Diễn văn khai mạc Đại Hội Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử toàn quốc lần thứ II (1953)

DIỄN VĂN KHAI MẠC
ĐẠI HỘI HUYNH TRƯỞNG GĐPT TOÀN QUỐC
Niên khóa II – 1953-1955

Của Trưởng Ban Hướng Dẫn Trung Ương GĐPTVN đọc trong
Lễ khai mạc Đại Hội ngày 1 tháng 1 năm 1953 tại chùa Từ Đàm, Huế

oOo

– Thưa quý vị Đại Đức Tăng-già.
– Thưa quý Ngài, quý Đạo Hữu, cùng toàn thể anh chị em Gia Đình Phật Tử.

Thay mặt Ban Hướng Dẫn Gia Đình Phật Tử Tổng Hội, chúng tôi xin kính chào quý vị Đại Đức Tăng-già, quý Ngài và quý Đạo Hữu. Sự hiện diện đông đảo của quý vị hôm nay vừa chứng tỏ sự quan tâm đặc biệt của quý vị đối với tổ chức thanh niên và giáo dục của chúng tôi, vừa chứng tỏ thiện ý muốn nâng đỡ và khuyến khích chúng tôi trong nhiệm vụ nặng nề mà anh chị em chúng tôi đang gánh vác. Trước ý niệm đẹp đẽ ấy, chúng tôi chỉ biết thành tâm cảm tạ, và nguyện sẽ luôn luôn cố gắng làm tròn nhiệm vụ để khỏi phụ lòng chiếu cố của quý vị.

Thưa các anh chị em đại diện Gia Đình Phật Tử Bắc và Nam Việt.

Sự hiện diện của anh chị em trong hội trường này làm chúng tôi cảm kích vô cùng. Nó chứng tỏ sự hưởng ứng nồng nhiệt của Phật Tử Bắc và Nam đối với phong trào Gia Đình Phật Tử. Theo với anh chị em, một luồng gió phấn khởi đã bay về và quạt vào lòng chúng tôi, làm chúng tôi thêm hăng hái. Từ đây, trên lý tưởng chúng tôi không lẻ loi nữa. Chúng tôi có thể nắm chặt tay anh chị em Bắc và Nam mà tiến mạnh, tiến xa không quản ngại hào sâu và hố hiểm.

Cùng toàn thể anh chị em Đại Biểu các tỉnh.

Đáp lại lời kêu gọi của Ban Hướng Dẫn Tổng Hội, anh chị em đã sốt sắng về dự đông đảo, quá cả cái số mà chúng tôi đã phỏng định trước. Sự sốt sắng về họp mặt trong Đại Gia Đình chúng ta có thể làm mực thước để đo sức lớn mạnh của phong trào và lòng tin tưởng đối với nó. Mặc dù những trở ngại khó khăn, anh chị em vẫn không lùi bước và trái lại, còn tiến xa hơn nữa. Chúng tôi xin có lời thành thật tán thán sức dõng mãnh của anh chị em, sức dõng mãnh thật xứng đáng với con nhà Phật.

Các Đại Biểu tham dự Đại Hội (trong đó có quý anh Lê Cao Phan, Lê Đình Liêm, Phan Cảnh Tuân, Cao Chánh Hựu…)

Các Đại Biểu tham dự Đại Hội, trong đó có quý anh: Lê Cao Phan, Lê Đình Liêm, Phan Cảnh Tuân và Cao Chánh Hựu.

Cuộc họp mặt Huynh Trưởng này có mục đích trao đổi và tập trung ý kiến; tư tưởng và tình cảm; kinh nghiệm và tài liệu. Ngoài những buổi thảo luận, chúng tôi có tổ chức những buổi vũ-kịch-nhạc, phòng triển lãm ngày cắm trại và những cuộc vui thân mật. Để cuộc họp mặt này được nhiều kết quả tốt đẹp, trước hết mong anh chị em Bắc-Nam-Trung hãy thành thật trải rộng lòng mình đừng dấu diếm, mà hãy coi như anh chị em ruột cùng một Đại Gia Đình mà đấng cha lành là Đức Phật.

Riêng trong các cuộc họp bạn, chúng tôi muốn nhấn mạnh để anh chị em nhắm ngay mục tiêu chính của cuộc họp bạn mà thảo luận và tìm những phương pháp nào để cải thiện đời sống của Gia Đình Phật Tử chúng ta.

