình Lam.

Nhà biên tập sẽ sắp xếp ý tưởng theo chủ đề với ba tiêu chuẩn:

1) Bảo tồn những tác phẩm cũ.
2) Giới thiệu tác phẩm mới có chung chủ đề.
3) Hoà âm phối khí, giọng ca – phụ hoạ tương ứng với nhạc phẩm.

Thông báo cấp Ban Hướng Dẫn về các sản phẩm để tránh sự “trùng lấp“ khi cấp Ban Hướng Dẫn tỉnh, thị khác sản xuất; tốn kém mà làm chậm phát huy tiềm năng Văn nghệ GĐPTVN nói chung.

Nếu phân bố số lượng sản phẩm rộng rải trong GĐPT thì đó là cách bảo tồn lâu dài nhất:

– Những quyển kỷ yếu về nhân vật, địa danh, đơn vị Ban Hướng Dẫn.
– Những tác phẩm văn chương: truyện dài, truyện ngắn, kịch bản.
– Những tuyển tập thơ ca hay thi-nhạc-hoạ phối hợp.
– Những truyện bằng tranh ưu tiên cho ngành Oanh Vũ.
– Tuyển tập hội hoạ, nhiếp ảnh GĐPT.
– Mô hình cổng trại, cầu tre, cầu dây, cầu treo, trại sàn GĐPT…
– Thành lập một hay nhiều Thư viện, Thư quán cố định hay lưu động trong tỉnh để lưu trữ, bảo tồn và lưu hành các xuất phẩm Văn nghệ Phật Giáo và góc GĐPT.

Tuy định hướng Văn nghệ GĐPT như vậy, mặc dù còn thiếu sót nhiều so với xã hội hiện tại, nhưng thực hiện được 1/3 Chương trình trong lúc này là làm được rất nhiều. Trong một Ban Hướng Dẫn nếu có vài nhân sự có khả năng, cống hiến nhiệt tình là đã có được rất nhiều. Vì sự nghiệp đào luyện tuổi trẻ mà bỏ qua các kiến chấp, ngồi lại làm việc với nhau là thành tựu rất nhiều. Do sự cảm thông, thống nhất, từng bước thực hiện:

1) Trại hội thảo về Văn nghệ GĐPT toàn quốc để thông hiểu và thống nhất trong chương trình hoạt động qua ba thể loại Văn-Mỹ-Nghệ, gồm các thành viên là Ủy viên Văn Nghệ và Nghệ sĩ các tỉnh.

2) Hỗ trợ lẫn nhau về mặt đào tạo, huấn luyện, hàm thụ các bộ môn. Thí dụ Nhạc sĩ Bửu Ấn sở trường về hoà âm nhưng ở Lâm Đồng, sẽ soạn tài liệu hàm thụ chung và đích thân giảng dạy một số tiết ở các tỉnh khác; Nhạc sĩ Như Vinh sở trường về Ký âm pháp ở Bình Định…

3) Tổ chức những cuộc thi: Vẽ biểu tượng, huy hiệu trại; thi tuyển ca nhạc (đơn ca, song ca, tam ca, tứ ca, đồng ca, hợp xướng…) như Ban Hướng Dẫn GĐPT Đồng Nai đã từng thực hiện (đơn ca).

Thi mô hình vườn Lâm Tỳ Ni có tính cách đại chúng; thi lồng đèn treo hay phóng đăng, xe hoa, thuyền hoa ngày Phật Đản; thi về kiểu cách thiết kế sân khấu Phật Đản; thi trại sàn, cầu treo cho ngày Dũng; thi cắm hoa, gia chánh cho ngày Hạnh…

4) Thành lập Ban văn nghệ của Ban Hướng Dẫn phục vụ lễ lược Phật Giáo và GĐPT.

KẾT LUẬN

Từ xưa đến nay mọi người quan niệm chốn thiền môn là nơi trang nghiêm thanh tịnh, đi ngang chánh điện, hình tượng đều phải mở nón cung kính cúi đầu. Chư Tăng Ni sống đời tịnh hạnh giữ niệm vô tránh cần sự an tĩnh tu hành. Trong nghi thức thọ Bát Quan Trai giới, các Giới tử phải nguyện ly dục (bất dâm, giữ ngọ trai, không tự ý ca hát hay nghe ca hát, không nằm ngồi ghế cao giường êm, không trang điểm hương hoa…), cho nên các lớp dạy Phật Pháp, Giáo lý cho trẻ thường thất bại vì không khí khô khan, buồn tẻ của kinh kệ, rất nhiều vị Thầy không thích tiếng nô giỡn ồn ào, vỗ tay ca hát của trẻ thơ nên cũng rất ngại cho GĐPT sinh hoạt. Có một số quý Thầy yêu trẻ thường tập họp chúng lại kể chuyện, dạy Phật Pháp…, lâu lâu cũng có ca hát, chơi một số trò chơi nhỏ cho trẻ thư giãn, bớt nhàm chán, nhưng đó không phải là kế sách giáo dục đạo đức cho trẻ lâu dài.

