Cảm niệm Pháp Nạn

– Kính bạch Hòa Thượng Thượng Thủ Hội Đồng Tăng Già Chứng Minh.
– Kính bạch Chư Tôn Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức Tăng Ni hiện tọa đạo tràng.
– Kính bạch Chư Tôn trong Ban Kinh Sư chùa Già Lam.
– Kính thưa quý bác Ban Bảo Trợ, thân nhân quý Huynh Trưởng và Đoàn Sinh Gia Đình Phật Tử Việt Nam quá cố.

Chúng con cung kính nghe rằng: Bước vào cửa thiền môn, điều trước và trên hết nên làm là phải biết tri ân và báo ân. Hôm nay với đồng phục trên thân là màu khói hương vô phân biệt và màu xanh nước biển hợp lưu của hàng vạn con sông. Làm sao chúng con quên được chư tôn đại đức Tăng Ni và biết bao nam nữ Phật Tử đã hy sinh vì dân tộc và đạo pháp, nhất là trong 50 năm qua.

Lật lại “Hồ Sơ Đàn Áp Phật Giáo” do Hội Phật Giáo Trung Việt thiết lập năm 1962, với hơn 50 trường hợp chỉ trong khu vực Trung Phần Việt Nam gởi lên Tổng thống Ngô Đình Diệm – Chủ tịch Quốc Hội – với hơn 50 trường hợp cụ thể bị bắt bớ giam cầm tra tấn và thủ tiêu một cách dã man, lại còn hơn 2.000 trường hợp bị ép buộc cải đạo và cưỡng chế đi di dân lập ấp tại các khu Dinh Điền từ các năm 1958, 1959.

Ngày ấy chính quyền ông Ngô Đình Diệm chỉ coi đạo Thiên Chúa là một tôn giáo được hưởng các quyền tự do hành đạo và truyền đạo. Các tôn giáo khác chính quyền chỉ coi như một hội đoàn trong xã hội như Hội Nông Dân, Hội Phụ Nữ, Câu Lạc Bộ Bida, Hội Chim Cá Cảnh v.v… làm việc chi cũng phải xin phép.

Sự kiện triệt hạ cờ Phật Giáo chỉ là giọt nước cuối cùng làm tràn ly nước mà thôi. Phật Giáo bất cứ lúc nào và ở đâu, sự thanh tịnh, hòa hợp và yêu thương cũng được coi như những điều tất yếu để biểu dương giáo nghĩa hòa bình của chư Phật và đạo Phật luôn luôn đặt sự tồn tại của mình trong sự tồn tại của dận tộc và đạo pháp, yếu tố nhân bản được nêu lên hàng đầu trên con đường hoằng hóa độ sanh.

Sự kiện quần chúng tụ tập đòi được nghe tường thuật lễ Phật Đản chỉ cần một lời giải thích hợp tình, hợp lý là mọi người sẽ ra về. Sự kiện huy động các lực lượng vũ trang để trấn áp đã là quá đáng huống hồ là nổ súng, cho chiến xa chà lên thân thể của những trẻ vị thành niên. Với kẻ thù, khi tuổi còn vị thành niên chúng ta không nỡ làm như thế nửa là!

Máu của tín đồ Phật Giáo đã chảy, biểu tượng linh thiêng của Phật Giáo là giáo kỳ đã bị triệt hạ. Đó là những sĩ nhục lớn, thế nhưng Phật Giáo biểu tình với những đòi hỏi quá ư nhỏ nhoi: Xin cờ Phật Giáo được treo lên; người chết phải được bồi thường; và xin đừng trả thù. Chính sự đòi hỏi quá ư khiêm tốn ấy đã khiến cho các hệ phái Phật Giáo thuộc hai tông Nam Bắc gắn kết, hòa hợp, thanh tịnh bên nhau; khiến toàn dân nổi dậy biểu đồng tình. Sự kiện Hòa Thượng Thích Quảng Đức tự thiêu ngày 11-6-1963. Chính quyền đã thiết lập “Uỷ Ban Liên Bộ”, tiến đến tăng cường thành phần, ra thông cáo chung, nhưng đó chỉ là kế hoãn binh để thanh toán thành phần nhân sự chủ chốt của Phật Giáo.