Khi chúng ta nói rằng “cải thiện đời sống của Gia Đình Phật Tử”, chắc có người sẽ tự hỏi: “như thế thì Gia Đình Phật Tử mấy lâu nay đi trên con đường ác hay sao?” Thưa không! Chúng tôi vẫn còn phụng sự lý tưởng đẹp đẽ của Gia Đình chúng tôi dựa trên nền tảng Phật Giáo để đào tạo con người và cải tạo đời sống; chúng tôi vẫn còn ghi khắc trong tâm khảm chúng tôi châm ngôn Bi-Trí-Dũng; chúng tôi vẫn đọc và còn đọc lại những điều luật của Gia Đình. Tóm lại, cái tinh thần của Gia Đình Phật Tử chúng tôi vẫn còn thấy là chân, là thiện và không có gì đáng sửa đổi. Điều chúng tôi muốn cải thiện là cái đời sống của Gia Đình. Khi đã gọi là sống nghĩa là băn khoăn, tìm tòi lựa chọn biến chuyển và tiến; và trái lại với những điểm ấy là đã chết hay sắp chết rồi đó. Sau 10 năm thoát thai, Gia Đình Phật Tử đã lớn mạnh, và vì lớn mạnh nên nó đòi hỏi nhiều nhu cầu hơn. Nó không thể sống mãi trong thời kỳ ấu trĩ, trong những phạm vi và điều kiện sinh hoạt của tuổi lên 5, lên 7 được. Sau 10 năm sống và kinh nghiệm, nó đã rút được những bài học quý giá mà hôm nay, trước khi đem ra thực hành, hội nghị này cần phải thảo luận lại cho rốt ráo. Những bài học ấy tóm tắt lại trong ba khẩu hiệu mà quý vị đã thấy ở trên tường của phòng họp là:

a) “Đạo trong Đời – Đời trong Đạo”: Đạo cần phải tuôn xuống, phải lan ra, phải thấm vào cuộc đời, bồi bổ cho nó, như nước thấm nhuần trong đất. Đạo không thể xa cuộc đời, hễ xa là cằn cỗi, là ráo khô, và không còn nghĩa sống nữa. Đạo phải ở trong đời, phải phụng sự cho đời. Nhưng ngược lại, đời phải ở trong đạo. Nếu đạo theo đời mà không hoán cải được cuộc đời, buông lung theo đời để phải mất gốc, mất bản sắc, thì đạo không còn là đạo nữa, vì nó đã mất nhiệm vụ cao cả là hướng dẫn là chỉ đường. Nói một cách khác, đạo không thể đi một đường mà đời đi một đường. Đạo với đời phải đi sát liền với nhau.

Từ trước đến nay Gia Đình Phật Tử vẫn quan niệm như thế. Nhưng trong thực tế, đạo vẫn chưa phổ cập sâu rộng trong đời. Một số anh chị em Phật Tử được may mắn gần đạo, nhưng họ vẫn phải ngưỡng cổ, nhón chân lên cao lắm mới thấy được. Vẫn biết rằng muốn đi đến sự cao đẹp tất nhiên phải cố gắng trường kỳ. Nhưng cố gắng mà không có phương pháp, không dựa vào sinh lý và tâm lý thì sẽ phí sức nhiều mà kết quả không được bao nhiêu. Vậy chúng ta phải làm thế nào cho đạo được phổ cập vào đời sống của thanh thiếu niên nhiều hơn nữa, để cho đời sống của họ được thấm nhuần trong đạo vị. Đạo phải như một làn hương không phải nhốt trong một phòng kín, mà phải lan rộng ra, phảng phất mãi trong không gian, ngửi thì không thấy rõ ràng ở đâu hết, nhưng mỗi khi một ít, nó ướp thơm cuộc sống.

b) Khẩu hiệu thứ hai là “Lý thuyết cho thực hành – thực hành cho lý thuyết”: Có những lý thuyết rất hay, nhưng không thể thực hành được, có khi vì những lý thuyết ấy, thực tế không đòi hỏi hỏi đến. Nó như những chậu cảnh, nhìn thì đẹp nhưng không che cho người ta được đỡ nắng, không sinh trái cho người ta ăn được. Nó như hòn ngọc quý đối với những người bộ hành đang khát ở giữa sa mạc, không giúp cho người ta đỡ khát được. Vậy phải nhắm vào thực hành mà lý thuyết. Nhưng khi lý thuyết đã có rồi, phải thực hành cho đúng, cho được. Phải vì lý thuyết mà thực hành. Đừng thuyết lý một đường mà thực hành một ngả, lý thuyết và thực hành phải đi sát liền nhau.

Gia Đình chúng ta không phải là một ban nghiên cứu ngồi nghiền ngẫm lý thuyết này, lý thuyết nọ, mà là một tổ chức thanh niên, cần chú trọng đến thực hành, nói ít mà làm nhiều. Làm ngay những điều mình đã học, và học những điểm mà mình đã làm. Khi lý thuyết phải nghĩ đến thực hành, khi thực hành phải nghĩ đến lý thuyết.

c) Khẩu hiệu thứ ba là “Áp dụng đúng thời và hợp thế”: Mọi công việc trong đời đều nằm trong thời gian và không gian cả. Không thể thành công được nếu không dựa lên hai yếu tố ấy. Nhưng thời gian và không gian đều động, nếu biến chuyển và đã biến chuyển tất phải sai biệt. Thời gian Trung Cổ chẳng hạn, không phải là thế kỷ XX, không thể đem áp dụng một lý thuyết của thời ấy cho ngày nay mà sửa đổi cho hợp thời. Nước Anh chẳng hạn, không phải là Việt Nam, không thể đem nho ở nước ấy sang trồng bên ta mà không chua lè nếu chúng ta không tìm đủ điều kiện thích hợp với nó. Nói một cách khác, bất kỳ một phong trào gì muốn đứng vững và phát triển mạnh, cần phải luôn luôn tìm cách áp dụng cho đúng thời đại và hợp địa thế.