Phát khởi từ phong trào Chấn hưng Đạo đức, tổ chức GĐPT lớn mạnh và lớn rộng khắp nơi nơi, hơn 60 năm qua GĐPT đã hỗ trợ Giáo Hội trong công cuộc hướng dẫn cho tuổi trẻ tu hành. Vấn đề tu học của tuổi trẻ phải được hỗ trợ bởi công cụ văn nghệ, hoạt động thanh niên, xã hội. Và bộ môn Văn nghệ đa thể loại đã đi đầu trong tình tương thân, tương ái, lôi cuốn trẻ đến sinh hoạt, tu học dưới mái chùa; sinh hoạt vòng tròn ca múa, trình diễn, hoạt cảnh, kịch nói, kể chuyện, trò chơi nhỏ, trò chơi lớn… luôn luôn đổi mới, có nghiên cứu về tâm lý và cải tiến, vui lạ, đưa Đoàn Sinh vui vẻ hoà đồng gần lại với nhau nên âm nhạc lúc nào cũng là thế mạnh trong bộ môn Văn nghệ.

Bộ môn Văn nghệ trong GĐPT, bản sắc là tươi vui, trong sáng, lành mạnh, bình đẳng trong tình nhân ái hướng về Chánh pháp, tu học bản thân chuyển hoá nội tâm. Số lượng nhạc phẩm sinh hoạt có giới hạn rất cần được sự hỗ trợ của một số nhạc Phật Giáo, Đạo ca, Thiền ca, nhạc cộng đồng, nhạc quê hương, các loại nhạc đạo để trình diễn có thể là thêm sự bày tỏ tâm tư tình cảm thực sự trong những hoàn cảnh không thuận duyên, tiết tấu chậm, nhiều ca khúc buồn nhưng vẫn giữ được tinh thần lành mạnh hướng về Phật Pháp, vô nhiễm và ly dục giữa dòng nhạc đời.

Ngày nay, đã có nhiều Đạo tràng phối hợp các thể loại Thiền ca, Tâm ca, Đạo ca, ngâm thơ, viết thư pháp để tạo sự thư giãn cho Phật tử. Các tự viện Trung Phần có truyền thống tán tụng lễ nhạc Phật Giáo trong những nghi thức cùng sự hoà hợp đa thanh sắc như chinh, cổ, chuông, mõ, tang, đàn cò, nhị huyền, độc huyền cầm , kèn…, xướng tụng hồng danh trên nền nhạc cổ truyền hiện nổi tiếng trên thế giới. Chúng tôi đã từng xem một khoá tu học ở Làng Mai (Pháp) qua video: Mở đầu là Tăng sinh ngâm thơ, ca cổ nhạc, cả Đạo tràng đồng ca bài Ý Thức Em Mặt Trời Tỏ Rạng của Thiền sư Nhất Hạnh với tiết tấu chậm; xong rồi đến Pháp thoại; giữa chừng chư Tăng Ni nghiêm trang chấp tay tán tụng hồng danh… Trong 450 ca khúc GĐPT của Bửu Ấn hay 108 bài nhạc của Nguyên Truyền có khá nhiều bài sử dụng trong Tăng thân tu chánh niệm.

Đạo tràng Quán Thế Âm (Phú Nhuận), Thầy thì viết truyện, làm thơ, rồi mời nhiều nhạc sĩ Phật Giáo sáng tác, phổ nhạc thơ ca và dạy cho quý Phật tử… Thời nay có nhiều vị danh tăng làm thơ và được Phật tử phổ nhạc; có vị còn tự mình sáng tác dạy cho Phật tử hát. Có những vị Hoà Thượng đang thuyết Pháp, đột nhiên hát bài Mục Kiền Liên của Đỗ Kim Bảng để tưởng nhớ Mẹ hiền, hoặc nhờ một Tăng sinh ngâm thơ minh hoạ… Mới đầu thấy mới lạ, riết rồi cũng quen, đa số Phật tử tỏ ra rất thích loại hình “sinh hoạt văn nghệ“ này.

Điều chính yếu ở sự tu trì là điều phục tâm hành, thấy chỗ phóng tâm, xả ly về an tịnh. Khi Đạo tràng nghe chuông trống Bát nhã âm cung đón Chư tôn đức quang lâm, trong lời tán tụng theo khánh mõ của chư Tăng, nghe những ca từ đạo vị trang nghiêm thấm nhuận vào chiều sâu tâm hồn làm cho Phật tử sinh lòng vui thích hướng về giải thoát, hướng thượng. Các phương tiện văn nghệ tốt như vậy tại sao không làm?