Sự kiện ngày 17-7-1963, chính quyền huy động toàn bộ lực lượng tấn công, gây thương tích, bắt bớ giam cầm một số tín đồ Tăng Ni, Phật Tử tại chùa Giác Minh và chùa Xá Lợi, dùng dây thép gai bao vây các chùa chiền; cúp nước, cúp điện; nội bất xuất, ngoại bất nhập; ngang nhiên chà đạp Hiến pháp và luật pháp quốc gia. Tối 17, lực lượng an ninh xâm phạm chùa chiền bắt vô số Tăng Ni. Đột nhiên sáng 19 khi trời còn tinh mơ, các cơ quan quân sự thu dọn dây kẽm gai phong tỏa chùa chiền và nhanh chóng rút lui. Lý do ngày ấy chính quyền mở cuộc họp báo tiếp đón phái đoàn báo chí trong và ngoài nước. Thầy Chánh Lạc đã vạch trần sự lật lọng của chính quyền và ra về, đến An Dưỡng Địa thì bị hốt, nhưng Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo đã xuất hiện kịp thời và đa số Tăng Ni, tín đồ Phật Giáo đã được thả ra.

Ngày 22-7-1963, Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo mở cuộc họp báo tại chùa Xá Lợi, tố cáo trước quốc dân đồng bào và cộng đồng quốc tế sự phản bội của chính phủ Việt Nam Cộng Hòa.

Để đáp lại, chính quyền ra lệnh tổng kiểm tra thành phần Phật Giáo trong các cấp chánh quyền để sa thải, thuyên chuyển, giáng cấp… đã gây công phẫn trong tuyệt đại đa số quần chúng nhân dân. Các lực lượng thanh niên, sinh viên, học sinh, nghiệp đoàn, các tôn giáo bạn kể cả Thiên Chúa Giáo đều xuống đường ủng hộ Phật Giáo.

Ngày 30-7 là ngày chung thất Hòa Thượng Thích Quảng Đức, Uỷ Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo đã ra Tuyên Ngôn lột trần âm mưu của chế độ.

Thấy đạo pháp lâm nguy:

– Ngày 4-8-1963, Đại Đức Thích Nguyên Hương tự thiêu để bảo vệ đạo pháp tại Bình Thuận.

– Ngày 13-8-1963, Đại Đức Thích Thanh Tuệ tự thiêu tại chùa Phước Duyên, Huế.

– Ngày 15-8-1963, Sư Cô Diệu Quang tự thiêu tại Ninh Hòa.

– Ngày 16-8-1963, Thượng Tọa Thích Thiện Huệ (tức TT. Thích Tiêu Diêu) tự thiêu tại chùa Từ Đàm.

– Ngày 5-10-1963, Đại Đức Thích Quảng Hương tự thiêu tại bùng binh chợ Bến Thành.

– Ngày 27-10-1963, Đại Đức Thích Thiện Mỹ tự thiêu trước nhà thờ Đức Bà.

Cả nước sôi sục khí thế đấu tranh. Nhưng Phật Giáo cương quyết bảo vệ lập trường không lật đổ chánh quyền, chỉ muốn cải thiện chánh sách; đưa kẻ giết người ra trước pháp luật và bồi thường xứng đáng cho thân nhân những người thiệt mạng. Nhưng rồi chánh quyền đã đánh lá bài lật ngửa bằng chiến dịch thác lũ vào lúc 0 giờ 15’ ngày 20 tháng 8 năm 1963, tấn công sắt máu vào chùa chiền trên toàn lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa. Toàn bộ quý thầy trong Ủy Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo đều bị chánh quyền bắt và biệt giam.

Ngày 21, chính phủ ban hành lệnh giới nghiêm trên toàn lãnh thổ và tấn công truy sát lãnh tụ Phật Giáo. Quân đội miền Nam đã thực hiện sứ mạng bằng cách đứng về phía đồng bào và lật đổ chế độ ông Diệm vào ngày 1-11-1963. Ngày 2-11-1963, Tổng thống Ngô Đình Diệm và Cố vấn Ngô Đình Nhu đã chết vì thuộc cấp và súng đạn mà chính ông đã dùng để trấn áp đồng bào Phật Giáo trên đất nước của ông.

Ngày nay chiến tranh đã kết thúc. Hòa bình đã được lập lại trên quê hương, nhưng hầu như chúng ta quên mất bài học lịch sử 50 năm Pháp Nạn đã qua.

NAM MÔ TỒI TÀ PHỤ CHÁNH THỦ HỘ GIÀ LAM THÁNH CHÚNG BỒ TÁT MA HA TÁT

 Thị Nguyên.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.