DIỄN VĂN KHAI MẠC
ĐẠI HỘI HUYNH TRƯỞNG GĐPT TOÀN QUỐC
Lần thứ VI (năm 1967)
Của Trưởng Ban Hướng Dẫn Trung Ương GĐPTVN đọc trong
Lễ khai mạc Đại Hội ngày 29 tháng 7 năm 1967 tại Trung Tâm Văn Hóa Phật Giáo
(Văn phòng Tổng Vụ Thanh Niên, số 294 đường Công Lý, thủ đô Sài Gòn)
oOo
– Kính thưa Thượng Tọa Viện Trưởng Viện Hóa Đạo và quý Thượng Tọa trong Hội Đồng Viện.
– Kính thưa Thượng Tọa Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Thanh Niên.
– Kính thưa quý Thượng Tọa, Đại Đức, Tăng Ni trong Ban Cố Vấn Giáo Lý của Gia Đình Phật Tử.
– Kính thưa quý vị quan khách và ân nhân của Gia Đình Phật Tử.
Thay mặt Ban Hướng Dẫn Trung Ương Gia Đình Phật Tử Việt Nam, thay mặt trên 100.000 Huynh Trưởng và Đoàn Sinh Gia Đình Phật Tử trên toàn quốc, chúng tôi trân trọng dâng lời cảm tạ chân thành và nỗi hân hoan của chúng tôi lên Thượng Tọa Viện Trưởng Viện Hóa Đạo, quý Thượng Tọa trong Hội Đồng Viện, Thượng Tọa Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Thanh Niên, quý Thượng Tọa, Đại Đức, Tăng Ni trong Ban Cố Vấn Giáo Lý, quý vị quan khách và ân nhân của Gia Đình Phật Tử đã hoan hỷ quang lâm dự Lễ Khai Mạc Đại Hội Huynh Trưởng GĐPT toàn quốc của chúng tôi. Sự hiện diện đông đảo của quý Ngài, một lần nữa đã nói lên một cách chân thành lòng ưu ái và sự quan tâm đặc biệt của quý Ngài đối với phong trào giáo dục thanh niên của Giáo Hội.
Hơn một năm nay, từ Pháp Nạn 1966, ngoài những khổ nhục chung của đất nước và của Giáo Hội, Gia Đình Phật Tử chúng tôi ở tại trung ương cũng như ở trên toàn quốc đã phải chịu đựng nhiều nỗi gian lao, tang tóc trong nội bộ mình: Một số anh chị em Huynh Trưởng và Đoàn Sinh đã hy sinh thân mạng hay bị giam giữ, lưu đày; một số khác bị bắt đi quân dịch mặc dù chưa đến kỳ hạn; một số khác trong giới công chức hay quân dân đã bị cách chức hay thuyên chuyển đến những nơi rừng thiêng nước độc. Đau đớn nhất là trụ sở của Ban Hướng Dẫn Trung Ương ở đường Hiền Vương đã bị chiếm giữ, một số tài liệu quý báu cất giữ từ hơn 20 năm nay đã bị lấy mất. Trong khi ấy, thì quỹ của Ban Hướng Dẫn Trung Ương vốn đã nghèo vì không được một sự trợ cấp thường xuyên nào cả, lại càng nghèo thêm vì phải đài thọ, giúp đỡ cho một số anh chị em đang lâm vào cảnh tù đày, lao lý ở nhiều nơi. Nhưng điều đáng mừng là, trong hoàn cảnh đen tối như vậy Gia Đình Phật Tử chúng tôi vẫn cố gắng sinh hoạt đều đặn, không có một sự xáo trộn, một sự chia rẽ vì chính kiến hay vì tinh thần cục bộ, địa phương nào cả. Ban Hướng Dẫn Trung Ương vẫn liên lạc được với tất cả 7 Miền trong Giáo Hội, với tất cả các Ban Hướng Dẫn tỉnh hay các Ban Chấp Hành trên toàn quốc. Nếu số lượng của Gia Đình Phật Tử ở Miền Vạn Hạnh có sút kém hơn mấy năm trước vì tình trạng chiến tranh lan rộng, vì ảnh hưởng của Pháp Nạn 1966, thì trái lại, số lượng các Gia Đình Phật Tử ở Miền Huệ Quang lại tăng lên. Và một bằng chứng hùng hồn nhất là Đại Hội năm nay mặc dù ảnh hưởng của thời cuộc, đời sống đắt đỏ, phương tiện di chuyển khó khăn, số lượng đơn vị tỉnh cũng như số lượng Đại Biểu về tham dự lại đông đảo hơn bao giờ hết, hơn cả Đại Hội năm 1964 là năm mà Giáo Hội được hưng thịnh nhất, sau ngày cách mạng 1/11/1963.
Hiện tượng lạ lùng như vậy phải được giải thích như thế nào? Trước tiên, chúng tôi nghĩ rằng đó là do truyền thống bất khuất của dân tộc: Càng bị đàn áp lại càng vươn lên mạnh; càng gặp gian lao khổ cực lại càng hăng chí tiến thủ. Lịch sử của đất nước đã luôn chứng minh như vậy. Thứ đến, đó là do tinh thần trung kiên của người con áo lam đối với Gia Đình Phật Tử: dù gặp hoàn cảnh nào, sáng sủa hay đen tối, họ vẫn không quên lý tưởng mà họ vẫn tôn thờ. Một vài ví dụ cụ thể: Sau Pháp Nạn 1966, một số công chức, hay quân nhân, Huynh Trưởng của Gia Đình Phật Tử đã bị thuyên chuyển từ Vùng I Chiến Thuật qua các Vùng khác, thì họ vẫn sinh hoạt lại trong hoàn cảnh mới của mình, bằng cách gia nhập vào các Gia Đình Phật Tử đã có ở địa phương, hay thành lập những Gia Đình Phật Tử mới. Ngay ở Đảo Phú Quốc, từ ngày một số Phật Tử bị lưu đày ra đó, thì ở đó màu lam của Gia Đình Phật Tử đã được xuất hiện giữa màu xanh của cỏ cây và trời biển.