Phật tử thuần thục trong chánh niệm dù nghe âm nhạc du dương cũng không sinh lòng tríu mến, nghe lũ trẻ nô đùa vẫn thấy nét trong sạch hồn nhiên, không có dụng ý phiền trược như ở người lớn (Tuệ Sỹ), ở trong điệu múa mà vẫn thanh thản điều hoà. Chúng ta hãy theo dõi một lớp thanh nhạc, luyện âm của một Phật học đường hay Nhạc viện, phần luyện thanh có chỗ giống nhau: Điều hoà hơi thở, âm ba phát tự đan điền (dưới rốn) mà giữ sự an tịnh nơi thần kinh – não bộ để làm chủ giọng hát, giọng xướng tụng tự nhiên theo ý mình…

Muốn phát triển GĐPT, trước phải phát triển hài hoà các bộ môn Văn nghệ và Hoạt động Thanh niên, hàng đội tự trị muốn vững vàng đoàn kết cũng rất cần văn nghệ làm chất keo sơn.

Đành rằng các hoạt động văn nghệ khí thế, sôi động là nhờ lớp Huynh Trưởng trẻ, nhưng các Huynh Trưởng trẻ thường vội gấp mà thiếu tâm lý ứng dụng để một bài hát, một trò chơi sinh động bền lâu; thỉnh thoảng cũng có các Trưởng “quá trớn” vì cao hứng mà pha sự lai tạp, lố bịch ngoài đời vào trong ca hát sinh hoạt; cho nên rất cần các Huynh Trưởng lớn để điều chỉnh, định hướng cho thế hệ trẻ, chứ không phải là kềm hãm phát triển, hoặc hay so sánh xưa và nay (xưa bày nay làm). Khi viết đến các tiêu chuẩn trong phần đào luyện, Nhạc sĩ Bửu Ấn mở một con đường, đặt nhiều nhịp cầu thông cảm cho tuổi trẻ hiện nay.

Việc đầu tiên là chúng ta phải chỉnh đốn nhân sự để bồi dưỡng, đào tạo được một lớp “nghệ sĩ” quy củ, có tri thức đủ về một nền tảng văn nghệ vững bền và đa phương cho sự phát triển hình thức và tinh thần Gia Đình Phật Tử Việt Nam.

Việc thứ hai là xác định nhạc lý là môn chính để hướng dẫn các cấp vào một giáo trình bắt buộc (tùy mức độ) để biết đọc nhạc và dạy hát đúng cách. song song, có thể chọn học một vài môn phụ mà mình ưa thích: Hội hoạ, điêu khắc, nhiếp ảnh, vũ nhạc, kịch nghệ, thơ văn… Nếu không có khả năng ca hát thì đệm đàn, hoặc điều khiển các trò chơi nhỏ cho các em.

Tổ chức sinh hoạt các thể loại theo mùa và các dự án lưu trữ lâu bền tiện lợi.

Văn nghệ là chất men khích lệ đời sống văn hoá phong phú hơn. Huống chi Văn nghệ GĐPT là một phương tiện, một pháp cụ tốt trên đường khai phóng tự thân ra khỏi ách nô lệ của dục vọng thường tình; thay thế ngũ dục trần thế bằng phương pháp “Dục như ý túc” để chuyển hoá phiền não thành an vui.

Công năng của Văn nghệ GĐPT không thể lấn lướt được làn sóng văn nghệ chuyên khơi dậy lục dục thất tình của xã hội nhưng chúng chuyển tải Chánh pháp chân thật, tự nhiên, có thể thấm sâu, len lỏi vào tâm thức, thuần hoá con người sống cao thượng vị tha. Khi trời tăm tối, nếu người ta có một ngọn đèn dù nhỏ cũng có thể soi đường dẫn lối đến chốn bình yên.

Bài luận văn với đề tài ‘Tính chất Văn nghệ Gia Đình Phật Tử’ xin ngưng kết bằng hai câu tâm niệm trong bài Sen Trắng:

Đến bao giờ được tày sen ngát
Toả hương thơm từ bi tận cùng.

Viết xong ngày mồng 8 tháng 2 Nhuần, năm Giáp Thân, 2004.

ĐỨC QUẢNG

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. 50 năm Gia Đình Phật Tử Việt Nam của GĐPT Hải Ngoại.
  2. Đường Về Lộc Uyển của Thiền sư Nhất Hạnh.
  3. Nội Quy và Quy Chế Huynh Trưởng GĐPT – Ban Hướng Dẫn Trung Ương.
  4. Bản phác thảo Chương Trình Văn nghệ của Bửu Ấn.
  5. Truyện Kiều & Văn Nghệ Đứt Ruột của Thiền sư Nhất Hạnh.
  6. Tuyển chọn một số hình ảnh minh hoạ của nhiều tác giả.
  7. Nhạc sống GĐPT.
  8. 450 bài Nhạc GĐPT của Bửu Ấn.
  9. 108 ca khúc Hoa Nở Vườn Tâm của Nguyên Truyền.
  10. Đạo Phật & Tuổi Trẻ của TT. Tuệ Sỹ.
  11. Định hướng Văn nghệ GĐPT của Ban Giảng Huấn trại Vạn Hạnh 5.
  12. Tài liệu phụ lục gồm 3 quyển nhạc, 1 CD, 1 VCD Karaoke do chính Khoá sinh thực hiện.

———=oOo=———

Chú thích: Thư Viện GĐPT có bổ túc thêm một số hình ảnh lịch sử khi đăng tải luận văn này.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.