Gia Đình Phật Tử chúng ta dựa lên nền tảng của đạo Phật. Nhưng chúng ta đang ở giữa thế kỷ 20, phải lựa một pháp môn nào thích hợp với thời đại, thích hợp với tuổi trẻ. Gia Đình Phật Tử chúng ta là Gia Đình Phật Tử Việt Nam, thì trước tiên nó phải có bản sắc của đất nước. Không phải chúng ta có ý phân chia ranh giới, cố thủ trong ý niệm quốc gia hẹp hòi. Nhưng một phong trào gì muốn cho được thiết thực lợi ích và bành trướng mạnh, phải dựa lên dân tộc tính và địa lý cuộc mới được. Chẳng hạn, nước ta là một nước thổ sản tre; môn học Gút của Gia Đình chúng ta phải tập cho các Đoàn Sinh làm tre, như cột, như nút lạt, đan một cái rổ, cài một tấm phên, trước khi dạy những cái gút của Âu Mỹ hay làm những đồ dùng bằng thép. Chẳng hạn, về văn nghệ, chúng ta không thể tập cho các em những điệu nhảy trên hài sắc của Âu Mỹ, mà bỏ qua những điệu múa dung dị mộc mạc hợp với dáng điệu và phong tục của dân tộc ta được. Nhất là đối với thôn quê, chúng ta phải nghiên cứu một chương trình riêng để áp dụng sát mới được. Tóm lại, về điểm này, chúng ta phải chú trọng sự áp dụng cho đúng thời và hợp thế, mới mong tồn tại và phát triển mạnh được.

Thưa toàn thể anh chị em Đại Biểu.

Ba quan điểm, ba khẩu hiệu trên, chắc rằng anh chị em cũng đã từng băn khoăn suy nghĩ đến và chính Gia Đình Phật Tử chúng ta cũng đã thực hành một phần nào rồi. Nhưng vì chúng ta chưa đặt thành vấn đề để thảo luận chung và chưa áp dụng triệt để, nên trong cuộc họp bạn này chúng tôi xin đưa ra làm nòng cốt để anh chị em nghiên cứu. Có lẽ anh chị em sẽ gặp nhiều trở ngại khó khăn trong lúc vạch chương trình học tập cho các Ngành, và nhất là sau này trong lúc áp dụng cho sát chương trình và đường lối đã vạch sẵn. Nhưng những trở ngại khó khăn đó, chúng ta quyết sẽ vượt qua và chúng ta chắc sẽ vượt qua được hết, khi chúng ta đem hết tất cả tâm huyết ra để phụng sự lý tưởng đẹp đẽ và cao quý của Gia Đình Phật Tử chúng ta.

Vì lý tưởng cao cả của Gia Đình Phật Tử, chúng ta sẽ không từ chối một gian lao khổ ải nào hết. Dưới tay chúng ta hiện nay đang có từng ngàn và rồi đây, từng vạn con em mà phụ huynh giao phó cho chúng ta uốn nắn, che chở vun xới. Những phần tử ưu tú của giới Phật Tử của xứ sở đang phó thác cuộc đời cho chúng ta dìu dắt, chúng ta phải làm thế nào cho xứng đáng sứ mệnh ấy. Ngày nay Gia Đình Phật Tử không còn nằm trong phạm vi một tỉnh hay một xứ, mà đã lan rộng ra đến toàn quốc. Ảnh hưởng của nó sẽ to lớn lắm. Nếu chúng ta đi sai đường, chúng ta sẽ có tội lớn không những đối với đồng bào trong hiện tại, mà còn đối với lịch sử của nước nhà nữa. Nhưng trái lại, nếu chúng ta đi đúng hướng, theo đúng đà tiến triển của nhân loại, thì đó cũng là một cái công lớn mà dù có tốn bao nhiêu mồ hôi nước mắt, chúng ta cũng cố đạt cho được., Tóm lại nó là nghĩa sống của đời chúng ta. Chúng ta có thể hy sinh tất cả cho nó mà không hối hận, tiếc thương./.

VÕ ĐÌNH CƯỜNG

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Website này sử dụng Akismet để hạn chế spam. Tìm hiểu bình luận của bạn được duyệt như thế nào.