Kính thưa quý vị.
Ngoài các nguyên nhân nói trên, chúng tôi thấy còn có một nguyên nhân khác, không kém phần quan trọng đã giúp cho sự phát triển của Gia Đình Phật Tử chúng tôi. Đó là sự tán trợ nhiệt thành, sự ủng hộ tinh thần hay vật chất của các phụ huynh Đoàn Sinh trên toàn quốc; của các ân nhân của Gia Đình Phật Tử; của Giáo Hội từ hạ tầng cơ sở cho đến trung ương. Nhất là ở trung ương, từ ngày Viện Hóa Đạo được dời về Ấn Quang, đã nhiều lần Ban Hướng Dẫn chúng tôi được chứng kiến lòng ưu ái, sự quan tâm đặc biệt của Thượng Tọa Viện Trưởng Viện Hóa Đạo và quý Thượng Tọa trong Hội Đồng Viện đối với đoàn thể chúng tôi qua các cuộc viếng thăm, các sự đóng góp tiền túi để cho chúng tôi có phương tiện tổ chức các buổi lễ lược, các cuộc Họp Bạn hay các khóa huấn luyện…
Vậy hôm nay là một dịp quý báu để chúng tôi thay mặt toàn thể Ban Hướng Dẫn Trung Ương thành tâm cảm tạ sự nâng đỡ về phương tiện tinh thần và vật chất của Thượng Tọa Viện Trưởng và quý Thượng Tọa trong Hội Đồng Viện, Thượng Tọa Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Thanh Niên, quý Đại Đức Tăng, Ni và toàn thể quý vị ân nhân xa gần của Gia Đình Phật Tử hiện diện hay vắng mặt trong buổi lễ khai mạc Đại Hội này.
Sau đây là một vài lời chúng tôi xin mạn phép tỏ bày cùng toàn thể anh chị em Đại Biểu.
Thưa toàn thể anh chị em.
Sự đoàn tụ đông đảo của anh chị em trong Đại Gia Đình Phật Tử hôm nay nhắc nhở chúng ta nhớ tưởng đến những anh chị em vắng mặt vì đã ra đi trong một cuộc hành trình vĩnh viễn cho chính nghĩa; hay vắng mặt vì hiện đang mắc vòng lao lý, tù đày. Mặc dù vắng mặt, những anh chị em ấy vẫn luôn luôn và mãi mãi hiện diện trong lòng chúng ta và nhắc nhở chúng ta làm tròn sứ mệnh đối với lý tưởng của Đại Gia Đình chúng ta: Lý tưởng đào tạo những Phật Tử chân chính và góp phần xây dựng xã hội trên nền tảng Phật Giáo.
Lý tưởng ấy chúng ta đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong đời làm Huynh Trưởng của chúng ta. Nhưng hôm nay, trong khung cảnh trang nghiêm này, nhắc lại thêm một lần nữa, tưởng cũng không phải là thừa. Ngày nay, sau cách mạng, khẩu hiệu “Đạo Pháp và Dân Tộc” được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trên các diễn đàn và văn chương Phật Giáo. Bốn chữ ấy thật ra đã hàm chứa trong lý tưởng, trong mục đích của Gia Đình Phật Tử từ hơn 20 năm trước. Nó làm căn bản cho chương trình tu học về cả 3 ngành: Phật Pháp, Văn Nghệ và Hoạt Động Thanh Niên. Nó là kim chỉ nam cho mọi hoạt động của tổ chức chúng ta. Chính vì để bảo vệ nó mà chúng ta đã xuống đường, đã tuyệt thực, và đã có người trong chúng ta tự thiêu. Chính nhờ nó mà anh chị em chúng ta đã đoàn kết thành một khối chặt chẽ, không phân biệt đó là Miền Vạn Hạnh hay Vĩnh Nghiêm, là Miền Huệ Quang hay Khuông Việt. Chính nó là tiêu chuẩn để chúng ta xem ai là bạn, ai là thù, ai nên theo, ai nên bỏ. Nó là lẽ sống của chúng ta, mà dù ai có dọa dẫm, hay cho bạc vàng, chúng ta cũng không thể từ bỏ được.
Thưa toàn thể anh chị em.
Như đã nói ở trên, lý tưởng của tổ chức chúng ta làm căn bản cho mọi ngành sinh hoạt của Gia Đình Phật Tử. Bởi vậy trong khi bàn cãi cho vấn đề, mặc dù có tính cách chuyên môn, xin anh chị em đừng quên căn bản ấy: căn bản Đạo Pháp và Dân Tộc gắn liền. Nếu chúng ta xa rời căn bản ấy, chúng ta sẽ mất tất cả, đoàn thể chúng ta sẽ mất hết sinh khí và mất luôn sự ủng hộ của đại đa số quần chúng Phật Tử hay không.
Tôi chấm dứt ở đây với hy vọng Đại Hội này sẽ khám phá thêm những khía cạnh chưa được khám phá trong cái khẩu hiệu “Đạo Pháp và Dân Tộc” để áp dụng một cách có ý thức và hữu hiệu hơn nữa trong mọi ngành sinh hoạt của Gia Đình Phật Tử chúng ta.
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT.